Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

Về bài thơ Vọng Lư Sơn Bộc Bố trong sách giáo khoa

Về bài thơ Vọng Lư Sơn Bộc Bố 
trong sách giáo khoa
Về các tác phẩm văn học nước ngoài được tuyển trong sách giáo khoa, thông thường, các nhà làm sách thường dựa vào bản dịch của một dịch giả có uy tín nào đó nào đó trong một ấn phẩm đã được lưu hành rộng rãi. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, khi dịch, dịch giả thường làm việc với rất nhiều đơn vị tác phẩm trong một tập, bản thân dịch giả không phải lúc nào cũng hiểu rõ, hiểu sâu nguyên bản, đồng thời, tác phẩm dịch nào cũng mang tính lịch sử cụ thể. Có những bản dịch thành công và có những bản dịch không hẳn đã thành công. Trong lúc đó, khi chọn tác phẩm để đưa vào sách giáo khoa, chúng ta có nhu cầu tiếp cận sâu, phân tích, đánh giá, cảm nhận tác phẩm trong tính độc lập tương đối của một văn bản. Điều này quan hệ đến công việc giảng dạy, truyền thụ kiến thức, tri thức của giáo viên và việc học tập của học sinh. Bài thơ Vọng Lư Sơn Bộc Bố của Lí Bạch được đưa vào giáo khoa lớp 7 là một trường hợp cần thiết phải tiếp cận sâu hơn, rõ hơn nữa để công việc giảng dạy được thuận lợi. Chúng tôi trình bày ý kiến của mình để bạn đọc tham khảo, nếu có gì chúng tôi sai sót, mong được góp ý. Những ý kiến này, chúng tôi cũng từng đề cập trước đây với bút danh Vân Quyên.
1. Để bạn đọc dễ theo dõi, chúng tôi đưa ra đây hai cách phiên âm, dịch nghĩa bài thơ của văn bản được chọn bởi sách giáo khoa (SGK) và của chúng tôi. Đồng thời, khi tiến hành bài viết, chúng tôi sẽ giải thích cách phiên âm dịch nghĩa của mình.
SGK: Phiên âm: Vọng Lư sơn bộc bố
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
Phi lưu trực há tam thiên xích
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên
Dịch nghĩa:  Xa ngắm thác núi Lư
Mặt trời chiếu núi Hương Lô, sinh làn khói tía
Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước
Thác chảy như bay đổ thẳng xuống từ ba nghìn thước
Ngỡ là sông Ngân Hà rơi từ chín tầng mây.
Chúng tôi: Phiên âm:  Vọng Lư Sơn Bộc Bố
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên
Dao khan Bộc Bố: quải tiền xuyên
Phi lưu trực há tam thiên xích
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.
Dịch nghĩa: Vọng ngắm thác Bộc Bố ở Lư Sơn
Nắng chiếu núi Hương Lô làm khói tía bốc lên
Thác Bộc Bố trông vời vợi như một dòng sông treo đứng trước mặt.
Dòng nước tuôn như bay đổ thẳng từ ba ngàn thước xuống
Ngỡ là sông Ngân Hà tuột khỏi chín tầng mây rớt xuống nơi này.
Trong hai cách phiên âm trên, âm đọc Hán – Việt là như nhau song chúng tôi đưa cách kí tự quốc ngữ khác với SGK như các chữ viết hoa, dấu hai chấm…thể hiện cách hiểu của mình đối với tác phẩm. Cũng nói thêm là, cách kí tự quốc ngữ khi phiên âm Hán – Việt hiện nay cũng có nhiều quan niệm. Chữ Hán chép tay và in khi xưa không có quy ước viết hoa, họ có những quy ước khác để biểu hiện cụm từ, danh từ riêng, chấm câu….Chúng tôi đưa vào ký tự viết hoa, dấu hai chấm là để trình bày rõ trên văn bản cách hiểu của mình mong chúng ta hiểu rõ bài thơ hơn.
2. Về tên bài thơ.
SGK phiên âm tên bài thơ là Vọng Lư sơn bộc bố và được dịch là Xa ngắm thác núi Lư. Cách dịch này không hẳn sai nhưng có lẽ chưa kĩ càng khi hiểu đầu đề này. Dịch giả quan niệm bộc bố là danh từ chung nên không viết hoa theo chính tả quốc ngữ. Hai chữ bộc bố này, các từ điển hiện đại Trung Quốc đều khá thống nhất giải nghĩa là thác nước. Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh, Hán – Việt tự điển của Thiều Chửu cũng vậy. Nhưng nếu lần ngược đến thời Đường thì nghĩa của nó trong bài thơ chắc chắn là danh từ riêng. Từ điển Từ nguyên viết rằng, sách Thủy kinh chúThủy kinh chú là cuốn địa lí – lịch sử chép về các dòng sông, sách do Lịch Đạo Nguyên soạn vào khoảng thế kỉ V – VI, chỉ trước Lí Bạch vài trăm năm. Lí Bạch cách chúng ta 1300 năm chắc ông không dùng tiếng Hán hiện đại. Vả lại tên bài thơ cũng nói đến Lư Sơn mà Thủy kinh chú đã viết. Quan niệm là danh từ chung chỉ thác nước đã làm người dịch hiểu bài thơ không chính xác ở một vài chỗ mà chúng tôi sẽ nói tới sau. Việc dịch Lư Sơn ra núi Lư là câu nệ vì Lư Sơn cũng đã là tên riêng khi Lí Bạch sáng tác bài thơ này. Hai danh từ riêng đã bị mất đi ngay ở tên bài thơ cho nên tên phiên âm trong giáo khoa thành ra sai lỗi chính tả.   chép Bộc Bố là thác ở Lư Sơn.
3. Câu thơ thứ nhất và một vài nét về thủ pháp nghệ thuật.
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên
Đây là một câu thơ tả cảnh, giản dị về ngữ pháp. Thủ pháp đầu tiên dễ nhận ra ở câu thơ này là tác giả sử dụng nghĩa của địa danh để tạo dựng ý thơ. Hương Lô, tên một ngọn núi trong dãy Lư Sơn, lại có nghĩa là lò hương. Cách đặt tên của cổ nhân chắc là do hình dáng, trạng thái của ngọn núi mà có. Đó là ngọn núi đỉnh tròn quanh năm mây khói. Lí Bạch đã được khởi hứng từ nghĩa này, đặt nó tương quan với mặt trời, với ánh nắng, khói sương để dựng nên một phong cảnh làm nền cho các cảnh tiếp theo. Câu thơ có đường nét, ánh sáng, hình khối và màu sắc đậm thủ phác hội họa. Đồng thời, chúng ta nhớ rằng, đây là một bài thơ tả thác Bộc Bố. Thác là một hiện tượng tự nhiên, là sản phẩm của tạo hóa, nó xuất phát từ núi non, nhờ núi non mà có. Nguyên lai của thác là: từ tự nhiên, sơn sinh ra thủy. Câu thơ này của Lí Bạch khái quát một cách trực quan ý tưởng đó:
Nhật chiếu (tự nhiên) Hương Lô (sơn) sinh tử yên (thủy).
Chữ yên trong chữ Hán vừa có nghĩa là khói vừa chỉ những trạng thái sương mù như khói, đặc biệt nó khi bốc lên và có ánh nắng xiên vào.
Thủ pháp dùng nghĩa của địa danh để lập ý cho câu thơ là một thủ pháp quen thuộc. Chúng ta có thể bất chợt gặp nhiều ví dụ để minh họa. Túc Vinh mà để ta mang nhục (Hồ Chí Minh), Núi vẫn đôi mà anh mất em (Vũ Cao), Những cặp vợ chồng yêu nhau góp thêm hòn Trống Mái (Nguyễn Khoa Điềm), Mai anh về sông Thương thật thương (Hoàng Nhuận Cầm)…
Thêm nữa, ở câu thơ đầu tiên này, tác giả thực sự tài tình khi đã khéo kết hợp hình ảnh đa dạng trong một câu thơ bảy chữ súc tích. Đó gần như là một sự đồng hiện trong một tổ chức ngôn ngữ chật hẹp cái vĩnh hằng của mặt trời (nhật), cái ổn định bất biến của núi (Hương Lô), cái lung linh, khả động khả biến của sưong khói (yên), kết hợp với ánh sáng (chiếu), với màu sắc (tử), với sự chuyển hóa (sinh), làm cho câu thơ đẹp một cách vừa dồn nén vừa huy hoàng. Hình dung tổng thể không gian nền của thác Bộc Bố như một ngôi bàn thờ kì vĩ giữa vũ trụ đang ngào ngạt khói hương, tác giả đem cho ta một cảm giác của niềm thành kính thiêng liêng trước cảnh quan, một rung động mang tính ngưỡng vọng như chữ vọngyên là làn khói như trong SGK là thiếu thi pháp, là không hợp với chữ vọng, làm mỏng mảnh đi một ý thơ hoành tráng.   ở đầu bài thơ. Đó là nội dung biểu cảm chính ở câu thơ này của thi tiên Lí Bạch. Dịch
4. Về câu thơ thứ hai
Dao khan Bộc Bố quải tiền xuyên
Ngoài phương án dịch nghĩa chính được giáo khoa chọn là Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước thì ở chú thích (2) SGK (tr. 111) cho ta phương án dịch Đứng xa trông dòng thác như một dòng sông treo trước mặt. Cả hai cách hiểu này (đặc biệt là cách hiểu thứ hai) khó nói là sai lắm, ta cần tôn trọng. Song, cơ hồ người dịch muốn chuyển cho ra nghĩa mà không thật sự ngấm bài thơ. Trước khi nhận xét về hai cách hiểu để đồng ý, hoặc thích cách hiểu  nào như SGK yêu cầu, chúng ta xét lại một số từ và ngữ trong câu thơ.
4a. Dao khan: SGK chỉ giải thích đúng và đủ nghĩa cho chúng ta mà thôi. Đó là sự tối thiểu cần thiết. Dao: xa, khan (khán): nhìn, xem. Tuy nhiên, kết hợp với chữ vọng ở tên bài thơ, đặc biệt xét kĩ tứ thơ, ta có thể lựa chọn cách dịch (cũng là cách hiểu) hai chữ này. Dao có thể là xa, ngái, vời, vời vợi, thậm chí là vòi vọi (xa theo hướng trông lên). Vậy hai chữ dao khan có thể dịch là vời trông, vời vợi trông hay đảo ngữ sẽ là trông vời, trông vời vợi, trông vòi vọi….Trong thơ cổ của ta có những câu như: Trông vời bạt lệ phân tay, Trông vời mặt đất chân mây, Trông vời cố quốc tha hương, Vời trông còn tưởng cánh hồng chân mây… Các chữ đó chính là dùng để dịch chữ vọng, dao vọng, dao khan…Ông bà cho ta chữ đẹp và đúng đến thế sao không lấy mà dịch, lại đi dùng xa nhìn, đứng xa trông nghe như tây nói, cạn cợt, chỉ chuyển được thông tin là tư thế và khoảng cách người ngắm mà thôi, không truyền đạt được sự tương thông giữa cái tồn tại khách quan với tâm tình ngưỡng vọng của thi nhân.
4b. Đến hai chữ bộc bố. Nếu ta ghi hai chữ Bộc Bố với tư cách là tên riêng thác nước này thì câu thơ sẽ có cơ hội sáng sủa hơn và cách dịch thứ hai sẽ được nhiều người ủng hộ hơn vì nó thơ hơn, đúng phong cách tác giả hơn. Thật khó nghĩ rằng, bài thơ tả một thác nước nổi tiếng được ghi vào sử sách mà tác giả của nó lại không nghĩ đến tên riêng vốn đã có từ trước của nó. Câu một, tác giả tạo nên một nền cảnh quan rộng cho sự sinh thành thác nước, đến câu hai là lúc tác giả trực diện gọi tên nó ra: Bộc Bố.
4c. Một chữ quải vô song. Với nghĩa từ vựng thì chữ quải thật giản dị, nó là treo. Trong tiếng Việt có chữ quẩy vốn xuất phát từ chữ này nhưng nghĩa có chút chuyển đổi: treo một vật gì đó lên một đầu hoặc hai đầu một cây đòn rồi dùng vai gánh đi thì được gọi là quẩy (Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn). SGK chấp nhận phương án dịch quải tiền xuyên là treo trên dòng sông phía trước nhưng chúng tôi cho rằng cách dịch này bị ảnh hưởng bởi ngữ pháp trật tự từ tiếng Việt. Quải tiền xuyên = treo trước sông thì quá ổn ! Song, với ngữ pháp Hán thì muốn diễn đạt ý treo trước sông người ta lại thường nói xuyên tiền quải. Cũng có thể là trong ngôn ngữ thơ, người ta thường đảo vị trí nhưng trường hợp này hai chữ quải tiền là định ngữ cho xuyên và cả cụm quải tiền xuyên phải được hiểu là sông treo phía trước. Đã biết Bộc Bố là tên riêng thì cả câu có thể dịch;
Thác Bộc Bố trông vời vợi như một dòng sông treo đứng trước mặt.
Cách dịch này đúng ngữ pháp hơn, Lí Bạch hơn vì thơ ông thường có những liên tưởng so sánh đột ngột, hoành tráng: Hoàng Hà như kiếm tựthanh thiên. Lí Bạch có ý liên tưởng để miêu tả thác Bộc Bố trong một động thái tĩnh hóa để gắn vĩnh viễn nó với phông nền rực rỡ của bức tranh được tả ở câu thơ đầu. Một vật thể mang độ bền cao mới quải được, đằng này Bộc Bố là thác nước rất khả động. Thủ pháp tĩnh hóa này được tạo dựng bởi hai lẽ: thứ nhất, hình ảnh dòng sông sẽ là động khi so với đôi bờ, so với núi non. Nhưng vì so với một con thác kì vĩ như từ trên trời trút xuống thì sông là sự phẳng lặng, sự yên bình như bất biến. Thứ hai, ở tư thế nhìn từ xa của tác giả thì dòng thác sẽ là một thảm nước trắng dựng đứng giữa hai bờ núi non. Dòng sông treo dựng đứng đó là một khoảnh khắc cố định hóa, tạo hình hóa thuộc trạng thái tĩnh. Bút pháp tác giả tựa hồ một lần bấm máy, chớp lại một khoảnh khắc, tạc nó vào thời gian. Một trạng thái tĩnh đầy thế năng. Trong tĩnh, chất chứa cái động lớn lao và sẽ bùng nổ trong câu thơ tiếp theo: Phi lưu trực há tam thiên xích.
5. Câu thơ thứ ba đưa bài thơ trở lại động thái động nhưng với một cường độ tăng đột khởi. Phi lưu: tuôn xuống như bay, chảy như bay. Phải cộng cả hai động từ lại để nói lên tốc độ, năng lượng kì diệu của dòng thác. Hướng đổ là thẳng xuống (trực há). Chảy thẳng từ một độ cao vòi vọi, chóng mặt: tam thiên xích (ba ngàn thước). Độ cao này có thể vừa thực vừa ảo. Đời Đường dùng thước có độ dài là 31,1cm. Ba ngàn thước là gần 1km cao. Đứng mà ngắm thì quả là như tuôn từ trời cao xuống vậy. Dẫu độ cao này là tượng trưng đi nữa nhưng nhà thơ đã diễn đạt nó bằng số từ cọng đại lượng đo lường tạo cảm giác cụ thể, có thật, khả tin. Ấy vậy mà:
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.
Ngỡ là sông Ngân Hà tuột khỏi chín từng mây rớt xuống nơi này.
Tác giả bị khuất phục tiếp nhận dòng thác trong một trạng thái đầy nghi ngờ như là dải Ngân Hà, dòng sông tưởng tượng của huyền thoại đang hiện hữu tức khắc ở chốn trần gian. Thác Bộc Bố có thật đã được huyền thoại hóa. Tầm vóc hoành tráng của nó ngang tầm với vũ trụ. Đó là điều mà tâm hồn lãng mạn đến thần tiên của Lí Bạch đã sáng tạo và để lại cho chúng ta ngày nay.
6. Không phải bài thơ luật Đường nào cũng hay. Ở phương Đông này suốt hơn mười ba thế kỉ, số lượng sĩ tử thi nhân làm thơ chắc đã nhiều hơn dân số một quốc gia. Trong suốt trường kì đó, số đoản mệnh, vứt đi chắc cũng mênh mông không kém bể Sở sông Ngô. Vấn đề là cái gì tồn tại với thời gian thì đó là châu ngọc, kim cương, vàng ròng. Vọng Lư Sơn Bộc Bố của Lí Bạch quả đã trường tồn. Sẽ không ai đủ sức hiểu thấu triệt nó. Chúng tôi tri ân các bậc tiền bối đã dịch bài thơ này và những ý kiến bạo dạn của mình cũng là do yêu cầu chú mục vào nó khi giảng dạy mà có. Rất mong được các đồng nghiệp chia sẻ cái phần hữu lý.
Hà Nội 2005 - 2008
Nguyễn Hùng Vĩ
Theo http://khoavanhoc.edu.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...