Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

Gió heo may đã về

Gió heo may đã về
Không hẹn mà đến
không chờ mà đi
bốn mùa thay lá thay hoa
thay mãi đời ta...

(TCS)
Một sớm mai thức dậy, người uể oải, nặng nhọc, bước vào phòng tắm, nhìn vào gương soi, ngỡ ngàng như vừa gặp một người quen mà không nhớ là ai, nhìn tới nhìn lui một lúc mới nhận ra chính là ta đó. Ta mà như không ta. Ta bỡ ngỡ như ở cái tuổi mới lớn năm nào, chợt cao lên, chợt lớn lên và lạ lẫm với chính mình, chân tay lọng cọng như thừa như thiếu, mà mày thanh mắt sáng, mà muốn làm nghiêm cũng thấy như tủm tỉm cười. Còn giờ đây, cũng lạ lẫm với chính mình mà thử nhích khóe môi tìm lại nụ cười chợt thấy khó khăn, niềm vui thì vẫn vậy sao mắt môi như trĩu nặng. Một nếp xếp đã đậm theo vòng cung khóe miệng, những dấu chân chim đã hằn trên khoé mắt. Và kia, một vài nhánh tóc đã nhạt phai, khô quắt, mỏng tanh. Bỗng dưng thèm vẽ lại tức khắc khuôn mặt xa lạ mà thân quen kia, trước khi tắm táp, để rồi mày râu nhẵn nhụi lao vào công sở hay đến giảng đường, công ty, xí nghiệp... Rồi ngắm nghía mình, nghĩ ngợi mình, rình rập mình, mới hay, đã khá lâu rồi không còn dõi theo ta nữa, đã lâu rồi phải lao vào bao nỗi lo toan, đã lãng quên cả chính mình. Đã lâu rồi như không thấy có thời gian, không chờ lễ hội, dửng dưng với những tờ lịch rụng rơi, nặng trĩu những kế hoạch, những lịch công tác, vùi đầu vào những lôi kéo bộn bề. Chợt nhớ ra đã có lúc nào kia, phải chú ý lắng tai hơn để nghe người nói, có khi đã phải hỏi đi hỏi lại đôi lần. Có cái gì ở tai ta vậy? Rồi một lần kia, cầm tờ báo thân quen lên đọc bỗng cứ phải đẩy dần tờ báo ra xa, xa chút nữa, rồi chỉ đọc được những cái tựa, những dòng to. Thôi thì đành phải mua cái kiếng lão. Có kiếng lão rồi cũng nhứt định chưa lão, bất đắc dĩ lắm mới phải đeo lên, cho đến một hôm rồi đành mua thêm sợi dây toòng teng vì kiếm kiếng hoài thật vất vả. Rồi có lúc chợt như quên mất tên một người quen, quá quen. Quên cái tên thôi còn thì nhớ tất cả. Khi cần nhớ thì quên mà khi cần quên thì nhớ. Nhớ rất kỹ những chuyện xưa cũ. Lạ lùng chưa! Có lúc nhấc điện thoại lên, gọi cho ai đó, định nói điều gì đó thì quên tuốt, đành xin lỗi, nhầm số. Không lẽ hỏi người đầu dây bên kia, xin vui lòng cho biết tôi đang định nói gì với bạn đó vậy?

Tính tình cũng đâm ra cáu gắt. Chuyện không đáng gì sao cũng quạu. Lại trách cứ. Lại giận hờn. Lại ngờ vực. Lúc nào cũng nói tôi già rồi tôi già rồi như để được nghe mọi người nói không chưa già,vẫn trẻ. Rồi những ông bà già ngày nào thấy sao mà họ già khụ, già quá cỡ kia bỗng dưng như trẻ lại, ấy là lúc ta đã già kịp với họ , đã vào cái lứa của họ mà lâu nay vẫn cứ ráng như còn ở lứa nhỏ hơn. Có lúc đã giấu bớt tuổi đi, thì bây giờ lại muốn nâng lên. Ở phụ nữ thì không muốn ai hỏi tuổi nữa. Phụ nữ dĩ nhiên có vẻ như chậm già hơn khi trang điểm tí chút, vẫn giấu được những nếp nhăn chìm khuất. Nhưng khi một mình thức dậy, đứng trước gương soi, cũng sẽ nhận ra chút ngỡ ngàng xa lạ. Tất cả những "triệu chứng" kỳ cục đó là đặc trưng của tuổi chớm già, đang già, mới già. Và ơi cái tiếng Việt phong phú của mình còn đẻ ra nhiều thứ già khác như già nua, già cả, già xụ, già háp, già khú đế, già... dịch. Che giấu nó, trốn chạy nó, dối gạt chính mình hay chấp nhận nó, mỉm cười với nó, điều chỉnh mình... là tùy mỗi chúng ta, tùy mỗi cá tính và tùy mỗi nền văn hóa. Nơi người ta tôn trọng người già, người ta hãnh diện vì già, muốn mau già. Nơi người ta tôn trọng tuổi trẻ, hất hủi tuổi già thì người ta có khuynh hướng trốn chạy xua đuổi tuổi già. Nhưng dù muốn hay không muốn, tuổi già cũng cứ đến, lù lù đến, xồng xộc đến. Trước đây không lâu, dưới thời Pháp thuộc thôi, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam không quá bốn mươi, và do đó, vấn đề tuổi già, tuổi sắp già đã không cần đặt ra. Vả lại ở một nền văn hóa phong kiến, lúa nước, vị trí của các lứa tuổi, của nam nữ đã được định sẵn, không có xáo trộn gì nhiều, nên an phận thủ thường thật dễ dàng cho tất cả mọi người. Ngày nay, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng đáng kể, nam sáu mươi ba, nữ sáu mươi bảy và còn có thể tăng nhanh trong thời gian tới, kèm với kế hoạch dân số, sinh suất sẽ giảm, tháp tuổi sẽ ngày một phình to phía trên, và người già sẽ ngày càng đông trong xã hội, đặt ra những vấn đề mới. Hiện nay, tỷ lệ người già trên sáu mươi ở nước ta đã vào khoảng hơn mười phần trăm dân số và những người sống ngoài tám mươi không còn là hiếm. Bùng nổ thông tin, đô thị hoá, di dân, và những tiến bộ y khoa cũng đã góp phần đáng kể vào những đổi thay này. Người ta đã có thể thỉnh thoảng vào ra mỹ viện, chẻ cái cằm, độn cái ngực, lóc cục mỡ bụng, bơm xóa nếp nhăn, tiêm kích thích tố, rồi mỹ phẩm, rồi trang sức, rồi quần áo muôn màu muôn vẻ, người ta đã có thể dễ dàng đánh lừa mình, đã có thể chọn lựa già hay không già, to be or not to be vậy.
Tuổi chớm già
em đi qua chuyến đò
ối a con trăng còn trẻ
con sông đâu có ngờ
ngày kia trăng đã già

(TCS)
Tôi nhớ một câu chuyện của Tagore. Chuyện kể rằng xưa có người lái buôn thường đi buôn những chuyến xa nhà. Anh bỏ người vợ trẻ ở nhà mòn mỏi đợi trông. Như để chuộc lại những hờ hững của mình, lần này anh hỏi nàng muốn anh mua món quà gì cho nàng lúc trở về. Nàng lẳng lặng chỉ vầng trăng non cong vút đang vắt trên bầu trời xanh trong vời vợi kia. Anh ghi nhớ và hứa chắc sẽ mua cho nàng món quà đó dù giá có đắt đến bao nhiêu. Thế rồi ngày tháng trôi qua, một hôm, trước ngày trở về, anh nhớ lời hứa với vợ, đã nhìn lên bầu trời trong xanh kia, vầng trăng kia, và thế là anh mua ngay cho nàng một chiếc gương tròn, nạm những hạt kim cương lộng lẫy. Hí hửng tưởng nàng sẽ sướng vui, nhưng thật là bất ngờ, nàng nhìn chiếc gương tròn đắt giá kia mà cứ khóc mãi. Thì ra, nàng đâu có cần gương, nàng cần lược, một cái lược cài đầu cong vút như mảnh trăng non thượng tuần xinh xắn nọ. Trăng đã già lúc nào đó vậy?
Một người già bao giờ cũng có một người già hơn. Cho nên lúc nào già thì thật là khó biết. Thế nhưng tuổi chớm già thì có thể biết được. Những thay đổi về sinh lý có thể giúp ta nhận ra, dù sớm hay muộn, dù có quyết liệt hay khéo léo chối từ thì nó cũng cứ hiện ra trước mắt. Tây chắc sướng hơn ta. Cái ngôn ngữ của Tây ngôi thứ hai có một, còn ta thì dễ nhận ra khi người ta đang gọi mình bằng anh thân mật, rồi bằng chú lạnh nhạt, bằng bác kính mến, rồi bằng cụ... thương hại, lúc đó có trốn cũng không thoát. Dĩ nhiên cũng có trường hợp đáng là chú rồi mà vẫn được gọi bằng anh nguy hiểm, đến nỗi ca dao thời đại có câu: "Xin đừng gọi chú bằng anh, để cho chú phải hy sanh cuộc đời!". Như đã nói, trước đây tuổi thọ người Việt rất thấp nên ít có người kịp nhận ra tuổi chớm già cuả mình. Một Nguyễn Khuyến cảm khái "Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay" là khi mới gần năm mươi. Một Hồ Xuân Hương thảng thốt "Cái già xồng xộc nó thì theo sau..." lúc bà hẳn chưa tới bốn mươi. Ngày nay, tuổi thọ trung bình của chúng ta đã tăng rõ rệt, và còn gia tăng trong thời gian tới. Các nhà chuyên môn cho rằng tuổi chớm già, ấy là lứa tuổi từ bốn mươi đến sáu mươi, sau sáu mươi thì... già thiệt rồi, hết chối cãi rồi! Giai đoạn chớm già thực sự là ở lứa tuổi từ bốn mươi đến năm mươi, còn từ năm mươi đến sáu mươi phải gọi là tuổi đã... quá chớm già. Do tuổi thọ gia tăng như vậy, con người phải sống với lứa tuổi chớm gìa này một thời gian cũng hơi dài, ít ra cũng chừng hai mươi năm, với rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý, quan hệ xã hội và không ít những vấn đề bệnh lý, mà nhiều khi thiếu chuẩn bị hoặc né tránh, ta có thể gặp những tình huống không hay.

Nền văn minh nông nghiệp an lành bên lũy tre xanh ngày nay còn bị hất tung lên với tiếng nhạc xập xình của karaoke, với các loại phim ảnh... xô con người vào những nếp sống xa lạ. Người phụ nữ ngày càng tham gia vào xã hội, ngày càng nhiều người chọn nếp sống độc thân, lo cho công danh sự nghiệp hơn là an phận với cuộc sống gia đình như ngày xưa, trong một môi trường đầy cám dỗ và cạnh tranh cũng gặp phải những hoàn cảnh như người phụ nữ phương Tây hiện nay ở tuổi chớm già, vừa có những khó khăn về tâm sinh lý vừa có những khó khăn về xã hội phải tự điều chỉnh và thích nghi.
Tuổi chớm già, ấy là tuổi của chuyển tiếp, của lúng túng, hoang mang, tuổi của những stress, của những lo âu và phiền muộn, của những mối hiểm nguy rình rập về sức khoẻ, về quan hệ gia đình, xã hội... đồng thời tuổi chớm gìa cũng thường là tuổi của thành tựu, của thành đạt, của cương vị và uy tín trong xã hội. Cái người ta dễ thấy nhất là những thay đổi sinh lý: hết khả năng sinh sản, giảm đời sống tính dục. Rồi luyến tiếc dĩ vãng, nhớ cái thuở trẻ trung, cái thời nhan sắc. Một nỗi buồn man mác chợt đến dù không nói ra, dù gắng gượng quên đi... nhưng "chiều hôm thức dậy, ngồi ôm tóc dài, chập chờn lau trắng trong tay...".
Đỗ Hồng Ngọc 
Theo https://www.rongmotamhon.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...