Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Sông Thương da diết tiếng tu hú

Sông Thương da diết tiếng tu hú
Thuở ấy cả nước bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ nên hầu hết các tác phẩm văn nghệ tiền chiến bị “lùi lại” tuyến sau, không được phổ biến rộng rãi trong bạn đọc.
Ngay cả cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân giới thiệu một thời đại trong thi ca ấy cũng chỉ nằm trong hệ thống sách nghiên cứu tham khảo phạm vi hẹp ở các khoa ngữ văn của trường đại học tổng hợp hoặc sư phạm. Sau này, đọc lại Bức tranh quê của nữ sĩ Anh Thơ tôi mới biết thêm nhiều điều liên quan đến tập thơ. Nào là chị phải viết vụng bố, nếu lộ ra bị ăn đòn. Nào là tập thơ đầu tay này được giải khuyến khích của Tự lực Văn đoàn năm 1939 (cùng giải với Hoa niên của nhà thơ Tế Hanh). Nào là tập thơ viết đủ bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông hầu hết gói gọn trong mười hai câu thơ..., với những cảnh sắc xung quanh chị mà hồn vía người viết hòa vào hồn cây cỏ, đất trời... Không chỉ nghe thấy, nhìn thấy mà cảm thấy cái hồn sự vật của một tâm hồn khao khát muốn vươn ra, vượt khỏi hoàn cảnh tù túng, ngưng đọng, bế tắc đương thời. Biết bao nét đặc tả khêu gợi sống động trong tĩnh lặng của vùng quê xưa - đặc trưng của cảnh sắc đồng bằng Bắc Bộ - hiện ra ám ảnh tôi: Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/ Đò biếng lười nằm mặc bến sông trôi/ Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng/ Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời/ Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ/ Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ/ Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước ngõ/ Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa/ Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng/ Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra/ Làm giật mình một cô nàng yếm thắm/ Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa (Chiều xuân)
Bây giờ nhớ lại những kỷ niệm về chị Anh Thơ còn tươi nguyên trong ký ức tôi. Hồi ấy vào năm 1966, Ty văn hóa Hà Bắc tổ chức trại sáng tác cho các cây bút cộng tác với tạp chí Văn nghệ tỉnh. Trại đóng tại Liên Sơn - Cao Thượng - Tân Yên dưới những vạt dẻ đồi sum suê, nơi Ty văn hóa sơ tán về đấy. Trại mời các nhà văn nhà thơ công tác ở trung ương có gắn bó với Hà Bắc về chấm bài trong đó có Nguyên Hồng, Kim Lân và Anh Thơ... Do không có điều kiện tham dự trại nhưng khi gặp các bạn viết cùng trang lứa, tôi được nghe đủ chuyện về sự tận tình của các “thầy, cô” góp ý nâng cao “tác phẩm” của cái thuở ban đầu bỡ ngỡ khi mới tập tọng sáng tác. Chị Anh Thơ đọc bài rất cẩn trọng, chi tiết, chị luôn quan tâm đến cái hồn của bài viết. Có lẽ hơn ai hết chị hiểu sự khổ ải nhọc nhằn của nghiệp văn. Với ai tôi không rõ lắm nhưng với các cây bút Hà Bắc trưởng thành từ phong trào sáng tác lúc bấy giờ - trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhiều đều có chị nâng dắt, dìu đỡ: Anh Vũ, Trần Ninh Hồ, Trần Anh Trang, Nguyễn Thanh Kim...
Lại nhớ đầu năm 70 của thế kỷ trước, thỉnh thoảng từ Bắc Ninh về Hà Nội tôi thường hay qua lại thăm anh Chu Bá Nam (em ruột của nhà văn Đỗ Chu) khu ký túc xá trường đại học dược, ở dốc Thọ Lão. Có lần, anh Nam rủ tôi vào thăm nhà chị Anh Thơ khu tập thể bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô 104 Lò Đúc, phía Tổng Cục Lâm Nghiệp rẽ sang. Được đến thăm nhà nữ sỹ Anh Thơ, tôi hồi hộp lắm và hơi run. Trong tâm trí tôi, các nhà văn nhà thơ lớp trước thời bấy giờ được gặp là một ân phúc lớn. Tôi còn nhớ như in cái lần gặp chị Anh Thơ như mới hôm qua, hôm kia thôi. Đi qua một bãi than lầm bụi, cạnh một cái máy nước công cộng, lúc nào cũng đông người ra giặt giũ, lấy nước là đến nhà chị - một ngôi nhà hai tầng kiểu dáng xinh xắn. Lúc ấy, chị Anh Thơ đã xây dựng gia đình với anh Dinh - một bác sỹ nha khoa hiền lành, nhiều lúc là thư ký chép thơ cho nữ sĩ và sống với chị rất tâm đầu ý hợp. Chị Anh Thơ tiếp chúng tôi rất niềm nở, chị vừa đi thực tế khu 4 tuyến lửa về. Tôi chỉ biết im lặng và nghe... Chị Anh Thơ rửa xuyến pha trà Ba Đình (một loại trà ngon thời ấy) và gọt táo cho chúng tôi ăn. Chị hỏi thăm anh Nam về nhà văn Đỗ Chu, kể những chuyện mắt thấy tai nghe về chuyến đi thâm nhập thực tế ở Hà Bắc, nơi có sông Thương, sông Cầu thơ mộng...
Chị có hỏi tôi về những sáng tác đầu tay, có thì đưa chị đọc. Tất nhiên tôi ngượng vì mình mới tập viết, không muốn làm bận lòng chị.
Có lẽ bài thơ "nhập lòng" mà tôi biết được của nữ sĩ Anh Thơ chính là bài Tiếng chim tu hú. Cảnh sắc rực rỡ vùng quê bên sông Thương vào mùa vải chín, khắc khoải tiếng chim tu hú kêu, tiếng lòng của nhà thơ với quê hương những ngày thoát ly hoạt động cách mạng gây thành một ấn tượng không dễ phai mờ trong tôi. Vẫn là rung động từ "bức tranh quê" nhưng tâm trạng chị đã thoát khỏi cảnh tù túng, bế tắc của tâm trạng cô đơn, biết chia xẻ và chấp nhận hy sinh vì con người và nghĩa lớn của dân tộc. Tôi đã từng nghe chị tâm sự: "Lần ấy về thăm quê, khi đến vườn vải (gần Yên Dũng), chợt nghe tiếng chim tu hú da diết kêu, tôi bỗng nhớ lại những năm tuổi trẻ của mình. Ngày đó, có người con trai chưa kịp đến hỏi thì mình đã đi kháng chiến. Mình chỉ buồn mà thương người cha. Nỗi lo lắng cho đứa con yêu quá lứa nhỡ thì của ông thật chân thực. Lúc gặp ông ở vùng đồi Yên Thế, giữa mùa vải ông chỉ nhắc con gái "má hồng có thì". Để yên lòng cha mình, an ủi ông, mình khổ mình già, nhưng còn bao em gái khác bị giặc bắt, đến ngày kháng chiến thành công sẽ hạnh phúc, vui tươi. Con có thiệt thòi nhưng bao cô gái khác sẽ hạnh phúc". Rồi chị khe khẽ đọc: Nắng hè đỏ hoa gạo/ Nước sông Thương trôi nhanh/ Trên đường quê bước rảo/ Gió nam giỡn lá cành/ Bỗng tiếng chim tu hú/ Đưa từ vườn vải xa/ Quả bắt đầu chín lự/ Ngọt như nỗi nhớ nhà/ Cha già thêm tóc bạc/ Chống gậy bước lên đồi/ Thương một mùa vải đỏ/ Má hồng con đang tươi/ Có chàng qua chạm ngõ/ Bỗng khói lửa ngút trời/ Con đi đêm súng nổ/ Vải rụng bến sông trôi/ Rồi tiếng chim tu hú/ Vang suốt những mùa hè/ Con đi dài thương nhớ/ Mười năm chưa về quê/ Tu hú ơi tu hú/ Kêu hoài chi vườn xanh/ Ta còn đi, đi nữa/ Như dòng sông trôi nhanh/ Nhắn với chim tu hú/ Cha già vui đợi mong/ Mười năm trong khói lửa/ Má con dù nhạt hồng/ Nhưng bao nhiêu em gái/ Đẹp lên mùa vải chín ven sông (Tiếng chim tu hú - Bắc Giang, 1954).
Bẵng đi một thời gian dài tôi mới gặp lại chị Anh Thơ trên quê hương Bắc Giang mà chị gắn bó nhiều năm; khi in tập hồi ký văn học Từ bến sông Thương, chị nhắc đến với rất nhiều kỷ niệm và coi đó như khởi nghiệp văn chương của mình. Thời gian này để ghi nhận một đời văn nghiệp của chị Anh Thơ với thơ ca và chị là người hoạt động Cách mạng từ những ngày trứng nước, UBND tỉnh Hà Bắc tổ chức cuộc tọa đàm nữ sỹ Anh Thơ với bạn đọc, và giao cho hội văn nghệ tỉnh tổ chức tại phòng khách của tòa soạn báo Hà Bắc (nơi tôi công tác). Duyên dáng trong tà áo dài trắng, chị Anh Thơ xúc động kể lại những năm tháng chị hoạt động công tác phụ vận ở huyện Yên Dũng, thăm trận địa pháo phòng không bảo vệ cầu Bắc Giang, thăm bạn bè cũ ở xóm Thùng Đấu, thị xã Bắc Giang thân thương thuở nào. Gặp lại tôi, chị vẫn ân cần thăm hỏi tôi như ngày nào, như một người chị đi xa về nhớ đến thằng em.
Tôi được phân công viết một bài tường thuật buổi tọa đàm với tư cách phóng viên báo tỉnh, nhưng chưa "bén lắm", và tôi như cảm thấy mình có lỗi với chị. Thế mới biết, để hiểu và viết về ai đó, thật khó bao nhiêu, mặc dù mình rất ngưỡng vọng và kính trọng người ấy, đôi khi còn cả sự hàm ơn nữa. 
Có lẽ lần gặp cuối cùng của tôi với chị Anh Thơ trước khi chị mất khiến tôi nhớ mãi, day dứt mãi... Tôi đang biên tập bài ở tòa soạn thì nhận được điện chị Anh Thơ ốm bệnh. Tôi và vợ chồng nhà thơ Phạm Hồ Thu - Trần Quốc Thực đến thăm chị ở ngõ Văn Chương - nơi suốt ngày vọng lại tiếng còi tàu từ phía ga Hà Nội. Đi dọc cầu thang lên tới tầng 3 chúng tôi vào phòng chị. Trên bàn chị lúc nào cũng hoa tươi. Do tuổi cao sức yếu nên chị cho thuê một cháu gái đến chăm nom, nấu cơm, giặt giũ. Sau khi anh Dinh - người chồng chị hết mực yêu thương mất, chị quyết định từ Sài Gòn trở ra Hà Nội. Cẩm Thơ theo chồng định cư tại Pháp thỉnh thoảng có thư về thăm chị... Chị vẫn đọc đều thơ tôi và các tác giả quê Kinh Bắc trên tuần báo Văn nghệ. Chị nhắc lại kỷ niệm về các bạn thơ trẻ Hà Bắc, chẳng sót một ai. Chị mong có những sáng tác mới gửi chị, để chị được đọc, được chia sẻ cùng chúng tôi. Chị Anh Thơ vẫn như ngày nào, vẫn hào hứng nhiệt thành, tâm sự như chưa hề biết tuổi già ùa đến với mình. Tiễn chúng tôi ra đầu cầu thang, chị Anh Thơ còn dặn: "Nếu rỗi đến với chị, có sáng tác thơ mới nữa thì càng hay". Chị bao giờ cũng chí tình, nồng hậu mà thật thấu đáo. Tôi nhìn chị mà ứa nước mắt...
Bây giờ viết mấy dòng kỷ niệm này, tôi lại nhớ đến chị. Nhớ bàn tay chị gọt táo ngày nào. Nhớ cái nhìn trìu mến của chị với chúng tôi khi mới vào nghiệp văn. Nhớ câu thơ chị viết mà nao nao nhớ quê.
Nguyễn Thanh Kim  
Nguồn: Lao động và Xã hội
Theo http://trieuxuan.info/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...