Cảm nhận văn chương
của một người nhà quê
Trong một dịp rất tình cờ tôi bắt gặp trang mạng Thất Sơn
Châu Đốc là địa phương tôi đang làm việc nên tò mò vào đọc. Và cũng rất tình cờ,
TSCĐ đang đăng bài Đôi dòng tâm sự cùng dòng kinh Vĩnh An Hà của nhà
văn Lương Thư Trung nên lại tò mò đọc ngay. Bởi vì quê nội, quê ngoại của tôi đều
nằm bên bờ kinh Vĩnh An Hà. Và bài viết này đã xui khiến tôi tìm đọc toàn bộ
các bài viết của nhà văn tự xưng–và biểu lộ-là “người nhà quê” chính hiệu. Ông
viết rất đa dạng, nhiều đề tài qua nhiều thể loại: tản văn, bút ký, truyện ngắn,
thơ, phê bình văn chương. Ngoài những bài văn chương ký tên thật, ông còn một
bút hiệu khác là Hai Trầu để viết những “Lá Thư Từ Kinh Xáng”
Vốn cũng là người nhà quê, tôi thích nhất những bài bút ký về
làng quê ngày cũ của ông. Đọc văn ông tôi cảm nhận đâu đó luôn thấp thoáng bóng
dáng của một vùng quê hương sông nước Cửu Long. Làng mạc, ruộng đồng quê hương
như đã thấm sâu trong tâm hồn ông và đâu đó luôn ẩn hiện trong những trang viết
về “những mùa màng ngày cũ”, ruộng vườn, về cuộc sống chân lấm tay bùn của người
miền quê; nỗi hoài nhớ về những mùa nước lên giăng câu, bắt cua, bắt ốc, hái
bông súng, điên điển; về những lung vũng bùn lầy, bàu đìa, xẻo vạt; về tre
trúc, chuối, xoài… cùng cây trái trong vườn; về những mùa cá lên đồng, cá ra sông
và nhiều thứ khác ở cái vùng nhà quê Tân Bình-Lấp Vò, rồi quê ngoại Mặc Cần
Dưng, Kinh xáng Bốn Tổng.
Sinh ra và lớn lên ở làng quê, đi học, đi làm rồi trở về gắn
bó với làng quê trong những năm tháng mưu sinh làm ruộng cày bừa, giăng lưới,
giăng câu, ông đã tự bạch: “Là một người sanh ra nơi làng quê, sống với làng
quê qua những mùa binh biến, rồi chạy loạn tản cư cũng chạy lên những cánh đồng
lác hoang vu; đến khi lớn lên đi học, đi làm năm ba năm rồi cũng trở về làng
quê làm ruộng cày bừa, giăng lưới, giăng câu sống cùng bà con chòm xóm quê mùa
đằng đẵng mấy mươi năm, thì thử hỏi làm sao tôi có thể xoá bỏ cái chất nhà quê
bùn phèn trong tôi được.”
Để lý giải vì sao cái chất nhà quê bùn phèn luôn lắng đọng
trong tâm tưởng, ông bày tỏ: “Người ta sanh ra ở đâu sẽ hấp thụ cái tinh chất ở
vùng đất đó cho tới già đời; đừng ai mong mình sẽ là tiên khi mình sinh ra nơi
ruộng lúa bùn lầy, lung vũng. Cái chính là mình biết lấy cái lung vũng, bùn lầy
ấy làm cái chất tinh tuý ngọt ngào bao la bát ngát của thiên nhiên nuôi sống
mình lớn dậy. Đó chính là cái tinh chất làm nên nét đặc thù của mỗi con người,
mà ai không dám nhận, hoặc chối bỏ nó thì là một lầm lẫn, một mất mát mà không
cách gì tìm kiếm lại được ở kiếp này hay kiếp khác sau này…”
Dù xa cách đã lâu, nhưng ông vẫn kể tường tận về những cánh đồng
của làng quê mà ông đã rời xa trong quãng đời còn lại, trong nỗi nhớ quê hương:
“Giai đoạn gần nhất của hôm nay, kể cũng đã khá dài với mười
tám năm sống nơi chốn này, tôi không mong mỏi gì hơn với đời sống như hiện tại.
Mỗi ngày tôi có thể ngồi kể cho bạn qua vài ba dòng chữ về những cánh đồng nhà
quê nơi làng quê mà tôi đã rời xa nó.”
Nói về làng quê xưa mới thấy ông còn quá nhiều nặng nợ với “những
mùa màng ngày cũ”,ông vẫn luôn hoài nhớ về cánh đồng lúa quê mình cùng với những
mùa bắt cá tháng nước lên, tiếng gió rít nơi bờ tre, tiếng kêu của chim gõ kiến,
niềm vui sau những ngày mùa mệt nhọc… Đó là một thời đã nuôi ông lớn lên và làm
nên cái phong cách “nhà quê”, như ông đã từng tâm sự:
“Nếu ai có hỏi giai đoạn nào tôi mê nhất trong đời tôi? Không
phải suy nghĩ gì, tôi sẽ nói rằng tôi mê mười năm chìm vào những cánh đồng lúa
chín vàng sau thời kỳ giã từ rừng tràm về lại ruộng vườn vùng mình. Thử hỏi,
tôi làm sao quên được những mùa bắt cá tháng nước lên! Làm sao tôi quên được những
đêm trăng ngủ giữa cánh đồng bên đống lúa vừa mới ra hột vào buổi chiều lòng
vui vui sau một mùa khổ cực! Làm sao tôi quên được tiếng gió rít nơi bờ tre
khi những con chim gõ kiến cố gượng dậy qua một nhánh tre gai đong đưa theo tiếng
gió! Làm sao tôi quên được những lúc mệt gần như ngất ngư với những vạt đất vừa
mới bừa trục cho nhừ để bắt đầu một mùa sạ lúa mới sau này!
Tôi nhớ lắm những lúc cá lên đồng rồi cá lội ra sông như một
chu kỳ của những mùa nước lên rồi nước giựt! Nhiều và nhiều lắm những vui lo lẫn
lộn của những năm tháng trở về làng với mười năm an phận thủ thường ấy! Đây quả
thật là tài sản của đời tôi và chính những năm tháng lăn lóc giữa những mùa
màng ấy làm nên cái phong cách nhà quê nơi tôi mãi mãi cho tới hôm nay và cả
trong những năm tháng sau này của đời sống riêng tư của tôi nữa. Thế mới biết mỗi
con người có một thời để nuôi lớn mình là thế!”
Không phải là nhà nông học, nhưng ông đã kể rành rẽ và làm một
tổng kết về những mùa màng ở làng quê: đó là những mùa cây trái trong vườn, mùa
làm ruộng, làm rẫy, đánh bắt cá, cho đến mùa của bông sen, bông súng. Và cả những
mùa chim, ông viết: “Nhưng khi nhắc về những mùa chim, có lẽ chúng tôi muốn nhớ
về những loài chim của vùng quê tôi, những mảnh đời giang hồ đã một thời cùng với
người nhà quê tạo thành bức tranh quê với nhiều nét màu gần gũi thân ái mà
không nhà họa sĩ tài danh nào, bằng bàn tay nghệ nhân đa tài, phục chế lại được
khi nó đã không còn nữa... Nó là của thiên nhiên, của tạo hóa, của chim muông
mà loài người không làm sao nói hết được bằng lời, bằng bút tích, bằng sáng tác.”
Ông nói về chuyện sinh sôi nẩy của chim chóc ở vùng quê ông cứ như là nhà “điểu
học” thực thụ, dân nhà quê “chuyên nghiệp” bây giờ chắc gì đã biết: “…chim
trong vườn làm ổ vào tháng hè có loài cưỡng, loài nhòng, chim se sẻ, chim dòng
dọc, chim trao trảo, chim chìa vôi cùng các loại cu cườm, cu đất, cu ngói...
Còn chim rừng tràm làm ổ vào tháng mười âm lịch. Qua tháng mười
một, chim bắt đầu đẻ trứng nở con. Còn chim trên các cánh đồng lúa mùa nước ngập
dai dẳng 6 tháng ròng rã thì lại bắt đầu làm ổ tháng bảy, tháng 8 khi lúa trên
đồng tròn mình, mưa Ngâu tầm tã. Những chỗ lung sâu lúa dày là những bến bờ lý
tưởng cho các cặp vợ chồng chim hủ hỉ những mùa trăng non. Tháng 9, tháng 10
chim nở rộ. Những bầy chim ra ràng bắt đầu tập vỗ cánh chấp chới giữa gió đồng
rì rào với những đợt sóng dâng cao của biển lúa ngút ngàn, mà cũng là lúc những
cánh chim già bắt đầu thay lông thêm một lần trong dòng sông đời nhiều biến đổi...”
Không phải là nhà nghiên cứu, nhưng khi nói về sản vật vùng
quê sông nước, ông “rành sáu câu vọng cổ”, ai đó nói trật ông liền có ý kiến kẻo
người đọc nhầm lẫn, nhất là đám con cháu ngày nay. Về bông điên điển và vài
khía cạnh khác trong cuốn “Hương Vị Ngày Xưa” của tác giả Trần Văn Chi, ông
chân thành góp ý : “Thiệt tình ra, tôi không biết tác giả kể đi vớt bông
điên điển trôi tấp vào bờ sông ở miệt nào để về làm dưa chua như vậy; nhưng
riêng vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Định Mỹ. Núi Sập, Ba Thê, Vĩnh Chánh, Phú Hòa,
Mặc Cần Dưng, Hang Tra, Trà Kiết, Vĩnh Hanh, Lấp Vò, Kinh Xáng Bốn Tổng và nhiều
nơi khác mà tôi biết cách nay có tới hơn sáu bảy chục năm qua, tôi chưa từng thấy
ai đi vớt bông điên điển về làm dưa như vậy bao giờ. Nếu có muốn làm dưa hay
đem ra chợ bán, bông điên điển phải được hái một cách nhẹ nhàng, kẻo không thì
bông điên điển sẽ bị bầm giập, làm cho bông hết ngon.” Bông điên điển mà rụng
xuống nước thì nó nở tè le, bầm giập hết rồi còn gì là ngon nữa.
Bất kỳ ở đâu, khi thấy cái gì gợi nhớ đến đồng ruộng quê nhà
ông đều bồi hồi, xúc động và ghi chép lại. Gặp nhà văn Lâm Chương trên bờ hồ
Mystic, ông đã: “... sững sờ nhìn xuống mặt hồ khi tình cờ bắt gặp một mảng lớn
bông súng xanh lặt lìa chạy dài gần giáp chu vi cái hồ rộng. Những chiếc lá
bông súng hình tròn lớn bằng cái dĩa bàn, nhỏ bằng cái miệng chén che khuất mặt
nước bít chịt xen lẫn nhiều chiếc bông đã nở màu trắng nhụy vàng rải rác khắp mặt
hồ. Tôi mừng như chưa bao giờ được mừng khi được đứng bên mé nước nhìn những bụi
bông súng đang ngâm mình trong hồ nước mát này.”
Để rồi liên tưởng đến những “mảnh đời” bông súng của miền quê
sông nước Cửu Long, một thời ông đã từng gắn bó: “Hằng năm, vào những mùa
nước nổi, nhà nghèo thường giạt về miệt Ba Răng, Đốc Vàng, Đồng Tháp Mười, Cầu
Số Năm, Tri Tôn hoặc qua An Phú, Hồng Ngự, Lỳnh Quỳnh, Ba Thê để nhổ bông súng
về bán. Bông súng mọc vượt theo nước. Nơi nào nước sâu bông súng có cọng dài,
nơi nào nước cạn bông súng ngắn; có nơi bông súng dài đến bốn, năm thước là thường.
Bông súng nở vào buổi sáng khi mặt trời vừa mọc. Người ta nhổ bông súng là nhổ
những cọng nào có bông, dù bông búp hay bông nở. Do đó mà những xuồng ghe nhổ
bông súng thường bắt đầu lên đồng vào sáng sớm tinh sương để chiều về tìm nơi
trú ngụ, phòng khi mưa bão vào ban đêm và sáng hôm sau lại đi nhổ bông súng tiếp
cho đến khi đầy ghe, đầy xuồng mới về đem bán khắp các chợ. Cánh đồng bao la với
nước là nước, khi có mưa chướng sóng to là mối nguy cho những ghe xuồng bềnh bồng
trên đồng trống...
Tôi kể cho Lâm Chương nghe thêm, ở trên đồng có hai loại bông
súng. Đó là bông súng ta và bông súng ma. Bông súng ta cọng lớn, đài hoa xanh,
cánh hoa trắng, nhụy hoa vàng; còn bông súng ma cọng nhỏ, rất mảnh mai, bông nở
nhỏ. Vì phần đông từ các nơi phải đi xa nhổ bông súng là để bán, nên người ta
chỉ nhổ bông súng ta mà thôi. Bông súng ma nhổ lâu đầy xuồng mà bán cũng chẳng
được mấy đồng nên ít người nhổ là vậy.”
Trong bài “Nghề hạ bạc, vài ba chữ dùng trong giới bình dân”, ông
viết về kế sinh nhai truyền thống hoặc trong lúc nông nhàn của người quê mình với
một kiến thức uyên bác về cách bắt cá tôm; ngoài giăng câu, chài lưới còn có: “đăng
mương, đăng mé, đăng đó, bửng, đặt lọp, đặt trúm, đặt dớn, xây rọ,..” Nội cái
chuyện dụng cụ đánh bắt thôi cũng đủ thành kho tự điển về nghề hạ bạc: “từ các
dụng cụ ngoài câu lưới, đăng bửng, người sống bằng nghề hạ bạc còn chế biến ra
nhiều vật dụng để bắt cá tôm như bắt lươn có ống trúm, độn mô, đăm lươn bằng chỉa,
nhưng bắt lịch chỉ có cách duy nhất là móc lịch chứ không có đặt trúm hay câu lịch.
Bắt cá chạch ngoài lọp còn có bàn cào, xúc lùm; bắt cá kèo có bôn; bắt cá rô biển
có đặt rù, đặt bộng, đặt lu; bắt cá chốt ngoài câu còn có nhảy hùm, nhảy xộn; bắt
cá nhái ngoài kéo lưới còn dùng chỉa xà di; bắt cá lóc ngoài câu lọp còn có ngồi
tum đăm cá với chỉa xà búp ; bắt cá sặt thì chỉ đặt lờ vì cá này không ăn câu
nên không ai câu cá sặt; bắt cá linh ngoài lưới còn có vó cất ở rạch nhỏ, vó gạt
ở sông lớn, rồi chài vải, chài rê, đóng đáy...và còn nhiều tên gọi khác nữa
không kể xiết.”
Dù đang sinh sống tại một thành phố lớn ở Hoa Kỳ, cách xa quê
hương nửa vòng trái đất nhưng ông vẫn cứ như một “người nhà quê”, ông vẫn luôn
tưởng nhớ về những cây cầu khỉ, về món cá lóc nướng trui và cả những câu thơ đã
từng ngâm nga nơi làng quê cũ: “Làng quê tôi ngày nay bị đô thị hoá hơi nhiều,
đường làng bùn lầy ngày trước nay thay bằng đường nhựa, cầu ván thay cầu khỉ bắc
qua sông và người làm thơ cũ không còn ai nhưng mỗi lần có một thầy giáo từ Sài
Gòn, giáo sư Nguyễn Tấn Hưng, ghé lại thăm chòm xóm, rồi vô vài ly rượu đế với
cá lóc nướng trui chấm nước mắm bằm xoài, ông cũng khoái đọc thơ cho mấy người
nhà quê khá bộn tuổi cỡ tôi nghe thơ của ông dịch từ nhũng bài thơ cổ. Điều đó
cho thấy thơ không chỉ thưởng thức nơi văn minh đô hội mà nó được ngâm nga nơi
làng quê, dưới bụi tre gai hay gốc xoài, gốc mận vườn tôi, một nơi chốn có một
thời thơ đã ra đời và được trân trọng lâu rồi qua nhiều thế hệ trải dài gần cả
trăm năm…”
Trong bài Nhơn câu hỏi “Thơ đến từ đâu?” nhớ về thơ
ở làng quê mấy mươi năm trước, ông viết:“Người dốt thì họ làm thơ qua câu hò
câu hát “nghêu ngao mặt nước, vui say giữa trời”. Họ ứng khẩu thành thơ khi
trong lòng tràn ngập niềm vui cùng trời nước bao la giữa cánh đồng nước nổi,
hay giữa miếng ruộng vàng bông trĩu hột đang theo gió rì rào làm thành những lượn
sóng nhấp nhô trên biển lúa mênh mông. Thơ của họ chạy nhảy theo tiếng dế dưới
lớp đất vừa cày trở. Có khi thơ của họ miên man trong trại ruộng, trong lùm cây
trốn nắng đụt mưa hay trên thềm đìa, bờ kinh, bờ đập.”
Nghĩ về những trang viết về nhà quê của mình, trong một bức
thơ gửi cho tôi, ông cho rằng: “...những gì chú ghi chép lại nó không hay ho gì
nhưng so với mấy ông nhà văn thứ thiệt viết về nhà quê, thì những gì chú viết
là từ sự thật, từ những hiểu biết trong việc cấy cày, từ những năm tháng chú
lăn lóc trên đồng sâu, đồng cạn chứ không bằng tài tưởng tượng của nhà văn qua
những nghệ thuật bay bướm trong nghề viết văn.” Nên có lần, ông tự bày tỏ
nỗi niềm:
“Tôi viết như kể chuyện đời xưa cùng bạn về những mùa màng
ngày cũ. Tôi viết vì tôi nhớ cái thuở lúa mùa còn đang là những mùa màng chính
yếu của vùng đất phương Nam ngày xa xưa đó như không ai có thể dời đổi được.
Tôi không có ý làm văn chương học thuật gì và tôi cũng không có khả năng làm được
những việc mang tính cao sang ấy, nên bạn đừng hy vọng tìm ở những bài viết đó
dáng vẻ của văn chương học thuật. Viết với tôi như một nỗi niềm của một người
nhà quê nhớ quê. Chỉ có vậy và đơn giản chỉ có vậy”.
Theo tôi, văn chương mỗi người mỗi vẻ, tùy theo cảm nhận
người đọc, nhưng chắc chắn rằng, tuổi sồn sồn từ hàng 5 trở lên trên, những người
đã từng lớn lên trên mảnh đất đầu nguồn châu thổ sông Cửu Long luôn rất thích đọc
những gì ông viết, vì ông đã viết bằng chất liệu thật từ cuộc sống, bằng ký ức
của những năm tháng cực khổ lên đồng, xuống ruộng, không phải bằng óc tưởng tượng.
Không như cái ông giáo sư nọ bên Huê Kỳ viết về bông điên điển, đặc sản mùa nước
lên miệt quê mình, ổng nói bông điên điển mọc hoang, khi rụng xuống nước mới vớt
lên đem về làm dưa chua, thiệt là trớt hướt.
Những ghi chép tỉ mỉ của ông về cái không gian kênh rạch, ruộng
vườn, làng mạc quê mình với thời gian cách nay mấy chục năm, có cái bây giờ
không tìm lại được, đó là những tư liệu vô cùng quý giá, rất đáng “cho thế thệ
trẻ hôm nay và mai sau đọc để biết ngày xưa nơi các làng quê miền Tây Nam
phần có một thời như thế”.
Tôi rất thích lối dùng từ rặt ri miền Nam của ông, nó mộc mạc,
thân thương, gần gũi, không thi vị hóa vấn đề và đúng với thực tế đời sống của
người dân vùng “văn minh sông nước”, nhưng không phải vì thế mà kém phần văn
chương học thuật. Lời khuyên của ông thật chí lý cho những người – như tôi- muốn
viết về chuyện đồng quê suy gẫm. Làng mạc, ruộng đồng quê hương như đã thấm sâu
trong tâm hồn ông và đâu đó luôn ẩn hiện trong những trang viết. “viết về nhà
quê coi đơn giản vậy mà rất khó viết vì nó đòi hỏi cái chất liệu thật nhiều hơn
là hư cấu, nó cần cái vốn trải nghiệm của chính tác giả hơn là óc giàu tưởng tượng,
nó cần cái quan sát gần hơn là đứng từ xa mà nhìn ngắm rồi hạ bút cho câu văn
trôi chảy;…”
Chẳng hạn, đọc bài nói về việc chăn trâu, chăn bò hồi nhỏ ở
quê của ông đúng là “không đụng hàng”, nó khác xa lơ xa lắc tất cả những bài
văn mà tôi đã đọc. Những nhà văn chương bác học mà đọc đoạn này chắn ăn sẽ...
gác bút, không dám viết về đề tài này nữa: “Thường, trong văn chương, sách vở
hay ca tụng cảnh trẻ mục đồng ngồi trâu thổi sáo hoặc nghêu ngao với đàn bò, một
hình ảnh rất đẹp, rất thơ mộng. Rất tiếc, trong thực tế không phải như vậy.
Thành ra, cứ mỗi lần tôi đọc được ở đâu đó nói về điểm này, hoặc nhìn những bức
tranh, bức ảnh vẽ chú bé ngồi lưng trâu cầm ống sáo đang thổi, tôi có cảm tưởng
bị người ta gạt mình. Vì từ thuở nhỏ, tôi sống ở đồng quê, tôi có theo mấy đứa
trong xóm giữ bò. Sau, lớn lên, tôi cũng có đi giữ bò, ngủ coi chừng bò trong đồng,
trong bái và đã từng bị bò đạp lên mình, giờ còn để lại đấu sẹo bên hông, nên
tôi có thể nói chắc chắn rằng chăn giữ bò, trâu cực lắm, không dám lơ đễnh, rảnh
rang như người ta tưởng. Vì, chỉ cần ham chơi một chút, quên để ý một chút là
bò trâu vào rẫy, vào lúa rồi. Mỗi lần trâu bò phá hại mùa màng là việc phiền
toái lắm. Hơn nữa, mấy đứa trẻ làm gì mà biết thổi ống sáo, ống tiêu. Có chăng,
thường thường lấy đất sét nắn những con tu hú, đem phơi nắng cho thật khô, rồi
rỗi rãnh thổi chơi cho đỡ buồn.”
Được làm quen với ông, được đọc về những “mùa màng ngày cũ”, về
những “bến bờ còn lại”, những cái mà tôi còn chưa biết hết về quê hương xứ
sở, về cỏ cây, hoa lá, ruộng vườn, làng mạc ngày nào khiến tôi vô cùng thích
thú. Nhờ đọc những bài của ông mà tôi tìm lại được cảm giác thú vị về những từ
ngữ ngày xưa người miền Nam thường dùng (ví dụ như ngày nay người ta viết là “miền
Tây Nam bộ”, ngày xưa viết là “miền Tây Nam phần”…), những từ ngữ mà đám
trẻ ngày nay ít biết và cũng hiếm người sử dụng, những từ ngữ mà tôi đã từng đọc
và viết qua những bài văn đã học ở thời niên thiếu, chúng vẫn còn đâu đó trong
ký ức nay lại ùa về. Những từ ngữ ấy còn gợi lại cho tôi những kỷ niệm của ngày
xưa thân ái, thời kỳ chưa có những cuộc chia ly khắc khoải và xa tít tắp… Càng đọc
tôi càng thấy bị “lây nhiễm” bởi lối hành văn và cái chất “người nhà quê” trong
ông. Dưới góc nhìn của người đọc thuộc thế hệ con cháu, sinh sau đẻ muộn, trước
những đổi thay của cuộc sống, đọc những bài viết của ông cũng là cách để “ôn cố
tri tân”, để biết thêm về một thời xa xưa của ruộng vườn, làng mạc vùng sông nước
quê hương và để thương, để nhớ, để trân trọng những cái mà ngày nay và cả những
ngày sau có thể sẽ không còn nữa.
Để kết thúc bài viết này, xin trích mấy câu thơ của cố nhà
văn Sơn Nam (bài thơ thay lời tựa cho tập truyện Hương rừng Cà Mau xuất
bản ở Sài Gòn năm 1961) kính tặng chú Hai Trầu, như một lời cảm ơn chân thành về
những tình cảm mà ông đã dành cho tôi qua những bức thơ nhơn mùa World Cup vừa
qua trên trang TSCĐ:
Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.
An Phú (Châu Đốc) mùa nước lên, 20/8/2010
Thái Lý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét