Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

Dế mèn phiêu lưu… sự

Dế mèn phiêu lưu… sự
1. NGÀY XỬA, NGÀY… CÒN BÉ
Từ hồi nào đến giờ, tôi chưa từng có vinh hạnh gặp bác Tô Hoài, nhưng bác với con dế mèn của bác đã sống trong tôi từ ngày biết đọc chữ đến bây giờ. Hồi đó tôi rất thân với anh thủ thư của nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, Thái Nguyên. Anh ấy tên là Hân và có cái biệt danh là “Hân mắm tôm”. Chả là anh ấy hay gắt gỏng, bắt bẻ người đến mượn sách của thư viện. Sau này lớn lên tôi mới biết, anh ấy gắt gỏng là phải thôi. Anh ấy là người mê sách. Khi chưa có ai hướng dẫn nghiệp vụ thư viện, anh ấy có cách làm riêng. Anh lấy chữ cái của tên sách để làm bảng niêm yết hướng dẫn tìm sách. Vì thế mà nhà văn Tàu, Tây, Việt, Ấn gì đó có thể nằm chung trong bảng hướng dẫn và nằm chung trên một giá sách. Ví dụ như “dế mèn phiêu lưu ký” của bác Tô Hoài, có thể nằm chung trong bảng hướng dẫn với “Đất vỡ hoang”. Hay như “Sống mòn” của Nam Cao có thể nằm chung giá sách với “Sông Đông êm đềm”… đại loại thế.
Hồi đó lũ trẻ nghịch phá như tôi mà đến mượn sách của thư viện anh “Hân mắm tôm” không dễ một chút nào. Cuộc thẩm vấn của anh hồi ấy còn sát người, sát việc hơn người ta phỏng vấn tuyển người bây giờ. “Mày con nhà ai?”, “Mày đọc sách gì?, “Mày đọc sách vào lúc nào”, “Mất sách mày lấy gì đền?”, “Mày thấy sách hay ở chỗ nào?”, “Mày có biết để có sách, nhà văn họ phải làm việc cực khổ như thế nào không?”, “Mày nghĩ gì khi tự nhiên có một trang sách bị người ta xé mất?”... Sau những câu hỏi là khoảng chừng cả tiếng đồng hồ anh thuyết giảng về sách, về người viết sách, về sự tốt đẹp của sách. Và cuối cùng là một câu: “Tóm lại, sách giúp người ta thành người, mày biết thế không, biết tao cho mày thẻ mượn sách, không biết, đi ra”. Đứa nào ngoan ngoãn ngồi nghe thế nào cũng được anh cấp cho một chiếc thẻ, làm bằng giấy cạc tông do nhà máy giấy Hoàng Văn Thu sản xuất, to bằng bàn tay, đen sì và do anh viết tất cả các mục trong đó, từ họ và tên, con nhà ai, lớp mấy… Còn đứa nào vừa nghe, vừa cục cựa như kiến cắn đít, thì anh cho “cút” thật. Tôi giỏi trò đóng kịch, nên khi ngồi nghe anh nói, cứ trố mắt nhìn háu háu vào miệng anh, đôi lúc còn nhăn mặt, gật gù và reo khe khẽ nữa. Thế là  tôi có một cái thẻ thư viện của anh mà đến bây giờ tôi còn nhớ nét chữ dài và nhọn hoắt ở tất cả những nét gấp của anh. Cũng vì thế mà tôi biết đến “Dế mèn phiêu lưu ký” của bác Tô Hoài. Tôi mê con dế của bác đến mức nói dối bố mẹ, xin tiền mua mấy cuốn sách khác tặng thư viện anh “Hân mắm tôm” để được quyền giữ cuốn sách của bác Tô Hoài trong thời gian một tháng. Sách của bác hồi đó đã hiếm rồi, nên tôi mới phải làm như vậy. Tìm mà có thì tôi mua đứt chứ làm gì phải dối cha, dối mẹ vì một cuốn sách mình mê. Nhưng với một tháng, tôi đủ thời gian hình dung ra con đế mèn của Tô Hoài rồi.
Cái con dế mèn của bác Tô Hoài làm tôi mê. Ngang tàng, bướng bỉnh, kiêu ngạo nhưng oai vệ, anh hùng, xả thân vì việc nghĩa. Lúc nào tôi cũng thấy dế mèn trước mặt và ao ước mình sẽ trở thành một “hiệp sĩ dế mèn”. Nhưng khốn nỗi lúc đó tôi chỉ là một thằng nhóc người ta gọi tên tôi kèm với biệt danh “ còi”, nên chẳng thể làm hiệp sĩ được. Không làm hiệp sĩ được thi chơi đá dế. Thế là những ngày đội nắng đi cun dế. Thấy những chỗ nào có những ụn đất còn mới, có những hạt đất đỏ au là xấn tới. Moi, móc, đổ nước. Đổ cho đến khi con dế thò râu ra là mừng vui, la hét om xòm.
