Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Biên đảo phía mặt trời

Biên đảo phía mặt trời
Tháng 5 năm 1986, đoàn cán bộ lãnh đạo và văn nghệ sĩ tỉnh Phú Khánh (tháng 7 năm 1989 mới chia tách lại thành hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa) do chủ tịch Ủy Ban Nhân dân tỉnh Võ Hòa dẫn đầu cùng với đoàn đại diện lãnh đạo Quân chủng Hải quân ra thăm huyện đảo Trường Sa. Đoàn văn nghệ sĩ của tỉnh có 10 người gồm 3 nhà văn, 2 nhạc sĩ, 4 ca sĩ và một diễn viên kịch câm, do tôi làm trưởng đoàn. Đây là chuyến đi dài ngày nhất của đoàn cán bộ tỉnh so với tất cả các đoàn trước đó. Gần một tháng trời lênh đênh giữa đại dương, ghé thăm tất cả các đảo kể cả những đảo nửa nổi nửa chìm, ở thời điểm ấy ta chưa có điều kiện đóng quân. Có thể nói, đây là chuyến đi đặc biệt lý thú và bổ ích với bao điều cảm nhận mới mẻ, đầy ắp kỷ niệm với biển, đảo và con người ở Trường Sa mà nhiều năm sau này, mỗi người chúng tôi không thể nào quên. Xuất phát từ quân cảng Cam Ranh, suốt hơn ba mươi tiếng đồng hồ trên biển cả, có lúc gặp gió cấp sáu, cấp bảy, tất cả các thành viên trong đoàn đều say sóng nằm la liệt trong các phòng và cả trên tàu, chúng tôi đã cập đảo đầu tiên. Đó là đảo Song Tử Tây, đảo nằm ở phía cực Bắc của huyện đảo, cũng là đảo được giải phóng đầu tiên trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 14 tháng 4 năm 1975. Tàu vừa kéo còi, buông neo dừng ngoài thềm san hô, cách đảo khoảng bốn, năm trăm mét, chờ xuồng ở đảo ra đón, tất cả chúng tôi như chợt biến thành những con người khác. Cơn mệt mỏi vì say sóng vụt tan biến. Chúng tôi náo nức, ngạc nhiên, chờ giây phút được đặt chân lên đảo. Đảo thế này ư? Tôi như không tin vào mắt mình. Giữa đại dương mênh mông xanh biếc, nổi lên một cồn san hô có cát trắng bao quanh, có độ cao không hơn gì mặt boong tàu chúng tôi đang đứng nhưng có những vòm cây xanh của sự sống. Nhìn kỹ thấy có cả cổng chào, băng rôn khẩu hiệu, cờ bay phất phới và lính đảo đi lại. Hai chiếc xuống nhôm hối hả chèo từ đảo ra. Trên tàu cũng thả xuống hai chiếc xuồng cao su. Tiếng đại tá tham mưu trưởng vùng 4 hải quân cất lên lanh lảnh trên loa phóng thanh chỉ thị cho những đối tượng nào cần được ưu tiên lên đảo trước. Các nhà quay phim, nhiếp ảnh, văn nghệ sĩ được xếp ngay chuyến đầu cùng với những người có nhiệm vụ tiền trạm. Ngồi trên xuồng, nhìn xuống đáy biển, chúng tôi bật lên reo như trẻ nhỏ. Qua làn nước trong như pha lê, cả một thế giới thủy cung hiện ra rõ mồn một như trong một cuốn phim màu. Rừng san hô trúc điệp trùng, lả lướt. Những con cá to nhỏ khác nhau, đủ màu sắc lao đi vun vút. Những chú tôm, mực kềnh càng, Hải sâm trắng, hải sâm đen, hải sâm gai nằm la liệt như mê ngủ. Và những cụm san hô tím, vàng, xanh lơ như những bó hoa lạ rải rác… Còn cách bờ mấy chục mét, có mấy vạt san hô dâng cao, xuồng mắc cạn không đi tiếp được, chúng tôi ào xuống lội bộ. Nước còn sâu, biển lại cho sóng đuổi dồn theo như quyến luyến, khiến nhiều người luống cuống, ướt cả quần áo. Mặc, tiếng cười, tiếng xuýt xoa reo mừng, ngạc nhiên nổi lên tứ phía. Thanh Thanh, Ngọc Diệp, hai cô ca sĩ của đoàn suốt thời gian tàu ra khơi, nằm “cấm cung’ trong buồng dành riêng, hầu như không biết trời đất là gì, giờ trở nên vui nhộn nhất. Các cô như vừa phát hiện một kho báu.
