Ngày 28/4/2003 sau những lần kiểm tra trực tiếp về bệnh SARS,
tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố Việt Nam là nước khống chế được sự lây
nhiễm của bệnh SARS và chính thức loại Việt Nam ra khỏi những nước cần cách ly.
Tin vui này đã đưa đến sự tăng trưởng trong ngành du lịch, mọi người nghĩ đến
quần đảo Cát Bà, một điểm du lịch đang có nhiều điều mới lạ. Và tôi cũng không
thể không đi Cát Bà để mà tìm hiểu, khám phá xem vì sao Cát Bà lại quyến rũ như
vậy.
Có người nói Cát Bà là điểm mới
trong khi điểm cũ Đồ Sơn, Bãi Cháy, Hạ Long đã là những điểm nhàm chán. Chưa
dễ đã đúng, mà ở Cát Bà sự thu hút khách bởi vẻ hoang sơ không quá trau chuốt .
Cát Bà như một cô gái lọ lem, một sớm trở thành nàng công chúa vẻ mặt vẫn còn
nét hồn nhiên tươi trẻ
Cát Bà là gì? Theo truyền
thuyết dân gian đây là vùng quần đảo án ngữ cửa biển, cho nên thuở xa xưa khi
có ngoại xâm, người các đảo đã tình nguyện tổ chức dân binh, đưa trai tráng ra
ra tiền tiêu. Các Bà, các chị ở lại bên này lo công việc hậu phương. Sau khi
chiến thắng quân giặc, nhân dân gọi là đảo Các Ông và đảo Các Bà... Câu chuyện
ngày xưa đã qua bao nhiêu đời, bao nhiêu năm không ai rõ, nhưng người dân đã đổi
tên quần đảo là Cát Bà và Cát Ông, (có lẽ do lấy chữ Cát là điềm lành) để ghi
nhớ nơi mảnh đất dù mặn mòi hoang vắng nhung thủy chung tình nghĩa đậm đà. Như
vậy đó, Cát Bà nơi hậu phương ngày trước giờ đây đã là điểm du lịch sáng giá của
Hải Phòng
Đến Cát Bà có hai đường
thủy và bộ. Đường thủy khởi hành từ cảng Hải Phòng đi tàu cao tốc hay tàu thường
ra đảo lớn Cát Bà
Đường bộ đi theo con đường mới mở
Hải Phòng - Cát Bà dài 31 km do Sở GTCC Hải Phòng đầu tư, khởi công từ tháng
11/1999 đến tháng 3/2000 thông xe, Con đường này rải nhựa rộng kéo dài gần 8000
mét đi qua hai bến phà Đình Vũ, Gót, tạo thành một gạch nối đưa mọi người đến
Cát Bà gần hơn. nhanh hơn và thỏa thuê ngắm cảnh các làng quê trong huyện Cát Hải
Qua đất An Hải, bến phà Đình Vũ có tới 6 chiếc phà tự xoay kiểu
P60 do Hải Phòng thiết kế chế tạo. Trên mặt cửa biển rộng, nước biển đục ngầu,
sóng lớp lớp theo nhau, bóng những con phà sơn màu trắng qua lại trên biển tạo
nên sự yên lòng cho du khách. Cho nên dù mặt biển rộng, mỗi ngày chỉ có 8 lần
tàu biển qua lại chở khách, mọi người đều yên tâm không ngại.
Qua phà Gót sang bến Cái Viềng thuộc đảo Cát Bà, du khách làm
quen với những đầm lầy ngập mặn, loài cây sú vẹt mọc thành bãi lớn giáp với nước
biển. Qua làng Văn Phong, Phù Lang, Hiền Hào lầ cảnh những người dân làm muối
đang cần cù vun cát trong các ô nề Tôi đã đi qua Nha Trang nên nhận thấy có sự
khác lạ giữa hai dồng muối. Ở Nha Trang, đồng muối trải rộng trắng lóa dưới nắng,
còn ở Cát Bà có những ô muối riêng từng nhà.
Người mới đến sẽ thấy khác lạ khi nhìn các làng ở đây không
có nhà xây cao tầng, những cây xanh như nhãn, cau, mít, xoan thì mọc khắp nơi,
hoa thơm đang nở. Hỏi ra mới biết: Đảo Cát Bà như một vùng cản gió, nên mọi
nhà đều xây thấp, để tránh cơn bão lớn.
Sau những doan đường chênh chếch dốc núi và biển xanh kế bên,
du khách đã tới thị trấn Cát Bà. Thị trấn chỉ có hai đường phố đó là “đường 1/4” và phố Núi Ngọc .
Trái với nơi đồng bằng sau đảo, ở đây các khách sạn đua nhau
xây cao tầng vì dựa lưng vào ba mặt núi che. Những nhà nghỉ, khách sạn đó không
thua kém với đất liền. Tất cả đều xây dựng trên bờ một vụng nước xanh, trong vụng
có hàng trăm tàu thuyền các cỡ neo đậu. Đó là những tàu đánh cá, tàu chở khách
du lịch và bè lồng nuôi cá. Đan thoi trên mặt nước là những chiếc thuyền nan,
thuyền gỗ có nửa mui che bằng ni lông len lỏi đưa khách lên thuyền du lịch và đến
bè lồng mua cá mang vào bến.
Thiên nhiên ở đây còn hoang sơ; núi, rừng, biển, suối, bãi
cát và hang động, vụng biển xen kẽ nhau tạo nên một cảnh đẹp kỳ thú. Du khách
có thể tắm ở những bãi tắm như Cát Cò, Cát Tiên hoặc ở những bãi cát ven đảo giữa
vịnh Lan Hạ. Do có nhiều đảo chia cắt mặt biển nên ở đây nước lặng sóng, gió yên.
Nước có mầu xanh và trong đến đáy, nếu lặn sâu 1-2 mét, bạn có thể ngắm cảnh
“thủy phủ” rất sinh động
Hiện nay từ bãi Cát Cò thông sang các bãi khác du khách đi
theo đường mới mở ven sườn núi. Con đường này do công binh thực hiện, có cả
lan can che chắn, người đi có thể ngắm cảnh các đảo bày ra trên biển khơi, có đảo
như một chiếc Guốc Lớn nổi lềnh bềnh trên sóng, dân gọi là đảo Hòn Guốc.
Chuyện dân gian kể rằng ngày xưa các cô tiên xuống đây tắm gội,
khi về vội quá, một cô để rơi chiếc guôc, nhiều năm nay vẫn lênh đênh trên đảo
thành cảnh đẹp kỳ thú của đảo Cát Bà. Giữa những hòn đảo , đôi lúc có chiếc
thuyền lớn , chiếc buồm dơi mầu nâu - nét đặc trưng của vùng biển phía Bắc đi
qua, tạo nên bức tranh thủy mặc về phong cảnh đang bày ra ở ngoài khơi.
Theo lệ thường, các buổi sớm có nhiều chủ tàu đến cửa khách sạn
nhận khách đi thăm vịnh Lan Hạ Con tàu chở đủ khách đi về phía đông Cát Bà rồi
len theo luồng lạch giữa các đảo, tàu đã vào trong vịnh. Đây là Lan Hạ có diện
tích 7000 ha, tiếp giáp với Hạ Long, đi thăm một ngày không hết, nên khách thường
chọn cách đi là đến đảo Cát Dứa,
Bồng bềnh trên sóng nước, thấy cảnh trí cũng không thua kém Hạ
Long, nhiều người đi chơi biển tinh ý nhận thấy một số nơi có bàn tay con người
tham gia cải tạo. Đi trên vịnh Lan Hạ, đôi lúc gập một trái núi hoang nhô lên
trên bãi cát, tấp tàu thuyền vào đó, tha hồ mà tắm tiên trong cảnh vắng lặng
hoang sơ. Tại các bãi đã thành tên Vạn Bội, Vạn Hà có nhiều dãy san hô mang màu
sắc kỳ thú.
Nếu không đi tàu to, dùng thuyền nhỏ mà len lỏi sát các hang
động, ta đi đến hang Áng Vẹn, hang Tùng Gấu rồi đến vùng biển nơi hòn Guốc nổi
lênh đênh để đi một vòng ngắm xem bàn chân cô tiên ngày xưa thật sự khổng lồ,
không có bàn chân tiên nào nhỏ nhắn, nhẹ nhàng dễ thương như ta tưởng.
Có con tàu đưa khách đến thăm Cát Dứa., đó là đảo nuôi khỉ
nhưng nước rất trong. Du khách thường mê mải tắm mát nên không để ý đến các chú
khỉ tinh nghịch ra lấy cắp đồ vật rồi chạy vào rừng. Chỉ có cách dử bánh trái,
thì con cháu Tôn Ngộ Không mới mang ra vứt trả quần áo, đổi lấy miếng bánh ngọt
ôm chạy về rừng
Lại nói về những chiếc tàu chở khách, hòn đảo này có nhiều chủ
tàu. Có nhà đóng tàu rồi thuê tài công điều khiển, có nhà kiêm tài công cả gia
đình đều là thủy thủ. Trong điều kiện cạnh tranh, tàu nào cũng nâng sức chở lên
20-30 người. Khách xuống tàu ngồi dựa hai bên vách, thích ngắm cảnh thì ra phía
ngoài đứng xem . Giữa hai hàng ghế có dãy bàn trên để thực phẩm và nước uống.
Tàu nào đẹp thì có nệm bọc da, tàu thường thì bàn ghế nẹp nhôm.
Đến Cát Bà mà không được đi thăm Vườn Quốc Gia thì là một điều
thiệt thòi, bởi vì đi thăm vườn quốc gia- nói đúng ra là đi thăm khu rừng
nguyên sinh trên đảo mới đúng là đã đến Cát Bà.
