Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Đại Lải vui buồn cùng thi nhân

Đại Lải vui buồn cùng thi nhân
Tập thơ: “Gió làng ta xanh ngát” - NXB Hội Nhà văn, 2012 của nhà thơ Trần Nhương gồm nhiều mảng đề tài. Người đọc day dứt, xót xa cùng tác giả với những chiêm nghiệm, cảm thông về phận người, về nhân tình thế thái. Có lẽ khi nhà thơ đã trải qua lửa đạn chiến tranh, đã qua cái tuổi: “Thất thập cổ lai hy”, trải bao bĩ cực nên càng thấm hơn cái đã có cùng tương lai của con người sống trên mảnh đất yêu thương và gian khổ. Ngay ở chùm thơ viết về Đại Lải, những tưởng cảnh đẹp sơn thủy hữu tình nơi đây sẽ làm tác giả nguôi ngoai đi phần nào những nỗi buồn nhân thế. Nhưng không, đằng sau vẻ thơ mộng kia lại là nỗi buồn sâu lắng của một con người biết trân trọng, giữ gìn cái đẹp và luôn mong một ngày mai tươi sáng hơn.
Tập thơ có năm bài viết về Đại Lải, đó là: “Mùa thu lên Đại Lải” - trang 5; “Mùa thu này Đại Lải một mình anh” - trang 59; “Mưa Đại Lải” - trang 63; “Đêm Đại Lải” - trang 86; “Khúc yêu” - trang 104. Mỗi bài thơ là một cung bậc cảm xúc, mang một nỗi niềm, một tiếng lòng của tác giả. Đại Lải chỉ là cái cớ để nhà thơ gửi gắm nỗi lòng với con người và quê hương đất nước.
Bài “Mùa thu lên Đại Lải” tự nhiên như hơi thở, tự nhiên trong lập tứ lập ngôn cùng những thủ pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ cứ như hòa vào nhau để nâng tầm của bài thơ lên sau mỗi khổ:
“Mùa thu lên Đại Lải
Nắng sang cầu Thăng Long
Gặp Xuân Hòa em gái
Nắng tròn vào lưng ong”
Ý thơ trong trẻo quá. Đất, trời, con người như những người bạn tri âm đã đợi từ lâu. Tác giả rất tài hoa sau mỗi đoạn miêu tả lại “hạ” một câu đầy chất suy tư mà không gò ép:
“Chợ chiều chừng sắp vãn
Mẹt ổi bán chưa vơi”
Có một chút xót xa cho phận người ở vùng đất thơ mộng và nghèo khó này chăng. Nhưng cái xa xót ấy không khỏa lấp được cảm xúc của tác giả trước một vùng đất, một vùng người đầy tình nghĩa: “Quả mùa thu viên mãn” kia không nhắc nhở người đọc đã sắp sang đông mà “Thơm tho như một người”, một người trong nhiều người.
Cũng vẫn trong mạch cảm xúc ấy, nhà thơ để tình mình theo bước chân sơn nữ:
“Gái Sán Dìu xinh thế
Mắt nhìn ríu cả chân
Anh thành người được thể
Gom mùa thu vào xuân”
Hình ảnh “nhìn ríu cả chân” thật là độc đáo, đấy không phải là cái nhìn đơn thuần, mà còn gói cả cái tình tinh quái và thật bất ngờ khi nhà thơ mượn cái bối rối ấy để: “Gom thu vào mùa xuân” một cách điệu nghệ. Thì ra xuân lòng đâu có mùa. Nhà thơ như gặp quê hương yêu dấu của mình, Đại Lải trở nên thân thương quá đỗi trong hồn người
“Anh đi trong hương ổi
Ngỡ mình đang vườn nhà”
Để rồi khi “em” rẽ lối, tác giả thảng thốt: “Anh trời trồng ngã ba”.
Giữa trời chiều Đại Lải thơ mộng đầy âm thanh, sắc mầu và chan chứa tình ấy, nhà thơ như kẻ mộng du, kể cả khi “nắng đã về bên ngoại” vẫn: “Tương tư tràn suốt thu”. Bài thơ trong trẻo, ăm ắp tình người, dẫu có chút se buồn man mác.
Ở bài “Mùa thu này Đại Lải một mình anh” lại sâu lắng một nỗi buồn cô đơn đến lạnh lòng. Thời gian trôi nhanh quá, nếu con người không nắm bắt được cái đẹp của đất trời và con người mà tận hưởng thì tất cả sẽ trôi qua trong tiếc nuối: “Em vừa đấy đã thành hôm trước”, dẫu:
“Nắng vẫn nắng như cầm thấy được
Đường rơm phơi thơm gió dậy thì”
“Gió dậy thì” ấy phải chăng như một lời nhắc nhủ đầy tính nhân bản. Đất trời vẫn thế, theo quy luật của muôn đời, chỉ có lòng người... Nhà thơ cô đơn giữa không gian và thời gian khi:
“Người đông thế mà toàn xa lạ
Lối ven hồ sỏi đợi bước chân quen”
Vâng khi cuộc sống còn nhiều kẻ thờ ơ với phận người, thơ ơ với tương lai của quê hương, “xa lạ” với nhân dân thì những nhà thơ chân chính còn xót xa đau cùng nhân thế và phải chăng hình ảnh “Lối ven hồ sỏi đợi bước chân quen” kia như tấm lòng của bao người đợi một tiếng lòng chân chính, đợi một ngày mới tươi sáng hơn.
Bài “Ngày mưa Đại Lải”, ngay từ dòng thơ đầu tiên, nhà thơ đã khéo léo xử dụng những thanh bằng và thanh không để diễn tả nỗi buồn sâu lắng:
“Ngày mưa Đại Lải buồn ngang trưa”
Hai hình ảnh đối lập giữa một đôi trai gái yêu nhau nhắn tin cho nhau và một “lão già đầu bạc”, “uống đến tàn đêm chẳng ngớt sầu” thật đắc dụng. Dẫu người đọc có thoáng mỉm cười trước sự hóm hỉnh của tác giả khi đọc những dòng tin nhắn không dấu làm cho người đọc có thể phát triển suy nghĩ theo hướng khác đi nữa thì rồi lại lặng buồn xót xa cùng tác giả.
Bài: “Đêm Đại Lải” lại mở ra một không gian thật độc đáo:
“Đêm nay Đại Lải một mình
Hồ im tịnh sóng cây thinh lặng cành
Chỉ còn trăng ngan ngát xanh
Ngậm sương cây cỏ bỗng thành thủy tinh
Vườn khuya cây cỏ một mình
Tiếng kêu gọi bạn xô vành trăng nghiêng”
Hình ảnh: “Ngậm sương cây cỏ bỗng thành thủy tinh” thật đắc địa, thi sĩ đang đắm mình trong vẻ đẹp lung linh huyền diệu của thiên nhiên về đêm mà cảm nhận mà suy tư để xuất thần có những câu thơ tài hoa. Cái giá lạnh của cỏ cây thấm vào hồn người hay cái lạnh của hồn người thấm cả vào cây cỏ? 
Bài “Khúc yêu” có cấu trúc lạ, đây là bài thơ văn xuôi khá hay. Xuyên suốt bài thơ là tình yêu của nhà thơ với Đại Lải, niềm hạnh phúc khi: “Hồ dâng nước, nước tràn lên bát ngát, biết làm đầy cho những khát khao”. Đây là khao khát không phải chỉ của riêng nhà thơ, cho và nhận, dâng hiến hết mình để “làm đầy cho những khát khao” thì còn gì hơn thế. Trước mênh mông của trời mây non nước, nhà thơ không giấu lòng mình:“Không thể nói điều gi khác được, anh yêu em như định mệnh, như sắp đặt thiên duyên”. Vâng tình yêu chân chính vốn như thế đấy, nó bất chấp mọi nghiệt ngã của số phận, vượt lên tất cả, đơm hoa kết trái dưới ánh mặt trời. Nhà thơ yêu và được yêu, câu thơ chứa lửa ở bên trong làm người đọc say men tình cùng tác giả: “Anh rạo rực và em rạo rực, đốt chiều thu Đại Lải cuồng si”. 
Nhà thơ lặng đi trong niềm hạnh phúc ngọt ngào: “Không thể nói gì, anh nhận lấy mùa xuân từng hơi thở” và không thể không nói lời tri ân với cuộc đời:“Anh cảm ơn người đã cho anh tất cả, để anh yêu như tuổi đôi mươi” đó là một ngày cuối thu chín mọng những dấu yêu không thể cầm lòng. Dẫu nhà thơ hiểu rất rõ thực tại với bao “chớp bể mưa nguồn”, những “vui buồn kiếp người bản thể” dẫu biết rằng “em đang xuân mà anh đã sang thu”… nhưng tình yêu lớn dành cho Đại lải, cho “em” mãi tràn đầy: “Anh chỉ biết yêu em đến khi không thể, nhưng suốt đời anh một nửa là em”.
Mùa thu được tác giả sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật chuyển tải dụng ý của tác giả, vương chút se buồn, thấp thoáng phận người hữu hạn trong dòng đời bất tận, làm cho bài thơ ý tại ngôn ngoại và vươn lên tầm phổ quát.
Năm bài thơ, mỗi bài một cung bậc cảm xúc như rỏ xuống hồn người sự cảm thông, chia sẻ với những phận người và cất lên ngang trời một khát khao khát sống, khát yêu và hạnh phúc.
Tháng 1/2013
Trần Vân Hạc
Theo http://toquoc.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...