Mặc dù còn mang hành lý kềnh càng vẫn hối hả lượm san hô, ốc màu - Ngọc Diệp còn lôi thêm một sinh vật biển kì dị, tròn vo như một quả bóng bơm căng với gai nhọn và cái đuôi vắt vẻo. Lính đảo ùa ra đón đoàn. Mũ sắt, quân phục mới tinh. Dưới nắng trưa chói chang, những nụ cười lớa nắng nở trên những gương mặt nâu đen xạm đang dãn ra vì niềm vui. Họ nồng nhiệt giành mang giúp chúng tôi hành lý về nơi nghỉ đã chờ sẵn. Dưới bóng những cây xanh, thân mềm mại, uốn khúc mà lát sau chúng tôi mới biết, đó là cây phong ba nổi tiếng, thường được nhắc tới trong những bài thơ, bài hát về Trường Sa, giờ đây thành những điểm gặp gỡ, hàn huyên sôi nổi. Những người thân gặp nhau, tay bắt, mặt mừng. Trừ đoàn cán bộ “dân sự” chúng tôi, hầu hết các sĩ quan của lữ đoàn, của vùng hải quân và của quân chủng đều ít nhiều đã ra đảo một đôi lần. Nhưng những người mới ra đảo lần đầu như chúng tôi cũng không hề cảm thấy xa lạ. “Thủ trưởng quê ở đâu ạ?” (Chúng tôi bất ngờ khi được cánh lính trẻ kêu là “thủ trưởng”). “A, Hải Hưng, Thái Bình, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên… đảo có cả đấy ạ!” “Chuyến này có mang phim ra không, thủ trưởng?” “Phim gì đấy, thủ trưởng?”,”A, Bài ca không quên, A Li Ba Ba và 40 tên cướp. Hết sẩy!”, “Hát đi các đồng chí nữ văn công ơi!” “Không xa đâu Trường Sa ơi… Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh… Vẫn gần bên anh vì…”. Đỗ Trí Dũng, nhạc sĩ của đài truyền hình tỉnh, người có dáng to mập như một lực sĩ, ôm đàn guitar cất tiếng hát đầu tiên. Quanh gốc cây phong ba anh đứng, phút chốc quây quần thành một buổi liên hoan văn nghệ dã chiến ngay dưới nắng trưa đang gay gắt.
Đêm biểu diễn và liên hoan văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây diễn ra thật đặc biệt. Sau biểu diễn của đoàn văn nghệ tỉnh còn chương trình chiếu phim nên ban đầu chúng tôi nghĩ phần văn nghệ chỉ khoảng trên dưới một tiếng đồng hồ là cùng. Đoàn có 10 người, 3 nhà văn, chỉ có một kiêm nhà thơ cùng với 7 người còn lại là ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên kịch câm mà đảm nhận một chương trình trên dười 60 phút đã là một cố gắng lớn. Nhưng buổi chiều, làm việc với lãnh đạo đảo, chúng tôi thực sự lo lắng khi nghe đảo trưởng tuyên bố dứt khoát: “Khai mạc 7 giờ tối. Các anh chị làm thế nào thì tùy, nhưng không thể kết thúc trước 10 giờ, sau đó mới chiếu phim. Phim có thể 6 tháng, một năm mới có một lần, nhưng văn công mấy năm mới có một lần. Lại là văn công của tỉnh lần đầu tiên mới ra biểu diễn ở đảo. Các đồng chí nghỉ trước mười giờ là lính không chịu về đâu!”. Chẳng biết cần diễn cho “tới số”. Trót cưỡi hổ, không còn cách nào khác, tôi họp đoàn giao trách nhiệm từng người phải phát huy tối đa “công suất” biểu diễn để phục vụ lính đảo vì cơ hội ra đây có thể chỉ có một lần trong đời mỗi người.
Sau đó, về phần mình, tôi phải tranh thủ thời gian, trốn vào hầm pháo hì hục làm được 3 bài thơ ghi lại những cảm xúc đầu tiên để tối có thể lên trình diễn. Và điều bất ngờ xảy ra. Trừ hai nhà văn không có tiết mục nào tham gia, đành phải loay hoay phục vụ “hậu cần”, 8 thành viên còn lại  đều có một buổi biểu diễn “xuất thần”, liên tục thay nhau làm chủ sân khấu, được lính hết đảo vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Hai nữ ca sĩ có tiết mục phải diễn đi, diễn lại 3 lần. Còn nghệ sĩ kịch câm Đặng Dũng đang biểu diễn thì trời đổ mưa, đường dây diện bị đứt nhưng Đặng Dũng vẫn không thể dừng giữa chừng vì thay thế cho ánh điện là hàng chục chiếc đèn pin lập tức bật sáng rọi lên sân khấu. Buổi biểu diễn kết thúc vào mười giờ mười lăm phút đêm, nhường chỗ cho buổi chiếu phim bắt đầu nhưng lính đảo còn vỗ tay kéo dài tỏ vẻ lưu luyến.
Trưa hôm sau, rời đảo Song Từ Tây để tiếp tục hành trình đến các đảo khác, buổi tiễn đưa ngắn ngủi theo tác phong quân sự nhưng đầy lưu luyến, cảm động. Mỗi chúng tôi đều thấy từ giờ phút này, Song Tử Tây, hòn đảo cực Bắc của Trường Sa đã trở nên thân thiết như một mảnh đất quê thương nhớ của mình. Những ngày tiếp theo con tàu đưa chúng tôi đến các đảo còn lại. Có đảo dừng lại hai ngày. Có đảo chỉ vài ba tiếng đồng hồ nhưng tất cả đều gây cho chúng tôi những ấn tượng đặc biệt, khó quên. Sơn Ca, Nam Yết, Đá Đông, Đá Tây, Phan Vinh, Thuyền Chài, Tiên Nữ, Trường Sa… Có đảo phẩn nổi lên mặt nước chỉ bằng một sân bóng. Có đảo như hình con sam, có cái đuôi là dải cát cứ xoay tròn quanh đảo theo gió mùa, đúng một năm cái đuôi xoay quanh đảo vừa tròn một vòng. Chúng tôi cũng đã gặp, trò chuyện với nhiều cán bộ chiến sĩ Trường Sa đến từ rất nhiều địa phương trong cả nước đã từng sống, chiến đấu bảo vệ vùng đảo tiền tiêu xa xôi nhất này của Tổ quốc từ một đến nhiều năm, mà theo cảm nhận của chúng tôi, chỉ cần sống và làm tốt nhiệm vụ ở Trường Sa ba năm đã có thể xứng đáng phong tặng danh hiệu anh hùng hoặc tặng thưởng huân chương.
Tôi muốn ghi lại đây những gì được thấy, được nghe ở đảo Trường Sa lớn đêm cuối cùng của chuyến đi trước khi chúng tôi rời huyện đảo để trở lại đất liền. Trong đêm, diễn ra buổi tổng diễn tập bảo vệ đảo. Nhưng theo nguyên tắc, chúng tôi không hề được dự báo trước.
Đúng hai giờ sáng. Vừa nghe tiếng súng lệnh, tôi bật dậy khỏi giường, chạy ra sân. Vừa lúc, một quả pháo hiệu vút lên, nổ bùng giữa không trung. Bầu trời đêm mênh mông bỗng giãn nở ra một vùng sáng lung linh. Những ngọn cây, mái lán trại trên đảo hiện ra bồng bềnh, nửa hư, nửa thực. Tiếng  khẩu lệnh bắt mục tiêu vang lên xa gần đâu đó. Bất thần, từng loạt đạn đỏ lừ, tiếp vút lên, đuổi theo nhau bám sát lấy mục tiêu lúc này là ngọn đèn dù đang lơ lửng trên cao. Những loạt đạn rất chụm, rất căng như vô số mũi tên lửa từ bốn góc đảo ghìm chặt lấy mục tiêu. “Bắn hay quá!” Tiếng ai đó thốt lên. Tôi quay nhìn. Tất cả số anh em trong đoàn chúng tôi lúc này đều đã có mặt trên sân bãi.
Trong ánh đèn dù, gương mặt ai cũng sáng lên, đầy vẻ tự hào được chứng kiến buổi diễn tập không được báo trước này. Những mũi lao lửa vẫn vun vút phong lên liên tiếp từ mặt đất. Phút chốc ngọn đèn dù đã bị bắn trúng, vụt tắt. Trong khoảng khắc bầu trời đêm của đảo trở lại yên tĩnh với những vì sao xa bất ngờ lại hiện ra lấp lánh, lấp lánh reo vui, chào mừng những tay súng tài giỏi bảo vệ đảo.
Tiếng sóng biển càng rộ lên ì ầm. Lát sau, tiếng khẩu lệnh lại vang lên. Buổi diễn tập tiếp tục với nhiều tình huống khác đặt ra với sự tham gia của nhiều loại vũ khí trong lúc anh em trong đoàn chúng tôi vừa hào hứng theo dõi, vừa thảo luận sôi nổi về truyền thống anh hùng và trình độ tác chiến hiện đại của bộ đội Trường Sa.
Ở vùng đảo xa xôi nhất của Tổ quốc, nơi được mệnh danh là “quần đảo bão tố” này, cán bộ, chiến sĩ của chúng ta không chỉ thường xuyên phải đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, thay đổi thất thường mà còn luôn phải cảnh giác đối phó không biết mệt mỏi với đủ loại kẻ thù luôn dòm ngó, xâm phạm. Ngay sau buổi sáng ngày 14 tháng 4 năm 1975, ngày chúng ta giải phóng Song Tử Tây, đảo đầu tiên thuộc quần đảo Trường Sa thì chỉ mấy ngày sau đó đã có hai chiếc tàu lạ xuất hiện từ hướng Đông Bắc tiến về phía đảo. Thấy lá cờ đỏ sao vàng đã phất phới bay trên cột mốc chủ quyền và tín hiệu cảnh báo hành động xâm phạm lãnh thổ phát đi từ đảo, hai chiếc tàu lạ đã lẳng lặng rời sang hướng khác. Tham vọng của những kẻ tưởng có thể nhân lúc ta đang mải thừa thắng xông lên dồn địch tới những hang ổ cuối cùng để tiêu diệt trên đất liền, chúng có thể nhanh tay lật con bài “chuyện đã rồi” như đã xảy ra ở Hoàng Sa từ mấy năm trước đã hoàn toàn sụp đổ. Cánh quân nhận nhiệm vụ đi giải phóng Trường Sa gồm một lực lượng đặc công nước tinh nhuệ do trung tá Mai Năng, người cán bộ quân đội giàu kinh nghiệm, từng chỉ huy lập nhiều chiến công, đã tranh thủ thời cơ, nhanh chóng giải phóng liên tiếp giải phóng các đảo còn lại: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn… và đúng 9 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975, trước giải phóng Sài Gòn hơn một ngày, lực lượng quân giải phóng đã làm chủ hoàn toàn đảo Trường Sa, đảo cuối cùng, cũng là đảo mang tên chung của quần đảo.
Cũng từ ngày 29 tháng 4 lịch sử ấy, cùng cả nước, Trường Sa vào trang sử mới của thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhưng những thế lực thù địch của chúng ta chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược, lấn chiếm của chúng, đặc biệt đối với Hoàng sa, Trường Sa, chúng luôn coi như những miếng mồi béo bở khi nhu cầu phát triển kinh tế biển của thế giới ngày càng trở nên nóng bỏng. Tàu chiến, tàu buôn, tàu giả dạng đánh cá, thuyền trôi dạt sau trận bão, máy bay vận tải, máy bay trinh sát, chiến đấu không mang cờ hiệu… chỉ tính riêng trong hơn năm năm đầu của thập kỷ tám mươi, trên vùng biển thuộc quần đảo đã có tới hơn hai nghìn lần/ chiếc tàu thuyền và trên không có hơn năm ngàn lần/ chiếc máy bay xâm nhập trái phép và có những hoạt động trinh sát hoặc khiêu khích, vây ép một đảo nhỏ suốt mười ba ngày đêm như để “nắn gân” cán bộ, chiến sĩ ta.
Lần khác, lợi dụng cơn bão lớn, chúng dùng xuồng nhỏ xâm nhập. Bộ đội Trường Sa với ý chí kiên cường luôn sẵn sàng cảnh giác, quyết tâm bảo vệ đảo và vùng biển quê hương, luôn sẵn sàng cảnh giác, phát hiện và xử lý linh hoạt, kịp thời theo đúng đối sách và luật pháp Việt Nam, quốc tế cho từng loại đối tượng, đã làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù.
Trong báo cáo thành tích 5 năm (1980-1985) của đoàn Trường sa chỉ ghi những dòng ngắn gọn:
“Đảo Sinh Tồn Đông, ngày 4 tháng 6 năm 1980, đã bắt sống 15 tên biệt kích nước ngoài, khi chúng giả dạng những người dân đi đánh cá bị lạc tàu.
… Đảo Trường Sa, ngày 5 tháng 12 năm 1983, bắt sống 15 tên biệt kích của Đ. Góp phần ghi vào sổ vàng truyền thống của quân đội ta thêm một loại tù binh mới”
Thường xuyên học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ và hiệu lực chiến đấu cùng với việc xây dựng vùng đảo ngày càng trở nên giàu đẹp, luôn là ý chí, quyết tâm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, không kể là những cán bộ, chiến sĩ lâu năm hay những anh lính trẻ vừa từ đất liền ra đảo.
… Đêm ở Trường Sa ngắn hơn ở đất liền.
Buổi chiều, khi mặt trời lặn dần xuống biển, lính đảo Trường Sa đứng ở bãi cát rất đông nhìn về phía mặt trời lặn, nơi đó là đất liền Tổ quốc.
“Nơi đây, chúng tôi thích ngắm hoàng hôn hơn cả bình minh. Xin đừng nghĩ chúng tôi ưa ngược đời hay mang nỗi buồn hiu hắt.
Điều đơn giản vì phương mặt  trời lặn là đất liền Tổ quốc.
Chúng tôi gửi Niềm - tin - Mặt Trời về với mẹ thương yêu!”
Khi mặt trời đã tắt hẳn, dù đêm không có trăng, đảo thường như vẫn không có lúc nào tối sẫm mà luôn có thứ ánh sáng bàng bạc, có lẽ toả ra từ mặt biển và nền san hô trắng. Rồi khoảng bốn giờ sáng, đã thấy mặt biển phía đông rạng dần.
Trong suốt chuyến đi này, ban ngày chúng tôi không có thời gian để nghỉ ngơi đã đành, ban đêm cũng thường ngủ rất ít vì mỗi giờ phút ở Trường Sa đâu dễ có được trong đời mỗi người. Đêm nay, đêm cuối cùng ở Trường Sa, lại được chứng kiến cuộc tổng diễn tập trên đảo, thời gian còn lại đợi sáng để về lại đất liền, chúng tôi không một ai nỡ ngủ tiếp. Lính đảo cũng đã đến với lán của chúng tôi mỗi lúc một đông, quây quần trò chuyện, xin chữ ký. Lại đề nghị hát, đọc thơ. “Không còn bài hát mới thì hát lại”, “Bài gì cũng được, không nhất thiết cứ phải đề tài lính tráng!”, “Lính thì đề tài nào chẳng liên quan. Hà Nội mùa thu, Qua vùng Quan Họ, Người ở đừng về, Nghệ Tĩnh mình ơi… Bài nào bọn tôi cũng muốn nghe hết. Hát về tình yêu càng tuyệt cú mèo!”…
Không chỉ đơn ca, mà cả tốp ca, đồng ca. Vỗ tay nhộn nhịp từng đám. Và bao trùm lên tất cả là cảm giác nhộn nhịp, đông vui, ấm lòng của buổi quây quần đông vui giữa những người thân yêu trên mảnh đất quê nhà, quên hẳn đây là hòn đảo mênh mông giữa bốn bề sóng nước xa đất liền hàng trăm hải lý. “… Dù ngày mai về đâu - Cũng đừng quên  đảo nhỏ - Vẫn đứng đầu sóng gió - Giữa đại dương bao la… Có một vùng đảo xa - Nơi biển xanh bát ngát - Tên nghe như tiếng hát - Ôi Trường Sa! Trường Sa”
Đã sắp đến giờ phải chia tay. Qua ánh sáng nhạt nhòa như trong đêm trắng của đảo, tôi cố nhận biết và hình dung ra từng gương mặt cán bộ, chiến sĩ và ngoài kia, cột mốc chủ quyền sừng sững in hình lên nền trời đang rạng dần màu sáng hồng của bình minh ngày mới.
Nơi đây, những người con yêu quý đang ngày đêm canh giữ bầu trời, biển cả của Tổ quốc, các anh luôn là những người thay mặt cả nước chào đón ánh mặt trời đầu tiên của ngày mới, cả những buổi đẹp trời hay khi dông bão.
… Hai mươi ba năm đã trôi qua, kể từ những ngày đầu tiên đến Trường sa nhưng những hình ảnh và kỷ niệm về biển đảo và những con người nơi đây vẫn in đậm trong tôi, trở thành nỗi nhớ. Huyện đảo Trường Sa giờ đã có biết bao thay đổi, nhiều căn nhà mới khang trang được mọc lên, ngay cả ở những đảo nửa chìm nửa nổi cũng có “nhà cao tầng” đủ tiện nghi, cho một cuộc sống tương đối bình thường. Giờ đây Trường Sa không chỉ có lính mà đã có những gia đình người dân đầu tiên ra lập nghiệp. Những đảo trụi ngày nào, bây giờ với từng sọt đất từ dất liền gửi ra, màu xanh của cây trái từng ngày lan tỏa. Và tình yêu thương và niềm tin vào khả năng và ý chí sắt đá bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên đảo phía mặt trời càng trở nên vững chắc hơn bao giờ hết.
Nha Trang, tháng 8 năm 2009
Nguyễn Gia Nùng
Nguồn: Có một Nha Trang thầm lặng. 
 Tập Ký của Nguyễn Gia Nùng. NXB VH 11-2010
Theo https://trieuxuan.info/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chúng ta đã tìm bình yên ở những đâu Khi đối mặt đại dịch Covid-19, càng hiểu thêm giá trị của cuộc giằng co giữa sự thật và giả dối tro...