Hà Nội qua những trang viết của Đỗ Phấn
Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk (Nobel văn chương năm 2006)
yêu thành phố quê hương Istanbul đến mê mẩn, điều này cả thế giới đều biết. (Cuốn
Istanbul của ông, dù là viết về vẻ tráng lệ hay sự điêu tàn hoặc thói lộn xộn
bát nháo của thành phố cổ, thì với phẩm cách văn chương tuyệt vời mà nó thể hiện,
hẳn đã cho thấy phần nào tình yêu này). Tương tự, nhà văn - họa sĩ Đỗ Phấn cũng
yêu thành phố Hà Nội, nơi ông sinh ra, lớn lên và già đi, đến mê mẩn. Ông yêu đến
thành gắn bó cuộc đời mình với nó, biến nó thành cái khung nền cơ bản trong những
truyện ngắn và tiểu thuyết của mình, thậm chí, xem nó như đối tượng chính của sự
khám phá và trầm tư văn chương. Biểu hiện đậm đặc nhất cho hướng rẽ thứ hai
này, chính là một trong những tác phẩm mới nhất của ông, tiểu thuyết Vết
gió (Nxb Trẻ, 2016).
Nhân vật chính trong Vết gió là một cặp thị dân cũ
Hà Nội: Tuấn và Thúy. Hai người từng có với nhau những kỉ niệm đẹp của mối tình
thuở đầu đời. Thời gian trôi qua, mỗi người dần bị cuốn theo mỗi ngả đường đời
khác nhau, nhưng cái giống nhau là sự dày dặn tuổi tác của mỗi người đều được
đo đếm bằng sự ngẫu hợp với nhiều đàn bà và nhiều đàn ông khác, đến rồi đi. Tuấn
cưới Hân - con gái một quan chức cấp sở ở tỉnh khác - sau thời gian hai người
du học từ Úc trở về. Họ lấy việc kinh doanh rượu làm nghề. Còn Thúy sống với
Hưng, quý tử của một đại gia gỗ miền Trung nhưng lại kiếm tiền bằng cách chạy
hàng cho các đại gia đồ cổ ở Hà Nội. Từ hai cuộc ngẫu hợp này, Đỗ Phấn đã đưa
vào Vết gió những tri thức “chuyên môn” về rượu và đồ cổ hết sức phong phú, thú
vị. (Đỗ Phấn, không biết may mắn hay bất hạnh, vốn là người rất sành những
“món” này). Nhưng quan trọng hơn, một cách nhẩn nha và đầy tỉnh táo, ông chỉ ra
những mối nối và cả những kẽ nứt rất tinh vi khi một thị dân cũ Hà Nội chung sống
cùng một mái nhà, gọi nhau bằng “chồng” bằng “vợ” với một người ngoại tỉnh. Thì
ra, mọi chuyện không đơn giản chút nào. Người sống trên đất, người tác động và
làm biến đổi diện mạo của đất. Nhưng ở bề sâu, hồn đất lại mang sức mạnh tạo
nên tập tính người, thậm chí quy định số phận người. Đỗ Phấn chiêm nghiệm điều
đó bằng cách ngầm trả lời cho một vài câu hỏi ẩn trong cuốn tiểu thuyết này:
“Thị dân là gì? Thị dân cũ Hà Nội thì sẽ như thế nào?”.
Những câu hỏi ấy thực ra cũng là những câu hỏi được tái lặp
liên tục trong các tiểu thuyết trước đó của Đỗ Phấn: Vắng mặt, Rừng người,
Chảy qua bóng tối, Gần như là sống, Con mắt rỗng, Dằng dặc triền sông mưa, Ruồi
là ruồi, Rụng xuống ngày hư ảo; và sau đó: Rong chơi miền ký ức (Nxb Trẻ,
2017). Ở mỗi tác phẩm, theo sự xê dịch nhất định của chủ đề và cốt truyện, ông
cũng có những xê dịch nhất định trong đáp án. Nhưng tựu trung, thị dân cũ Hà Nội - nhân vật chính trong các tiểu thuyết Đỗ Phấn - là những con người đã lựa chọn
sự “vắng mặt” như một cách thế tồn tại của mình giữa bát nháo đô thị hôm nay. Vắng
mặt, không phải là trốn lánh, mà là vẫn có mặt đấy, nhưng luôn cố gắng sao cho
sự có mặt ấy không gây ra bất cứ một xao động nào. (Đây là đề từ của Gần như là
sống: “Tôi cất mình vào nhàu nhĩ phố phường”. Họ thường là những đàn ông trong
độ tuổi từ trung niên đến già. Họ sống ở “đô thị này” như là những con người được
“đô thị trước” gửi đến. Họ luôn nhớ tiếc cái đã qua. Họ nâng niu những mảnh còn
sót lại của quá khứ. Họ lưu giữ và tự thực hành một lối sống có phần lạc lõng
giữa cái ngày hôm nay xô bồ, tất bật. Họ kỹ tính đến mức trở nên cầu kì trong
cung cách hưởng thụ cuộc sống, cho dẫu là một cuộc sống chẳng có gì đáng gọi là
giàu có. (Ăn cái gì? Uống rượu gì? Ở đâu? Khi nào? Đồ ăn cần phải được chế biến
và thưởng thức ra sao cho đúng cách?… Đỗ Phấn không ngại ngắt mạch đi của chuyện
kể để đưa những trữ tình ngoại đề kiểu này vào văn bản tiểu thuyết, mỗi khi
nhân vật của ông hành sự ẩm thực). Thị dân cũ Hà Nội - hay “dân phố lâu đời”,
theo như cách một nhân vật của Đỗ Phấn tự nhận - hấp thụ một sự dạy dỗ khác,
quen với một nề nếp sinh hoạt khác, chấp nhận một bảng đánh giá giá trị đời sống
khác. Khác, so với lớp thị dân mới đang ngày một đông lên nhanh chóng và cũng
đang nhanh chóng khiến cho Hà Nội biến đổi theo mọi nghĩa. Khác, nhưng vẫn buộc
phải sống trong và sống cùng với sự biến đổi ấy, buộc phải xác lập những mối
quan hệ xã hội nhất định để có thể sống. Bởi cái sự miễn cưỡng này mà, như
không thể khác, nhân vật thị dân cũ Hà Nội trong tiểu thuyết Đỗ Phấn luôn tồn tại
và hoạt động trong một tình thế chênh vênh, lỡ cỡ: làm những công việc “gần như
là làm”, có những người bạn “gần như là bạn”, quan hệ với đàn bà theo cách “gần
như là yêu”. Tóm lại, đó là kiểu sống “gần như là sống”. Trong thế giới nhân vật
của nhiều nhà văn khác - tôi giả định - rất có thể kiểu sống ấy sẽ trở thành
cái lõi cho sự mô tả bi kịch sống mòn (hoặc chết mòn, thật ra cũng chẳng khác
nhau là mấy), nhưng với nhân vật thị dân cũ Hà Nội của Đỗ Phấn thì không hề có
sắc thái nào tương tự bi kịch. Không đau đớn, không vật vã, không ngạc nhiên,
không bất ngờ, không khóc mà cũng chẳng cười, “dân phố lâu đời” trong tiểu thuyết
Đỗ Phấn chấp nhận nó - kiểu sống ấy, tình thế ấy - một cách thản nhiên như chấp
nhận cái quy luật tất yếu của sự tồn tại nơi đô thị. Thậm chí, nói theo ngôn ngữ
thời thượng, có vẻ đó chính là “kỹ năng sống” mà họ đã vô cùng thuần thục, tựa
như một thứ phản xạ không điều kiện.
Nhưng nhân vật chính đích thực trong Vết gió, cũng như trong
các tiểu thuyết trước và sau đó của Đỗ Phấn, thực ra, lại không phải con người,
mà là cái “thành phố này”. Trong Vết gió, ở những đoạn tản văn, biểu thị qua
hình thức in chữ nghiêng đặt xen kẽ với phần chính văn hư cấu, Đỗ Phấn đã kể lại
lịch sử Hà Nội, không phải thứ lịch sử “đại tự sự” mang tính cách hàn lâm, mà
là thứ lịch sử đã “vỡ” ra thành chuyện xưa và nay của Hồ Tây, sông Hồng, cầu
Long Biên, các cửa ô, cây xanh trên phố, cột đèn đường, bia và uống bia, hoa và
chợ hoa. Kể một cách (vẫn) nhẩn nha và đầy tỉnh táo, đủ để cho người đọc thấy
Hà Nội nay khác Hà Nội xưa nhiều lắm. Đến đây, thiết nghĩ cần phải nói thêm cho
rõ: “Hà Nội xưa” trong tiểu thuyết Đỗ Phấn thường không bị đẩy đi quá xa - như
“Hà Nội xưa” trong Ba ngôi của người của Nguyễn Việt Hà, chẳng hạn - cái “xưa” ấy,
nó chỉ loanh quanh trong khoảng từ sau năm 1954 đến giữa những năm 1980, ứng với
quãng đời thiếu niên và thanh niên của tác giả, tức thời chiến tranh và bao cấp,
thời mà “Hà Nội nghèo nhưng lành lặn”, như ông vẫn thường nói những lúc trà dư
tửu hậu. Và khác, theo cái hướng là hầu như mọi phương diện, mọi lĩnh vực đều bị
trượt xuống về phẩm tính. Khác đến mức, dù đã lựa chọn tồn tại theo cách “vắng
mặt”, dù đã thản nhiên chấp nhận kiểu sống “gần như là sống”, nhân vật thị dân
cũ Hà Nội của Đỗ Phấn vẫn có lúc ngậm ngùi bởi chợt nhận ra Hà Nội với những
bãi bồi, những triền đê mượt cỏ ven sông Hồng đã bị những khối sắt thép bê tông
xâm thực thô bạo Chảy qua bóng tối; ngậm ngùi bởi Hà Nội ngạt thở trong nạn
nhân mãn Rừng người; ngậm ngùi bởi, đây mới thực là đỉnh điểm của nỗi ngậm
ngùi, sự xa lạ giữa bản thân mình và thành phố: “Thành phố đã âm thầm thay đổi
ngay trước mắt tôi từ bao giờ không biết nữa… Có vẻ như nó đã bỏ tôi ì ạch chậm
lại trong thành phố cũ. Rêu phong tựa như đã lan man bén rễ trên từng ngón tay
tôi suốt một buổi chiều” (Gần như là sống)… Ở một đoạn tản văn trong Vết
gió - vì xuất hiện với tư cách một trữ tình ngoại đề nên nó là lời của người kể
chuyện chứ không còn là lời của nhân vật nữa - Đỗ Phấn cho thấy “Hà Nội nay” có
cái thêm vào, có cái mất đi, nhưng cũng có những cái đã kịp lắng lại để trở
thành “tư chất” của con người nơi đây: “Nghĩ về những điều sắp nghĩ vốn là tư
chất của con người sống trên mảnh đất này. Ở Hà Nội thì nghĩ về những điều sắp
nghĩ chính là cuộc sống hiện tại.
Những việc đang làm đã lùi vào quá khứ. Những
việc đã làm xong là những điều sắp nghĩ để thay đổi nó…”. Nhưng với Đỗ Phấn, đó
vẫn chưa phải là sự hết kiệt về “bản sắc” của đất này. Như một phản biện ngầm
trước những mặc định ẩm ương về Hà Nội đã quá phổ biến lâu nay, Đỗ Phấn chỉ ra
rằng Hà Nội còn là vùng đất “nghiệt”, cái gọi là truyền thống gia đình ở đây
thường không dài sang đến đời thứ hai. Không những “nghiệt”, nó còn có thể rất
“dữ dằn” với cơ man những hố, những hầm, những cạm bẫy giăng mắc tinh vi trước
đồng bào miền núi, miền đồng, miền biển đang hăm hở ào về đất thánh.
Cái chết tức
tưởi của Hân, cái chết bất ngờ của Hưng - hai nhân vật người ngoại tỉnh - trong
Vết gió, ở chừng mực nào đó, là những minh chứng. Thậm chí, trở ngược lại với
cuốn Rụng xuống ngày hư ảo xuất bản ngay trước Vết gió, qua việc đưa vào cốt
truyện những vụ án mạng rùng rợn – mà nạn nhân luôn là những ngờ nghệch thị dân
mới - Đỗ Phấn dường như còn cho thấy cái khả năng to lớn để trở thành thành phố
tội ác của Hà Nội hôm nay. (Kỹ năng sống của dân phố lâu đời, thêm một lần, cho
thấy rằng nó là thứ cần thiết cho người mới thiên di vào Hà Nội đến thế nào).
Tiểu thuyết Đỗ Phấn luôn là những cuốn tiểu thuyết có cốt
truyện, nhưng nói như Milan Kundera, Đỗ Phấn không định kể một câu chuyện, mà
ông “nghĩ về một câu chuyện”. Với nhân vật chính đích thực là cái “thành phố
này”, ông viết Hà Nội không phải để kể về nó, mà như để sống cùng với nó một lần
nữa bằng hành vi viết, với tất cả những nhìn và thấy, những vui và buồn đã trải.
Bởi thế, dù có những đoạn miêu tả cảnh quan Hà Nội trong văn vắt, đẹp đến nao
lòng, cuốn tiểu thuyết gần như mới nhất của Đỗ Phấn vẫn có một đoạn kết đầy sức
ám ảnh: “Thành phố có biết bao nhiêu là bụi. Bụi lá cành, bụi gạch đá, bụi niềm
tin và thất vọng. Bụi trong mơ và bụi trên tay. Bụi người chìm nổi tỏa lan vào
bất tận… Thỏa vết gió. Thành phố thênh thang mộng mị như một người khổng lồ mê
ngủ…”
Để khép lại bài viết này, thiết nghĩ, không gì bằng mời gọi độc
giả tham khảo một bộc bạch của Đỗ Phấn, trong vai một nhà văn đang nhìn lại
chính cái viết Hà Nội của mình: “Viết về đô thị nói chung và nhất là Hà Nội
hình như là thử thách lớn với tôi. Ngồn ngộn đời sống cùng những sinh hoạt khi
thầm lặng, lúc bùng phát đỏng đảnh thất thường. Con người đô thị là tổng hòa của
rất nhiều cá tính, thói quen vùng miền. Cũng là mối quan hệ giữa những người
thành đạt và thất bại. Tôi quan sát và lần lượt viết ra những dạng nhân vật đô
thị ấy. Nhiều khi cũng không phải là nhân vật điển hình cho một tầng lớp, trình
độ hay xuất xứ nào cả… Tất cả cần phải được nhìn nhận bằng con mắt vô tư nhất để
tiếp cận được với cốt lõi của cuộc sống đầy biến động nơi này. Có thể gọi là “lắng
nghe cuộc sống” cũng được. Và như thế, nhân vật chính muốn lắng nghe được kỹ càng trọn vẹn nhất hình như phải là một người khuyết tật về thị lực để giành
“cái nhìn” cho những giác quan khác? Nhân vật chính của tôi là một người như thế.
Nó ra đời là vì yêu cầu của cuốn sách chứ không phải nó có thật trên đời. Sự thật
duy nhất ở đây chỉ là đã từng có những ông già mù lang thang trên phố Hà Nội
bán lồng chim”…
Hoài Nam
Nguồn: Văn nghệ Quân đội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét