Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

Hiện thực giấc mơ trên cát trắng

Hiện thực giấc mơ trên cát trắng 
1. Xem mấy bức ảnh tư liệu quý hiếm về thiên đường nghỉ dưỡng Cửa Tùng những năm 30 của thế kỷ trước được anh bạn nhà báo của tôi chia sẻ lên facebook, thấy lòng nhói tiếc. Ảnh của người Pháp chụp những ngôi villa xinh đẹp nằm trên các mũi núi nhô ra biển với hệ thống nhà hàng, phòng nghỉ, sân chơi… được xây dựng theo phong cách kiến trúc châu Âu sang trọng hiện đại. Thật không ngờ Cửa Tùng từng có những tiện nghi như vậy.
Anh bạn của tôi cả thời thơ ấu sống bên biển Cửa Tùng đã rất xúc động khi trông thấy hình ảnh của thị trấn biển quê mình gần cả trăm năm trước qua những bức hình đen trắng. Anh sinh ra khi Cửa Tùng chỉ còn là các bãi cỏ hoang vu, hai cuộc chiến tranh từ 1946 - 1975 đã san bằng tất cả hào hoa tráng lệ Cửa Tùng. Cái vạch vĩ tuyến quân sự tạm thời chia cắt đất nước thành hai miền không chỉ làm lãng phí một cây cầu Hiền Lương không có người qua lại, mà còn làm lãng phí, lãng quên nơi cửa biển này một bãi tắm đẹp lành. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều năm sau đó nữa, người dân các làng biển đã lấy gạch, đá từ những ngôi biệt thự bị bom Mỹ đánh sập về làm nhà. Anh bạn tôi cũng đi đào đá móng những ngôi biệt thự ấy về bán lấy tiền sắm sách vở đi học. Theo anh, từ mũi Hàu men theo mép biển đến mũi Sy rất nhiều nền đá móng biệt thự như vậy. Những biệt thự nằm giữa mênh mông trời nước lý tưởng cho việc nghỉ dưỡng và tắm biển.
Những năm đầu khai phá Trung Kỳ, người Pháp vốn đã ngán cái nắng của xứ này nên họ luôn tìm những vùng đất có khí hậu tốt lành để “trốn nóng”. Và cùng với Khe Sanh, Cửa Tùng của đất Quảng Trị cũng được người Pháp xếp vào nơi có khí hậu lý tưởng để nghỉ mát. Địa hình Cửa Tùng có cấu tạo như dải cao nguyên xanh xiên xuống một bãi biển có độ dốc thoai thoải cát trắng mịn màng. Ngoài biển ra, một vẻ đẹp khác của Cửa Tùng là những làng vườn trên nền đất đỏ bazan nhìn ra biển trồng những cây đặc sản là tiêu, chè, mít, thuốc lá… nổi tiếng nhất là các vườn tiêu quả cay thơm được xếp vào loại có hương vị tốt nhất nước. Thời kỳ Pháp thuộc, hiếm nơi đâu ở nước ta có một bãi biển đẹp và có những khu vườn xanh biếc ngát hương cây trái nằm sát biển như vậy. Người Pháp đến đây bị mê hoặc bởi những vẻ đẹp này đã đặt cho Cửa Tùng cái tên đầy kiêu hãnh là “Bà chúa của những bãi bể” và ráo riết xây dựng hàng trăm biệt thự phục vụ nghỉ dưỡng cho quan chức thuộc địa. Linh mục Léopold Cadière, một người Pháp rất am tường về Đông Dương và Quảng Trị trong bài viết “La Plage de Cửa Tùng” (Bãi biển Cửa Tùng) kể rằng Khâm sứ Trung Kỳ đã chuyển nhà tắm của triều Nguyễn dựng ở biển Thuận An thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế ra Cửa Tùng, sau thì trả lại làm nhà nghỉ mát cho vua Duy Tân. Ở đây còn có Đại khách sạn duyên hải, có thư viện nổi tiếng của linh mục Alexandre De Rhodes và hàng loạt biệt thự của quan chức tây, ta. Vua Bảo Đại cũng có hành cung nghỉ mát, thương gia người Việt từ Hà Nội đến Sài Gòn đều có biệt thự cả. Cư dân Cửa Tùng không chỉ làm nghề chài lưới mà kiêm luôn cả công việc phục vụ trong các khu nghỉ dưỡng của những ông Tây bà Tây này.
Mùa hè năm 1962, nhà văn Nguyễn Tuân về thăm Cửa Tùng cũng công nhận rằng: “Cửa Tùng nhất nước ta đấy. Biển Cửa Tùng càng nhạt nắng càng khoe tươi. Đủ cấp bậc xanh và lam và hồng, và chuyển nhanh có lúc như chớp giật. Trời và sóng lộng lên sinh sắc của thiên nhiên… Ngày xưa, thực dân xoàng mới nghỉ ở Sầm Sơn, hạng to hạng bự thì phải ở Cửa Tùng” (Tùy bút Giữa chiến tranh và hòa bình là một bãi biển Cửa Tùng). Như vậy cũng đủ thấy vẻ đẹp lộng lẫy, yêu kiều của Cửa Tùng dù nằm ở xa những trung tâm lớn thời bấy giờ nhưng dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp đã nhanh chóng trở thành thị trấn du lịch biển tiện nghi nhất nhì Đông Dương thập niên 1930.
Nhắc chuyện gần cả trăm năm trước người Pháp đầu tư làm du lịch nghỉ dưỡng ở Cửa Tùng để nói rằng, dẫu trải qua bao thăng trầm biến thiên lịch sử chúng ta đã để mất “bà chúa” của những bãi biển, thì một thời Cửa Tùng đã thực sự là một chấm son trên bản đồ du lịch của cả nước, là niềm tự hào của người Quảng Trị. Chứng kiến cảnh bãi tắm bị xâm thực ngày một gầy hao, bạn tôi luôn trăn trở cho số phận Cửa Tùng và nuối tiếc ước mình có thể trả lại những viên đá móng đã đào thuở trẻ dại, đặt nó lại chính cái nơi nó làm bệ đỡ cho những biệt thự lâu đài để một ngày kia ai đó đến xây tiếp những khu nghỉ dưỡng trên đất này. Cái viễn cảnh tốt lành nay mai trên vùng đất cát hoang vu sẽ hiện hữu quần thể nghỉ dưỡng du lịch sang trọng trong giấc mơ lãng mạn của bạn dẫn dắt tôi lạc vào những dự cảm tốt lành về tương lai của vùng biển quê nhà…
2. Cách đây mấy năm, Quảng Trị hiện đại hóa tuyến đường trực chỉ Cửa Việt - Cửa Tùng, con đường quốc phòng kết hợp dân sinh chạy dọc theo mép biển. Bên cạnh mục đích phục vụ nhu cầu lưu thông của người dân vùng biển, con đường có tác dụng kép là động lực để hình thành và phát triển các vùng kinh tế ven biển, mở ra triển vọng thu hút nguồn lực từ bên ngoài nhất là đầu tư vào dải đất ven biển rộng lớn của hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh. Tôi đã qua lại con đường này rất nhiều lần để về các làng biển, chạy một mạch từ cảng Cửa Việt về miền xa duyên hải mới hình dung được trọn vẹn cái mênh mông của vùng đất cát phía đông bắc quê nhà, nhìn rõ tường tận những rặng cây phi lao, cồn cát, cây cầu, bến cảng và những xóm nhà nằm kề bên chân sóng. Quảng Trị suốt mấy chục cây số bờ biển chỉ trừ miệt Cửa Tùng về Vịnh Mốc là đất bazan đỏ, còn ở đâu cũng là trùng trùng cát trắng bên những cánh rừng phi lao chạy dài theo cánh sóng.
Lang thang khắp mọi nẻo đường mới thấy cái vệt đất ven biển quê mình bao la quá, rộng dài quá, không chỉ đẹp mà còn giàu tiềm năng nữa. Khu du lịch biển Cửa Việt đã được quy hoạch đầu tư khá hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng, hai cảng cá Cửa Việt và Cửa Tùng phát huy hiệu quả, cùng với đó là con đường ven biển Cửa Việt - Cửa Tùng được hiện đại hóa nối dài với con đường xuyên Á từ Đông Hà về Cửa Việt mở ra cơ hội cho vùng biển hội nhập với Hành lang kinh tế Đông Tây… nhưng như thế vẫn chưa đủ so với tiềm năng đang có. Đi về các xã bãi ngang, những mô hình nuôi tôm, trồng rau, trồng lạc, trồng dứa… của người dân cũng chỉ chiếm một phần nhỏ diện tích, khó có thể khỏa lấp vùng đất cát mênh mông này.
