Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

Một nhà văn tầm thế giới

Một nhà văn tầm thế giới 
Vâng, đó là nhà văn Tô Hoài. Ông vừa qua đời ngày 6/7/2014, hưởng thọ 94 tuổi. Cầm bút từ trước năm 20 tuổi, thành danh nhà văn từ năm 21 tuổi với tác phẩm bất hủ Dế Mèn phiêu lưu ký, suốt cuộc đời cầm bút sáng tác liên tục của Tô Hoài kéo dài tới 75 năm, và với những tác phẩm được viết lúc càng cao tuổi lại “gừng càng già càng cay”, Tô Hoài là nhà văn độc đáo hàng đầu trong văn học Việt Nam, cũng là nhà văn hạnh phúc nhất Việt Nam vì vẫn còn viết được những đoạn văn tươi mới lung linh khi đã ngoài 90 tuổi.
Đó là một nhà văn bẩm sinh, một người làm nghề suốt đời, chỉ trung thành với một nghề, và không thay đổi: nghề nhà văn, nghề viết. Trong cuộc đời rất dài của mình, Tô Hoài có những lúc phải làm “thêm” những việc khác, những “nghề” khác, như cán bộ cải cách ruộng đất, như tổ trưởng dân phố, như thường vụ Hội nhà văn Việt Nam… Nhưng Tô Hoài chỉ coi những “nghề” ấy phụ trợ cho nghề chính của mình là nghề viết. Nhưng nhờ đi vào cuộc sống từ nhiều tầng nấc khác nhau, nhiều lối ngả khác nhau như thế, nên văn Tô Hoài vừa thực như sờ thấy được, vừa đậm đặc chất đời sống, lại vừa mơ hồ như một thế giới riêng. Đó là nhà văn gần dân tới mức khó gần hơn, mà cũng có thể hiểu tầng lớp quan chức từ trong ruột hiểu ra. Tôi vẫn nhớ nhân vật Huỳnh Cự (tên thật) mà Tô Hoài mô tả trong tiểu thuyết Ba người khác - cuốn tiểu thuyết luận đề hiếm hoi của Tô Hoài - một nhà văn được xếp vào dòng “nhà văn phong tục”. Khi Tô Hoài tham gia cải cách ruộng đất như một cán bộ cơ sở, nằm trong dân, nhằm “bắt rễ xâu chuỗi”, ông đã sống một thời gian với anh cán bộ Huỳnh Cự, và đã viết về anh cán bộ kiểu “mao-ít” này một cách không thể sinh động hơn. Huỳnh Cự chuyên “đao to búa lớn”, chuyên lên gân lập trường, “quyết liệt” tới mức cứ ngỡ như anh này là điển hình cho những cán bộ “đỏ toàn thân”.
Ngờ đâu, vào cuối truyện, qua thông báo của Tô Hoài, ta mới biết sau cải cách ruộng đất, sau khi được tin tưởng và thăng cấp chức, Huỳnh Cự lên đường trở về Nam chiến đấu. Và anh ta đã nhanh chóng… chiêu hồi. May cho tôi là khi đọc đoạn cuối tiểu thuyết Ba người khác của Tô Hoài, tôi đã biết chuyện Huỳnh Cự chiêu hồi từ trước đó rất lâu. Số là hồi đi trên Trường Sơn, tôi đã rất nhiều lần được “vinh dự” nghe giọng nói của trung tá Bắc Việt Huỳnh Cự phát trên loa của trực thăng hay C123 Mỹ và Sài Gòn, kêu gọi với giọng quyết liệt “những cán binh cộng sản Bắc Việt” hãy mau mau chiêu hồi, như… Huỳnh Cự đây!
Luận đề của Tô Hoài thật kín đáo, nhưng người đọc vẫn có thể nhận ra. Nói chung, Tô Hoài là người hồn nhiên nhưng kín đáo, nhiều lúc ngỡ như ông trung dung. Nhưng Tô Hoài vẫn lặng lẽ có quan điểm của mình, chính kiến của mình. Có điều, ông chỉ thể hiện một cách khách quan như một nhà văn xuôi, chứ không lên giọng “chém gió”. Tô Hoài có nổi tiếng không? Quá nổi tiếng! “Tin ông qua đời chỉ trong vài giờ đồng hồ đã thu hút hơn nửa triệu người xem trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt, với hàng chục ngàn người bấm nút Likes, hàng ngàn người tham gia bình luận và hơn một ngàn người bấm nút Shares” (theo BBC tiếng Việt). Nhưng Tô Hoài gần như không quan tâm lắm đến sự nổi tiếng ấy. Ông sống bình dị, như một thường dân, và tôi có cảm giác ông thích nói chuyện với một anh xe ôm biết chuyện hơn là với một nhà văn hay một quan chức “tháp ngà”. Với Tô Hoài, người đối thoại với ông quan trọng là có biết chuyện, có “hay chuyện” không.
Ông lắng nghe rất chăm chú, và ghi nhận rất lặng lẽ. Ông có thể chơi thân với một em bé mắc một chứng tâm thần nhẹ, và em bé đã trở thành bạn của ông, cho mãi nhiều năm sau Tô Hoài, khi viết thư cho tôi, vẫn hỏi thăm về em bé ấy, khi em đã là một người đàn ông hơn 40 tuổi. Do tôi cũng quen với gia đình em, họ lại là đồng hương với tôi, Tô Hoài đã chủ động viết thư cho tôi để hỏi thăm về đời sống của em bé có vấn đề về sức khỏe tâm thần ấy. Chỉ một cử chỉ ấy thôi, Tô Hoài đã chứng tỏ ông là một nhà văn chân chính, một người luôn đặt con người là nhân vật trung tâm cho tác phẩm của mình, và số phận con người là điều nhà văn quan tâm đầu tiên và còn lại sau cùng. Không phải số lượng tác phẩm làm nên nhà văn lớn hay nhỏ, nhưng số lượng tác phẩm được viết một cách nghiêm túc lại minh chứng cho khả năng lao động, cảm hứng lao động, và kết quả lao động của một nhà văn. Trong cuộc đời sáng tác dài 75 năm của mình, Tô Hoài đã viết hàng trăm tác phẩm. Không phải tất cả những tác phẩm ấy đều là kiệt tác, nhưng trong số đó đã có những kiệt tác. Một người chưa tới 20 tuổi đã viết được Dế Mèn phiêu lưu ký thì phải gọi người đó là một thiên tài. Thử nghĩ xem, năm 20 tuổi chúng ta là gì? Vì sao một người “nhà quê”, không được học nhiều, phải sớm vào đời kiếm sống như Tô Hoài lại có tác phẩm đầu tay được cả thế giới trẻ con, và không chỉ trẻ con, đón nhận như thế? Lâu nay chúng ta có vẻ quá khiêm tốn khi nói về những nhà văn của nước mình. Hôm qua, sau khi nghe tin nhà văn Tô Hoài qua đời, tôi đã gọi điện chia sẻ với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam - một người có khả năng và cơ hội giao lưu nhiều với văn học thế giới đương đại, tôi đã hỏi Thiều một câu: “Thiều đã ra thế giới nhiều, Thiều thấy một nhà văn như Tô Hoài so với văn học thế giới đương đại thì thế nào?” Nhà thơ Nguyễn Quáng Thiều đã trả lời tôi không do dự: “Em thấy bác Tô Hoài là một nhà văn tầm thế giới.” Tôi nói: “Đúng như thế! Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào vì văn học Việt Nam có một nhà văn như Tô Hoài. Không kể Dế Mèn phiêu lưu ký, những truyện về Tây Bắc, về người Mông của Tô Hoài, trong đó có truyện Vợ chồng A Phủ, có thể xếp vào “Tủ sách văn học thế giới thế kỷ Hai mươi” một cách đường hoàng.”
Nói như nhà văn Nguyên Ngọc, Tô Hoài là nhà văn người Việt đầu tiên đã “đụng phải” người Mông, và ông đã mê ngay dân tộc kỳ lạ có lịch sử 5000 năm thăng trầm lưu lạc này. Có hai nhà văn người Việt đã viết về người Mông hay nhất, cho tới nay, là Tô Hoài và Nguyên Ngọc. Họ đã có những năm tháng “lưu lạc” vào thế giới người và “thế giới đá” của người Mông, và đúng là họ đã “bị” cả người Mông lẫn cao nguyên đá “hút hồn”. Tô Hoài là một nhà văn hạnh phúc, dù cuối đời ông phải nằm bệnh viện nhiều tháng do đau bệnh và già yếu. Nhưng Tô Hoài minh mẫn đến cuối đời, sắc sảo đến cuối đời. Và cũng nhân hậu đến cuối đời. Một số người khi đọc một vài tác phẩm dạng “nhớ đâu kể đấy” của Tô Hoài, đã cho ông là “ác” khi kể lại những chuyện “nhạy cảm”. Riêng tôi nghĩ khác. Sứ mệnh của nhà văn là viết về đời sống, về con người, và không tránh né kể cả những sự thật không dễ chịu. Tô Hoài chỉ là nhớ thật, và viết thật lại những chuyện đã xảy ra thôi. Những chuyện mà ông chứng kiến chứ không phải “nghe kể lại”. Trước Tết Giáp Ngọ, tôi đã đến nhà Tô Hoài trong một ngõ nhỏ ở Hà Nội, lúc ông phải đi nằm bệnh viện. Tôi để ý lúc hỏi thăm những người hàng xóm buôn gánh bưng về nhà Tô Hoài, tôi đã nhận được sự yêu quý, thân thiện và ẩn cả niềm tự hào của họ khi nói về “nhà văn của ngõ mình”. Đúng Tô Hoài là nhà văn của một xóm nghèo ven đô, của một ngõ nhỏ nội đô với tất cả sự bình dị chân thành. Và ông, quan trọng hơn, là đã và sẽ còn ra thế giới như một nhà văn tầm cỡ. Một nhà văn của “ngõ nhỏ Hà Nội” ra tới những “xa lộ văn chương thế giới” một cách đường hoàng. Tại sao không?.
Đặng Tiến
Nguồn: diendan.org
Theo http://vanhoanghean.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...