Sáng ấy là buổi tập dã ngoại đầu tiên sau tết. Nhà liên miên
khách, hôm trước mấy chị em phải giúp mẹ làm bổ sung mấy thứ bánh cúng rằm. Chẳng
đi tới đâu, cái đám đàn ông mặc yếm ấy. Đã bao lần khi bưng trầu, nước lên chào
khách, mẹ cứ nhắc chừng phải từ tốn, dịu dàng; nàng đã không thể e ấp cúi đầu
thục nữ mà cứ nhìn thẳng vị nam khách có thể sẽ là đức phu quân. Thì phải biết
mặt mũi tướng tá ra sao để tí nữa còn trả lời mấy chục chị em đang hồi hộp chụm
đầu nhỏ to sau vườn chứ! Chẳng hiểu sao hết con cụ Chánh Tề xã dưới đến cháu nội
Tuần San… các cậu ấm “con nhà” này hễ chạm ánh mắt của nàng là rúm ró. Có kẻ mới
vào sân, nhìn chéo qua vườn thấy nàng luyện kiếm cho chị em là xà lui. Cha ca cẩm
mầy cứ côn kiếm kiểu này thì chẳng đứa nào dám rước! Nhưng thương chiều con ông
cũng không cấm. Gần đây con Nhạn lại về hùa với nó, tập tập luyện luyện, đàn bà
con gái cái xã này nữa, đúng là thời loạn!
Sáng nay dặn chừng chị em ở nhà luyện kiếm, nàng cùng Nhạn,
Lan cỡi ngựa qua Trãng Sim. Nhạn mới mười sáu, vai cô ruột nhưng cũng là học
trò nàng, cô út mới được ông bà lì xì con tía khá đẹp; Lan được ông anh rể biện
Nhạc tặng con ô trước tết. Nhưng con bạch mã của nàng vẫn trội hơn. Cả ba chạy
kiệu vài dặm là biết ngay. Lý Văn Bưu dạy nàng khá kỹ cách nhìn ngựa, cỡi ngựa
bắn cung. Chàng trai bên Đại Khoang Phù Cát chuyên nghề chăn nuôi bò ngựa và săn
bắn này quả là trang hảo hán, cung kiếm đều giỏi. Gặp nhau vài lần săn ở Thuận
Ninh là thân quý nhau. Nghe Lan kể anh em biện Nhạc học thầy Hiến là những
trang kiệt hiệt, có chí lớn. Chà, đàn ông trên đời vẫn còn đấy chớ giẻ rách cả
đâu mà mẹ sợ mình ế chồng. Mẹ bảo ế chồng già một mình bò ra vò nước. Bất giác
nàng cười vang. Nhạn, Lan chạy rướn tới hỏi, nàng chỉ cười thúc ngựa phi nhanh
hơn về phía cây cầy trên đồi, nơi luyện tập.
Mặt trời đã lên cao nhưng tiết xuân trong lành và mát mẻ.
Cỏ non mượt trải rộng khắp trập trùng đồi lan xa với miên man lùm bụi chà là,
sim, ổi… Và vô vàn hoa dại đang khoe sắc. Nàng hít căng lồng ngực làn gió xuân
dìu dịu hương rừng hoà quyện từ nhựa cây, lá ủ, và cả những búi cỏ bật ra từ vó
ngựa. Nàng thích thú thúc mạnh chân, con bạch mã hí vang thoã mãn và phi nước đại,
bỏ lại sau lưng tiếng kêu ơi ới, tiếng cười trong trẻo của hai cô gái. Nàng
vòng qua cây cầy vẫy tay ra hiệu cho hai người luyện bắn cung còn mình thì cứ
phóng nhanh về phía núi trong một phấn khích kỳ lạ.
Nhiều năm sau này, quá nhiều biến động khiến bà hầu như không
có chút cơ hội để lý giải khoảnh khắc định mệnh ấy như bây giờ…
Đã vào thung lũng Thuận Ninh. Ba bề bốn bên trập trùng núi.
Nàng ghìm ngựa cho nó đi thong thả. Con bạch mã lựng khựng có vẻ không vừa ý. Dẫu
sao, những trãng tranh cũng hẹp dần, đồi núi nhiều cây cối và đá. Một con mang
chạy tắt qua hoảng hốt. Cung tên đeo sau lưng- nàng không chuẩn bị săn. Vùng
núi này nàng từng bắn được nhiều nai và heo rừng về đãi chị em. Con tuấn mã chợt
khựng lại, dỏng tai nghe ngóng. Nàng trong tư thế sẵn sàng thận trọng cho ngựa
tiến bước. Con vật khựng lại lần nữa và lần này chính nàng nghe rõ tiếng cọp gầm!
Không phải tiếng gầm nhàn rỗi thị uy muôn loài mà là một cuộc ác đấu. Thợ săn
chuyên nghiệp Đại Khoang đã dạy nàng cách phân biệt chuẩn xác. Cũng chính anh
bày nàng tập cho ngựa quen dần mùi cọp. Nàng cho ngựa tiến về phía ấy trong một
thôi thúc khôn tả… Quả là một cuộc ác đấu. Giữa cọp và người. Một tráng sĩ tay
không, người loang lổ vết máu đang chật vật tránh những miếng vồ sở trường của
chúa sơn lâm và vung quyền cước phản đòn. Nhìn đất cày cỏ nát nàng hiểu cuộc
chiến đã kéo dài đến vài giờ. Nàng nhảy xuống ngựa, quát lên một tiếng, tuốt kiếm
xông vào…
Chiếc xe phía trước xóc mạnh. Gương mặt nằng nặng vì phù
thũng của chồng thoáng chau lại nhưng bắt gặp ánh mắt bà, ông mỉm cười. Cũng
như năm Quang Trung thứ 2, Ai Lao không chịu nạp cống lễ hoàng đế sai chồng đem
một vạn quân đi vấn tội, bà xin tiên phong, chỉ một trận là hạ thành Vạn Tượng.
Ông cũng chỉ khen tặng bà nụ cười chứa chan yêu mến…
Bị nhát kiếm hiểm, cọp dữ rống lên một tiếng rồi phóng vào rừng.
Nàng quay lại: người tráng sĩ đã kiệt sức chống tay ngồi trên đất, ánh mắt ngạc
nhiên thoáng nét sửng sốt. Anh chợt mỉm cười rồi cất lời điềm tĩnh và tán thưởng:
“Bạch Hạc Triều Dương của cô đẹp quá!” Con người vừa đối diện với cái chết, kẻ
hàm ơn cứu mạng bỗng làm nàng bối rối. Anh đã thay chữ “phượng hoàng” thành “bạch
hạc” chỉ y phục màu trắng của nàng. Thấy vết máu nơi vai anh còn chảy, nàng ra
hiệu anh ngồi chờ rồi quay đi, một phần muốn giấu gương mặt đang đỏ lên của
mình. Dù đã khuất, sau khi hái được nắm lá cầm máu, nàng vẫn ngoái nhìn rồi mới
luồn tay cởi dải yếm xé nhiều mảnh…
Biện Nhạc mừng rỡ đón Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Diệu
là môn khách của ông mấy tháng nay còn nàng và ông đã biết tiếng nhau từ lâu.
Mấy ngày sau, nhận thiếp mời Trại Trầu, nàng sang trong tâm
trạng vui vui và có chút hồi hộp. Khách khứa vẫn đông như mấy hôm trước. Ba người
chờ nàng trong một phòng riêng: biện Nhạc, Diệu và một người nàng đoán là Huệ,
em ông Nhạc. Quanh chén trà, biện Nhạc hỏi thăm việc học võ của cô em vợ, về
chí hướng của nàng. Ông nói nhiều về thời cuộc. Về lòng mến phục của anh em ông
đối với những người như Diệu, như nàng. Cũng như Diệu, từ đầu chí cuối Huệ chỉ
ngồi nghe, vẻ mặt hai người cởi mở thân tình… Rồi cũng tới lúc họ cùng nâng
chén rượu thanh khí tương phùng. Giây phút thiêng nghiêm đến nghẹn thơ.
Ông mai Nhạc sau đó qua Bùi gia và làm chủ hôn cho đôi lứa Trần -
Bùi. Trong đêm tân hôn, nàng ngạc nhiên rồi đỏ mặt sung sướng khi Diệu lấy từ
ngực áo ra những mảnh yếm đã giặt sạch bong… Hai tháng sau, Tây Sơn khởi nghĩa.
Ông Nhạc được tôn là Tây Sơn Vương.
Nghe tin quân cứu viện của chồng, Trần Thái Phó và Đại Tư Đồ
Võ Văn Dũng tan tác ở Hương Sơn, bà đem đội nữ binh đến cứu. Đến Giáp Sơn thì cứu
được. Nhưng rồi lại bị vây khổn ở Thành Chương. Đoàn nữ bình vốn chỉ còn vài phần
sau các trận ác đấu ở Đâu Mâu, hộ giá ở bến Linh Giang, liều chết trả nghĩa chủ
cho tới người cuối cùng. Bà gạt lệ dìu chồng đang bệnh nặng và cùng rơi vào tay
giặc. Võ Văn Dũng chạy đến Nông Cống cũng sa cơ rồi cùng bị áp giải về Nghệ An.
Nhận tín hiệu nhưng bà lắc đầu, chỉ mình Võ Đại Tư Đồ phá cũi thoát thân. Bà muốn
kết thúc cùng chồng!
Cũng mười năm rồi còn gì. Vua Quang Trung băng đã để lại một
lỗ hổng khủng khiếp. Đại thần trục lợi, nghi kị tàn sát nhau. Vận nước nghiêng
ngả. Lê Chất thù cha đã theo Nguyễn, thù hận không làm con người lớn lên nhưng
có thể biến anh ta thành vô địch. Vợ chồng bà mấy năm qua chiến đấu vì sự nghiệp
của tiên đế, tức cũng là vì lòng tự trọng, lòng tự trọng của kẻ sĩ muôn đời, sống
chết với con đường mình đã lựa chọn. Có thể khác đi chăng?. Khi công kênh nhau nhảy
lên thành Đâu Mâu bà và đoàn nữ binh đã có thể chiến thắng nếu không có lệnh
rút quân của vua nhưng thực lòng, có vẻ bà muốn ngã xuống lúc ấy. Như Huỳnh Thị
Cúc, người học trò và là nữ chiến tướng trung thành. Cũng có thể không phải. Số
phận còn chờ bà lần giải cứu cuối cùng này để có cơ hội nhớ lại một cách rõ rệt
nhất nụ cười và dải yếm mùa xuân năm ấy…
Phải, đó là mùa xuân đầu tiên. Và duy nhất. Của nàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét