Thời còn sinh viên, tôi hay có những chuyến điền dã. Một lần
tôi và Toàn ở suốt 10 ngày ở A Lưới. Chúng tôi đi xuyên đường Hồ Chí Minh một mạch
từ Hồng Thủy phía Bắc cho đến A Roàng phía Nam.
Còn nhớ đêm đầu tiên ở A Ngo, thăm nhà ông Kon Nhoom, chúng
tôi được thết bữa rượu, cùng nhảy và hát hò theo tiếng chiêng vang vọng trong
đêm. Ông Kon Nhoom còn khoe hòn đá quý hình rắn hổ mang do thiên nhiên tạo tác.
Cả đời ông chưa xuống Huế bao giờ, sống bền bỉ, kiên gan giữa đại ngàn nắng
gió, qua cuộc chiến ác liệt và những tháng năm gian khó. Thấy chiếc máy ảnh
trong tay tôi rất lạ, thế là ông và những người bạn hồn nhiên làm mẫu cho chúng
tôi chụp. Trong tiếng chiêng dập dìu, hơi rượu ấm, tôi mơ màng về những chuyện
xưa cũ qua giọng kể liêu trai của ông Kon Nhoom. Ông say sưa với Cơ lang Bơ Tư,
với chàng Anun, chuyện nàng Piêr Chõnh,… chảy suốt những phận người trong dòng
An Xoar lững lờ nguồn cội. Lúc về đến chỗ trú, trời đổ trăng sáng loang cả vạt
rừng trước mặt. Toàn bảo thấy ai đang gùi hàng qua ngọn đồi nhỏ. Tôi chẳng thấy
gì, hình như là một cô gái đang gùi trăng qua núi, đem ánh trăng thượng huyền
biên cương gửi về đồng bằng đó chăng. Đêm đó, tôi nằm trên đống củi khô nhìn
trăng chiếu xuống thung lũng khuya. Những chuyện cũ dàn ra trước mắt, lặn chìm
trong tiếng chim gọi đêm. Lúc đó cứ nhớ mãi bóng hình ai ở Huế, thổn thức canh trường
theo trăng, theo những giấc mơ nhông nhênh tuổi trẻ.
Hôm sau, chúng tôi đi vào Hồng Thái, trời nắng chang chang. Hai bên đường đồng lúa trải xanh tận cùng thung lũng. Những người nông dân Tà ôi lội giữa đồng, bùn lấm mặt mày. Người Tà ôi rất quý trọng cây lúa, thờ Yang Xro và có hẳn một bà mẹ lúa trong đung, gọi là Kan Xro. Để được phong là Kan Xro, người phụ nữ của Veel phải giàu kinh nghiệm trong sản xuất… Mẹ lúa được tôn thờ, kính trọng, là người bảo chứng cho vụ mùa của đồng bào. Kan Xro đầy tính linh thiêng. Từ khi vào vụ, gieo giống cho đến khi gặt hái phải có sự đồng ý của mẹ lúa. Và người Tà ôi cũng bày biện con gà, nắm xôi để cúng mẹ Kan Xro.
Yang Xro hãy về đây
Có lúa! Sàn nhà chúng tôi sẽ hát vái lợn gà
Khi mẹ lúa đồng ý, Veel mới được gặt và bao giờ Kan Xro cũng làm nghi thức tuốt vài bông lúa trên nương rẫy đem về kho lương thực. Người Tà ôi có quan niệm chỉ phụ nữ mới được vào kho lương thực để lấy thóc về xay giã, còn đàn ông tuyệt đối không. “Hằng số mẹ” trong tín ngưỡng nông nghiệp đã đưa người phụ nữ vào những vai trò nhất định và chính họ đã tạo ra sự cân bằng, nguồn sống nuôi dưỡng những thân phận Tà ôi cư ngụ giữa đại ngàn Trường Sơn nhiều trắc trở.
Chúng tôi dừng lại hỏi đường và quan sát ruộng lúa đương trổ đòng. Gió núi tràn về lồng lộng, làm vơi đi cái nóng rát da thịt. Một khúc hát ru xa vắng từ trong Veel theo con gió bay đi. Tôi chợt nhớ bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:
Ngủ ngoan a Kay ơi, ngủ ngoan a Kay hỡi
Bài thơ kể về người mẹ dân tộc Tà ôi vừa địu con trên lưng vừa giã gạo, tỉa bắp góp phần sản xuất lương thực cho kháng chiến và mơ ước con mình khôn lớn được sống trong đất nước tự do. Tình yêu con thiết tha, đằm thắm và tình yêu nước sâu nặng của bà mẹ đã làm lay động biết bao tâm hồn yêu miền sơn cước.
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng
Ở Hồng Thái, chúng tôi quen Tưk (sinh năm 1989), bộ đội xuất ngũ rất nhiệt tình giúp đỡ những thứ mà chúng tôi cần thu thập, tìm hiểu. Tưk lúc trước đi nghĩa vụ ở tận Lăng Cô hai năm. Sống miền núi lâu năm, bỗng dưng về biển khiến Tưk chới với, phải mất nửa năm mới quen cuộc sống quân ngũ và khí hậu vùng duyên hải. Tuy còn trẻ nhưng các tập tục xưa của đồng bào Tưk đều tìm hiểu, bí quá, cu cậu chỉ cho chúng tôi gặp những người già của Veel hiểu biết nhiều hơn. Đi ngang qua khu mồ của đồng bào, Tưk bảo ở đây quy định ông bà chết chôn ở trên cao, con cháu chết chôn ở chỗ thấp hơn. Sau lễ bỏ mả, người Tà ôi cũng không còn thờ cúng ông bà tổ tiên như người Kinh nữa. Trước đây, người Tà ôi sống theo đung dài, tập hợp nhiều gia đình theo quan hệ huyết thống dòng họ (Yã). Mỗi dòng họ thường có khu nghĩa địa riêng trong rừng ma, và mỗi hộ gia đình đều được phân chia đều đặn trong lô phần của dòng họ. Giờ gia đình Tưk và các nhà trong Veel sống đơn lẻ từng khu đất riêng mỗi khi có việc của Yã thì họ mới tập hợp lại.
Tưk mời chúng tôi vào nhà uống nước, nghỉ trưa. Cả gia đình cậu đều vui tính, cởi mở. Tưk tỏ ra là người con gánh vác việc nhà; từ đồng áng đến việc họ, việc Veel, việc của địa phương Tưk đều có trách nhiệm. Cậu ân cần với cha mẹ, các em. Truyền thống này được người Tà ôi hết sức gìn giữ và đa phần tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ là ưu tiên số một trong gia đình. Cha mẹ còn sống, con cái không phân biệt trai gái đều có nghĩa vụ, lo từng bữa ăn góp lại. Khi có tang ma, anh em phải đóng góp trâu, bò, lợn, gà để lo chung.
Tình yêu và hôn nhân ở các cộng đồng người sinh sống trên miền sơn cước A Lưới có rất nhiều chi tiết thú vị. Mùa trăng sáng khắp đại ngàn cũng là lúc tục đi sim diễn ra. “Đi sim” là một tập tục có từ lâu đời, là nét đẹp văn hóa, là khát vọng tự do yêu đương của nam nữ thanh niên Tà ôi. Các chàng trai cô gái ban đầu tập trung ở các ngôi nhà chung để chuyện trò, hát sim, thổ lộ tâm tình. Khi đã bắt được “ý trung nhân”, người nam nữ sẽ tự tìm đến với nhau:
Bóng em lấp lánh như sao mới mọc
Dáng em lấp lánh như vầng trăng non
Hình em vằng vặc như trăng đêm mười sáu
Ta đi tìm gặp, người ơi!
Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy
Ta lần tìm đến người!
Để báo hiệu những cuộc gặp gỡ, đồng bào nơi đây còn sử dụng các nhạc cụ chỉ để tỏ tình. Tiếng gọi tình yêu từ Con Quẩy là một minh chứng. Ngày xưa trai gái yêu nhau thì không thể thiếu con Quẩy, một nhạc cụ để liên lạc cho các đôi uyên ương. Mỗi khi tiếng rù rù rất nhỏ vang lên trong đêm như tiếng ve vỗ cánh, cô gái sẽ bước ra khỏi nhà. Đó chính là sức hút hấp dẫn của con Quẩy. Con Quẩy là một nhạc cụ nhỏ bằng ba ngón tay, được cấu thành từ ba miếng đồng, nhìn như một chiếc lá. Nó phát ra tiếng kêu được là nhờ miếng đồng ở giữa mềm mại, có thể rung được. Phía cuối miếng đồng nhô lên một cục gọi là Tran Pết, được vón lại bởi sáp ong. Chính độ rung của Tran Pết đã làm nên âm thanh đặc biệt của Con Quẩy. Khi thổi, Con Quẩy được áp sát vào môi, người thổi sẽ bấm nhẹ vào Tran Pết để điều chỉnh âm thanh trầm bổng. Nhạc cụ này rất khó thổi, vì thế hiện nay không mấy ai thổi được và dường như nó cũng không còn cần thiết lắm với các đôi lứa yêu nhau.
Bên cạnh đó, ống sáo T’Ren một nhạc cụ tạo ra những khúc nhạc yêu đời. T’Ren, T’riêng hay Tyren. Nhạc cụ này là một ống tre hoặc nứa có hình dạng như một cây tiêu và chỉ có 3 lỗ. T’ren dài độ 15-20cm, một đầu được thiết kế để làm miệng thổi, tương tự như một cây tiêu. Khi thổi, người cầm T’ren phải không ngừng điều hòa nhịp thở để phát ra những âm thanh líu lo. Công dụng chính của T’ren là cầu nối hò hẹn của các đôi trai gái, thể hiện cuộc sống hiền hòa, êm ả nơi núi rừng. Ở làng Ta-ay xã Hồng Trung có bà Ikar Kả Vế là người thổi T’ren rất hay. Những đêm veel quây quần ngồi kể chuyện, tiếng sáo T’ren véo von đệm lời, gợi một không khí cổ xưa của cộng đồng người trấn giữ biên cương. Giữa đêm trăng, muốn rung rinh theo điệu Cha chấp:
Buổi sáng em ra rẫy
Lấy lá môn múc nước suối trong
Em đứng soi bóng mình
Sao em thấy cả bóng anh
Bụng thấy nhớ anh hung
Nhưng nghe vai củi nặng
Em cố quên bóng chàng... Khác với chuyện đi sim giàu màu sắc văn hóa miền núi, thời đi học đọc truyện “Nước thề” của nhà văn Trần Thùy Mai, để biết thêm A Lưới qua phận người bi đát. Đó là câu chuyện về mối tình giữa chàng trai người Kinh làm nghề thợ câu dây điện và cô gái Aphin xinh đẹp của bản Tok. Chàng trai chỉ xem cô gái là mối tình phớt qua, ý muốn chung đụng nhưng A Phin lại muốn người yêu uống “nước thề” để chứng minh tình cảm. Và chàng trai đã uống những giọt nước nhỏ mằn mặn từ trong chiếc bầu nậm nhỏ. Rồi thề sẽ làm rể rừng, sẽ thương yêu nàng cả đời. Nhưng sau khi thỏa mãn và rời bản để đi nơi khác, chàng quên đi mối tình đó. Sau này, anh ta bị đau bụng triền miên, trong đầu hiện lên hình ảnh một đứa trẻ. Anh ta mới vội tìm về thăm Aphin, hỏi rằng có phải nàng bỏ bùa không. Aphin bảo đó chỉ là nước suối múc lên rồi khấn Yang thôi... Uống nước thề là để làm tin, không phải bỏ ngải. Mà chính là Yang vào trong lòng anh ta, Yang nhắc nhở anh ta về với con và Aphin. Câu chuyện kết thúc trong đoàn tụ và quyết tâm ở lại rừng của chàng trai kia để được chăm sóc mẹ con Aphin.
Một ngày nọ đứng bên Moòng chung giữa đại ngàn Trường Sơn phủ mây trắng. Mưa bay đầy trời, phủ lên Veel của người Pa cô một màn trắng hắt hiu tận chân trời xa. Tôi đi lang thang quanh Veel Đụt, thơ thẩn dưới hàng cây trụi lá thân cành xương xẩu bên hồ nước trong. Trú mưa dưới Moòng chung. Ngoài kia, cơn mưa phùn tỉ tê, ngày qua ngày thấm sâu vào từng mạch đất rừng khiến cho cả thung lũng A Lưới như ngâm mình trong mưa không ngớt. Tôi chợt nhớ đến dòng sông Hương hiền hòa, nhớ những chiều mưa nhạt bay, đưa em về bên sông vắng… Tiếng chim lạc bầy kêu sau cụm rừng già, nhỏ dần, lặng đi, để lại nỗi ray rứt trong thinh không.
Trong khoảnh khắc, tôi hiểu vì sao cô giáo Trần Thị Nghiêu, nữ hiệu trưởng đảm đang, giàu nghị lực của trường mầm non Hồng Bắc lại yêu A Lưới, yêu cảnh sắc nơi đây và yêu mùa xuân đến vậy khi lập nghiệp trên miền sơn cước này. Năm 8 tuổi, gia đình chị Nghiêu dắt díu nhau lên mảnh đất A Lưới lập nghiệp theo tiếng gọi khai hoang của chương trình kinh tế mới. Thuở ấy, A Lưới mới thoát khỏi chiến tranh, gian khổ đeo bám những con người mới định cư. Cuộc sống dường như tạm bợ, những căn tranh tre nứa được phân luồng từ rãnh của những chiếc bánh xe tăng. Để sân trường có bóng mát, hai vợ chồng chị đèo nhau trên chiếc xe đạp để đi xin cây cối về trồng. Dần dần những bóng cây xanh nhô lên mọc xung quanh mái trường Hồng Bắc. Cho đến khi chúng tôi lên thăm trường thì cây đã phủ xanh bốn mặt, ngôi trường như lọt thỏm giữa một rừng cây xanh và những bồn hoa xinh xắn. Tháng 3 vừa rồi, tôi lên A Lưới và may mắn được tham dự lễ hội A riêu Car. Từ Huế đi A Lưới 60km bằng xe máy, loanh quanh qua rừng qua núi. Ngang Hồng Hạ, hàng đoàn thanh niên lồng, sào đi bẫy chim. Hỏi họ bẫy chim gì, bảo rằng đi bẫy chim chào mào. Không biết chim chào mào nổi tiếng cả nước sao. Dân chơi chim nhà nghề đều biết chim A lưới giọng đi tông nhỏ, lay lắt, khi đấu dàn thường hay đi giọng bọng, có khi kép nghe rất hay. Chào mào A lưới có dáng thường nhỏ và vừa chim, là nguồn chim bổi lớn nhất được cung cấp chuyển ra cho các tỉnh phía Bắc và cả nước. Mỗi chim bổi bây giờ không dưới năm trăm nghìn, còn chim mồi lên đến cả chục triệu đồng. Lồng nào lồng nấy đầy chim, tôi nhìn, chợt nghĩ cứ bẫy như thế này một thời gian nữa sao còn tiếng chim giữa đại ngàn A Lưới. Cũng như khi ở trong thị trấn, một quán cà phê nọ bứng nguyên gốc cây đỗ quyên tán to gần 3m2, cành lá xum xuê, hoa nở đều đẹp từ một con suối trong rừng, rồi định giá gần 20 triệu. Rừng đương chảy máu, ngày này qua tháng khác là vậy.
Chúng tôi vào thị trấn hòa hội A riêu Car, được tổ chức định kỳ từ 10 năm hoặc 20 năm một lần. Lễ hội A riêu Car nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa các làng này, làng khác, kết nghĩa tâm giao giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn, tạo điều kiện cho nhau về đất đai, làm ăn sinh sống, gắn kết tình thông gia, bè bạn, giải quyết, giải hòa mâu thuẫn giữa các làng bản, vùng, xứ. Trong hơi thở đại ngàn, trong tiếng cồng chiêng, a cưr târle, lời Cha chấp, târ a, lễ và cúng thần sông, núi, thần lửa như càng da diết. Điệu múa pa dưn zàng cùng tiếng chiêng, tiếng trống chảy trong máu thịt của mỗi người con trên xứ sở. Họ quay thành vòng tròn, dập dìu đi trong tiếng nhạc rộn ràng.
Chúng tôi chú ý nghi lễ Tưc bayh A Riêu Car (Cúng A Riêu Car). Phần cúng lễ trong lễ hội A Riêu Car chỉ cúng cho 4 vị Yang lớn, đó là Yang Xứ, Yang Koh (Yang núi) Yang Đung (Yang nhà cửa) và Yang Âng cưm (Yang sân). Mỗi Yang đều có vai trò, vị trí, đặc ân riêng. Ví dụ như Yang Xứ là cách gọi chung các vị thần sông, suối, gió, mây, lửa, đất, đường xá gọi chung là Yang Xứ. Cúng Yang Xứ để tạ ơn Yang Xứ đã ban tặng cho con cháu làng bản dòng sông, con suối mát rượi, con cá ngọt lành, mây, gió mát mẻ điều hòa khí trời, đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi nặng bông trĩu hạt. Những vị thần đã nuôi sống con người… đã che chở bản làng… Yang núi Âr Lau, A Túc, A Nong…Yang Đaq Pliing, A Sáp, A Nôr, Târ renh… tất cả đã phù hộ cho bản làng, vùng đất của những người con Pa cô, Tà ôi, Katu, Pahy sức khỏe, sung túc… Ông Quỳnh Hạnh, một già làng Pa Cô có tiếng ở Hồng Trung nói chuyện với tôi về những lần tổ chức A Riêu Car thời xưa cho đến bây giờ. Lễ làm tất cả các buổi trong ngày và phải tới 2 - 3 ngày mới kết thúc. Các bên tập trung tại một Moòng chung của làng đại diện, đêm đến nhảy múa bên đống lửa cháy sáng cả khoảng trời. Thời ấy cũng đã cách đây 50 năm, đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra thì lễ hội không có cơ hội để duy trì nữa.
Chúng tôi quan sát và đến phần quan trọng nhất là nghi lễ “Moot kâr hoot, coat pâr nai” (gửi gắm và định ước) là nghi lễ quan trọng. Nghi lễ này được các vị già làng không sử dụng ngôn ngữ thông thường mà chủ yếu sử dụng bằng ngôn ngữ và giai điệu A lí và thể loại dân ca Târ a để ví von đối đáp trao đổi công việc. Các già ngồi quây quần với nhau bên ché rượu và thay phiên nhau những khúc Târ a. Ở nghi lễ này, các vị già làng đưa ra những quy ước chung, bên nào vi phạm quy ước đó thì kỳ hội A Riêu Car sau bên đó chủ động mở hội A Riêu Car, đồng thời bên vi phạm chủ động giải quyết giải hòa sự việc xảy ra và chịu hình phạt theo quy ước chung ở nghi lễ Moot kâr hoot, coat pâr nai của lễ hội A Riêu Car. Cuối cùng, nghi lễ Zi zar báo hiệu cho các vị Yang, thần linh và các khách mời là lễ hội A Riêu Car đã đến hồi kết thúc.
A Lưới tháng ba trời chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột ngay trong ngày. Mới buổi sáng, còn nắng chang, buổi chiều mây từ phía Đông bay vào, trời tối sầm lại. Đứng giữa trung tâm thị trấn, thấy mây như thác, cuồn cuộn lao xuống núi nhuộm trắng A Lưới trong phút giây. Cơn mưa rả rích suốt buổi chiều mịt mùng cho đến tận đêm. Trong cơn mưa lạnh, ngồi bên hiên nhìn bóng tối ngập tràn, tôi ước ao được thấy một bóng người gùi trăng qua núi Âr Lau ngày nào.
Sớm hôm sau, mưa tạnh, trời ráo hoảnh, chúng tôi về lại Huế. Trong ánh ban mai, dừng chân bên suối Pâr Le (Hồng Hạ), nước trong xanh mát. Hàng ngàn cây dương xỉ thụ dạng mọc hàng dọc suối. Những bụi chuối rừng than nâu, lá đậm chen chúc bên dải nước trong. Lúc này, chỉ có tôi chơi vơi giữa đại ngàn. Có tiếng thở trong rừng già xao động. Có bóng người gùi mặt trời lên nương. Mùa lên rẫy đến rồi, rừng đương thay lá, bất chợt cha chấp ngân vang:Ơi! A chai ơi
Ơi! Chàng trai miền xuôi
Ơi! A nun ơi
Ơi! Cô gái miền ngược
Hòa chung giọng hò
Bắp trên rẫy cùng vui
Lúa trên nương cùng cười.
Hôm sau, chúng tôi đi vào Hồng Thái, trời nắng chang chang. Hai bên đường đồng lúa trải xanh tận cùng thung lũng. Những người nông dân Tà ôi lội giữa đồng, bùn lấm mặt mày. Người Tà ôi rất quý trọng cây lúa, thờ Yang Xro và có hẳn một bà mẹ lúa trong đung, gọi là Kan Xro. Để được phong là Kan Xro, người phụ nữ của Veel phải giàu kinh nghiệm trong sản xuất… Mẹ lúa được tôn thờ, kính trọng, là người bảo chứng cho vụ mùa của đồng bào. Kan Xro đầy tính linh thiêng. Từ khi vào vụ, gieo giống cho đến khi gặt hái phải có sự đồng ý của mẹ lúa. Và người Tà ôi cũng bày biện con gà, nắm xôi để cúng mẹ Kan Xro.
Yang Xro hãy về đây
Có lúa! Sàn nhà chúng tôi sẽ hát vái lợn gà
Khi mẹ lúa đồng ý, Veel mới được gặt và bao giờ Kan Xro cũng làm nghi thức tuốt vài bông lúa trên nương rẫy đem về kho lương thực. Người Tà ôi có quan niệm chỉ phụ nữ mới được vào kho lương thực để lấy thóc về xay giã, còn đàn ông tuyệt đối không. “Hằng số mẹ” trong tín ngưỡng nông nghiệp đã đưa người phụ nữ vào những vai trò nhất định và chính họ đã tạo ra sự cân bằng, nguồn sống nuôi dưỡng những thân phận Tà ôi cư ngụ giữa đại ngàn Trường Sơn nhiều trắc trở.
Chúng tôi dừng lại hỏi đường và quan sát ruộng lúa đương trổ đòng. Gió núi tràn về lồng lộng, làm vơi đi cái nóng rát da thịt. Một khúc hát ru xa vắng từ trong Veel theo con gió bay đi. Tôi chợt nhớ bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:
Ngủ ngoan a Kay ơi, ngủ ngoan a Kay hỡi
Bài thơ kể về người mẹ dân tộc Tà ôi vừa địu con trên lưng vừa giã gạo, tỉa bắp góp phần sản xuất lương thực cho kháng chiến và mơ ước con mình khôn lớn được sống trong đất nước tự do. Tình yêu con thiết tha, đằm thắm và tình yêu nước sâu nặng của bà mẹ đã làm lay động biết bao tâm hồn yêu miền sơn cước.
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng
Ở Hồng Thái, chúng tôi quen Tưk (sinh năm 1989), bộ đội xuất ngũ rất nhiệt tình giúp đỡ những thứ mà chúng tôi cần thu thập, tìm hiểu. Tưk lúc trước đi nghĩa vụ ở tận Lăng Cô hai năm. Sống miền núi lâu năm, bỗng dưng về biển khiến Tưk chới với, phải mất nửa năm mới quen cuộc sống quân ngũ và khí hậu vùng duyên hải. Tuy còn trẻ nhưng các tập tục xưa của đồng bào Tưk đều tìm hiểu, bí quá, cu cậu chỉ cho chúng tôi gặp những người già của Veel hiểu biết nhiều hơn. Đi ngang qua khu mồ của đồng bào, Tưk bảo ở đây quy định ông bà chết chôn ở trên cao, con cháu chết chôn ở chỗ thấp hơn. Sau lễ bỏ mả, người Tà ôi cũng không còn thờ cúng ông bà tổ tiên như người Kinh nữa. Trước đây, người Tà ôi sống theo đung dài, tập hợp nhiều gia đình theo quan hệ huyết thống dòng họ (Yã). Mỗi dòng họ thường có khu nghĩa địa riêng trong rừng ma, và mỗi hộ gia đình đều được phân chia đều đặn trong lô phần của dòng họ. Giờ gia đình Tưk và các nhà trong Veel sống đơn lẻ từng khu đất riêng mỗi khi có việc của Yã thì họ mới tập hợp lại.
Tưk mời chúng tôi vào nhà uống nước, nghỉ trưa. Cả gia đình cậu đều vui tính, cởi mở. Tưk tỏ ra là người con gánh vác việc nhà; từ đồng áng đến việc họ, việc Veel, việc của địa phương Tưk đều có trách nhiệm. Cậu ân cần với cha mẹ, các em. Truyền thống này được người Tà ôi hết sức gìn giữ và đa phần tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ là ưu tiên số một trong gia đình. Cha mẹ còn sống, con cái không phân biệt trai gái đều có nghĩa vụ, lo từng bữa ăn góp lại. Khi có tang ma, anh em phải đóng góp trâu, bò, lợn, gà để lo chung.
Tình yêu và hôn nhân ở các cộng đồng người sinh sống trên miền sơn cước A Lưới có rất nhiều chi tiết thú vị. Mùa trăng sáng khắp đại ngàn cũng là lúc tục đi sim diễn ra. “Đi sim” là một tập tục có từ lâu đời, là nét đẹp văn hóa, là khát vọng tự do yêu đương của nam nữ thanh niên Tà ôi. Các chàng trai cô gái ban đầu tập trung ở các ngôi nhà chung để chuyện trò, hát sim, thổ lộ tâm tình. Khi đã bắt được “ý trung nhân”, người nam nữ sẽ tự tìm đến với nhau:
Bóng em lấp lánh như sao mới mọc
Dáng em lấp lánh như vầng trăng non
Hình em vằng vặc như trăng đêm mười sáu
Ta đi tìm gặp, người ơi!
Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy
Ta lần tìm đến người!
Để báo hiệu những cuộc gặp gỡ, đồng bào nơi đây còn sử dụng các nhạc cụ chỉ để tỏ tình. Tiếng gọi tình yêu từ Con Quẩy là một minh chứng. Ngày xưa trai gái yêu nhau thì không thể thiếu con Quẩy, một nhạc cụ để liên lạc cho các đôi uyên ương. Mỗi khi tiếng rù rù rất nhỏ vang lên trong đêm như tiếng ve vỗ cánh, cô gái sẽ bước ra khỏi nhà. Đó chính là sức hút hấp dẫn của con Quẩy. Con Quẩy là một nhạc cụ nhỏ bằng ba ngón tay, được cấu thành từ ba miếng đồng, nhìn như một chiếc lá. Nó phát ra tiếng kêu được là nhờ miếng đồng ở giữa mềm mại, có thể rung được. Phía cuối miếng đồng nhô lên một cục gọi là Tran Pết, được vón lại bởi sáp ong. Chính độ rung của Tran Pết đã làm nên âm thanh đặc biệt của Con Quẩy. Khi thổi, Con Quẩy được áp sát vào môi, người thổi sẽ bấm nhẹ vào Tran Pết để điều chỉnh âm thanh trầm bổng. Nhạc cụ này rất khó thổi, vì thế hiện nay không mấy ai thổi được và dường như nó cũng không còn cần thiết lắm với các đôi lứa yêu nhau.
Bên cạnh đó, ống sáo T’Ren một nhạc cụ tạo ra những khúc nhạc yêu đời. T’Ren, T’riêng hay Tyren. Nhạc cụ này là một ống tre hoặc nứa có hình dạng như một cây tiêu và chỉ có 3 lỗ. T’ren dài độ 15-20cm, một đầu được thiết kế để làm miệng thổi, tương tự như một cây tiêu. Khi thổi, người cầm T’ren phải không ngừng điều hòa nhịp thở để phát ra những âm thanh líu lo. Công dụng chính của T’ren là cầu nối hò hẹn của các đôi trai gái, thể hiện cuộc sống hiền hòa, êm ả nơi núi rừng. Ở làng Ta-ay xã Hồng Trung có bà Ikar Kả Vế là người thổi T’ren rất hay. Những đêm veel quây quần ngồi kể chuyện, tiếng sáo T’ren véo von đệm lời, gợi một không khí cổ xưa của cộng đồng người trấn giữ biên cương. Giữa đêm trăng, muốn rung rinh theo điệu Cha chấp:
Buổi sáng em ra rẫy
Lấy lá môn múc nước suối trong
Em đứng soi bóng mình
Sao em thấy cả bóng anh
Bụng thấy nhớ anh hung
Nhưng nghe vai củi nặng
Em cố quên bóng chàng... Khác với chuyện đi sim giàu màu sắc văn hóa miền núi, thời đi học đọc truyện “Nước thề” của nhà văn Trần Thùy Mai, để biết thêm A Lưới qua phận người bi đát. Đó là câu chuyện về mối tình giữa chàng trai người Kinh làm nghề thợ câu dây điện và cô gái Aphin xinh đẹp của bản Tok. Chàng trai chỉ xem cô gái là mối tình phớt qua, ý muốn chung đụng nhưng A Phin lại muốn người yêu uống “nước thề” để chứng minh tình cảm. Và chàng trai đã uống những giọt nước nhỏ mằn mặn từ trong chiếc bầu nậm nhỏ. Rồi thề sẽ làm rể rừng, sẽ thương yêu nàng cả đời. Nhưng sau khi thỏa mãn và rời bản để đi nơi khác, chàng quên đi mối tình đó. Sau này, anh ta bị đau bụng triền miên, trong đầu hiện lên hình ảnh một đứa trẻ. Anh ta mới vội tìm về thăm Aphin, hỏi rằng có phải nàng bỏ bùa không. Aphin bảo đó chỉ là nước suối múc lên rồi khấn Yang thôi... Uống nước thề là để làm tin, không phải bỏ ngải. Mà chính là Yang vào trong lòng anh ta, Yang nhắc nhở anh ta về với con và Aphin. Câu chuyện kết thúc trong đoàn tụ và quyết tâm ở lại rừng của chàng trai kia để được chăm sóc mẹ con Aphin.
Một ngày nọ đứng bên Moòng chung giữa đại ngàn Trường Sơn phủ mây trắng. Mưa bay đầy trời, phủ lên Veel của người Pa cô một màn trắng hắt hiu tận chân trời xa. Tôi đi lang thang quanh Veel Đụt, thơ thẩn dưới hàng cây trụi lá thân cành xương xẩu bên hồ nước trong. Trú mưa dưới Moòng chung. Ngoài kia, cơn mưa phùn tỉ tê, ngày qua ngày thấm sâu vào từng mạch đất rừng khiến cho cả thung lũng A Lưới như ngâm mình trong mưa không ngớt. Tôi chợt nhớ đến dòng sông Hương hiền hòa, nhớ những chiều mưa nhạt bay, đưa em về bên sông vắng… Tiếng chim lạc bầy kêu sau cụm rừng già, nhỏ dần, lặng đi, để lại nỗi ray rứt trong thinh không.
Trong khoảnh khắc, tôi hiểu vì sao cô giáo Trần Thị Nghiêu, nữ hiệu trưởng đảm đang, giàu nghị lực của trường mầm non Hồng Bắc lại yêu A Lưới, yêu cảnh sắc nơi đây và yêu mùa xuân đến vậy khi lập nghiệp trên miền sơn cước này. Năm 8 tuổi, gia đình chị Nghiêu dắt díu nhau lên mảnh đất A Lưới lập nghiệp theo tiếng gọi khai hoang của chương trình kinh tế mới. Thuở ấy, A Lưới mới thoát khỏi chiến tranh, gian khổ đeo bám những con người mới định cư. Cuộc sống dường như tạm bợ, những căn tranh tre nứa được phân luồng từ rãnh của những chiếc bánh xe tăng. Để sân trường có bóng mát, hai vợ chồng chị đèo nhau trên chiếc xe đạp để đi xin cây cối về trồng. Dần dần những bóng cây xanh nhô lên mọc xung quanh mái trường Hồng Bắc. Cho đến khi chúng tôi lên thăm trường thì cây đã phủ xanh bốn mặt, ngôi trường như lọt thỏm giữa một rừng cây xanh và những bồn hoa xinh xắn. Tháng 3 vừa rồi, tôi lên A Lưới và may mắn được tham dự lễ hội A riêu Car. Từ Huế đi A Lưới 60km bằng xe máy, loanh quanh qua rừng qua núi. Ngang Hồng Hạ, hàng đoàn thanh niên lồng, sào đi bẫy chim. Hỏi họ bẫy chim gì, bảo rằng đi bẫy chim chào mào. Không biết chim chào mào nổi tiếng cả nước sao. Dân chơi chim nhà nghề đều biết chim A lưới giọng đi tông nhỏ, lay lắt, khi đấu dàn thường hay đi giọng bọng, có khi kép nghe rất hay. Chào mào A lưới có dáng thường nhỏ và vừa chim, là nguồn chim bổi lớn nhất được cung cấp chuyển ra cho các tỉnh phía Bắc và cả nước. Mỗi chim bổi bây giờ không dưới năm trăm nghìn, còn chim mồi lên đến cả chục triệu đồng. Lồng nào lồng nấy đầy chim, tôi nhìn, chợt nghĩ cứ bẫy như thế này một thời gian nữa sao còn tiếng chim giữa đại ngàn A Lưới. Cũng như khi ở trong thị trấn, một quán cà phê nọ bứng nguyên gốc cây đỗ quyên tán to gần 3m2, cành lá xum xuê, hoa nở đều đẹp từ một con suối trong rừng, rồi định giá gần 20 triệu. Rừng đương chảy máu, ngày này qua tháng khác là vậy.
Chúng tôi vào thị trấn hòa hội A riêu Car, được tổ chức định kỳ từ 10 năm hoặc 20 năm một lần. Lễ hội A riêu Car nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa các làng này, làng khác, kết nghĩa tâm giao giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn, tạo điều kiện cho nhau về đất đai, làm ăn sinh sống, gắn kết tình thông gia, bè bạn, giải quyết, giải hòa mâu thuẫn giữa các làng bản, vùng, xứ. Trong hơi thở đại ngàn, trong tiếng cồng chiêng, a cưr târle, lời Cha chấp, târ a, lễ và cúng thần sông, núi, thần lửa như càng da diết. Điệu múa pa dưn zàng cùng tiếng chiêng, tiếng trống chảy trong máu thịt của mỗi người con trên xứ sở. Họ quay thành vòng tròn, dập dìu đi trong tiếng nhạc rộn ràng.
Chúng tôi chú ý nghi lễ Tưc bayh A Riêu Car (Cúng A Riêu Car). Phần cúng lễ trong lễ hội A Riêu Car chỉ cúng cho 4 vị Yang lớn, đó là Yang Xứ, Yang Koh (Yang núi) Yang Đung (Yang nhà cửa) và Yang Âng cưm (Yang sân). Mỗi Yang đều có vai trò, vị trí, đặc ân riêng. Ví dụ như Yang Xứ là cách gọi chung các vị thần sông, suối, gió, mây, lửa, đất, đường xá gọi chung là Yang Xứ. Cúng Yang Xứ để tạ ơn Yang Xứ đã ban tặng cho con cháu làng bản dòng sông, con suối mát rượi, con cá ngọt lành, mây, gió mát mẻ điều hòa khí trời, đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi nặng bông trĩu hạt. Những vị thần đã nuôi sống con người… đã che chở bản làng… Yang núi Âr Lau, A Túc, A Nong…Yang Đaq Pliing, A Sáp, A Nôr, Târ renh… tất cả đã phù hộ cho bản làng, vùng đất của những người con Pa cô, Tà ôi, Katu, Pahy sức khỏe, sung túc… Ông Quỳnh Hạnh, một già làng Pa Cô có tiếng ở Hồng Trung nói chuyện với tôi về những lần tổ chức A Riêu Car thời xưa cho đến bây giờ. Lễ làm tất cả các buổi trong ngày và phải tới 2 - 3 ngày mới kết thúc. Các bên tập trung tại một Moòng chung của làng đại diện, đêm đến nhảy múa bên đống lửa cháy sáng cả khoảng trời. Thời ấy cũng đã cách đây 50 năm, đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra thì lễ hội không có cơ hội để duy trì nữa.
Chúng tôi quan sát và đến phần quan trọng nhất là nghi lễ “Moot kâr hoot, coat pâr nai” (gửi gắm và định ước) là nghi lễ quan trọng. Nghi lễ này được các vị già làng không sử dụng ngôn ngữ thông thường mà chủ yếu sử dụng bằng ngôn ngữ và giai điệu A lí và thể loại dân ca Târ a để ví von đối đáp trao đổi công việc. Các già ngồi quây quần với nhau bên ché rượu và thay phiên nhau những khúc Târ a. Ở nghi lễ này, các vị già làng đưa ra những quy ước chung, bên nào vi phạm quy ước đó thì kỳ hội A Riêu Car sau bên đó chủ động mở hội A Riêu Car, đồng thời bên vi phạm chủ động giải quyết giải hòa sự việc xảy ra và chịu hình phạt theo quy ước chung ở nghi lễ Moot kâr hoot, coat pâr nai của lễ hội A Riêu Car. Cuối cùng, nghi lễ Zi zar báo hiệu cho các vị Yang, thần linh và các khách mời là lễ hội A Riêu Car đã đến hồi kết thúc.
A Lưới tháng ba trời chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột ngay trong ngày. Mới buổi sáng, còn nắng chang, buổi chiều mây từ phía Đông bay vào, trời tối sầm lại. Đứng giữa trung tâm thị trấn, thấy mây như thác, cuồn cuộn lao xuống núi nhuộm trắng A Lưới trong phút giây. Cơn mưa rả rích suốt buổi chiều mịt mùng cho đến tận đêm. Trong cơn mưa lạnh, ngồi bên hiên nhìn bóng tối ngập tràn, tôi ước ao được thấy một bóng người gùi trăng qua núi Âr Lau ngày nào.
Sớm hôm sau, mưa tạnh, trời ráo hoảnh, chúng tôi về lại Huế. Trong ánh ban mai, dừng chân bên suối Pâr Le (Hồng Hạ), nước trong xanh mát. Hàng ngàn cây dương xỉ thụ dạng mọc hàng dọc suối. Những bụi chuối rừng than nâu, lá đậm chen chúc bên dải nước trong. Lúc này, chỉ có tôi chơi vơi giữa đại ngàn. Có tiếng thở trong rừng già xao động. Có bóng người gùi mặt trời lên nương. Mùa lên rẫy đến rồi, rừng đương thay lá, bất chợt cha chấp ngân vang:Ơi! A chai ơi
Ơi! Chàng trai miền xuôi
Ơi! A nun ơi
Ơi! Cô gái miền ngược
Hòa chung giọng hò
Bắp trên rẫy cùng vui
Lúa trên nương cùng cười.
Lê Vũ Trường Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét