Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

Nhạc và thơ trong ca khúc Trịnh Công Sơn

Nhạc và thơ 
trong ca khúc Trịnh Công Sơn
Có người cho rằng Trịnh Công Sơn là một nhà thơ lớn. Nhạc chỉ là “chiếc xe tải” chở thơ anh đến với mọi người. Thực tế rất khó lòng tách bạch giữa thơ và nhạc trong những ca khúc của anh. Nhạc và thơ hòa quyện vào nhau, nương tựa vào nhau tạo nên những nhạc phẩm đã và sẽ làm say mê hàng triệu triệu trái tim. Trong đó phải nói phần ca từ đóng một vai trò hết sức quan trọng, với những đặc điểm nổi bật về cách ghép từ, nhịp điệu, gieo vần và biện pháp so sánh, đặc biệt là ở trong những ca khúc viết về tình yêu.

Trong số 600 ca khúc mà Trịnh Công Sơn để lại có đến hơn 400 ca khúc là nhạc tình. Ca từ của Trịnh Công Sơn lời đẹp, ý sâu, âm điệu nhẹ nhàng, êm ái. Anh viết lời một cách dễ dàng, tự nhiên “như lấy chữ từ trong túi ra” (cách nói của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát). Tôi cứ tưởng tượng Trịnh Công Sơn viết nhạc không khác gì Nguyễn Bính làm thơ. Đây là những tài năng thiên phú. Những người như thế, phong cách hình thành rất sớm và nó chi phối gần như suốt cả cuộc đời sáng tác của họ. Thực ra, số lượng từ mà Trịnh Công Sơn sử dụng không lớn và có một số  từ được anh dùng đi dùng lại khá nhiều lần. Trịnh Công Sơn có những cách ghép từ rất lạ như: tuổi đá buồn, hạ trắng, con tim mù lòa, chợt hồn xanh buốt... Kiểu ghép từ mới lạ này đã góp phần làm nên phong cách riêng của anh.
Một nét riêng nữa rất dễ nhận thấy là nhịp điệu trong các ca từ của Trịnh. Nhịp điệu trong ca từ là yếu tố vô cùng quan trọng làm nên nhạc điệu của ca khúc. Các nhà thơ, các nhạc sĩ tài năng đều có các kiểu ngắt nhịp riêng phù hợp với  nhịp điệu của cảm xúc. Trịnh Công Sơn cũng có rất nhiều kiểu ngắt nhịp. Ở bài Cát bụi chủ yếu là nhịp 3-4: Bao nhiêu năm - làm kiếp con người/ Chợt một chiều - tóc trắng như vôi... tạo nên nét nhạc trầm lắng, suy tư. Bài Tình nhớ ngắt theo nhịp 3-2: Một người về - đỉnh cao/ Một người về - vực sâu... tạo nên nét nhạc đứt đoạn như sự chia lìa. Nhưng kiểu ngắt nhịp đôi (2-2) theo tôi mới là kiểu ngắt nhịp phổ biến trong ca từ Trịnh Công Sơn. Chính kiểu ngắt nhịp này góp phần làm nên nhạc điệu chủ đạo trong gần một phần ba tình khúc của Trịnh. Chẳng hạn như: Ngày mai - em đi - đồi núi - nghiêng nghiêng  - đợi chờ/ Sỏi đá - trông em - từng giờ/ Nghe buồn - nhịp chân - bơ vơ... (Biển nhớ);  Mưa vẫn - mưa bay - trên hàng - lá nhỏ/ Buổi chiều - ngồi ngóng - những chuyến - mưa qua... (Diễm xưa); Gọi nắng - trên vai - em gầy/ Đường xa - áo bay... (Hạ trắng); Con chim - ở đậu - cành tre/ Con cá - ở trọ - trong khe - nước nguồn... (Ở trọ). Cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu của nhạc Trịnh phải chăng một phần là do kiểu ngắt nhịp khá phổ biến này?
Vần cũng là một yếu tố quan trọng của cả thơ lẫn nhạc. Trịnh Công Sơn gieo vần hết sức linh hoạt và sáng tạo. Nhạc Trịnh dễ nhớ, dễ hát một phần cũng do lối gieo vần của tác giả. Cũng như Nguyễn Bính, Trịnh gieo vần một cách tự nhiên, không hề gò ép. Trịnh Công Sơn có nhiều cách gieo vần nhưng cách gieo vần được sử dụng nhiều nhất trong ca từ của anh là cách gieo vần “chân” (các từ hiệp vần  đều nằm cuối câu) và thường liền với nhau từng nhóm ba câu một vần. Cách gieo vần này cũng góp phần tạo nên âm điệu riêng của nhạc Trịnh Công Sơn. Chẳng hạn như:  
Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ/ Sỏi đá trông em từng giờ/ Nghe buồn nhịp chân bơ vơ... Cồn đá rêu phong rủ buồn/ Đèn phố nghe mưa tủi hờn/ Nghe ngoài trời giăng mưa luôn... (Biển nhớ); Gió heo may đã về/ Chiều tím loang vỉa hè/ Và gió hôn tóc thề... (Nhìn những mùa thu đi); Gọi nắng trên vai em gầy/ Đường xa áo bay/ Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say/ Lối em đi về trời không có mây... (Hạ trắng); Màu nắng hay là màu mắt em/ Mùa thu mưa bay cho tay mềm/ Chiều nghiêng nghiêng nắng bóng qua thềm... (Nắng thủy tinh);  Biển sóng - biển sóng - đừng xô nhau/  Ta xô - biển lại - sóng về đâu/ Sóng bạc đầu - và núi - chìm sâu... (Sóng về đâu).
Một trong những yếu tố làm cho ca từ của Trịnh Công Sơn đẹp, giàu hình ảnh, giàu ý nghĩa, gây ấn tượng khó quên đối với người nghe còn là cách thức sử dụng các biện pháp tu từ. Nghe và đọc gần bốn trăm tình khúc của Trịnh Công Sơn, tôi nhận thấy biện pháp tu từ mà nhạc sĩ sử dụng khá nhiều là biện pháp so sánh. Nhạc sĩ có một số  so sánh hết sức bất ngờ, gây ấn tượng mạnh. Có lẽ chỉ Trịnh Công Sơn mới so sánh: Tình yêu như trái phá/ con tim mù lòa; Tình yêu như vết cháy trên da thịt người; Buồn như giọt máu... Đối tượng được đưa ra so sánh chủ yếu là những hiện tượng thiên nhiên, gần gũi với đời sống hằng ngày. Chẳng hạn như: Tình yêu như biển, biển rộng hai vai/ Tình yêu như biển, biển hẹp tay người. Lạc lối... (Lặng lẽ nơi này). Đây là cách so sánh mà không phải ai cũng hiểu. Tình yêu như biển thì quá rõ nhưng vì sao biển rộng hai vai? Điều này làm cho ca từ của Trịnh có những “nét nhòe”, kích thích trí tò mò của người nghe. Nhưng cách so sánh hơi khó hiểu ấy không nhiều. Phần lớn Trịnh Công Sơn chọn cách so sánh tương đối dễ hiểu, dễ nhớ. Chẳng hạn như:
Bao nhiêu năm làm kiếp con người/ Chợt một chiều tóc trắng như vôi... (Cát bụi); Một người về đỉnh cao/ Một người về vực sâu/ Để cuộc tình chìm mau/ Như bóng chim cuối đèo... (Tình nhớ); Trời còn làm mây, mây trôi lang thang/ Sợi tóc em buồn, trôi nhanh, trôi nhanh/ như dòng nước hiền... Tuổi buồn như lá/ gió mãi cuốn đi/ quay tận cuối trời… (Tuổi đá buồn);  Cuộc tình lên cao vút/ như chim mỏi cánh rồi/ như chim xa lìa bầy/ như chim xa lìa trời/ như chim bỏ đường bay… (Tình sầu). Người khác chỉ có thể so sánh “như chim mỏi cánh rồi” là hết, nhưng Trịnh Công Sơn có thể so sánh  liên tục  mà lại hết sức dễ dàng như lấy “từ trong túi ra”. Muốn so sánh dễ dàng như vậy phải có óc liên tưởng phong phú và nhạy bén. Với Trịnh, thiên nhiên là người bạn thân thiết sẵn sàng trở thành chất liệu giúp nhạc sĩ thể hiện ý tưởng, tình cảm của mình. Thiên nhiên không chỉ trở thành đối tượng để so sánh mà  còn biến thành hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa trong những tình khúc của Trịnh. Nghe nhạc Trịnh, ta bắt gặp rất nhiều các hình ảnh: Con chim ở đậu, con cá ở trọ; chợt buồn trong mắt nai; đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ; sỏi đá trông em từng giờ…       
Một số đặc điểm về cách ghép từ, ngắt nhịp, gieo vần, biện pháp so sánh… đã góp phần làm cho nhạc Trịnh Công Sơn không giống ai: giản dị mà không đơn điệu, quen thuộc mà vẫn mới lạ, triết lý mà chứa chan tình cảm.
Mai Văn Hoan
Theo http://baodaklak.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...