Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Buồn bã với những môi hôn - Sự đối nghịch trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

Buồn bã với những môi hôn
Sự đối nghịch trong âm nhạc Trịnh Công Sơn
Tất cả bài nhạc của Trịnh Công Sơn đều ngắn hoặc rất ngắn. Riêng một bài duy nhất mang dáng dấp một trường ca: bài Đóa Hoa Vô Thường. Với nhạc dạo đệm trước mỗi đoản khúc, bài hát kể một tình sử triết lý qua cách hiểu của Trịnh Công Sơn về chữ "ái" và chữ "tâm".
Đây không phải là lần đầu vô thường đi vào lời ca của Trịnh Công Sơn. Vô thường bàng bạc trong nhạc Trịnh Công Sơn từ thuở đầu, nhưng không mấy ai để ý. Lời ca của anh hay quá, thơ quá, hát lên nghe đã bâng khuâng rồi, đâu cần hiểu ý nghĩa, chỉ mang máng thấy lời thơ có một chiều sâu triết lý thiếu vắng hẳn trong nhạc Việt Nam. Có lẽ chính tác giả cũng chưa ý thức được rõ ràng điều mình cảm nhận, và chính nhờ thế mà tính cách mông lung của lời ca làm rung động lòng người, khác với lời văn sáng sủa. Với Đóa Hoa Vô Thường, Trịnh Công Sơn nhạc hóa lý thuyết và lý thuyết hóa nhạc. Anh còn chua thêm giải thích ở mỗi chuyển mạch để ý của nhạc được hiểu rõ hơn. Đoạn thứ nhất là đi tìm tình, nhịp thong dong. Đoạn thứ hai là gặp tình, đưa tình về, nhịp hớn hở, mùa xuân trên những mái nhà, có con chim hót tên là ái ân. Đoạn thứ ba là bốn mùa yêu nhau trong lẽ vô thường của trời đất. Sau đó, nhạc bắt đầu hiu hắt, một thời yêu dấu đã qua, ôi áo xưa em là một chút mây phù du. Rồi nhạc mạnh và êm dịu lại để đi vào đoạn kết: từ đó ta là đêm nở đóa hoa vô thường. Tại sao nhạc êm dịu lại? Anh giải thích: tình do tâm ta mà sinh, có khi tình mất mà tâm còn động vọng, đến lúc tâm bình an thì tình kia cũng đoạn nỗi.
Chữ "ái", đó là chỗ mà ai cũng thấy nơi Trịnh Công Sơn, chiếc nôi trong đó chúng ta nằm nghe anh ru từ mấy chục năm nay. Chữ "tâm" là cánh cửa mới mở ra trước Trịnh Công Sơn, nơi anh có cảm tưởng đang đến, kết thúc một đời rong chơi. Từ "ái" đến "tâm", Đóa Hoa Vô Thường trình bày một quá trình chuyển hóa trong đó chuyện đời cũng như chuyện tình diễn biến dưới hình thức đối nghịch của từng đôi, từng cặp như tôi với em: tìm/gặp, gặp/mất, mất/còn, có/không. Vô thường, trong Trịnh Công Sơn, không có gì khác hơn là cái có đi vào cái không. Có thể ý tưởng về quá trình đối nghịch đó đã nằm trong vô thức của Trịnh Công Sơn từ trẻ. Hát lại Trịnh Công Sơn từ khi anh mất, trực nhận của tôi chợt bắt gặp vô thức của anh. Tôi sẽ nói ở đây những đối nghịch đó mà tôi nghĩ luôn luôn là nét chính trong nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi sẽ trích khá nhiều ví dụ, nhưng tôi phải tự kiềm chế tôi, nếu không thì hát hoài không dứt.
Tôi muốn bắt đầu bằng một đối nghịch trong cách vẽ tranh của Trịnh Công Sơn. Chẳng tại sao cả. Chỉ vì nói đến nhạc Trịnh Công Sơn mà bắt đầu bằng triết lý chắc là không ổn, vì anh là thi sĩ. Phải bắt đầu bằng người đẹp, người đẹp nhất trong tất cả những người đẹp nhất từ hai trăm năm nay: Thúy Kiều.
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Tại sao gió sẽ mừng? Vì tóc em là gió. Gió đùa với gió, làm sao gió không vui? Tại sao mây lại hờn? Vì tóc em là mây. Mây thua nước tóc, làm sao mây không dỗi? Em là giai nhân toàn bích. Thế nhưng một nhan sắc toàn bích không làm Trịnh Công Sơn rung động. Giữa toàn bích, anh chấm một nét hỏng, và chính nét hỏng đó là cái duyên làm say lòng người.
Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi

Tất cả những người đẹp của Trịnh Công Sơn đều có vai gầy. Vai gầy, có thể đẹp. Nhưng gầy guộc thì nhất quyết là hỏng. Thì thiếu da thơm quả ngọt mùa xuân. Vậy mà khi thả giọng trầm xuống chữ guộc, tôi tưởng như nghe có cánh con vạc bất chợt vỗ nước bay vào đêm thâu. Đêm vắng sâu hơn và Thúy Kiều đẹp hơn.
Đối nghịch là nét nhạc riêng của Trịnh Công Sơn. Anh nói một điều rồi anh nói điều trái lại. Như nét hỏng nằm giữa toàn bích. Bài hát này của anh đối nghịch với bài hát kia, lời một đối nghịch với lời hai, câu sau nghịch với câu trước, thậm chí hai hình ảnh nghịch nhau trong cùng một câu, trong vòng đôi ba chữ.
Tôi lấy ví dụ Trịnh Công Sơn hát cô đơn. Anh là người cô đơn cùng cực:
Trời cao đất rộng một mình tôi đi
Một mình tôi đi
Đời như vô tận một mình tôi về
Với tôi.
Anh cô đơn với. Chữ với làm tôi rờn rợn. Như câu sau này:
Một ngày thấy bóng em qua nơi này/ một lần với bóng tôi
Một ngày đã có em xa nơi này/ một ngày với vắng tôi
Với vắng tôi. Em chỉ với khi nào không có tôi. Em cộng với con dấu trừ. Cho nên chúng ta chỉ có cái bóng của nhau. 
Trịnh Công Sơn hát cô đơn thảm sầu như vậy, nhưng hát đôi lứa cũng nồng nhiệt vời vợi. Anh cổ vũ:
Hãy ru nhau trên những lời gió mới
Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui...
Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi
Dù mai nơi này người có xa người
Trịnh Công Sơn hát tuyệt vọng. Anh nằm chết lịm trong tuyệt vọng, tuyệt vọng rơi rất gần rơi xuống trong tôi như hoa tiễn đưa rơi trên mộ. Nhưng anh lại đánh trống thúc quân đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng. Anh đang nằm xuống hay anh đã đứng dậy?
Trịnh Công Sơn nhìn đời buồn tênh. Buồn tênh!
Sống có bao năm vui vui buồn buồn người người ngợm ngợm
Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non
Nhưng Trịnh Công Sơn yêu đời thắm thiết. Anh quỳ xuống, tạ ơn đời đã cho anh hạnh phúc lẫn thương đau:
Dù đến rồi đi tôi cũng xin/ tạ ơn người tạ ơn đời
Tạ ơn ai đã cho tôi còn những ngày/ quên kiếp sống lẻ loi
Dù đến rồi đi tôi cũng xin/ tạ ơn người tạ ơn đời
Tạ ơn ai đã cho tôi tình sáng ngời/ như sao xuống từ trời

Tôi biết có người sẽ nói: thì Trịnh Công Sơn cũng như mọi nghệ sĩ khác, có vui có buồn, có yêu thương, có tuyệt vọng. Không phải thế! Trong nhạc Trịnh Công Sơn, vui đi cặp đôi với buồn, hạnh phúc sóng bước với thương đau trong cùng một bài, trong cùng một câu. Đây là hai vế trong cùng một bài, vế thứ nhất là thương đau:
Tình yêu như nỗi chết cơn đau thật dài
Tình khâu môi cười/ hình hài xưa đã thay/ mặn nồng xưa cũng phai
Tình chia nhau gian dối/ tình đày tình đôi nơi
Vế thứ hai là hạnh phúc:
Một mai thức dậy/ chợt hồn như ngất ngây/ chợt buồn trong mắt nai
Rồi tình vui trong mắt/ rồi tình mềm trong tay
Hạnh phúc tưởng như thiên thu:
Tình cho nhau môi ấm/ một lần là trăm năm
Cũng hai vế đối nhau như thế trong hai đoạn, tôi hát thêm bài nữa. Đoạn trước là phụ bạc, nợ nần:
Hai mươi năm xin trả nợ dài
Trả nợ một đời em đã phụ tôi
Em phụ tôi một thời bé dại
Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
Thơ dại ra đi quên hết tình tôi
Đoạn sau là tha thứ lau xóa oán trách, yêu thương vẫy gọi yêu thương:
Bao nhiêu năm vẫn lại nhiệm mầu
Trả nợ một lần quên hết tình đau
Hai mươi năm vẫn là thuở nào
Nợ lại lần này trong cõi đời sau
Đó là hai vế nghịch nhau trong một bài. Bây giờ là hai vế nghịch nhau trong cùng một đoạn. Như thế này là có hay không:
Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại
Ngỡ chỉ là cơn say
đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay
Như thế này là xa hay gần:
Tình như nắng vội tắt chiều hôm
Tình không xa nhưng không thật gần
Như thế này là rộng hay hẹp:
Tình yêu như biển biển rộng hai vai
Tình yêu như biển biển hẹp tay người
Biển hẹp tay người
Lạc lối.
Như thế này là có hay không, mưa hay nắng, đông hay xuân, khứ hay hồi:
Ngoài hiên vắng giọt thầm cuối đông
Trời chợt nắng vườn đầy lá non
Người lên tiếng hỏi người có không
Người đi vắng về nơi bế bồng
Như thế này là sống hay chết, tàn hay nở:
Chìm dưới cơn mưa một người chết đêm qua
Chìm dưới đất kia một người sống thiên thu
Chìm khuất trong ta một lời nói vu vơ
Chìm dưới sương thu là một đóa thơm tho
Như thế này là ngày hay đêm, lên hay xuống:
Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông
Đó là hai vế nghịch nhau trong cùng một đoạn, hoặc giữa câu trước với câu sau. Nhưng lại rất lắm khi nghịch với thuận, không với có, trộn lẫn với nhau, buồn xen trong vui, mông lung không biết đâu là vui đâu là buồn. Mưa là buồn chăng? Không hẳn, mưa trong Trịnh Công Sơn rất hồng, vì mưa trong nắng, mưa khi trời ươm nắng cho mây hồng. Nắng là vui chăng? Không hẳn, lung linh nắng thủy tinh vàng, nhưng nắng lên mà chợt hồn buồn dâng mênh mang. Mưa Huế rất nặng hột, vậy mà mưa cứ như thì thầm dưới chân ngà. Nắng được trời gọi lên, nhưng trời cũng chẳng biết đó là nắng của mưa hay mưa của nắng:
Gọi nắng cho cơn mưa chiều nhiều hoa trắng bay
Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say
Bao nhiêu nụ hồng trong Trịnh Công Sơn, lạ quá, đều là nụ hồng tàn: em gọi nụ hồng vừa tàn cuối sân; đóa hoa hồng tàn hôn lên môi em ngày tháng dài. Có một chút của cái này và một chút của cái kia. Có một chút của cái này trong một chút của cái kia. Có một chút xuôi trong ngược. Trăm năm trong xuân thì. Chân như trong hạt lệ:
Bước tới hư vô khoác áo chân như
Long lanh giọt lệ/ long lanh giọt lệ/ giọt lệ thiên thu
Phôi pha cũng vậy. Trong nhớ đã có quên, trong quên vẫn cứ nhớ, tưởng vơi mà đầy, trong con nước rút đi có hồng thủy dâng lên:
Tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy
Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang
Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều
Như từng cơn nước rộng xoá một ngày đìu hiu
Đến đây, e không còn nói đối nghịch được nữa, e là phải nói đối hợp. Vẫn nghịch như trời với đất, nhưng sương phủ mênh mông nối đất với trời. Chỉ còn mông lung sương. Rõ ràng nhất là cặp vợ chồng đi-về. Không bao giờ Trịnh Công Sơn nói đi mà không nói về. Hễ có đi là có về, hễ về là lại đi, không bao giờ câu trên đi mà không có câu dưới về, thậm chí đi về nằm ôm nhau trong một câu, trong hai chữ, trong một cõi, một cõi đi về.
Trong khi ta về lại nhớ ta đi
đi lên non cao đi về biển rộng
Vừa đi vừa về như thế, đôi chân loanh quanh không biết xoay sở thế nào, tự hỏi, thắc mắc: đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Bốn mùa cũng loanh quanh như thế: mùa xuân chưa qua mùa hạ đã đến, mùa thu chưa đi, mới đầu thu thôi chân ngựa đã về. Mà chỗ về của Trịnh Công Sơn cũng lạ: không phải về nơi đây mà về chốn xa. Con người ra đi, tưởng đi đến đâu, ô hay chỉ làm một vòng xinh rồi trở về nơi cũ, như nằm mộng thấy mình đi:
Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị
Ngày xưa...

Cao Huy Thuần
Nguồn: Nhạc Trịnh Công Sơn
Theo http://www.hoiamnhachanoi.org/


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...