Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Người đã đi qua mùa mây trắng

Người đã đi qua mùa mây trắng
Hình như không có một mùa nào như vậy trong cõi thực. Nhưng rồi, mùa ấy vẫn bảng lảng quanh mình suốt một phần tư thế kỷ kể từ ngày bỏ khoa Văn Đại học Tổng hợp mà đi.
Mùa không thực, nhưng người thì hiện hữu trong trí nhớ của một gã gần 50, từng trải và… bồng bột, cũ mèm trong câu thơ gã viết cùng ký ức “đêm phố xá nhớ về đêm cư xá, anh bụi đời đi nhớ một người dưng …”.
Mới rồi, đọc trên facebook của thầy mình - PGS.TS Phạm Quang Long, thấy thầy viết về “dị nhân” khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mọi người bình luận đoán già đoán non đó là nhân vật Trần Côn huyền thoại. Thầy bảo không phải.
Mình chợt nhớ đến một dị nhân khác, đã từng học cùng lớp, giống Trần Côn là cũng học gần 10 năm mới tốt nghiệp, đặc biệt hơn là sau 25 năm, khi mình và nhiều bạn bè đuối sức chạy dọc đường số phận, lạc lối trong những ngã rẽ ngẫu nhiên thì gã vẫn lang thang đi trong mùa mây trắng của thập niên 80 thế kỷ trước.
Gã tên Khanh, vào khoa Văn năm 1983, khoá 28, sau đó học cùng lớp mình và Nguyễn Kim Sơn, khóa 30. Chả hiểu sao, khi mình và Sơn đã ở lại khoa, gã mới bảo vệ luận văn cùng khoá 33.
Khanh trán to, cực thông minh, mê triết học đến điên cuồng và có trí nhớ phi thường. Nếu đọc bất cứ một câu nào trong Tư bản luận, gã có thể nói câu đó nằm ở trang bao nhiêu, tập mấy và bản in năm nào. Học hết năm thứ nhất lớp Hán, gã học theo... Nguyễn Trãi, làm đơn xin nghỉ 2 năm về Côn Sơn để "di dưỡng tinh thần". 2 năm sau, gã ra học lớp Văn cùng mình.
Cả năm trời, gã cùng 1 dị nhân khác, nhiều tuổi hơn nhưng cũng học K30 (anh này đã đi xa lắm, mình sẽ kể về anh ở một câu chuyện khác) đi học có 2... nửa buổi, còn suốt ngày khề khà đối ẩm, cao đàm khoát luận trong men rượu, đôi khi cãi nhau nảy lửa về những điều gần ngay trước mắt, xa tận chân trời. Có một lần mình chứng kiến, thầy Thịnh dạy Hán vào phòng ký túc, thấy hai học trò quý nồng nặc hơi men, gân cổ cãi nhau về điều gì đó, thầy can không nổi. Thầy ngồi giường tầng 1 mà Khanh nôn vọt như cầu vồng từ giường tầng 2 xuống đất. Đã thế dị nhân kia còn lè nhè chế thêm dầu vào lửa: "Mày cứ nôn đi, nôn hết cái duy vật của mày ra. Tao mà không nôn đè lên cặp phạm trù của mày thì tao không phải là thằng Đ". Mình và thầy đều ngán và... hoảng, đành bỏ ra ngoài nên không được mục kích màn đấu khẩu khi kết thúc biến thành đấu võ này ra sao.
Năm cuối, Khanh cưới vợ. Gã bảo gã và cô ấy quen nhau vì một sự nhầm lẫn: Mẹ gã bảo cô ấy đã từng có bài dự thi Hoa Học Trò, gã nghe nhầm cô ấy từng dự thi Hoa Hậu. Cùng gã đi xin cưới con nhà người ta, mấy thằng em dại cùng khóa 30 xanh mặt. Ai đời sau màn chào hỏi hết lưng chai, chàng rể và ông nhạc tương lai quay ra tranh luận về chuyện gì đó mình không nhớ (hình như về triết gia người Đức F. Nietzsche, thần tượng của gã thì phải). Choang, ông trung niên mặt đỏ phừng phừng ném phăng cái chén xuống đất, chỉ mặt gã mà rằng: “thằng bố láo, tao mà gả con gái cho mày thì tao thề sẽ giống như cái chén này”. Rầm, gã thanh niên mặt tái nhợt vì quá chén và quá... cảm xúc phang mạnh cái ấm xuống đất, trừng mắt lên với ông nhạc tương lai: “con mà không lấy được con gái ông thì con cũng thề sẽ giống như cái ấm này”.
Ấy vậy mà sau này trời chẳng chịu đất thì đất phải chịu trời, con gái ông vẫn lấy gã. Đám cưới của gã thì cũng vô tiền khoáng hậu, viết mấy trang cũng chưa hết chuyện, đành để dịp khác vậy.
Lại nói, sau khi gã lấy vợ xong cũng là lúc chuẩn bị làm Luận văn tốt nghiệp. Gã chọn đề tài về một nhà Thơ miền Nam trước 75. Gã viết như điên, như thơ, như triết, chỉ duy nhất không như… luận. Mình đọc cũng bảo gã sẽ trượt. Ai đời Luận văn tốt nghiệp lại viết theo kiểu: 
Chương I: Năm ngón tay chứa bốn mùa trái đất, 
Chương 2: Khi khuôn ngực 20 nằm trong tầm viên đạn, v.v và v.v...
Vậy là cả lớp mình ra trường, duy có gã ở lại học tiếp. 3 năm sau, hắn lại bảo vệ Luận văn cùng khoá 33. Lần này, gã làm Luận văn với bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, đúng bộ môn mà hồi đó mình đang công tác (vì cũng ở lại trường tập tọe làm thầy). Đề tài Luận văn gã chọn lần này là: Nguyễn Huy Thiệp và những ông vua (khi đó Nguyễn Huy Thiệp và cái món gọi là thi pháp đang hot). Mình nhớ rõ là vì, hễ cứ viết xong một chương là gã lại cho mình đọc. Mình vẫn bảo gã: Luận văn của ông giống mọi thứ viết lách trên đời, trừ thứ gọi là Luận văn.
Nếu mình nhớ không nhầm thì thầy hướng dẫn luận văn của gã là thầy Bùi Việt Thắng, thầy phản biện là thầy Phạm Quang Long (mặc dù thầy Long ở bộ môn Lý Luận Văn học). Hôm gã bảo vệ Luận văn, phòng chật cứng người, đông hơn cả những đêm Thơ đặc sản nổi tiếng nhất của khoa Văn Tổng hợp ngày ấy. Chả nhớ hắn đọc gì, chỉ nhớ sau khi thầy Long phản biện xong, hắn vung tay hùng dũng bước lên bục, trịnh trọng mà rằng: thưa Hội đồng, bây giờ đến lượt em, em xin phản biện lại thầy phản biện... Cả phòng lăn ra cười.
Công bằng mà nói, nếu xét về mặt khoa học, luận văn đó đáng điểm 0 hoặc điểm…10+, bởi vì không ai hiểu gã viết gì và viết như thế để làm gì. Tuy không có luận điểm và phi thể loại nhưng đọc nó cũng thú vị, cũng có đôi lúc phát sáng và lấp lánh trong cái mớ lằng nhằng, hỗn mang của câu từ. Thế nhưng, chắc vì lòng bao dung và tính nhân văn, cuối cùng rồi các thầy cũng cho gã tốt nghiệp.
Thật không ngờ, tính nhân văn của các thầy lại làm hệ lụy đến cả khoá mình, nhất là mình và Sơn. Theo quan niệm của gã, một thiên tài bị ruồng bỏ thì đương nhiên bạn bè phải cưu mang. Khổ nhất là gã đã tốt nghiệp. Không còn học ở khoa Văn, phần còn lại của thế giới thì không xứng để gã đối ẩm và đàm đạo. Thế là gã mò đến bạn bè, nhiều nhất là mình và Sơn. Khổ nỗi, đám tri kỷ sinh viên của gã đều “vấp đời phàm tục, tan vỡ chiếc thuyền tình”, vật lộn với mưu sinh nên rất ít có thời gian hầu tiếp gã. Mình không chịu nổi gian khó trong trường, “mất dậy” đi làm báo TN. Sơn có điều kiện hơn, tiếp tục ở lại làm thầy. Ông thân sinh của Sơn khi đó làm TBT tờ báo tỉnh, Sơn cày cục nói khó xin bố cho gã về đó làm phóng viên.
Tưởng như thế là chuyện cổ tích kết thúc có hậu, gã đã yên thân. Dè đâu 3 tháng sau, 11h đêm gã gõ cửa nhà mình. Câu đầu tiên gã bảo: “Anh không phải dạng vĩ nhân tỉnh lẻ, nhưng không thể sống ở báo địa phương. Không chỉ các phòng ban trong báo mà các ban ngành địa phương đều không hiểu tư tưởng của anh, hiểu cách thức phản ánh thực tại của anh. Chúng nó nhìn anh như quái vật, đọc bài viết của anh như một điều kinh dị. Chú giới thiệu anh về tờ báo chú đang làm đi”. Mình hoảng quá, nói: “Báo tôi là báo phía Nam, vụ thực, không cao siêu, làm việc rất áp lực, không dung nổi anh đâu”. Gã kiên quyết lắc đầu: “Anh làm được, chú cho anh một tuần, anh sẽ mang sản phẩm đầu tiên đến ra mắt. Chú sẽ có cái để thuyết phục sếp chú nhận anh”. Một tuần sau, gã mang bài đến mình, một bài viết gã bảo thuộc thể loại phóng sự điều tra. Đọc xong mình kinh hãi.
Sau cái tiêu đề thực sự giống như một niềm kinh dị: “Siêu hình học về cờ bạc”, gã viết đại loại như: Phàm là người, làm trai sống ở trong trời đất thì cũng nên… đánh bạc. Bằng chứng là cứ 7h tối, hàng triệu người ở xứ sở Việt Nam vẫn dán mắt vào màn hình để theo dõi kết quả xổ số. Trong những đêm khuya vắng, có bao nhiêu giấc mơ không phải mơ về nơi xa lắm hay hạnh phúc bình yên, mà là sự khắc khoải mong chờ ngày mai truyền hình quốc gia sẽ thông báo con số mơ ước.
Người ta âu yếm gọi số đề là con đề, gọi giấc mơ số đề là mộng đề. “Sáng đi một chục tối về bảy trăm” không phải là một nỗi ám ảnh đè nặng lên dân tộc này, mà là một khát vọng vươn lên ở mỗi hang cùng ngõ hẻm, một khát vọng đổi đời trong thăng hoa cảm xúc khi con số độc đắc được xướng lên trên truyền hình….
Sau lời đề dẫn hoành tráng này, gã giống như một ông Aristotle thời hiện đại giành tới 20 trang giấy A4 viết tay để thuyết luận về sự cần thiết và triết lý nhân sinh của một trong tứ khoái đời người. Dĩ nhiên là mình giấu biệt bài của gã, không trình sếp. Mình không giới thiệu nhân tài cho báo được, còn gã vẫn ở lại Hà Nội lang thang trong ký túc Đại học Tổng hợp, chém gió cùng các thế hệ sinh viên đàn em và các thầy.
Mãi sau này, mình có một túp lều 12m2 ở ven thành phố không dùng đến, gã về đó ở. Tiền uống rượu thì bạn bè chu cấp. Gã xoay sang làm thơ, thơ tình. Văn của gã mông lung, nhưng thơ của gã thì u uẩn, ngôn từ cũ như từ thời Đường. Đọc thơ gã, mình liên tưởng đến tác giả “Hố thẳm của tư tưởng”, triết gia “điên” Phạm Công Thiện ở miền Nam trước 75. Ông này viết tiểu luận làm người ta choáng váng, nhưng quay sang làm thơ thì cũng rêu phong cũ kỹ. Trong đời, có lẽ có những bản sao khác nhau của con người, chỉ có điều kích cỡ khác nhau thôi…
Muốn làm được một lần như bạn, lên đỉnh Côn Sơn 
học theo người xưa, hét lên một tiếng làm lạnh cả bầu trời 
và quan trọng hơn là làm lạnh cả… lòng mình.
Suốt nhiều năm sau đó, hễ mình chuyển sang báo nào thì gã đều hăm hở tìm đến nói cho gã cơ hội. Các bạn bè khác cùng khóa cũng vậy. Nhưng rồi có lẽ gã cũng nhận ra rằng, cái nghề cũng gọi là viết lách ấy khác xa với sự tưởng tượng của gã. Gã bỏ Hà Nội về ở với mẹ, còn vợ gã thì ôm con về nhà ngoại. Thi thoảng, gã hiện diện trong tâm tưởng bạn bè bằng một chuyến lên Hà Nội chớp nhoáng, say khướt với nhau rồi mất hút. Rồi một tháng đôi lần trong đêm, vào lúc 2h sáng, thấy điện thoại reo, số máy hiện lên là số công cộng, ấy là lúc gã tâm tư muốn chia sẻ, nhưng cũng chỉ ấp úng, vu vơ vài câu không rõ nghĩa, bằng cái giọng lè nhè, líu lưỡi của người say…Rồi cúp máy.
5 năm rồi không gặp, đến bây giờ, chắc gã vẫn ngất ngưởng trong cõi riêng của gã. Bạn bè đa phần đều tiếc hận cho gã, bảo gã trượt dài và vong thân theo kiểu hiện sinh trên con đường số phận chuếnh choáng hơi men, có thông minh mà lười nhác, có tài năng nhưng chỉ để… rong chơi. Mình thì lại tiếc hận cho đời, nếu gã không trượt dài trong chai rượu như vậy thì biết đâu đời này có thêm một thiên tài. Còn với gã, mình có chút hơi ngưỡng mộ và ghen tị. Ở cái tuổi gần ngũ thập, chạm ngưỡng tri thiên mệnh và không còn vô minh, đôi lúc mình nhận thấy chính bản thân và một số bạn bè khác mới thực sự là vong thân, trôi nổi trong đời phàm tục, làm những điều mình bắt buộc phải làm chứ không phải điều mình thích. Ở điểm này, gã hơn bạn bè cùng lứa nhiều lắm.
Đôi khi, mình vẫn nằm mơ về thời đi học ở khoa Văn, rượu say chất ngất, vĩ cuồng trên mây, cả ngày không làm gì, chỉ làm mỗi…thơ và bàn toàn những chuyện viển vông, xa rời thế sự. Mà thế sự thì nhiêu khê và mông lung lắm. “Thế sự du du nại lão hà” (Đặng Dung). Bạn bè khóa 30 đa phần đi làm báo, một số ở lại trường làm Thầy, riêng gã không làm gì cả. Thế có khi lại là lựa chọn đúng. Thà không làm gì còn hơn là làm việc bắt buộc phải làm, khổ ải không chịu nổi.
Nhớ về gã, mình lại tự hỏi, hơn 20 năm trước bỏ trường đi làm báo (một nghề…giết văn), rồi bỏ bút đi làm quản lý, là đúng hay sai đây? Nhưng đúng hay sai thì cũng để làm gì?
Thôi thì viết cố cho xong những dòng về bạn cũ rồi lại phải lặn ngụp trong mớ công việc thường nhật. Thật là khốn khổ. Muốn làm được một lần như bạn, lên đỉnh Côn Sơn học theo người xưa, hét lên một tiếng làm lạnh cả bầu trời (trường khiếu nhất thanh hàn thái hư), và quan trọng hơn là làm lạnh cả …lòng mình. Mà thực sự vô năng!.
Hồi ức đôi khi là vết đâm ngọt vào năm tháng, nhưng chắc chắn những câu chuyện về tình bằng hữu, tình đồng môn không bao giờ là dao nhọn.
Ở khoa Văn (gọi đầy đủ là khoa Ngữ Văn) Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy, K30 cũng là một… dị K. Không biết sau khi bể dâu canh cải, trường mất tên và khoa cũng khác xưa thì như thế nào, nhưng gần ba mươi năm trước, K30 giữ kỷ lục về số lượng sinh viên. Một kỷ lục ngược. Bởi cả khóa chỉ vỏn vẹn hăm tư nhân mạng: lớp Văn mười, lớp Ngữ tám và lớp Hán có sáu. Nhiều lần lớp Hán đi học, một thầy mà cũng chỉ một trò lên lớp. Chữ nghĩa thênh thang trên giảng đường vắng vẻ, trò khen thầy chữ tốt, thầy bảo trò viết cũng …phiêu diêu.
Học đến năm thứ hai, đột nhiên K30 bị nâng thời gian học từ bốn năm lên năm năm, đến khóa sau lại chỉ còn bốn năm. Có lẽ Bộ Giáo dục - Đào tạo thấy rằng, văn học là nhân học, mà kiếp nhân sinh thì như bóng bạch câu quá khích (bóng ngựa trắng qua khe cửa sổ), nên thương tình cho lũ sinh viên K30 khoa Văn thêm một năm ở lại trường mà làm thơ, uống rượu và luận bàn những chuyện trên mây…
Vậy là nếu mình nhớ không nhầm, đây là khóa ít người nhất và học nhiều (năm) nhất trong lịch sử khoa Văn. Nhưng ở khoa Văn, đa phần các dị nhân đều hay lạc bước “tăng ca” xuống khóa dưới, còn lại thì cũng không ít kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi hoặc ôm đầy một bụng chữ về quê cày ruộng. Vì học nhiều năm nhất, nên K30 cũng là nơi hứng nhiều dị nhân rơi rụng từ những năm trên xuống. Mình ít tuổi nhất khóa, nên sẽ viết trước về những dị nhân ở khóa trên đi qua K30, coi như kính lão vậy.
Ở bài trước, mình đã viết về Khanh. Hồi đó Khanh là một dị nhân có kích cỡ khổng lồ, nhưng lại không nổi bật và… đứng trên đỉnh khiến nhiều sinh viên khóa dưới, nhất là các em nữ phải ngước nhìn ngưỡng mộ như hai nhân vật mình sắp kể trong bài này. Cũng phải nói thêm, do quan niệm văn bút bất phân nên ngày ấy, các dị nhân khoa Văn tung câu ném chữ, cả bằng miệng lẫn bút trên búa xua các lĩnh vực Văn - Sử - Triết. Dĩ nhiên, Thơ vẫn là số một. Khanh không làm thơ nên ít có hào quang. Chói sáng nhất phải kể đến Hải và Hạnh, đều học K29, sau “tăng ca” xuống K30.
Hải người tỉnh H., hoạt ngôn, nói chuyện và đọc thơ đều như mây bay gió cuốn. Thơ Hải khẩu khí, kiểu như: “Nhất quả đất, chiều nay anh em mình uống cạn” v.v… Hạnh ở thành T., nói ít hơn Hải, ngôn ngữ mộc như hình hài, nhưng thơ có những câu xuất thần hay đến nao lòng, kiểu như “nước mắt rơi làm bỏng lá thu gầy”… Tóm lại, Hải sống như bay lượn trên mặt đất, còn Hạnh lại bước thấp, bước cao trên… mây.
Hải sống như bay lượn trên mặt đất, 
còn Hạnh lại bước thấp, bước cao trên… mây.
Nói về Hạnh và Hải, các em khoa Văn khóa dưới đa phần đều có một chút ngưỡng mộ. Vài em khác khó tính hơn thì nhăn mặt, bĩu môi: “hâm quá”, nhưng trong sổ tay lại len lén chép vài câu xao xuyến. Một lần, trong lúc nâng chén “luận anh hùng”, một bậc tiền bối mà sinh viên khoa Văn nhiều thế hệ đều yêu mến phán về Hải và Hạnh với mình như sau: “Hải là thằng làm thơ xong rồi …trèo lên bụng đàn bà, còn Hạnh là thằng trèo lên bụng đàn bà rồi… vẫn làm thơ”.
Xin lỗi các em, xin lỗi Hạnh và Hải, nhưng câu phán ấy của bậc tiền bối ngẫm ra thật chí lý. Những năm sinh viên, các cuộc tình đi qua đời trai của Hạnh và Hải đều nhiều như những câu thơ hai gã viết. Chỉ có điều, Hải tung tăng trong đời, trong thơ, trong tình ái, còn Hạnh thì vật vã trong mộng, trong yêu, trong viết lách… Hải theo kiểu “tình yêu chớp bể mưa nguồn - em châu chấu đá, anh chuồn chuồn bay”, còn Hạnh thuộc dạng “chỉ cần em nói một lời - là anh coi cả đất trời bằng vung”. Những chuyện gió mây của Hải và Hạnh mình chứng kiến cũng nhiều, nhưng thôi không tiện đề cập. Chỉ biết rằng, đa phần những cuộc chia tay và đổ vỡ của Hải đều chóng vánh như mưa bóng mây, còn của Hạnh thì sầm sập và dữ dội như bão cấp 12. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến một tình huống sau này của Hạnh, khiến gã phải trả giá khá đắt, may mà vượt qua được. Chuyện này những người đương thời đều biết nên mình không kể nữa.
Hồi ấy, trong bất kể đêm thơ và…bữa rượu nổi tiếng nào của khoa Văn đều không thể vắng Hạnh và Hải. Hạnh có một bài lục bát hay đọc trong các đêm thơ, có một câu ngọt ngào nhiều người thích: “Cào cào bay dọc tuổi thơ”. Còn Hải thì một em năm dưới xiêu lòng vì một bài thơ nghe tên đã rất sến: “Thì có sao đâu”, trong đó có những câu rất mị hoặc:
“Em lắc đầu giận dỗi những câu thơ
Viết tha thiết giữa rất nhiều ánh lửa
Những câu thơ vụng về khép mở
Em lắc đầu thì cũng có sao đâu”.
Thơ Hạnh hay, nhưng đọc nhiều khi như mê sảng. Một lần, có hội trại ở sân Mễ Trì và dĩ nhiên là có đêm thơ, D.P.V - một kiều nữ K30 miệng lưỡi và trí tuệ đều sắc nhọn như gai tầm xuân kéo tay mình chạy ra khoảng tối phía sau lều trại. Mình vừa ngạc nhiên vừa hoảng hốt, tim đập thùm thụp không biết cơn cớ gì đây(???). Ngoài sự tưởng tượng của mình, nàng chỉ: “Ông xem kìa, chàng đang vùng vằng đọc thơ đó”.
Hóa ra là Hạnh, đứng trong một góc tối nhất, áo kiểu người Mèo khoác trên vai, tay vung vẩy tự đọc thơ cho chính bản thân nghe thật. Mình bảo V.: “Sao lại dùng từ vùng vằng?”. Nhưng một lúc sau, khi thấy Hạnh lên sân khấu, vai đu đưa, đọc thơ trong bộ dáng vùng vằng, mình mới thấy V.dùng từ thật chính xác. Nhưng đó cũng là một bài khá ấn tượng của Hạnh, mình còn nhớ mấy câu đại loại như:
“Có một ngày đi giữa ngút ngàn xanh
Cây đơn lẻ gặp lòng anh kết trái
Anh ngang tàng để mùa không kịp hái
Đành bứt mình chín rụng trước vườn em…”.
Những năm ở trường, những buổi mình và Hạnh uống với nhau nhiều không nhớ hết. Hải thì ít hơn. Rồi cùng đi đọc thơ trong các đêm thơ khoa Văn Tổng hợp, rồi ĐH Sư phạm, Bách khoa, Kiến trúc, Xây dựng, Kinh tế Quốc dân, Cung Văn hóa Hữu nghị, Nhà văn hóa Sinh viên, Trung tâm phương pháp CLB ngoài Bờ hồ v.v… Cao đàm khoát luận về những chuyện viển vông, đại ngôn và vĩ cuồng… Rồi ra trường, 2 gã bặt vô âm tín, nhất là Hải.
Sau này mình mới biết Hải sang Lào, làm đại diện cho đại gia Minh “N.” một thời lừng lẫy tỉnh H. Sau công ty của Minh “N.” tan vỡ, Hải quay lại làm báo địa phương, nghe bạn bè bảo bây giờ Hải làm Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh. Còn Hạnh sau khi tốt nghiệp, làm Hội Văn nghệ tỉnh T. và lấy vợ cũng ở Hội Văn nghệ.
Chuyện Hạnh lấy vợ khốc liệt không kém gì chuyện Hạnh yêu hồi đi học. Mình nghe chuyện, không ngạc nhiên mà thấy phục Hạnh, phục vì sự lãng mạn đến khó tin của gã, lãng mạn đến mức chuyện gì cũng dám làm. Chỉ ngạc nhiên khi nghe tin sau khi gã về làm chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh bên cạnh đã quay lại đèn sách với thầy Hà Minh Đức, lấy bằng tiến sĩ. Bạn bè bảo, tiến sĩ Hạnh bây giờ nghiêm ngắn lắm, khác với thi sĩ Hạnh “tin đời xa xót ở bàn tay” thuở sinh viên. Mình không tin, vì trong hình dung của mình, Hạnh bao giờ cũng là một dị nhân khoa Văn với đúng nghĩa của từ này, phất phơ cùng hoa cỏ, “đem tim cho tia nắng mặt trời” như một câu thơ của gã.
Gần đây gặp Hạnh ở Hà Nội, thấy như gặp một người khác. Mừng cho bạn sau những hưng phế thăng trầm đã cập được bến đỗ bình yên và có được những giá trị khác xưa. Ngậm ngùi vì sao mình trở thành người hoài cổ…
Mới đây, khi mình viết về Khanh, Hạnh bảo rằng: viết về những người bạn cũ với cảm nhận riêng là… đáng sợ ,vì mỗi người có số phận riêng. Mình quan niệm khác. Facebook là nơi để bày tỏ cảm nhận riêng. Có yêu mến, quý trọng nhau thì mới nhắc đến nhau. Quan trọng là nhắc đến nhau để nhớ về nhau, một thuở bạn bè buồn vui. Trân trọng kỷ niệm đâu có gì là đáng sợ? Với mình, chuyện của 30 năm trước ở khoa Văn là những giá trị không thay đổi theo thời gian. Đã định không viết về bạn nữa, nhưng rồi vẫn viết, vì nghĩ rằng mình viết về một dị nhân đã góp phần làm nên bản sắc khoa Văn một thuở - theo cảm nhận của mình, với tình yêu mến và niềm trân trọng. Đó là gia tài chung của nhiều thế hệ khoa Văn.
Hồi ức đôi khi là vết đâm ngọt vào năm tháng, nhưng chắc chắn những câu chuyện về tình bằng hữu, tình đồng môn không bao giờ là dao nhọn. Những gương mặt dị nhân, sau Trần Côn huyền thoại là rất nhiều người khác, trong đó có bạn, thực sự đã thắp lên thứ ánh sáng quyến rũ và huyền hoặc của khoa Văn, soi chiếu qua nhiều thế hệ, như lửa một lần được phát hiện ra từ đá và cháy mãi đến tận bây giờ. Bởi ngọn gió thời gian vẫn vô tình lạnh lẽo thổi qua đời này, mái đầu xanh rồi sẽ như rừng lau trắng, sao chúng ta không được quyền nhớ và viết về thuở ấy, Hạnh ơi!.
Nguyễn Tiến Thanh
Nguồn: người đưa tin
Theo http://www.tinku.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...