Thanh Hóa tự hào có một Sầm Sơn danh lam thắng cảnh, tự hào
có một Sầm Sơn biển sóng mê hoặc lòng người. Thanh Hóa cũng vô cùng tự hào có Sầm
Sơn thơ, nhạc. Không một du khách nào đến Sầm Sơn mà không để lại một vài bài
thơ. Tên bài thơ nào của du khách cũng có hai chữ Sầm Sơn hoặc gián tiếp nói đến
Sầm Sơn như Cô Tiên, Độc Cước, Trường Lệ.
Tiếng lòng họ bất chợt thốt lên, vang lên, không kìm nén được
“Sầm Sơn cảnh tựa tiên bồng/ Thì thầm biển hát như lòng mẹ yêu”. Trong
bài Nhớ biển Sầm Sơn, Chiều Tím bộc lộ lòng mình: “Sầm Sơn đến hẹn lại
lên/ Dập dìu nỗi nhớ xuyên đêm thấu ngày”. Cùng cảm xúc dạt dào ấy, với Sầm
Sơn biển nhớ, Hồ Nhu tâm sự: “Anh về với biển Sầm Sơn/ Sóng hôn Độc Cước,
mây vờn Cô Tiên”. Trong Đêm Sầm Sơn, Đức Trung viết: “Đêm Sầm Sơn
trăng soi sáng tỏ/ Biển bồn chồn thao thức sóng về em”. Sầm Sơn có sức hấp dẫn
Ninh Ngọc Tùng, trong bài Sầm Sơn biển khát, anh không giấu được sự
thôi thúc “Khát khao biển gọi đêm ngày/ Sầm Sơn đã đến, đắm say không về”.
Thanh Tâm khẳng định trong Tình ta với biển: “Trong tim ta khắc hai
chữ Sầm Sơn/ Vì nơi đó có tình yêu của biển”. Nhà thơ Nguyên An viết: “Nắm tay
nhau trong biển tĩnh lặng yên bình/ Nghe sóng hát giữa biển trời huyền ảo/ Dù
biển lặng hay trời giông bão/ Trong lòng mình vẫn da diết Sầm Sơn”.
Rất nhiều nhà thơ nổi tiếng của xứ Thanh như Mai Ngọc Thanh,
Văn Đắc, Nguyễn Anh Nông, Hải Minh, Đinh Ngọc Diệp đã được sinh ra, lớn lên ở
vùng biển Sầm Sơn. Trong máu họ là biển. Tâm hồn họ là biển. Từng câu, từng chữ
trong thơ của họ là từng câu, từng chữ của ký ức, kỷ niệm, tình yêu máu thịt với
Sầm Sơn, với biển. Sáng tác của họ, câu chữ của họ là chiêm nghiệm cuộc sống,
ân huệ cuộc sống, tình yêu, lẽ sống, đạo đức, nhân cách làm người được biển
nuôi dưỡng, vun đắp, nâng tầm. Sầm Sơn đã thành chiều sâu tâm tưởng, thành cái
đẹp, thành tri âm, tri kỷ. Biển, Sầm Sơn chuyển hóa vào bên trong. Thơ của họ
không phải từ mắt, từ tai nhập vào rồi trào tuôn nơi đầu lưỡi. Thơ họ từ bên
trong vọng ra. Đinh Ngọc Diệp viết “Sóng - xôn xao của khối đá chìm/ Đá - trầm
tư của làn sóng nổi/ Hãy chờ sóng khi nào không nói/ và hãy chờ khi đá gọi tình
yêu!”. Biển đã dạy họ suy ngẫm “Những bóng đẹp đi qua/ Không lặp lại/ Những tiếng
thì thầm / Sẽ thành dữ dội/.../ Biển cho ta/ Không vướng lứa đôi nào thuở trước.
Với Đinh Ngọc Diệp “Ngày cửa bể phóng anh ra nghìn đảo/ lại thu về một âm bản
cuồng phong (...) Ùm xuống biển làm thân tàu hạ phóng/ Sầm Sơn - em... đâu sắt
thép, triền đà/ Nghìn búp ngực xếp tường thành đẩy sóng/ anh vỡ òa, biển trắng
dư ba”. Đinh Ngọc Diệp ước ngòi bút mình, thơ mình chinh phục nghìn ngọn thác dữ
dội ấy “Mong sao thơ sẽ là một nghìn cái thác/ Mong sao thơ đè lên thác mà đi/
Để nghe được rưng rưng mỗi bước cha về/ Để nhìn được vào cặp mắt cha quen nhìn
im lặng/ Để được ồn ào như trẻ con lần thấy biển đầu tiên”.
Với Mai Ngọc Thanh biển cho ông tất cả. Ông phải thốt lên “Biển
ơi!/ Hạt muối nào biển cho cũng mặn/ Con cá cơm đằm gió quê ta/ Và có sáng mai
này bước trên cát mịn/ Tâm hồn em chưa một lần tôi đi thấu đến/ Trong nghĩ suy
xúc động mỗi câu thơ”. Mai Ngọc Thanh cảm ơn biển, cảm ơn làng Triều đã sinh ra
ông: “Đêm làng Triều, đêm nay rất thiêng liêng/ Con người hiểu sức mạnh mình
hơn trước”.
Cũng được sinh ra từ quê biển, chất thi sĩ Văn Đắc được biển
chắp cánh, thổi hồn, thăng hoa đến tận cùng xanh, tận cùng sóng. Trong Xúc
cảm làng biển ông ngây ngất “Sân biển rộng sớm chiều vỗ sóng/ Đời là thật,
đất là xứ mộng/ Đêm thuyền câu, ngày thuyền hóa con đò/.../ Biển cách sông chở
một cánh buồm qua/ Chiều ra bể, sáng đã về quét ngõ/.../ Trời cửa lạch như một
vần thơ cổ/ Một câu kiều sáng sớm đã sang sông”. Trong khi đó, nhà thơ Vương
Anh có cái nhìn lạ về biển “Hỡi Độc Cước xả thân/ Thần chịu lửa dâng lên hun
khí phách/ Lên núi Cô Tiên/ Xốn xang Trường Lệ/ Vẫn đứng canh cho chớp bể mưa
nguồn”. Nhà thơ Lê Quang Sinh không kìm nén được cảm xúc khi đứng trước biển
“Và cứ thế ngọt ngào, say đắm/ Cứ thế tuôn trào, cứ thế bão dông/ Anh đắm đuối
cả đất bằng ngập lũ/ Khúc hoan ca giai điệu thánh thần”. Cũng là yêu nhưng Gia
Dũng chập chờn hơn, mong manh hơn “Một mình trên cát tìm em/ Chợt nghe tiếng
sóng thầm thì/ Ngỡ như là biển nói gì cùng anh”. Huy Trụ lại mượn biển để khẳng
định tình yêu một người con gái “Không có em/ Biển đẹp để làm gì/ Biển sẽ chết/
Vì cô đơn lặng lẽ”. Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn lại cảm nhận biển với sự cô đơn,
sâu thẳm. Trong bài Biển vắng Trịnh Thanh Sơn viết: “Rơi chiều vàng
ngơ ngác sóng/ Xin đừng dõi chi chân trời/ Anh ngồi im chiều chiếc bóng/ Chén
này biển với mình thôi/ Một cộng với một thành đôi/ Anh cộng với anh thành biển/
Nắng tắt mà em không đến/ Anh ngồi rót biển vào chai”.
Với Nguyễn Minh Khiêm, biển thúc giục, đa tình “Đừng cồn cào thế nữa biển ơi!/ Biển cứ vậy ta làm sao chịu nổi”. Biển có ma lực không gì cưỡng nổi “Vẫn biết biển là nơi bão tố sóng thần/ Nơi bao nhiêu con tàu đã từng bị đắm/ Nhưng đứng trước trăm nghìn con sóng/ Có thể nào cầm lòng được biển ơi/ Nếu phải tan ra trong sóng của biển khơi/ Thì con tàu sinh ra vốn dĩ vì biển vậy/ Rồi may mắn được hoàn sinh trở lại/ Lại lưới chài một lần nữa ra đi”.
Với Nguyễn Minh Khiêm, biển thúc giục, đa tình “Đừng cồn cào thế nữa biển ơi!/ Biển cứ vậy ta làm sao chịu nổi”. Biển có ma lực không gì cưỡng nổi “Vẫn biết biển là nơi bão tố sóng thần/ Nơi bao nhiêu con tàu đã từng bị đắm/ Nhưng đứng trước trăm nghìn con sóng/ Có thể nào cầm lòng được biển ơi/ Nếu phải tan ra trong sóng của biển khơi/ Thì con tàu sinh ra vốn dĩ vì biển vậy/ Rồi may mắn được hoàn sinh trở lại/ Lại lưới chài một lần nữa ra đi”.
Sầm Sơn đã trở thành điểm hẹn gặp gỡ giữa các nhà thơ lớn
như: Phan Quế, Vũ Quần Phương, Trần Lê Văn, Nguyễn Phan Hách, Tế Hanh, Bằng Việt,
Xuân Diệu, Hữu Thỉnh đã về đây.
Sầm Sơn là thế. Cần nói gì thêm nữa? Điều duy nhất nên nói
lúc này là, hãy đến với Sầm Sơn. Trước biển Sầm Sơn, trước hòn Trống Mái, đền Độc
Cước, đền Cô Tiên, có khi ta tự nhiên reo lên với biển. Sẽ còn nhiều những vần
thơ hay về Sầm Sơn đang chờ bật dậy mạnh mẽ, mãnh liệt như sóng gió nơi này.
Nguyễn Minh Khiêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét