Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Câu chuyện một bài thơ

Câu chuyện một bài thơ 
Tháng 9 /2006 Hội VNDG Hà Nội tổ chức tập huấn và điền dã tại Hồ Núi Cốc Thái Nguyên.
Trời thu mát dịu, nước hồ xanh trong, 89 quả đồi tại thành một vòng bao quanh chu vi Hồ Núi Cốc.
Con thuyền mang số 02 dời bến, mỗi người chọn một chỗ thoải mái để ngồi. Cùng đi với đoàn có cô Hướng dẫn viên du lịch của Công ty cổ phần khách sạn du lịch Hồ Núi Cốc. Cô mặc bộ đồ mầu hồng nhạt, cái màu sáng ấy nổi trên nền xanh mặt nước Hồ báo hiệu những điều sẽ đến.
Cô 02 đã nói, những tiếng nói trong trẻo, rơi từng câu, từng chữ như ngọc rơi trên mặt một cái mâm thủy tinh cứ trong veo và lôi cuốn , ai nấy đều bị thu hút quay lại nhìn cô.
- Thưa các bác, các anh chị kính mến. Chúng ta đang đi trên vùng mà nước mắt của nàng Công khóc vì mối tình ngang trái, đọng lại thành sông.
Hàng ngàn năm trước nơi đây có câu chuyện tình của nàng Công và chàng Cốc. Hai người yêu nhau không lấy được nhau, oan trái xảy ra, đến nỗi một người khóc mãi, nước mắt nhỏ thành sông, Một người chờ mãi, hóa thành núi đá để dòng sông ôm ấp suốt đời, và giũ lại không cho nước mắt nàng chảy tiếp.
Truyền thuyết đó tạo nên vùng thấp sông Công cho đến khi Thành phố Thái Nguyên xây dựng Khu Gang thép, đã tổ chức xây đập nối hai bờ núi Cốc thành hợp long chặn vùng núi Tân Cương Đại Từ. Hôm đó là ngày 5/9/73. Từ đó, nước sông Công tích lại, thành thắng cảnh Hồ Núi Cốc. thành nơi tưới mát vùng lúa, vùng rau, thành nguồn nước sinh hoạt cho Thái Nguyên.
Cô chỉ tay về các dặng núi xung quanh hồ, nói tiếp:
- Qúy khách nhìn xem, cao cao phía xa kia là núi Văn, núi Võ nơi đó ông Lưu Nhân Chú đã kéo cờ mộ quân chống quân Minh. Bây giờ tại núi đó còn vết tích núi Quần Ngựa, núi Cắm Cờ.
Câu chuyện xưa và nay được cô HDV kể đan xen thấm vào tình cảm mọi người - Nước mắt đàn bà đã từng tạo nên nhiều câu chuyện tình bi tráng, nhưng cũng làm đổ ngã bao sự nghiệp anh hùng. Khách đi thuyền đều cảm thấy long mình xao động, có người đã hát, đã kể chuyện, đã khóc như nàng Công
Riêng tôi, ngồi bên em, nghe tiếng em rơi “lanh canh, lanh canh” mà tự hỏi “Em là ai? Em là nàng Công ngày xưa, mỗi chuyến đưa đò lại tự kể chuyện mình mong gập được chàng Cốc yêu thương chăng ? Vậy em đã bao lần đưa đò tiễn khách, đã bao nhiêu lần em tìm ở đám tục khách, giàu sang chưa nhiều nhưng vênh vang đã lắm, xuống thuyền đi chơi trên hồ núi Cốc mà ngây ngô chảng chút hiểu lòng người dẫn chuyện.
Con thuyền đã vòng tới nơi mà người Thái Nguyên đã đắp đập ngăn nước. Trái núi Cốc như ngả mình xuống mặt nước, và họ đã gập nhau rồi đấy. Từng đôi cò trắng bay về tổ, đáp xuống miền xanh xa xa. Có lời nào để cảm ơn em nhỉ.
Chàng thi sĩ nãy giờ vẫn im lặng nhìn núi, nhìn sông, im lặng nghe bè bạn ca hát, bỗng nhiên nói vội “Xin gửi em Sông Công một bài thơ tôi vừa ứng tác”
Và chàng đọc thật vội, thật nhanh như sợ những xúc động của mình sẽ tan theo sóng nước, sợ nàng Công chưa hiểu lòng người.
Khách đi thuyền nghe thơ, cùng đa cảm như chàng thi sĩ, bởi đó là một điều huyền diệu: 
SÔNG ƠI! ĐỪNG KHÓC NỮA!
Nước mắt nhiều nên đã thành sông
Sóng mấp mênh mũi thuyền du lịch
Những quả đồi nối nhau xanh biếc
Vẻ hoang sơ ngắm mãi đến nao lòng
Sao em nhiều nước mắt hỡi Nàng Công
Cứ khóc mãi cho mối tình bi lụy
Thuyền tôi lượn quanh nơi thiên cổ.
Trái núi nào hóa đá chặn dòng sông
Có phải tôi là chàng Cốc đó không
Núi đã gập được sông, đừng khóc nữa
Em và tôi đi chung thuyền một bữa
Sau này xa, ai có hứa nên duyên
Để ai xa còn nhớ một con thuyền
Nhớ tiếng hát, giọng cười, tiếng nói
Thời gian không vì ta dừng lại
Sắp xa rồi, ai có nhớ ai không.
Hồ Núi Côc
9/9/2006
Bài thơ ứng tác, xuất thần làm cả thuyền im lặng nghe tiếng lòng của người viết cất lên. Dứt tiếng thơ, thính giả vỗ tay khen ngợi, cô HDV đỏ bừng đôi má. “Sắp xa rồi, Ai có nhớ Ai không”
Sao anh lại hỏi câu như vậy? Chính người nêu câu hỏi phải là em!
Các anh về đây rồi lại đi xa, chúng em vì nghiệp vụ, ngày đêm đưa khách mong có một tấm lòng tri âm. Người ơi, Đã hiểu nhau rồi mà sao không ở lại?.
Bài thơ viết vội, được tặng lại cô HDV, từ nay Núi Cốc - sông Công lại thêm trang tình sử mới vì họ cùng nhớ về nhau.
VŨ KIÊM NINH
Theo http://newvietart.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...