Buổi chiều, cỏ tranh dựng đứng
lên xếp thành một lũy ở bìa làng. Ngay khi rễ cỏ còn vương dấu đất, loài
tranh đã tự biết làm phên chắn gió cho một cõi linh thiêng tục gọi cồn Mai.
Trong ý nghĩ của người quê, cỏ tranh biểu thị cho sự ấm áp và đôn hậu.
Hồi ấy, trẻ con chúng tôi vẫn
hay rủ nhau xuống cồn Mai chơi trò trốn tìm. Nơi trú ẩn kín đáo nhất chính là
giữa lùm cỏ tranh. Ở làng, người ta đồn nhau rằng trong những bụi rậm thường
hay có ma, trẻ con trốn vào đó rất dễ bị ma thu. Thế mà có lần quên, chúng
tôi đã nhảy vào ngay giữa lùm cỏ tranh và nằm yên rất lâu. Tưởng như không
còn sự yên lành nào hơn thế. Xung quanh, cỏ tranh phủ che hết những thân hình
bé bỏng. Đến khi trở dậy để ra về thì trời đã xế chiều, nắng cuối ngày vàng
cháy khiến màu đỏ của ngọn cỏ tranh như được rưới thêm dầu để tía đi. Nét độc
đáo của cỏ tranh là ở chỗ nó tự biết trang điểm cho mình.
Ông cụ họ Võ ở làng Võ Thuận
hay ra cồn Mai cắt cỏ tranh. Nhiều lần tôi gặp cụ lưng gùi một cái trác tre,
tay cầm liềm, tản bộ lặng lẽ như cái bóng của người muôn năm cũ còn sót lại.
Cụ bứt một trác tranh đầy rồi gùi về nhà. Thời điểm ấy, người quê hầu hết
đã lợp ngói, riêng cụ vẫn giữ mối thủy chung với mái tranh. Cụ nói đi loanh
quanh cho giãn gân cốt chứ ngồi một chỗ, không vận động là chết liền. Lại nữa,
nằm nhà mái tranh hay lắm, mùa hè thì mát, mùa đông lại ấm áp. Tuổi này gọi
là tri thiên mệnh, phải biết tự thương mình chứ trời không ngó ngàng tới nữa.
Đấy là một kiểu kinh nghiệm trường thọ của người già. Hơn thế, cụ đã cho tôi
được chứng kiến thêm một hình ảnh, một tấm lòng nặng nặc neo giữ hồn quê.
Năm 2004, tôi theo chú vào dựng
mái ngói cho ngôi nhà mới xây của cụ. Cụ đã yếu đi nhiều nhưng vẫn ngồi trước
sân, sắp từng tấm tranh nhẹ nhàng như thể sợ làm chúng đau. Người tôi gặp buổi
ấy đã thành thiên cổ, cỏ tôi về bữa ấy đã hóa thiên thu, riêng hồn cỏ thì như
còn mang hơi thở của Thiên Thai thuở Lưu, Nguyễn gặp tiên. Thuở ấy, tất cả những
loài cỏ còn ngủ, riêng cỏ tranh (bạch mao) thì dựng lên làm nhà cho hai chàng
chung sống với tiên nữ. Có lẽ đấy là túp lều tranh lý tưởng đầu tiên của nhân
loại. Và căn nhà của cụ Võ là túp lều tranh cuối cùng của vùng quê này.
Cỏ tranh sau khi cắt về được trải
ra phơi cho nó hơi tiu tiu lại rồi mới đem bện. Người ta chẻ tre chuốt thành
những sợi lạt dài chừng một sải tay. Sau đó gập đôi sợi lạt lại và nhét từng
nhúm nhỏ cỏ tranh vào để đan. Vừa đan vừa dùng một cái dùi cui đánh vào lạt để
cho tranh được chặt, vì thế thao tác bện tranh còn được gọi là đánh tranh.
Ngày trước, khi làm nhà thì mái tranh được chú trọng hơn cả. Phải bện sao cho
sau khi lợp lên, qua mưa nắng tranh vẫn phải khít kín. Ngay ở lúc mới dựng
nhà, tranh đã gắn liền với một nghi thức tín ngưỡng. Đó là trong lễ thượng
lương (tức đặt cùi đòn tay chính giữa), người ta phải treo lên cùi đòn tay ấy
một tấm tranh bện tốt nhất. Ngụ ý rằng căn nhà của mình được bảo hộ ngay từ
khi mới hình thành.
Tôi vẫn giữ lại cho mình hình ảnh
làng quê thuở ấu thơ, khi mà chưa có viên ngói đất nung đỏ thì cả xóm đều rợp
mái tranh, tường nhà là phên trát bùn trộn phân trâu. Mỗi căn nhà đều có một
màu xám bình dị mộc mạc. Màu xám tuy cũ nhưng không buồn, như kiểu màu lông
chim sẻ. Những hôm có trăng, tôi thường ra sân ngồi chơi hóng gió, ánh trăng
vàng rót xuống mái tranh chảy từng đường như chuốt tóc.
Đến bữa nấu ăn, khói bếp lèn
qua mái tranh và vắt ra bên ngoài một màn trắng phả lên trời. Đấy chính là
cái bảng lảng mà thơ xưa thường lấy để ví cho nỗi niềm vấn vương quê cội, hay
Hàn Mặc Tử đã mượn để minh họa cho sự nồng nàn nhất buổi mùa xuân chín: “Trong
làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”. Chú gà trống thấy
khói giỡn cũng thích đùa cùng, thế là nhảy tót lên mái lều thỏa chân bươi
bươi rồi vỗ cánh khiến vài sợi tranh run run. Thỉnh thoảng vài loài chim đồng
vẫn ghé vào chui dưới mái tranh làm tổ, đẻ trứng xong lại thản nhiên ấp nở.
Nằm dưới mái tranh, ngó lên,
ngó lên… ta gặp ngay ca dao: “Ngó lên nuộc lạt mái nhà/ Bao nhiêu nuộc lạt
nhớ ông bà bấy nhiêu”. Trẻ con bây giờ đi học chắc sẽ khó hình dung để hiểu
được câu ca dao này. Chỉ có mái tranh mới dùng nuộc lạt để buộc nối với đòn
tay, thanh rui. Nuộc lạt thường dùng là nuộc dây mây vì nó bền, khó bị mưa nắng
làm mục.
Mùa mưa, nằm ngủ dưới căn nhà
tranh chẳng lo bị đánh thức, mưa rơi trên mái tranh không gây ra tiếng ồn như
mái tôn hay mái ngói. Tôi vẫn nhớ như in bao nhiêu kỷ niệm về căn nhà tranh dột
thuở nhỏ. Nắng lọt qua chỗ mái thủng và đâm thẳng xuống nền đất như một sợi
cước trong veo ánh vàng. Buổi trưa nằm ngủ có khi sợi nắng ấy chiếu ngay vào
mắt, người Quảng Trị gọi là hen. Đêm mưa thì nước cứ lòng thòng chảy như
ai đang khóc, ròng rã suốt. Mạ lấy cái thau đặt giữa nền hứng nước mưa, nằm một
chốc lại phải thức dậy đổ thau nước đi.
Rồi những lần cởi truồng tắm mưa,
tôi đều đứng ngay trước hiên nhà hứng những giọt nước chắt qua mái tranh nhỏ
xuống. Đưa lưỡi ra nếm nước mưa ấy lại thấy mằn mặn. Cỏ tranh khi tươi có vị
ngọt của thực vật, đến lúc khô thì hàm lượng muối natri clorua tăng
lên. Các bộ lạc cổ xưa đã từng dùng cỏ tranh khô ngâm nước để chắt ra nước muối
nấu ăn, hoặc các thú rừng thường liếm cỏ tranh mục làm gia vị mặn để sống.
Sang thế kỷ hai mốt, ở làng
không còn một mái tranh nào nữa. Tôi cứ ngỡ sẽ chẳng bao giờ được gặp lại
hình ảnh thân thương ấy. May thay, thời ở Huế có một nơi cho tôi tìm lại, đó
là quán cà phê Vô Thường chỗ ngã sáu. Cả ba anh chủ quán là anh Hải, anh
Luân, anh Quang đều có chung nỗi niềm hoài cổ nên muốn làm quán theo phong
cách xưa với tường xếp gạch mái lợp tranh. Quán nằm ngay sát đường Hà Nội,
chính quyền buộc phải dùng panô che phía mặt tiền, không để những sợi tranh
thòi ra, có vào trong quán mới nhìn thấy mái tranh. Những đêm ngồi ở quán Vô
Thường, vài cây đèn dầu leo lét, tường gạch giản đơn. Tiếng saxophone réo lên
giai điệu trong bài “Xóm đêm” của Phạm Đình Chương khiến tôi như được quay về
cái xóm cũ của mình. Một chút bụi tranh rơi xuống, rưng rưng trong miền nhớ.
Lê Đàn
Theo http://vhntquangtri.vn/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét