Các lăng tẩm
vua Khải Định, Minh Mạng hay Tự Đức ở Thừa Thiên Huế đều mang những nét kiến
trúc riêng biệt, đồ sộ và hoành tráng, luôn thu hút du khách tới thăm viếng mỗi
ngày.
Tháng 2/1820 vua Gia Long băng hà, hoàng tử thứ tư là Nguyễn
Phúc Đảm được đưa lên ngai vàng, lấy niên hiệu là Minh Mạng. Vua Minh Mạng là
người có nhiều đóng góp đối với công việc mở mang đất nước, đưa nước Đại Nam
lên hàng mạnh nhất trong các quốc gia Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Làm vua được 7 năm, Minh Mạng cho người đi tìm đất để xây dựng
Sơn lăng cho mình. Quan Địa lý Lê Văn Đức đã chọn được một cuộc đất tốt ở địa
phận núi Cẩm Kê, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu của hai nguồn Tả Trạch và Hữu
Trạch để tạo thành con sông Hương thơ mộng. Nhưng phải ròng rã 14 năm cân nhắc,
chọn lựa, đến năm 1840, nhà vua mới quyết định cho xây dựng lăng tẩm của mình ở
nơi này.
Trong khoảng diện tích được giới hạn bởi vòng La thành dài
1.750 m là một quần thể kiến trúc gồm cung điện, lâu đài, đình tạ được bố trí
đăng đối trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700 m, bắt đầu từ Đại Hồng
Môn đến chân La thành sau mộ vua. Hình thể lăng tựa dáng một người nằm nghỉ
trong tư thế vô cùng thoải mái, đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba
sông ở trước mặt, hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên.
Từ ngoài vào trong, các công trình được phân bố trên ba trục
song song với nhau với Thần đạo là trục trung tâm.
Xen giữa những công trình kiến trúc là hồ nước ngát hương sen
và những quả đồi phủ mượt bóng thông, tạo nên một phong cảnh vừa hữu tình vừa
ngoạn mục.
Mở đầu Thần đạo là Đại Hồng Môn, cổng chính vào lăng, xây bằng
vôi gạch, cao hơn 9 m, rộng 12 m. Cổng này có ba lối đi với 24 lá mái lô nhô
cao thấp và các đồ án trang trí cá chép hóa rồng, long vân,... được coi là tiêu
biểu của loại cổng tam quan đời Nguyễn. Cổng chỉ mở một lần để đưa quan tài của
vua vào trong lăng, sau đó được đóng kín, ra vào phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng
Môn và Hữu Hồng Môn. Sau Đại Hồng Môn là Bái Đình, lát gạch Bát Tràng (sân rộng
45x45 m), hai bên có hai hàng tượng quan văn võ, voi ngựa bằng đá đứng chầu. Cuối
sân là Bi Đình tọa lạc trên Phụng Thần Sơn, bên trong có bia “Thánh đức thần
công” bằng đá Thanh ghi bài văn bia của vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức
của vua cha.
Trong điện thờ bài vị của vua và bà Tá Thiên Nhân Hoàng hậu.
Hoằng Trạch Môn là công trình kết thúc khu vực tẩm điện, mở ra một không gian của
hoa lá và mây nước phía sau. Tất cả những công trình mang tính hiện thực dường
như dừng lại ở khu vực tẩm điện.
17 bậc thềm đá Thanh đưa du khách vào khoảng trời xanh mát
bóng cây và ngát thơm mùi hoa dại. Ba chiếc cầu: Tả Phù (trái), Trung Đạo (giữa),
Hữu Bật (phải) bắc qua hồ Trừng Minh như dải lụa xanh, đưa du khách đến Minh
Lâu - một công trình như đột khởi từ quả đồi có tên là Tam Tài Sơn.
Tòa nhà này hình vuông, hai tầng, tám mái, là một biểu trưng
của triết học phương Đông. Hai bên Minh Lâu, về phía sau là hai trụ biểu uy
nghi dựng trên Bình Sơn và Thành Sơn mang ý nghĩa nhà vua đã “bình thành công đức”
trước khi về cõi vĩnh hằng.
Bước qua cầu Thông Minh Chính Trực bắc ngang hồ Tân Nguyệt có
33 bậc tầng cấp đưa du khách vào thăm nơi yên nghỉ của nhà vua, nằm giữa tâm một
quả đồi mang tên Khải Trạch Sơn, được giới hạn bởi Bửu Thành hình tròn.
Hai bên trục chính của lăng có nhiều công trình phụ đối xứng
nhau từng cặp một. Tiếc rằng thời gian và mưa gió đã tàn phá chúng nên ngày nay
du khách không còn trông thấy những cung điện, đình tạ xinh xắn nằm thấp thoáng
giữa vòm cây, đêm ngày soi bóng xuống mặt hồ trong xanh.
Lăng vua Tự Đức
Lăng Tự Đức là một trong những công trình đẹp nhất của kiến
trúc thời Nguyễn. Ông vua thi sĩ Tự Đức (1848-1883) đã chọn cho mình một nơi
yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị của mình, phù hợp với sở thích và nguyện vọng của
con người có học vấn uyên thâm và lãng tử bậc nhất trong hàng vua chúa nhà Nguyễn.
Lăng tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân
Thượng, tổng Cư Chánh (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế).
Làm vua trong bối cảnh xã hội khó khăn, bên ngoài giặc ngoại
xâm tấn công, bên trong huynh đệ lục đục giành nhau ngôi báu, bản thân nhà vua
lại đau ốm, không có con. Để trốn tránh cuộc đời khắc nghiệt đó, Tự Đức cho xây
dựng khu lăng tẩm này như một hành cung thứ hai để tiêu sầu và phòng lúc
"ra đi" bất chợt.
Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt
cho công trình. Nhưng sau khởi nghĩa Chày Vôi do anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng,
vua cho đổi tên thành Khiêm Cung, sau khi vua mất gọi là Khiêm Lăng.
Bố cục khu lăng gồm 2 phần chính, bố trí trên 2 trục dọc song
song với nhau, cùng lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm tiền án, núi Dương
Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường.
Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Ở đó quanh
năm có suối chảy, thông reo, muôn chim ca hát. Yếu tố được tôn trọng triệt để
trong lăng Tự Đức là sự hài hòa của đường nét. Không có những con đường thẳng tắp,
đầy góc cạnh như các kiến trúc khác, thay vào đó là con đường lát gạch Bát
Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm đi qua trước Khiêm Cung Môn rồi uốn lượn quanh co
ở phía trước lăng mộ và đột ngột khuất vào những hàng cây sứ đại thụ ở gần lăng
Hoàng hậu Lệ Thiên Anh.
Gần 50 công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và
lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Qua khỏi cửa Vụ Khiêm và miếu thờ Sơn
Thần, du khách đi trên con đường chính dẫn vào khu vực điện thờ, nơi trước đây
là chỗ nghỉ ngơi, giải trí của vua. Thoạt tiên là Chí Khiêm Đường ở phía trái,
nơi thờ các bà vợ vua. Tiếp đến là ba dãy tam cấp bằng đá Thanh dẫn vào Khiêm
Cung Môn - một công trình hai tầng dạng vọng lâu như một thế đối đầu tiên với hồ
Lưu Khiêm ở đằng trước.
Bên trong Khiêm Cung Môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi
khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng
bài vị của vua và Hoàng hậu. Hai bên tả, hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu
dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa
là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dũ, mẹ vua Tự
Đức. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường - nơi cất đồ ngự dụng. Đặc biệt,
phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát, được coi
là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn.
Có một hành lang từ điện Ôn Khiêm dẫn ra Trì Khiêm Viện và Y
Khiêm Viện là chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua, ngay cả khi vua còn sống
cũng như khi vua đã chết. Cạnh đó là Tùng Khiêm Viện, Dung Khiêm Viện và vườn
nuôi nai của vua.
Với 36 năm trị vì, Tự Đức là ông vua tại vị lâu nhất trong số
13 vua nhà Nguyễn.
Lăng vua Khải Định
Vua Khải Định (1916-1925) là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn
và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm, chuẩn bị cho sự “ra đi” của một ông
vua vào buổi mạt kỳ của chế độ phong kiến.
Bước lên ngai vàng vào giữa tuổi 31, Khải Định say sưa với việc
xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến
Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng
Lăng. Những công trình này làm hao tổn nhiều nhân lực, của cải của binh dân,
song đó cũng là những công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.
Sau khi tham khảo nhiều tấu trình của các thầy Địa, Khải Định
chọn triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) làm vị trí để xây cất lăng mộ. Tọa
lạc tại vị trí này, lăng Khải Định lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm tiền
án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch
hổ”; có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ”, gọi là “minh đường”.
Nhà vua đổi tên núi Châu Chữ - vừa là hậu chẩm, vừa là “mặt bằng” của lăng -
thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi: Ứng Lăng.
Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói
Ardoise... cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu... để
kiến thiết công trình. So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có một
diện tích rất khiêm tốn: 117x48,5 m nhưng cực kỳ công phu và tốn nhiều thời
gian.
Sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc: Ấn Độ giáo, Phật
giáo, Roman, Gothique... đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể: những
trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ; trụ biểu dạng stoupa của nhà
Phật; hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu; nhà bia với những hàng cột
bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể... Điều này là kết quả của hai yếu
tố: sự giao thoa văn hóa Đông - Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính
của Khải Định.
Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt
tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của 3 bức
bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên trần của
3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định. Nhờ những đóng góp của ông và bao nghệ
nhân dân gian tài hoa của nước Việt, lăng Khải Định đã trở thành biểu tượng, đỉnh
cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh.
Xem thêm dịch vụ
Trả lờiXóasửa chữa tivi
Sửa Tivi tlc
Sửa Tivi tại Thanh Xuân
Sửa Tivi tại Cầu Giấy
Sửa Tivi Sharp
Sửa Tivi Toshiba
Sửa Tivi Panasonic