Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

Nghiên cứu khảo cổ học thành Thăng Long 
từ cuối thế kỷ XIX đến nay
Nhìn chung, có thể chia tiến trình nghiên cứu khảo cổ học Kinh đô Thăng Long từ khoảng cuối thế kỷ XIX đến nay thành hai giai đoạn: Giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến trước năm 1954 và giai đoạn từ sau năm 1954 đến nay.
Nghiên cứu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến trước năm 1954 chủ yếu thuộc về một số người Pháp. Các nghiên cứu chủ yếu dựa vào các phát hiện ngẫu nhiên di tích, di vật Lý, Trần, Lê ở khu vực nội thành Hà Nội khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Vào khoảng thời gian này, theo kế hoạch xây dựng thành phố mới của người Pháp, bốn bức tường gạch và năm cửa thành Hà Nội đều bị phá hủy (trừ cửa Bắc) để xây dựng các đường phố Hà Nội: Bắc là phố Phan Đình Phùng, Đông là phố Phùng Hưng, Tây là đường Hùng Vương, Nam là phố Trần Phú. Nhiều phố xá, nhà cửa thuộc trung tâm nội thành Hà Nội mọc lên. Những cuộc đào đắp xây dựng móng nền kiến trúc và phố xá từ khu vực Ba Đình về phía Tây đã làm bật lên rất nhiều di vật cổ thuộc nhiều niên đại khác nhau. Đáng tiếc là không có một cuộc khai quật  khoa học nào được tiến hành vào thời kỳ này. Tất cả chỉ là những cuộc đào xới tự do và thu thập hiện vật ngẫu nhiên, trừ một số ít được ông Barbonneau có đánh dấu vị trí cẩn thận. Thời gian sáu đó có hai người nghiên cứu khá kỹ các di vật này là ông L.Bezacier và H.Parmentier.
Ông L. Bezacier viết cuốn Nghệ thuật Việt Nam xuất bản ở Pari năm 1955 vốn bắt đầu từ các thuyết trình của ông trước đó mười năm về nghệ thuật Việt Nam năm 1944. Trong các công trình này, ông không có phần viết nào dành riêng cho kinh đô Thăng Long mà chỉ bàn về thăng Long qua phần viết so sánh những di vật tìm thấy ở khu vực trung tâm nội thành Hà Nội và khu vực Quần Ngựa với các di vật thời Lý ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) và phần phân kỳ nghệ thuật Việt Nam. Ở đó, ông trình bày quan điểm phổ biến của giới nghiên cứu khảo cổ thời kỳ đó coi các di tích và di vật của thành Thăng Long thời Lý, Trần là dấu tích thành Đại La của Cao Biền và gọi đó là thời kỳ nghệ thuật Đại La (thế kỷ IX - XI). Một số nhà nghiên cứu khảo cổ Việt nam đã phê phán sai lầm này của ông L.Bezacier. Tuy nhiên, dù có một số lỗi lầm như vậy, nhưng L.Bezacier cũng đã căn cứ vào thư tịch cổ Việt Nam để giả thuyết dường như địa điểm đóng đô của nhà lý tương ứng với vị trí đóng đô sau này của nhà Lê, rồi đến thời Gia Long xây thành Hà Nội năm 1805.
Hai ông Parmentier và R.Mercier nghiên cứu các di vật này kỹ hơn và định niên đại cho các công trình sử dụng các loại di vật đó khoảng giữa thế kỷ XI thời Lý. Về tính chất của các kiến trúc ở khu vực Quần Ngựa, hai ông nghiêng theo giả thuyết cho rằng đó có thể là các Hí cung của các Hoàng đế Việt Nam. Còn thành Hà Nội thì có thể và chắc chắn được xây chồng lên những ngôi thành đã xây dựng trước đó. Về điểm này, hai ông có chung quan điểm với ông L.Bezacier. Riêng đối với các dấu tích cổ tìm thấy ở khu tứ giác Quần Ngựa, theo hai ông nếu so với thành Đại La của Cao Biền thì quy mô đó là quá lớn và có rất nhiều bất lợi về mặt quân sự trong khi mà các dấu tích vật chất như thành quách, chợ búa, đê điều ở đây thì rất ít. Quan điểm này thì lại khác ngược với ông L. Bezacier.
Nghiên cứu thành Thăng Long giai đoạn từ sau năm 1954 đến nay chủ yếu là các nhà nghiên cứu hảo cổ học Việt Nam. Ban đầu, các nhà nghiên cứu dựa chủ yếu vào việc khảo cứu thư tịch cổ, văn bia, bản đồ cổ kết hợp với việc khảo sát thực tế và một số tư liệu thu thập được từ thời Pháp thuộc. Từ khoảng năm 1970 trở đi, việc nghiên cứu bắt đầu có thêm các đợt thám sát và khai quật khảo cổ học mới ở khu vực nội thành Hà Nội. Trên cơ sở đó đã có một số nhận định về vị trí của thành Thăng Long được chứng minh qua phát hiện con đường lát gạch “hoa chanh” thời Trần và sân nền gạch vồ thời Lê ở Đoan Môn: Vị trí trung tâm của thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê là nền điện Kinh Thiên thời Lê.
Các cuộc khai quật khảo cổ học từ những năm đầu của thế kỷ XXI đến nay tại địa điểm 18 Hoàng Diệu đã làm xuất lộ các lớp văn hóa của các thời kỳ khác nhau kéo dài liên tục khaongr 1300 năm chồng xếp lên nhau, đan xen lẫn nhau: Lớp văn hóa Đại la, Đinh Lê; Lớp văn hóa thời Lý - Trần; Lớp văn hóa thời Lê.
Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học ban đầu, những đánh giá khách quan của giới sử học và các chuyên gia quốc tế hàng đầu về di tích khảo cổ học Thăng Long đều khẳng định hiếm có một kinh đô nào trên thế giới có lịch sự tồn tại lâu dài với sự lưu trữ các di tích dưới lòng đất nhiều, đa dạng, phong phú và phức tạp như di tích kinh đô Thăng Long.
Trần Duy
Theo http://www.nxbhanoi.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...