Phải chờ đến lúc vào trận chiến của những con dế mới thực sôi động. Ban đầu tôi không mê cái trò đó. Nhưng vì mê con dế của bác Tô Hoài nên bị ngấm. Thì thấy bạn bè xúm đông, xúm đỏ la hét thì tôi cũng xấn vào và góp thêm tiếng hò reo. Sau đó cũng đi cun dế, ráng kiếm cho được một chú dế thật oai vệ. Lần đầu tiên tôi vào cuộc đá dế. Hồi hộp ghê gớm, giống y như chính mình sắp đánh nhau ấy. Tôi khum khum hai bàn tay, nâng niu con dế của tôi sau đó nhẹ nhàng thả nó vào cái âu, nơi đã có một con dế của thằng bạn đứng thủ thế. Con dế của tôi thả vào. Con dế kia chẳng ngó ngàng gì cả, còn khiếm nhã ngoảnh cái đít nó về phía con dế của tôi. Cả bọn cười ré lên. Có một thằng hùng hồn tuyên bố: “Dế thằng“ còi” là dế cái. Dế cái mà đá ai, có mà đá đít…”. Chúng xúm lại nhạo tôi cả buổi, làm tôi tức phát khóc. Tôi đi cun dế nữa. Nhưng cái đám dế của tôi hình như con nào con nấy yếu đuối, kém cỏi lắm thì phải. Tôi chả thắng bao giờ. Mà có thắng hay không tôi cũng không biết, vì khi hai con dế quấn vào nhau trong cuộc cắn, đá, đạp là tôi chẳng biết con nào của tôi, con nào của đối thủ nữa. Bọn chúng còn bày cho tôi: muốn cho con dế hăng lên, thì kiếm một sợi tóc của bọn con gái ấy, tròng vào cổ dế, quay cho nó mấy vòng, nó chóng mặt, thấy dế là đá. Tôi nghe. Bữa đó tôi xin cho được một sợi tóc của con bé học cùng lớp. Con bé xinh đáo để. Nhưng tôi đâu cần biết nó xinh hay không, chỉ thấy mái tóc của nó dài, mượt, đen thả quá mông là tôi thích. Có được sợi tóc của nó thật là tuyệt. Con bé đến là dễ dãi, mới hỏi một câu, nó ừ liền. Tôi phải gói sợi tóc thật kỹ, cất trong cặp sách mấy ngày, chờ cun cho được một con dế mới. Lần này con dế mới của tôi thật oách. Tôi chả dám tả, vì tả nó sẽ phạm thượng. Bác Tô Hòai đã tả con dế của bác tuyệt vời như thế rồi thì tôi không thể múa bút hay múa luỡi để khoe về con dế của tôi được. Chỉ biết là nó thật oách. Tôi nhận ngay cuộc thách chiến với thằng bạn khác lớp. Đứa nào thua phải mua hai chiếc bánh bơ ngòai cửa hợp tác xã ăn uống  Quán Triều tặng cả bọn. Những hai hào một chiếc, vị chi là sáu hào cả thảy nếu thua. Trước lúc vào trận, tôi cẩn thận lấy ra sợi tóc đen, dài, mượt của cô bé cùng lớp tròng vào cổ con dế. Hình như cô bé cũng cảm thấy sự đóng góp của mình với cuộc đấu dế này, nên cũng lén lén chạy đến chỗ đám toàn con trai chúng tôi. Tôi đã bắt gặp ánh mắt lo âu, sợ sệt của cô bé, nhưng vội lảng nhìn đi chỗ khác. Thế là sợi tóc của cô bé đã cuốn quanh cổ con dế rồi. Tôi nắm hai đầu sợi tóc quay tít. Khi thấy như có vẻ “say” rồi, tôi mới đặt nó trước mặt đối thủ của nó. Trời ơi, các bạn có biết nó ra làm sao không? Nó xuội lơ, không thèm nhúc nhích. Tôi đỡ nó lên tay, thì, sợi tóc xiết chặt vào cổ nó, thiếu chút nữa thì “đầu lìa khỏi cổ”, còn đá đấm gì được nữa.  Tôi mủi lòng, khóc thương con dế của tôi. Tôi vừa gạt nước mắt vừa ra cửa hàng ăn uống, rút mấy hào lẻ mà u tôi cho để đóng góp quỹ lớp mua bánh bơ cho bọn “chiến thắng”. Nhưng không đủ. Chỉ có bốn hào rưỡi. Đang chẳng biết làm sao, thì cô bé cùng lớp đến bên tôi tự lúc nào. Nó dúi vào tay tôi mấy đồng xu lẻ. Tôi nghe nó nói khẽ lắm: “Sợi tóc… tao… làm con dế mày… chết, lấy tiền tao mua bánh…”. Tôi chưa kịp nói gì, nó đã ù té chạy mất dạng giữa phố đông người. Vài bữa sau, tôi lại có một cuộc chiến đấu mới. Lần này có thằng bảo tôi: trước khi vào đấu, nắm lấy hai sợ râu của dế, quay vài vòng cho nó điên đầu, thế là nó đá như điên cho mày coi. Không biết trên đời này có thằng nào ngu dại hơn tôi không. Tôi nghe lời, nắm hai sợi râu con dế mới của quay vài vòng. Nhưng cái thân mũm mĩm của nó nặng nề thế thì hai sợi râu mỏng manh kia làm sao chịu nổi. Nó đứt cái phựt. Mặc kệ, mày phải tham chiến. Tôi đặt nó trước mặt đối thủ.
Con dế của tôi hình như chẳng mơ tưởng gì đến chuyện thành danh, nên nó cứ quay đầu đi nơi khác, đã thế nó còn nhún nhún chân coi đời như chẳng có chuyện gì xẩy ra. Tôi bực mình, túm nó lại, buộc nó phải đương đầu với trận chiến. Nhưng hỡi ôi, dế đã mất râu rồi thì còn đá với đấm gì nữa. Thuở còn thơ, có cả ngàn trò chơi con nít. Có những trò đến già còn nhớ, còn thèm được chơi lại. Đá dế là một trò như vậy.
2. CHUYỆN KỂ LÚC… SẮP TỨ TUẦN
Mới đây tôi mua được cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” của bác Tô Hoài vừa được tái bản. Rõ ràng là cho đến tận lúc bạc tóc tôi vẫn mê con dế mèn của bác . Những trận chiến oai hùng của chú dế mèn tôi mới được tận hưởng qua những trang viết của Tô Hoài. Chính vì thế mà tôi phục bác. Nói như người ta thường nói là “ tâm phục, khẩu phục”. Ấy là chuyện sách, còn chuyện sau đây, tôi kể ra nhất định bác Tô Hoài phải phục tôi. Đó là chuyện người ta ăn thịt dế. Bác đã ăn thịt dế bao giờ chưa? Chắc là có. Nhưng chắc chỉ đôi ba con gọi là. Chớ còn ăn thịt dế đến no, đến say, ăn tiệc dế thì nhất định bác không thế có, mà có, với tình yêu với con dế mèn của mình, nhất định bác không dám bạo miệng ăn đến no đâu.
Hồi đó, cách nay cũng chừng hai chục năm rồi, tôi mới chuyển vào Tây Ninh công tác. Là một vùng có đất cát pha, đất bazan, đất có thể trồng được nhiều loại cây công nghiệp và cũng là nơi trú ngụ của bầy đàn dế mèn, dế cơm, dế trũi. Bầy lũ dế ở Tây Ninh nhiều đến mức cho tôi được chứng kiến một chuyện chưa từng thấy trong đời. Tối đó vào đầu mùa gió chướng trên đất phương Nam này. Cơ quan tôi có khách. Một đoàn khách từ miền Bắc mới vô.  Những người khách đáng trân trọng này không về khách sạn ngủ mà quyết chí ở tại cơ quan “cùng ăn, cùng ở, cùng… nhậu” với anh em. Anh em cơ quan tôi quyết định, đêm nay phải đãi bạn phương xa một thứ đặc sản. Nghe hai chữ “đặc sản” các ông khách vội cản: “thôi, thôi, thôi, vài con khô là được rồi, bày đặt làm gì.” Mấy anh em cơ quan tôi không giải thích, chỉ mỉm cười. Chập tối, vài người ở lại chuyện vãn với khách. Tôi là người mới đến, nên cũng được xếp vào trong số người ở nhà. Còn tất cả í ới gọi nhau giống y như gọi nhau đi chơi hội vậy. Tôi chẳng biết họ đi đâu và cũng không tiện hỏi. Chỉ thấy cuộc ra quân của họ rần rần rộ rộ lắm. Trên tay một người có thêm một chiếc thùng gánh nước.
