Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Lê Yên - Nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu của tân nhạc Việt Nam

Lê Yên - Nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu 
của tân nhạc Việt Nam
Lê Yên tên thật là Lê Đình Yên, sinh ngày 30 tháng 7 năm 1917, quê ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, tỉnh  Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội.
Ông là một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Ông học nhạc từ lúc 14, 15 tuổi và biết kéo violon, violoncelle để tham gia vào các ban nhạc tài tử lúc đó, trình tấu nhạc cổ điển như một trích đoạn trong Symphonie Inachevée của Schubert chẳng hạn. Sáng tác đầu tay của Lê Yên là những bản Vườn xuân, Một ngày vui đã được Văn Chung bỏ vốn ra để xuất bản và phát hành.
Năm 1935 ông đã được nhiều người biết tới với bài Bẽ bàng.
Tình duyên đôi ta bẽ bàng
Đành để muôn năm lỡ làng
Còn nói ái ân làm chi
Ngày vui xưa qua mất rồi
Lòng thương xưa phai hết rồi
Tình yêu xưa tan mất rồi
Còn oán trách nhau làm chi...
Vì đâu đôi ta bẽ bàng
Vì đâu muôn năm lỡ làng
Thật đáng tiếc thay tình xưa
Vì đâu vui kia hết rồi
Vì đâu thương kia hết rồi
Vì đâu yêu kia xóa rồi
Mà nỡ chóng quên tình xưa...
(Dạo nhạc)
Xin đừng nhắc nhở lời êm đềm ấy hết rồi
Sao không cùng chung sống trong yêu đương
Từ ngày còn được gần gũi bên nhau
Khiến phút ấy qua mất rồi còn đâu...
Xin đừng nhắc mối tình ban đầu ấy đã đành
Tan theo cùng mây khói trong không gian
Từ ngày nào cùng nhau lỡ nhịp cầu
Mà khiến đến nay khó lòng gặp nhau
Tình đôi ta nay lỡ rồi
Đành ôm đau thương suốt đời
Buồn tiếc mối duyên tình xưa
Nhìn mây, mây trôi hững hờ
Nhìn trăng, trăng soi lững lờ
Nhìn hoa, hoa phai úa mờ
Âm thầm riêng có bóng ta trong giấc mơ...
Tiếp đó là bài nhạc vui Nghệ sĩ hành khúc (1937) soạn theo thể pasodoble.
Trước 1945, Lê Yên đã đánh đàn tại các quán trà, tiệm nhảy để kiếm sống, tham gia dàn nhạc nhẹ sang biểu diễn ở Côn Minh (Trung Quốc).
Sau Cách mạng tháng Tám, ông có nhiều ca khúc với nội dung mới: Đoàn kỵ binh Việt Nam (tức Ngựa phi đường xa, 1945):
Ngựa phi ngựa phi đường xa
Tiến trên đường cát trắng trắng xóa
Tiến trên đường nắng chói chói lóa
Cánh đồng lúa  in sát chân trời mây mây xanh lam
Ngựa phi ngựa phi vượt lên
Tiến trên đường chiến đấu cố gắng
Hát lên lời quyết chiến quyết thắng
Giành cơm áo xây đắp cho tự do vững bền.
Nhạc sĩ Lê Yên kể lại: Trong thời thơ ấu, sau một lần đi xem diễn viên kỵ sĩ trổ tài phi ngựa trong rạp xiếc, về nhà chú bé Yên đòi mua cho kỳ được con ngựa gỗ để tập phi ngựa. Có lẽ chính sở thích từ nhỏ đã giúp cho nhạc sĩ  Lê Yên sau này có được cảm hứng để sáng tác nên bài hát Ngựa phi đường xa trẻ, khỏe, hào hùng. Bài hát được viết theo thể ba đoạn A-B-A. Trong đoạn A tiết tấu như tiếng vó ngựa đều đều trên đường. Đến đoạn B tốc độ vó ngựa được ghìm lại để rồi bốc lên nhanh hơn. Trong đoạn A’ vó ngựa tiếp tục phi nhanh, nhưng giai điệu lại tái hiện trở lại âm hình giai điệu của đoạn A.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông có bài Trận Đoan Hùng (1949), Bộ đội về làng(thơ Hoàng Trung Thông, 1952) - giải Hội Văn nghệ Việt Nam. Tiếp đó ông viết những ca khúc Nhớ (thơ Thanh Hải), Kể vè tướng Mỹ (thơ Tạ Hữu Yên) - giải thưởng A của Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng, Ai về Hà Bắc quê ta (thơ Phùng Quốc Thụy).
Sau đó ông chuyển sang niềm say mê mới nghiên cứu âm nhạc sân khấu cổ truyền, ông đã tham gia soạn nhạc cho vở tuồng Cô gái Kinh Bắc sử dụng chất liệu âm nhạc quan họ kết hợp với âm nhạc của tuồng cổ (Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu năm 1985) và trong vở chèo Âm vang trống đồng ông kết hợp 40 bài hát mới với các làn điệu truyền thống.
Ông còn viết nhạc cho một số bộ phim như Câu chuyện Làng Vũ Đại, Bài ca trên vách đá viết cho dàn tỳ bà độc tấu.
Ông là một trong những giảng viên đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam. Ông đã viết nhiều sách âm nhạc như: Kinh nghiệm phổ thơ và cuốn Đô Rê Mi tự học (viết cùng La Thăng).
Lê Yên đã được tặng Huân chương Lao động hạng nhì.
Triệu Xuân bổ sung:
Lê Yên còn viết nhạc cho sân khấu, cho nhiều bộ phim truyện…
Sau năm 1955, Lê Yên được đi học âm nhạc tại Liên Xô. Ông cũng là một trong những giảng viên đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Nhạc viện Hà Nội. Ngoài công việc sáng tác và giảng dạy, ông còn là một nhà nghiên cứu lý luận với nhiều tham luận về âm nhạc cho sân khấu truyền thống, viết các sách Kinh nghiệm phổ thơ, Đô rê mi tự học (chung với La Thăng)... góp phần phổ cập âm nhạc cho quần chúng và đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt.
Lê Yên từ trần ngày 15-11-1998 tại Hà Nội.
Năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Hoài Anh
Nguồn: Danh sĩ Hà Nội. Tác giả: Hoài Anh. 
Di cảo, sẽ xuất bản.
Theo https://trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chúng ta đã tìm bình yên ở những đâu Khi đối mặt đại dịch Covid-19, càng hiểu thêm giá trị của cuộc giằng co giữa sự thật và giả dối tro...