Cam Lộ - Mảnh đất tâm hồn
Cho đến khi gặp Khanh, tôi mới hiểu ra rằng tôi đã yêu mảnh đất
Cam Lộ từ những ngày mạ tôi còn là một cô gái làng Sòng bắt đầu biết chờ đợi ba
tôi trong mịt mùng khói lửa của cuộc chiến tranh gần nửa thế kỷ trước.
Phải lòng chợ phiên ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên trong nhấp
nhô nón lá, trong rất nhiều hoa trái, trong mùi vị của các hàng quà nghi ngút
khói, tôi muốn ghép cuộc đời tôi vào với cuộc đời những người đang ở quanh tôi.
Đây là lần đầu tiên tôi đi bên Khanh trong ngày mới sang mùa hồn nhiên và nhẹ
tênh này, lòng bồi hồi rạo rực xen lẫn một chút xao xuyến bâng khuâng. Lấp lánh
trước mắt là dòng sông Hiếu trong xanh xa xa kia là những dãy đồi chập
chùng.Vùng đất hiền hòa đầy thương khó này quấn quýt lấy tôi trong những ngày
tôi tìm thấy niềm hạnh phúc chân túy trong câu hò chan chứa yêu thương: “Nước
Cam Lộ vừa trong vừa mát - Đường Cam Lộ nhỏ cát dễ đi...”
Trước cái ngày trỗi dậy lớn lao của quê hương làm cuộc giải
phóng vẹn toàn, Cam Lộ là một chi khu quân sự trong hệ thống phòng thủ Đường
Chín - Nam Lào của Mỹ - Ngụy với những vị trí chiếm đóng, đồn bốt dày đặc.
Trong những đòn đánh đuổi giặc xâm lăng ở đây, tiêu thổ là hình ảnh dữ dội
không kém cái nắng hỏa thiêu của mùa khô nhiệt đới nung những vỏ đạn Mỹ hàng
trăm ly đồng giữa một thế giới lều bạt, mái tôn và ni lông, đồ hộp. Với những
người bước ra khỏi cuộc chiến ấy, chúng đã là một nỗi niềm thuộc hẳn dĩ vãng. Đứng
trước quãng sông lững lờ ngang qua làng An Mỹ, tôi lắng nghe những giọng nói êm
êm trong sóng nước rằng con sông quê hương Cam Lộ ngày nay đã khác trước nhiều
rồi. Sau giờ phút lá cờ giải phóng được cắm đường hoàng trên chi khi quân sự
này, đồng bào Cam Lộ tản cư từ muôn nẻo kéo nhau về làng cũ, bắt tay vào gỡ dây
thép gai, cải tạo và làm tái sinh đất đai sông núi, cuốc cày và gieo trồng những
hạt giống của cuộc sống mới. Trên những miếng đất nghi ngút khói vỡ hoang diệt
cỏ tranh, cỏ ống, cỏ chỉ, cây xấu hổ thỉnh thoảng lại vang lên tiếng nổ đanh gọn
của bom mìn hòa âm với gió Lào thổi xoáy bụi đỏ. Cuộc sống làm ăn yên lành của
những con người ngày ngày nhai bo bo và “ăn cơm là chuyện lạ” được bắt đầu bằng
những dây khoai, hom sắn, ngọn rau má lớn lên dưới cái nắng khô, nắng cháy, cái
mưa ào ào rỉ rả. Đồng tháng Năm làm lúa vãi không đủ gạo nuôi người và những ngọn
đồi tan hoang bừa bộn mảnh đạn pháo hiu hắt trước từng đợt gió rối khô lá mua,
lá sim, lá cỏ dàng dàng. Nhưng lòng yêu nước của những con người Việt Nam bình
thường và giản dị ở đây không dung nạp sự mơ hồ trong niềm tin yêu đối với
tương lai của quê nhà. Với củ khoai củ sắn đựng trong mo cau, họ hàn gắn cuộc sống,
trồng lại lũy tre làng, đặt lại từng viên gạch, làm lại trường học, khai hoang
thêm nhiều diện tích, đưa màu mỡ về lại với ruộng đất bị san bằng khô trụi
trong chiếm đóng, dựng nông-lâm trường, mở thêm đường, thêm chợ, mở phố, đắp đập
ngăn hồ chứa nước làm ruộng hai vụ, nối lại giấc mơ ấm no bị đứt quãng bởi chiến
tranh. Mồ hôi của họ vả xuống cho đến khi dòng nước Trúc Kinh chảy tràn vào đồng
ruộng Cam An, Cam Thanh...mát rượi từng gốc lúa là lúc trên những
gương mặt khô sáng của họ lấp lánh những cái nhìn ngập ngừng đầy tin cậy. Tuổi
thơ của Khanh có những ngày đến trường trên con đường đầy bụi nóng bỏng lòng
bàn chân dưới nắng oi, có một trái bóng tròn duy nhất lăn trên cát lại là niềm
vui của rất nhiều trẻ con ngày ấy trong làng.
Giữa khung cảnh nhộn nhịp quanh đây trong ngày phiên bình dị
tràn đầy sắc thiều quang, Tôi nghe thấy gió lòng quê rung mãi lên khát vọng
“thái bình tu nỗ lực - vạn cổ thử giang san” đang trở thành hiện thực với những
biểu hiện của một cuộc sống đi về phía trước trong sự hòa quyện giữa chính trị
và kinh tế. Từ trên cầu Đuồi nhìn gần nhìn xa những xóm thôn biền bãi dọc đôi bờ
sông Hiếu giống hệt như một bức tranh tĩnh vật với gam màu xanh rắn chắc, bền bỉ.
“Cuộc sống ở đây chưa có gì là hoàn mỹ nhưng đã có những vườn cây xanh tốt, những
ngôi nhà ấm sáng”, - nghe Khanh nói, tôi thấy ngay những sự thật tốt đẹp đang
hình thành ở đây đã tạo riêng cho con người Cam Lộ cách nói rắn rỏi mà nồng ấm,
thân ái. Họ đã trao cho đồng bằng, đồng rừng Cam An, Cam Thanh, Cam Thủy, Cam
Chính, Cam Nghĩa...những ngày tháng đầy ước hẹn của đời mình để tạo dựng được
cái vui ngày một nhiều, để cầm được trên tay một thứ hạnh phúc nảy nở và kết
tinh từ vị mặn của mồ hôi, từ thơm thảo và khắc nghiệt của đất trời. Trên cánh
đồng Nghĩa Yên gió Nam hây hẩy lướt qua vô vàn gié lúa uốn câu vàng
óng, và hương lúa chín đã kịp bao bọc lấy những bài hát ru của người mẹ trẻ nào
đấy đang à ơi trong làng. Tâm giao giây lát với cái sóng lúa bất tận ấy, tôi bắt
gặp nụ cười đầy tin tưởng của một bác nông dân quắc thước như đang trẻ lại
trong niềm vui được mùa. Vui tay, bác chỉ cho tôi thấy một cái sân đẹp thấp
thoáng trong ánh nắng ở đầu ngõ làng, trên đỏ rực lên màu vàng phấn khởi càng
nhìn càng ưa của những gié lúa mới gặt. Giữa những gì đang xui tôi ao ước mình
biết phát biểu bằng thơ về sự sống quanh đây, lòng những người như bác nông dân
này mỗi lúc một thấm thía niềm biết ơn cách mạng và thời đại về hiện thực hạnh
phúc ngay ở cuộc đời thanh bạch họ đang sống.
Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi lên thăm vùng Cùa. Cảnh vật
ở đây trong buổi sớm mai thênh thang được tô lục chuốt hồng bởi cây lá, đất đai
và nắng trời. Những con chim chào mào cũng đã bắt đầu nhảy nhót trong các khu
vườn mà ăn hồ tiêu chín cây và ríu rít với nhau câu chuyện buổi sáng của chúng.
Mới hơn một trăm năm đó thôi, trong chuyến xuất bôn đầy sóng gió, vua Hàm Nghi
đã chọn núi rừng nơi đây làm căn cứ Sơn phòng Tân Sở, xuống chiếu Cần Vương,
lãnh đạo các sĩ phu yêu nước và quân dân đấu tranh vì nền độc lập của “Nam quốc
sơn hà”. Khanh hái tặng tôi một bông hoa cỏ chưa có tên gọi mọc dưới chân tường
thành trầm mặc. Trong lặng im của gò đồi đang lung linh lá thắm, trong lòng núi
rừng trầm hùng này, cây cỏ nhiệt đới rờn lên một sắc xanh bất tận đến chân trời
màu ngọc trai, và tôi băng qua chiều sâu thời gian mà cảm nhận một vùng Cùa tự
do trong chín năm chống Pháp, anh dũng trong đánh Mỹ, kiên trì vượt mọi khó
khăn lạc hậu để xây dựng kinh tế trong hòa bình. Trong tâm trí của một số con
người đang gắn bó nhiệt tình với cuộc sống làm tươi sáng, yên vui và bền vững
những thôn trang chiến trước kia vẫn dội lên dư âm của những ngày ăn hột mít
khô mà kiềm giữ, giết tỉa dần từng trung đoàn thủy quân lục chiến Mỹ ở điểm cao
241, núi cây tre, Rockpile, Camp Caroll.
Bây giờ, trên đất này cuộc sống đã có thêm thứ này thứ khác giữa những ngôi nhà mái ngói tươi mới kề bên mái tranh mái rạ thâm ròn, và con người ở đây đã đẩy lùi các thứ bóng tối vây quanh mình, yêu các cuộc đời đã được thay đổi theo nghĩa tốt đẹp vui lành hơn khi dư vị của măng rừng nấu với muối làm từ than nứa trong những ngày còn chiến khu như còn đọng trên các khe suối, các triền núi. Thoát khỏi ám ảnh của đói ăn, bần hàn, thịt xương họ đanh chắc lại với những bắp chân bắp tay gân guốc, dẻo dai, mềm mại qua từng ngày làm kế hoạch, làm nương, làm vườn, làm ruộng, làm đường. Từ đất đai và bằng bàn tay, khối óc họ đã dâng hiến cho công cuộc đầu tư kiến thiết đời sống và hào khí của vùng đất này. Ý nghĩ ấy giúp tôi hiểu tại sao rừng núi ở đây có nhiều ánh sáng và xa và gần là tiếng gió xoáy tít vào cái bóng xanh dày của rặng tre êm lành mát rượi dưới chân núi Giăng Màn. Tạo nên một vẻ đẹp ruột rà được sinh ra từ đất cùng những âm điệu hết sức thanh bình của cuộc sống, những con người như Lê Văn Thanh ở Cam Nghĩa là những người làm vườn vô cùng nhân ái. Đứng trong mảnh vườn dưới chân đồi đang nở rất nhiều hoa và kết rất nhiều trái, lắng nghe bài học canh tác vùng gò đồi, tôi thấy rõ trong giọng nói của Lê Văn Thanh rưng rưng niềm vui trước thành quả của anh trong đời sống lao động trên thửa đất góp thêm một dòng lá thắm, thêm ánh sáng và phù sa cho núi rừng này. Những dây hồ tiêu đã đậu hết quả trên một vùng gò đồi đuổi đi mọi gốc rễ nguồn cơn của sốt rét rừng và đặt vào lòng người nỗi lâng lâng niềm tin yêu sự sống. Cay dặm, thơm lừng bỏ xa hạt tiêu Do Linh, Vĩnh Linh, hạt tiêu Cùa xóa đi nhiều cái vui mong manh trừu tượng của những con người đã từng thao thức qua bao năm tháng trên các triền núi và bày ra trước mắt họ tất cả các cơ hội vui sống của những cuộc đời biết đặt trọng tâm vào các hành động dẻo bền và năng động. Từ một khởi điểm kinh tế xã hội quá thấp vào đầu thập kỷ này, trên lớp đất bazan tơi xốp có cấu tượng viên, thoáng khí, giàu lân, độ mùn biến động trong khoảng 1,7-2,1% trong quá trình tích lũy sắt của đất đai vùng đới ẩm Cùa vẫn qua những đận cầm hơi bằng gạo cứu trợ khi thực hiện những cách làm ăn áp đặt, nông nổi. Đất bazan là một đặc ân mà trời đất dành cho vùng Cùa là nơi khích khởi một tiến trình sáng tạo mới và khép lại những suy tư kinh tế nông nghiệp đã lỗi thời trước thực tiễn đang đòi hỏi những phương hướng chuẩn xác cụ thể. Lòng người lại ngổn ngang nghĩ đến con đường tốt nhất để di vào vòng tay của ấm no, giàu đẹp, hạnh phúc với những gì mình làm ra giữa quê hương. Hình ảnh chứa chan tình cảm ấy kích thích họ làm những công việc thuộc về sự thôi thúc bên trong và những mệnh lệnh đạo đức. Họ thay thế dần hàng trăm héc ta bạch đàn cao sản trồng từ những ngày còn Bình Trị Thiên bằng hồ tiêu, cà phê, cao su, lạc và các loại cây ăn quả với sự tự tin bừng hẳn lên theo bàn tay vun xới trên đất đai gò đồi Bảng Sơn, Trung Chỉ, Ba Thung, Thượng Nghĩa...
Bây giờ, trên đất này cuộc sống đã có thêm thứ này thứ khác giữa những ngôi nhà mái ngói tươi mới kề bên mái tranh mái rạ thâm ròn, và con người ở đây đã đẩy lùi các thứ bóng tối vây quanh mình, yêu các cuộc đời đã được thay đổi theo nghĩa tốt đẹp vui lành hơn khi dư vị của măng rừng nấu với muối làm từ than nứa trong những ngày còn chiến khu như còn đọng trên các khe suối, các triền núi. Thoát khỏi ám ảnh của đói ăn, bần hàn, thịt xương họ đanh chắc lại với những bắp chân bắp tay gân guốc, dẻo dai, mềm mại qua từng ngày làm kế hoạch, làm nương, làm vườn, làm ruộng, làm đường. Từ đất đai và bằng bàn tay, khối óc họ đã dâng hiến cho công cuộc đầu tư kiến thiết đời sống và hào khí của vùng đất này. Ý nghĩ ấy giúp tôi hiểu tại sao rừng núi ở đây có nhiều ánh sáng và xa và gần là tiếng gió xoáy tít vào cái bóng xanh dày của rặng tre êm lành mát rượi dưới chân núi Giăng Màn. Tạo nên một vẻ đẹp ruột rà được sinh ra từ đất cùng những âm điệu hết sức thanh bình của cuộc sống, những con người như Lê Văn Thanh ở Cam Nghĩa là những người làm vườn vô cùng nhân ái. Đứng trong mảnh vườn dưới chân đồi đang nở rất nhiều hoa và kết rất nhiều trái, lắng nghe bài học canh tác vùng gò đồi, tôi thấy rõ trong giọng nói của Lê Văn Thanh rưng rưng niềm vui trước thành quả của anh trong đời sống lao động trên thửa đất góp thêm một dòng lá thắm, thêm ánh sáng và phù sa cho núi rừng này. Những dây hồ tiêu đã đậu hết quả trên một vùng gò đồi đuổi đi mọi gốc rễ nguồn cơn của sốt rét rừng và đặt vào lòng người nỗi lâng lâng niềm tin yêu sự sống. Cay dặm, thơm lừng bỏ xa hạt tiêu Do Linh, Vĩnh Linh, hạt tiêu Cùa xóa đi nhiều cái vui mong manh trừu tượng của những con người đã từng thao thức qua bao năm tháng trên các triền núi và bày ra trước mắt họ tất cả các cơ hội vui sống của những cuộc đời biết đặt trọng tâm vào các hành động dẻo bền và năng động. Từ một khởi điểm kinh tế xã hội quá thấp vào đầu thập kỷ này, trên lớp đất bazan tơi xốp có cấu tượng viên, thoáng khí, giàu lân, độ mùn biến động trong khoảng 1,7-2,1% trong quá trình tích lũy sắt của đất đai vùng đới ẩm Cùa vẫn qua những đận cầm hơi bằng gạo cứu trợ khi thực hiện những cách làm ăn áp đặt, nông nổi. Đất bazan là một đặc ân mà trời đất dành cho vùng Cùa là nơi khích khởi một tiến trình sáng tạo mới và khép lại những suy tư kinh tế nông nghiệp đã lỗi thời trước thực tiễn đang đòi hỏi những phương hướng chuẩn xác cụ thể. Lòng người lại ngổn ngang nghĩ đến con đường tốt nhất để di vào vòng tay của ấm no, giàu đẹp, hạnh phúc với những gì mình làm ra giữa quê hương. Hình ảnh chứa chan tình cảm ấy kích thích họ làm những công việc thuộc về sự thôi thúc bên trong và những mệnh lệnh đạo đức. Họ thay thế dần hàng trăm héc ta bạch đàn cao sản trồng từ những ngày còn Bình Trị Thiên bằng hồ tiêu, cà phê, cao su, lạc và các loại cây ăn quả với sự tự tin bừng hẳn lên theo bàn tay vun xới trên đất đai gò đồi Bảng Sơn, Trung Chỉ, Ba Thung, Thượng Nghĩa...
Mặt trời xuống dần bên kia các triền núi, cái màu xanh đầy
sinh lực có thể làm mê tơi những tâm hồn hội họa của Tân Lâm đang chuyển sang
lam tía. Khi những tia nắng cuối cùng của buổi chiều vừa chia tay với phong cảnh
đậm đà nơi đây đang thầm thì lời tiễn đưa và hẹn ước, vầng điện quang chiếu
sáng khắp các xóm nhà xa gần trong sương. Ngân tóc huyền óng ả như rêu biếc
lòng con suối La La mà tôi gặp dưới bóng trăng thượng huyền là người được sinh
ra đúng vào ngày cha mẹ cô tản cư ở Cơn Tăm trở về giữa cỏ tranh mọc quá đầu
người và bám lấy mảnh đất này mà sống. Lớn lên trong sự hồi sinh lắm gian lao cực
nhọc của quê nhà, Ngân quý việc trồng trọt chăn nuôi, hái lượm trong vườn tiêu
của nông trường và giữ mãi cho mình những xúc động ban đầu khi nâng niu trìu mến
hoa quả nơi lòng vườn nhà cô chín lành cái vị ngọt chân chất thảo thơm. Cũng
như Ngân, cả một thế hệ sinh ra sau tiếng súng trận vừa ngừng trên các điểm cao
chiến sự, các sông suối chảy qua nhiều đồn bốt địch trong chiến tranh, họ đã
góp sức trẻ vào những cái vươn mình của cuộc sống quê nhà ngày càng tốt lạ. Qua
mỗi mùa mỗi năm vơi dần gian khổ có thêm những triển vọng cụ thể, lòng họ rộn
ràng với biết bao công việc giữa rừng, giữa vườn dâu tằm, cà phê, cao su, đàn lợn
gà, trâu bò, mạch nước khoáng, núi đá vôi...
Trong tiếng sáo trúc thăm thẳm cao vút đâu đó từ phía chỏm
núi dằng dặc làm hòa lẫn vào tiếng nói ấm áp của biết bao con người đang xóa
đói giảm nghèo từ không đến có, tăng thêm tiềm lực, sự giàu có cho mỗi thôn xóm
này, Khanh nói với tôi chỉ còn mấy phút nữa thôi là anh lại phải rời khỏi nơi
này để trở lại một thung lũng mờ sương sau gờ tím của dãy Trường Sơn trước mặt.
Dọc quãng sông yên tĩnh ở bên này thị trấn, chúng tôi băng qua bãi phù sa tuổi
thơ, tôi dường như nhìn thấy bao giờ trong tim Khanh cũng tràn ngập hình ảnh miền
quê Cam Lộ thuần phác, đôn hậu và yên tĩnh có tiếng cu gù từng hồi hòa lẫn với
tiếng sóng vỗ về của dòng sông tạo thành một âm thanh kỳ diệu, làm nên vần nên
điệu của nỗi nhớ niềm thương trong anh. Còn tôi, ngay sau khoảnh khắc êm đềm
này máu của tôi chảy về phía chiều tà, nơi may mắn có tuổi trẻ kiêu hãnh của
Khanh trong cuộc sống trước mắt và bao la sau này.
Mặt trời lại rọi lên ngày tôi rụt rè đứng trong vòng tay thưa
chào trước ánh nhìn hiền hậu của mạ của Khanh. Đấy cũng là lúc tôi được khải thị
về một nhan sắc cổ điển và dân dã đủ sức đoạt vương miện trong những cuộc thi sắc
đẹp giữa đời. Lay động trong cảm xúc để đời ấy của tôi là câu chuyện về những
chàng trai Quảng Trị thuộc thế hệ ba tôi ngày trước vẫn thường rủ nhau về đây với
giấc mơ hạnh phúc bên những vẻ đẹp đoan trang, thùy mị. Chính trong những ngày
trong trẻo sáng sủa này tôi được uống nguồn nước bắt đầu từ động Ba Tiên, động Sất
Lãng, núi Giăng Màn chảy về hướng Đông qua phủ thành Cam Lộ rồi thuận dòng ra cửa
biển. Trên tầm sông băng qua những làng vườn đầy hoa trái của Quất Xá, Bắc
Bình, An Thái, Đông Định, Vĩnh An... thỉnh thoảng thấy quẫy vọt lên mặt nước những
chú cá mình nhỏ bụng trắng lấp lánh như bạc. Ngay trên một quãng sông lặng lờ gợi
cảm ở đây tôi học được cách nhớ thương Khanh không ồn ào và nghe thấy tiếng của
tương lai ngồn ngộn sức sống ở quanh hai bờ này.
Như những con người sống ở hai ven sông này, tôi có niềm tương tư đến viễn cảnh một Cam Lộ hưng thịnh mãi lên khi sự nhộn nhịp mua bán của con đường phía Tây từ Lao Bảo qua chợ Phiên về Ngã Tư Sòng ra Cửa Việt được hình thành. Đường 9, đường Xuyên Á cũng là lối đi xuyên mơ ước của biết bao người đang thêm phong cảnh mới cho cuộc sống lạc quan đang diễn ra quanh đây.
Như những con người sống ở hai ven sông này, tôi có niềm tương tư đến viễn cảnh một Cam Lộ hưng thịnh mãi lên khi sự nhộn nhịp mua bán của con đường phía Tây từ Lao Bảo qua chợ Phiên về Ngã Tư Sòng ra Cửa Việt được hình thành. Đường 9, đường Xuyên Á cũng là lối đi xuyên mơ ước của biết bao người đang thêm phong cảnh mới cho cuộc sống lạc quan đang diễn ra quanh đây.
Bây giờ là cuối tháng Nam. Buổi sáng thức dậy trong ngôi
nhà ấm sáng của mạ Khanh, tôi đã thấy tràn vào mắt mình bầu trời trong vắt rực
rỡ muôn vàn tia nắng. Nằm yên trọn một phút để nghe những bước chân tâm hồn của
mạ, tôi hiểu ra điều gì làm nên gương mặt đẹp như vừng dương của Khanh, điều gì
làm nên sự yêu thương đôn hậu, ấm áp và chân tình của cuộc đời. Trên những bãi
phù sa ven quãng sông uốn khúc qua làng cho đến trọn đời đã nở rất nhiều hoa
mua tím, hoa đồng nội. Ngoài kia, trong bao nhiêu là nắng gió, các em nhỏ tung
tăng trên con đường đến trường, và tôi chợt hiểu ra rằng trong thâm tâm tôi yêu
quý nơi chốn này nhiều lắm. Tôi ôm vào lòng hình ảnh ngôi trường Lê Thế Hiếu
sáng đẹp hơn giữa những cấu tạo diệp lục của cây và núi trong mưa rào đầu mùa hạ.
Những ngôi vườn chi chít cà phê, ớt chín đỏ ối, đỗ đậu đang ra hoa, ao cá, hươu
nai, trâu bò... cuốn vào lòng người niềm phấn khởi súc tích, là một nỗi vui khôn
cùng cứ thấm dần vào da vào thịt. Trên làn nước sông luôn biến đổi sắc xanh chiều
nay, cuộc sống dội lên những dấu hiệu văn hóa đang rộn lên trong những trao đổi
cuối ngày giữa người dồn cá trên lòng hồ với người thổi khói lam chiều nấu cơm
chiều...
Sẻ một chút mình để lại nơi góc vườn cha của Khanh trồng ngày
trước, theo ân huệ của con đường làng mềm mại chạy về phía dòng sông đang vọng
lại tiếng mái chèo vỗ nước và tiếng cười đùa lặn ngụp của đám trẻ con trong
làng, tôi nhìn ngắm những điều đang diễn ra xung quanh, cảm nhận sự bát ngát,
trang nghiêm và nhẫn nại của cả cánh đồng. Những tiếng kêu cọt kẹt của những
chiếc xe bò chở lúa vang lên trong ánh nắng chói lọi cả khung trời. Tượng đài
người lính Cụ Hồ và hàng ngàn mộ chí yên nằm trong nghĩa trang liệt sĩ của thị
trấn Cam Lộ gợi lên sự vươn tới lẽ công bằng, điều thiện, để lại trong lòng những
người đang sống tinh thần và kỷ niệm của người hy sinh ngoài mặt trận, nhắc nhở
mọi người hành động và hoàn thiện vì cuộc sống.
Trên những bậc thang lên xuống bến sông rộng mát rượi dưới rặng
tre lao xao tôi phát hiện ra trong thì thầm máu mặn của mình linh hồn của miền
đất của sự ra đời và miền đất của số phận của tôi.
Vẫn như một đôi môi quen thuộc, nắng và gió mơn trớn từng mảnh
vườn, thửa ruộng cho đến khi ngày tắt. Mặt trời rơi vào đất. Gió làm vơi dần những
giọt mồ hôi long lanh trên những gương mặt của cô thôn nữ đưa lúa về trên lối
xóm đang tươi cười gánh cả một hoàng hôn. Và bây giờ, ngồi thật yên dưới bóng của
cây ngô đồng, tôi chờ đợi Khanh. Vì một lẽ duy nhất, đối với cuộc đời tôi, hôm
nay và mãi mãi, Cam Lộ của Khanh đã là mảnh đất tâm hồn.
N.B.N
Tháng 5.1999
Nguồn: Tạp chí Cửa Việt số 60,
tháng 9 năm 1999
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét