Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

Bàn về Thơ

Bàn về Thơ
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Nguyễn Đức Thiện là một nhà văn đã từng đoạt giải nhất truyện ngắn của tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà Văn VN), nhưng ông lại có những ý nghĩ sâu sắc về thơ, hay đúng hơn là có nhiều day trở về sự tồn tại, phát triển của thơ Việt. Trước hết cám ơn ông đã comment cho bài viết của tôi trên Hội Luận, lại còn “nâng cấp” 2 comment đó thành một bài viết gửi qua E-mail cho tôi. Những suy nghĩ của ông cũng là băn khoăn của nhiều người về thơ VN hôm nay. 
THƠ Ư? TÔI  XIN CÓ Ý KIẾN 
Nhà thơ nguyễn Trọng Tạo, nhắn tin cho tôi, thông báo có một bài của ông bàn về thơ trên mạng lâu nay được bạn bè dẫn dụ, tôi có một chút ham mê với văn học mạng. Những mạng văn chương được ưu tiên và một sớn mai khi thức dậy. Ở đó, tôi tìm được đủ thứ: Thơ, văn, truyện ngắn, chuyện dài, tiểu luận, phê bình. Vì thế mà chẳng khó khăn gì tôi đọc được bài THƠ VÀ CÚ ĐẤM VÀO VỨC TƯỜNG NGÔN NGỮ.
Bài viết ông đặt ra ra tơi 7 vấn đề, trong đó toàn là nhưng vấn đề thơ sợ của thơ hôm nay. Đọc xong, tôi bỗng có hứng thú bàn với ông. Thế là chẳng cần phải mở trang bản thảo mới, tôi viết ngày trên đường “ chát” với ông.
Nguyễn Trọng Tạo có lý khi đặt vấn đề "Thơ và cú đấm vào bức tường ngôn ngữ". Người làm thơ dùng ngôn ngữ để thể hiện mình. Họ thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Mỗi một tác giả có cách thể hiện khác nhau. Và thực sự ngôn ngữ là một thử thách với người làm thơ. Tôi đồng ý với Nguyễn Trọng Tạo: Sự tồn tại của thơ  là tất yếu. Thế giới này không có thơ thì còn gì là thế giới. Thơ không của riêng ai, càng đúng. Nó không chỉ đúng với người làm thơ mà đúng với cả người thưởng thức thơ nữa. Có người từng nói một cách chắc chắn rằng: con người sinh ra vốn đã là một nhà thơ. Kể cũng hơi ngoa, nhưng xét về lý, hình như cũng đúng. Tôi đã từng ngồi một buổi chiều nghe một người đàn bà không hề biết một chữ, đọc thơ ngẫu hứng kiểu xuất khẩu thành thơ. Thôi thì bỏ qua những ngây ngô của người không chữ đi, vẫn tìm thấy trong những câu thơ sáng tác miệng của bà tìnhh yêu chồng, yêu con, yêu cháu nội, cháu ngoại, yêu bờ tre, gốc lúa. Ngày ấy tôi chẳng có khái niệm gì về văn chương cả, nếu là bây giờ, tôi sẽ ghi lại , "biên tập" giúp bà, có khi cũng được một cái gì góp mặt với thơ ca Việt nam, ít nhất cũng ở thể loại diễn ca. Tôi chẳng thấy “ chính trị, chính em” gì trong những câu bà đọc, mà chỉ thấy thơ bà nó ngọt lắm kìa. Tất nhiên, bà già không chữ ấy chẳng biết thề nào là ngôn ngữ, vậy mà bà đã khoét được một lỗ hổng trên bức tường ngôn ngữ để tìm được người đồng cảm, chí ít là tôi. Mà thơ của bà, toàn là lục bát. Bây giờ người ta xưng tụng loại thơ chỉ cần tứ, không cần vần, không cần niêm luật, nhưng theo tôi, lục bát vẫn là một thứ thơ khó nhằn nhất. Thử coi, coi chừng thành “gay” giữa ca dao, diễn ca hoặc chỉ là một thứ lung tung chẳng ra cái gì hết cho coi.
Đọc Nguyễn Trọng Tạo, tôi nẩy ra một ý nghĩ: tại sao chúng ta cứ phải áp đặt. Tôi bỏ qua giai đoạn người ta bảo Văn học Việt Nam có thời là "hiện thực phê phán", có thời là "hiện thực xã hội chủ nghĩa". Vì bây giờ nhắc lại chuyện đó nó mù mờ khó hiểu lắm. Bây giờ đây, có người vẫn lên giọng bảo người ta phải viết thế này, hay viết thế kia. Có người còn muốn dương cao ngọn cờ vì một cái gì đó để gọi người ta viết theo chủ ý của mình. Không được, thơ vốn tồn tại rất tự nhiên cùng với phát triển của nhân loại, của con người. Người làm thơ cũng tồn tại khách quan trong thế giới thơ vốn có, vậy thì họ yêu, họ ghét, họ buồn họ giận thế nào mà viết thành thơ thì kệ họ. Và đương nhiên khi làm thơ họ phong phú và giàu có vô cùng. Đó là một bức tường thử thách những nhà thơ và thử thách cả những người đọc thơ nữa.
Tôi muốn ông Nguyễn Trọng Tạo nhấn nhá thêm chuyện: thơ cũ thơ mới, thơ trẻ và thơ truyền thống, và nếu có thể thì bảo với người đời rằng: thơ nó tự thân vận động, nhưng muốn vận động được thì phải nhờ hai cỗ máy: người làm thơ và người đọc thơ. Người làm thơ thì tùy hứng. Người đọc thơ còn tùy hứng hơn. Hai cỗ máy nghệ sĩ này bao giờ gặp nhau? là nhờ một cầu nối: Phê bình. Thế mà phê bình ngày nay giống như kẻ lãng du ấy, chẳng ra khách quan và cũng chẳng ra chủ quan. Ông có kiến thức thì múa bút hù dọa. Ông viết bằng tình cảm thì lại giống... làm thơ trên thơ người khác... Tôi nghĩ vậy có phải không?
Tôi không phải là người làm thơ, nhưng cũng có lúc chỉ có thơ mới thay tôi nói được những điều chất chứa trong lòng với số chữ ít nhất. Càng làm, tôi càng thấy rõ một điều: thơ bản thân nó nằm sẵn trong mỗi con người. Nhưng trời cho ai thiên chức thì người đó làm thơ được. Còn nếu trời không cho thì lâu lâu nói ra, đọc ra và khơi khơi ra có người nghe được, thấy được thì gật gù: thơ đấy chứ ở đâu nữa. Hiện nay, thơ Việt Nam trong giai đoạn, theo tôi, đang bị rẻ rúng. Người ta in thơ nhiều quá. Tốt thật. Nhưng chính vì in ấn dễ dãi như thế nên bản thân thơ không còn có sức hấp dẫn người đọc nữa. Trong thế giới thơ rậm rạp như hiện nay, tìm cho được một tác giả mới là điều rất khó. Tìm cho ra một tập thơ hay, một bài thơ hay càng khó hơn. Việt Nam phải trải không biết mấy thế kỷ mới có thơ mới giai đoạn trước của thế kỷ XX. Rồi thơ yêu nước. Yêu nước thời chống Pháp, yêu nước thời chống Mỹ. Sau này người ta khoác cho nó cái áo thơ "hiện thực xã hội chủ nghĩa". Sáng tác thoát ra ngoài "Chủ nghĩa đó" là có vấn đề. Vì thế mơi có lúc, người viết phải tạm quên đi nhưng hiện thực bày ra trước mắt. Đụng đến tình dục ư? Coi chừng đó là thứ văn chương sa đọa. Đụng đến cán bộ mà yêu đương “ không có ngọn đèn dầu xen giữa hai người” ư? Coi chừng ca ngợi chuyện hủ hóa. Thằng “ địch” hả? Nó phải thật xấu, thật ác. Ấy là trong văn xuôi. Còn thơ ư? Chẳng nên nói những điều khắc nghiệt ra đây làm gì. Chỉ có giai đoạn trước những năm ba mươi mới được làm thơ lãng mạn, thơ tình yêu trai gái.
Còn sau này: lãng mạn nhất định phải gắn vào cái gì đó thuộc “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Thế mà lúc đó người ta yêu thơ, thuộc thơ. Thậm chí có người chép tay những bài thơ để mang theo trong những chiếc ba lô trên đường ra trận. Công của những người làm phê bình đó. Họ đã “nâng chất” các bài thơ, khiến thơ gắn vào với cuộc sống mỗi con người lúc bấy giờ. Sức học của người Việt Nam lúc bấy giờ đâu có bằng bây giờ. Phương tiện thông tin đâu có nhiều như bây giờ. Thế mà “HẠNH PHÚC” của Bùi Minh Quốc, “CUỘC CHIA LY MÀU ĐỎ” của Nguyễn Mỹ, sau này LỬA ĐÈN của Phạm Tiến Duật, “NĂM ANH EM TRÊN MỘT CHIẾC XE TĂNG” của Hữu Thỉnh. Người ta không chỉ thuộc những bài thơ ngắn, có người thuộc cả những trường ca. Những nhà phê bình lúc đó đã làm được việc giới thiệu tác phẩm thơ đến với muôn người.
Nay đã khác. Thơ hướng đến "người" hơn. Vì thế lúc này mới sinh ra thơ làm theo lối ngày xưa và thơ làm theo lối "hậu hiện đại" như một số người đã đề cập đến  trong các bài viết của mình. Cái cũ chưa qua, cái mới tràn đến, giữa cái cũ cái mới, lâu lâu lại đụng nhau. Người thơ kiểu mới thì chỉ trích người làm thơ kiểu cũ là bảo thủ. Người thơ kiểu cũ thì gồng lên trách cứ sự phá cách của thơ kiểu mới. Nhưng theo tôi, hình thức cũ hay mới gì thì cũng là thơ. Mà đã là thơ thì phải tạo được sự đồng cảm giữa người làm thơ với người đọc. Vì thế tôi mới nói người làm thơ và người đọc thơ đều là nghệ sĩ. Nghệ sĩ không có nghĩa là chỉ có ham mê. Nghệ sĩ cả trong việc đọc thơ ai, đọc làm gì, đọc thơ nào, và... không ngó đến thơ cũng là một thứ nghệ sĩ vậy. Cho nên, rất cần có người làm cho những nghệ sĩ đọc biết đọc cái gì, đọc ra sao.
Bây giờ người làm thơ nhiều nên các nhà phê bình không biết chọn ai mà giới thiệu. Có thì cũng đôi ba lần, rồi thôi. Các nhà phê bình, những người có chức năng làm cho người làm thơ và người đọc thơ gần nhau lại, bây giờ hình như chưa làm được chức phận ấy. Thấp thoáng trên những tờ báo có hơi hướng thơ ca, lâu lâu có bài phê bình thơ đấy. Nhưng ở hai dạng dễ thấy. Dạng thứ nhất: khoe mình hiểu thơ từ trong nước đến nước ngoài. Dùng bao nhiêu thứ lý thuyết của trời nào đâu áp đặt vào dòng thơ ca Việt. Hoặc viết rất dài, rất dai, nhưng cuối cùng là những lý sự chung chung, rối mù, đến người làm thơ cũng... mù tịt, chứ đừng nói gì đến người đọc thơ. Bây giờ này, rất nhiều người cổ súy cho trào lưu thơ hiện đại: làm cho người đọc biết thơ mới nó là cái gì. Trả lời câu hỏi ấy chỉ là những bài viết chung chung, lý sự chung chung hoặc treo lơ lửng trên đầu người đọc một mớ hàng mới, nhưng mới thế nào, dùng để làm gì thi không ai biết.  Sẽ có người cãi với tôi rằng: làm phê bình là làm khoa học. Làm khoa học về thơ. Tôi biết điều đó. Nhưng khoa học gì đi nữa, trước hết, phải làm cho người dọc hiểu được thơ đã. Người làm thơ nào chẳng muốn thế. Nếu không thơ họ chỉ dùng để trang trí hay cất trong bảo tàng hay sao?
Nếu có một nhà phê bình nào đó tìm cho ra cái hay của thơ Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư rồi viết và bảo với người đọc là: nó hay là nhờ thế, nhờ thế đó, may ra mới lôi kéo được người đọc đến với thơ mới. Còn nếu không, thì cũng chỉ những nhà lý sự tranh cãi nhau, chứ người đọc thông thường... xin phép, không hiểu, đi chỗ khác chơi. Người đọc thơ có cái quyền tối thượng: thích thì đọc, không thích thì thôi. Họ còn có một cái quyền nữa: chỉ ra cho họ thơ hay, nhưng họ bảo: hay cái gì mà hay. Cho nên người giới thiệu thơ phải làm công việc giống như dắt người tình đi tới cõi mộng mơ ấy. Từ từ, dẫn dụ, rồi người ta sẽ đến.  Gần đây, nhiều người có sáng kiến làm trình diễn thơ. Nhà thơ Văn Công Hùng đã có lần nêu ý kiến của mình trên blogs văn chương riêng của mình. Thì có khác gì hát đâu. Có người đọc thơ nè. Có người làm nhạc nên cho thơ nè. Có thể thêm người múa, người biểu diễn hình thể minh họa cho thơ nè. Thơ đầu có cần sự hoàng tránh như thế. Nó là thứ để người ta đọc cho nhau nghe, hoặc đọc một mình để chiêm nghiệm để thưởng thức như thưởng thức một món ăn ngon, một ly rượu ngon vậy. Ở Việt Nam tôi biết khá nhiều người đọc thơ rất hay: Quang Hưng ngày xưa. Tuấn Phong ngày nay. Buông từng câu, từng chữ, nghe như móc ruột, móc gan ra. (lạc đề mất rồi, xin trở lại). Bây giờ đúng là thiếu người chỉ cho những người đọc bình thường hiếu thế nào là thơ hay. Người đọc bây giờ không biết thưởng thức thơ thế nào. Đọc thơ như sa vào mê hồn trận vậy.
Ép làm sao được. Gần đây tôi có đọc một số bài viết về thơ trào lưu mới. Tôi  không thấy được cái đích là tìm thấy cái đẹp trong thơ, mà chỉ thấy họ dạy người ta là thơ phải nhiều chiều, phải đa cảm xúc, phải chất chứa sự sống, thế thì thơ của ai, thơ nào làm được những việc như thế. Vi Thùy Linh ư? Văn Cầm Hải ư? Phan Huyền Thư ư? Hay là nhóm Ngựa Trời? Hay là Hoàng Hưng và Ly Hoàng Ly. Người đọc không cần lý sự, họ cần là sự hướng dẫn cụ thể. Nên nếu có thể phải có cả một chương trình phân tích thơ của họ, đưa người đọc đến với họ. Người đọc phải là số đông, chứ không chỉ vài người tự cho mình “am hiểu” rồi bắt những người khác am hiểu như mình. Mà bức tường ngôn ngữ vững chãi kia có phải ai cũng đủ công lực đấm thủng? Hãy chỉ cho họ những huyệt đạo, để họ đấm, để họ tận hưởng sự thông đạt về ngôn ngữ trong thơ.
Có một điều tôi dám chắc thế này: bây giờ nếu ai thuộc thơ, thì nhất định là sẽ thuộc thơ từ 1975 trở về trước những năm 30 của thế kỷ 20. Sẽ rất nhiều người thuộc. Các nhà phê bình cùng thời nhất định thuộc. Còn bây giờ, tôi không tin các nhà phê bình có thể thuộc nhiều thơ của những người làm thơ mà họ cổ súy.
Lời cuối cùng: Mới đây có cả hội nghị về lý luận phê bình. Mà hội nghị kiểu này đã được tổ chức lần thứ 2 rồi. Có lẽ tại báo chí thông tin không đầy đủ nên tôi thấy có một lỗ hổng quá lớn đó là: người làm phê bình có trách nhiệm gì với người sáng tác và người đọc. Làm gì để qua  phê bình, người đọc tìm đến thơ. Nếu không làm được công việc này thì những nhà phê bình chỉ là những người phô kiến thức với một mớ kiến thức suông thôi. 
Thôi, không viết nữa. Viết riết rồi mình cũng thành "kiến thức suông” mất.
Tây Ninh. 10.6.2008
Nguyễn Đức Thiện
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...