Vào đến miền Nam, cả mùa thu và mùa đông đều đã mất đi trong
trời đất. Quy luật về thời gian bốn mùa thay đổi chỉ còn phảng phất trong ký ức
của những người xa xứ muốn níu kéo mình ở lại với một nhịp điệu thời gian không
đổi. Suốt năm tháng gắn bó với cao nguyên Đà Lạt, tôi đã tìm thấy ở đây mùa thu
và mùa đông bất tử để bù đắp phần nào sự hụt hẫng của thiên nhiên, đất trời miền
Nam.
Khi quyết định lựa chọn theo sở thích, mọi việc đều trở nên hết
sức đơn giản. Đề tài khởi nghiệp của tôi bắt đầu từ một nghiên cứu hợp tác với
đồng nghiệp về người K’ho. Bấy giờ, người K’ho chẳng có một ý niệm gì trong
tôi. Nhìn lên bản đồ phân bố dân cư, địa bàn cư trú của người K’ho trải dải từ
vùng núi Langbiang xuống tới miền duyên hải tiếp giáp tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
Trên cao nguyên Lâm Viên bốn mùa sương khói mênh mang, mỗi ngày đều có xuân hạ
thu đông. Đà Lạt là nơi gần nhất có thể tìm thấy mùa đông miền Bắc giữa đất trời
miền Nam. Thế là chúng tôi quyết định lấy đây làm địa bàn khảo sát, tiến hành
nghiên cứu điền dã.
Trên cao nguyên Đà Lạt, ngày nào cũng có mùa xuân, mùa thu
hay mùa đông. Mùa đông ở đây chẳng lạnh lẽo, rét mướt như miền Bắc mà vẫn dịu
dàng, ngọt ngào với ngàn hoa khoe sắc. Từ đỉnh Langbiang nhìn xuống, cả vùng đồi
núi chập trùng, mây mù che phủ... Dãy Langbiang tọa lạc trên đỉnh chon von,
hùng vĩ. Nó tựa như nóc nhà để ta chiêm ngưỡng vẻ nguy nga, đồ sộ của núi rừng
giữa mây mù khói tỏa. Trải dài khắp triền đồi có những con đường uốn lượn, ẩn
hiện sau dãy núi mờ và rừng thông xanh ngát. Cao nguyên bốn mùa lộng gió chìm
trong màn không khí mát dịu, ngập tràn cỏ cây, hoa lá... Khí tượng ở đây chuyển
mình nhanh chóng, có thể đi suốt bốn mùa qua một ngày dài, cảm nhận mùa đông vẫn
dạo bước qua những con đường đồi dốc, quanh co gập ghềnh phố núi. Nhịp thời gian
xoay vần theo một chu kỳ nhịp nhàng, uyển chuyển lặng lẽ. Trên đỉnh Bà Nà xứ Quảng,
ta cũng có cảm giác diệu vợi như giữa mây trời Langbiang. Buổi tối, mây về phủ
kín chân đồi, mây lang thang, la đà rồi ngưng kết trên tán lá thông, trong rừng
đồi vắng hay vờn quanh, quyến luyến chân người lạc vào từng con phố nhỏ để tan
biến vào hư vô.
Chẳng phải ngẫu nhiên người K’ho trên cao nguyên Lâm Viên
chuyên hát tình ca. Cội nguồn thiên nhiên đã khởi nguồn cảm hứng cho những sáng
tác ngợi ca tình yêu bất tử. Trong quá trình sưu tầm dân ca, tôi nhận thấy vốn
di sản tình ca đồ sộ, chiếm số lượng chủ yếu trong kho tàng âm nhạc K’ho. Khác
hẳn với người Stiêng ở Bình Phước có thiên hướng Anh hùng ca, người K’ho có sở
trường về tình ca. Họ du ca trên cao nguyên suốt bốn mùa, từ thuở chàng Lang và
nàng Biang yêu nhau cho đến khi cuộc tình ấy tạc vào ký ức văn hóa truyền đời.
Người K’ho chính là chủ thể của khúc Cổ ca Yal yau ghi lại quá trình hình thành
rừng, nước, làng và miền đất… Yal yau đi từ sử thi huyền thoại vào từng câu
chuyện tình xao xuyến. Loài hoa Dã quỹ nở đầy trên phố núi cao nguyên cuối mùa
thu cũng là hóa thân của nàng H’linh. Mỗi mùa thu sang, H’linh lại trở về núi rừng
tìm người yêu là chàng K’lang. Rồi chuyện tình Dung Lang mộng mơ cũng dệt nên
những ký ức đẹp đẽ trong lòng dân tộc. Đất trời cao nguyên đã ban tặng cho con
người bản tính đôn hậu, chất phác và một tâm hồn thi ca bát ngát. Xưa kia, người
K’ho đón khách bằng điệu Lờn, một thể loại hát nói dùng để trò chuyện, tâm sự với
bạn bè hay khách đến từ phương xa.
Đi trên xứ sở ngàn hoa giữa thành phố sương mù, ta như đắm
chìm vào những huyền thoại bất tận. Và điều níu chân tôi giữa miền đất lạnh này
chính là ngày dài có bốn mùa đi qua, có hoa giăng lối cũ. Ở thành phố Đả Lạt
ngày nào cũng là xuân - hạ - thu - đông. Bước đi trên cao nguyên sương lạnh
nghe và cảm nhận trong gió mơn man hơi thở nhịp nhàng của đất trời, tạo vật. Từ
miền ký ức sâu thẳm, mùa đông nhẹ nhàng tiêu dao qua bến bờ thực tại. Đất trời
cao nguyên thổi hồn vào hoa cỏ giăng lối. Chúng như những vị chúa đất báo hiệu
mùa sang.
Trong bài thơ “Nỗi nhớ mùa đông” của nhà thơ Thảo Phương được
nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, có những câu:
Làm sao về được mùa đông.
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Để nghe chuông chiều xa vắng
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về.
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Để nghe chuông chiều xa vắng
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về.
“Vờ như mùa đông đã về” đã trở thành tình cảnh của những người
bị mùa đông ám ảnh và “mùa đông đã bỏ ta đi”. Khi mùa đông không còn trở lại miền
nắng gió mênh mang, ta đành ru lòng mình vào cơn gió vô hình. Đó là phút giây hồi
hướng trong tâm tưởng để nhớ về những ngày đông xa. Từ trật tự đất trời, mùa
đông bước ra miền thực tại rồi trở về cõi vô hình làm nên nỗi nhớ da diết.
Trong ngôi nhà làm bằng gỗ lợp mái lá thấp, nhìn ra mảnh vườn
dập dờn mía và rau xanh, tôi cảm nhận mùa đông vẫn ở quanh đây. Cảnh vật miền Bắc
trở về vấn vương. Không khí lạnh ngưng kết thành những giọt sương li ti đọng
trên tán lá. Nó báo hiệu một mùa mà đất trời gửi vào trong gió nỗi nhớ thiết
tha.
Nỗi nhớ mùa đông
Phú Quang - Guitar Đức Thịnh
Lê Hải Đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét