Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Văn phong - Nhân cách

Văn phong - Nhân cách 
Nguyễn Tuân là một nhà văn lỗi lạc; khen ông không lo bị hố. Có nhiều người khen, có nhiều cách khen. Lắm kẻ khúc khích trầm trồ, chịu nhất cái chỗ Bá Nhỡ đàn cho cô Tơ hát: Tiếng đàn nghẹn ngào u uất của Bá Nhỡ, “nó là cái tấm tức sinh lý của một sự giao hoan lưng chừng” (Chùa Đàn). Cũng lắm người khoái kiểu ví von một chiếc roi chầu bị bẻ cong với hình ảnh người đàn bà ưỡn ngửa ra để tránh một chiếc hôn bạo.
Còn như nhà phê bình Vũ Ngọc Phan thì ông ta tấm ta tấm tắc khen mãi cái tài tả cảnh của Nguyễn Tuân. Tả thú uống trà thì “thật tuyệt”. Tả cảnh đêm báo động đầu tiên tại Hà Nội thì “tuyệt khéo”. Tả cảnh bà Tú chở đồ ăn thức đựng từ Thanh Hóa ra Hà Nội cùng là cảnh Nguyễn đi xe đạp kèm lũ thợ đẩy xe bò gỗ thì “hay tuyệt”, “có thể làm đầu đề cho những họa sĩ nào ưa vẽ những cảnh đặc biệt Việt Nam”. Tả cuộc hòa nhạc của đám ca kỹ Tàu ở Hương Cảng thì “tuyệt hay, làm cho người đọc không lúc nào chán”. Tả một kẻ vô tài mà có tính huênh hoang thì “cực hay” v.v…
Tóm lại “Nguyễn Tuân có ngòi bút tả cảnh lúc hùng tráng, khi ghê rợn, lời văn lại hàm súc, kín đáo, làm cho người đọc ham mê” (Nhà văn hiện đại, quyển ba).
Nhà phê bình nói đúng phóc: Nguyễn Tuân còn tả nhiều cái nữa, phần lớn đều cực hay, tuyệt khéo, đọc không chán. Nhà phê bình không sai không hố chỗ nào, nhưng tôi cứ ngờ ông chưa khen đúng, chưa nhấn mạnh đúng vào cái hay của Nguyễn Tuân. Một nhà văn lớn lại có thể lớn vì khéo tả cái này cái nọ sao? Cũng như một nhà văn lớn lại có thể lớn vì mấy ý nghĩ ngộ nghĩnh, vì những lối nói nghịch ngợm vậy sao? Tả như thế, ví von như thế thì tài thật, thì quả nhiên đọc không thấy chán, đọc ham mê lắm. Nhưng một tác giả mà mê hoặc được người đời có lẽ không mê hoặc vì cái tài nọ tài kia. Chữ “tài” ở đây nghe cứ phảng phất cái nghĩa một kỹ thuật, một ngón nghề, một trò sở trường.
Người nghệ sĩ xuất hiện với đời là xuất hiện như một tâm hồn, chứ không phải như một tập hợp kỹ thuật, dù là kỹ thuật cao siêu. Người đời đến với một nghệ sĩ là tìm đến một tâm hồn; mấy ai buồn tìm hiểu các trò kỹ thuật làm gì đâu.
Thực ra, trong trường hợp Nguyễn Tuân, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan cũng có chú ý đến chỗ này nữa. Ông Vũ “chú ý đến lối hành văn đặc biệt của ông (Nguyễn) và những ý kiến cùng tư tưởng phô diễn bằng những giọng tài hoa, sâu cay và khinh bạc, lúc thì đầy nghệ thuật, lúc thì bừa bãi, lôi thôi, như một bức phác họa, nhưng bao giờ nó cũng cho người ta thấy một trạng thái của tâm hồn.” Ông Vũ cho rằng “ông (Nguyễn) là một nhà văn đặc biệt Việt Nam có tính hào hoa và có cái giọng khinh bạc đệ nhất trong văn giới Việt Nam hiện đại” (Nhà văn hiện đại, quyển ba).
Vũ Ngọc Phan có nói về cái “trạng thái của tâm hồn”, nhưng nói không kỹ bằng nói về tài tả cảnh của Nguyễn Tuân; trong khi “trạng thái” mới là cái chính. Tôi buồn ông Vũ chỗ ấy.
“Trạng thái tâm hồn” theo cách nói của ông Vũ, hình như nó là cái phong thái riêng biệt của Nguyễn Tuân. Và nét phong thái ấy, cái cốt cách ấy của Nguyễn Tuân ông Vũ nói cũng đúng nữa: nó là một vẻ hào hoa mà khinh bạc đặc biệt Việt Nam. Thiết tưởng cái đó mới là chỗ độc đáo cốt tủy làm nên sức thu hút của nhà văn.
Phong thái con người nó xuất lộ ở một bản văn đầy nghệ thuật mà cũng có thể xuất lộ ngay ở những câu văn bừa bãi lôi thôi như ông Vũ nhận thấy. Đã có một cốt cách đẹp đẽ thì tả cảnh hay ho càng tốt, mà tả không hay cũng… tốt thôi. Thậm chí không tả, không luận gì hết trơn cũng vẫn tốt được, vẫn đẹp được. Này nhé, Nguyễn Tuân có lần viết: “Chao ôi! Đêm tối như đêm giao thừa. Vẫn lại mưa rả rích. Mưa trên sông. Mưa xuống mái bồng. Mưa trong lòng, - chuyện cũ… ới… ư hừ… ơ… ơi…” Lại có lần nữa viết: “Tôi tưởng còn lâu nữa mới về ở ngay dưới mái nhà của tôi bên sông Tô. Vừa tưởng thế và vừa hiểu luôn rằng như vậy là tôi đã phụ nhiều đến sự săn sóc, đến lòng gây dựng của hai đấng tác giả đời tôi. Chao ôi.” (Tùy bút)
Ý chẳng có ý gì cao xa, cảnh chẳng có cảnh gì ra trò; nhưng “trạng thái tâm hồn” Nguyễn Tuân thì vẫn hiển hiện. Và đó là cái đáng yêu.
Hễ đọc thơ đọc văn mà đã bắt được nét đẹp của một phong cách, đã yêu nó, thì cứ thoáng thấy nó xuất hiện ở đâu là thích đấy, bất luận người nghệ sĩ đang nói gì, đang đề cập đến vấn đề gì, đang tả cái gì, đang kể lể con cà con kê về cái gì. Tả tiếng còi hụ nghe mà ghê, tả bà Tú thấy mà thương v.v…, có tai mắt tuyệt hảo, có khiếu quan sát tinh tường, có nhận xét sắc bén v.v… là chuyện nhỏ nhặt quá, so với một phong cách. Phong cách, nó phản ảnh một quan niệm sống, một thái độ ở đời, nó phản ảnh một khung cảnh xã hội, một thời đại, nó thừa kế các đặc điểm của một dòng dõi, một đường hướng giáo dục, một bầu không khí văn hóa v.v… Nó là cái dung mạo của một tâm hồn.
Hãy khoan nói đến hạng độc giả đọc cho vui, đọc những loại “truyện hay vì truyện”, có lắm gút thắt rối ren được tháo gỡ tài tình. Ngoài trường hợp ấy ra, nếu ta tìm đến cuốn sách cốt để gần gũi một tâm hồn, để bắt gặp một quan niệm nhân sinh, một thái độ ở đời, thái độ của người đồng loại đối với cái sống, cái chết, đối với tình yêu v.v…, nếu thế thì một khi đối diện một phong cách đẹp đẽ, tự nhiên mê tơi. Lúc bấy giờ ta trở nên rộng lượng, không chấp nê những món lẻ tẻ: câu văn cẩu thả, lời lẽ mù mờ v.v… Tha thứ được cả.
Nói ta rộng lượng, e chướng tai chăng? “Ta” là ai mà hách vậy? mà có quyền rộng lượng hẹp lượng đối với các văn gia thi gia? — Không, cái “ta” ấy không dính líu gì đến kẻ đọc người viết những lời bàn tán hôm nay. “Ta” đây là nói chung về độc giả, về khối quần chúng độc giả mênh mông, trải qua nhiều thế hệ, đã âm thầm thưởng thức, phán đoán, chọn lựa, đã tạo dựng nên tên tuổi của tác giả này, làm sáng tỏ giá trị của tác phẩm nọ.
Vừa rồi Nguyễn Tuân được nêu ra, rồi đây nếu có những tác giả khác lại được viện dẫn nữa, họ được nêu dẫn vì lẽ ấy: họ đã được quần chúng chọn lựa, họ đã trước tác hơn nửa thế kỷ; họ đã cách lớp chúng ta một khoảng thời gian khá rộng đủ để cho những phản ứng sôi nổi nhất thời kịp lắng xuống. Cũng vì vậy cái phần trước tác của họ được nói đến đây là cái phần trước 1945, cái phần đã cách xa, đã trải qua thử thách của thời gian, chứ không phải những gì họ mới viết sau này, khi “trạng thái của tâm hồn” họ đã đổi khác: phần sau còn chờ sự thẩm định trong tương lai.
Xin trở lại chỗ rộng lượng. Xuân Diệu có những câu thơ thế này:
“Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,
Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu.
Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều.”
(‘Xuân không mùa’)
“Vài ba sương mỏng thắm” là thế nào? Rồi lại còn “năm bảy sắc yêu yêu”, sắc yêu yêu là cái sắc ra làm sao? là cái sắc quái quỉ gì vậy? Đó là một từ ngữ địa phương, một lối nói riêng của vùng quê cha ngoài Hà Tĩnh hay của vùng quê mẹ trong Bình Định chăng? Chắc không phải thế đâu. Nếu “sắc yêu yêu” mà có đến từ một quê hương nào, thì cái quê hương ấy nên mang tên là Lúng Túng, là Quýnh Quáng. Đang ngon trớn, đang nói dồn nói dập, thi sĩ cứ phóng bừa tới, không muốn để cho những cân nhắc thận trọng, những trau chuốt tỉ mỉ chận mất đà của mình vậy thôi.
Trong cùng một bài thơ ấy, chúng ta còn có thể nhặt được những câu khác, đại khái cùng một lối như thế.
“Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé;
Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa
Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa”
hay:
“Bình minh quá, mỗi khi tình lại hứa”

Hồi trước, có kẻ bảo rằng Xuân Diệu chịu ảnh hưởng Pháp, rằng những câu nọ là “Tây” quá. Ối, Tây nó đâu có ngọng nghịu vậy? Dù sao, Tây hay không Tây, những bài thơ như thế đã làm nên danh tiếng của Xuân Diệu. Nó ra đời năm 1939. Một năm sau khi xuất bản Thơ thơ, vào thời lẫy lừng nhất của thi sĩ.
Trong trường hợp khác, Xuân Diệu lại viết:
… “Nhưng ta sẽ yêu nhau mãi mãi,
mãi mãi là trong những phút giây.
Lâu dài là bóng là mây,
là môi kỳ ngộ là tay hảo cầu.”
(‘Mãi mãi’)
Tại sao vậy? Tại sao phút giây lại là mãi mãi? bóng với mây lại là cái tồn tại lâu dài? Tác giả không giải thích những chuyện tréo tro ngược đời ấy, ông cứ nói, cứ tuôn ra liên tiếp những cái kỳ cục, để… thuyết phục! Và ông đã thuyết phục được, không phải nhờ lý luận, mà nhờ sức lôi cuốn của một niềm tin, của một giọng say sưa dồn dập, của một “trạng thái tâm hồn”: thiết tha, sôi nổi, nồng nàn.
Thành thử nhiều lúc hứng chí lên thi sĩ nói vội nói vàng. Chữ xô đẩy chữ, lời chen lấn lời. Cứ thế ông thu hút người, bất kể từ ngữ ông dùng có chính xác hay không chính xác, lập luận ông đưa ra có chặt chẽ hay không chặt chẽ. Một phong cách, nó quan trọng là thế.
Nhưng làm sao “bắt” được phong cách của một tác giả? Muốn thưởng thức, muốn phân tích, khen chê một cái tài tả cảnh, một lời văn điêu luyện: dễ hơn nhiều. Câu văn nằm chình ình trên trang sách; tha hồ đè nó ra, xem đi xét lại, vạch kẽ từng chữ mà bình mà phê mà giảng mà luận; tha hồ tách bạch từng ý mà hạch hỏi. Còn phong cách, nó phảng phất ở đâu? nó nương mình vào chỗ nào? vào câu nào chữ nào? trong hàng trăm hàng nghìn trang sách?
Biện biệt cho được cái phong cách của một tác giả cũng như của một con người, là cả một rắc rối. Không phải cách nói cẩu thả, vội vàng, bộp chộp nào cũng là một biểu lộ của nhiệt tình sôi nổi, không phải cứ tung bừa ra những lầm lỗi vấp váp thì bỗng dưng có một tâm hồn thiết tha say mê.
Nguyễn Tuân chỉ viết có hai chữ “chao ôi” rồi chấm dứt, rồi sang hàng: thế là tài hoa, là khinh bạc ư? — Ối! gì chứ hai chữ sang hàng thì có gì khó? Đời nay khối kẻ cứ một chữ sang một hàng, liên tiếp năm lần bảy lượt còn dám nữa là một lần! Một chữ, chấm sang hàng. Một chữ nữa, chấm sang hàng. Cứ ngúc nga ngúc ngắc, cà khục cà khặc. Đời nay thiếu gì kẻ dám làm thế? người ta đâu có ngán những trò đó. Khó khăn gì đâu? Phong cách học giảng thuyết dông dài liệu có chắc giúp người ta phân biệt được cái nhăn mặt của Tây Thi với những lối nhăn nhó của các nàng Đông Thi chăng? phân biệt một phong cách đích thực với những bản sao lem nhem chăng?
Biện luận thuyết giảng thì rối rắm, nhưng phong cách là một sự thực. Lấy lương tri ra trực nhận có vẻ giản dị. Bà mẹ của Tôn Quyền không phải là nhà tướng số, thế mà chỉ cần nhìn qua anh chàng Lưu Bị một cái là đủ biết ngay con người đàng hoàng, xứng đáng cho cô gái cưng gửi thân trọn đời. Lại như cái gã Hồ Ban nọ, đã chấp lệnh quan thái thú Huỳnh Dương đem củi khô chất quanh quán dịch, đã đem cả nghìn quân vây chặt, chỉ còn chờ một ngọn lửa châm là đốt cháy tiêu luôn chị em Quan Công, thế nhưng lỡ tò mò ghé mắt nhìn thử bộ dạng Quan Công ngồi đọc sách dưới đèn có một tí ti mà buột miệng kêu: “Quả thật đúng là người nhà Trời!” rồi cúi lạy, rồi mở cửa ải mời Quan Công vọt thẳng.
Ấy, người có cái cốt cách của người nhà Trời, nhác trông qua là biết, không cần phải thử tài cao thấp, phải theo dõi hành trạng một đời, phải nghe biện giải dông dài. Văn cũng có cái cốt cách của văn: cốt cách văn chương nhà Trời, cốt cách phong nhã, cốt cách sát phạt bạo liệt, cốt cách kiều mỵ lâm ly… Hợp thì thoáng qua một cái là thấy hợp, là “bắt” được ngay, là “chịu” liền.
“Chịu” như thế, e có thể bị bắt bẻ. Anh chàng Hồ Ban chịu Quan Công người nhà Trời, đó là tất nhiên. Bà mẹ Tôn Quyền chịu Lưu Bị, cũng là phải cách. Còn như đọc văn sao lại “chịu” một cái văn phong khinh bạc kiêu kỳ? có phải là nhảm không? có phải là chính trong cái nết na của mình đang có chỗ khiếm khuyết trầm trọng, khiến mình xa lánh kẻ khiêm nhu mà mỗi khi bắt gặp một dáng vẻ cao ngạo lại bất giác hớn hở tưng bừng như thể trâu gặp trâu ngựa gặp ngựa?
Mắng như thế là mắng đến nơi đến chốn. Kẻ độc giả phải lấy làm sợ hãi, vội vàng kiểm điểm lại lòng mình; và — thành thực mà nói — thấy quả có điều oan ức. Có sự ngưỡng mộ căn cứ trên các tiêu chuẩn đạo lý; có sự thưởng thức căn cứ trên các tiêu chuẩn thẩm mỹ. Bao nhiêu vẻ đẹp bày ra trong văn chương Đông Tây xưa nay không phải đều là vẻ đẹp cao khiết đoan chính cả. Bàng bạc một niềm nhân ái bao la như thơ Đỗ Phủ là đẹp, thấm thía nỗi u sầu hắc ám như thơ Edgar Poe, Baudelaire cũng là đẹp, hùng hồn dũng mãnh như Victor Hugo là đẹp, mà chán chường não nề như Verlaine, thê thiết như Hồ Dzếnh cũng lại có nét đẹp riêng v.v… Bắt được cái đẹp của phong cách Đỗ Phủ, Victor Hugo, chớ vội vênh váo cho là rồng gặp rồng; rung động trước cái đẹp của phong cách Verlaine, Baudelaire, vị tất đã là rắn khoái rắn.
Văn chương nghệ thuật không phải là chỗ phô trương những phong cách người Trời, những phong cách anh hùng chí sĩ. Thường khi, trái lại. Trong hội họa có thứ tranh quyến rũ vì sắc màu xanh lướt bệnh hoạn, vì những chiếc cổ dài ngoẳng, những bộ mông tục tĩu, trong thi ca có thứ thơ thu hút người vì vần điệu âm u, ảm đạm.
Nhân cách được phân biệt theo thiện ác; văn phong không có văn phong thiện với ác, chỉ có văn phong đẹp với xấu. Và cái hỏng nặng nhất cho người làm văn thơ là không có được một phong cách, dù chuyên làm văn thơ yêu nước thương nòi. Ì ạch viết suốt một đời mà xem ra chẳng thấy một phong cách gì: Chuyện khổ não ấy lại xảy ra đều đều.
Ta liên tưởng đến một chuyện khổ não trần gian khác, cũng lại thường xảy ra: tô phở không mùi.
Trong tác phẩm của Thế Giang có lần hai người trẻ tuổi nói chuyện về phở Thìn ở Hà Nội. Một người bảo: “Cậu thử tưởng tượng xem, về khuya đi ngược gió đông, cách cả trăm thước mà cái thằng phù thủy ấy nó giở nắp thùng lên thì có sởn gai ốc không hả…? Trong túi không có tiền thì bỏ mẹ!” Rồi người ấy lại bồi thêm câu nữa: “Thế mới là phở chứ những chỗ cậu kể đi sắp ngã vào nồi cũng không hay, bát phở bưng đến trước mặt, mở mắt ra mới biết thì còn gì là phở?” (Thằng người có đuôi) Ôi! thật xứng đáng là những lời vàng ngọc về cái chân lý phở.
Hình như cổ nhân đã bận tâm nhiều lắm về mùi thơm của các món ăn. Trong vài món phổ biến như phở Bắc như bún bò Huế, mối bận tâm ấy từng thể hiện nơi chiếc muỗng và cái tô chẳng hạn. Tôi có cảm tưởng bát bún bò ngày xưa bưng ăn ở Huế nó nhỏ hơn ngày nay nhiều. Xưa kia, nó là cái bát tai bèo, vừa bé vừa cạn lại vừa dày cộm: dung lượng được mấy? Vì thế, thực khách có thể “thanh toán” bát bún bò tiền chiến thật nhanh chóng, thanh toán trong khi nó còn nóng hôi hổi, bốc hơi ngào ngạt. Bát bún bò mỗi ngày mỗi nở lớn thêm. Bát lớn quá, ăn mãi một hồi lâu chưa chịu hết, tất nguội lạnh, còn có mùi thơm nào bốc lên từ đống đồ ăn lạnh lẽo ấy nữa? Vả lại, bạn nghĩ coi: người hàng bún chỉ rắc hành tiêu lên mặt một lần, lúc làm xong bát bún bưng mời bạn xơi, chứ có ai đứng mãi bên cạnh mà hầu bạn, mà thỉnh thoảng lại chồm vào rắc hành rắc tiêu cho bạn đâu? Chút hương liệu rắc lên mặt làm sao thơm đến tận đáy bát? Thành thử bảy tám phần mười bát bún lớn, bạn ăn không mùi.
Tô phở nó lại càng lớn mạnh hơn nữa theo thời gian: phở tàu bay, phở tàu ngầm, phở xe lửa v.v… Toàn thể các loại phở “jumbo” ấy là những đấng khổng lồ làm khiếp vía các bậc phở tiền bối. Tại sao không tiếp tục giữ kích thước khiêm tốn cũ: mỗi lần ngon trớn, có đầy đủ yên-sĩ-phi-lý-thuần, ta gọi tiếp tô phở mini thứ nhì, có sao đâu?
Đó là chuyện cái tô. Lại còn vấn đề chiếc muỗng. Ngày còn học ở Huế, mỗi khi ăn bún bò, cả bọn chúng tôi ở cùng một nhà trọ thường ăn cái bún bò gánh đi bán dạo. Bà hàng bún làm xong bát bún hình như chỉ đặt ngang một đôi đũa trên miệng bát trước khi trao cái bát tai bèo đang bốc hơi vào tay thực khách. Tôi không nhớ có kèm theo muỗng. Chúng tôi vừa ăn vừa húp nước xùm xụp.
Trước kia, trên đường Nam tiến món phở chưa vượt qua sông Gianh, tôi không biết lối ăn phở theo phép tắc ngày xưa nó ra thế nào. Bây giờ thỉnh thoảng có bậc tuổi tác gốc miền Bắc nhắc rằng ăn phở trước kia cũng không hay dùng đến muỗng. Lý do là muỗng nó hại mùi.
Hãy tưởng tượng, nấu một món ăn vương giả thơm lừng dưới bếp, mà bao nhiêu vị khách quí thì say sưa bàn những vấn đề quốc quân trọng sự trên phòng khách. Để tỏ lòng ngưỡng mộ một vị thượng khách kính yêu nào đó, ta muốn cho vị ấy nếm thử món ăn đang ở thời điểm thơm ngon nhất. Ta lấy chiếc thìa con múc đầy một thìa, run rẩy mang lên phòng khách trút vào mồm thượng khách kính yêu. Kết quả ra sao? Kết quả là thượng khách đớp phải một món ăn vô vị: món ăn còn đó mà mùi thơm đã chết mất dọc đường. Món ăn dù quí đến chừng nào mà chỉ “trích tuyển” ra một muỗng con, mang đi vòng vo, thì cũng không còn giữ được hương vị nữa.
Vì thế cái muỗng phở trích tuyển đưa lên mồm nó cũng chịu ít nhiều thiệt thòi. Chịu khó bưng tô phở lên mà húp thì mồm chỉ húp một ngụm mà mũi hưởng được cái thơm của cả tô. Nếu quả thật trước kia ăn phở không dùng muỗng thì, một lần nữa, các bậc tiền hiền lại đáng ca ngợi.
E có kẻ cho rằng tôn kính tiền nhân thì nên để trong lòng, còn ngoài mặt hãy nên dung hòa với phép ăn uống của địa phương: ngồi ở một tiệm ăn trên đất Hoa Kỳ, bưng nguyên cái bát to tướng lên mà húp, có khó coi chăng?
— Lấy con mắt người Mỹ mà coi, có khó thật. Nhưng một khi người Mỹ cũng bưng bát lên húp, thì cái coi không còn khó nữa. Tại các tiệm ăn Nhật, thỉnh thoảng người ta vẫn có dọn những món xúp không ăn bằng muỗng. Thật tình mà nói, riêng phần tôi, tôi chỉ gặp một thứ xúp lỏng, ngửi qua mùi chẳng thấy thơm tho gì, thế nhưng theo phép vẫn bưng cả tô để thưởng thức cái mùi mà mình chưa quen. Các thực khách người Mỹ chung quanh cũng vui vẻ làm như thế cả. Không khó coi là mấy.
Mùi thơm của một món ăn, người ta bảo vệ nó cẩn thận như thế, vai trò nó quan trọng như thế, cái thế giá của nó cao như thế, mà sự lợi ích “cụ thể” của nó ra làm sao? Nói về phở chẳng hạn: Phở là món để ăn, không phải để ngửi. Xưa nay thiên hạ hăm hở vào tiệm phở không phải cốt mua lấy tô phở, ngồi ôm hít một lát rồi ra đi thỏa mãn. Đó không phải cách thưởng thức phở chính thống. Ấy thế mà cái phở không thơm, cái phở “đi sắp ngã vào nồi cũng không hay” thì lại không “còn gì là phở”! Có kỳ cục không chứ?
Phở cốt để ăn, vậy cái thực chất của phở là bánh phở, là nước dùng, là miếng thịt, là những sách những nạm v.v…, đó mới là những cái cụ thể để hưởng, còn thơm với không thơm thì hưởng ra làm sao? Thơm không phải là cái ngon của phở; chẳng qua nó chỉ báo hiệu cái ngon. Thưởng thức cái ngon thì được, thưởng thức cái… báo hiệu thì thưởng thức làm chi? Vậy mà không báo hiệu thì… “còn gì là phở”! Kỳ cục thật.
Kỳ cục như văn thơ. Đọc Nguyễn Tuân chẳng hạn là để xem chuyện cô Tơ chuyện cậu Lãnh Út, chuyện cái da cái tóc của chị Hoài, cái cười cái nói của phu nhân họ Bồ v.v… nó ra làm sao. Đó mới là thực chất cụ thể. Ăn phở thì ăn thịt ăn bánh, còn cái mùi chỉ để… ngửi chơi. Đọc sách thì đọc chuyện đọc ý, còn phong thái là cái vô hình phảng phất, chỉ để… ngửi chơi. Vậy mà chính cái đó mới làm cho Nguyễn Tuân thành Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính thành Nguyễn Bính, Phan Khôi thành Phan Khôi, cũng như xưa kia cái văn phong đó đã làm cho Lý Bạch thành Lý Bạch, Tô Đông Pha thành Tô Đông Pha v.v… Cái đó chứ không phải là những tài tả cảnh hay ho, là những tư tưởng cao siêu nào.
Hôm nay chúng ta nói lếu nói láo về cái mùi của văn thơ, về chuyện ngửi văn thơ, đừng tưởng là có gì mới mẻ. Người xưa đã từng có lần mắng cái mũi vô duyên của mình khi nó sục sạo, ngửi phải câu thơ thi xã đấy.
Võ Phiến
Theo https://nguoitinhhuvo.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...