Nay chuyện mùa thi 2008 đã qua rồi, tôi ngồi viết mấy ý này để
đưa ra ý kiến của mình về cách cảm nhận câu thơ Có chở trăng về kịp tối
nay mà đáp án môn Văn khối D đã viết. Trước hết, tôi không có ý phê phán
hoặc tranh luận gì cả mà nhằm góp thêm cách hiểu, cách cảm nhận vì tôi biết rằng,
những người soạn đáp án đều là những chuyên gia đáng tin cậy trong lĩnh vực này
và phần lớn cũng đều là bạn bè của tôi. Bởi vậy, cũng như tất cả mọi người, tôi
và họ đều thỉnh thoảng vẫn có thể có những sơ sót, sơ ý, sơ sài. Hơn nữa, việc
cảm nhận thơ ca lại càng nhạy cảm, không ai có thể nói mạnh được. Vì vậy, ai thấy
ý kiến tôi có phần chấp nhận được thì đồng cảm,còn không thì góp ý lại.
Đề thi môn Văn khối D 2008 yêu cầu thí sinh cảm nhận đoạn
thơ Gió theo lối gió, mây đường mây,/Dòng nước buồn thiu, hoa bắp
lay/Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay? trong
bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Liên quan đến câu thơ đang bàn,
đáp án viết: a. Cảnh sắc thiên nhiên….- Xu thế vận động của thiên nhiên có
sự tương phản: hầu hết sự vật chảy trôi đi, còn trăng thì ngược dòng trở lại,
chứa đựng những nghịch cảnh.
Vấn đề ở đây là tại sao trăng đoạn thơ trên lại ngược
dòng trở lại nhỉ? Chứng cớ đâu?. Tôi đặt ra câu hỏi đó ngay khi thảo luận
đáp án để chấm. Chắc là các tác giả đáp án muốn hiểu con thuyền chở trăng
về đây là từ hạ lưu lên vì dòng nước buồn thiu kia xuôi đông là
dĩ nhiên rồi. Như vậy, thời gian trong đoạn thơ chắc phải là những ngày 14, 15,
16 âm lịch chăng, vì những ngày đó, vào lúc chuyển chiều sang tối, trăng xuất
hiện tự hướng đông, và bến sông trăng ắt hẳn ở phía đó.Dẫu biết cái bến
trăng này là bến thơ, nó tồn tại trong thơ, nhưng khi đặt vấn đề cảm nhận về cảnh
sắc thì phải có cái lí của nó chứ.
Thử đọc lại hai câu thơ:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
thì chúng ta thấy khác vậy. Có hai từ quan trọng trong câu
thơ thứ hai đã không được hiểu kỹ càng đó là kịp và tối nay. Tại
sao lại kịp? Vì không kịp thì sẽ hết trăng, trời sẽ tối mò. Các bà đi chợ
đò dọc ngày xưa vào những ngày thượng tuần, thường giục nhau xuống đò về cho kịp
trăng là vì vậy, nếu không lúc lên bến về xóm sẽ tối trời, mò mẫm. Những ngày
khác, người ta sẽ dùng đuốc hoặc người nhà ra đón. Ngày xưa, đi sinh hoạt thiếu
nhi mẹ cũng thường dặn: liệu mà về cho kịp trăng. Nay điện sáng khắp nơi, chúng
ta dễ quên những lời dặn đó. Tại sao lại kịp tối nay mà không phải
là kịp đêm nay hay kịp sáng mai?. Vì đó là trăng thượng tuần,
đúng hơn là những ngày 6, 7, 8 âm lịch. Mùng sáu thật trăng mà. Từ
mùng 1 đến mùng 5 là trăng giả ư? Dân gian nói thật trăng là theo
kinh nghiệm, đến ngày đó trăng mới đủ sáng để người ta có bóng rõ trên lối đi.
Trăng thượng tuần thì vào thời gian chuyển từ chiều sang tối sẽ hiện lên ở
khung trời hướng tây và khi hết tối nó sẽ lặn mất. Còn nếu như trăng rằm, cũng
đã sang tây, thì dân gian vẫn hát Nửa đêm là đêm về sáng í giăng bằng cái
ngọn cây tre í có yêu nhau…Như vậy ta dễ dàng thấy rằng trăng không
thể ngược dòng trở lại trừ phi dòng nước buồn thiu kia của
sông Hương là nghịch thủy. Như vậy, thuyền chở trăng về là từ thượng nguồn về
thôn Vĩ, từ tây xuôi đông, là xuôi dòng chứ, và bến sông trăng, dù là bến thơ, ắt
hẳn cũng từ phía đó.
Từ thời Nguyễn xưa đã có những cuộc du ngoạn chơi trăng trên
sông Hương, thời Pháp thuộc vẫn quy trì và nay lại tiếp tục. Khách chơi trăng là
vua quan quyền quý và tao nhân mặc khách. Một trong những thủy trình quen thuộc
là xuất phát từ Phu Văn Lâu hoặc từ Đông Ba ngược dòng lên Kim Long, Nguyệt Biều,
có khi xa hơn, rồi quay xuôi Vĩ Dạ, sau đó ngược chếch trở về, kết thúc cuộc
thưởng nguyệt. Hàn Mặc Tử vào những năm đẹp nhất cuộc đời mình, 18-19 tuổi, đã
học ở Huế. Ông có chơi trăng trên sông không ta không biết nhưng chắc chắn đã
chứng kiến như Xuân Diệu hay Tố Hữu vậy. Cảm thức về thuyền và trăng trên dòng
Hương chắc là sâu đậm trong hồn thi sĩ. Có một sự trùng hợp này có lẽ cũng đáng
nói ra cho dù đây là suy luận. Men bờ nam sông Hương, ngược lên phía tây, cách
trung tâm thành phố khoảng 4km là làng Nguyệt Biều. Biều là bào có
nghĩa là bọt nổi, là bóng nổi trên mặt nước hoặc bóng soi xuống nước. Nguyệt Biều
là bóng trăng. Dù chưa khảo được địa danh này có từ bao giờ nhưng đó là một địa
danh đẹp, nên thơ, gợi cảm. Làng có bến mà bến Nguyệt Biều thì gần gũi với bến
sông trăng biết là bao nhiêu. Tôi không nói bến sông trăng đích
thị là Nguyệt Biều. Dọc sông Hương, trong tâm hồn thi sĩ, thì bến nào cũng sẵn
sàng trở thành bến trăng cả, hơn nữa đây đâu phải là bài thơ vịnh cảnh.
Tuy vậy, tôi cũng đã nhiều lần đứng sau Đập Đá dao vọng về phía Nguyệt Biều
trong những ngày trăng đầu tháng và lúc đó, những câu thơ của Hàn Mặc Tử lại
ngân rung trong lòng. Suýt làm rể thôn Vĩ mà.
Cuối cùng cũng cần nói những điều này. Thứ nhất, thơ không phải
là văn xuôi, trữ tình thì khác với tự sự. Thứ hai, Hàn Mặc Tử khi viết bài
thơ,hình ảnh trong đó là sự đồng vọng những hoài niệm về Vĩ Dạ, về Huế, về dòng
Hương, ông không trực tiếp đứng bờ mà cảm tác. Thứ ba, bài thơ nay đã là một
văn bản thi ca độc lập, nó đã tạm xa chốn cũ về thời gian, không gian. Hiểu về
nó là quyền của mọi người. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề cảm nhận nó theo a. Cảnh
sắc thiên nhiên trong sự phân biệt với b.Tâm trạng của nhân vật trữ
tình như trong Đáp án thì chúng ta nên chu đáo hơn, kĩ càng hơn.
Cái chưa tới, theo tôi, của những người làm đáp án là ở chỗ họ đã đem cảm nhận
về sự chia lìa của câu đầu đoạn (Gió theo lối gió, mây đường mây) để áp
vào câu này nên đọc ra là trăng ngược dòng một cách cưỡng ép. Hai câu
thơ sau có thể hiểu là nghịch cảnh ở chỗ tác giả lo lắng sự hối thúc
của thời gian (kịp), sự mong manh của biểu tượng đẹp (thuyền, sông trăng, chở
trăng) những thứ đáng lẽ ra hoặc hứa hẹn sẽ trường tồn nhưng với hoàn cảnh Hàn
Mặc Tử lại không cho phép, không thể được. Có khi sự hiểu chưa tới của thầy sẽ
mãi mãi làm nên sự hiểu chưa tới của trò. Ai cũng có kinh nghiệm trong chuyện
này.
Trên đây là ý kiến của tôi từ chút kinh nghiệm văn bản và văn
hóa khi đọc thơ. Và nó cũng có thể là cảm nhận chưa đúng đắn.
Nguyễn Hùng Vĩ
Bản tác giả gửi Phongdiep.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét