Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

Như cánh vạc bay - Trịnh Công Sơn

Như cánh vạc bay - Trịnh Công Sơn
Trong tình yêu, nếu Xuân Diệu vồ vập, mãnh liệt:
Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm
thì Trịnh Công Sơn lại đến với tình yêu rất nhẹ nhàng, đầy tế nhị:
Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh

Ở đây, chúng ta bắt gặp một sự so sánh tuy không mới nhưng lại đem lại cho chúng ta những cảm giác lâng lâng khó tả. Nắng được so sánh với đôi môi và mưa được so sánh với đôi mắt người con gái. Mở đầu bài hát bằng sự so sánh như thế quả thật khéo!
Trong ca từ của bài hát, Trịnh Công Sơn thường sử dụng kỹ thuật, đó là làm nhòe hình ảnh mà ngôn từ mang lại. Nó mang đến cho người nghe đôi điều khá thú vị. Tại sao lại:
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh

“Đời” có phải “Đời anh” hay không? “Sóng” có phải “sóng của lòng anh” hay không? Có phải từng cử chỉ, hành động, hình ảnh (tóc em từng sợi nhỏ) sẽ làm cho đời anh, tâm hồn anh, sóng lòng anh vô phương hướng (sóng lênh đênh)? Hay câu thơ này được đưa ra chỉ nhằm thỏa mãn cách gieo vần mà thôi?
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi

Về hai câu thơ:
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Cao Huy Thuần cho rằng “Tại sao gió sẽ mừng? Vì tóc em là gió. Gió đùa với gió, làm sao không vui? Tại sao mây lại hờn? Vì tóc em là mây. Mây thua nước tóc, làm sao mây không dỗi? Em là giai nhân toàn bích.” [1] Tôi thì có thêm một cách nhận định khác. “Gió sẽ mừng vì tóc em bay/ Cho mây hờn ngủ quên trên vai” được hiểu là, dù dỗi hờn em cũng đã chơi với anh rồi đầy. Gió là anh và anh cũng là gió “Em có nghe thấy gió nói gì không?” và hãy để đám mây hờn giận của em “ngủ quên trên vai” đi. Em chơi với anh đấy nhưng em vẫn còn giận anh mà. Trong tình yêu, giận hờn là một chất xúc tác không thể thiếu. Tư liệu kể rằng “Theo nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, người từng sống chung nhà với Trịnh Công Sơn và đang nắm trong tay gần 7.000 bức ảnh độc về ông, có vô số bóng hồng từng đi qua cuộc đời Trịnh, nhưng người khiến ông hạnh phúc nhất và đàn ông nhất là Hồng Nhung.Có những hôm hai người giận nhau, nhạc sĩ sinh năm 1939 tìm đến nhà Hồng Nhung, thấy cô đi vắng ông buồn bã cả ngày. Dương Minh Long bèn bày kế hẹn Bống đến nhà ăn cơm không nói cho cô biết, Trịnh cũng có mặt ở đó. Bình thường, tác giả Đóa hoa vô thường là chúa sai hẹn nhưng hôm đó, mới 9h30, ông đã gọi điện hỏi nhiếp ảnh gia chuẩn bị xong đồ ăn chưa rồi đi taxi đến chờ mấy tiếng đồng hồ. 11h Hồng Nhung đến, hai người vừa gặp nhau đã bắt tay, ôm hôn quên hờn giận.” [2]
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi
Về hai câu thơ này, Cao Huy Thuần có lời bình khá xác đáng “Giữa toàn bích, anh chấm một nét hỏng, và chính nét hỏng đó là cái duyên làm say lòng người… Tất cả những người đẹp của Trịnh Công Sơn đều có vai gầy. Vai gầy, có thể đẹp. Nhưng gầy guộc thì nhất quyết là hỏng. Thì thiếu da thơm cỏ ngọt mùa xuân. Vậy mà khi thả giọng trầm xuống chữ guộc, tôi tưởng như nghe có cánh con vạc bất chợt vỗ nước bay vào đêm thâu. Đêm vắng sâu hơn và Thúy Kiều đẹp hơn.” [1]  
Nắng có còn hờn ghen môi em
Mưa có còn buồn trong mắt trong
Từ lúc đưa em về
Là biết xa nghìn trùng
Khổ hát này đưa chúng ta đến những câu hỏi. Nắng bây giờ không phải là “nắng có hồng”, mưa bây giờ cũng không phải là “mưa có buồn” nữa, mà là “nắng có còn” và “mưa có còn”. Thời gian trôi đi, con người thay đổi và tình yêu thay đổi. Nắng bây giờ không còn được so sánh ngang bằng với em. Nắng bây giờ là nắng hờn ghen môi em. Em là tuyệt mỹ giai nhân. Em càng ngày càng đẹp. Tuy nhiên cái đẹp đó có cái gì đó buồn buồn. Nó dự báo sự xa cách. Anh đưa em về đấy nhưng anh biết rằng, em không phải là em của ngày xưa nữa rồi. Em và anh như có một lực vô hình ngăn cách đẩy tình cảm chúng mình rời xa: 
Mưa có còn buồn trong mắt trong
Từ lúc đưa em về
Là biết xa nghìn trùng
Trong bài hát này, Trịnh Công Sơn đã sử dụng phương pháp tả cảnh ngụ tình. Cảnh và tình gắn bó khăng khít thành một khối thống nhất. Cảnh ở đây được tả mang một nỗi buồn man mác, dìu dịu. Cái buồn đó được lặp lại qua nhiều đoạn. Cái nhớ nhung, cái vấn vương rồi đến cái buồn chờ đợi là kết quả tất yếu:
Suối đón từng bàn chân em qua
Lá hát từ bàn tay thơm tho
Lá khô vì đợi chờ
Cũng như đời người mãi âm u
Cái mong ngóng, cái mừng vui “Suối đón từng bàn chân em qua/ Lá hát từ bàn tay thơm tho” chưa tày gang thì cái buồn đã tới “Lá khô vì đợi chờ/ Cũng như đời người mãi âm u”.
Đến khổ hát cuối, người nhạc sĩ đã đem lại cho người nghe những câu hỏi. Câu hỏi của người nhạc sĩ hay là của chính lòng mình?
Nơi em về ngày vui không em?
Nơi em về trời xanh không em?
Ta nghe nghìn giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh
Giọt lệ của em hay là của chính chúng ta? Giọt lệ của khóe mắt hay là của lòng mình? Bùi Vĩnh Phúc cho rằng “Biện pháp tu từ dùng một (hay những) câu hỏi để nhấn mạnh một ý tưởng hay một tình cảm nào đó. Đây không phải là một câu nghi vấn đòi hỏi hoặc cần đến một câu trả lời. Câu hỏi tu từ thường được dùng để thuyết phục hoặc để tạo ấn tượng về mặt hùng biện. Nguyên lý chính cho sử dụng câu hỏi tu từ là, vì câu trả lời đã quá hiển nhiên và thường câu hỏi chỉ có một lời đáp duy nhất khả hữu và thích đáng, nên, để tạo ấn tượng sâu lắng hơn trong tâm hồn người nghe, người đặt câu hỏi tìm đến biện pháp tu từ này hơn là đưa ra một lời tuyên bố bình thường hay một câu xác định trực tiếp.” Bùi Vĩnh Phúc cho biết tiếp “Thế giới của Trịnh Công Sơn là một thế giới thơ, không phải là thế giới của văn xuôi hay của cuộc sống đời thường; bởi thế, gần như bất cứ câu hỏi nào mà Trịnh Công Sơn đặt ra trong thế giới của mình cũng là một câu hỏi tu từ. Nó là một câu hỏi để nhấn mạnh tâm ý của tác giả. Nó không cần một câu trả lời theo thể điệu bình thường của cuộc sống văn xuôi.” Rõ ràng đây là nhận định mà chúng ta nên quan tâm khi tiếp cận, nghiên cứu các bài hát của Trịnh Công Sơn. 
Trong sâu thẳm trái tim người nhạc sĩ, đó là một nỗi buồn man mác, dìu dịu. Nỗi buồn tràn ra trong cách sử dụng ngôn từ của người nhạc sĩ. Đặc biệt nó còn được ẩn dấu trong các bộ ba ẩn náu khắp bài hát:
Nắng - mưa - tóc em
Gió - mây - vai em
Suối - lá - đời người
Ngày vui - trời xanh - giọt lệ
Nói xa, nói gần, nói cái này, nói cái kia rồi đến nỗi buồn ngự trị (giọt lệ). Cái kết thật khéo của người nhạc sĩ tài ba. Nhân nói về nỗi buồn, Trịnh Công Sơn có lẽ là người nhạc sĩ đề cập đến nỗi buồn nhiều nhất. Ông viết:
Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
Một mình tôi đi
Đời như vô tận
Một mình tôi về
Một mình tôi về… với tôi
(Lặng lẽ nơi này)
Trong thơ mới chúng ta cũng bắt gặp nỗi buồn không phải ít. Xuân Diệu với nỗi buồn vô cớ:
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
(Chiều - Xuân Diệu)
hay:
Anh một mình nghe tất cả buổi chiều
Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh.
(Tương tư chiều - Xuân Diệu)
Chúng ta bắt gặp trong thơ Nguyễn Bính hình ảnh con người buồn, cô đơn, chơ vơ như những chiếc bóng, đượm nỗi xót xa cho một kiếp người:
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
(Những bóng người trên sân ga - Nguyễn Bính)
Trong thơ Tế Hanh, nỗi buồn cũng là đề tài mà ông yêu thích:
Kẻ về không nói bước vương vương
Thương nhớ lan xa mấy dặm trường
Lẽo đẽo tôi về theo bước họ
Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.
(Vu vơ - Tế Hanh)
Thơ mới, theo Phan Cự Đệ nhận định “Nhìn chung bản chất của nó là tiêu cực thoát ly giữa một thời đấu tranh giai cấp gay go, quyết liệt, thơ mới làm cho người đọc thoát ly thực tế, trốn vào yêu đương, mơ mộng, trốn vào quá khứ, tôn giáo… Nó làm cho con người cảm thấy cô đơn, chán nản, bơ vơ, thiếu tin tưởng ở mình mà cũng không tin ở phong trào quần chúng… Cái nguy hại lâu dài của thơ mới là nó làm cho người ta say sưa trong cái buồn vơ vẩn, trong cái cô đơn chán nản” [6; 33] Trong khi đó với Trịnh Công Sơn thì lại khác. Cũng là nỗi buồn nhưng là một nỗi buồn nhẹ nhàng man mác. Nỗi buồn không mang đến cho chúng ta sầu bi, buồn rầu đau khổ, tuyệt vọng, bi quan. Đến với nỗi buồn của Trịnh Công Sơn ta sẽ đến được với thẳm sâu của lòng mình để rồi từ đó, lòng mình trải ra để đón nhận cuộc đời. Trịnh Công Sơn nói “Không ai muốn mình là kẻ tuyệt vọng. Nhưng tôi tự nguyện làm tên tuyệt vọng. Bởi nhiều sớm mai khi tôi thức dậy không thấy được hoa quả khai sinh trong trái tim người”.
(Nguyễn Ngọc Giang)
Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi
Nắng có còn hờn ghen môi em
Mưa có còn buồn trong mắt trong
Từ lúc đưa em về
Là biết xa nghìn trùng
Suối đón từng bàn chân em qua
Lá hát từ bàn tay thơm tho
Lá khô vì đợi chờ
Cũng như đời người mãi âm u
Nơi em về ngày vui không em
Nơi em về trời xanh không em
Ta nghe từng giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh. 

https://www.youtube.com/watch?v=gKWeyfSDE0Q
https://www.youtube.com/watch?v=xKk-6zHsmS8
https://www.youtube.com/watch?v=sY3CD5MK20w
https://www.youtube.com/watch?v=AjmUCGyezEU

 
Nguyễn Ngọc Giang
Theo https://www.facebook.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chúng ta đã tìm bình yên ở những đâu Khi đối mặt đại dịch Covid-19, càng hiểu thêm giá trị của cuộc giằng co giữa sự thật và giả dối tro...