Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Thơ đến từ đâu

Thơ đến từ đâu
Thơ đến từ đâu là một công trình tập thể của 25 nhà thơ quy tụ chung quanh cuộc phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng, nhiều bài trong đó đã được phổ biến trên mạng năm 2007, nay được ra mắt bạn đọc bởi nhà xuất bản Lao Động. Cuốn sách, trong nội dung tự tại của nó, là một tác phẩm hay, có giá trị phổ cập về hai mặt lập thuyết và thời sự.
Đặt vào bối cảnh văn học hiện nay, Thơ đến từ đâu, là biến cố, làm cơn gió thông thoáng, một luồng tư duy tươi thắm, quy tụ được nhiều nhà thơ giàu kinh nghiệm sáng tác, thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều trường phái khác nhau, trong và ngoài nước, không phân biệt chính kiến. Vì vậy về mặt khách quan, cuốn sách làm nên sự kiện.
Nhưng một sự kiện có tác dụng lâu dài hay không, là tùy nội hàm từng trang giấy. Thơ đến từ đâu sẽ có giá trị lâu dài vì có đóng góp nhiều quan điểm, kinh nghiệm trong việc làm thơ và đọc thơ. Khi vượt ra khỏi những phân biệt, kỳ thị về tuổi tác, phong cách, địa phương Nam Bắc, trong hay ngoài nước, thì những quan điểm kia, như những đóa hướng dương, tự quay về một hướng, có thể không cố tình: là việc hòa giải dân tộc.
Ở phần cuối sách, những nhà thơ nổi tiếng, đã từng một thời chưa xa, còn cầm súng ở hai bờ chiến tuyến, cùng nhau khẳng định: hòa hợp dân tộc là nhiệm vụ của thi ca và văn học. Họ còn đi xa hơn nữa : chỉ có thơ, chỉ có văn học mới có khả năng hóa giải những đau thương, thù hận mà chiến tranh đã gây ra - mặc dù những rào cản mà có người, trong hay ngoài nước, ngày nay còn cố sức kéo dài.
Nghe qua thì như lời vọng ngôn của thi sĩ; nhưng trong thực tế thì từ 30 năm nay, văn chương đã và đang làm việc này như lời Thanh Thảo phản ánh ý kiến của các nhà thơ khác: «Chỉ có những người làm văn nghệ mới làm được giải oan cho dân tộc»; như vậy trong hoàn cảnh Việt Nam, câu hỏi tổng quan Thơ đến từ đâu đã có câu trả lời cục bộ : thơ đến từ những vết thương chung của dân tộc đang đòi hỏi được kéo da non. Các nhà thi pháp thế giới sẽ ngạc nhiên trước câu trả lời cục bộ này. Nhưng mỗi dân tộc trong điều kiện lịch sử và địa lý của mình đều có Nguồn Thơ riêng.
Thơ đến từ đâukhởi đầu là câu hỏi văn chương, trí thức, nhưng đã đưa đến một hồi âm nhân bản, đạo đức, thiết thực và bức bách của dân tộc, qua một lớp độc giả.
Trên cơ bản Thơ đến từ đâu vẫn là một đề tài lý thuyết nhắc đến bài báo kinh điển của nhà ngữ học Jakobson Thơ là gì (1934). Nhưng Thơ là gì truy nguyên đặc tính của ngôn ngữ trên những văn bản đã hình thành, còn Thơ đến từ đâu tra vấn quá trình thành hình của một văn bản sẽ được xem là bài thơ.
Thơ đến từ đâu: nếu xét thơ là một nghệ thuật ngôn ngữ đã được quy định, đã có quy chế có lịch sử lâu dài, chung cho các dân tộc, thì câu trả lời đơn giản: thơ đến từ nhu cầu ký ức của nhân loại nguyên sơ, muốn ghi nhớ kinh nghiệm, suy nghĩ, bằng những câu ngắn gọn, có vần có điệu, dễ nhớ. Nhưng điều này không còn đúng với thơ trên thế giới từ hàng ngàn năm nay. Vậy Thơ đến từ đâu là câu hỏi thời sự đặt ra cho các tác giả đương thời, sáng tác trong những điều kiện xã hội khác nhau. Các tác giả trả lời không phải là lý thuyết gia mà cũng không có thì giờ giải đáp một câu hỏi phức tạp như thế. Cho nên chúng tôi ghi thêm kinh nghiệm, có tính cách tiêu biểu, của nhà thơ Pháp Paul Valéry (1871-1945).
«Tôi đã quan sát trong tôi những trạng thái có thể gọi là thơ, vì một số trạng thái ấy có lúc đã kết thúc thành bài thơ. Chúng xảy ra không có lý do rõ rệt, từ những sự cố tầm thường; chúng phát triển theo bản chất riêng, và do đó trong một quãng thời gian, tôi bị tách lìa ra khỏi tâm thức thường nhật. Sau đó tôi lại trở lại với những trao đổi bình thường giữa đời sống và tư tưởng, chu kỳ thơ này chấm dứt. Nhưng có lúc bài thơ đã thành hình (Valéry nhấn mạnh), và chu kỳ khi hoàn tất, còn lưu lại điều gì sau đó. Chu kỳ đã khép lại là một hành động, như đã nâng cao và tái tạo ra bên ngoài một nội lực thi ca…
«….» Đại khái như thế, trạng thái thi ca nhập tâm, phát triển và cuối cùng tan rã trong chúng ta… Trạng thái thi ca ấy hoàn toàn bất thường, bất định, vô ý, mong manh, mà chúng ta mất đi hay đạt tới, do tai nạn (Valéry nhấn mạnh) [1].
Valéry không dùng từ cảm hứng quen thuộc (inspiration) vì không ai biết thế nào là cảm hứng, từ ngữ mà chúng ta cũng dịch thoát, không mấy quan tâm đến hai khái niệm khác nhau: cảm hứng trong tư tưởng Á đông là một xúc cảm nội tâm, khác với inspiration trong tư tưởng Tây phương, Hy lạp, như ở Platon chẳng hạn, là một cảm xúc ngoại nhập, ân sủng của thần linh.
Thơ đến từ đâu, nhìn dưới một góc độ Việt nam nào đó, còn là một lối đặt vấn đề đối thoại, vì nó đă có lời giải đáp từ 1942 qua bài thơ Là thi sĩ kinh điển của Sóng Hồng:
Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch Đằng,
Để tâm hồn rào rạt với Chi Lăng
Làm bất tử trận Đống Đa oanh liệt.
Sau này Tố Hữu còn đưa ra một định nghĩa thơ: Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí. Hai tiếng đồng chí của ta thật là đẹp, nó có nghĩa là đồng ý, đồng tình [2]
Cứ như thể chân lý đã rõ ràng: thơ đến từ trái tim đồng chí, còn hỏi han, phỏng vấn, trao đổi qua lại làm gì nữa?
Những giáo điều này ngày nay không còn mấy ai trích dẫn, nhưng đã lắng sâu vào máu huyết của một thời đại, mà lại là một thời đại đau thương, và các nhà thơ, như Nguyễn Thụy Kha ở phần cuối sách còn nhắc lại chính xác. Nó cũng còn in sâu trong tâm thức nhiều người ngày nay vẫn còn quyền lực, hay ảnh hưởng âm ỉ trong đời sống văn học. Hỏi Thơ đến từ đâu là vô hình trung đặt lại vấn đề nền móng của một nền văn học, […]. Mà Nguyễn Đức Tùng, anh là ai mà ra mặt đặt vấn đề, và đặt cho một đám thi sĩ vớ vẩn?
Từ đó nảy ra vấn nạn biên tập, […], đã gây tranh cãi.
Cũng vì vậy mà việc làm của nhà xuất bản Lao Động, về mặt lý thuyết đã tham dự vào cuộc đổi mới văn học; trong thực tế, tạo được cuộc giao lưu rộng rãi giữa 25 nhà thơ độc lập, là một việc làm dũng cảm đáng đề cao.
Cuối cùng, người phỏng vấn có thể kéo thòng câu hỏi: thơ đến từ đâu… đến đâu? Dĩ nhiên là đến với người đọc. Nhưng liệu người đọc có nhận ra văn bản là một bài thơ hay không, lại là một quá trình khác. Nhận diện ra chất thơ còn tùy tự do lãnh hội của độc giả. Tác giả, người phê bình, hay cô giáo có rất ít thẩm quyền. Cô giáo thuyết phục được học sinh, là nhờ cô có uy hay có tài; chưa chắc văn bản đã thật sự là thơ và việc cô làm là đúng.
Như vậy một văn bản đã hoàn tất khi đến với người đọc phải phát huy được thi tính, mới thành ra được một bài thơ. Valéry đã lưu ý đến quá trình này khi nói, đại khái: «thi sĩ không phải là người cảm thấy thi hứng, mà là kẻ gây ra thi hứng nơi người khác» (sđd, tr.1321).
Thơ là dư vang dừng lại, đọng lại trong lòng người đọc, khi văn bản đã bay đi.
Là vết máu hồng còn lưu luyến trần gian, khi hồn của bông hường đã phiêu bạt.
Thơ đến từ đâu là chuyên luận về nghệ thuật, được hiện thể với nghệ thuật, hòa âm được nội hàm nghiêm túc trong giọng điệu thông thoáng. Kết quả này là do người chủ xướng Nguyễn Đức Tùng uyên bác, nắm vững lý thuyết thi ca, mà không khoe chữ, đặt câu hỏi linh động, khi sâu sắc, khi dí dỏm. Người trả lời tinh tế nắm bắt được luật chơi. Cuộc trao đổi hồn nhiên, nhẹ nhàng, hào hứng nhưng vẫn biểu đạt tư tưởng sắc bén, chung quanh đề tài được mọi người trọng vọng, hướng về một tiềm năng độc giả đang khao khát những tư tưởng mới mẻ và chân thực.
Biết đâu khát vọng của độc giả mới là yếu tố tiềm ẩn thâm sâu làm nên giá trị cuốn sách do nhiều người cùng viết.
Khát vọng thi ca, hòa hợp và chân lý.
Chúng tôi mừng chào độc giả Việt nam.
[1] Paul Valéry, Toàn tập, tập 1, tr. 1319-1321, Pléiade, Gallimard, 1961, Paris.
[2] Tố Hữu, Xây dựng một nền văn nghệ lớn, tr.441, nxb Văn Học, 1973, Hà Nội.
Đặng Tiến
Nguồn: vanhoanghean
Theo http://trieuxuan.info/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...