Từ những năm hai mươi của thế kỷ XX, thơ Tản Đà nổi lên
như là người góp công khởi xướng một thời đại mới của thi ca, với hầu hết các
thể thơ truyền thống, từ hát xẩm, phong dao, chèo thuyền, ca Huế… đến từ khúc,
thất ngôn bốn câu hoặc trường thiên… rồi văn xuôi các loại, rồi tuồng, rồi thơ
dịch… đã biểu đạt phù hợp với nhu cầu của các lớp công chúng mới.
Điều đặc sắc trong nội dung thơ văn Tản Đà là sự đi sâu vào
cái Tôi, là việc mạnh dạn, dũng cảm đưa cái tôi vào thơ văn. Một chân dung cái
Tôi chân thật, không xấu hổ, không che đậy. Bạn đọc đến với thơ Tản Đà để làm bạn,
để chia sẻ, để tri kỷ với nhà thơ. Từ chân dung cái Tôi trong thơ Tản Đà ta hiểu
con người khao khát những gì và đang bị cản trở như thế nào trong hoàn cảnh chế
độ thuộc địa. Thơ Tản Đà không nhằm phục vụ cách mạng trực tiếp, Tản Đà chỉ làm
thơ như sự phô diễn những trạng thái tâm hồn bình thường của con người. Thơ Tản
Đà như chính tiếng nói của cuộc sống bình thường cất lên, vào cái thời văn thơ
đang chuyển thành một thứ hàng hóa xã hội, đã là một nhu cầu của công chúng
đông đảo, đã được đưa ra thị trường:
Còn trời, còn đất, còn non nước
Còn có văn chương bán phố phường
Thơ Tản Đà được tiêu thụ, được quần chúng đón đợi, được cả một
thế hệ người viết đương thời và đến sau suy tôn là “nguyên súy của Tao đàn”.
Không kể Thề non nước tuyệt tác với nhiều cảm xúc, suy tưởng,
như được chưng cất từ dư vang cả một thời:
Non cao những ngóng cùng trông
Biết bao tình huống, cảm xúc của đời thường cũng đã vào thơ
văn Tản Đà. Từ cái buồn man mác như hóa thân vào ca dao, như chính ca dao:
Ai đi đường ấy làm chi
Nước thì độc nước, buôn thì khó buôn
Đêm dêm chớp bể mưa nguồn
Ai đi ai để cái buồn cho ta
đến cái sầu da diết muốn thoát lên tiên, “muốn là thằng Cuội”
của nhà thơ:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi
Từ cái chí của con người trong một cơn phẫn chí:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm con chim nhạn tung trời mà bay
đến một sự xuôi tay buông thả:
Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi
Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi
mà vẫn lạc quan, không cam thất bại:
Bạc đánh còn tiền, thua cóc sợ
Đời chưa đáng chán chị em ơi
Nhưng cho dẫu có lên trời hoặc chu du vào bao cõi mộng, thơ Tản
Đà vẫn không đưa chúng ta ra khỏi đời thực. Thơ Tản Đà mê mà lại rất tỉnh trong
những cảm nhận “thế sự” về “thần tiền”, “khóc tết”, về cảnh buôn văn bán chữ và
những lận đận hoặc túng quẫn của sự mưu sinh:
Con theo cạnh nách mếu môi sò
Nợ réo ầm tai không miệng hến…
Bao nhiêu củi nước mới thành văn
Được bán văn ra chết mấy lần
Ông chủ nhà in in đã đắt
Lại ông hàng sách mấy mươi phân
Vậy là dẫu Tàn Đà chỉ làm thơ, chứ không làm thơ ca cách mạng,
càng chưa làm cách mạng, nhưng thơ Tản Đà đã phản ánh nhu cầu đời sống tinh thần
và tình cảm của quần chúng. Thơ Tản Đà đã sinh ra từ nguồn sống tinh thần của
dân tộc và trở lại tưới nhuần cho nguồn sống ấy và làm giàu cho nó. Để cho thơ
làm được điều ấy, để cho thơ được công chúng đón nhận, nhà thơ không thể là người
đứng ra ngoài những vui buồn, khao khát của nhân dân, hơn thế, nhà thơ phải là
người sống hết mình trong những vui buồn, khao khát đó.
Quả chưa có trong quá khứ, trước Tản Đà một cái Tôi nào được
đưa lên vị trí cao, được phô ra nhiều góc cạnh và đào sâu vào nhiều tầng bậc
như Tản Đà. Do sự trì trệ của phương thức sản xuất châu Á, chưa nói đến chủ
nghĩa cá nhân, ngay cả ý thức về cá nhân trong lịch sử văn học cũng khó có dịp
phô bày cho trọn vẹn. Kể từ Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ, Cao bá Quát, Chu Mạnh
Trinh cho đến đầu thế kỷ XX, chưa lúc nào nó có được một chân dung thật sống động
trong cái cộng đồng mà nó phụ thuộc. Cộng đồng giai cấp mà nó không được phép
hoặc chưa có sức phá rào, vượt khung như nhà thơ và ông quan đương chức hoặc về
hưu Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến… Cộng đồng dân tộc mà nó có trách nhiệm đại
diện như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu và hàng loạt nhà nho yêu nước đầu thế
kỷ.
Cái Tôi của Tản Đà không còn xa lạ mà gần gũi, không còn đáng
ghét mà đáng yêu với số đông. Như một đòi hỏi cần giải phóng và như một nhu cầu
phải phát triển, cái Tôi ấy của Tàn đà đã phản ứng mọi câu thúc, kiềm tỏa, bóp
nghẹt của hoàn cảnh bằng sự tung hoành trên những giới hạn thật phóng khoáng của
không ít đam mê, khát vọng. Nhưng điều quan trọng hơn, cũng phải đến Tản Đà,
cái Tôi đó mới lập tức và mạnh mẽ tìm được sự hưởng ứng, sự đón nhận của công
chúng, ở số đông. Và như vậy, nó đã mở một đột phá quyết định cho sự lên đường
rầm rộ của phong trào và các xu hướng văn học công khai những năm ba mươi thế kỷ
XX.
Trần Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét