Hơn 35 năm, tôi mới có dịp về lại Tân Yên, vùng quê trung du
thân thương đã để lại trong lòng tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Ngày ấy, vào mùa hạ
năm 1967, tôi nhận được “công văn” triệu tập dự “Trại sáng tác văn học Ty văn
hóa Hà Bắc”. Ty văn hóa Hà Bắc ngày ấy sơ tán về thôn Dương Sơn, xã Liên Sơn,
huyện Tân Yên. Cơ quan nằm sát con đường chạy từ thị xã Bắc Giang đi Cầu Gỗ.
Ngoài căn nhà lá, tường trát bua, nền đất nện, kê một số bàn ghế gỗ thô làm “hội
trường”, còn toàn bộ các phòng ban đều phải ở nhờ nhà dân, mọi sinh hoạt, tiện
nghi đều rất đơn sơ, thiếu thốn. Tối đến, chúng tôi muốn hội họp, viết đọc sách
báo đều phải thắp đèn dầu (mà còn phải hạn chế ánh sáng!).
Gọi là “Trại sáng tác văn học” song chúng tôi chỉ có 7 người.
Có lẽ anh Trần Quốc Thịnh là người nhiều tuổi nhất. Sau đó đến các anh Đỗ Cường,
Nguyễn An Thu, Kim Ô, Anh Vũ, Nguyễn Hùng Việt và Phúc Toản. Nhìn chung các bậc
đàn anh trong lớp đa phần là cán bộ cơ quan Nhà nước, ít nhiều đã có thơ văn in
ở tỉnh và Trung ương. Riêng tôi ít tuổi nhất (18 tuổi) là nông dân “đặc sệt”, về
lĩnh vực sáng tác lại là “lính mới tò te”: Thày dạy chính suốt khoá học chúng
tôi là nhà văn Nguyên Hồng. Tôi rất vui, hồi hộp vì điều này. Bởi từ những năm
học cấp hai, tôi đã say mê đọc “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng. Tôi tưởng tượng
ra người viết những con chữ “thần tình” ấy, phải có diện mạo “cao siêu” lắm?
Chí ít “dung nhan” cũng phải như “Lưu Bình - Dương Lễ”, trong vở chèo cổ cùng
tên, mà tôi đã xem không biết bao nhiêu lần?!
Nhưng… thày Nguyên Hồng bằng xương, bằng thịt “xuất hiện” lần
đầu tiên ở “trại viết văn” ngay trước mặt tôi, lại như trăm nghìn lão nông bình
dị ở muôn nẻo làng quê Việt Nam. Ông “lão” mặc bộ quần áo nâu sồng bạc mầu, đầu
đội mũ lá, đôi bàn chân đích thị của người lao động: Các ngón thô lúc nào cũng
ngọ ngoạy không yên trong bộ… quai dép cao su! Thày Nguyên Hồng có vầng trán rộng
vuông; đôi mắt sáng lanh lợi, chòm râu thày lưa thưa, phất phơ, lúc nào cũng
rung rung “đánh nhịp” theo lời nói; giọng thày ôn tồn, ấm áp và truyền cảm.
Gia đình nhà văn ở ấp Cầu Đen, xã Quang Tiến, cách “Trại sáng
tác văn học” xã Liên Sơn gần 10 cây số. Vậy mà ngày nào thày cũng cọc cạch, cặm
cụi trên chiếc xe đạp “Thiếu nhi Liên Xô” (chúng tôi gọi đùa là xe “Pô Rô con Vịt”)
đủ 4 lượt đi về. Mặc mưa gió, nắng thiêu thày không bao giờ chậm giờ lên lớp,
dù chỉ là… một phút. Sau này tôi mới biết, lúc ấy, gia đình thày rất neo đơn: Vợ
nhà văn đau yếu, các con đông lại học hành xa. Tất cả… gánh nặng cuộc sống đều
đặt lên đôi tay và… ngòi bút của nhà văn.
Có một lần, tình cờ, tôi gặp thày Nguyên Hồng đang “vã mồ
hôi” trên chiếc “Pô Rô con Vịt”, đằng sau xe nhũng nhẵng… hai sọt cà chua chín
mọng. Thì ra, nhà văn “tranh thủ” chở cà chua từ Quang Tiến về Cao Thượng kết hợp…
“buôn chuyến”! Kể chuyện này tôi lại rơm rớm nước mắt, nhớ thương, cảm phục sức
lao động bền bỉ phi thường của thầy giáo, nhà văn Nguyên Hồng.
Mười “văn sĩ” trong Trại sáng tác văn học ngày ấy rất tự hào
đã được học “người” và “văn” của thày Nguyên Hồng… Lúc đó, tôi ít tuổi nhất lớp,
lại là nông dân “chính hiệu” nên được thày Nguyên Hồng luôn để ý, kèm cặp… Một
chiều thu 1967, Nguyên Hồng với chiếc áo khoác màu da bò cũ kỹ, ống tay và cổ
áo đã sờn, ông đi đi lại lại trước cửa “hội trường”. Thấy lạ… tôi trịnh trọng
lên tiếng.
- Thưa bác, hôm nay bác không về ạ?
- Toản hả, ờ! Bác ở lại tối nay bận làm việc với anh Dương (tức
đồng chí Lê Hồng Hương, trưởng Ty văn hóa).
Chắc có “việc gì” đột xuất, tôi không hỏi thêm, chào nhà văn
và một mình tha thẩn đi lên đồi thông. Chiều trung du đẹp đến mê hồn, phương
tây ráng vàng rực rỡ, lơ đãng một vài dải mây mỏng tang đang lững thững trôi, một
đôi chim lạ bay ngược về phương nam. Tôi ngồi xuống bên gốc cây, nghe gió thông
reo, mở cặp ba dây bìa cát tông làm giá, mải mê phác họa bức tranh “chiều trung
du”… Thày Nguyên Hồng đến cạnh từ lúc nào không biết, tôi định đứng lên chào,
ông đã vỗ nhẹ vào vai tôi.
- Cứ vẽ đi kẻo lại mất cảm hứng!
Nhà văn cùng ngồi xuống, ông xem tranh và nhận xét từng chi
tiết rất kỹ. tôi thật bất ngờ: Nguyên Hồng am hiểu rất sâu sắc, tường tận về hội
họa. Sau đó ông hỏi chuyện tôi về ga đình về những dự định, tương lai của tôi…
với giọng nói gấp gấp, nhiệt tình nhà văn kể cho tôi nghe việc ông đi bán báo,
đánh giầy, làm việc cật lực với những phu khuân vác ở cảnh Hải Phỏng, rồi việc
ông “chui” vào “nhà chứa”, “lặn” xuống tận… gầm giường để tìm “cảm hứng” viết
lên tiểu thuyết “Bỉ vỏ” nổi tiếng!
Bỗng nhiên, giọng nhà văn trầm lắng xuống, lời ông dịu dàng
thủ thỉ như cha khuyên con:
- Toản ơi! Cháu nhiều tài quá đấy! Nhưng cháu nên “giết” bớt
nó đi, chỉ để lại và nuôi dưỡng những gì mà mình yêu thích nhất, có vậy mới
chóng thành sự nghiệp, cháu ạ!
Câu nói của nhà văn Nguyên Hồng rất thẳng thắn, chân tình tôi
nhớ mãi “chiều trung du” ấy và lấy đó là bài học cho mình trong cuộc sống! Ngày
ấy, đang tuổi mười tám sôi nổi, mộng mơ, tôi ước muốn nhiều thứ lắm. Thấy việc
gì thích lại lao vào làm, chẳng nghề gì là “chuyên sâu” cả… cho đến ngày nay
khi đã cao tuổi tôi càng thấm thía lời khuyên của nhà văn như lời đúc kết của
ông cha xưa để lại: “Một nghề cho chín, hơn chín mươi nghề”.
Vài hôm sau, vào một ngày chủ nhật, tôi lên ấp Cầu Đen thăm
nhà văn. Lại một lần nữa tôi bị bất ngờ đến sững sờ: Ngôi nhà giang ông ở lụp sụp,
cũ kỹ, đồ đạc trong nhà không có gì là đáng giá. Tôi thấy ông đang “gò lưng”
trên chiếc bàn viết bằng… một hòm đạn, mặt bàn ghép bằng phên nứa ọp ẹp. Vợ ông
tay cầm chiếc mo cau đã nhẵn bóng vệt mồ hôi, phe phẩy quạt mát trong ông. Hôm ấy
trời nắng nóng, vầng trán vuông rộng của nhà văn bóng nhẫy mồ hôi, ông ngẩng
lên mời tôi uống nước rồi lại cúi xuống trang giấy hẩm, chòm râu thưa rung
rung, ngòi bút “thần” lại sột soạt, miệt mài viết tiếp những dòng suy nghĩ vừa
“bị” dán đoạn… tôi thấy thương và ái ngại cho ông quá! Thế mà từ căn nhà nho nhỏ
đơn sơ toàn bằng tranh tre nứa lá, từ chiếc bàn tự tạo là phên liếp ấy… nhà văn
đã cho ra đời những tác phẩm văn chương bất hủ!
Sức làm việc, sáng tạo của Nguyên Hồng thật phi thường bởi
ông là nhà văn của nhân dân, nhà văn của người lao động cùng khổ. Nguyên Hồng
buông cây bút viết vào một ngày đầu hạ: Mồng 2 tháng 5 năm 1982. Nhà văn sinh
ra ở Nam Định, tuổi trẻ bươn trải, kiếm sống tại Hải Phòng, phần lớn cuối đời
ông sống và làm việc tại Bắc Giang - mảnh đất nhà văn yêu mến tâm huyết cho đến
lúc trút hơi thở cuối cùng. Mộ ông đặt tại ấp Cầu Đen xã Quang Tiến vĩnh hằng
cùng “Núi rừng Yên Thế”…
Sinh thời, có lần nhà văn được tiền nhuận bút tiểu thuyết
“Sóng Gầm” vừa in xong. Ông mang toàn bộ số tiền “bé nhỏ” ấy hiến cho trường cấp
hai Quang Tiến. Người ta đã kịp thời ngói hóa được hai phòng học đầu tiên của
nhà trường. Cảm phục trước tấm lòng vàng của Nguyên Hồng, nhân dân địa phương
đã đóng góp tiền của, công sức ngói hóa hết toàn bộ các phòng học còn lại cho
con em xã mình.
Ai ngờ, nhuận bút “Sóng gầm” đã mang lại lợi ích thiết thực,
ý nghĩa lớn lao đến vậy. Đó cũng chính là ý nguyện mong muốn được vỗ về, nâng
niu nuôi dưỡng con người bắt đầu từ CON CHỮ của nhà văn!
Hơn 35 năm qua… “Sóng” biển Hải Phòng vẫn “gầm” trên “núi rừng
Yên Thế”. Ráng đỏ Phồn Xương vẫn bừng lên cho “chiều trung du” lộng lẫy ánh
vàng… Giờ đây mỗi lần có dịp tới Nhã Nam, tôi không quên lên mộ đặt bó hoa
tươi, thắp tuần nhang ngát và chắp tay kính cẩn tưởng nhớ thày giáo - nhà văn
tài ba danh tiếng nhưng rất đỗi gần gũi, giải dị, thân thương… Những kỷ niệm
năm xưa lại dào dạt tràn về và lời khuyên của bác Nguyên Hồng trên đồi thông
ngày ấy cứ văng vẳng bên tai, theo tôi đi suốt cuộc đời!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét