Độc giả trong nước ngày nay có lẽ không mấy người biết Vũ Khắc
Khoan là ai. Mặc nhiên ông là một trong những tác giả lớn của văn học Việt Nam
thế kỷ XX. Vì vậy, vấn đề chung của giới nghiên cứu văn học hiện nay, là không
thể chỉ đóng khung trong một số tác gia quen thuộc, được nhà nước chính thức
công nhận nữa, mà phải mở cửa rộng hơn, ra ngoài vòng chính thống, để đưa người
đọc vào toàn cõi văn học Việt Nam thế kỷ XX. Đó là điều kiện sinh tồn, và là lý
do hiện hữu của công việc nghiên cứu phê bình.
Trong chiều hướng ấy, chúng tôi giới thiệu cùng quý vị, những
tác phẩm chính của nhà văn Vũ Khắc Khoan, một tên tuổi có lẽ không nổi tiếng
như Mai Thảo, Võ Phiến, hay Thanh Tâm Tuyền, nhưng tác phẩm của ông đánh dấu những
biến chuyển lớn về bút pháp và tư tưởng trong nửa sau thế kỷ XX của văn học Việt.
Vũ Khắc Khoan sinh ngày 27/02/1917 tại Hà-nội, là học trò trường
Bưởi. Lên đại học, theo ngành y khoa hai năm, trước khi vào trường Cao đẳng
Canh nông. Sau khi tốt nghiệp, làm kỹ sư canh nông được một năm rồi chuyển hẳn
sang nghề dạy học, dạy lịch sử tại hai trường Nguyễn Trãi và Chu Văn An, Hà-nội,
và hoạt động kịch nghệ, viết văn, thành lập nhóm Quan Điểm với Nghiêm Xuân Hồng.
Từ 1948 Vũ Khắc Khoan bắt đầu in bài trên báo Phổ Thông, hai vở kịch Thằng Cuội
ngồi gốc cây đa (1948) và Giao thừa (1949) và bài tùy bút Mơ Hương Cảng (1953).
Giao thừa có thể coi là vở kịch phy lý đầu tiên của Việt Nam.
Ngay từ thời còn là sinh viên y khoa, Vũ Khắc Khoan đã đạo diễn
những vở Thế Chiến quốc và Nửa đêm truyền hịch của Trần Tử Anh, trình diễn tại
Nhà Hát Lớn Hà Nội; ông viết và dựng kịch bản đầu tay Trường ca Mông Cổ, tác phẩm
làm nền cho vở Thành Cát Tư Hãn sau này. Năm 1952, vừa dựng, vừa diễn vở Thằng
Cuội ngồi gốc cây đa tại Nhà Hát Lớn. 1954 di cư vào Nam, Vũ Khắc Khoan cộng
tác với Nhật báo Tự Do, dựng lại nhóm Quan Điểm (với Nghiêm Xuân Hồng và Mặc Đỗ),
dạy sử, văn chương và văn học sử tại các trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An ở
Sài-gòn. Từ 1962 lên dạy đại học. Chủ trương nguyệt san Vấn Đề cùng với Mai Thảo,
dạy và làm giám đốc Kịch nghệ tại trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài-gòn.
Di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, ông dạy Pháp văn tại đại học
Minnesota trong hai năm, cộng tác với tờ Đất Mới (của Thanh Nam) và tờ Văn của
Mai Thảo. Cuối đời ông sáng tác hai bài thơ văn xuôi: Berceuse en pluie mineure
(Ru em theo gam mưa thứ) và Le petit oiseau, la petite branche et le printemps
(Con chim nhỏ, cành cây nhỏ và mùa xuân) và viết một số tác phẩm chưa hoàn tất:
truyện dài Bướm đêm và kịch Ngọa triều. Vũ Khắc Khoan mất tại Minnesota ngày
12/9/1986 vì bệnh ung thư.
Trái ngược với những tác giả như Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo,
Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan là người viết ít, viết kỹ, ông không phải là tác giả
bình dân. Tác phẩm để lại không nhiều : Về kịch có Giao thừa, Hậu trường, Thằng
Cuội ngồi gốc cây đa (in năm 1949), Thành Cát Tư Hãn (1961), Những người không
chịu chết (An Tiêm) và Ngộ nhận (Quan Điểm, 1969). Về truyện, có Thần Tháp Rùa
(Nguyễn Đình Vượng, 1957). Về biên khảo có Tìm hiểu sân khấu chèo, Vở chèo Quan
Âm Thị Kính (Lửa Thiêng, 1974). Và tùy bút có Mơ Hương Cảng (Kẻ Sĩ, 1971), Đọc
kinh (An Tiêm, Paris, 1990) và Đoản văn xa nước (An Tiêm, 1995).
Vũ Khắc Khoan là ngòi bút đặc biệt giao hòa triết lý Đông
Tây, cổ điển và hiện đại trong tác phẩm văn học một cách tài tình. Sáng tác ít,
nhưng mỗi tác phẩm đều đạt tới mức cổ điển. Cổ điển trong cái nghĩa đẹp nhất:
không theo thời thượng mà tìm đến những giá trị phi thời gian. Có thể nói ông
là một trường hợp “văn dĩ tải đạo” độc đáo trong văn học Việt Nam. Cái đạo ở
đây là tư tưởng, là những vấn đề đặt ra cho người trí thức tiểu tư sản ở thời kỳ
chia đôi đất nước nói riêng, và con người của mọi thời, nói chung, trực diện với
nghệ thuật và cuộc sống. Đối với Vũ Khắc Khoan, Thành Cát Tư Hãn chỉ là một cái
cớ, một prétexe. Tình yêu cũng chỉ là một cái cớ, một prétexe, để viết… Tất
nhiên phải hiểu thêm là nhân vật, đề tài … cũng chỉ là cái cớ để tác giả biểu lộ
tư tưởng và nghệ thuật của mình.
Biểu lộ như thế nào? Vũ Khắc Khoan có những cách thể hiện tác
phẩm khác người. Ví dụ ông tạo ra một thể văn gọi là lộng ngôn, giao lưu giữa kịch
và tùy bút, để nói lên tính ngoa ngoắt của lời nói, ngoa ngoắt của “văn chương”.
Trong Thần Tháp Rùa, ông lồng hệ thống tư tưởng của mình trong bốn truyện thần
kỳ: Thần Tháp Rùa, Trương Chi, Nhập Thiên Thai (Lưu Nguyễn) và Người đẹp trong
tranh (truyện Tú Uyên) để tạo ra một lối viết mới mà trước ông, chưa thấy ai thử
nghiệm (Cao Huy Khanh đặt gọi là huyền truyện), và sau ông, không ai tiếp nối
được.
1954, trước bối cảnh chia đôi đất nước, thành phần “trí thức
tiểu tư sản” của Vũ Khắc Khoan ở trong cái thế như thế nào? Thế ấy, Vũ Khắc
Khoan gọi là “trên đe dưới búa”, “tư bản đè xuống, vô sản vùng lên”: người trí
thức tiểu tư sản “Khoan tôi” ở trong thế kẹt: Họ thuộc giai tầng lưng chừng,
không giầu mà chẳng nghèo, không theo hai cực mà bị chúng ép lại. Truyện Thần
Tháp Rùa viết về cái thế kẹt ấy của người trí thức tiểu tư sản ở thời điểm sắp
chia đôi đất nước: chọn con đường nào cũng khó. Tác giả lồng thời sự trong
không khí cổ kính của Thăng Long tự nghìn năm trước: Thư sinh họ Đỗ lên Kẻ chợ
trọ học và dạy học, đứng trước những đảo điên của thời cuộc, chàng giữ thái độ
lừng khừng khiến có người hỏi: “Hiện nay thiên hạ chia đôi, không trắng thời
đen, mà nghe ông nói thì thật không biết là đen hay trắng.” Đỗ trả lời: “Tại
sao lại cứ bắt buộc phải là đen hay trắng?”
Phong cách nghệ thuật của Vũ Khắc Khoan là đem việc hôm nay lồng
vào bối cảnh hôm qua, đem những chuyện thời sự như việc viên thị trưởng Thẩm
Hoàng Tín ra lệnh bắt Rùa để triển lãm, việc cầu Thê Húc gẫy đôi… làm “điềm”
báo hiệu sự chia đôi đất nước. Những yếu tố thực đó, được thể hiện trong văn
qua những hình ảnh hư ảo tuyệt vời của thời cổ tích, ông viết: “Dưới ánh trăng
nguyên tiêu, Đỗ đứng lặng nhìn Rùa. Đỗ chợt thấy mắt rùa như mờ lệ. Đỗ hỏi:
Cũng biết thùy lệ ư?”
Dùng thể văn biền ngẫu, hàm súc, trau chuốt, chữ đắt giá, tạo
vẻ đẹp cổ kính của một thời lồng trong nhiều thời. Đem những băn khoăn của hôm
nay lồng trong không khí cổ điển của hôm qua. Qua bốn đoản văn Thần Tháp Rùa,
Trương Chi, Thiên Thai và Người đẹp trong tranh, Vũ Khắc Khoan đã “dùng” nghệ
thuật để nói lên tư tưởng của mình về cuộc hiện sinh phi lý, về ảo tưởng thiên
thai không bao giờ có thật, về cái thế sâu xé của người nghệ sĩ giữa hai thế lực:
trưởng giả và thuyền chài (tư bản-vô sản), về sự lựa chọn khó khăn của người
nghệ sĩ giữa tác phẩm để đời và lạc thú trước mắt trong cuộc sống sinh thực và
phồn thực. Thần Tháp Rùa chao đảo giữa thực tế chính trị lịch sử của Việt Nam
thời năm tư và của Việt Nam hôm nay, hơn ba mươi năm sau ngày thống nhất đất nước.
Tác phẩm bắc cầu giữa huyền thoại và đời sống, giữa xưa và nay, để đưa ra thực
tế của văn bản nghệ thuật.
Thành Cát Tư Hãn là tác phẩm chủ yếu của Vũ Khắc Khoan, phản ảnh
sâu sắc địa bàn tư tưởng và tầm vóc của tác giả. Thành Cát Tư Hãn chỉ là một
cái cớ để Vũ Khắc Khoan đề cập đến hai vấn đề cơ bản: Thuyết định mệnh và Thuyết
đợi chờ. Bối cảnh vở kịch diễn ra trong những ngày cuối đời của Thành Cát Tư
Hãn, ở mặt trận Tây Hạ. Kịch bản được dàn dựng theo truyền thống bi tráng kịch
cổ điển Hy Lạp của Eschyle, Sophocle: Cái chết là tất yếu. Thành Cát Tư Hãn, vị
đại hãn Mông Cổ, “sừng sững, lầm lì, khốc liệt và hầu như vô giác” tự xác định
mình là Trời, là Thượng Đế, quyết san bằng Đất liền, tiêu diệt tất cả những
sinh mạng cản trở bước tiến của quân Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn đã thành công
trong sự tàn sát, đã giết hết nhân sinh, nhưng không giết được Thần chết, kẻ
thù vô hình của mình. Không thắng được định mệnh. Thành Cát Tư Hãn, vị đại hãn
khốc liệt, uổng công tìm thuốc trường sinh, uổng công “dọc ngang chém giết, để
rồi … để rồi một ngày kia cũng mục nát như cây cỏ.”
Định mệnh của Thành Cát Tư Hãn cũng là Thần chết, được khắc tạc
dưới những nét của Cổ Giã Trường, anh hùng Tây Hạ, kẻ vô hình chỉ có thanh kiếm
của hắn là hiện hữu. Trong suốt vở kịch, Thành Cát Tư Hãn chờ đợi Cổ Giã Trường,
nhưng hắn không đến, hắn chưa đến. Mỗi lần có tin Cổ Giã Trường sẽ đến, là lại
một cái chết của người thân đại hãn được xướng lên như để thắt chặt vòng vây
quanh sự sống còn của “Mệnh Trời”. Bi kịch của Hãn là bi kịch của nhân sinh:
Con người khốc liệt và kiêu hùng nhất là Thành Cát Tư Hãn cũng chỉ đợi chờ cái
chết. Sống để chờ chết và không ai biết trước diện mạo định mệnh của mình, là
những chủ đề chính trong tác phẩm. Thuyết định mệnh và thuyết đợi chờ giao thoa
với nỗi cô đơn tuyệt đối của vị đại hãn trong sa mạc thần quyền, tạo nên hình
tượng bi đát nhất của con người trong tác phẩm Thành Cát Tư Hãn.
Vũ Khắc Khoan hòa trộn hai lối nghệ thuật kịch trường mà ông
rất thích: “lắm lời nhất” như Shakespeare và “ít lời nhất” như Samuel Beckett.
Có người cho rằng sự đợi chờ trong kịch của Vũ là do ảnh hưởng kịch En
attendant Godot (Đợi Godot) của Samuel Beckett. Nhưng thực ra, tư tưởng đợi chờ
đã có trong Vũ Khắc Khoan từ vở Giao thừa (đợi giao thừa) viết năm 1949 (được
trình diễn năm 1951 tại Nhà Hát Lớn, Hà-Nội) trong khi kịch của Samuel Beckett
đến 1953 mới được trình diễn ở Paris. Do đó, sự trùng hợp tư tưởng ban đầu có lẽ
chỉ là ngẫu nhiên. Sau này Vũ tìm đọc và nghiên cứu Beckett, và ông đã có những
nhận định sâu sắc về Samuel Beckett, trong một bài tiểu luận (in trong tập Giấc
Mơ Hương Cảng). Vì vậy chúng tôi đặt thuyết đợi chờ như một yếu tố đặc thù
trong hệ thống tư tưởng của Vũ Khắc Khoan, độc lập với Beckett, đã có trong họ
Vũ, từ trước khi ông tiếp xúc với tác phẩm của Samuel Beckett.
Tác phẩm Đoản văn xa nước, tập hợp những bài viết cuối cùng của
nhà văn tại hải ngoại, là một tập hợp những truyện, ký, hồi ức và tùy bút.
Trong đó bài tuỳ bút Đọc kinh, một bài kệ hiện đại, một tác phẩm độc đáo và là
tác phẩm cuối cùng của nhà văn, cũng là một suy nghiệm triết học về sống và chết,
về có và không của một đời người, bôn ba trong sinh hoạt tư tưởng và nghê thuật.
Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn Việt nam đã hoà đồng hai yếu tố khó nhất
trong một tác phẩm văn học: triết học và văn chương, làm cho tác phẩm, tuy chở
tư tưởng triết học, nhưng đọc vẫn thú vị, thanh thoát như một áng văn xuôi đầy
chất thơ. Chính ở chỗ đó, mà người nghệ sĩ Vũ Khắc Khoan đã hoà đồng được thiên
thai và thế tục, được thiên đàng và trần thế, điều không thể làm được trong thực
tại cuộc đời, chỉ có thể hiện hữu trong tưởng tượng và nghệ thuật.
Trong những kỳ tới, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu ba tác phẩm chính của Vũ Khắc Khoan: Thần Tháp Rùa, Thành Cát Tư Hãn và Đoản Văn Xa Nước…
Trong những kỳ tới, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu ba tác phẩm chính của Vũ Khắc Khoan: Thần Tháp Rùa, Thành Cát Tư Hãn và Đoản Văn Xa Nước…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét