Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Đi thăm Lạng Sơn - Bằng Tường

Đi thăm Lạng Sơn - Bằng Tường 
Ngày 7/4/2006
Hội Văn Nghệ Dân Gian Hà Nội tổ chức đi Lạng Sơn.
Khởi hàng lúc 6h30 Tổng số khách 35 người. (cả nội bộ và ngoại binh là vợ chồng Thạch, vợ chồng Tụy, vợ chồng Nguyễn Hoa).
Chúng tôi không đi theo đường 1A mà đi theo đường mới. Qua vùng Bắc Ninh, Nguyễn Khôi được dịp giới thiệu quê hương: Đất Kinh Bắc có câu Nhất Cổ Bi, nhì Cổ Loa, ba Cổ Pháp
Người xưa có câu “Đất Cổ sinh vua, đất Phù sinh thánh”
Tên làng Cổ Pháp đặt ra từ đời Đường, Các vị sư đã tiên tri rằng “tật lê chìm biển Bắc, hạt Lý mọc trời Nam, bốn phương gươm dáo dẹp, tám cõi mừng bình an” Lời sấm ấy ứng vào việc họ Lý sẽ thay họ Lê nên Lê Long Đĩnh lúc đương quyền giết hại nhiều người họ Lý, chỉ riêng Lý Công Uẩn làm quan Thập đạo thì nhà vua không giết, nên khi vua Lê Long Đĩnh chết, triều đình tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra họ Lý
Đời nhà Đường Cao Biền cho khơi sông Đuống,
Lý Công Uẩn lúc trẻ, được các vị sư nuôi dạy, Khi Lý Thái Tổ lên làm vua, về thăm chùa Phù Đổng có đọc sấm ký của sư Đa Bảo đã phong cho Phù đổng thiên vương là Xung Thiên thần vương.
Chùa Cha Lư có câu chuyện bà Phạm thị tu ở đây và đẻ ra con. Người ta hỏi “Cha la?” nghĩa là cha mày đâu, viết sang Hán tự là Cha Lư.
Có câu ca:
Ai đem con bỏ chùa này
Con Giời? Con Phật? Con Thầy? Con ai?
Con giời, không biết mặt cha
Lớn lên anh dũng tài ba khác thường.
Tại vùng Kinh Bắc xưa có 3 con sông Thiên Đức (sông Đuống) Nhật Đức (sông Thương) và Nguyệt Đức (sông Cầu).
Nhà sư Vạn Hạnh có câu thơ :
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô”
Cuối đời nhà Lý, đến vua Lý Anh Tông có Lý Long Tường và Lý Tinh Triều chạy trốn, lạc sang vùng Cao ly. Ông đã giúp cho vua Cao Ly đánh thắng quân Nguyên được phong là Hoa Sơn quân, cấp đất Hoa Sơn làm điền trang. Họ Lý ở Triều Tiên có người làm nên tổng thống (Lý Thừa Vãn) Đã có con cháu họ Lý về Việt Nam đến lễ ở đền Lý Bát đế xin nhận họ.
Con cháu họ Lý ở Nam Hàn có khoảng 600-700 hộ. Khi họ Lý bị họ Trần diệt, con cháu phải đổi họ. Có nhiều người tuy đổi họ nhưng vẫn phát tướng. Nguyễn Chích đời Lê, Lê Quang Đạo đời nay đều là con cháu họ Lý đổi họ sang
Làng Đình Bảng đàn ông lo việc nhà, đàn bà đi buôn. Có câu:
Anh về giữ lấy cầy bừa.
Để em tay nải gió đưa phương trời.
Nghề đi buôn đã ngấm vào phụ nữ làng Đình Bảng, nên xưa có câu: “bất kết Đình Bảng nhân” (không lấy người Đình Bảng)
Xe đi qua Nam phần sông Đuống, có người đọc câu thơ của Hoàng Cầm:
Em ơi Buồn làm chi
Anh đưa em về bên kia sông Đuống
Để nhớ một thời kháng chiến chống Pháp gian khổ của quân dân ta
Người già vùng này thường nhớ câu ca dao châm biếm về “bờ lờ” thời kháng chiến: nhưng người buôn lậu đồng hồ, bút máy, săng đan thường “diện” nhiều thứ hàng trên người lội qua sông Đuống sang bán bên bờ Bắc:
Trai Nam phần đồng hồ bút máy
Gái Nam phần mặc váy đi săng đan
Khởi hành từ sớm, đến 8h50 là đến Chi Lăng. Nhưng xe đi ở đường mới, nên không ai biết ải Chí Lăng ra sao?
Năm xưa người và xe đi lên Lạng Sơn đi theo dường 1A, qua một nơi gọi là Biện sự sứ. Gọi tên như vậy vì thời phong kiến các đoàn sứ giả đến đây nghỉ lại, xem xét hành trang lần cuối cùng trước khi ra nước ngoài. Biện sự sứ cũng là nơi các sứ thần phương Bắc trước khi đến Thăng Long cũng phải dừng ở đây chờ người của ta kiểm tra hành lý và đưa đường
Truyền thuyết vùng Lạng Sơn kể rằng khi quân Minh giải cha con Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi đến đây cũng dừng lại nghỉ trước khi qua Ải Nam Quan. Ngày ấy đi theo cha có 2 người con trai là Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Hùng. Đến nơi biên giới, nhân lúc bọn lính áp giải không để ý, Nguyễn Phi Khanh đã dùng chân viết lên mặt đất mấy chữ dặn các con “Hữu quy phục quốc thù, khốc vi hà dã?” (nghĩa là “hãy quay về mưu việc phục quốc, khóc để làm gì?”) Tuân theo lời cha, khi đến Ải Nam Quan nhân lúc lộn xộn Nguyễn Trãi đã trốn về Đông Đô rồi sau đó cùng Trần Nguyên Hãng vào Lam Sơn ra mắt Lê Lợi, dâng kế Bình Ngô được Lê Lợi tin dùng, Suốt 10 năm khởi nghĩa, vua tôi bên nhau, Nguyễn Trãi đã viết nhiều thư đấu lý, lung lạc quân Minh, khi kháng chiến thắng lợi, ông là người viết bản “Bình Ngô đại cáo”.
Trên đường Chi Lăng có một cửa ải vô cùng hiểm trở, người Bắc thường goị là “Quỷ Môn quan” và dựng tại đây một bia đá có lời dặn Quỷ Môn quan! Quỷ Môn quan! Thập nhân khứ! nhất nhân hoàn
(cửa Quỷ môn, 10 người đi qua, chỉ có 1 người trở lại).
Đại Việt Sử ký toàn thư chép “ngày 20 tháng 9 năm Đinh Mùi (1427) Chinh lỗ tướng quân Thái tử Thái phó An Viễn hầu Liễu Thăng mang quân sang Đại Việt để cứu bọn Vương Thông đang bị vây tại thành Đông Đô đến Chi Lăng thì sa vào ổ phục kích, bị quân ta chém chết tại núi Mã Yên cùng hơn 10.000 quân lính”.
Nay xe không đi theo đường cũ, đến Đồng Mỏ thì rẽ tránh qua Chi Lăng, tuy tránh đường, nhưng nhìn về Chi Lăng vẫn thấy trùng trùng núi đá.
Đến Lạng Sơn, nghỉ ngơi xong, chúng tôi đi thăm Mẫu Sơn. Xe đi theo đường Đình Lập huyện Cao Lộc, quang cảnh các bản làng đã khác. Không có cảnh nhà Tày Nùng lợp ngói âm dương, mà các mái nhà đều lợp ngói xi măng. Bên đường, có một số ngôi mộ, trên cắm lá cờ giấy trắng bay phất phơ. Hỏi bà con được biết đang tiết thanh minh, ngôi mộ nào có thân nhân đến viếng đều có lá cờ để phân biệt với mồ vô chủ.
Trên Mẫu Sơn có người Dao sinh sống, có rượu Mẫu Sơn chế tác bằng men lá và nước suối Mẫu Sơn
Trên đỉnh Mẫu Sơn có đài khí tượng, có nghà nghỉ 9 gian xây cấp 4. Đó là nơi tiếp đón của khu nhà nghỉ Mẫu Sơn. Trời se lạnh, nhưng các cô phục vụ chỉ phong phanh tấm áo sơ mi. Khi tiếp khách, các cô thường trả lời nhạt nhẽo, không hiểu vì sao Tôi hỏi một cô “Em có lạnh không”. Cô nói rất thật: "Chúng em ở trên đỉnh núi, quanh năm mù sương, nên rất thèm một tia nắng ấm. Em không sợ gió lạnh mà sợ nỗi cô đơn, Các anh đến rồi lại đi, vậy có ai nhớ đến nơi này”.
Hôm nay, lên Mẫu Sơn, ăn với em bữa cơm có măng rừng luộc chấm muối vừng, món đặc sản trên núi cao mà ai cũng thấy ngon.
Rất ít khách đến đây nghỉ lại vì rất rét. Mấy cô gái trông nom, sống lặng lẽ trong làn sương mờ ảo:
Em ở đây nhớ hoài tia nắng
Anh về xuôi thêm nhớ nơi này.
Em là ai? Hỡi cô gái trong mây.
Mà nhí nhảnh vui cùng bè bạn.
Trên đỉnh Mẫu Sơn có mấy người dân tộc mang bán lá tắm (lá thuốc để nấu nước tắm} rượu Mẫu Sơn. Nhưng ít khách mua. Chúng tôi ăn một bữa cơm trên nhà nghỉ rồi ra về. Ấy thế mà cũng có người “lạc lối” ở lại với các em, đến tối mới thuê xe ôm về Khách Sạn.
Buổi tối, đi xem chợ đêm ở Kỳ Lừa nhưng chợ đêm Kỳ Lừa chỉ là một chợ bán hàng bách hóa cuả Tàu. Không như chợ đêm Đồng Xuân Hà Nội nên không vui.
Phố Kỳ Lừa bây giờ đã khác, chùa Tam Thanh còn đó, nhưng nàng Tô Thị sản phẩm của thiên nhiên tạo hình người vợ lính bồng con mỏi mắt chờ chồng đã bị người dân vô ý thức đập vỡ năm 1988 lấy đá nung vôi, Việc làm này đã bị cực lực lên án, đến nỗi UBND Tỉnh Lạng Sơn đã quyết định “đúc” một nàng Tô Thị bằng bê tông đặt lên đỉnh núi, giữ lại dấu vết xưa. Nhưng dân gian lại có câu chế:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị mới vừa xây xong!!.
Ngày 8-4-2006
ĐI SANG BẰNG TƯỜNG
Chúng tôi lên xe đến Tân Thanh, đường dài 30km, tới đây làm thủ tục xuất biên ra Pò Chài để đi Bằng Tường.
Trên con đường dài 30 km biên cương của Tổ Quốc trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới 1979 có nhiều chiến sĩ đã ngã xuống. Đâu đó trong rừng cây bên đường còn vài ba tấm bia mộ liệt sĩ trông rất đơn sơ lạnh lẽo
Lên đến Đòng Đăng thấy có đền Mẫu đang tu sửa. Trên đắp chữ Đồng Đăng Linh từ. những người ra vào đây làm lễ xin lộc có ai nghĩ đến nhưng chiến sĩ đã ngã xuống cho ngày hôm nay họ được đến Đồng Đăng buôn bán và lễ Mẫu.
Tại thị trấn Đồng Đăng là kho buôn bán, có người rất giàu, có hàng ngàn tỷ đồng tiền Việt Nam. Họ là các đầu nậu giao dịch mua bán với Trung Quốc.
Tại Đồng Đăng có quả núi Kim Liên mang dáng một con gà, đầu quay sang Trung Quốc nhưng bụng để tại Việt Nam. Nên có câu “Con gà này ăn thóc của Trung quốc lại đẻ trứng ở Việt Nam”
Pò Chài là tên gọi của Phố Trại do người Trung Quốc đến vùng biên lập nghiệp, lâu ngày gọi là Pò Chài theo âm người Choang. Ở đây có nhiều cơ sở đang xây, có dòng khẩu hiệu chữ to viết là:
Lạc thị Ái dân Cố biên chiến lược
Thi pháp trị thuế Cường quốc an dân
Sang đến Pò Chài, vẫn thấy ngói âm dương lợp trên mái nhà. Bây giờ đã qua Tết nguyên đán nhưng trên mỗi nhà đều thấy có đại tự và câu đối.
Anh hướng dẫn viên du lịch (người TQ) kể rằng: con trai TQ khó lấy vợ vì hàng năm TQ thiếu 30 triệu nữ thanh niên, Muốn có vợ phải có 3 điều kiện: có nhà riêng, có vốn riêng, có công việc chắc chắn.
Sang đến Bằng Tường thấy Bàng Tường nay đổi khác nhiều, chợ họp dài theo các dẫy nhà, Tại đây người Trung Quốc bán đủ thứ hàng, nhà nhà hoa mỹ và giàu có,
Bằng Tường là một thành phố biên giớ mới được phát triển từ 1992, có dân tộc Choang, cùng hệ với Tày Nùng bên Việt Nam.
Tỷ giá là 1 tệ = 2000đồng Việt Nam
Giá hàng tại đây: lọ dầu gió Hoa Hồng giá 1 tệ
Các loại hàng bách hóa giá tương đương bên chợ Tân Thanh
Ở Bằng Tường có nhiều cô gái Trung Quốc rất điệu đà, cũng có những phụ nữ lam lũ, hàng ngày chạy xe lam. Những cô này người to, chân đi ghệt, đội mũ bảo hiểm, khuôn mặt đen sạm. Họ đứng túm vào nhau nơi góc chợ đón khách. Khi tôi giơ máy ảnh lên, các cô xua tay không đồng ý, chỉ có một cô hỏi nhỏ :”Anh là người Việt Nam sang chơi à “
Trên khu Bằng Tường có nhiều dẫy nhà thiết kế giống nhau, đó là nhà làm để bán cho dân.
Đi qua biên giới về Tân Thanh bên Việt Nam thấy 3 khối nhà chợ. Đó là những nơi tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc, Có nhiều cô gái từ Bắc Giang lên đây bán hàng, họ đeo trước ngực cái mẹt hàng, đi đến khắp nơi mời khách. Có nhiều loại hàng “cấm”như đĩa phim sex, thuốc kích dục, bao cao su... đều được mời. Những thứ này ở đâu cũng bán.
Anh em không mua hàng ở Bằng Tường về mua hàng ở Tân Thanh, người nọ mách người kia, ai còn tiền, ai chưa mua cũng cố mua cho bằng bạn lập tức đứng lên đi mua, Có anh mua một bộ chuông điện không giây và giải thích: Bây giờ chúng mình đều già, bệnh tật lắm. Ta dùng cái này, để báo cấp cứu, Thế là mấy ông già lại đi tìm mua cho bằng anh bằng em.
VŨ KIÊM NINH
Theo http://newvietart.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...