Con cò mà đi ăn đêm:
Bài Con cò mà đi ăn đêm nằm trong chương trình sách
giáo khoa ở cả bậc PTCS và PTTH để giảng dạy. Tác phẩm dân gian này cũng đã được
nhiều người phân tích, bình luận, cảm nhận với nhiều cách hiểu có phần khác
nhau, có ý kiến tranh luận không đồng thuận với nhau. Chúng tôi cũng trình bày
cách tiếp cận của mình mong góp phần hiểu kĩ hơn, đóng góp vào việc phân tích
tác phẩm, trước hết trong nhà trường phổ thông. Đồng thời góp phần giải thích
vì sao lại có những ý kiến khác nhau khi hiểu bài ca dao quen thuộc này.
Một bài ca dao nói ngược và ngụ ngôn.
Bài ca dao có 6 câu, một số dị bản cung cấp cho ta
vài ba chữ khác nhau chưa quan trọng lắm so với việc nhận thức rõ nội dung, ý
nghĩa của toàn bài. Chúng tôi sẽ đề cập đến lúc phân tích.
Câu 1: Con cò mà đi ăn đêm rõ ràng là một cách nói
ngược. Vì trong tâm thức thường nhật của nhân dân,cò đi ăn ngày, chỉ có vạc mới
ăn đêm. Tục ngữ có câu Ăn đêm như vạc, ca dao cũng hát Ngán cho con vạc
đi mò/ Bán ruộng cho cò nên phải ăn đêm. Cặp đôi cò - vạc là khá
thường trực trong ý nghĩ nhân dân cho nên ở đây câu ca dao ngầm một kiểu nói
ngược trong phát ngôn. Sự ngược đời trong tập tính của cò được chữ mà khẳng
định. Với tư cách là một hư từ, mà có nhiều cách sử dụng, trong đó,
có vai trò nối kết hai nhận định trái ngược về tính chất, thuộc tính. Ví dụ Đảng
viên mà tổ chức hát caraoke. Ở đây, ăn đêm không chỉ
được phản ánh như một động thái mà nhân dân còn quan niệm nó như là một thuộc
tính, một tính chất. Ở dị bản chữ mà được thay bằng mày thì
về cơ bản cũng không thay đổi tính chất nói ngược của phát ngôn này, cùng lắm
nó chỉ gia tăng tính miêu tả hoặc tính diễn cảm mà thôi.
Câu 2: Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao tính chất
nói ngược gia tăng một cách tập trung. Trong phát ngôn này, có ba nghĩa nói ngược
kế tục, trùng phức. Đậu phải cành mềm là nói ngược ở chỗ cò vốn dĩ là
đậu cành mềm, cò thường chọn những cành cao nhất, những ngọn tre mềm mại để đậu,
khi trong những điều kiện khác, như cây khô trong các đập nước chẳng hạn, cò
cũng chỉ đậu ở những cành cao, vì thế mảnh mai, vừa chân quắp của cò. Chữ phải phát
ngôn tính chất nói ngược đó. Bình thường, nếu đứng sau một động từ, chữ phải giúp
cho phát ngôn mang nghĩa cái hành động đó là điều bắt buộc, không mong muốn,
ngược tự nhiên ( ăn phải sạn, dẫm phải gai, uống phảithuốc dởm). Trong
phát ngôn nghệ thuật, nó chỉ một kiểu nói ẩn nghĩa hoặc ngược nghĩa, cái vốn dĩ
như thế lại được hiểu như là điều bất bình thường. Ví dụ như ăn phải cơm,
nằm phải đệm là nói ngược. Ca dao có yếu tố nói ngược hát: Chị giàu
chị lấy chồng quan / Chúng em bần hàn lấy phải chồng vua. Rõ
ràng đây là phát ngôn ngược đời. Lộn cổ xuống ao cũng là tiếp tục nói
ngược vì khi đậu khi bay cò không bao giờ có tư thế lộn cổ như một số loài chim
khác. Con cò bay lả bay la mà. Bói cá, chim cắt , chèo bẻo… may ra mới
có những tư thế khác thường, con chim quốc lúc chết mới ở tư thế đảo huyền
vu thụ, níu cành lộn ngược cổ xuống trong lùm cây, còn gán cho cò tư thế ấy là
ngược đời. Cả câu cọng lại cũng là nói ngược vì cành có mềm mấy đi nữa cũng không
thể khiến cho cò lộn cổ xuống được vì cò có cánh mà chấp chới để lấy lại thăng
bằng hoặc bay lên. Các dị bản trúc cổ, súc cổ, chúc cổ… cũng đồng
thuận về nghĩa với lộn cổ, hình dung sự đổ ngược đầu xuống của một thực thể
có khối lượng nặng chứ không nhẹ nhàng như cò.
Câu 3: Ông ơi ông vớt tôi nao cũng nói ngược luôn
vì đó là điều trái với tự nhiên. Bình thường, động vật tự nhiên gặp người là chạy
tránh vì người hay săn bắt nó. Ngay trong tình thế sa bẫy, gặp nạn, nó cũng tìm
cách giẫy giụa. Cò vốn là loài không thể nuôi được, thuần hóa thành gia cầm được,
nên rất dát người. Kinh nghiệm dân gian là Công anh bắt tép nuôi cò/ Cò ăn
cò béo cò dò lên cây. Trong loài cò, may ra chỉ có cói (cò bợ)
là có thể nuôi và quen người. Dát người như vậy mà khi gặp ông lại
lên tiếng nhờ vớt thì rõ là sự ngược đời. Mà đối với ông thì
bình thường chắc chắn sẽ không có sự vớt (với nghĩa cứu vớt) xảy ra
vì nếu không kiêng kị chắc chắn ông sẽ tóm lấy, chụp lấy cái của trời cho đó. Ý
nghĩa nói ngược của câu ca dao là rõ ràng.
Câu 4: Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng vẫn là phát
ngôn hàm ý nói ngược trên nhiều phương diện. Nếu câu 3 đậm tính cầu khiến thì
câu này mang tính chất khuyên bảo. Cò là động vật, đang gặp nạn mà lại khuyên bảo,
mách nước cho ông, đang sắp bắt cò, thì đúng là đúng là nghịch lí, là trứng
khôn dạy vịt, là dạy thầy nho viết chữ. Mà cò khuyên gì vậy?, cò
khuyên cái điều mà hiển nhiên ai cũng biết, ai cũng thành thạo: cò xáo măng. Ẩm
thực dân gian ngày xưa thì cò hầu như chỉ xáo măng mà thôi, không ai ăn cò kho,
cò luộc, cò nướng, cò xào… vì nhân dân có câu tanh như thịt cò. Cách
chế biến này đã được ca dao ghi lại Mô Phật mô pháp mô tăng/ Ông sư bà vãi
bẻ măng xáo cò/ Cả ngày ngồi tụng nam mô/ Ông sư bà vãi mổ cò xáo măng. Khuyên
bảo một điều mà ai cũng đã biết là ngược đời. Còn ngược đời hơn nữa là ai cũng
hiếu sinh, không ai bỗng dưng yêu cầu người ta thịt mình cả. Ở đây, cò có hành
vi ngược lại. Văn bản này khiến chúng ta liên tưởng đến nhiều bài ca nói ngược
khác như mèo hỏi thăm chuột, tôm đi chợ với củ hành, gà đòi lá chanh, lợn đòi
hành, chó đòi đồng riềng…Tất cả cung cấp cho ta những hình ảnh ngược
nghĩa.
Câu 5: Có xáo thì xáo nước trong lại là một lời
khuyên ngược nữa. Nước xáo cò thì hiển nhiên là trong rồi, không cần phải
khuyên nhủ. Dân gian vẫn có thành ngữ Trong như nước xáo cò vì cò vốn
gầy, ít mỡ nên chẳng có màng, gia vị lại quá đơn giản, không màu mè gì. Chẳng
thà không khuyên còn hơn, đúng là một ứng xử kì quặc, thiếu tự nhiên.
Câu 6: Đừng xáo nước đục đau lòng cò con lại cũng
là một câu nói ngược vì giống cò vốn thích nước đục, lắm tôm tép, phù du. Đục
nước béo cò mà, dân gian đã tổng kết vậy hoặc dân gian định kiến vậy. Như
thế nếu nước đục cò sẽ hài lòng chứ không thể đau lòng cò con được. Cách hiểu
cò con là cò tôi hay cò con là con của cò mẹ thì trong ý nghĩa này cũng vậy mà
thôi. Nên thì bảo là đừng, thích thì bảo là đau lòng, câu ca dao vẫn bao hàm những
phát ngôn ngược nghĩa trong từng thành phần tổ chức nên nó dù nghĩa cả câu có
khác đi.
Như vậy trên toàn bài, câu nào cũng chứa đựng những yếu tố
nói ngược dù dù kín đáo hay rõ ràng. Và cho dù được che lấp bởi thao tác miêu tả
thì vẫn không dấu được các yếu tố này khi ta đặt nó vào kinh nghiệm dân gian
truyền thống. Nếu đọc nó thuần túy miêu tả thì ta chưa cảm nhận phân tích sâu
được tác phẩm này. Kho tàng ca dao người Việt để lại cho chúng ta một tập
hợp khá phong phú những bài ca dao mang yếu tố nói ngược. Quan sát hơn một trăm
đơn vị ca dao này trong 12487 bài đã được tập hợp trong bộ Kho tàng ca dao
người Việt chúng tôi thấy nhiều điều thú vị giúp chúng ta hiểu hơn tác phẩm
đang bàn. Trong tập hợp đó, chúng ta nhận ra, nói ngược như là một phong cách
ca dao nếu ta so sánh nó với sáng tác thơ nôm bác học từ thế kỉ XV đến thế kỉ
XIX. Quả là, trong văn học thành văn, nói ngược được sử dụng rất hãn hữu còn
trong văn học dân gian là khá tập trung. Có nhiều mức độ yếu tố nói ngược tham
gia vào tác phẩm ca dao. Mức độ sử dụng lẻ tẻ vài cụm từ trong bài, mức độ dùng
cả câu nói ngược, mức độ dùng ½ tác phẩm là nói ngược, mức độ toàn bài là nói
ngược. Ở mức độ toàn bài là nói ngược, chúng tôi gọi đó là ca dao nói ngược,
để phân biệt với tập hợp lớn hơn là ca dao mang yếu tố nói ngược. Trong
cách tiếp cận như thế, ta có thể khẳng định bài Con cò mà đi ăn đêm, trước
hết, đó là một tác phẩm ca dao nói ngược. Muốn tiếp cận nó, phải bắt đầu từ
đây.
Ca dao nói ngược có nhiều công dụng để nhận thức tồn
tại khách quan (miêu tả) và biểu hiện tâm trạng nhân dân (trữ tình). Đơn giản
nhất, nó miêu tả cái thuộc tính nghịch của tồn tại để có thể phát hiện
thuộc tính thuận, tất yếu. Cái này thì tư duy con người đã thể hiện từ cổ
xưa qua tư duy đối xứng phong phú về loại hình trên các hiện vật khảo cổ. Biết
đối xứng có nghĩa là nếu biết mặt trái sẽ suy ra mặt phải của nó qua các trục
tưởng tượng ( thẳng, xoay, tịnh tiến). Tư duy sẽ nhận thức mặt phản ánh qua mặt
ngược được phản ánh trong tác phẩm ca dao. Tiếp tục, ca dao kết hợp sự hoán đổi
thuộc tính theo từng cặp để nhận thức quan hệ của tồn tại khách quan. Tiến lên
một bước ca dao phát hiện nhiều thuộc tính trong một đối tượng và đánh tráo các
thuộc tính đó để nhận thức tồn tại đa dạng hơn, sâu sắc hơn. Bài ca trở nên phức
tạp đa dạng phản ánh sự phát triển đa dạng của nhận thức. Về phương diện trữ
tình, yếu tố nói ngược tham gia biểu hiện thái độ vui vẻ khi phát hiện thực tại,
dùng diễn đạt nỗi khó nhọc khi đi tìm duyên, tấm lòng son sắt, hoặc nhất quyết
khi thề nguyền, nỗi buồn khổ khi chia li hay khi thân phận gặp khó khăn tủi cực.
Đặc biệt nó hữu dụng khi diễn đạt các tâm sự tới hạn. bức xúc. Về phương diện
mĩ cảm, ca dao mang yếu tố nói ngược đem đến cái hài, cái bi, rút ra những triết
lí thấm thía về cuộc đời, nhân tình thế thái. Trở lại với bài ca dao đang bàn,
nếu tiếp cận nó với tư cách là ca dao nói ngược ít nhất chúng ta
cũng đọc ra những thông tin thực tế về tập tính, thuộc tính loài cò mà với con
người hiện đại, với học sinh thành phố, và cả với những người nghiên cứu không
phải ai cũng rành rẽ. Bằng cớ là, trong tất cả những ai đã phân tích, bình luận
về tác phẩm, chỉ có Hoàng Cát (1989), phát hiện sự “trái quy luật” của một chi tiết đi
ăn đêm, và ông dừng ở đó.
Nhưng không chỉ có thế, bản thân sự nói ngược chứa đựng tính
ngụ ngôn,và bài ca dao này là tác phẩm nói ngược - ngụ ngôn. Để nhận thức
yếu tố nói ngược, người tiếp nhận phải vận dụng trí tuệ và truyện ngụ ngôn cũng
được liệt vào loại văn học trí tuệ. Đó là xuất phát điểm của sự gần gũi. Bằng
việc xây dựng (bịa ra) các nhân vật, chi tiết, tình tiết, mối quan hệ, xung đột giả
tưởng, thông qua đó, truyện ngụ ngôn rút ra một triết lý, một quan niệm, một lời
quy châm thể hiện thế giới quan của tác giả. Bài ca dao này xây dựng bởi nhân vật
giả tưởng, mối quan hệ giả tưởng, chi tiết giả tưởng đến mức nghịch lý để rút
ra một bài học nhân sinh: sự ngược đời. Sự ngược đời, đó là mệnh đề
vĩnh viễn tồn tại từ khi con người có nhận thức và khát khao hạnh phúc. Con người
không bao giờ bằng lòng với thực tại và những gì thức tại trái với quan niệm, với
lý tưởng, với hi vọng của họ, thì đó được phát ngôn là sự ngược đời. Ngụ ngôn
triết lý về sự ngược đời có nhiều nhưng rất tập trung ở các tác phẩm ca dao nói
ngược. Và Con cò mà đi ăn đêm không là ngoại lệ. Với tư cách là một
triết lý, nó phổ biến cho rất nhiều đối tượng, hoàn cảnh. Tồn tại phong phú hơn
quy luật là như vậy. Cò là biểu tượng của ai?, ông là
ai?, cành mềm và ao là gì? lộn cổ xuống ao là
tình huống nào của cuộc sống?...Cái đó tùy thuộc vào người diễn xướng, người cảm
nhận, phân tích. Văn học dân gian là để cho mọi người sử dụng. Bình luận cũng
là một phương thức sử dụng văn học dân gian vì có mục đích: để làm gì. Con cò
là thân phận trí thức, hay nông dân, hay phụ nữ, hay thằng ăn trộm là những
cách hiểu khác nhau trong những mục đích sử dụng tác phẩm khác nhau mà ta nhận
thấy phần hữu lý của nó. Nhưng dù là ai, thì cũng có cùng cảnh huống, cùng nhận
thức về sự ngược đời. Quan niệm nó như là một tác phẩm ngụ ngôn giúp chúng ta
nhìn nó rộng hơn, đúng hơn, hữu lý hơn. Triết lý là mệnh đề khái quát, nó không
thuần túy trừu tượng, nhưng cũng như các công thức toán học, có thể ứng dụng
cho nhiều tồn tại cụ thể. 2 + 3 = 5 thì dù các số đó là trâu, bò, gà, vịt, gạch,
ngói cũng vậy thôi.
Các tác phẩm ngụ ngôn thường chứa đựng mỹ cảm hài hước, và
các bài ca dao ngụ ngôn cũng vậy. Nguyên do là ở chỗ tính trí tuệ là bản chất của
cả cái hài và ngụ ngôn nên có sự gần gũi, giao thoa. Khảo sát hơn 200 bài ca
dao ngụ ngôn trong kho tàng ca dao người Việt cho chúng tôi nhận định như vậy.
Tuy nhiên, không phải tất cả truyện ngụ ngôn đều chứa mĩ cảm hài. Bài con cò mà
đi ăn đêm là một tác phẩm khá độc đáo. Cái độc đáo ở chỗ tính trữ tình bao phủ
lên yếu tố ngụ ngôn và nói ngược. Cả sáu câu đều nấp dưới những sự miêu tả trữ
tình, gây xúc cảm. Hình ảnh cò thân thương trong thực tế và,trong ca dao, có một
số bài nó biểu tượng cho người nông dân, người phụ nữ hiền lành lam lũ. Số bài
đó trở nên đặc biệt quen thuộc với chúng ta trong các sưu tập thời hiện đại.
Hình ảnh lộn cổ xuống ao dễ gây xúc động bởi nó phát ngôn một tai nạn. Lời cầu
khiến làm cho người đọc dễ mủi lòng. Lời khuyên bảo và chi tiết hiến thân khiến
tâm hồn ta thông cảm. Nước trong, nước đục tạo suy nghĩ về phẩm cách. Sự van
xin, nhún nhường ở câu cuối khiến chúng ta khổ đau. Và quả thật, tình cảm than
thân là điều mà tác giả dân gian hằng muốn ký tải trong bài ca ngắn này. Và đó là
phẩm chất đậm đà ở bài ca này.
Tuy nhiên, nếu đọc nó chỉ như một bài ca than thân rõ
ràng là không đủ. Nhiều bài ca dao tồn tại như những trầm tích, nó đắp bồi nhiều
lớp phong hóa và dung dị ánh lên chiều sâu của ý nghĩa và thời gian. Sự biến đổi
văn hóa làm chúng ta xa tự nhiên đi để hiểu tính nói ngược của nó, sự hướng mạnh
về thân phận con người trong đối lập với giai cấp phong kiến, cũng như kiểu đọc
thuần miêu tả làm nhòe đi tính ngụ ngôn của nó, chủ nghĩa tình cảm hầu như chỉ
khiến ta chú mục vào yếu tố trữ tình mà thôi. Chính điều đó làm cho bài ca dao
lâu nay có nhiều ý kiến khác nhau, đều đáng tôn trọng nhưng đều cần bổ khuyết
mong có lý hơn một ít.
Hà Nội 12/ 2008
Nguyễn Hùng Vĩ
Bản tác giả gửi Phongdiep.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét