Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Lê Hường và những câu thơ lặng lẽ tỏa hương

Lê Hường và những 
câu thơ lặng lẽ tỏa hương
Từng đọc hàng trăm bài thơ của Lê Hường, nên khi đón nhận mỗi một bài thơ của ông tôi luôn tự dặn lòng: Đến với thơ ông phải đọc trong tâm thế điềm tĩnh bên tách trà, dưới mái hiên thì mới cảm nhận được hết cái hay của thơ, mới tìm ra lối đi trên hành trình khám phá tác phẩm nghệ thuật.
Càng đọc, càng nhận ra nhân vật trữ tình trong thơ Lê Hường sống nhiều với hoài niệm. Chỉ cần tiếng mọt gỗ giữa đêm khuya thanh vắng cũng khiến ông “Giật mình tỉnh giấc”. Khi ấy ký ức lại được gọi về. Đó là ký ức tuổi thơ  với trò chơi đánh trận giả, pháo đất, súng bằng bẹ chuối, bắt dế, nướng khoai, chăn trâu, cắt cỏ. Rồi đến những năm tháng ở Trường Sơn, băng qua hòn tên mũi đạn, người mất kẻ còn. Sau này, người làm tướng còn kẻ lầm lũi bên luống cày.
Và điểm lại cuộc đời, nhìn vào nhân tình thế thái, nhân vật trữ tình đã nhận ra: “Mặt quen/ thì nhiều vô kể/ tri âm/ nào có mấy người” (Mọt gỗ cầm canh). Bài thơ mang đậm nỗi niềm thế sự của một người có nhiều trải nghiệm, vốn sống. Tác giả đã dựng lên hàng loạt tương quan đối lập: Giữa cái xôn xao nhớ bạn bè với cái lặng im của đêm khuya thanh vắng, cái vui tươi thời trai trẻ với những chuyện đau buồn ở hiện tại, giữa cái ồn ào chót lưỡi đầu môi với cái dửng dưng của tâm trạng, giữa kẻ còn người mất, kẻ giàu người nghèo, giữa thời dâu bể với lúc xênh xang v.v. Lê Hường là tác giả của một số tập văn xuôi nhưng cái làm hồn cốt nhất trong sáng tác của ông, theo tôi, vẫn là thơ. Người ta nhắc đến ông chủ yếu với tư cách nhà thơ. Đọc thơ Lê Hường, một điều ai cũng dễ nhận ra, đó là nỗi trăn trở về thân phận con người luôn xuyên suốt trong hành trình sáng tạo. Lê Hường thường đề tựa cho các tập thơ của mình bằng những câu thơ đau đáu nỗi niềm thân phận. Còn nhớ, ông mở đầu tập thơ tình “Rượu chát” (NXB Thanh niên - 2011) của mình thế này: “Tình yêu/ như chén rượu đầy/ Ngọt ngào/ còn lẫn đắng cay/ phận người…”. Còn đây là những câu thơ mở đầu tập “Mưa tạnh” (NXB Hội nhà văn - 2012) của ông: “Vừa chớp bể/ lại mưa nguồn/ Phận người mỏng mảnh cánh chuồn chênh chao...”.
Lê Hường nhìn năm tháng cuộc đời như một dòng sông. Chắc hẳn vì thế mà hình ảnh dòng sông xuất hiện tương đối nhiều trong tập thơ này. Có lúc dòng sông rơi vào mưa lũ, con người dễ bị cuốn trôi: “Bất chợt như dòng sông mùa lũ/ Ta bị cuốn theo dòng nước xoáy/ không nhận ra bến bờ/ ngỡ có lúc bị nhấn chìm tận đáy” (Đại dương vẫy gọi). Dòng sông đời lắm ghềnh nhiều thác đôi khi cũng là một trở ngại rất khó vượt qua. Cái khó vượt qua ở đây là sự trôi chảy của thời gian, con người dù muốn dù không cũng không thể nào níu kéo lại được: “Bơi qua bảy nổi ba chìm/ Con về bạc tóc nhặt tìm lời ru” (Vườn xưa). Cái mất, cái chảy trôi không chỉ là ký ức tuổi thơ mà lớn nhất lại đôi khi là đánh mất chính mình. Đánh mất mình thì khó mà tìm lại được: “Dở thằng có lúc dở ông/ hói đầu bạc mắt tìm không thấy mình” (Mình đi tìm mình). Nhưng vẫn phải thực hiện cuộc kiếm tìm bản ngã trên hành trình tháng năm dài dằng dặc. Và đi cùng năm tháng ấy, con người phải biết nuôi dưỡng khát vọng để từ sông nhỏ mà vươn ra biển lớn: “Dòng sông/ Năm tháng rộng dài/ Ta cùng kéo lưới quăng chài/ biển xa” (Dòng sông).Nhưng ra đến “biển lớn” rồi lại thao thiết nhớ sông quê, khắc khoải tìm về, nhà thơ không thể tìm lại được hình ảnh yếm thắm, lụa hồng đi trẩy hội mà chỉ gặp cô thôn nữ năm xưa giờ đã thành góa phụ với nỗi đau câm lặng: “Gái làng/ góa bụa ôm con/ Nén lòng/ đáy mắt vẫn còn mưa rơi/ Xa trông hun hút trùng khơi/ Dẫu là đá/ cũng bời bời… nát gan!” (Hun hút trùng khơi). Hình ảnh cô gái làng đã gọi về những rung động “thời hoa đỏ”, khơi lại những vết thương lòng tưởng chừng đã khép miệng của chàng trai thuở nào. Bàn về thân phận và tình yêu, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Sống giữa đời này, chỉ có thân phận và tình yêu. Thận phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào để nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Lê Hường cũng có cái ước vọng dùng tình yêu để cứu chuộc thân phận. Nhưng mải miết trong cõi tình, nhiều lúc ông nuối tiếc khi một “Em” nào đấy bị cuốn chìm vào trong vòng danh lợi kim tiền. Ông buồn bã quay về, vu vơ đi nhặt chữ, gom lại kỷ niệm xưa. Để làm gì ư? Làm thơ và “gửi gió theo mây ngàn bay” về trời: “Em ngồi đếm bạc đếm vàng/ Tôi đi nhặt chữ lang thang cõi người/ Bao nhiêu đắm đuối một thời/ Giờ đem tung cả lên trời gió bay” (Gió bay). Theo ông, đến thân phận con người còn như cánh chuồn chênh chao trước gió, thì những “đắm đuối một thời” ấy liệu sẽ dạt về đâu?  
Bởi thế, thơ Lê Hường là thơ nặng tính hướng nội, hay nói khác đi thế giới thơ ca vận hành theo một quỹ đạo hướng tâm. Hướng tâm nên lấy mình làm điểm quy chiếu cho vũ trụ, ngoại giới và cả thế sự: “Bóng chiều đã ngả mà ngờ tinh mơ/ ngỡ đất nhìn trời thong dong dạo bước/ lòng tự dưng quên một thời ngu ngơ/ quên cả so đo những gì được mất” (Tự dưng quên). Cũng vì thế mới có cả cái vũ trụ mờ sương, vũ trụ ngả nghiêng trong cơn say của những người bạn già khi gặp lại: “Bạn già /tay ấm trong tay/ nghiêng bầu rượu rót sương bay/ trắng trời” (Rượu rót sương bay).
Hay như bài thơ “Vừa hoe hoe nắng” đọc lên tưởng như không có gì hấp dẫn bởi tác giả chỉ diễn giải quy luật của tự nhiên. Nào là tiếng gà gọi mặt trời thức giấc, nắng lên, chợt mưa xuống, chuồn chuồn bay trong mưa rào rồi lại nắng nóng xôn xao v.v. Thế nhưng quy luật của thiên nhiên được nêu ra để làm nên cho quy luật của lòng người ở 2 câu cuối. Nhờ đó, bài thơ mới có sức nặng: “Mưa bao nhiêu/ nắng bao nhiêu/ thương nhau/ nào kể chi nhiều/ nắng/ mưa”.
Tương tự, bài thơ “Thăm thẳm miệt vườn” sẽ chẳng có gì mới mẻ đáng đọc nếu chỉ diễn tả cái giọng hát vọng cổ buồn mênh mang sông nước ở miệt vườn Nam bộ. Lê Hường đã vận cái lời ca đượm buồn ấy vào quy luật thời gian trôi chảy của cõi người. Vì thế nỗi buồn của ca nương là nỗi buồn phổ quát chứ không phải tâm trạng đơn lẻ của một con người. Và lời ca thao thiết kia như thể một ước nguyện có thể níu kéo lá xanh mãi đừng úa vàng, rơi rụng. Bởi thế mới có sự tinh tế trong cảm nhận cái rơi rất ngập ngừng, luyến tiếc của lá vàng: “Miệt vườn/ thao thiết lời ca/ vòm xanh lá cuốn/ la đà lá rơi…”. Viết về phận người, Lê Hường không mang đến cho thơ mình một cái nhìn siêu hình tôn giáo mà cụ thể, trần trụi đầy vốn sống. Ông đau nỗi đau của những lớp người thấp bé trong xã hội, những người bán sức lao động ở chợ người, kẻ phải sống chui rúc trong khu ổ chuột, những cô gái tự bán mình đi lấy chồng Đài Loan… Nỗi niềm chất chứa trong mỗi câu thơ tuyệt nhiên không phải theo kiểu “thương vay khóc mướn” hời hợt bên ngoài. Những câu thơ như nỗi đau găm vào gan ruột ông, thầm lặng, cắt cứa cõi lòng ông như thể đó là cái án “phong tình thiên cổ lụy” mà khách văn chương vẫn nặng mang xưa nay vậy.
Thế giới cảm xúc trong thơ vận hành theo quỹ đạo hướng tâm nhưng trọng tâm câu thơ Lê Hường thường dồn về cuối, một lối viết chịu ảnh hưởng của Thơ Đường. Ở bài thơ Đầu óc còn tỉnh táo, ông dẫn dụ người ta từ cái nghèo đói, hũ gạo rỗng, túi rỗng, ruột rỗng, ánh mắt rỗng, nhìn cái gì cũng rỗng: “Rỗng cả những con đường/ xe cộ lăn bánh như uể oải/ người đi cuốc bộ như bải hoải/ nắng không ra nắng/ mưa không ra mưa/ oi nồng/ bụng quăn quắt/ mắt nhoăn nhoắt/ ngó cái gì cũng … rỗng”. Vẫn mãi cái âm điệu nặng nhọc ấy, bài thơ tiếp tục đưa bạn đọc đi có lúc khiến người ta khó chịu, nản chí định dừng lại không đọc nữa thì bỗng nhiên ông hạ mấy câu làm bài thơ sáng lên: “Âm hưởng khúc tráng ca chưa mòn/ tự dưng vui lên/ cái nhìn bớt rỗng”. Bài thơ khép lại bằng ánh mắt ấy nhưng mở ra biết bao cái nhìn. Đọc thơ Lê Hường tôi có cái cảm giác bị dẫn dụ đi lang thang trên cánh đồng, nhà thơ nói những chuyện rất bình dị về trời trăng mây nước, bỗng nhiên ông dắt người đọc đến với một bông hoa đẹp, một dòng sông thơ mộng, một điều gì đó thú vị.
Khi ấy cũng là lúc cuộc hành trình kết thúc. Do vậy, có thể nói sức nặng của lục bát Lê Hường dồn hết về cuối bài thơ: “Đêm trăng ngồi đợi hoa quỳnh/ Quỳnh hoa chưa nở, lòng mình nở hoa/ Câu thơ gửi tặng em xa/ Bỗng thành lộc biếc nở ra… hoa quỳnh!” (Hoa quỳnh). Cũng lối viết ấy, nhà thơ không cần phải nhọc lòng miêu tả nhớ thương da diết thế nào, chỉ nói xa nói gần, nói vương vấn, nói chuyện uống rượu, chuyện mưa gió để rồi hạ xuống cả “một trời tương tư”:“Gần nhau chẳng giám ngỏ lời/ Giờ xa, chót vấn vương rồi, sao đây?/ Nhâm nhi chén rượu giải khuây/ Ngoài trời mưa chợt dâng đầy… tương tư!” (Tương tư).
Hay như bài thơ“Tiếng gọi”, một trong những bài lục bát ấn tượng của Lê Hường: “Gọi nhà – Cửa đóng then cài/ Gọi giời – Lác đác rơi vài hạt mưa/ Gọi em – Không một tiếng thưa/ Gọi đò – Đám rước dâu vừa qua sông”. Khác với kiểu đối đáp của ca dao, trong thơ Lê Hường, nhiều khi sự đối đáp diễn ra ngay trong một câu thơ. Hơn nữa, có gọi đấy, cũng có đáp đấy, nhưng đáp bằng im lặng: Nhà cửa đóng then cài, giời mưa vài hạt rơi, em không trả lời và đò thì đã đưa khách sang sông. Đọc lên, người ta thấy ngay một nhân vật trữ tình đang bấn loạn, cuống quýt tìm sự liên hệ mà chỉ có nhận về sự im lặng (“cửa đóng then cài”, “không một tiếng thưa”) và cái lỡ dở (“lác đác rơi vài hạt mưa”, “đám rước dâu vừa qua sông”). Và vì thế dù có khản giọng, đứt hơi mà gọi thì nhân vật trữ tình vẫn không nhận được câu đáp. Vì thế bài thơ rất ngắn, cô đọng dồn nén nhưng lại mở ra cho người đọc rất nhiều liên tưởng. Đọc hết câu cuối thì mới vỡ lẽ ra hình như có một câu chuyện mà nhà thơ đang kể: Năm nọ, một chàng trai nông thôn đang thất tình khi người yêu đi lấy chồng. Cô gái im lặng không cho anh một lời giải thích. Anh tìm đến nhà người yêu gọi cửa không ai ra mở, băn khoăn anh kêu trời, trời cao xa chẳng thấu lời anh chỉ thấy mưa rơi lác đác. Anh chạy ra bến sông thì chuyến đò vừa sang ngang chở người yêu cùng đoàn rước dâu về nhà chồng. Chỉ còn lại mình anh bơ vơ giữa trời nước mênh mông và mưa bay thấm lạnh.
Nói thơ Lê Hường không thích hợp với những bạn đọc nóng tính chính là ở chỗ này. Thơ Lê Hường như một ngôi nhà ông mời bạn đọc bước vào qua cổng nhưng muốn vào nhà lại qua một con ngõ rất dài, sâu hun hút và uốn lượn khó đi. Bạn đọc nào không đủ kiên nhẫn sẽ rất dễ dừng bước, bỏ dở chặng đường khám phá. Ai kiên nhẫn đi hết đi hết con đường ấy sẽ dẫn đến một bậc cửa khép hờ mà chỉ cần đẩy nhẹ là ngôi nhà nghệ thuật sẽ hiện ra. Không có được sự chậm rãi từ tốn thì khó có được cái khoái cảm nghệ thuật của người đồng sáng tạo với nhà thơ là vì như thế.
Thơ là tiếng nói của trái tim hiện hình lên thành con chữ. Lê Hường thể hiện niềm say mê với vẻ đẹp lung linh của con chữ, ông vẫn viết với một niềm tin rằng những gì từ trái tim sẽ đến được với trái tim và thời gian sẽ thử thách tất cả. Nếu nhận ra những gì là “câu chữ giả”, ông sẽ dũng cảm đem đốt nó đi: “Lại viết nữa, còn sức còn viết mãi/ thời gian công bằng phán xét vô tư/ câu chữ giả sẽ rơi vào quên lãng/ tự tay ta cũng đem đốt thành tro!” (Lung linh con chữ). Nắm được quy luật vận hành của thơ nên Lê Hường nhẹ nhàng từ tốn viết, từ tốn đến với bạn đọc để lắng lại sâu sắc và đằm thắm hơn.
HUỲNH ĐĂNG
Theo http://v1.quangninh.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...