Trong cái rộng dài của dải đất cát ven biển là nỗi niềm trăn trở về tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ. Làm gì trên vùng cát ấy để đưa lại hiệu quả kinh tế cao xứng đáng với tiềm năng của nó là mối quan tâm lớn của lãnh đạo tỉnh và các địa phương suốt một thời gian dài. Mấy năm gần đây, các hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Trị đã kéo các nhà đầu tư chiến lược về phía biển. Công ty cổ phần Tập đoàn AE đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái biển AE Resort - Cửa Tùng có diện tích trên 36 ha dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng - Vịnh Mốc, bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2018 - 2021 với các hạng mục resort nghỉ dưỡng, khách sạn, trung tâm hội nghị, khu vui chơi giải trí, khu thể thao, hệ thống cây xanh cảnh quan. Tập đoàn FLC đang xem xét đầu tư dự án quần thể khu đô thị nghỉ dưỡng cao cấp quy mô hàng trăm hecta ở vùng ven biển từ Cửa Việt đến Cửa Tùng. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng điểm du lịch Mũi Trèo - Rú Bàu là khu sinh thái rừng nguyên sinh kết hợp hệ sinh thái biển và khảo sát mở tuyến du lịch Cửa Tùng - Mũi Trèo... cùng nhiều dự án khác sẽ triển khai trên miền cát trắng.
Lợi thế đặc thù để thu hút đầu tư nằm ở chỗ, Quảng Trị đang có quỹ đất ven biển sạch, diện tích lớn và mức độ tập trung cao, không bị manh mún chia cắt. Thế nên việc đặt tay vào làm quy hoạch thuận tiện hơn. Tỉnh Quảng Trị xác định, Khu kinh tế ven biển Đông Nam đi qua bảy xã của hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong là nơi ưu tiên thu hút các dự án đầu tư khu công nghiệp, năng lượng, cảng biển, logistics.
Đối với khu vực ven biển phía Đông Bắc của hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh thế mạnh chủ yếu và quan trọng nhất là những bãi biển đẹp, sạch hội đủ tiềm năng phát triển du lịch, do vậy ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; liên kết với làng địa đạo Vịnh Mốc và đảo Cồn Cỏ đang xây dựng thành huyện đảo du lịch sẽ tạo nên quần thể du lịch sinh thái biển phong phú và hấp dẫn, hướng tới kết nối Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ thành “tam giác” du lịch biển trọng điểm của cả nước. Sắp tới đây, khi con đường trung tâm trục dọc Khu Kinh tế Đông Nam đến cảng Cửa Việt hoàn thành sẽ nối dài với tuyến đường quốc phòng ven biển Cửa Việt - Cửa Tùng thông thương tất cả bờ biển suốt từ điểm đầu phía bắc đến tận điểm cuối phía nam Quảng Trị.
Dự cảm, chỉ vài năm nữa, khi các dự án hoàn thành, vùng đất cát hoang sẽ thành khách sạn, thành biệt thự, thành hồ bơi, thành bãi tắm đẳng cấp, thành công viên cây xanh... Và thử nghĩ xa hơn, khi tour du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ chính thức ghi danh trên bản đồ lữ hành, chỉ một ngày du khách có thể tham quan vòng quanh địa đạo Vịnh Mốc, rừng nguyên sinh Rú Lịnh, thăm thú đảo Cồn Cỏ lặn ngắm san hô, tắm biển, chinh phục động cát, tìm hiểu đời sống cư dân các làng chài ven biển, thưởng thức hải sản tươi ngon và những đặc sản của Quảng Trị. Với tour du lịch từ hai ngày trở lên, du khách sẽ lưu trú trong các resort, khách sạn đẳng cấp 5 sao tận hưởng các tiện nghi nghỉ dưỡng hiện đại, với những người trẻ thích khám phá trải nghiệm có thể chọn dịch vụ cắm trại dã ngoại ở Mũi Trèo - Rú Bàu.
Để trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng phát triển bền vững vẫn còn đó những trăn trở và thách thức. Nhưng quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị là kiên trì tiếp cận nhà đầu tư theo phương châm “đến tận ngõ, gõ tận cửa” để mời chào. Quảng Trị đang có dải đất cát ven biển đầy tiềm năng, lựa chọn phát triển du lịch là hướng đi có nhiều triển vọng tạo nên sự bứt phá và nhiều nơi đã thực hiện thành công. Nhìn ra Quảng Bình thôi, cũng là tỉnh nghèo có xuất phát điểm thấp tương tự như Quảng Trị, nếu không có những cuộc đổi cát lấy công trình thì Quảng Bình bây giờ không có được những khu resort nghỉ dưỡng sang trọng, không thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất duyên hải miền Trung.
Với những dự án sắp tới khởi động ở Cửa Việt, Cửa Tùng, giấc mơ của anh bạn tôi về quần thể thiên đường du lịch nghỉ dưỡng hiện ra lộng lẫy giữa biển xanh, cát trắng, nắng vàng không còn là giấc mơ xa xôi!.
Cẩm Nhung
Nguồn: Tạp chí Cửa Việt số 292, 
tháng 1 năm 2019
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chúng ta đã tìm bình yên ở những đâu Khi đối mặt đại dịch Covid-19, càng hiểu thêm giá trị của cuộc giằng co giữa sự thật và giả dối tro...