Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Du dương tiếng khèn trên cao nguyên đá

Du dương tiếng khèn 
trên cao nguyên đá
Mèo Vạc - miền đất cực Bắc của Tổ quốc, nơi ẩn chứa trong mình những nét nguyên sơ bản địa, là “kho tàng” văn hóa dành cho người ham khám phá.
Mèo Vạc - miền đất cực Bắc của Tổ quốc, nơi ẩn chứa trong mình những nét nguyên sơ bản địa, là “kho tàng” văn hóa dành cho người ham khám phá. Có lên Mèo Vạc ta mới hiểu tại sao một nơi “thâm sơn cùng cốc” lại hút lòng người đến thế - Đó là bởi sức quyến rũ từ những cung đường đèo hoang sơ và hùng vĩ nhưng vô cùng hiểm trở, bởi câu chuyện tình lãng mạn, bi thương của đôi trai gái ở Khau Vai làm mê hoặc lòng người!
“Chàng đi xuống núi cùng em
Nhớ mang theo ngựa, và đi một mình
Em nay tuy chẳng còn xinh
Có ô che nắng, chợ tình Phong Lưu”.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến Mèo Vạc là nét “văn hóa chợ” và những câu thơ tình sâu lắng. Từ chợ bò, chợ phiên, chợ đêm cho đến chợ tình, mỗi chợ có một đặc trưng, cốt cách và vẫn giữ được nét đặc sắc, độc đáo riêng của một vùng cao nguyên đá. Trong các loại hình chợ, đặc biệt phải kể đến chợ tình Khau Vai (Khau Vai theo tiếng Tày, có nghĩa là đèo gai) còn gọi là chợ Phong Lưu. Trong cái nhộn nhịp của sự mua bán, trao đổi hàng hoá của chợ, ta đã bắt gặp những ánh mắt kiếm tìm mải miết, vẫn nghe đâu đó văng vẳng lời kèn lá nỉ non hoà trong tiếng gió vi vu như kể lại cho du khách câu chuyện tình ngày xưa đẹp và vô cùng lãng mạn.
Chợ tình Khau Vai.
Sau khi dự Lễ Khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch - Lễ hội chợ tình Khau Vai năm 2016 tại thị trấn Mèo Vạc, theo lời “mời chào” đầy quyến rũ của ông Nguyễn Khắc Quyết - Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Mèo Vạc, chúng tôi quyết định bắt xe ôm về Khau Vai để mục sở thị chợ tình. Theo ông Sùng Mí Sính - một già làng ở thôn Ha Dế (xã Khau Vai), chợ có từ hàng trăm năm trước. Chuyện bắt nguồn phiên chợ là câu chuyện tình của một người con trai Mông và một người con gái Giáy yêu nhau. Song, tình yêu của họ đã gây ra hiềm khích giữa hai bộ tộc. Để tránh cuộc đối đầu đẫm máu, họ buộc phải xa nhau. Tuy nhiên, chàng trai và cô gái thề rằng, dù không lấy được nhau thì mỗi năm họ sẽ gặp nhau một lần vào đêm 26/3 tại chợ Khau Vai bây giờ. Chợ tình Khau Vai được hình thành từ đó, mới đầu chỉ là nơi hẹn hò của những người đã lỡ dở tình duyên với nhau và là đêm chợ truyền thống của người Mông, nhưng sau đó được đồng bào các dân tộc khác hưởng ứng.
Với giá 100 nghìn cho cung đường hơn 20 cây số tưởng như bị “chặt chém” nhưng quả thực, có đi mới biết bởi cung đường đèo dốc hiểm trở nhưng đẹp đến nao lòng. Hai bên đường núi đá xô nghiêng, chênh vênh nắng và rì rào gió. Do đặc thù địa hình núi đá, ít cây rừng nên những vòng cua tay áo, những con đèo đều nằm trong tầm mắt. Dốc nối dốc, con đường mềm mại luồn lách qua những rừng đá lô xô. Nhiều lúc sống lưng lạnh toát, trán vã mồ hôi nhưng bù lại, ta có cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vỹ như một kỳ quan của cao nguyên đá. Sự nhọc nhằn cũng nhanh tan biến, cung đường như ngắn lại bởi những câu chuyện vui tếu táo của nhà báo Nguyễn Việt. Dòng người hối hả chen lẫn với các chàng trai, cô gái người Mông, Dao, Giáy, Lô Lô… như chảy về xã Khau Vai làm cho cung đường dường như ngắn lại. Ông Nguyễn Khắc Quyết chia sẻ: Dù đường xa nhưng khách thập phương vẫn lên đây đông như hội bởi những nét độc đáo riêng của Mèo Vạc. Mặc núi đá tai mèo, mặc đèo cao suối sâu và những đoạn đường cua tay áo đầy nguy hiểm, họ náo nức, phấp phỏng… vì sẽ được đắm mình trong một đêm tình yêu lãng mạn thăng hoa. Tất cả đều cùng hướng về chợ tình, hướng về người mình đã yêu, đang yêu và sẽ yêu… như hướng về một nghi lễ thiêng liêng, trọng đại nhất.
Bóng chiều chạng vạng bắt đầu đổ xuống thung lũng Khau Vai trong thanh âm nhộn nhịp tiếng nói cười. Tuấn Tú và Hữu Đại cùng mấy cô gái trẻ người Mông hì hục vác những khúc gỗ gom thành những đống lửa lớn, anh Nguyễn Sỹ và chị Giang Thanh hòa mình cùng các chàng trai người Giáy cạn từng ly rượu. Xa xa, tiếng gọi nhau í ới, tiếng lục lạc, vó ngựa vẫn đang dồn về phiên chợ. Đêm vùng cao sương giăng mù mịt. Đó đây trong các lều quán bắt đầu xuất hiện những cặp tình nhân ngồi sát bên nhau, say sưa trò chuyện bên chảo thắng cố. Bên ánh lửa bập bùng, từng đôi trai gái rực rỡ sắc màu sánh bước bên nhau, ánh mắt rực sáng long lanh như những vì sao đêm trong rừng tối. Chợt, chàng trai Mông bước ra, ngân nga hát trong tiếng khèn du dương, vang vọng cả núi rừng:
“Đêm nay đôi ta ngồi đã muộn
Gà gáy giục chín năm mười sáu tiếng 
Đôi ta không có lòng thì thôi
Có lòng thì hãy mau mau cất tiếng…”.
Có tiếng cô gái đáp lại:
“Giờ này trời đã về khuya
Sao đã lượn vòng đổi ngôi
Sương đã phủ trắng
Em chỉ biết mình anh nhưng chưa biết tim anh…”.
Đêm ở vùng cao nguyên đá lạnh toát, chợ tình Khau Vai càng trở nên sâu lắng, chỉ có tiếng trò chuyện thì thầm và tiếng khèn, tiếng hát réo rắt gọi bạn tình vang lên từ những ngọn núi, đồi xa xa. Du khách dẫu một lần đến với chợ tình Khau Vai hẳn sẽ không quên được những giây phút đầy thi vị này. Giờ đây, chuyện tình Khau Vai không chỉ có người Nùng và người Giáy nữa. Các chàng trai, cô gái của cả người Mông, người Lô Lô, người Dao đều được tự do tìm hiểu và quyết định hôn nhân mà không gặp phải sự cản trở của các bậc làm cha làm mẹ. Chợ tình Khau Vai không chỉ là nơi hò hẹn của những đôi trai gái lỡ duyên nhau mà còn là nơi gặp gỡ làm quen của nam nữ thanh niên. Vì thế, chợ tình Khau Vai đã có biết bao đôi trai gái nên vợ thành chồng từ đây.
Tình yêu của đôi nam nữ trên cao nguyên Mèo Vạc.
Ngoài những ấn tượng về mảnh đất có phiên chợ tình độc đáo, có lẽ điều thú vị mà mỗi du khách đều muốn khám phá và trải nghiệm nhất, đó chính là chợ đêm Mèo Vạc.
Chợ chính thức đưa vào hoạt động từ cuối tháng 4/2016 cùng chuỗi hoạt động văn hóa khác như: Triển lãm ảnh, ra mắt Hội Văn học Nghệ thuật Mèo Vạc, chợ đêm Mèo Vạc là một trong những chuỗi sự kiện tiêu biểu của Tuần Văn hóa, Du lịch Lễ hội chợ tình Khau Vai năm 2016. Ông Nguyễn Khắc Quyết dẫn chúng tôi đi thăm rồi giới thiệu tỉ mỉ như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Chợ nằm ngay trung tâm huyện và được sắp xếp từng khu riêng biệt. Ngoài những món hàng mang nét đặc trưng vùng cao, đặc biệt thu hút du khách vẫn là khu tổ chức văn hóa văn nghệ. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc chợ đêm bắt đầu sôi nổi. Chơi chợ, du khách được đắm mình trong một không gian văn hóa vùng cao từ những điệu múa đến âm thanh du dương, trầm bổng của tiếng khèn gọi bạn của những chàng trai cô gái các dân tộc vùng cao.
Điểm nổi bật của phiên chợ đêm này là không đề cao yếu tố thương mại mà chợ được xây dựng trên cơ sở ý tưởng kết hợp hài hòa với biểu diễn văn hóa truyền thống của các dân tộc địa phương. Vì vậy, mỗi du khách đến đây đều được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc miễn phí và còn có thể tham gia giao lưu với các nghệ nhân hoặc trải nghiệm múa khèn, đan quẩy tấu...
Đến chợ đêm, ngoài được thưởng thức nhiều thứ từ rượu ngô, ăn thắng cố đến xem biểu diễn văn nghệ của các thiếu nữ Lô Lô, múa khèn của chàng trai Mông, mọi người còn được giao lưu với người dân địa phương. Có lẽ đây không phải cảm nhận của riêng tôi mà nhiều du khách nước ngoài có dịp trải nghiệm chợ đêm Mèo Vạc đều rất thích thú về các hoạt động văn hóa ở đây. Vì vậy, đến đây, mọi người đều có cảm nhận tâm hồn thư thái, yên bình, khác hẳn cuộc sống bon chen, vội vã chốn thị thành.
Chia tay Mèo Vạc và những đêm chợ tình lãng mạn đã để lại trong tôi cùng những du khách một cảm nhận khó quên về một chuyến đi nhọc nhằn nhưng sâu lắng tình người. Có thể nói, cùng với phiên chợ tình độc đáo, chợ đêm Mèo Vạc sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách thập phương trong cuộc hành trình trải nghiệm cao nguyên đá. Bên cạnh các hoạt động trong lễ hội chợ tình, chúng tôi còn tranh thủ lưu giữ những khoảnh khắc đẹp giữa cánh đồng hoa tam giác mạch trái mùa trên cao nguyên Mèo Vạc.
Bài, ảnh: Thanh Hội
 Theo http://suckhoedoisong.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...