Theo Khâm Định Việt Sử, tháng Tám, mùa thu, năm Nhâm Tuất
1202 vua Lý Cao Tông “Sai nhạc công đặt ra nhạc khúc gọi là "Chiêm Thành
âm". Nhạc khúc này giọng sầu oán não nùng, ai nghe cũng rỏ nước mắt. Nhà
sư Nguyễn Thường nói rằng: "Tôi nghe nói: thanh âm của nước loạn thì ai
oán giận hờn. Nay chúa thượng rong chơi vô độ, kỷ cương triều đình rối ren,
lòng dân ngày một ly tán. Tiếng nhạc ai oán làm não lòng người!. Đó là triệu chứng
bại vong". Chỉ hơn hai mươi năm sau, nhà Trần đoạt ngôi của họ Lý.
Ở phiên bản talawas cũ, tác giả Nguyễn Hữu Liêm có bài viết
“Cái âm điệu tủi thân bi đát”. Ông dẫn: “Cách đây khoảng hai ngàn năm trăm năm,
hai nhà hiền triết Ðông Tây, Khổng Tử và Socrates, đã đồng lúc khuyến cáo đến cái tầm
quan trọng của âm nhạc. Âm nhạc là sinh khí của tinh thần. Hễ nhạc xuống là nước
nhà xuống; hễ nhạc uỷ mị là con người tha hóa. Cái thối nát của con người khởi
đi từ sự thối nát của âm nhạc”. Và “Nietzsche trong cuốn The Will to Power có
nói tới cái tâm thức amor fati - cái bệnh tủi thân, cái lòng yêu số
phận bi đát của mình. Cái bệnh amor fati của dân Việt khởi đi từ Truyện Kiều và
kéo dài cho đến ngày nay. Từ Kiều qua nhạc Chàm, qua nhạc Huế, qua vọng cổ, qua
nhạc bolero đã làm cho miến Nam ngồi xuống vỉa hè, che mặt và lau nước
mắt. Cái quần chúng lau nước mắt này bị lưu đày qua đất mới và tiếp tục uống nước
dừa tang thương bằng âm nhạc”.
Gần đây, khởi đi từ một bài viết của Trịnh Cung về Trịnh Công
Sơn, dư luận xã hội Việt Nam bỗng xôn xao khác thường. Nó có phần lấn át, dù chỉ
là tức thời, sự chú ý của mọi người về vận nước trong các vấn đề Biên giới - Biển - Đảo và khai thác quặng nhôm ở Tây Nguyên.
Trong đám đông dư luận “phù Trịnh”, có ai đó đã nói tham vọng
chính trị của họ Trịnh chính là phản chiến, là hòa bình. Hãy lắng nghe ý kiến của
một người dân thường cùng thời với Trịnh Công Sơn: “Hồi đang học những năm đầu
của bậc trung học, khoảng những năm 65,66... tôi bắt đầu nghe nói về một thứ nhạc
của ai đó, khi nghe có cảm giác rã rời như hút ma túy, lính chiến nghe nó không
còn muốn chiến đấu nữa. Một hôm đứng trong một hiệu sách, tôi nghe tiếng hát lê
thê như lời cầu kinh vọng ra từ máy thu băng. Người bán sách nói với mấy người
đang trả tiền đó là nhạc của Trịnh Công Sơn. Nhạc phản chiến đấy” (1).
Không phải ai cũng xem Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài ba,
vĩ đại. Ông không sáng tác nhạc. Ông chỉ hát thơ như Văn Cao nhận xét: “Với những
lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một
hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng
triệu con tim…” (2).
Số đông ít khi nghi ngờ họ Trịnh là nhạc sĩ, là cây cao bóng cả trong nền âm nhạc
Việt Nam hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau. Bởi lịch sử ngắn ngủi của tân nhạc
Việt Nam gần như không có chuẩn nhạc sĩ rõ ràng, và lại càng không có “nhạc sĩ
vĩ đại” để mà so sánh sự nghiệp cũng như thành tựu nhạc thức.
Thi thoảng từng có không ít công dân trung niên của nước Nhật
bẽ bàng, nước Nhật thua trận, nước Nhật nhục nhã sau thế chiến thứ hai, đồng cảm
một cách lạ lùng với “nhạc” Trịnh. Đồng khí tương cầu chăng? Ca khúc “Diễm xưa”
của họ Trịnh được đại học Kansai Gakuin đưa vào giảng dạy trong bộ môn văn hóa
Việt Nam, hình như dưới chiêu PR của công ty kinh doanh âm nhạc Myrica. Sau đợt
Khánh Ly đem chuông Trịnh đến “đánh” ở Osaka năm 1970, ca sĩ dòng nhạc “sến” enka
Yoshimi Tendo cũng từng nhiều lần hát nhạc Trịnh (3).
Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều văn nghệ sĩ xuất thân
từ phong trào sinh viên tranh đấu của mặt trận giải phóng đã rỉ tai nhau câu vè
“Sơn vàng, ôm guitar đỏ hát nhạc màu da cam”. Nếu ca khúc “Cát bụi” rất hợp với
vỉa hè bolero của Sài Gòn, chính thức đóng dấu xác nhận tác phẩm của TCS trước
1975 có một phần quan trọng là nhạc vàng ru ngủ, bạc nhược và ủy mị; thì dòng
nhạc “Da cam” của ông bên cây “guitar đỏ” không thể không nhắc tới những “Em ở
nông trường em ra biên giới”, “Huyền thoại mẹ”… sống sượng, yếm thế và a dua dựa
dẫm.
Người ta sẽ còn ca ngợi và nói nhiều về Trịnh Công Sơn, trong
đó chắc chắn có tiếng góp đầy trọng lượng của những ai vẫn hưởng lợi trên di sản
của ông. Kể ra, phải nói Trịnh Công Sơn thật may mắn. Chẳng bì với Dương Hùng
thời Tây Hán, làm sách Thôi Huyền, Pháp Ngôn nhưng bị đời khinh bỉ quên lãng vì
thất thân với Vương Mãng. Chẳng hổ như Thái Mão đời Đông Hán soạn hết cả Cửu
Kinh, làm văn bia ở trước nhà Thái Học nhưng trót lụy Đổng Trác nên danh nhơ tiết
nhục, chẳng ai thèm đọc sách (4).
Mai này, ở tương lai nào đó, may phúc dân tộc Việt Nam không
còn “lòng yêu số phận bi đát của mình”, không còn mặc cảm nhược tiểu và yếm thế
thì cái hồn của ca từ Trịnh Công Sơn sẽ mai một. Người ta sẽ ném những mớ nốt
nhạc dễ dãi tuyền giọng mi thứ nhàm chán của ông vào sọt rác ký ức. Lúc ấy, nếu
tình cờ con cháu chúng ta tiếp xúc với “nhạc” Trịnh, có lẽ chúng sẽ lấy làm ngạc
nhiên mà ướm hỏi: “Trình độ âm nhạc của tổ tiên mình tệ đến thế ư?”. Đừng mơ
chúng sẽ nghi hoặc: “Có không kẻ sĩ Trịnh Công Sơn?”.
Chú thích:
1/ X-cafevn.org
2/ Trịnh
Công Sơn - Tuyển tập những bài ca không năm tháng, Nhà xuất bản Âm nhạc 1997,
trang 278.
3/ Tham
khảo Nguyễn Đình Đăng, http://tienve.org.
4/ Theo
thơ văn Phan Bội Châu, thời kỳ ở Huế. NXB Thuận Hóa 1987, trang 315.
Tháng 4/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét