Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

Bình một số câu thơ trong Truyện Kiều

Bình một số câu thơ trong Truyện Kiều
1- Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng.
Đây là lời Thúy Kiều thốt lên sau khi nghe Vương Quan kể chuyện bi thảm của Đạm Tiên bên ngôi mộ “sè sè nấm đất”, “dàu dàu ngọn cỏ”, lạnh lẽo cả trong tiết Thanh minh.
Đạm Tiên trước, Thúy Kiều sau; ca nhi ngàn xưa và “ca-ve” ngày nay có chung một đặc điểm: Đấy là những người con gái tạo hoá ban cho một chút nhan sắc nhưng lại giáng xuống bản thân hoặc gia đình họ những tại hoạ, buộc họ phải gánh chịu, đưa đẩy họ vào chốn lầu xanh, mất quyền làm người, trở thành một món hàng.
Vì có chút nhan sắc nên lắm chàng tìm đến; bởi đã trở thành món hàng nên mình không có quyền chọn lựa mà để người ta cư xử với mình như với một món hàng đã bỏ tiền mua. Câu thành ngữ mới “trả tiền bóc bánh” phần nào nói được thái độ cư xử thô bạo, không chút tình cảm của khách làng chơi đối với các cô gái lầu xanh.
Đời người một kiếp ca nhi chung chạ với bao người đàn ông, biết mặt không biết tên, “mặc người gió Sở mưa Tần”, xong cuộc, họ bỏ đi không để lại dấu vết, chứ có mấy ai được như chàng Thúc “trước còn trăng gió sau ra đá vàng”!
Những đôi lứa yêu nhau chân thành, vì nguyên do nào đó không lấy được nhau, khi chết đi họ còn mang theo cả khối tình xuống chốn tuyền đài. Tình yêu là thế, còn tình dục chỉ là sự thoả mãn xác thịt nhất thời, kiếp này chẳng yêu thương, nói chi đến kiếp sau. Cặp lục bát này về hình thức, là sự đối lập giữa lúc sống và sau khi chết. Nhưng sự đối lập ấy chỉ là hình thức, còn thực chất đó là quan hệ nhân quả: khi sống thế thì sau khi chết phải thế!
Trong toán học cao cấp có khái niệm “trù mật khắp nơi” và “không đâu trù mật” để nói về hai cực đối lập của sự phân bố các phần tử của tập hợp. Ở đây, hình như Đại thi hào vô hình trung cũng sử dụng khái niệm ấy để nói về “sự phân bố chồng” của kiếp ca nhi ở cõi dương và ở cõi âm: khi sống thì ở đâu cũng có chồng, bất cứ người đàn ông nào cũng có thể là chồng, còn chết rồi thì ngược lại: không có một ai.
Nói “làm ma không chồng” là dự đoán sự cô quạnh khi mình ở cõi âm từ thực tế của kiếp này. Sự thật nghịch lý và bi kịch của kiếp ca nhi chẳng cần đợi đến khi đã “thành ma”, chẳng cần đợi kiếp sau, mà ngay ở kiếp này: Khi mình còn nhan sắc thì “xôn xao ngoài ngõ thiếu gì yến anh”, đến khi đau yếu, bệnh tật thì không kẻ đoái hoài, chết một mình một góc, đâu phải chỉ một Đạm Tiên? “Sống làm vợ khắp người ta” đã nhục, đã khổ lắm rồi, người ca nhi nào cũng chung ý nghĩ “cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”, cho hết thời trẻ trung, cho hết cuộc đời, tưởng khi mình chết đi thì mới được thanh thản.
Nhưng không, sự sỉ nhục của kiếp phong trần không chỉ dừng lại trần thế, mà còn theo về cõi âm với một biến tướng mới, về hình thức tưởng như ngược lại những gì ca nhi đã trải, nhưng không hề mang lại niềm vui mà chỉ chuốc lấy nỗi bất hạnh mới thật tệ hại: làm ma không chồng!
“Sống làm vợ khắp người ta”! Chữ “khắp” mới thật tài tình, hàm chứa sự xô bồ, không hề có sự chọn lựa. Thông thường chữ khắp thường đặt trước một danh từ chỉ nơi chốn: khắp chợ, khắp đồng, khắp làng, khắp nước… Ở đây Nguyễn Du đã thay đổi cách sử dụng quen thuộc đó, mạnh dạn đặt sau chữ khắp hai chữ người ta thật mới mẻ và bất ngờ. Khắp người ta: không loại trừ một loại người nào.
Có soạn giả Truyện Kiều không tán thành khái niệm vợ, chồng đối với các cô gái lầu xanh vì vợ chồng thì phải có hôn thú (!) nên muốn đề nghị đổi chữ khắp thành chữ chắp: vợ chắp người ta! với lý luận rằng cô gái lầu xanh chỉ là vợ chắp, chứ không thể là vợ của khách làng chơi được!
Về luật pháp thì phần nào soạn giả này có lý, nhưng đối với việc thẩm định Truyện Kiều nói riêng và thưởng thức thi ca nói chung thì, ý kiến ấy xem ra quá cứng nhắc, khó thuyết phục được ai.
Nguyễn Du không đợi giấy hôn thú để chỉ khái niệm vợ chồng ở chốn thanh lâu, mà sử dụng đặc trưng lớn nhất của vợ chồng là chuyện chăn gối. Đó là chưa kể ở chốn thanh lâu người ta vẫn quen xưng “chàng chàng, thiếp thiếp” (Chàng chàng thiếp thiếp vui bằng được/ Bố bố con con chẳng nhận ra - Nguyễn Bính) ngày xưa và “vợ vợ, chồng chồng” ngày nay, mà ai cũng hiểu rằng “chàng thiếp”, “vợ chồng” ở đây khác xa khái niệm vợ chồng truyền thống. Phải chăng cặp lục bát này đã phơi bày bi kịch lớn nhất của kiếp ca nhi?
2- Một mình lưỡng lự canh chầy
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.
Ngày đi chơi Thanh minh gặp mộ Đạm Tiên, đêm Đạm Tiên báo mộng cho biết mình có tên trong sổ đoạn trường, Thúy Kiều “trằn trọc canh khuya”, sụt sùi kinh hãi cho cuộc đời sau này của mình. Trước đó, bên mộ Đạm Tiên, sau khi nghe Vương Quan kể về bi kịch của cô ca kỹ này, Thúy Kiều đã vận vào mình “thấy người nằm đó biết sau thế nào”. Định mệnh là tư tưởng quán xuyến trong Truyện Kiều. Có người dẫn câu “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” để kết luận Nguyễn Du chống lại tư tưởng định mệnh, mà quên rằng câu trích kia không phải là lời tác giả Truyện Kiều, mà là lời của chàng Kim nói lại khi thấy Thúy Kiều quá tin vào tướng, số.
Còn cụ Nguyễn Du thì sao? “Cho hay muôn sự tại trời” là kết luận Truyện Kiều cũng là nói lên nhận thức của tác giả. Nhưng trong Truyện Kiều, người tin vào tiền định, vào định mệnh mà bạn đọc dễ nhận biết nhất chính là Thúy Kiều. Cảm thương kiếp Đạm Tiên, đâu chỉ là tình thương đối với người ca nhi bạc mệnh, mà chính Thúy Kiều thương cho mình vì quá khứ của Đạm Tiên chính là “nỗi sau này” của Thúy Kiều.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng hơn 60 lần chữ nỗi, ngoài những kết hợp quen thuộc như nỗi lòng, nỗi riêng, nỗi niềm, nỗi quê … còn có những kết hợp hết sức mới mẻ như nỗi đêm, nỗi ngày (nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung), đặc biệt ý nghĩa chữ nỗi được mở rộng ra với “nỗi dọc đường”, và ở đây là “nỗi sau này”. Trong cái đêm “trằn trọc canh khuya”, “lưỡng lự canh chầy”, “nỗi sau này” của Thúy Kiều chưa hề cụ thể, mà chỉ từ cuộc đời của Đạm Tiên mà suy ra cho thân phận của mình. “Nỗi sau này” là nói về điều kinh hãi đang bày sẵn ở phía tương lai, và khi trở thành thực tại thì đó là “Hết nạn nọ, đến nạn kia/ Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần/ Trong vòng giáo dựng gươm trần/ Kề răng hùm sói gửi thân tôi đòi…” như lời sư Tam Hợp đã tổng kết lại. Ở đây sự kinh sợ “nỗi sau này” của Thuý Kiều được tác giả đồng cảm, và diễn biến của phần lớn Truyện Kiều như cốt để chững minh cho “nỗi sau này” đó đáng sợ đến dường nào.
3- Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.
Với Thúy Kiều, đêm trong Truyện Kiều thường có trăng. Đó là “gương nga chênh chếch nhòm song” đêm Đạm Tiện hiện về báo mộng; “nhặt thưa gương dọi đầu cành” và “vầng trăng vằng vặc giữa trời” đêm tự tình và thề bồi cùng Kim Trọng; “gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương” đêm lẻn trốn cùng Sở Khanh; “một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời” đêm ở Lâm Tri nhớ Thúc Sinh; “lần đường theo ánh trăng tà về tây” đêm trốn ra khỏi Quan Âm các; “mảnh trăng đã gác non đoài” đêm nàng nhảy xuống sông Tiền Đường…
Còn vầng trăng xuất hiện trong cặp lục bát trên kia là trong đêm trên đường nàng theo xe cùng Mã Giám Sinh đi từ quê Bắc Kinh về tận Lâm Tri. Thấy vầng trăng ấy, Thúy Kiều đã liên tưởng đến vầng trăng nào mà thẹn? Tất nhiên nàng không thể nghĩ về những vầng trăng về sau, vì khi đó nàng chưa từng được chứng kiến. Nàng cũng không nghĩ về vầng trăng đã dẫn Đạm Tiên về báo mộng cho mình, mà chắc chắn nàng nghĩ về vầng trăng có liên quan đến kỷ niệm, đến mối tình với chàng Kim, đấy là “vầng trăng vằng vặc giữa trời” của đêm thề bồi, hẹn ước.
“Lời non sông” là lời gì vậy? Cũng như “lời vàng đá”, “lời non sông” là lời thề bồi tình yêu của các cặp tình nhân ngày xưa, vì khi thề họ thường mượn những vật thể to lớn như núi sông, quý giá và chắc chắn như vàng đá để nói tình yêu của mình. Ta điểm lại xem “những lời non sông” của Kim, Kiều như thế nào? Dưới vầng trăng vằng vặc đêm ấy, hai mặt một lời, họ đã thề: “trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”, hứa “chạm xương khắc cốt” tình cảm của nhau, “chữ đồng là nói tắt chữ đồng tâm, nghĩa là cùng một lòng yêu nhau” như học giả Đào Duy Anh giải thích. Chàng Kim đã thề với Thúy Kiều: “Ví dù giải kết đến điều/ Thì đem vàng đá mà liều với thân. Nghĩa là đã yêu nhau rồi, đính hôn rồi ,vì lẽ gì đó mà trời xanh bắt chia lìa thì xin chết với nhau bởi coi lời thề như vàng đá.
Khi chia tay Thúy Kiều để về hộ tang chú, chàng Kim cũng từng nhắc đến vầng trăng thề bồi ấy:
Trăng thề còn đó trơ trơ
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.
Khi đó, chính Thúy Kiều đã hứa:
Đã nguyền đôi chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai…
Thế mà giờ đây, không giữ được lời thề, nàng đã thành vợ người khác rồi, thì không hổ thẹn sao được?
Từ Bắc Kinh, Thúy Kiều phải đi xe suốt một tháng ròng mới đến Lâm Tri. Trên đường đi, đêm khuya bất chợt nàng thấy vầng trăng mà thẹn cho những lời mình từng thề thốt mà không sao giữ được. “Dặm khuya ngất tạnh, mù khơi”. Trước hết, ta hãy dừng lại hai chữ dặm khuya. Nguyễn Du là thi sĩ bậc thầy trong việc nén chữ trong thơ lục bát, nghĩa là dùng ít chữ mà nói được nhiều ý. Dặm khuya không chỉ nói về thời gian là khuya, mà còn nói về không gian là trên đường đi, hàm ý cái cảnh đêm khuya Thúy Kiều chứng kiến là trên đường đi.
Các nhà thơ ngày nay chỉ có thể viết được đêm khuya, canh khuya… giỏi lắm cũng chỉ đường khuya là cùng, chứ khó nghĩ ra được hai chữ dặm khuya như tác giả Truyện Kiều trên hai trăm năm trước. Học giả Đào Duy Anh cho in là ‘ngắt tạnh mù khơi” và giải thích: “chỉ tình trạng lặng ngắt, vắng tanh”. Tôi không đồng tình với cách giải thích này. Tôi nghiêng về “ngất tạnh, mù khơi” như một số bản Kiều khác, và coi đây là một tiểu đối, nên ta hiều được chức năng ngữ pháp và ý nghĩa của các từ.
Danh từ mù giúp ta hiểu được chữ ngất cũng là một danh từ, có ý nghĩa là một thứ gì đó thường che khuất tầm mắt người nhìn như mù, như mây, như hơi sương... “Ngất tạnh” cũng giống như mưa tạnh, không còn ngất nữa, “mù khơi” là mù loãng ra, khai thông tầm nhìn. Vì “ngất tạnh, mù khơi” nên nàng Kiều mới nhìn thấy trăng. Nguyễn Du đặc biệt chú ý đến logic trong thơ, không chỉ trong một câu, mà từ câu này tiếp nối với câu khác. Ở phần Đòan viên, Nguyễn Du đã tả cảnh:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.

Như nhiều bạn đọc đã chú ý về logic trong đoạn thơ này: tan sương đầu ngõ để thấy hoa, vén mây giữa trời để thấy trăng. Và, “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” cũng có ý nghĩa tương tự như “ngất tạnh, mù khơi” để có thể nhìn thấy trăng. Nhưng cả câu lục “Dặm khuya ngất tạnh mù khơi” chỉ là sự gợi mở về không gian và thời gian, trọng lượng câu thơ tập trung ở câu bát “Thấy trăng mà thẹn những lời non sông”, làm người đọc thấy được từ sâu thẳm nỗi lòng của Thúy Kiều sự đau đớn, mối ân hận tiếc nuối, thẹn với vầng trăng thề bồi bởi chính mình vì hoàn cảnh mà thành người phụ bạc tình yêu.
4- Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
Đây là lời hứa của Thúy Kiều khi bị Tú bà đánh đập vì tội lẻn trốn đi cùng Sở Khanh. Thông thường, khi con cái hoặc thuộc hạ mắc tội bị bố mẹ hoặc người có quyền đánh đập, thì người có tội thường hứa từ nay về sau xin chừa, không bao giờ dám phạm vào tội ấy nữa. Lòng trinh bạch là gì, phải chăng đấy cũng là một loại tội lội mà Thúy Kiều hứa “từ sau xin chừa”? Lòng trinh bạch là lòng trong trắng của Thuý Kiều.
Nhưng sao không phải là tấm lòng trinh bạch mà lại là chút lòng trinh bạch? Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng khá nhiều chữ chút, để chỉ một ít, một vật nhỏ mọn với lối nói khiêm nhường như chút dạ, chút lòng, chút phận, chút thân, chút riêng, chút ước… Nhưng ở câu thơ này, “chút lòng trinh bạch” còn hàm chứa một nội dung khác: lòng trinh bạch của Thúy Kiều đã bị Mã Giám Sinh cướp đi phần lớn trong đêm ở nhà trọ trước ngày theo xe để về Lâm Tri. “Tiếc thay một đoá trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về”. Cái quý nhất của người con gái đã không còn nữa, nàng toan tự tử nhưng sợ liên luỵ đến bố mẹ, đành ngậm tủi nuốt hờn.
Nhưng dù sao khi ấy nàng vẫn nghĩ Mã Giám Sinh mua mình về làm vợ, nên y có quyền làm điều đó. Khi về đến Lâm Tri, mới hay được sự tình và nàng quyết giữ lấy chút lòng trinh bạch ít ỏi còn lại. Ở đây “lòng trinh bạch” còn hàm chứa thêm ý nghĩa là nếp con nhà lành. Nàng đã làm những gì với mục đích giữ lấy nó? Lần đầu khi Tú Bà bắt nàng tiếp khách, Thúy Kiều đã toan tự tử “một dao oan nghiệp đứt dây phong trần”, để cho mụ Tú phải “cắt người coi sóc rước thầy thuốc men” nàng mới tỉnh lại được. Khi tỉnh ra, nàng không tự tử tiếp, một mặt vì lời hứa hẹn giả dối của mụ Tú “tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà”, nhưng cái chính là nàng tin lời Đạm Tiên báo mộng: “Số còn nặng kiếp má đào/ Người dù muốn quyết trời nào đã cho”.
Như vậy, nàng không thể dùng cái chết để giữ chút lòng trinh bạch ở chốn lầu xanh. Thế thì trốn theo Sở Khanh, một việc làm nàng không tin ở thành công mà phó thác cho số phận: “Cũng liều nhắm mắt đưa chân/ Mà xem con tạo xoay vần đến đâu”. Nhưng tránh đâu cho khỏi trời, nàng bị bắt về đánh đập “Uốn lưng thịt đổ, giập đầu máu sa”, làm cho nàng nhận ra một chân lý cay đắng: ở chốn này, lòng trinh bạch là tội lỗi. Hay nói một cách khác, Tú Bà đã biết cách làm cho Thúy Kiều phải từ bỏ “chút lòng trinh bạch” của nàng.
Thì ra ở đời, con người phải đổi thay theo hoàn cảnh. Lòng trinh bạch là của quý, ai chẳng muốn giữ gìn, nâng niu, nhưng khi đã bước vào vũng bùn lầu xanh, đành từ bỏ thôi, mình đã thành con lươn chui rúc rồi thì làm sao giữ cho đầu khỏi lấm? Còn gì đáng thương hơn sự đầu hàng số phận đau đớn của Thúy Kiều?.
9/3/2012
Vương Trọng
Nguồn: dvt.vn
Theo http://lucbat.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chúng ta đã tìm bình yên ở những đâu Khi đối mặt đại dịch Covid-19, càng hiểu thêm giá trị của cuộc giằng co giữa sự thật và giả dối tro...