Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Cảm nhận đôi điều về bài thơ “nợ”của Cấn Đăng Hải

Cảm nhận đôi điều về bài thơ
“nợ”của Cấn Đăng Hải
Xin giới thiệu bài cảm nhận bài thơ "Nợ" của Duy Cách
Tác giả Cấn Đăng Hải sinh vào năm Giáp Thân (1944) tại làng Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Quốc Oai vốn là một vùng đất có bề dày lịch sử - là nền văn hóa sông Hồng thuộc quê hương Phủ Quốc Xứ Đoài. Năm 1965, anh tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong, được trực tiếp phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh lịch sử. Đến năm 1972, anh được cấp trên cho đi học đại học kinh tế, rồi về làm việc tại Bộ giao thông vận tải. Năm 2005 anh được về nghỉ hưu tại quê nhà và là hội viên của Chi hội thơ Đường Phủ Quốc, thuộc huyện Quốc Oai.
Gần chục năm trở lại đây, với phong trào sáng tác thơ ca rầm rộ trong cả nước, thì Cấn Hữu quê anh cũng hòa vào trong trào lưu ấy. Nhiều người ở đây đã có những tác phẩm: thơ, truyện, tản văn, phóng sự, ghi chép, thông tấn báo chí… được đăng tải trên các báo, tạp chí của Trung ương, báo ngành và báo địa phương. Cấn Đăng Hải từ khi trở về quê hương cũng hòa mình vào dòng chảy sáng tác văn thơ của địa phương. Anh đã làm hàng trăm bài thơ, trong đó có vài chục bài thơ đường luật, mà một trong số đó là bài thơ “Nợ” của anh đã được in trong ấn phẩm “Thơ Đường Phủ Quốc” của Câu lạc bộ UNESCO thơ đường Việt Nam - Chi nhánh Quốc Oai số ra đầu tiên. Đây là một bài thơ đường luật thất ngôn bát cú làm theo thể “đồng thủ từ” - một trong những thể loại rất khó trong thơ Đường luật. Phép “đồng thủ từ” được sử dụng bằng từ “nợ”. “Nợ” vừa là tít của bài thơ vừa là điệp tự liên tiếp ở đầu 8 câu thơ và điệp tự cả trong câu thơ. Nội dung bài thơ, tác giả đã sử dụng từ “nợ” đến 10 lần, phối hợp với nghệ thuật liệt kê, so sánh, liên tưởng. Dưới đây là nguyên văn bài thơ này của anh:
Nợ bốn mươi năm quá nửa đời
Nợ con, nợ vợ nỗi đầy vơi
Nợ tình bạn hữu còn đôi chút
Nợ nghĩa quê hương cả một thời
Nợ mẹ, cha cao như núi Tản
Nợ thầy cô rộng tựa biển khơi
Nợ đời… món nợ dài vô tận
Nợ trả dần, lòng thấy thảnh thơi!
Lời bình của Nguyễn Duy Cách:
Ai đã được sinh ra trong cuộc đời này đều là người mắc nợ với những món nợ khác nhau. Có món nợ gọi thành tên, có món nợ suốt đời này không biết tên gọi nó là gì. Nhưng đã gọi là “nợ” thì sẽ luôn luôn ám ảnh con người, nhất là đối với những con người có một tâm hồn nhạy cảm. Toàn bộ bài thơ của tác giả đã nói lên được vấn đề lớn của con người ở đời. Trong bài thơ “Chí anh hùng” của Nguyễn Công Trứ cũng đã từng nêu lên vấn đề “nợ đời” của mình:
“Đi thi há lẽ trở về không
Cái nợ cầm thư phải trả xong
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”
Đó là Nguyễn Công Trứ đề cao trách nhiệm và chí khí làm trai, đề cao món nợ công danh. Còn trong bài thơ “Nợ” của Cấn Đăng Hải thì đề cao trách nhiệm ở đời của mình trước hết lại là món nợ với vợ con: “Nợ bốn mươi năm quá nửa đời/ Nợ con, nợ vợ nỗi đầy vơi”. Tác giả lại tự cảm thấy mình mắc nợ với vợ con. Chứng tỏ tác giả là một người chồng và người cha tốt, rất có trách nhiệm với vợ con, coi trách nhiệm, bổn phận với vợ con là suốt đời. Trong hai từ “nợ” ở câu thơ thứ hai, giọng điệu thơ trầm lắng, suy tư, ta cảm nhận thấy tình nghĩa sâu nặng giành cho vợ con của tác giả đến nhường nào! Câu đầu của bài thơ khái quát thời gian mắc nợ “bốn mươi năm” kể từ khi tác giả bắt đầu lên đường tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong, cho đến khi được trở về quê hương. Trong bốn mươi năm ấy, vì đang trực tiếp phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, nên không có điều kiện để chăm sóc giúp đỡ vợ con. Tác giả cảm nhận nỗi thiệt thòi, vất vả của vợ con ở nhà khi vắng mình là rất lớn. Nay được trở về muốn bồi đắp cho vợ con tất cả quãng đời còn lại của cuộc đời mình.
Không chỉ nợ, nặng tình nghĩa với vợ con, tác giả còn nặng tình nghĩa với bạn bè, với quê hương làng xóm: “Nợ tình bạn hữu còn đôi chút/ Nợ nghĩa quê hương cả một thời”. Nợ vật chất ta có thể trả được. Còn nợ tình, nợ nghĩa làm sao có thể trả được? Phải sống như thế nào để đáp lại tình nghĩa đó. Tác giả muốn gắn lòng mình với tình bạn, nghĩa quê. Chữ “nợ” ở đây được nhấn mạnh bằng dấu “nặng” thật chan chứa ân tình, sẽ luôn sống gắn bó với gia đình, hòa đồng với nhân dân xóm làng, bạn hữu thành một tình cảm lớn, bởi “Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho ta trèo hái mỗi ngày”. Vì hương vị, tình nghĩa đậm đà, ngọt ngào của quê hương vốn ăn sâu, bám rễ trong lòng mỗi người dân đất Việt. Có biết bao người con xa xứ “Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê. Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn ….”. Tác giả cũng có một miền quê đong đầy nỗi nhớ và biết bao kỷ niệm của một thời ấu thơ, của một thời trai trẻ…
Đọc bốn câu thơ đầu tiên là những món nợ không thể diễn tả được chi tiết bằng lời, bằng câu, nên cứ “đầy vơi”, cứ thôi thúc tr
ong lòng tác giả. Bốn câu thơ đầu tuy không giàu hình ảnh, nhưng có sức gợi, và mỗi người chúng ta sẽ có những liên tưởng khác nhau…
Bốn câu thơ cuối là ba món nợ: “Nợ cha mẹ”, “nợ thầy cô” và “nợ đời”. Những món nợ này từng được ví với những hình ảnh quen thuộc từ xưa trong văn chương và trong ca dao. Những món nợ không còn khó định hình và không còn “đầy vơi” nữa, mà đã được so sánh với núi Tản, với biển khơi, với sự vô tận của đất trời. Hiếu làm đầu muôn nết, gốc muôn thiện, vì có hiếu mới tu nên. Trên đời này ai cũng nghĩ rằng “Nợ mẹ cha” là món nợ lớn nhất, vì: “Công cha tựa trời cao lồng lộng/ Đức mẹ như bể rộng mênh mông”. Công đức sinh thành, dưỡng dục, nuôi dạy, lấy lẽ sống của con làm lẽ sống cha mẹ của tác giả đã gắn bó tình phụ tử, mẫu tử từ lúc còn ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành… Mà đặc biệt là người mẹ: Ngoài công lao sinh thành, dạy dỗ, người mẹ còn luôn sát cánh chăm sóc, nâng đỡ con cái học hành, mạnh tiến trên đường học vấn, như câu ca: “… Khó đi mẹ dắt con đi/ Con thi trường học, mẹ thi trường đời”. Tinh thần hiếu thảo đối với mẹ cha đã thấm nhuần trong huyết mạch của tổ tiên ta, mà từ đời này sang đời khác, thế hệ này đến thế hệ kia, trước sau rất trọng ơn nghĩa công lao của cha mẹ:
Mẹ ru con ngủ cho yên
Mai sau con lớn bút nghiên học hành
Mẹ cha công đức sinh thành...
Tất cả sự yêu thương, dạy dỗ ấy đã khiến ta trưởng thành nên người như hôm nay. Bài thơ của tác giả với những câu từ thật giản dị, không hoa mỹ, ngắn gọn, hàm súc và có sức gợi, khiến người đọc không thể không suy nghĩ với những món nợ trong cuộc đời này. Nếu như ai đó bảo rằng không bao giờ mắc nợ, thì người đó hẳn không biết nhìn thấu đáo mọi việc, không biết trân trọng những gì được gọi là tình nghĩa, yêu thương.
Câu thơ cuối “Nợ trả dần, lòng thấy thảnh thơi!”, như là lời động viên an ủi chính bản thân tác giả - một con người luôn luôn nặng lòng với những món nợ trần gian. Bài thơ như lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với những ai chưa một lần đặt câu hỏi Mình đã nợ cuộc đời này những gì? và hơn một lần tự nhìn lại mình, biết “trả nợ dần” để cho lòng mình thảnh thơi hơn bằng chính lương tâm và trách nhiệm, bằng lòng biết ơn, trân trọng và tình cảm chân thành nhất, thể hiện cụ thể bằng thái độ ứng xử, lời nói và việc làm thiết thực của mình, trọn đời vì tình nghĩa.
 Nguyễn Duy Cách
Theo http://thoduongdatviet.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...