Sau 1975, lịch sử nước nhà bước sang một trang mới. Văn học
cũng như các lĩnh vực khác đứng trước biết bao thách thức, khó khăn và cả nhiệm
vụ mới. Xuất hiện muộn hơn, nhưng nhà văn Dương Hướng đã thể hiện được tài năng
văn chương của mình và nhanh chóng khẳng định được tên tuổi trên văn đàn Việt
Nam với Bến không chồng, tác phẩm đoạt giải thường Hội Nhà văn năm 1991. Người
yêu văn học nghệ thuật (VHNT) đều biết đến tác phẩm qua nhiều lần tái bản, qua
phim dưới bàn tay của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Có rất nhiều bài viết khen chê,
nhận định, phân tích tác phẩm từ khi ra đời đến nay. Điều vui mừng nhất là cuối
tháng 5 này Nhà văn Dương Hướng được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho tiểu
thuyết “Bến không chồng”.
Trong bài viết ngắn của mình tôi muốn đi sâu vào lý lịch,
hoàn cảnh sống của nhà văn. Bởi từ chính hoàn cảnh sống là tư liệu quan trọng
và thiết yếu cấu thành nên tác phẩm.
Nhà văn Dương Hướng sinh ra, lớn lên tại thôn An Lệnh, xã Thụy
Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, nơi ông luôn tâm niệm rằng “cho dù đời sống
tinh thần, vật chất quê tôi còn nghèo khó, lạc hậu nhưng tấm lòng thủy chung và
sự hy sinh chịu đựng của họ thật phi thường”. Và ông muốn dành cả đời viết của
mình cho nơi ấy. Ông là con trai duy nhất trong gia đình mang trọng trách là
Trưởng tộc tương lai. Bố ông là Dương Văn Phương, mẹ ông là Nguyễn Thị Thục.
Gia đình ông là nông dân nghèo. Ngoài ra ông còn có một chị gái và một em gái.
Với trọng trách sẽ là trưởng tộc tương lai nên ông được họ tộc chăm lo với hy vọng
sau này ông sẽ cai quản ngôi từ đường họ Dương to nhất nhì thôn Đoài. Chính cái
chức “trưởng tộc tương lai” đã đi vào tâm thức của Dương Hướng và ảnh hưởng rất
lớn đến việc hình thành tính cách cũng như sự nghiệp viết văn của ông sau này.
Ông chia sẻ: “…từ rất nhỏ tôi đã ý thức về sự quan sát của mình, tôi nhanh
chóng trở thành một ông cụ non nhìn mọi người, mọi vật đầy trách nhiệm”. Và
cũng chính từ “cái chức trưởng tộc tương lai” mà Dương Hướng được cha mình giáo
dục nghiêm ngặt về phép tắc ăn ở, đối nhân xử thế theo lối nho giáo. Vì vậy, ở
tuổi cắp sách đến trường, ông luôn thể hiện mình là học sinh giỏi và những bài
văn của ông luôn được thầy đọc trước lớp. Ông đã từng thừa nhận mặc dù cái chức
trưởng tộc đã không còn nhưng “cái tâm thế ấy” vẫn còn.
Trong hành trình những ngày đầu bước ra cuộc đời, ông luôn ý
thức về sự tự thân. Ông xung phong hoặc xin chuyển đến những nơi khói lửa, cam
go hơn là lựa chọn sự bình yên. Mười bảy tuổi (tháng 9 năm 1965), ông bỏ học,
trốn nhà, tình nguyện xung phong đi công nhân quốc phòng vùng tuyến lửa làm nhiệm
vụ vận chuyển hàng hóa, lương thực trên tuyến khu 4, từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà
Tĩnh theo tuyến đường sông, qua các con kênh, kênh Son, kênh Sắt đào từ thời
nhà Lê vào đến Bến Thủy Sông Lam, do thời đó, tuyến đường bộ bị máy bay Mỹ đánh
phá dữ dội nên buộc ta phải mở thêm tuyến đường sông bí mật dùng các phương tiện
vận tải nhỏ kể cả thuyền nan để chuyên chở lương thực thực phẩm, thuốc men quân
trang quân dụng phục vụ cho chiến trường miền Nam.
Sau 2 năm, Dương Hướng được cấp trên cho đi học lớp đào tạo
thuyền máy trưởng tại trường kỹ thuật Hàng Giang Chí Linh Hải Dương. Đến năm
1969 ra trường về công tác tại công ty vận tải đường sông 208 thuộc cục đường
sông. Sau đó ông được điều về công tác tại Công ty vận tải đường sông 204 -
208. Tuy nhiên, trước tình hình, cuộc kháng chiến miền Nam đang đi đến giai đoạn
khốc liệt, Dương Hướng đã bỏ vị trí yên bình ở Công ty vận tải mà xung phong đi
bộ đội và ông thuộc đơn vị E573 Quân khu 5. Các chiến dịch đánh Quế Sơn, đánh
Nông Sơn Trung Phước ông cũng trực tiếp tham gia. Năm 1975, ông có mặt trong buổi
vào tiếp quản giải phóng Đà Nẵng.
Đất nước thống nhất, khi chàng trai trở lại quê hương, Năm
1976, ông ra quân chuyển ngành về Cục Hải quan Quảng Ninh. Ông tâm sự: “Tôi giật
mình nhận ra trong nụ cười hân hoan chiến thắng của bạn bè, người thân, họ tộc,
cùng bà con hàng xóm tất thảy đều ẩn chứa điều gì đó mà chỉ có người đi xa về mới
nhận ra. Đó chính là nỗi cô đơn, sự chịu đựng khắc khổ bị hậu quả của cuộc chiến
đã qua. Rồi biết bao câu chuyện tôi được chứng kiến”.
Và đến năm 1985, ông mới bắt đầu cầm bút viết truyện ngắn.
Dương Hướng có thực tế rất đa dạng. Chính vì thế, khi viết, ông có sức viết rất
dồi dào. Tuy rằng tác phẩm của ông chỉ có 3 cuốn tiểu thuyết là Bến không chồng,
Bóng đêm và mặt trời, Dưới chín tầng trời và ba tập truyện ngắn là Gót Son, Người
đàn bà trên bãi tắm, Dương Hướng tác phẩm. Song ngoài Dưới chín tầng trời là kết
quả của 15 năm tạm dừng thì những tác phẩm khác, là những tác phẩm ông cho ra đời
trong thời gian ngắn và đạt được những thành tựu đáng nể. Có thể nói, Dương Hướng
là nhà văn đi từ “bến” truyện ngắn. Bởi truyện ngắn đầu tay của ông là Ô cửa mặt
trời mọc, ngay sau đó tác phẩm được giải thưởng Văn nghệ Hạ Long (1981-1985).
Truyện ngắn Quãng đời còn lại cũng được giải thưởng Đất Quảng năm 1987, Tặng
thưởng truyện ngắn hay Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với tác phẩm Người mắc bệnh
tâm thần năm 1989 từ trước khi Bến không chồng đạt giải thường Hội nhà văn
(1991). Từ năm 2008, sau khi nghỉ hưu tại Cục Hải quan, ông chuyển sang làm
biên tập cho Báo Hạ Long đến năm 2013.
Có thể nói cuộc đời của nhà văn Dương Hướng bươn trải, thăng
trầm gắn liền với những cơn vần vũ của đất nước. Sinh ra và lớn lên ở niền quê
nghèo khó “tối lửa tắt đèn có nhau” trong giai đoạn đất nước đang gánh chịu những
cơn vần vũ. Bản thân Dương Hướng vừa là nhân chứng vừa là nạn nhân trong những
thăng trầm đó. Cải cách ruộng đất, hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo tư sản ở miền
Nam, thời mở cửa với những điều được mất, cùng với hành trình lăn lộn với mưa
bom bão đạn nơi chiến trường, bươn trải nhiều nơi trong cuộc sống.
Là nhà văn, sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có
nhiều biến động. Bản thân ông cũng có nhiều trải nghiệm ở nhiều vị trí, môi trường
khác nhau, ông đã từng thừa nhận, viết về quê ông có viết cả đời cũng không hết.
Và quả là những tác phẩm của ông đều lấy nguyên mẫu từ nơi ông sinh ra. Nhưng một
thực tế, trong tác phẩm của ông không có chút gượng ép. Vẫn là làng quê xưa với
tầng tầng lớp lớp những nét đặc trưng về văn hóa. Là tiếng sáo diều kêu ro ro
trên bầu trời trong những cuộc thi. Là tiếng hát chèo đến chết bà con cũng phải
gìn giữ, không gìn giữ được thì hờn dỗi thậm chí tự tử. v.v… Con đường viết văn
của Dương Hướng là con đường tự học, học qua sách vở và học qua đời sống, một đời
sống hết sức phong phú. Chính sự tự học và quan sát thực tế đời sống từ khi còn
nhỏ và cái nhìn sâu sắc của cuộc sống với tấm lòng nhân hậu, đã làm nên những
tác phẩm và số phận của chúng nhiều khi trái với ý kiến của nhiều người. Ví như
cái kết của Bến không chồng, cái chết của Trần Tăng trong Dưới chín tầng trời
v.v…
Và với số lượng tác phẩm chưa phải nhiều nhưng với tình yêu
quê hương và thái độ nghiêm túc trong nghiệp viết đã tạo nên “tạng văn” của
Dương Hướng. Văn chương đi ra từ ký ức sống của chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét