Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Sức vóc trùng khơi

Sức vóc trùng khơi
Ninh Thuận có 9 xã biển với khoảng trên 18.000 hộ dân chuyên sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Tổng năng lực tàu thuyền toàn tỉnh gần 2.200 chiếc.
Những lần vác ba lô về một làng biển nào đó trên dọc dài gần 110 km bờ biển từ Cà Ná (Thuận Nam) đến Vĩnh Hải (Ninh Hải), để chụp vài tấm ảnh tàu thuyền hay thu thập tư liệu viết bài, tôi chợt nhận ra quê hương mình như một phần của cái bao lơn kỳ diệu, ngun ngút nhìn ra biển Đông. Ngần ấy cây số bờ biển là phẩm vật của thiên nhiên ban tặng cho Ninh Thuận, nhưng cũng là thách thức, khắc nghiệt của trùng khơi đối với hàng vạn người dân vạn chài, khi mùa gió chướng ào vào…
Ninh Thuận có 9 xã biển với khoảng trên 18.000 hộ dân chuyên sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Tổng năng lực tàu thuyền toàn tỉnh gần 2.200 chiếc. Sản lượng đánh bắt hằng năm 52.000 – 54.000 tấn. Thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Những năm gần đây, nhờ đầu tư thuyền nghề đúng mức, đời sống cư dân ven biển đã khá hơn; hộ nghèo ở khu vực này hằng năm giảm 0,8-1%.
Đời ngư phủ
Những tia nắng sớm lấp lánh trong buổi bình minh cùng con sóng vỗ bờ êm ả, đưa từng chuyến ghe đầu tiên về bến. Khu chợ cá làng biển Thương Diêm (Phước Diêm - Thuận Nam) bỗng chốc trở nên náo nhiệt. Cái không gian nhỏ này, từ hàng chục năm qua, đã trở thành điểm mua bán của thương lái và cánh bạn thuyền.
Phước Diêm với gần 750 tàu cá, trong đó khoảng 420 chiếc có công suất 100-500CV, được mệnh danh “đệ nhất thuyền nghề” và là vựa cá lớn của tỉnh. Vậy nên hầu hết cư dân làng biển này khi sinh ra đã mang trong mình dòng máu trùng khơi, để khi lớn lên họ lại tiếp bước cha anh, học hỏi kinh nghiệm đánh bắt từng loại hải sản của người đi trước. “Mình có nếm vị mặn, có… “yêu” con sóng bạc đầu, có cảm thấy cô đơn khi xa biển thì mới bám trụ với nghề.” Lão ngư dân Phạm Đứng, thuộc hàng “tiền bối” ở Phước Diêm, đã từng trải lòng như vậy.
Hơn 15 năm theo nghiệp viết lách, tôi không thể nhớ hết đã bao lần… lang thang trên bãi biển, nghe dân chài kể chuyện nghề. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại hiểu rằng, chọn nghề ngư là chấp nhận những ngày dài xa nhà, lênh đênh theo sóng gió; thậm chí biển còn gắn bó với họ nhiều hơn bờ. Đến nỗi, cái vị chát mặn của nước biển đối với họ cũng xao xuyến như cái mùi oi nồng của đất mỗi lúc ra khơi. “Những ngày đầu theo thuyền đánh bắt xa bờ, chỉ thấy sóng, thấy nước, mình nhớ nhà ghê lắm. Nhưng đi riết rồi quen. Thỉnh thoảng bị bệnh không ra biển được, cảm thấy sao sao…” Trần Văn Đức – 15 năm trong nghề đi “bạn”, ở Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) bộc bạch. “Nói chi xa, chỉ cách bờ chừng 100 hải lý, nếu không quen là say bí tỉ luôn. Nắng thì phơi da trên biển, lạnh mặc đến mấy lớp áo kéo lưới cũng không nổi. Cực vậy nhưng thu nhập đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ. Như ghe tui đây, 12 bạn, mỗi chuyến đi từ 12-15 ngày, trúng thì mỗi người được 3-3,5 triệu đồng, còn trật thì cứ… ăn cá cho qua ngày". Anh Lâm – một thuyền trưởng ở Khánh Hải (Ninh Hải) nói về nghề nửa đùa, nửa thật.
Ngư phủ, có người đến vì gánh nặng mưu sinh, người thì bằng duyên nghiệp cha truyền con nối, cũng có người vận vào do sự tình cờ… nhưng tất thảy đều đậm chất lãng mạn, nồng ấm tình người. Và dẫu phải luôn đối mặt với hiểm nguy bởi bão tố trùng khơi, hay chật vật với từng cơn “bão giá” thị trường, có mấy ngư phủ nghĩ đến chuyện “bỏ biển” bao giờ…
Phên giậu đại dương
Cái se lạnh cuối đông đang dần trôi về phía cuối, nàng Xuân đã thấp thoáng nơi đầu ngõ, nhưng những cơn gió chướng vẫn bần bật thổi.
Một điều thật thú vị đến lạ khi mảnh đất được mệnh danh là “xứ sở xương rồng” này lại hội tụ cả hai thứ nắng gió, đại diện cho vùng cao nguyên và duyên hải cực Nam Trung Bộ. Nếu như nắng gió miền núi Bác Ái lững thững như ve vuốt, ôm ấp đại ngàn, thì nắng gió dọc dài bờ biển Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải tựa hồ hoang dại, đầy cát.
Ai đó đã không sai khi bảo rằng những làng chài chính là phên dậu của đại dương bao la. Và trong rặng phên dậu ấy, vài chục năm trước, những rừng phi lao bạt ngàn ven biển Từ Thiện, Hòa Thạnh, Sơn Hải (Ninh Phước), Khánh Tường, Khánh Hội, Mỹ Tân (Ninh Hải) được ví như “đội hùng binh” dám thẳng người che chắn bão tố từ trùng khơi ập vào từng xóm chài trong mùa biển động. Nhưng nay tất cả đã trở nên quá hiếm hoi khi những dãi cát tuyệt đẹp ven biển, theo đà phát triển đã ngày càng nhiều mọc lên những resort, khu du lịch, đìa tôm, ruộng muối…
Không hiểu sao khi nói đến vạn chài ven biển, bao giờ trong tôi cũng gợi lên hình ảnh những thôn xóm có nhà cửa đơn sơ, con người lam lũ, dù phía trước, cách họ… “vài bước chân” là biển Đông với đầy ắp sản vật của trùng khơi.
Tôi đã từng qua đêm ở một số làng chài: Dư Khánh, Tri Thủy, Mỹ Tân, Khánh Hội (Ninh Hải), Sơn Hải, Cà Ná (Thuận Nam) để cảm nhận nhịp sống “ngàn đời bất di bất dịch” của bà con quê biển: mỗi chiều tà, cánh đàn ông, trai tráng lướt sóng ra khơi; đàn bà ở nhà chăm con, lo chuyện cơm nước, giặt giũ và... ngóng đợi chồng cùng quà tặng biển khơi (tôm, cua, cá, mực…) đầy ắp khoang thuyền về bến. Chung quy, họ chỉ cần những thứ bình thường căn cơ nhất là có tiền để bơm dầu cho ghe, tàu; được thương lái thu mua hải sản với giá kha khá, đủ trang trải chi phí và có dư chút đỉnh; đặc biệt là… cầu trời cho biển lặng, sóng êm...
Người miền biển là thế, vậy nên cả mấy chục ngàn gia đình ngư dân ở hơn chục xã biển trong tỉnh bao đời bám biển nhưng có mấy nhà thật giàu sang?! Bởi họ tự chọn cho mình một cuộc sống giản đơn. “Ăn sóng, nói gió; không son phấn trong ứng xử” là biểu hiện tính cách mạnh mẽ, hào sảng, chân thành của người dân biển, như chính đôi câu ca dao được lưu truyền từ thuở xa xưa trong lòng “phên giậu của đại dương”: Con ơi, giữ lấy nghề chài/ Dù sao cam khổ, ngọt bùi đã quen/ Đêm ra ngoài biển đốt đèn/ Nhìn lên sao sáng phận hèn cũng vui.
Tâm linh biển - chớp bể, mưa nguồn
Những cuộc đời nối tiếp cuộc đời, những thế hệ nối tiếp thế hệ ở 9 xã trên dọc dài bờ biển quê hương. Người dân sống đơn sơ và hạnh phúc cũng giản đơn, nhưng vẫn mãn nguyện, bền chắc. Vì vậy, hàng trăm năm qua có thấy xóm chài nào kéo nhau rời bỏ bờ biển đâu? Tình yêu biển luôn chảy trong huyết quản, trở thành tâm linh của người dân biển.
Vùng biển Đông Hải - Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: LP
Nhìn vào bản đồ Ninh Thuận, dễ thấy rằng tất cả các dòng sông từ thượng nguồn đều đổ về đại dương. Là vậy đó, sông nối núi rừng với biển, nên chi dù có xa đến hàng chục cây số, hay gấp đôi, ba lần hoặc hơn nữa thì vùng cao đại ngàn luôn là mối dây bền chặt với biển; giống như người miền ngược từng khăn gói xuống miền xuôi duyên hải để gùi từng túm muối về ngàn, bởi không có cái chất mặn nồng của biển thì làm sao con người sống được. Cũng như cái hồn trong ca dao biển: “Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”. Nghĩa tình sâu nặng là thế! Và câu “chớp bể - mưa nguồn” tựa hồ duyên nợ thủy chung của biển với núi rừng và của núi rừng với biển.
Trước biển, đất liền quá nhỏ bé. Trước biển, đời ngư dân càng nhỏ bé hơn. Nhưng từ bao đời nay, cuộc sống làng biển vẫn cứ sôi động, hấp dẫn, thi vị và đong đầy hạnh phúc...
Lê Trường
Theo http://baoninhthuan.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...