Ngồi nhà chuyện vãn với khách đến là sốt ruột. Điều quan trọng là anh em họ hẹn phải chờ họ về, họ đã một món đặc sản, không ai được đi đâu hết. Nên cứ phải cù cưa, hết chuyện trời sang chuyện đất, hết chuyện trăng sang chuyện sao. Cánh đàn ông, ngồi nói chuyện vã bao giờ cũng nhạt phèo. Phải có cái gì nâng lên, hạ xuống, cái miệng cay cay, cái họng gắt gắt mới ra cuộc hội ngộ, mới ra chuyện chiến hữu. Gần hai giờ đồng hồ ngồi đồng, mới thấy cánh anh em họ về. Lúc đi thì áo quần đang hoàng. Lúc về, anh nào anh nấy chỉ còn cái tà lỏn. Áo dài, quần dài vắt tất cả lên vai hoặc thắt vào bụng. Giống y như họ vừa trải một cuộc chạy ma ra tông vậy. Khi đi đã ồn ào vui vẻ, khi về càng ồn ào vui vẻ hơn.
Chỉ mới đến cổng cơ quan đã thấy tiếng cười, tiếng nói oang oang. Được giải thoát và có cớ, tôi chạy ra đón anh em. Họ không tản ra, mà tụ lại ở tiền sảnh ngôi nhà đối diện với phòng khách. Đó là nơi các phòng nghiệp vụ của cơ quan tôi. Họ bu lại quanh chiếc thùng gánh nước. Tò mò tôi cũng chen vô. Trời đất, hai phần ba thùng gánh nước toàn là dế. Chúng chen chúc, đè xấn, đè ngửa nhau trong cái thùng chật hẹp làm cho từ đấy phát ra những tiếng rào rào như trời đang mưa. Những chú dế cơm nung núc béo. Tôi hỏi họ:
- Dế ở đâu mà nhiều thế, mấy cha?
- Ngoài đường chớ ở đâu. Nhóc ngoải, tha hồ bắt. Thì dưới chân cột đèn, trên bãi cỏ… Thiếu gì, mặc sức bắt…
Số là thế này: ở những tỉnh đông Nam bộ như Tây Ninh này hễ cứ vào lúc chuyển mùa, tối đến, côn trùng “bắt đèn” dữ lắm. Ban ngày, chúng chui lủi trong những bờ cây, bụi cỏ. Đêm, khi ánh đèn sáng lên, là chúng bay ra ngào trời. Có bướm đêm, có cào cào, châu chấu, có bù niễng, cà cuống, có cánh cam, cánh quýt… Có cả những con mà các nhà côn trùng học mất bao nhiêu công sức cũng khó tìm ra. Dưới những bóng đèn hằng hà sao số những côn trùng. Đương nhiên, không thể thiếu những con dế. Mà khi ấy sao nhiều dế đến như thế. Sau cái đêm mà tôi đang kể trên đây, tôi cũng đã thử ra đường để … xem dế “bắt đèn”. Quả là nhiều thật. Chúng bay từ trong những cánh rừng cao su, những bãi mía, những ruộng củ mì... Dân ở đây họ bảo: chúng đi tìm bạn tình, chuẩn bị cho mùa sinh sản. Tôi không nghiên cứu côn trùng, nên chỉ biết nghe. Nhưng nếu là ngày chúng đi kiếm bạn tình mà bị bắt nhét vào cái thùng gánh nước kia thì quả là… tội nghiệp.
Thấy thùng dế, tôi bỗng nhớ đến con dế của bác Tô Hoài. Chỉ có một con dế thôi mà ông có mấy trận chiến vô cùng ly kỳ, hấp dẫn. Đàng này, cả một thùng gánh nước toàn dế. Chắc chắn là phải có một trận chiến kinh hoàng khốc liệt với cả một sư đoàn dế. Tôi buột miệng hỏi:
- Này các cha! Ngần nay con dế thì đá làm sao? Làm sao đá hết? Chọn vài con thôi chớ?
Một anh trong bọn phì cười:
- Nhiêu mà không hết? Ráo trọi bây giờ cho coi.
Tôi hồi hộp chờ cuộc chiến diễn ra. Bỗng nhiên, tuổi thơ sống dậy trong tôi. Những hôm trời nắng chang chang, sách chiếc gầu con đi tìm tổ dế. Những lúc lúp súp chạy đong từng gầu nước. Những khi mím môi, méo miệng để rót từng chập nước vào miệng tổ dế. Rồi hồi hộp thấy hai cái râu con dế nhô dần ra miệng tổ. Những đêm đưa đế ra sân cho nó uống sương. Những lúc rút từng cọng cỏ non, bỏ vào tổ cho dế. Rôi khi đưa dế vào trận, hồi hộp y như hôm nay vậy. Có điều trận chiến hôm nay không có đứa trẻ con nào, chỉ tòan người lớn, những người đang ngả ngớn, hô hố cười chẳng có chút hồi hộp nào cả. Và trận chiến bắt đầu. Không phải chọi dế, đá đế, mà trận chiến này thế và lực hoàn toàn chênh lệch nhau. Một bên là người còn bên kia là những con dế đã bị nhốt trong chiếc thùng gánh nước, chỉ có một cách tự vệ duy nhất là cuống cuồng chạy tránh những bàn tay thô bạo của người ta. Không thấy đâu những chú  dế oai phong, chỉ còn lại là những con vật bé nhỏ, yếu đuối, tầm thường.
Những bàn tay với những ngón tay gân guốc chụp lấy những con dế. Có con bị chụp ngang lưng, có con bị chụp ngay cái đầu, con bị túm lấy mấy cái chân. Chẳng con nào còn càng. Những cái càng khỏe mạnh cứu cánh của những cuộc chạy trốn đã bị ngắt đi ngay từ khi bị chộp được ở ngoài đường rồi. Họ bảo, họ đang “làm lông” dế. Vừa làm, họ vừa thảo luận sôi nổi. Người cố sống cố chết cãi, trong con dế, cái đầu là thơm, ngon nhất. Thì cứ chiên dòn lên coi, bỏ miệng nhai rạo rạo, sướng phải biết. Người nắc nỏm tiếc hai cái càng. Càng dế là ngon số một. thịt chỗ đó vừa nhiều, vừa thơm, nướng lên thôi, cũng đã ngon rồi. Chỉ tại sợ nó nhảy mất mới bẻ đi, chớ để sao cũng tranh giành, đánh nhau vỡ đầu vì càng dế cho coi. Có một việc dễ thống nhất, đó là: phải rút ruột nó ra. Người muốn ăn cái đầu thì ngắt cái đít con dế mà rút ruột. Người không thích ăn đầu thì cầm cái đầu xóay một cái và rút nguyên lòng ruột của dế ra và ném tọet xuống đất. Những con dế mất ruột, khi ném vào cái chậu chứa xác, chúng chỉ ngoe nguẩy mấy cái chân một cách yếu đuối. Một cuộc tàn sát. Một cuộc tàn sát của con người trước những con vật nhỏ bé đáng thương. Cuộc tàn sát chấm dứt, khi trong cái thùng gánh nước chỉ còn sót lại mấy cái chân dế tự sút ra khi cuống cuồng chạy trốn.
Cuộc tàn sát đã xong, bây giờ, cũng những người ấy biến thành những đầu bếp. Nhưng họ là những đầu bếp nghiệp dư, nên những cuộc tranh luận lại nổ ra. Người bảo, nhét vào cái bụng không còn ruột gan của con dế một hạt đậu phọng rồi mang chiên giòn lên. Người bảo, kiếm ít bột chiên, lăn bột chiên. Người khác đòi kiếm ít than, nhúng con dế vào mỡ nước để lên than nướng, ăn ngon tuyệt. Nhưng lúc đó trời đã khuya, muốn gì cũng không thể có, chỉ còn cách có sao dùng vậy. Một anh bạn hiện sống trong cơ quan chạy về phòng mình, len lén mở cửa, không đánh động đến vợ con, lấy ra một chai mỡ nước, một gói bột ngọt và một tô nước mắm. Công nghệ chế biến bắt đầu. Những con dế được nhúng vào nước mắm. Nước mắm được pha chút bột ngọt, cái chậu trước đó đựng dế sống biến thành chiếc chảo. Chậu được bắc trên mấy cục gạch. Lửa cháy lên. Bập bùng, bập bùng. Xí xèo, xí xèo. Thịt dế chiên, bốc mùi thơm. Thơm lắm. Thơm đến nhức mũi. Cả khuôn viên cơ quan tôi nhưng nhức thơm. Mùi thơm khiến cho những người sành ăn phải nhỏ nước miếng. Bữa tiệc được bầy ra. Ngay trên nền gạch là những tờ báo trải rộng. Những con dế chiên vàng đổ lên đó. Một can “nước mắt quê hương” [1] được khuân đến. Chỉ có hai chiếc ly thủy tinh nhỏ, thứ ly xoay chừng, hai người một ly khi uống. Cuộc tiệc bắt đầu. Những bàn tay chụp dế, làm lông dế, bây giờ thành công cụ chuyển những con dế đã chiên vàng bỏ vào họng. Một con dế nửa ly rượu. Rượu dế, dế rượu. Ì xèo suốt đêm. Những ông khách xem ra dễ hòa nhập. Chỉ vài phút nghi ngại trước những con dế chiên vàng lăn lóc trên những tờ báo, sau vài lần ly rượu xoay chừng dạn lên, cũng nói cười hỉ hả, dô, dô, dô… váng trời. Gần sáng, những con dế chiên vàng đã chui gọn vào những cái bao tử. Can rượu cũng đã vét đến giọt cuối cùng. Những người oanh oách làm nên trận chiến bây giờ mềm oặt vì men. Còn may, hồi đó họ mới “dùng” đến dế cơm,  nên chỉ dế cơm mới bị tàn sát. Dế mèn, tức dế đá, vẫn còn bị chê.
Sáng hôm sau, những người mở cuộc chiến với dế cơm còn nắc nỏm: “Công nhận, dế đầu mùa ngon thiệt, béo thiệt, ăn no mà còn muốn ăn nữa…”
Lo quá, đêm ấy mà họ làm một thùng gánh nước dế, hôm sau thùng nữa, thùng nữa… không biết họ hàng nhà dế sinh sản sao kịp. Nhất là chúng lại bị bắt vào lúc đi tìm bạn tình…, thì làm sao sinh sản.
3. CHUYỆN MỚI BÂY GIỜ
Tôi có một thói quen cứ lâu lâu lại ra chợ. Tôi dạo quanh chợ một hồi sau đó mới quyết định mua cái gì để làm một bữa ăn cho vợ, cho con. Nhất định phải là món Bắc. Khi thì bún chả. Lúc thì bún nem. Lúc thì diêu cá có nêm thì là. Hứng chí làm cả món chả cá Hà Nội. Như con gái  tôi, bé Thanh Trúc, lâu lâu lại: bố ơi, cải bắp nhồi thịt! Ý nó là muốn ăn món nhường bắp cải mà người Chợ Chu, Định Hóa thường làm khi có tiệc. Tính ra, tôi có thể làm được mươi, mười lăm món ăn kiểu “Bắc kỳ”, khác với khẩu vị của xứ Tây Ninh, nhằm kiếm điểm thưởng của vợ con vốn người quê xứ này.
Thế nên mới có một hôm tôi ra chợ phường 3, thị xã Tây Ninh. Chợ này vốn ngày xưa là một chợ chiều. Ngày xưa hơn nữa vốn nó là một nghĩa địa. Vậy mà hôm nay, nó là một cái chợ với mấy dãy nhà lồng và người bán người mua lúc nào cũng chật ních. Xã hội phát triển nhanh, nhu cầu mua bán cũng tăng nhanh. Mới có chuyện từ một cái chợ chiều, chợ chồm hổm bỗng thành một cái chợ sung túc không thua gì chợ trung tâm thị xã trên nền một cái nghĩa địa như thế này. Vừa len lách qua được mấy bà bán rau thì tôi gặp một dây tới mấy người ngồi kề bên nhau bên con đường hẹp trong chợ. Trước mặt mấy bà là những cái mâm nhôm. Trong mâm là những con dế. Con nào cũng bị bẻ càng, công cụ  dành cho những con dế có thể tháo chạy khi gặp nguy hiểm đã bị bẻ mất. Thành ra những con dế chỉ có thể bò qua, bò lại trong cái mâm nhôm. Hễ con nào mon men ra mép mâm là bị mấy bà vén cho lọt vào trong. Thành ra những bàn tay của mấy bà giống như đang múa nhưng chỉ có một động tác thật dẻo đó là xoay xoay quanh cái mâm.
Mấy bà mời chào:
- Mua dế đi chú Hai…
- Dế đầu mùa béo lắm chú Hai…
- Chú coi nè, dế tơ đấy. Chưa kịp mọc lông cánh, còn tơ nguyên nè…
Tôi tối mặt tối mày trước đám dế bò ngổn ngang kia. Cái ngày bạn bè cơ quan đãi khách bằng dế là thứ dế đã biết đi kiếm bạn tình. Còn nay là thứ dế “thiếu nhi”. Có nghĩa là nó chưa đủ sức làm quen với thiên nhiên. Nó chưa đủ sức để bay ra tìm những bóng đèn sáng trong đêm. Để có được nó, người ta phải đào, phải bới, là phá tan cái tổ của nó. Ngày xưa, vui thì đi bắt làm một chầu nhậu. Còn bây giờ dế ra chợ. Mà dế  đã ra chợ thì phải theo chợ thôi. Nhiều người mua sẽ có nhiều người bán. Nhiều người bán sẽ nhiều người đi đào.
- Bán sao, mấy chị? – tôi hỏi.
- Năm ngàn một chục mười bốn [2]
Mười bốn con dế làm sao đủ một dĩa mồi. Để có thế thành một dĩa phải hai chục ngàn. Có giá lắm. Mà có giá thế này, lũ dế con chết dài dài.
Chưa hết chuyện.
Một hôm, một chú nhân viên dưới quyền tôi hình như trúng một cái mánh gì đó mời tôi đi một cuộc lai rai. Chú ấy bảo tôi:
- Đặc sản, món lạ. Hôm nay mời anh một chầu bia tươi no mới thôi nghen.
Thì đi. Một quán nhỏ dưới một gốc cây sứ cổ thụ vì thế chủ quan đặt ngay cho quan cái tên “Cây Sứ”. Một chiếc bàn nhỏ được bầy ra, kèm theo là một cái bình chứa hai lít bia tươi. Cậu nhân viên búng tay cái tách, rất sành điệu. Người chạy bàn tới, đon đả:
- Dạ mấy anh dùng gì?
- Quán dế, còn hỏi dùng gì. - cậu nhân viên của tôi hạch- dế!
- Nhưng dế gì?
- Dế lăn bột chiên dòn. Dế rô ti. Dế chiên nước mắm. Dế nhồi đậu phọng chiên. Dế nướng nhúng mỡ…
Thật không ngờ, con dế lại có thể làm được nhiều món như thế. Cậu nhân viên của tôi làm như sành điệu:
- Cho hai món thôi. Một dĩa chiên dòn, một dĩa rô ti…
Sau khi phán gọi món ăn, cậu nhân viên quay sang tôi:
- Nè anh, cái món dế này bắt đầu cũ rồi đó. Bây giờ người ta bắt đầu ăn đến bò cạp rồi.
- Bò cạp mà ăn cái nỗi gì?
- Thì thích người ta ăn. Bây giờ tiền nhiều, bò, dê, gà, cá ăn mãi cũng chán. Phải món lạ, khác người.
- Lấy đâu ra nhiều bò cạp để mà ăn. Tớ ở trên rẫy, có khi cả tháng mới nhìn thấy một con bò cạp…
- Anh lạc hậu rồi. Bây giờ người ta nuôi. Cái gì cũng nuôi hết. Dế nuôi. Bò cạp cũng nuôi. Nay mai đến cả thằn lằn núi Bà Đen mình cũng phải nuôi, không nuôi, nay mai không ai biết đến con lằn núi mà chỉ Tây Ninh mới có.
- Thiếu gì.
- Anh chủ quan quá hà. Anh có biết người ta bắt thằn lằn núi như thế nào không? Ngày xưa, người ta câu. Họ lấy chuối chín, chét lên đá. Lũ thằn lằn ra kiếm ăn. Người ta dùng cần câu, câu từng con một. Còn bây giờ, người ta lấy cái sô mủ, chét chuối vào đáy sô. Bầy thằn lằn ngu, chạy ra leo lên miệng sô, nhảy xuống đáy sô.Thế là xong. Xuống thì được, trơn tuột làm sao leo lên. Ngày xưa, đi câu, ngày kiếm vài con là thôi, nay hả, ngày vài sô. Hết thằn lằn núi Bà đến nơi rồi… Người vài sô một ngày, chừng năm người thôi có phải mỗi ngày mất cả ngàn con thằn lằn núi Bà không nào. Mà sao người ta ăn thằn lằn núi nhiều đến thế? Như dế chẳng hạn. Bây giờ anh ăn là ăn dế nuôi. Dế tự nhiên làm gì còn. Dế cơm là thứ dế ngon nhất, bây giờ phải đi đào, đi bới mới có ăn. Ở ấp Rạch Sơn thị trấn Gò Dầu có ông nuôi dế thịt. Là cái thứ dế mà anh sắp ăn bây giờ nè. Nuôi dế dễ ợt. Đóng thùng, nhốt chúng trong đó với những cái vỉ cỏ ẩm. Nhét vào đó tất cả những thứ lá, cỏ mà dế ăn được. Thế là xong. Bọn dế ngây thơ lắm anh ơi. Nhốt trong thùng cũng gáy váng trời. Gáy cả ban ngày lẫn ban đêm, nhức cả đầu. Ổng này đã thử nuôi dế cơm mà nuôi hoài không được. Không bắt được dế giống thì làm sao nuôi được. Bây giờ anh ăn là ăn dế đá.
- Dế đá là dế mèn phải không?
- Đúng rồi. Dế mèn của cụ Tô Hoài đó.
Tôi gai người. Đến cả con dế đáng yêu như thế bây giờ cũng thành món ăn mất rồi.
Một lát sau, những món mà cậu nhân viên kêu được mang lên. Đúng là dế mèn rồi. Chúng đã được chế biến đen thui lui, nhưng còn nguyên cả chân, cẳng và giò đá. Chỉ thiếu mấy sợi râu. Còn cái đầu bóng lưỡng, còn cả mấy cái tua ở hậu môn. Tôi lợm giọng. Kiểu này chủ quan cho ăn luôn cả cứt dế không chừng. Những con dế đã lăn lộn trong chảo, bây giờ nằm im lặng trong dĩa, nhưng những chiếc càng vẫn ráng dơ lên để khoe với thiên hạ cái thời làm nhân vật của bác Tô Hoài từng đã anh hùng, oai vệ lắm đó…
Chúng tôi gõ nhau ly đầu. Cậu nhân viên của tôi quệt ngang miệng một cái rồi tiếp câu chuyện đang dang dở:
- Mình đi quán cóc thế này dế rẻ nhất đó anh. Anh coi nè, dĩa dế hai chục con mà có mười ngàn. Chớ vô nhà hàng, dĩa này phải năm chục ngàn đó.
Cậu nhân viên của tôi cứ thế thao thao bất tuyệt về những con côn trùng đang trở thành những món ăn thịnh hành không chỉ của những người bình dân mà của những người ăn chơi sành điệu. Nào là cái đuôi thằn lằn núi thì dành cho những người đàn ông, để chồng ăn vợ khen. Nào là con trùng hổ (giun đất) bây giờ người ta cũng nuôi dành để chữa bá bệnh: ung thư, huyết áp cao, đái tháo đường. Bồ cạp ngâm rượu cũng dành cho người đàn ông bắt đầu xuống bên kia dốc của đường tình dục. Chuyện nào của cậu ta cũng thấy ngay một cuộc tàn sát côn trùng. Thì đó: người đến quán này uống bia kêu toàn món dế không. Mấy chục cái bàn, mỗi bàn kêu chừng ba dĩa dế. Mỗi đĩa hai chục con. Vị chi là, vị chi là… Thôi tính toán rồi chẳng gắp con nào thì thiệt thòi lắm. Thử coi. Ngon. Dế chiên cũng ngon. Dế rô ti cũng ngon. Hay vì lạ… Lâu quá rồi không ăn dế. Những ly bia tiếp tục vơi. Những bàn bên kia, những ly bia cũng tiếp tục vơi. Những con dế biến mất trên những chiếc dĩa và ẩn vào đám bia bọt trong các bao tử của những người ham món lạ, của lạ. Một chiều yên ả thế này mà lại trở thành một cuộc tiêu diệt loài công trùng thân quen với bao nhiêu lớp người.
Đến hôm nay, không còn cảnh đêm đêm từng đoàn công trùng có bướm, có bù niễng, cà cuống, cánh cam, cánh quýt… hội nhau dưới ánh đèn đường. May chăng chỉ còn những con bồ hong, hoặc khi mưa đầu mùa, từng đàn mối bủa ra. Tôi đã từng say mê đọc đọn văn của nhà văn Tôi Hoài tả cảnh chú dế mèn gáy trong đêm. Có lẽ phải cảm ơn bác Tôi Hoài vì những trang viết tuyệt vời. Nếu không, chỉ ít năm nữa thôi, người ta sẽ chẳng còn biết hình thù con dế ra sao. Cũng sẽ không biết được dàn đồng ca của dế làm xao xuyến những đêm khuya. Với tốc độ mở khu công nghiệp như hiện nay, và côn trùng  cũng góp mặt vào thị trường thế này, rồi sẽ có lúc người ta sẽ bắt đầu kề về con dế bằng câu: “Ngày xửa, ngày xưa có một con vật kỳ quái, lúc đó người ta đặt tên nó là Dế”… 
Không lẽ rồi đêm đêm ta sẽ không còn được nghe tiếng dế gáy cà rích, rích… cà ri, ri, ri … nữa.
[1] - Nước mắt quê hương: Rượu trắng
[2] Chục mười bốn: vùng nông thôn Miền Nam, chục không chỉ có nghĩa là 10, có khi là 12, 14, có khi tới 16.
Nguyễn Đức Thiện
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...