Ô cửa sổ mùa đông
Chìm trong màn sương dày đặc của buổi bình minh, Đà Lạt vào
những ngày cuối tháng 11 mang trong mình vẻ đẹp trầm buồn, lạnh buốt trên từng
con dốc, lưng đèo. Khi những cơn mưa phùn tạm rời xa vùng đất ngàn hoa, nhường
chỗ cho tia nắng óng ánh pha chút giá rét bao lấy từng bóng người trên hè phố,
đó là lúc nơi đây chớm nở một mùa đông nhớ nhung và cả sự đợi chờ da diết. Bao
tâm hồn cùng đắm chìm vào không gian mơ màng, xao xác của đất trời, không chỉ
vì nét quyến rũ vốn có của Đà Lạt mà còn bởi đây là khoảng thời gian cảnh sắc
thành phố này trở nên tuyệt diệu lạ kỳ.
Ngọc Tuyết kéo rèm, mở toang cánh cửa sổ trong căn phòng trống
trải. Dưới cái lạnh 15 độ C, cô gái trẻ đứng sát khung cửa, lắng nghe âm thanh
reo vang của rừng thông bên kia đồi và hít thở khí trời mát mẻ từ những cơn gió
đông thổi thoáng qua. Tuyết rất thích được ánh nắng ban mai hắt vào mặt mình,
vì đó là điều hiếm hoi cô có thể cảm nhận kể từ khi chuyển đến nơi ở mới. Suốt
4 mùa, Tuyết dường như không bận tâm lắm sự thay đổi của thời tiết Đà Lạt, thậm
chí cô còn tưởng mùa thu vẫn chưa đi qua. Đón nhận xong ngày mới bên ô cửa sổ,
Tuyết cầm cây gậy lọ mọ đi tới chiếc giường ngồi thui thủi.
Căn phòng Tuyết và anh trai mình thuê thuộc ngôi biệt thự nằm
trên con đường triền dốc ngoằn ngoèo ở trung tâm Đà Lạt. Nếu tình cờ đi ngang
và từ ngoài nhìn vô, chẳng ai tin chủ ngôi biệt thự này có cho thuê phòng bên
trong, vì trông nó quá khác biệt so với những chỗ trọ bình thường. Người dân ở
xung quanh thường gọi đây là “biệt thự của những nhà văn trí thức” bởi vợ chồng
ông Phát - chủ nhà - là giáo viên Ngữ văn đã về hưu. Do con cái đều lập gia
đình và dọn ra ở riêng nên ông bà tận dụng cho thuê hai căn phòng trống để tăng
thêm thu nhập. Căn phòng trên tầng 1 là chỗ ở của Vân Lam, một cây bút 30 tuổi
đang trên con đường khẳng định tiếng tăm trong làng văn. Cô sẵn sàng từ bỏ cuộc
sống đầy đủ tại Sài Gòn, lên tận “xứ sở sương mù” tìm kiếm nguồn cảm hứng cho
tác phẩm của mình. Cùng chung “tình yêu” với Lam chính là Tuyết - người ở trên
tầng 2 là cử nhân chuyên ngành Văn học. Riêng Ngọc Tín - anh trai Tuyết - “kẻ
ngoại đạo” duy nhất trong ngôi biệt thự khi anh là thầy giáo dạy Thể dục.
Kể từ khi ba mẹ mình qua đời, Tín đã bán nhà và toàn bộ của cải
trả nợ cho người dì. Trước lúc dọn đến biệt thự của ông bà Phát, anh em Tín phải
trải qua những tháng ngày trôi nổi khắp các khu nhà trọ, cộng thêm Tuyết lại mắc
chứng bệnh loạn dưỡng giác mạc di truyền từ mẹ khiến cô dở dang việc dạy học và
sáng tác. Hai năm trời đằng đẵng, Tín không ngừng đưa em gái mình gặp những bác
sĩ chuyên khoa giỏi nhất để điều trị nhưng kết quả đều không như ý muốn. Thị lực
của Tuyết ngày một yếu đi, và đôi mắt cô giờ không thể nhìn thấy gì nữa.
Một lát sau, Tuyết đang định ra khỏi phòng thì cô vấp phải
chân ghế và té xuống. Cùng lúc, Tín đem đồ ăn sáng trở vào, thấy Tuyết nằm dài
dưới sàn, anh vội đỡ em gái mình đứng dậy. Như mọi ngày, dù công việc có bận rộn,
Tín vẫn dành thời gian xuống bếp chuẩn bị chu đáo từng bữa ăn cho em mình. Biết
Tuyết chịu nhiều mất mát, thiệt thòi do mất đi ánh sáng và ba mẹ, Tín luôn cố gắng
tìm mọi cách mang niềm vui cho em gái để cô không tự ti về bản thân. Anh níu giữ
lại hy vọng trong Tuyết bằng chuyện đôi mắt cô sẽ sớm được chữa khỏi với nguồn
giác mạc mới, kể cả đó là điều gần như vô vọng.
Ăn khoảng vài muỗng cơm, Tuyết tỏ vẻ chán nản và uể oải. Vì
muốn tâm trạng Tuyết khá hơn, quên đi nỗi buồn bệnh tật, Tín dìu em mình đến ô
cửa sổ, nơi hướng ra phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp bên hông ngôi biệt thự.
Tín phóng tầm mắt mình về phía cánh rừng đằng xa, đứng trước những hàng thông lộng
gió là ngọn đồi vàng rực rỡ được phủ kín bởi màu hoa dã quỳ, chạy theo con dốc
đông người còn có hàng cây mai anh đào hồng thắm tưng bừng hé nở. Tín vừa chiêm
ngưỡng vừa diễn tả chi tiết cho Tuyết cảm nhận:
Em thấy đó, cuộc sống bên ngoài ô cửa sổ này rất đẹp, từ giọt
nắng tới cỏ cây hoa lá. Anh em mình thật may mắn khi thuê phòng ở đây. Em có lạnh
khi ngọn gió đông lướt ngang qua tóc mình không? Đến cuối năm, cảnh vật sẽ càng
đẹp hơn thế!
Tín liệt kê tường tận từng ấy thứ nhưng cũng chẳng khiến nét
mặt Tuyết thay đổi. Cô em của Tín trầm tư:
Được rồi anh Hai, anh không cần phải tốn công làm em vui đâu.
Anh quên là em bị mù sao, dù cuộc sống bên ngoài có đẹp cỡ nào, em cũng đâu
nhìn thấy gì.
Đang nói nửa chừng thì Tín bỗng cứng họng lại. Bị em gái đọc
được ý nghĩ của mình, anh chỉ biết nhe răng cười trừ, lắp bắp:
Ờ… anh xin lỗi. Tại anh sợ em buồn khi ở nhà suốt ngày nên
anh mới…
Mà sao giờ này anh chưa đi dạy nữa? Hôm nay anh không có tiết
hả?
À, sáng nay anh được trống 2 tiết đầu. Em có cần anh làm gì nữa
không? Hay anh mở nhạc cho em nghe nha!
Tuyết gục mặt và hạ giọng:
Thôi, em không nghe nhạc đâu. Em chỉ muốn yên tĩnh như hiện
giờ là được rồi. Anh cứ đến trường đi, đừng lo cho em.
Không khí căn phòng trở lại sự lặng thinh như bóng tối trong
tâm hồn Tuyết. Cô nhờ Tín đỡ cô nằm lên giường để cô chợp mắt một tí. Sau khi đắp
chăn cho em gái ngủ, Tín lấy lồng bàn đậy đồ ăn rồi xách ba lô đi làm. Trùng hợp
lúc Tín xuống lầu 1, Lam cũng vừa mới ở ngoài về. Nhân tiện gặp mặt nhau ở cầu
thang, Tín trả luôn cuốn sách mà anh mượn lâu ngày cho Lam. Ấy thế mà Lam chẳng
nói năng tiếng nào, cô cầm cuốn sách với vẻ mặt cáu bẳn rồi giậm chân bành bạch
đi vào phòng. Tiếng đẩy mạnh cửa của Lam làm Tín giật bắn người. Anh thật sự
không hiểu chuyện gì đã xảy với Lam bấy lâu nay.
Ở ngôi biệt thự, không ai biết được chuyện tình yêu giữa Lam
và Tín. Cả hai hẹn hò bí mật với nhau từ lúc Tín cùng em gái mới dọn về đây.
Lam là nữ nhà văn hiền lành, ít nói và những lời văn trong tác phẩm của cô làm
say đắm trái tim Tín. Chàng thầy giáo hâm mộ cuồng nhiệt Lam vì lẽ đó. Ngược lại,
tính tình lạc quan, hay cà rỡn của Tín lại đúng với mẫu người trong mộng của
Lam. Đôi tim yêu đang hòa chung nhịp đập thì mối quan hệ của họ trở nên trục trặc
suốt mấy tháng qua. Cả ngày, ngoài giờ làm thêm ở hiệu sách, Lam toàn giam mình
trong phòng một cách bí ẩn. Đến nỗi tới tháng đóng tiền phòng, Lam còn nổi nóng
nạt nộ luôn cả chủ nhà. Vợ chồng ông Phát đồn là Lam vì nhập tâm quá nhiều vào
các nhân vật trong truyện nên hóa điên.
Cứ thế, Lam thu mình, trốn tránh thế giới chung quanh mặc cho
bao hoài nghi từ mọi người. Buổi tối, nhân kỷ niệm 40 năm ngày cưới, ông bà
Phát làm bữa cơm đặc biệt chiêu đãi tất cả khách thuê phòng. Hiếm khi có dịp được
chủ nhà mời dùng tiệc, anh em Tín tất nhiên không bỏ lỡ cơ hội này. Thậm chí,
Tín còn nảy lên sáng kiến sẽ công bố chuyện anh và Lam yêu nhau ngay buổi tiệc.
Chính vì thế, Tín vọt lẹ lên lầu 1 mời vị khách cuối cùng còn vắng mặt. Tín gõ
cửa liên tục chờ sự hiện diện của người yêu nhưng mãi vẫn không nghe bên trong
phản hồi gì cả. Cửa phòng khóa trái nên Tín không thể mở ra được. Linh cảm Lam
có chuyện, Tín lấy điện thoại gọi cho Lam nhưng cô cũng im lặng không bắt máy.
Đột nhiên, có vật gì đó bên trong bay vèo đập rầm trúng cánh cửa kèm theo tiếng
la hét đầy kinh sợ. Lam không ngừng chửi rủa, hăm dọa đừng ai làm phiền cô nữa.
Xét thấy tình hình ngày càng bất ổn, Tín toát mồ hôi hột và quýnh quáng chạy xuống
bếp.
Trưa hôm sau, Tín xin phép nhà trường cho anh nghỉ dạy nửa buổi
vì anh phải về nhà đưa em gái mình đi khám bệnh. Như định kì, tới tháng Tín lại
chở Tuyết đến bệnh viện gặp người bạn thân là bác sĩ nhãn khoa để anh này kiểm
tra tình trạng mắt của Tuyết. Nhưng Tín chưa kịp bước lên lầu 2 thì ông bà Phát
kêu anh tới đứng sát cửa phòng của Lam. Hai ông bà có vẻ xôn xao trước hành động
kỳ quái của nữ nhà văn. Căn phòng bắt đầu vang dội to hơn những âm thanh như tiếng
đồ đạc bị đập nát. Bà Phát thì khẳng định rằng Lam có vấn đề về thần kinh và định
phá cửa xông vào. Tín lập tức can ngăn vợ chồng chủ nhà, anh nói họ đừng quá lo
lắng, cứ để anh tìm hiểu nguyên nhân. Nghe vậy, ông bà Phát đành đi xuống dưới
nhà, giao hết mọi chuyện cho Tín.
