Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Doãn Mẫn - “Biệt ly” mà không biệt ly

Doãn Mẫn - “Biệt ly” 
mà không biệt ly
Doãn Mẫn sinh ngày 15 tháng 10 năm 1919 tại Hà Nội. Cha ông là người mê nhạc cổ truyền dân tộc, chơi đàn bầu và thích nghe hát ả đào, chèo, ca Huế. Từ nhỏ, Doãn Mẫn đã được thân phụ truyền cái tình yêu đối với âm nhạc, chơi được đàn tứ và một vài nhạc cụ truyền thống khác. Lớn lên, Doãn Mẫn bị cuốn hút vào dòng nhạc phương Tây mà chủ yếu là nhạc Pháp đang thịnh hành ở Việt Nam bấy giờ.
Doãn Mẫn có theo học một ông thầy dạy nhạc người Pháp tên Banal, nguyên chỉ huy một dàn nhạc quân đội Pháp. Thời gian ông theo học khoảng 4 tháng. Kiến thức phần lớn là về phối âm phối khí. Sau một thời gian dạy nhạc và nghe một vài tác phẩm đầu tay của học sinh, ông Banal có nhận xét đại ý rằng: “Các anh làm nhạc theo nhạc Pháp phương Tây, nhưng có cảm giác như đó không phải là phương Tây mà vẫn là của các anh”.
Từ một nhạc công biểu diễn nhiều nơi ở miền Bắc, Doãn Mẫn trở thành một nhạc sĩ thuở sơ khai của âm nhạc. Ông đã cùng Văn Chung và Lê Yên lập ra nhóm “Tricéa” - tên viết tắt từ tiếng Pháp “Collection Des Chants composés par des artistes Anraomites Associés  (tuyển chọn các tác phẩm âm nhạc của nhóm người viết nhạc An Nam) chủ trương sáng tác những giai điệu hướng về dân tộc. Chưa đến tuổi 20, Doãn Mẫn đã lần lượt cho ra đời nhiều tình khúc lãng mạn như Gió thu (1937), Tiếng hát đêm thu (1938), Một buổi chiều mơ, Bến yêu đương, Sao hoa chóng tàn, Từ đâu tiếng tơ, Hương cố nhân, Nhạc chiều, Gió xa khơi và đặc biệt là Biệt ly (1939). Nhạc sĩ Doãn Mẫn nhớ lại: “Tôi viết Biệt ly năm tôi vừa 20 tuổi. Hồi đó cha tôi làm việc ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Nhà ở gần ga nên tôi thường hay ra ga chơi chứng kiến nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt trên sân ga, nhất là những đôi trai gái yêu nhau, nhưng vì hoàn cảnh phải ly biệt. Điều đó khơi dậy trong lòng tôi nhiều cảm xúc và tôi có ý định sáng tác một bài hát về đề tài chia tay”.
Bài Biệt ly mở đầu như sau:
Biệt ly. Nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may
Người về có hay
Biệt ly. Sóng trên dòng sông
Ôi còi tàu như xé đôi lòng
Và mây trôi nước trôi
Ngày tháng trôi cùng lướt trôi
Mấy phút bên nhau rồi thôi
Đến khi bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời
Người ra đi với ngàn nhớ thương…
Lần đầu tiên Biệt ly được công bố trước đám đông khán giả là vào năm 1940 ở Hà Nội, chị Phụng - một ca sĩ ở ngõ chợ Khâm Thiên hát. Từ năm 1945 trở về sau Biệt ly tạm ngưng không biểu diễn nữa, mãi đến  năm 1988 nó mới chính thức được hát trở lại trên các sân khấu trong Nam ngoài Bắc, được đưa vào chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” công diễn ở Nhà hát thành phố Hà Nội. Ngoài ra Doãn Mẫn còn có những bài hát Cô lái thuyền, Một hình bóng, Trở lại cùng anh, Thu đến…
Năm 1944, Doãn Mẫn đã viết Nhắn người chiến sĩ mang âm hưởng không khí cách mạng thời chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, ông có hành khúc Dũng tiến được Đinh Ngọc Liên chuyển soạn cho dàn quân nhạc.
Khi công tác ở Đoàn Văn công nhân dân ông có những bài Những mầm sống, Sông Thao. Sau hòa bình lập lại, Doãn Mẫn về làm ở phòng giáo vụ Trường Âm nhạc Việt Nam - nay là Nhạc viện Hà Nội đến năm 1972. Thời gian này ông có bài Gọi nghé trên đồng (lời Hồng Đăng) và cuốn sách Tự học xướng âm. Đến khi về Viện Âm nhạc ông đã công bố hai công trình “Góp phần tìm hiểu sự hình thành nền âm nhạc cải cách Việt Nam giai đoạn 1930-1945” và “Những bước phát triển trong công tác đào tạo cán bộ âm nhạc từ Cách mạng tháng Tám đến năm 1975”. Khi về hưu, ông sống ở quận Đống Đa, Hà Nội.
Ngày 16-4-2007, Doãn Mẫn đã “biệt ly” mà không ly biệt lòng người yêu nhạc.
* Triệu Xuân bổ sung: Chứng kiến cuộc chia ly của các cặp tình nhân tại ga Hàng Cỏ - tiễn người yêu đi lính Lê Dương-  Doãn Mẫn sáng tác ca khúc Biệt ly.
"Tôi viết Biệt ly năm tôi vừa 20 tuổi. Hồi đó, cha tôi làm việc ở ga Hàng cỏ, Hà Nội. Nhà ở gần ga nên tôi thường hay ra ga chơi, chứng kiến nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt trên sân ga, nhất là những đôi trai gái yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh phải ly biệt. Điều đó khơi dậy trong lòng tôi nhiều cảm xúc và tôi có ý định sáng tác một bài hát về đề tài chia ly. Tôi nghĩ rằng tôi sáng tác bài Biệt ly với rất nhiều kỷ niệm.
Qua những cuộc chia ly mà tôi được chứng kiến ở sân ga Hà Nội, ở bến cảng Hải Phòng đã cho tôi rất nhiều xúc động. Tôi đã dự kiến làm bài Biệt ly này từ năm 1937, tức là năm tôi bắt đầu sáng tác. Nhưng mà rồi có nhiều trường hợp khác cho nên tôi lại viết về chủ đề khác, cho đến năm 1939, có mấy việc dồn dập đến, tôi trở lại cái đề tài này. Có những buổi biểu diễn ở các rạp, một phần nữa do các anh em ở trường Bưởi làm ca cảnh, cho nên cái bài đó mới được phổ biến."
Doãn Mẫn có 20 năm là trưởng phòng giáo vụ của Nhạc viện Hà Nội, nhưng suốt thời gian này ông không sáng tác gì. “Tôi phải đi lo cả việc... học viên có con nhỏ không ăn được thì phải làm thế nào, chỗ ăn, ở, nhà vệ sinh bẩn thỉu thì làm sao".
Ngoài 70 tuổi, Doãn Mẫn có viết nhạc trở lại. Doãn Mẫn viết khoảng 50 ca khúc, trong đó nhiều bài được đánh giá vượt thời gian như Biệt ly, Hương cố nhân.
Doãn Mẫn từ trần ngày 13-04- 2007 tại Hà Nội.
Hoài Anh
Nguồn: Danh sĩ Hà Nội. Tác giả: Hoài Anh. 
Di cảo, sẽ xuất bản.
Theo https://trieuxuan.info/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ dịch của Vũ Tuấn Hoàng

Chùm thơ dịch của Vũ Tuấn Hoàng “Ở một chừng mực nào đó, dịch giả cũng giống như một người đầu bếp. Từ nguyên vật liệu ngoại, cần phải nấu...