Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

Khúc phong cầm trên cát

Khúc phong cầm trên cát
Chúng tôi về Điền Lộc vào một ngày tháng năm, nắng hực trảng cát hun hút trải dài mùa biển.
Anh Trần Văn Liêm, một giáo viên ở đất Phong Điền, rất mê những trầm tích trên vùng Ngũ Điền nhiều cát gió đã dẫn chúng tôi đi qua những ngõ xóm Điền Lộc ngoằn ngoèo. Anh Liêm gắn bó với rẻo đất bãi ngang, ở đâu có di tích anh đều biết, hướng dẫn tận tình như người dân trong làng. Đi vào sâu Điền Lộc, cát chạy mãi dưới chân, tự dưng nhuốm cho tôi chút cảm mến với vùng đất lạ. Một lần được in chân vào mặt cát là một lần giao hòa với miền quê hương mật. Cồn cát nặng gót mẹ gánh gồng đi chợ sớm, nặng gót em những giờ đến trường nắng đổ mồ hôi; những người già bước chân nặng gót mỗi lần qua đồn ông Vệ có chòi canh cheo leo trên đồi cát. Thời chống Mỹ, Điền Lộc được đánh dấu trên bản đồ quân sự như một tuyến phòng bị, có đồn lính, có chòi canh. Thỉnh thoảng xuất hiện những đơn vị thủy quân lục chiến của chế độ cũ tập trận, hành quân, máy bay trực thăng Mỹ quần thảo qua hàng cây xanh. Cát vô tình biến thành chiến lũy, buồn đau với phận người. Những hàng phi lao được chặt trụi để thoáng tầm nhìn, nhiều người lặng lẽ ngã trên cát trong những cuộc giao tranh. Khi hòa bình lập lại, tàu thuyền tấp nập trên bãi làng Tân Hội, Hòa Xuân. Những khoang thuyền đầy cá, nhưng rồi nước mắt chứa chan, những người vợ đợi chồng đi biển xa, những người vì mưu sinh bỏ quên mình giữa đại dương thăm thẳm.
Những người nghèo ở Tân Hội gắn bó với cát, với Bàu Rò nước đong đầy xanh thắm. Bàu nước ngọt ấy hình thành giữa cồn cát, nhiều cá tôm mùa nước lên chen chúc nhau bò chơi trên cát. Mùa khô nước cạn, đất bùn màu mỡ trở thành ruộng hoa màu ngọt tươi hơn đất nào hết ở Ngũ Điền. Xưa, bàu nước này còn có trăm chim về quần tụ, đất lành nguyên vẻ hoang sơ. Nay, người dân còn lập những trang trại vịt quanh bầu, tiếng kêu của lớp lớp đàn thủy cầm phá tan không khí hoang vắng nơi bầu cát. Dọc con đường cát, những người đàn ông lực lưỡng vùi mình đào xới những lớp cát tìm phế liệu kiếm sống qua ngày. Đôi người dùng những con bò kéo những xe cát đầy dùng vào mục đích xây dựng nhà cửa. Cát theo bước chân ai qua những miền đất lạ. Cát theo chân tôi, vàng óng ánh giữa nẻo phù sa Ô Lâu từ ngàn năm đã êm ả chảy qua đất lành.
Trước mặt Điền Lộc, sông Ô Lâu trong xanh chảy qua êm đềm với chiều dài khoảng 3km. Dòng sông mang phù sa màu mỡ từ vùng rừng núi phía Tây Thừa Thiên Huế đổ về phá Tam Giang. Đoạn qua Điền Lộc đã là hạ lưu, gần cửa sông Ô Lâu đổ vào phá, lòng sông đây ở nở rộng, hai bên xanh mướt màu cây. Nguồn nước Ô Lâu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Sông hiền lành là vậy nhưng những ngày lũ lụt gầm thét vang trời, nước dâng lên quấy xóm quấy làng, chia cắt đường sá. Ngày tôi ra Điền Lộc, hoa sen giữa hạ nở hồng cánh đồng. Dăm con thuyền bé chèo nhẹ, lướt qua những chiếc rớ bà dựng choáng góc sông. Gió thổi mát rượi, mang nguồn thơm của sen, của lúa trổ đòng xông nồng cánh mũi. Làng quê rất gần gũi, rất thơm, như thể là nhà, là cố quận. Dừng lại trên cầu Hòa Xuân, nhìn trời nước thấm vào đáy mắt, lòng người se lại. Nắng chầm chậm rưới sắc vàng nhuộm sông, ao sen, đồng lúa. Xa xa, trong màu mây xám nhạt, những độn núi sừng sững góc trời chạy dọc một rặng xanh. Ở phía Tây, Trường Sơn một dải chấn ngang chân trời màu tím đậm. Bạch Mã xa kia mây cuộn trắng đầu. Huế như gần lại từ điểm nhìn của vùng bãi ngang. Ngày xưa, những bước chân di dân khai hoang mở đất đầu tiên hoặc là từ biển cập bờ, hoặc theo vùng sông nước, đầm phá từ phía Đông mở dần về phía Tây. Vùng Ngũ Điền hay Điền Lộc là nơi những bước chân đầu tiên dựng làng lập ấp của người Việt từ Bắc vào. Những xóm làng mọc lên trên cồn cát hoang vu, bên sóng biển, bên những dải đất phù sa chua mặn, rồi ruộng, rồi đồng, màu xanh choáng dần khoảng vàng đen cằn cỗi của cát, của bùn.
Những lớp người Việt đầu tiên đến định cư sinh sống trên mảnh đất Điền Lộc sớm nhất là vào cuối thời Trần, tương đương với chiều dài lịch sử của hơn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế. Sau khi mảnh đất châu Ô, châu Rí thuộc về nhà Trần vào năm 1306 qua cuộc hôn nhân chính trị Huyền Trân công chúa và Chế Mân, nhiều di dân Việt từ phía Bắc đã di cư vào đây. Thời kỳ này, những nhóm người ít ỏi cư trú trong tình hình chưa ổn định vì đất Thuận Hóa lúc ấy là miền biên cương phía nam của quốc gia Đại Việt, nơi thường diễn ra nhiều cuộc tranh chấp với Chiêm Thành. Đến thời Hậu Lê thì các hạng quan chức, lính tráng mới được cứ vào trấn giữ và mở mang bờ cõi phía Nam. Những ngựời trong gia đình, kẻ hầu người hạ đi theo họ khiến cho thành phần dân cư thêm đông đúc. Nhiều làng xã hình thành với số lượng cư dân nhiều lên qua từng ngày. Đến khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn giữ đất Thuận Quảng (năm 1558), trong ý đồ xây dựng Đàng Trong để cát cứ, đất Thuận Hóa có sự phát triển mới. Được lệnh vào Nam, những bề tôi, đồng hương nghĩa dũng ở Tống Sơn (Thanh Hóa) và các vùng Nghệ - Tĩnh đã di theo ông rất đông, đây chính là lực lượng hùng hậu bổ sung cho việc khai hoang lập làng, xây dựng và mở mang vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân. Điều này giải thích tại sao tổ tiên cư dân ở Điền Lộc và nhiều vùng ở Đàng Trong đều từ các tỉnh ờ miền Bắc vào, nhất là ở vùng đồng bằng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Các thời kỳ tiếp theo có những người dân từ nhiều nơi dưới nhiều hình thức, lý do khác nhau cũng đến sinh cơ lập nghiệp, cùng sự phát triển dân số tự nhiên đã hình thành nên những xóm làng mới ở Điền Lộc như ngày nay. Ngày nay, xã Điền Lộc có 8 thôn gồm: Nhất Đông, Nhì Đông, Nhất Tây, Nhì Tây, Giáp Nam, năm thôn này thuộc làng Đại Lộc là một ngôi làng có lịch sử lâu đời trên vùng đất Ngũ Điền và các thôn ven biển là Mỹ Hòa, Tân Hội và Hòa Xuân. Những con đường ngang dọc đi qua Điền Lộc tạo điều kiện cho nhân dân nơi đây mở rộng giao lưu với bên ngoài.