Leo trèo vất vả lắm, nhưng đối với người ham chinh phục đó mới
là một cuộc thử sức. Từ trung tâm thị trấn đi đến ngã ba Cái Viềng, nếu rẽ vào
vườn quốc gia thì đi tiếp 20 km mới đến trụ sở của Vườn.
Du khách được mời vào hội trường, xem băng hình giới thiệu về
vườn quốc gia, nghe cán bộ hướng dẫn trả lời những điều cần thiết, xem các tiêu
bản động vật, thực vật mà vườn đang có. Tại khu vực trụ sở sực nức mùi thơm của
lá kim giao. Kim giao là một loại cây thân gỗ, mọc cao, theo dân gian kể lại
thì cây kim giao là kết tinh của một mối tình vàng đá (Kim là vàng, Giao ;là
giao tình) có đặc tính phân biệt được các hóa chất, do đó người xưa thường dùng
kim giao làm đũa dùng trong vương triều và các nhà giàu.
Từ trung tâm khu di lịch sinh thái, ta đi 12km qua Ao Ếch, một
đầm lầy không bao giờ cạn nước, có nhiều loài ếch cùng sinh sống Từ đây, sang đến
xã Việt Hải (một làng cổ) nhân dân trong làng xưa làm nghề chài lưới, nay là những
người trông coi Vườn Quốc gia. Làng Việt Hải có đường nối với vịnh Lan Hạ, du
khách xuống thuyền máy về Cát Bà.
Đi thăm vườn quốc gia, ta thường gập các nhà khoa học nước
ngoài, vì yêu quý những sinh vật hiếm như con Vọoc mặt trắng, đã sẵn sàng đến
rừng phục kích hàng tháng để được chụp ảnh, quay phim quan sát các hoạt động của
động vật này.
Cũng trong Vườn Quốc Gia có hang động Trung Trang một động đá
vôi đẹp mang nhiều huyền thoại. Nép mình chui qua lèn đá ta vào trong hang,
nhìn theo ánh đèn chỉ dẫn mà tưởng tượng ra Thần tiên, thú vật, Trong hang rộng
lắm, có thể chứa cả trăm người mà không ngột ngạt. Hồi kháng chiến, bộ đội ta
đóng quân và biểu diễn văn hóa nghệ thuật tai đây
Cát Bà là một quần đảo, nằm vung vãi trên mặt biển, ta có thể
tưởng như hồi khai thiên lập địa, thượng đế đã cầm cả nắm đất đá ném tung trên
mặt nước, tại thành những kim tự tháp trên mặt nước xanh như ngọc. Đối với các
nhà địa chất thì những đảo đá vôi của Cát Bà là những tiếp nối của vòng cung đá
vôi Đông Bắc. Biết nhận những ân sủng của thiên nhiên, khai thác và bảo vệ
thiên nhiên ta sẽ có một Cát Bà đẹp hơn dự kiến.
Hàng đêm, dạo chơi trên bờ biển Cát Bà cảm nhận làn gió từ
Cát Ông thổi vào, làm tan đi những oi bức ban ban ngày, Đường phố đã lên đèn.
Nơi đây có 11/12 điểm có điện lưới quốc gia. Người dân đi trong đêm sáng, nhìn
rõ bụi trúc đào khoe mầu sắc, có ánh đèn laze chiếu nhoáng nhoàng tạo cảnh, Đêm
Cát Bà đẹp nhưng không ồn ào thái quá, Các nhà hàng, khách sạn cũng trang trí
khiêm tốn, nhạc dùng đủ nghe, và thật lạ không có cảnh ô nhiễm môi trường.
Tôi đã ra cảng cá, xem nhân dân mua cá từ các tàu ngoài khơi
mang về, Những người dân ở đây mua bán không chụp giật, nhẹ nhàng giải quyết với
nhau. Hỏi ra mới biết: hồi năm 1979, các TNXP nam nữ đã ra đây trấn giữ đảo, lập
gia đình rồi trở thành dân cư trên đảo. sống hòa thuận với nhau. Nghe bà con kể
chuyện, tôi ước mong sau này dù có nhiều người đến đảo, cũng không ai đánh mất
cái truyền thống thiêng liêng, cố làm đẹp, làm giàu thêm quần đảo này.
Đến nghỉ ở Cát Bà, tôn trọng vẻ đẹp của quần đảo, vui chơi và
khám phá sẽ là điều hấp dẫn cho mọi lứa tuổi. Đến nơi đó, dù thuyền rẽ vào đâu
cũng cho ta một cảm tưởng: Ta là An Tiêm đang đi chinh phục thiên nhiên.
Là người đi sau hưởng thành quả của tổ tiên, ông cha để lại,
chắc sẽ có nhiều người có các dự án làm cho Cát Bà đẹp thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét