Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Hồ Than Thở một ngày mưa

Hồ Than Thở một ngày mưa
Ở Đà Lạt có nhiều hồ, hồ Xuân Hương, hồ Suối Vàng, hồ Tuyền Lâm… Và không như hồ ở Hà Nội, là những hồ lớn gắn liền với những lịch sử lâu đời, hồ ở Đà Lạt là những mặt hồ phẳng lặng thường gắn liền với những truyền thuyết lãng mạng. Và hồ Than Thở là một trong những hồ gắn liền với những câu chuyện tình yêu lãng mạn như thế. Tôi xin kể lại 2 câu chuyện mà tôi đã được nghe, được kể trong một buổi chiều mưa trắng trời Đà Lạt, bên chính bờ hồ này.
Nhắc đến hồ Than Thở, nhiều người thường nghĩ đến đó là khu du lịch Hồ Than Thở, với những bờ cỏ thoai thoải, con đường quanh co uốn lượn bên trên, nhưng không nhiều người biết được hồ nước này lại gắn liền với những câu chuyện tình yêu bi ai đẹp không thua gì chuyện tình Romeo & Juliet ở trời tây. Tôi xin kể lại 2 câu chuyện mà chính tôi đã được nghe từ những người dân sống ở địa phương.
Trong một buổi chiều Đà Lạt tôi lang thang về hướng làng hoa Thái Phiên, tôi cũng không có ý định sẽ ghé vào hồ Than Thở vì những địa điểm du lịch không phải là nơi hấp dẫn tôi. Khi đi đến khu vực hồ Than Thở bỗng trời đổ mưa, do quên mang áo mưa nên tôi tấp đại vào một quán nước ven đường để đục mưa. Người bán quán là một ông cụ râu tóc bạc phơ, và ông dường như cũng chẳng quan tâm lắm đến việc bán quán, cũng như việc tôi ngồi xuống trước mặt ông.
Khu vực này ngày thường đã vắng, trong lúc mưa gió thế này lại càng vắng, quán nước nhỏ một già một trẻ ngồi nhìn mưa. Tôi mở lời:
– Cháu thích ngồi nhìn mưa lắm cụ ạ, đặc biệt là mưa Đà Lạt.
Ông cụ trả lời như một câu thơ đối đáp với câu nói của tôi:
– Mưa buồn lắm cháu ạ, đặc biệt là mưa Đà Lạt.
Rồi cả hai lại im lặng, một lúc lâu bỗng ông cụ hỏi:
– Cháu có biết câu chuyện về hồ Than Thở không?
– Dạ cháu biết về câu chuyện tình của người con gái đang nằm dưới ngôi mộ kia – Tôi chỉ tay về hướng rừng thông nằm bên phía trái con đường.
Ông cụ bổng trở nên cởi mở hơn:
– Cháu kể ông nghe xem.
Đó là câu chuyện tình yêu của cô giáo Lê Thị Thảo và một người thanh niên tên Tâm. Anh là học viên của trường Võ bị Quốc gia. Anh là người miền Tây gốc Vĩnh Long, anh đem lòng yêu cô giáo Lê Thị Thảo. Và cứ mỗi khi có thời gian rảnh rỗi anh lại viết một lá thư mang đến trước nhà cô Thảo. Tình yêu của họ đẹp và nhẹ nhàng cũng như phong cảnh núi rừng nơi đây.
Rồi gia đình anh Tâm biết được, họ không chấp nhận cho người sĩ quan tương lai danh giá yêu cô gái phố núi. (Ngày xưa ai vào được Học viện Lục quân Đà Lạt đều rất được xã hội nể trọng và đánh giá cao). Chuyện chưa giải quyết xong thì anh tốt nghiệp và lên đường ra trận. Người con gái ở lại phố núi ngày đêm mong ngóng tin người yêu…
Cho đến một ngày tin dữ báo về, người yêu cô tử trận nơi chiến trường. Đau đớn tột cùng cho mối tình đầu chưa trọn vẹn đã kết thúc, cô gái ra bãi cỏ nơi hai người thường ngồi hẹn hò, rồi trong lúc quẫn trí cô gái gieo mình xuống làn nước lạnh để giữ trọn tiết trinh với người mình yêu.
Ông trời trêu ngươi ngươi con người, tin tức thời chiến thường đưa sai lệch và Tâm không chết nơi chiến trường, một thời gian sau anh tìm về nơi chốn cũ và biết được tin dữ rằng người con gái anh yêu đã vì anh mà quyên sinh. Đau buồn trở lại đơn vị, anh lao vào cuộc chiến và cuối cùng bỏ mình trong chiến trận. Trước khi chết anh để lại tâm nguyện được chôn bên cạnh người con gái anh yêu. Thế là từ đó bên đồi thông vắng lặng có hai ngôi mộ nằm bên nhau. Một thời gian sau thì người nhà của Tâm lên cải táng bốc mộ anh về quê cũ, bỏ lại mộ cô giáo Lê Thị Thảo nằm lặng lẽ một mình giữa núi rừng Đà Lạt.
– Một câu chuyện buồn hả ông?
– Ừ, buồn…
Rồi ông cụ lại trầm ngâm:
– Thế cháu có biết nơi này còn một câu chuyện tương tự nữa không?
– Thưa cháu chưa biết.
Rồi ông kể tôi nghe câu chuyện thứ 2, câu chuyện mà tôi chắc rằng không nhiều người trong chúng ta được một lần nghe đến.
Ngày xưa, xưa lắm, từ trước khi bác sĩ Yersin khám phá ra vùng núi rừng Đà Lạt này, có những người dân đã sống ở đây, họ là những người là dân tộc trong vùng. Và Hoàng Tùng và Mai Nương là một đôi trai gái trong số đó, họ đến với nhau bằng tình yêu trong sáng đẹp như mặt hồ giữa đại ngàn.
Đó là năm 1789, năm mà vua Lê Chiêu Thống vì muốn đoạt lại ngôi báu đã bất chấp hậu quả sang cầu viện triều đình Mãn Thanh, nhà Thanh mượn cớ giúp vua Lê đã đưa hơn 20 vạn binh mã sang xâm lược nước ta. Vua Quang Trung khi ấy đưa đại binh từ Huế kéo quân ra Bắc chống giặc ngoại xâm, ông xuống hịch chiêu mộ nghĩa sĩ cả nước ra chống giặc. Bước theo tiếng gọi non sông, Hoàng Tùng lên đường tòng chinh. Hẹn Mai Nương một ngày khải hoàn sẽ trở về cưới nàng.
Và cũng như câu chuyện kia, Hoàng Tùng không về nhưng tin dữ lại về, chàng trai hy sinh nơi chiến trường. Trong đau đớn tuyệt vòng, Mai Nương trầm mình xuống hồ nước lạnh giá kia. Xác nàng được chôn bên bờ hồ.
Sau đại thắng Quân Thanh, chàng trai hân hoan trở về, dự định trong đầu một đám cưới thật đẹp. Nhưng về đến nơi thì đón chàng chỉ là nấm mộ bên hồ ghi tên người con gái Mai Thanh. Rồi trong đau buồn, chàng đã gieo mình xuống mặt hồ kia để được ở bên người con gái mình yêu mãi mãi.
Sau này tôi có dịp đọc lại trong một quyển sách, người ta cũng đã tổng hợp 2 câu chuyện về Hồ Than Thở này, có thể người viết cũng được ông cụ này kể chuyện chăng? Hay đó là một người khác kể, tuy có một số điểm khác biệt so với những gì tôi được ông cụ kể, nhưng hãy gác lại đâu là hư đâu là thật, gác lại đâu là đúng đâu là sai.Dẫu sao đó cũng là những câu chuyện tình buồn, buồn nhưng lại đẹp vô cùng.
Quay lại buổi chiều mưa hôm ấy, ông cụ lại trầm ngâm, câu chuyện của ông và tôi cứ ngắn quãng như thế. Rồi ông cụ bỗng nói, như nói với chính mình:
– Trong tình yêu, để đến được với nhau đôi khi phải trải qua muôn vàng giông bão, và chỉ có tình yêu đích thực mới giúp con người ta vượt qua tất cả. Nhưng với những câu chuyện nơi đây, ngay cả tình yêu đích thực cũng không đưa người ta đến được với nhau. Thế nên các cháu khi một đã đến được với nhau rồi thì phải xem như đó là cái quý, cái may mắn mà đã có mà giữ gìn nó.
– Trong cuộc sống bây giờ, nhiều người đến được với nhau dễ dàng hơn ngày xưa ông nhỉ, nhưng có lẽ cũng vì quá dễ dàng đến được với nhau mà người ta cũng quá dễ xa rời nhau. Bạn bè cháu không ít người cưới nhau được vài năm rồi lại chia tay ông ạ.
– Ừ, bởi vậy điều quan trọng nhất, và cũng là hạnh phúc nhất là hãy tìm được một nửa đích thực của mình, ông với bà đã sống với nhau mấy chục năm rồi, cũng là ngần ấy năm hạnh phúc, cuối cùng cho đến khi bà mất mới mới tách ông bà khỏi nhau được. Bà vừa mất tháng trước cháu ạ.
Tôi chợt ngỡ ngàng! Giờ thì tôi hiểu vì sao từ khi gặp ông cụ cứ có vẻ gì là buồn buồn. Nhìn vào mắt ông, đôi mắt ông không khóc, nhưng tôi có cảm giác bên trong đó là một trời nhớ thương dành cho người bạn đời của mình. Và tôi được biết tôi là người đầu tiên ông chia sẻ những cảm xúc của mình từ ngày bà mất. Mưa đã ngớt, chào ông cụ về trong lòng đọng lại không ít cảm xúc. Trong lần trở lại Đà Lạt gần đây, tôi quay trở lại hồ Than Thở để chụp ảnh mộ cô giáo Lê Thị Thảo (chính là hình tôi dùng trong bài này). Tôi đã cố nhìn quanh để tìm hàng nước của ông cụ, nhưng không còn thấy đâu nữa…
Chỉ là một câu chuyện của một già và một trẻ, trong một buổi chiều mưa lất phất của Đà Lạt.
Theo http://tapbut.ngochieu.com/ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...