Điền Lộc có diện tích đất tự nhiên thuộc vùng đồng bằng ven biển, xen kẽ có những độn cát thấp ẩn chứa nhiều vết trầm tích thời gian. Nhìn từ trên cao, Điền Lộc có ba mảng màu riêng biệt, màu xanh mướt của ruộng lúa, màu vàng của những cồn cát và màu xanh đục của những thôn giáp biển trồng nhiều phi lao. Đi miết về phía đông, màu xanh thẳm của biển Đông réo vỗ bên triền cát dài Điền Lộc. Với địa vật như thế, đất đai ở đây có đặc điểm là đất mặn phèn trên phù sa phủ cát, được phân tầng rõ rệt theo chiều sâu. Tầng trên dày khoảng 20cm, màu xám nâu (lượng cát chiếm 86%); tầng giữa dày khoáng 25cm, xám trắng, lượng cát giảm, bột sét tăng lên. Xuống sâu hơn nữa thì độ phèn càng nặng. Nhìn chung, đất hơi chua, hàm lượng chất dinh dưỡng không cao, người dân sử dụng để trồng lúa, năng suất không cao bằng các vùng chuyên canh khác và nhiều loại cây lấy củ như khoai, sắn, các loại rau màu.
Tôi may mắn gặp được anh Lê Tấn Quý, một lãnh đạo tại xã Điền Lộc, người nắm rất rõ đất và người Điền Lộc cùng trò chuyện. Anh kể về vùng đất quê mình nghèo khó, từng tấc đất trồng trọt quý như vàng trên dải đất Ngũ Điền và những giai thoại lý thú để có được bề mặt đất như hôm nay. Để có được 1300 ha đất canh tác như ngày nay, cư dân Điền Lộc đã mất rấy nhiều công sức, mồ hôi thấm ướt ruộng đồng để khai hoang dải đất không mấy màu mỡ. Việc xác lập đất đai nơi đây có nhiều giai thoại thú vị nhất là với đất đai dân làng Đại Lộc. Một người phụ nữ lấy chồng ở Điền Hòa đã lâu nhưng không có con; chồng chết và bà đành xin gia đình chồng cho được về lại nhà mẹ đẻ. Bà cũng ngỏ ý xin đất nhà chồng bấy giờ là một gia đình có vai vế, thuộc hàng đại phú ở Điền Hòa, để trồng rau muống. Nhà chồng đồng ý và nói bà bê tảng đá do họ chọn, bê lúc nào bà mệt, đá rớt và dừng lại thì đất bà được cấp tính từ ranh giới Đại Lộc tính qua. Bà cố gắng hết sức mình bê tảng đá và ngày nay mang về cho dân làng Đại Lộc được 7 ha ruộng lúa ngát xanh. Về sau, dân làng cảm tạ ơn bà đã lập miếu thờ gọi là nghè Mụ Bà để thờ phụng đến hôm nay.

Những mảnh đất trồng trọt được đôi khi còn đổi bằng cả sự tủi nhục và mạng sống. Giai thoại về chuyện đất của ông Xạ khiến người đời thấy đau cho cả đôi bên. Ông Xạ làm rể Điền Môn, gặp đúng nhà vợ là gia đình quyền thế, cha vợ làm quan lớn nắm sổ sách về đất đai của làng. Một lần, cha vợ đi vắng, ông đánh liều đánh cắp được trích lục về địa bạ Điền Môn mang giao lại cho làng Đại Lộc. Sau nhà vợ biết chuyện này, ông ân hận tự tử. Dân làng nhờ ông Xạ mà có thêm được 3 ha đất màu, chỉ có ông là thiệt thân, chết cũng không dám làm lăng mộ. Vài đời sau, người ta quên chuyện, ông Xạ mới được làm mồ và lập Nghè ông Xạ để dân làng thờ phụng như một “công thần” mang thêm đất màu về cho Đại Lộc đầy chua mặn.
Làng Đại Lộc có tới 19 xóm là các xóm như Xóm Toán, xóm Chùa, xóm Trà, xóm Vẻ, xóm Cường, xóm Vịnh, xóm Nhật, xóm Ngãi... được xem là một ngôi làng có thiết chế bề thế và quy mô nhất Điền Lộc. Những người dân nơi đây quần quật làm việc, khi trên đồng, lúc xuống sông, đêm ra biển... sản xuất và đánh bắt vô số sản vật. Từ đó, tất cả đem ra chợ Đại Lộc. Chợ Đại Lộc (tên dân gian là chợ Đại Lược) là trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương với các vùng phụ cận. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, dưới thời nhà Nguyễn, chợ Đại Lộc có “quán xá đông đúc, rộng rãi”, cho thấy tầm quy mô, vị thế quan trọng của chợ trong đời sống nhân dân Ngũ Điền. Do thuận lợi về mặt giao thông đường thủy, đường bộ nối với các vùng ven biển, chợ Đại Lộc là đầu mối giao lưu hàng hóa giữa nhân dân các xã của hai huvện Phong Điền, Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) và cả huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). Chợ nằm trên ngã ba đường, theo trục đường chạy dọc vùng bãi ngang Phong Điền, Quảng Điền và trục đường nối vùng Ngũ Điền với Phong Chương, lại gần sông Ô Lâu, thủy bộ đều rất tiện. Chợ Đại Lộc một thời nổi tiếng với các sản vật của địa phương gắn với nguồn tài nguyên biển, đầm phá và hàng hóa trao đổi từ các vùng khác đem đến. Từ khu vực chợ Đại Lộc, dân cư quần tụ đông đúc, càng đông đúc hơn nữa khi có sự tụ họp của cư dân trong vùng về mua bán, khiến vùng này trở thành một thị tứ khá sầm uất. Trong dân gian truyền tụng câu ca:
“Thuyền về Đại Lược
Duyên ngược Kim Long
Đến nơi đây là chỗ rẽ của dòng
Bạn về quê bạn biết gửi lòng về mô” 
Ngày xưa, để có sự luân chuyển hàng hóa vô Huế, mọi thứ ở đây đều di chuyển bằng thuyền tiện bề sông nước, cầu cống bấy giờ cũng chưa có như sau này. Hàng hóa sau khi trao đổi ở chợ Đại Lộc, thương lái sẽ tập trung vào thuyền rồi đi trong chiều cho đến sáng hôm sau kịp phiên chợ trong kinh thành. Cả Đại Lộc thời đó chỉ có 1-2 thuyền do các tư nhân góp vốn nhau lại, làm phương tiện thông thương hàng hóa từ đây ra bên ngoài. Thuyền có kích cỡ vừa phải, khoảng chục người chèo, có gắn cột buồm bằng vải để tận dụng sức gió. Thuyền theo sông Ô Lâu vào phá Tam Giang, từ đó qua sông Hương và đi thẳng lên chợ Đông Ba. Phần lớn thời gian di chuyển trong đêm, câu ca tiếng hát cất lên, phá tan sự tĩnh lặng của màn đêm u tối. Thuyền đi nhanh đi xa kịp phiên chợ, mang về nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con Đại Lộc miền xa. Bao thế hệ có được nhu yếu phẩm cần thiết đều nhờ những con thuyền xuyên duyên Đại Lược - Kim Long này.
Về đây Tân Hội những xóm nghèo mỏng dính bền chí sống mãnh liệt bên cồn cát trắng, bên biển xanh trong. Cát xô trước thềm nhà, trải ra những con đường bát ngát về những miền xa duyên hải. Dải cát Điền Lộc ôm vành biển hiền hòa tự ngàn đời vỗ giấc du ca. Từ cát tỏa ra mùi của cỏ cây hoang dại, thứ hương buồn bã của những cây cỏ đậm chất tinh dầu nơi mộ địa. Tất cả dường như cúi mình trước bóng xương rồng trên trảng cát. Xương rồng, loài cây chí cốt muôn đời với cát bỏng, trung kiên và sâu đậm. Về Điền Lộc nhằm dịp những bông hoa xương rồng nhụy xanh cánh trắng mang ngàn năm ánh sáng nở biếc bình minh. Nếu như cát là niềm tự do giữa vùng bãi ngang Ngũ Điền mặc sức chạy nhảy xuống đầm ra biển, thì hoa xương rồng là giọt nước mắt vĩnh hằng trên triền cát.
Ngư dân Nguyễn Văn Triển, người suốt đời bền bỉ nơi trảng cát quê nhà, mồ hôi và nước mắt của ông đã đổ thấm từng con đường mòn nối dài ra biển. Đó là một ngư dân dáng người đậm, thân hình hãy còn vâm váp mặc dầu qua tuổi lục tuần đã lâu. Gương mặt đen sạm vì nắng gió, người nồng vị xa xăm của biển. Và giọng ông, như một cơn sấm chiều rền rả. Buổi chiều về Tân Hội, lão ngư dân chưa kịp chuyện trò đã lên đường ra biển kéo lưới mẻ cá. Chân đất, ông đi làu làu trên cát, băng qua hàng phi lao, cỏ dại như người chạy maraton, mà sức thường dễ phải sái chân. Cả đời ông, đi đi về về với biển, xa biển là không chịu được. Vốn là một trưởng thôn, ông nói rõ đến từng con số, 102 hộ với 339 nhân khẩu chia làm 6 xóm tự quản biến Tân Hội thành một ngôi làng khá vuông vắn trên trảng cát. Tuy gần biển nhưng tàu cá ngày càng ít lại. Ông kể, trước năm 2002, ghe thuyền đậu chật bãi biển Tân Hội, có cả những tàu đánh bắt xa bờ, giờ nghề đi biển chẳng mấy ai mặn mà vì rủi ro lớn và người trẻ cũng đi làm ăn xa, để thuyền hà muối phải bán đi. Giờ ngư dân như ông chỉ còn cách đi theo những thuyền nhỏ ít ỏi còn sót lại đánh bắt gần bờ hoặc hè nhau bủa lưới kéo cạn sống qua ngày. Cát Tân Hội khô trong lòng ông, nhưng những con tàu sẽ thôi ác mộng mắc cạn vì ngày mai.
Đời ông gắn biển, gần cát, gần cả những linh hồn trên cát. Ông kể về cuộc chạp mộ cho các âm linh cô hồn nơi Tân Hội. Đó là những nấm mồ vô chủ, lâu ngày không có ai chạp, những người chết biển, chết vùi trong cát được dân làng chôn cất, thờ phụng. Những ngôi mộ nhỏ nằm rải rác trên trảng cát, trên nghĩa địa làng hoang vu, bạt ngàn. Hằng năm, cứ đến ngày 15/1 Âm lịch, làng đều cắt cử người đi chạp mộ cho những vong linh không nơi nương tựa. Nghĩa cử này làm thơm trảng cát những ngày xuân. Lão ngư dân, lời thẳng như cột vè bơi trải, sống trong cát chết vùi trong cát, trong cát có ngọc, ngọc tìm đâu xa. Một ý nghĩ lóe lên, có khi tôi gặp được cậu bé của Paulo Coelho ngày nao trên trảng cát Điền Lộc.

Kết thúc câu chuyện với lão ngư dân, tôi lên xe đi về phía biển tìm kiếm một những hồi ức và mộng ảnh còn vương trên cát. Cát chạy mãi, rào rạt gào dưới chân những hàng phi lao khắc khổ. Cát bay qua nóc những ngôi nhà ngư phủ đã mục đi vì nắng muối. Cát đậu trên bông xương rồng héo nguội cuối ngày. Cát nghe gió kể về câu chuyện cổ tích nghìn đời của nỗi đau thất lạc mẹ con. Hạt cát buồn tắm ướt mình dưới đầu sóng. Tất cả lặng yên bỏ mặc tiếng ca của sóng hát xanh bến bờ đi qua, vùng đất lạ, cánh chim và những con tàu. Trên vùng cát mênh mông trắng chiều Điền Lộc, những hoang liêu thức giấc, gọi tên mình trong nỗi ngơ ngác của con gió lạc bầy. Tôi lang thang khắp trảng cát và phát hiện vô số bụi xương rồng mọc hoang trên cát, chạy vào cồn mồ, ra tận bãi biển. Hơi biển mặn đáy lòng, nụ xanh ngậm ngùi trong tay như thở những tàn hơi cuối cùng đầy mưa nắng. Hồi ức về bữa rượu bên bãi trăng sáng vùng cửa Thuận, rượu từng chén chuốc lên môi. Trăng tan trong rượu, tai chạm tiếng chuông chùa, tiếng kinh cầu chấp chới... Ngoài kia sóng vỗ bến bờ, bóng ai bay trong phách nhạc run lạnh mộng. Hoa xương rồng quắt queo trong tay như giọt nước mắt héo. Loài xương rồng đến kiệm giản với niềm vui, cả một năm mới cho ra hoa quý nhưng chóng lụi tàn, trả lại nét nguyên sơ của xác thân khắc kỷ.
Giữa màu xanh bạc sờn của loài xương rồng, cuộc sống êm đềm diễn ra từng giây từng phút. Trong từng đường gân, gai nhọn, chú kiến vàng vội vã gồng gánh thức ăn về lo tổ ấm. Bên bông hoa chớm nở, chú ong mật lẹ làng tách cánh. Tất cả tìm tìm lối riêng mình, cách này hay cách khác để tồn tại giữa thế gian, dù khắc nghiệt, dù nguy khó. Trên con đường ngập cát, hỏi màn đêm để nhận sự lặng thinh, hỏi xương rồng để nghe những mầm xanh khe khẽ cựa mình trong đất. Thứ nhựa đời rất thật gắn kết những thất bại và nỗ lực, gắn màu xanh lên cát khô cằn. Và dù bóng tối đổ đầy từng hốc mắt, xương rồng sẽ đứng như một người hiến binh trên cồn cát vàng nhòa đêm miền lộng gió.
Có những thân xương rồng bị thời gian đốn gục, úng đi, rơi rụng khỏi phần thân gốc, hoai mục rồi biến mất, lẩn hòa vào cát. Số ấy thường rất ít, thay vào đó là sức mạnh sinh tồn ghê gớm của xương rồng. Một sự đồng hiện giữa hình tượng cây xương rồng trên cát như Hartari - hình ảnh người chiến binh sa mạc đầy niềm tin tâm linh mãnh liệt, sống bất khuất như xương rồng ngay cả trong trái tim người khác, mà tôi có lẽ là cô gái Lalla, yêu si mê và cuồng dại con người của cát, của sa mạc ấy bởi ngòi bút sinh động của J.M.G Le Clézio cất công tạo dựng. Một chiếc thân vô tình bị ngắt bỏ có thể mọc thành cây mới trên cát. Hay như người ta cắt một khúc xương rồng treo trước cửa nhà để trừ tà mà, màu xanh của cây cứ thế mà xanh mãi dù chẳng được chạm đất. Xương rồng ít khi phải đi tìm chiếc bóng của mình, dường như sự chết bất động ngay trên chính thân thể đầy gai nhọn. Bụi xương rồng trơ gan đứng giữa trảng cát không một bóng cây, cánh trắng nhụy xanh ngạo nghễ trong nắng hè.
Bên cây xương rồng rộ hoa giữa cồn cát trắng áo mây, tôi đánh rơi một nụ cười chìm sâu trong lòng cát Điền Lộc. Những khắc khoải trỗi dậy, vực cô đơn vào vòng xoáy ký ức mịt mù. Nhớ bước chân một người lặng lẽ đi trên cát, trong bóng nắng chiều với nụ cười mùa thu biển. Đêm Điền Lộc vội đến, tôi tạm biệt anh Trần Văn Liêm chạy xe dưới đôi hàng cây keo lai, ánh trăng thượng tuần leo lét thắp phía trời xa, nhuộm lên đôi cồn cát trắng xóa màu đêm. Hơi biển nồng ùa vào cánh mũi và theo trăng tan vào đáy mắt mằn mặn. Chợt nhớ câu thơ Xuân Quỳnh “Ngọn gió bỏng khi đi thành nỗi nhớ/ Cát khô cằn ở mãi hóa yêu thương”. Biển, trăng và cát, những thứ lặn tìm được dưới đáy cuộc người đầy vội vã, dìm quên đi những mộng ước trinh sơ ngày nào ánh trăng bạc duyền loang bên bến bãi, nơi cát chảy dài dưới chân và bờ môi ai ngọt lịm ru tôi ngủ quên ngày tháng.
Lê Vũ Trường Giang
Theo http://tapchisonghuong.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chúng ta đã tìm bình yên ở những đâu Khi đối mặt đại dịch Covid-19, càng hiểu thêm giá trị của cuộc giằng co giữa sự thật và giả dối tro...