Tín áp tai vào cánh cửa, âm thanh ồn ào khi nãy nhường chỗ lại
cho tiếng khóc rấm rứt kéo dài không thôi. Tín la lớn để Lam mở cửa nhưng Lam vẫn
ngồi lì trong phòng. Không thể nhẫn nại thêm, Tín lấy đà tông mạnh cửa thì chứng
kiến cảnh xáo trộn trong căn phòng Lam ở. Không gian tối đèn u ám bao quanh đống
quần áo đổ ngổn ngang, sách vở bị xé tung rơi rớt trên giường, dưới sàn rải rác
những mảnh vụn thủy tinh, đến chiếc bàn vi tính cũng bị Lam lật ngã. Nữ nhà văn
phờ phạc ngồi tựa lưng vào vách tường, mái tóc cô bù xù, còn mắt thì thâm quầng
và sưng húp. Mặt mũi Lam như người vô hồn, thân thể cô tiều tụy thảm hại sau thời
gian dài thiếu ngủ và lọt vào hố sâu tuyệt vọng. Tín vô cùng hoang mang trước
điều tồi tệ mà người mình yêu hứng chịu. Anh nhẹ nhàng ôm Lam và bắt Lam nói
cho anh biết toàn bộ sự thật. Lam vẫn chưa thoát khỏi sự hoảng loạn trong đầu,
cô bíu chặt vào vai Tín và thều thào. Từng câu chữ nặng trĩu được Lam thốt ra:
Em không muốn chết! Em thật sự không muốn chết! Nếu yêu em
thì anh hãy cứu em đi!
Em nói gì vậy Lam? Tại sao lại có chết chóc ở đây? Em cố bình
tĩnh lại, nói rõ ràng cho anh nghe xem nào.
Lam cúi đầu, đôi bàn tay cô che kín gương mặt đang chìm trong
hàng nước mắt lăn dài. Ánh mắt Lam đỏ rực chứa đựng nỗi đau đớn xâu xé tâm can
mình. Lam từ từ chạm tay vào làn tóc đen huyền của cô, một làn tóc đẹp dài như
dòng suối mát nhưng đó chính là câu trả lời mà cô che giấu mọi người bấy lâu.
Khi Lam tháo mái tóc xuống, Tín sửng sốt không tin nổi hình ảnh anh nhìn thấy.
Giọng anh nghẹn thắt:
Tại sao em đội tóc giả vậy Lam? Rốt cuộc… chuyện này là sao?
Lam chỉ cho Tín tờ giấy bị cô vò nát. Tín nhặt tờ giấy ấy, vuốt
thẳng lại rồi đọc kỹ mấy dòng chữ in trong đó. Giờ thì Tín đã biết việc trải
qua nhiều đợt hóa trị khốc liệt đã khiến mái tóc Lam không còn như xưa nữa. Dù
thế, Tín vẫn nghĩ tất cả chỉ là trò đùa quá trớn của Lam.
Em đang chọc anh à? Nói anh biết đi, đây không phải là sự thật.
Em rất khỏe mạnh mà phải không?
Sắc mặt Lam lạnh lùng, năng lượng trong Lam cạn kiệt đến mức
cô chẳng còn dám tin vào bản thân mình nữa. Lam khẳng định lần cuối lời nói của
mình:
Không, đó là sự thật. Em bị ung thư vú thời kỳ cuối rồi. Em sắp
chết thật rồi!
Từ sau ngày Tín biết được bệnh tình của Lam, tâm trí anh dường
như đảo lộn, không thể nào tập trung dạy học ở trường. Chuyện chữa trị cho em
gái gặp bế tắc thì căn bệnh nghiệt ngã của Lam càng đẩy Tín rơi vào bước đường
cùng. Kẹt giữa ngõ cụt cuộc đời, Tín hiểu rằng người con gái anh yêu nhất đang
cận kề tử thần, và cô ấy sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Tín quyết định thu xếp công
việc thật ít lại, anh muốn dành khoảng thời gian quý báu này bên cạnh Lam. Do học
sinh trong trường đều đã thi học kỳ, Tín mới viết đơn xin thầy hiệu phó cho anh
được nghỉ phép một thời gian.
Tín mang thức ăn và món quà đặc biệt tiến đến phòng của Lam.
Tinh thần Lam đã ổn định trở lại, khác xa nỗi ám ảnh ghê sợ khi nghĩ về cái chết
như trước kia. Quên hết bao điều tấm tức bào mòn sức khỏe mình, Lam can đảm đối
diện với thực tại phũ phàng và không còn xa lánh cuộc sống bên ngoài. Tín giấu
sau lưng một nhánh hoa mimosa đài các được anh hái trộm ven đường, đây là loài
hoa Lam yêu thích nhất. Tình yêu nồng ấm từ Tín cùng những cánh hoa mimosa mỏng
manh tô điểm thêm nụ cười tươi rói nở trên môi Lam, điều mà cô đã đánh mất từ
ngày mắc bệnh.
Lam bảo Tín kéo giúp cô tấm rèm cửa sổ để ánh nắng chiếu thẳng
vào phòng. Cô đã khép nó lại hơn nửa năm nay, vì căm ghét số phận kém may mắn
chấm dứt sự sống của mình, nhưng giờ cô nhận ra bên ngoài ô cửa sổ đó là rất
nhiều thứ tươi đẹp mà cô đã vô tình bỏ lỡ suốt mùa đông dài.
Lam ngồi quàng tay qua cổ Tín, chăm chú lắng nghe Tín đọc từng
đoạn văn trong tác phẩm cô viết. Đọc hết mấy tác phẩm, họ bắt đầu ôn lại kỷ niệm
lúc mới yêu. Tín kể cho Lam những ngày đầu anh quen biết cô, về những điều tuyệt
vời mà hai người sẽ luôn nhớ mãi. Trong dòng cảm xúc thanh bình của yêu thương,
Lam thổ lộ với Tín điều còn khiến cô chưa yên lòng:
Anh biết không? Em từng khao khát rất nhiều cái ngày em được
trở thành nhà văn nổi tiếng. Nhưng bây giờ ước mơ này thật xa vời, nên em từ bỏ
nó. Em thích mình là người bình thường, làm công việc bình thường hơn. Vài ngày
nữa, nếu được em sẽ đón xe về Sài Gòn với ba mẹ.
Em chưa cho hai bác biết bệnh tình của em nữa à?
Dạ, em chưa nói nhưng tới lúc em về ba mẹ em cũng biết thôi.
Bao nhiêu món đồ giá trị em đều bán để chữa bệnh hết rồi. Nơi đây không còn gì
để em lưu luyến nữa.
Được rồi, anh sẽ cùng đi với em. Về tới Sài Gòn, anh sẽ đưa
em đến những bệnh viện lớn để tiếp tục điều trị. Chúng ta sẽ luôn bên nhau.
Cảm ơn anh, nhưng anh đừng vì em mà tốn tiền như vậy. Em tự
lo được. Anh đi theo em thế ai sẽ chăm sóc Tuyết. Khi nào Tuyết sáng mắt, chúng
mình gặp lại nhau cũng chưa muộn mà.
Tự nhiên lòng dạ Lam bồn chồn khó hiểu. Lam đang ngấm ngầm
tính đến chuyện quan trọng gì đó mà cô không tiện tiết lộ với Tín. Lam tưởng tượng
viễn cảnh ngày cô trút hơi thở cuối cùng, để lại những hoài bão lớn lao chưa thực
hiện cùng nỗi đau tột cùng của người thân. Rồi Lam chợt nghĩ đến cuốn tiểu thuyết
tâm đắc cô đang sáng tác. Lam thò tay lên kệ giường lấy một vật đặt vào tay
Tín.
Anh hãy giúp em đưa cái USB này cho Tuyết. Trong đây lưu giữ
nội dung cuốn tiểu thuyết em viết dang dở. Em tặng nó cho Tuyết để Tuyết hoàn
thành nốt phần còn lại giùm em.
Cầm USB, Tín băn khoăn lý do Lam đưa nó cho anh:
Nhưng em gái anh bị mù mà, nó đâu thể giúp em viết tiếp tiểu
thuyết được.
Đơn giản thôi anh, mai mốt Tuyết nhìn thấy đường thì em ấy sẽ
viết được. Tuyết là cô gái tài năng trong lĩnh vực văn học, em tin Tuyết sẽ làm
được.
Tín và Lam tựa đầu vào nhau. Cả hai con tim cùng hướng mắt về
ô cửa sổ, thời gian như ngừng lại và những áng mây phiêu lãng đuổi theo ngọn
gió đông tràn qua căn phòng thổi mát tâm hồn họ. Lam biết được đây là thời điểm
thích hợp để cô có thể giãi tỏ hết tình cảm trong lòng. Lam siết chặt tay cô
vào tay Tín và nói nhỏ:
Em không biết mình còn bao nhiêu lần cảm nhận được hơi ấm từ bàn
tay anh nữa. Sao hồi đó nắm tay anh, em đâu thấy ấm áp như vậy. Tay anh có ấm đến
mức đó không?
Tín kê sát bàn tay Tuyết vào gò má mình. Anh gửi trao lên
ngón tay Tuyết một nụ hôn rồi trả lời:
Tay anh lạnh lắm, nhưng nó sẽ ấm lên khi chúng ta đan tay vào
nhau. Anh chỉ sợ em mỏi tay thôi, chứ không anh sẽ nắm chặt mãi để em đừng rời
xa anh nữa.
Buổi chiều sau đó một tuần, biết tin ba mẹ Lam ở Sài Gòn lên,
Tín vội vã chạy xe ra chợ mua ít quà biếu, anh không quên ghé ngang con đường
quen thuộc, hái một nhánh hoa mimosa tặng cho Lam. Lúc Tín chạy xe về ngôi biệt
thự, có tiếng còi hú vang lên inh ỏi. Một chiếc xe cứu thương lao vụt qua mắt
Tín, ông bà Phát thì khóa cổng, kêu taxi đi đến bệnh viện. Hỏi ra Tín mới hay
Lam bị ngất xỉu vì bệnh ung thư vú trở nặng. Tín chết lặng trước tin dữ còn hơn
sét đánh ngang tai này.
Sau một hồi được các y bác sĩ cấp cứu, Lam tạm thời vượt qua
cơn nguy kịch, nhưng cô không thể tỉnh lại mà nằm hôn mê sâu. Gương mặt Lam
xanh xao, tái nhạt. Cô phải đeo ống trợ thở và được găm những thiết bị cấp cứu
vào cổ tay để bảo toàn mạng sống. Mọi phương pháp hữu hiệu nhất được vị bác sĩ
trưởng khoa can thiệp liên tiếp, ông cố gắng hết sức níu giữ lại từng hơi thở
cho Lam. Ba mẹ Lam vừa tới bệnh viện, họ đau khổ gục ngã trước phòng cấp cứu,
Tín và ông bà Phát cũng đứng ngồi không yên khi vị bác sĩ trở ra. Bất ngờ, đội
ngũ bác sĩ bên nhãn khoa chạy nhanh vào đây. Cậu bác sĩ bạn thân của Tín hối
thúc Tín chở Tuyết đến bệnh viện gấp, trong chiều nay, Tuyết sẽ được phẫu thuật
mắt từ chính giác mạc Lam hiến tặng. Sự việc xảy ra nằm ngoài tưởng tượng của
Tín. Tín khụy gối xuống đất, anh bất động, chân tay cứng đơ khá lâu, và rồi anh
bật khóc vì không kìm nén được nỗi cay đắng quá lớn.
Cách đó vài ngày, Lam đã tới bệnh viện làm thủ tục đăng ký hiến
xác cho y học sau khi mất. Cụ thể, Lam tình nguyện dâng tặng cặp giác mạc của
mình cho một cô gái mù 24 tuổi, và người được Lam chọn là Tuyết. Lời tường thuật
của cậu bạn như hàng trăm nhát dao cấu xé vào trái tim Tín. Nó tan vỡ và muốn
kéo theo cả linh hồn Tín bay đến chân trời xa.
Cuộc phẫu thuật cấy ghép giác mạc thành công mỹ mãn. Giây
phút Tuyết được bác sĩ tháo băng mắt ra, cô hạnh phúc khôn cùng pha lẫn chút hồi
hộp. Tuyết hé thật chậm đôi mắt của mình, sau phút đầu có cảm giác khó chịu, cuối
cùng cô cũng tiếp thu rõ mọi sự vật diễn ra trước mắt mình. Tuyết nhìn rõ mặt
anh trai cô, nhìn rõ tất cả, đến mức cô còn lầm tưởng đây chỉ là cõi mơ.
Ngày xuất viện, Tuyết cùng anh trai trở về ngôi biệt thự. Tuyết
mừng rỡ vì cô được nhìn thấy căn phòng mình thuê và phong cảnh thiên nhiên tuyệt
đẹp của mùa đông Đà Lạt. Hơn thế nữa, Tuyết đã biết mặt hai bác chủ nhà tốt bụng.
Ông bà Phát chúc mừng Tuyết không ngớt. Riêng Tín, anh im lìm, ngồi u sầu ở một
góc. Tín mải nghĩ về Lam và niềm hạnh phúc không trọn vẹn Lam trao tặng anh.
Căn phòng trên lầu 1 vẫn chưa có người khác thuê. Toàn bộ vật
dụng, đồ đạc của Lam đều được ba mẹ cô thu dọn đem về Sài Gòn. Tín đặt chân vào
trong, không gian trống vắng bao trùm lấy anh, khắp 4 bức tường cũ kỹ, hình
bóng Lam như vẫn quanh quẩn rất gần anh, từ cử chỉ, ánh mắt, cho đến giọng nói
trong veo thuở nào. Biết bao ký ức ngọt ngào đã qua không hề phai mờ, ngược lại,
nó càng khắc sâu hơn trong từng khoảnh khắc Tín nhớ về Lam. Sự khác thường
trong căn phòng là điều Tuyết thắc mắc. Tuyết hỏi anh trai cô là Lam tại sao lại
chuyển chỗ trọ sang nơi khác. Khi ông bà Phát lên lầu giải thích cho Tuyết hiểu,
Tín âm thầm bước đến bên ô cửa sổ, anh nhìn xa xăm về phía vầng mây xanh bay trên
bầu trời, dưới những vầng mây lang thang ấy là sắc vàng của hoa mimosa nở rộ
ngày cuối đông.
Đó là mạch cảm xúc dâng trào mà Tuyết định chia sẻ với độc giả
và phóng viên trong buổi họp báo ra mắt tác phẩm đầu tay của cô được tổ chức
ngay tại Sài Gòn, đúng ngày mất của Lam. Ba năm trôi qua, Tuyết luôn nhớ mãi
khoảng thời gian khốn khó cô và anh trai trải qua trên phố núi. Tại mảnh đất
tình yêu ấy, từ một cô gái mù lòa, mất hết tương lai, Tuyết tìm lại ánh sáng của
cuộc đời từ người yêu của anh trai mình.
“Chính chị ấy là người thắp sáng cửa sổ tâm hồn trong tôi. Nếu
không có nghĩa cử cao cả của chị ấy thì có lẽ tôi sẽ không có cơ hội ngồi đây
tâm sự với các bạn rồi. Không có cặp giác mạc của Vân Lam thì sẽ không có tôi
như ngày hôm nay, tác giả tiểu thuyết Ô cửa sổ mùa đông. Chắc có nhiều bạn tò
mò vì sao tôi lại đặt tựa đề cuốn tiểu thuyết như thế. Đơn giản, vì đây là món
quà tôi tri ân đến Vân Lam”, Tuyết bồi hồi phát biểu.
Nhiều bạn đọc và phóng viên tỏ ra xúc động khi lắng nghe lời
tâm sự về cuộc đời trắc trở của Tuyết trước khi cô đạt tới thành công. Mọi người
dành những tràng pháo tay thật lớn khâm phục nghị lực phi thường của nữ nhà
văn. Một phóng viên đứng lên hỏi Tuyết:
Thưa chị. Câu chuyện về chị thì chúng tôi đều đã hiểu, nhưng
tại sao chị lại xuất bản Ô cửa sổ mùa đông dưới hình thức đồng tác giả? Nguyễn
Vân Lam, cô gái hiến giác mạc cho chị có liên quan gì đến nội dung tác phẩm
này?
Tuyết khẽ cười, cô bước khỏi bàn phỏng vấn, cầm micro và cuốn
tiểu thuyết đứng giữa đám đông đang dồn sự chú ý về mình. Tuyết từ tốn giải đáp
câu hỏi của phóng viên bằng lời nói tận sâu trong đáy lòng:
Thật ra chủ nhân đích thực của Ô cửa sổ mùa đông chính là Vân
Lam, tôi chỉ là người viết tiếp ước mơ cho chị ấy thôi. Chị ấy đã bỏ rất nhiều
tâm huyết sáng tác phần đầu của cuốn tiểu thuyết, tôi chỉ dựa vào nội dung này
để hoàn thành nốt phần còn lại. Tôi muốn những ai đọc qua nó không chỉ biết đến
Lê Ngọc Tuyết mà còn phải ghi nhận thành quả của Vân Lam. Và tác phẩm này tôi
xin dành tặng cho chị ấy.
Nguyễn Lâm Anh Kiệt
Theo https://truyenngan.webtretho.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét