Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Trần Hoài Dương - Truyện chọn lọc

Trần Hoài Dương - Truyện chọn lọc
CON CHIM XANH
Nhà Kiến Nâu ở bên này suối. Bên kia suối có cây móng bò, về mùa xuân nở hoa màu tím hồng sáng bừng cả một góc rừng. Kiến Nâu muốn sang bên ấy ngắm hoa, muốn được trèo lên ngọn cây cao vút để ngắm nhìn ra xung quanh, vì cây móng bò cao hơn hẳn các cây khác, nhưng không có cách gì sang được. Suối sâu, nước chảy xiết, mà Kiến Nâu lại bị tàn tật. Mấy tháng trước, vì cứu bạn Bọ Ngựa nên Kiến Nâu bị gãy mất một chân sau. Lần ấy, Bọ Ngựa mải mê mài gươm, vô tình không biết có con chim ác đang rình trong bụi. Kiến Nâu trông thấy, bò tới đốt chân chim ác rồi la lên cho Bọ Ngựa chạy trốn. Bọ Ngựa buông mình, nhảy dù từ trên cao xuống đất, lủi dưới hốc cây trốn được, nhưng Kiến Nâu bị chim ác mổ cho gãy một chân sau. Từ đấy Bọ Ngựa và Kiến Nâu trở thành đôi bạn chí thiết. Đã bao nhiêu lần Bọ Ngựa tìm cách đưa Kiến qua suối nhưng đều không thành - những chiếc thuyền lá tre vừa rời bến, lập tức bị xoáy nước cuốn trôi băng băng.
Bỗng một hôm, Bọ Ngựa đi rừng về, hối hả gọi Kiến. Có một quả trứng con chim nào đó đẻ rơi ngay gần mé nước. Kiến tập tễnh tới nơi xem. Quả trứng chim to bằng hột lạc màu trắng ngà, có những đốm nâu nhỏ li ti rõ xinh. Quả trứng nằm ngay ven đường, các loài vật thường qua lại, thật nguy hiểm. Vỡ như chơi chứ chẳng bỡn! Bọ Ngựa và Kiến Nâu hì hục vần quả trứng nằm lên một chiếc lá rồi lễ mễ vừa đẩy vừa lôi về đặt trước cửa nhà Kiến. Cả hai thi nhau đi kiếm lá mục về lót thành một chiếc ổ thật đẹp, hy vọng một hôm nào đó trứng sẽ nở thành chim non. Bị tàn tật, không đi được đâu xa, Kiến thường tư lự cả buổi bên cửa sổ nên sẵn có trí tưởng tượng phong phú. Nó mơ ước một hôm nào đó, quả trứng kia sẽ nở ra một chú chim xanh tuyệt đẹp. Chim xanh sẽ đưa Kiến và Bọ Ngựa đi khắp đó đây. Tất nhiên, việc đầu tiên là Kiến Nâu phải nhờ chim đưa mình lên đỉnh ngọn cây móng bò- sẽ thỏa sức nhìn ngắm xung quanh. Ở trên đó chắc là mát phải biết. Suốt ngày đêm gió lay động lá cành, nằm dưới này nhìn lên, Kiến thèm được hưởng ngọn gió phóng khoáng ấy quá. Ở xa kia, đằng sau rừng dẻ gai, có điều gì lạ lùng không nhỉ? Biết đâu ở đấy lại chẳng là một cái hồ nước trắng xóa, có những đàn le le, mòng két thường bơi lội. Nhiều lần Kiến Nâu thấy từng đàn le le bay về phía ấy. Chắc chắn có nhiều điều thú vị khác nữa mà Kiến Nâu chưa được biết. Nở mau lên! Nở mau lên hỡi quả trứng chim tội nghiệp bị bỏ rơi…
Ngày lại ngày qua đi… Đống lá khô ẩm mục một hôm bỗng nứt ra. Kiến Nâu mừng cuống, chạy đi tìm Bọ Ngựa. Cả hai cùng nằm phủ phục quanh đống lá, nín thở quan sát con chim non ra đời. Chờ mãi, chẳng thấy chim non đâu, chỉ thấy nhú lên một mầm cây bé tí xíu màu xanh nõn chuối. Thì ra đó là một hạt đỗ chứ không phải trứng chim. Kiến Nâu thất vọng ra mặt. Nó cứ ngồi bên chiếc mầm xanh sáng, vẻ mặt buồn thiu, Bọ Ngựa hỏi liền mấy câu cũng không buồn đáp. Thế là hết! Chẳng còn hy vọng gì được đi khắp đó đây. Chẳng còn được đứng trên ngọn cây móng bò cao chót vót để thu vào tầm mắt mình trăm nghìn cảnh đẹp quanh vùng.
Chán nản mất đến mấy ngày. Cuối cùng, Kiến Nâu cũng tạm khuây. Nó quen dần với người bạn mới. Tính tình của Mầm Đỗ cũng rất dễ chịu. Cô bé vui vẻ và xởi lởi. Đối với cô, cái gì cũng mới mẻ. Cô luôn ngạc nhiên vì mọi hiện tượng và cảnh vật xung quanh. Kiến Nâu cũng thấy háo hức lên khi nghe những câu hỏi ngộ nghĩnh của cô bé. Một lần vui câu chuyện, Kiến Nâu kể cho Mầm Đỗ nghe niềm mơ ước bấy lâu của mình. Kiến kể cả chuyện những đêm nằm thao thức nghĩ tới con chim xanh…
Nghe chuyện, Mầm Đỗ thương Kiến Nâu quá. Nó tự nhủ, bằng mọi cách phải giúp cho Kiến Nâu đạt được ước vọng của mình. Nó cố lớn thật nhanh. Nó sẽ tìm đường vươn sang bên kia suối, làm thành một chiếc cầu cho Kiến bò sang. Nó cũng sẽ trở thành một con chim xanh đem lại cho Kiến Nâu niềm vui sướng. Vì muốn dành cho Kiến Nâu niềm vui bất ngờ nên Mầm Đỗ giấu kín không để lộ điều mình dự tính. Ngọn của nó cứ vươn dài mãi, bò lan man trong cỏ. Nó đã tính kỹ rồi. Đến khi nào toàn thân nó dài chừng mười thước, dài hơn cả bề ngang con suối, nó mới bắt đầu tính chuyện vượt dòng nước hung dữ.
Cái ngày ấy đã đến.
Chờ cho đêm thật khuya, cây Đỗ mới lần ra mép nước. Nó không muốn vượt suối lúc ban ngày, sợ Kiến sẽ vì thương nó mà ngăn không cho sang. Thêm nữa, ban đêm tất cả đều tối đen, không trông thấy những con sóng chồm lên, càng đỡ sợ.
Ngọn vừa chạm xuống mặt nước, cây Đỗ bỗng rùng mình. Nước buốt quá, lại chảy xiết nữa. Thoáng ngần ngừ. Nhưng rồi cây Đỗ bạo dạn lên, lội ào xuống suối. Dòng nước như đã chực sẵn từ bao giờ, bỗng xô ào đến, cuốn phăng ngọn Đỗ trôi về mé dưới. Cây Đỗ oằn oại chống cự lại một cách quyết liệt. Đã mấy lần sắp níu được một cành cây bên kia bờ, những con sóng lại chồm tới. Lại bắt đầu lại từ đầu. Cứ thế, không biết đến lần thứ bao nhiêu, thì ngọn Đỗ trụ lại được ở bên kia bờ. Nó dùng chiếc râu mềm mại xoắn mấy vòng vào thân cây mâm xôi la đà mặt nước. Xoắn xong, nó doãi toàn thân nằm thở một cách mệt nhọc. Nhìn lại, lúc này cây Đỗ mới thấy mình vừa trải qua một trận vật lộn nguy hiểm biết chừng nào! Khắp thân mình nó, những chiếc lá bị sóng táp xơ xác. Ngay lúc này đây, những con sóng hung hãn vẫn tiếp tục tràn đến, vật lộn, muốn bứt tung cây Đỗ cuốn đi.
Cây Đỗ nhìn dòng nước bất lực, lòng đầy kiêu hãnh. Trời sắp sáng hẳn rồi. Những đàn chim ăn đêm đã lần lượt quay về tổ. Sao trên trời đã nhạt dần. Cây Đỗ tự nhủ: mình sẽ tiếp tục lớn, sẽ leo lên cây móng bò, sẽ trở thành một chiếc cầu cho Kiến Nâu leo qua suối. Mình không bay được như con chim xanh, nhưng bằng tất cả tình thương, mình cũng sẽ tìm được cách giúp Kiến Nâu toại nguyện. Nhất định bạn ấy sẽ lên được đỉnh ngọn cây móng bò. Bạn ấy sẽ tha hồ nhìn ngắm, tha hồ mơ ước…
Cây Đỗ mệt nhọc thiếp đi. Trong mơ, nó thấy những chiếc lá vẫy vẫy giống hệt như những cánh chim xanh nâng bổng nó lên…
CHỊ TẨY VÀ EM BÚT CHÌ
Bút chì ngồi bên bàn, vẽ mê mải. Trên bàn bày la liệt những bức tranh chú ta vừa vẽ xong, trông còn non nớt nhưng có nhiều nét vẽ ngộ nghĩnh dễ thương. Chú ta lại đang vẽ mấy dãy núi và dòng sông dưới vầng mặt trời tỏa sáng. Mặt trời méo mó dài dài như một hạt đỗ. Chị Tẩy tay chống cằm ngồi bên cạnh, thấy vậy hiền từ bảo:
- Em sửa lại đi. Thế! Thế! Tròn hơn tí nữa! Được rồi!
Vừa nói, chị vừa đưa tay tẩy xóa những nét vẽ thừa của em. Bút chì ngoan ngoãn chữa theo ý chị. Bức tranh vẽ xong, Bút chì dựng tờ giấy lên, ngắm nghía. Cả hai chị em cùng mỉm cười.
Bút chì lại vẽ tiếp một ngôi nhà. Chị Tẩy vẫn ngồi bên theo dõi theo nét vẽ của em với vẻ mặt đầy tự hào. Chị lại xóa giúp em những nét vẽ quá cứng nhắc và bảo em chịu khó vẽ lại.
Bức tranh vẽ xong, trông khá sinh động. Chị vui vẻ khen:
- Đấy! Em vẽ đẹp hơn rồi đấy! Cố nữa lên!
Bút chì có vẻ phấn khởi lắm. Nó nhấp nhổm trên ghế, vẽ tiếp chiếc lọ hoa. Chị Tẩy ngồi yên nhìn em vẽ, nét mặt rạng rỡ. Chị không phải tẩy xóa một chút gì. Khi Bút chì vừa buông tay, chị nhích lại gần em khen:
- Khá lắm! Nét vẽ linh hoạt lắm. Cố nữa em ạ.
Bút chì thích chí càng nhấp nhổm tợn, lại vẽ luôn khuôn mặt cô bé có đôi mắt to và chiếc mũi hếch. Chị Tẩy vui quá vỗ mạnh vai em:
- Bức này cũng khá lắm! Em cố nữa lên!
Bút chì toét miệng cười. Nhìn những tác phẩm của mình ngổn ngang trên bàn, nó đắc ý, nói oang oang:
- Vẽ dễ như bỡn, chị nhỉ?
- Ấy chết! Ai bảo em thế? Vẽ đẹp khó lắm đấy em ạ.
- Chị cứ làm bộ quan trọng! Em thì ngoáy mấy nét cũng thành bức tranh!
- Đừng vội kiêu ngạo, em! Nét em vẽ còn vụng về lắm.
Bút chì “xì” một tiếng, cau có nhìn chị:
- Chị đừng coi thường em! Chẳng cần chị, em cũng vẽ thật đẹp được! Đây, chị xem!
Nó chạy lại tờ giấy trắng toát cặp sẵn trên giá vẽ, vung tay vẽ nguệch ngoạc hình một con vật, có thể tạm đoán là con ngựa. Bức vẽ bôi bác nhưng bút chì vẫn tỏ ra hài lòng, toét miệng cười…
Thấy bức tranh vẽ con vật chân cao chân thấp, có nhiều nét không cân đối, chị Tẩy chạy lại, níu lấy tay Bút chì, cằn nhằn:
- Em lại vẽ bôi bác rồi! Không nên thế, Bút chì ơi!
Bút chì hất tay chị Tẩy, cáu kỉnh:
- Mặc xác em! Chị chỉ lắm chuyện! Hơi một tí là xét nét!
- Em vẽ ẩu, chị không yên lòng!
Chị Tẩy đến bên bức tranh, tẩy xóa những nét vẽ thừa, những vết nhọ bẩn. Chị cố tẩy chiếc chân dài ngoẵng cho ngắn bớt. Bút chì cáu kỉnh chạy sang tờ giấy khác, vung tay vẽ bức tranh mới. Nó vẽ một con vật bơi trong nước, tạm coi là con cá. Con cá có chiếc bụng thật to, không có mắt, mấy chiếc vây ngắn cũn cỡn. Chị Tẩy lại chạy sang, lo lắng nhìn em vẽ. Bút chì như cố tình trêu tức chị, càng vẽ nguệch ngoạc hơn. Chị Tẩy rên rẩm:
- Trời ơi! Em làm sao thế này hở Bút chì?
Chị lại vội vàng xóa những nét vẽ xiêu xẹo. Vừa xóa vừa xuýt xoa, vẻ mặt rầu rĩ. Trông chị hốc hác đi phần nào.
Bút chì lại nhảy sang tờ giấy trắng khác. Nó càng ra bộ ta đây giỏi, loằng ngoằng mấy nét. Một con vật từa tựa con chim hiện ra. Con chim cánh to cánh nhỏ có chiếc đầu to xù và chiếc bụng thuôn dài kỳ dị.
Chị Tẩy hoảng hốt chạy níu lấy tay Bút chì, không cho vẽ tiếp. Giọng chị vừa cầu khẩn vừa dằn dỗi:
- Không được thế, Bút chì! Em không được vẽ bôi bác quá như thế!
- Chị đi đi! Mặc xác tôi! Chị đi đi! Không có chị, tôi càng vẽ giỏi!
Vừa nói, Bút chì vừa xua đuổi chị Tẩy. Chị Tẩy vẫn ra sức tẩy tẩy xóa xóa những vết bẩn trên tờ tranh. Bút chì nổi cáu, giật tay chị ra, dùng hết sức đẩy chị về phía cửa. Hai chị em giằng co nhau kịch liệt. Nhiều bức tranh bị xô đẩy, màu mực tung tóe. Cuối cùng Bút chì xô được chị Tẩy ra khỏi phòng, đóng sập cửa lại, rồi lại loằng ngoằng vẽ tiếp. Chị Tẩy khóc thút thít, cố giật cửa vào can em nhưng không được. Bút chì càng vẽ như điên. Những bức vẽ kỳ dị không rõ hình thù với những đường nét chằng chịt non nớt.
Đang đà khoái chí, Bút chì bỗng nhìn thấy bức tranh con cừu tuyệt đẹp treo trên tường. Con cừu hiền lành đang đứng ngẩn ngơ trên đồng cỏ đầy hoa vàng và hoa tím. Một ý nghĩ tai quái lóe trong đầu Bút chì. Nó nháy mắt tinh nghịch, rón rén đến bên bức tranh, rồi tỏ vẻ cương quyết, nó vung tay vẽ loằng ngoằng lên bức tranh. Nó tô cho đôi mắt con cừu trở nên long lanh dữ tợn. Thêm vào trán cừu đôi sừng nhọn hoắt. Chú cừu trong tranh bỗng dậm chân đầy phẫn nộ, như phản đối cuộc chơi độc ác của Bút chì. Bút chì càng khoái chí, dằn đầu cừu xuống, vẽ thêm bộ râu xồm xoàm và những chiếc răng nhăn nhở. Cừu cố vùng vẫy chống cự lại. Bút chì lại ra sức gạch bẩn lên bộ lông trắng muốt của cừu, biến toàn thân cừu thành một bộ áo giáp tua tủa gai nhọn như lông nhím. Con cừu tuyệt đẹp bỗng trở thành một con vật kỳ lạ. Bút chì cười sặc sụa trước sản phẩm bôi bác bệnh hoạn của mình. Trong tiếng cười như điên, nó tiếp tục bôi bẩn bức tranh. Con vật lạ mỗi lúc một thêm lồng lộn. Nó cố vùng vẫy để thoát khỏi tờ tranh.
Và kìa, nó đã vùng khỏi tờ tranh! Bút chì bỗng ngã ngửa vì một cú húc bất ngờ. Con vật kỳ lạ lồng lộn khắp phòng, như đau đớn, như căm phẫn. Nó cứ nhằm thẳng Bút chì mà lao tới. Hai hàm răng nó nghiến trèo trẹo, mắt long lên đầy dọa nạt. Đôi sừng nhọn hoắt đâm bổ vào Bút chì. Sợ hãi tới mức rối loạn, Bút chì chạy bổ về phía con ngựa vẽ ban nãy, nhảy phóc lên ôm lấy cổ, đạp chân thúc cho ngựa chạy. Con ngựa chân cao chân thấp khập khiễng được mấy bước thì ngã chổng kềnh. Bút chì nhăn nhó nhảy sang ôm lấy con cá không mắt. Cá xoay tròn tại chỗ. Bút chì vẽ nhanh đôi mắt, cá bơi nhanh hẳn lên làm Bút chì mừng rỡ tưởng thoát nạn. Nhưng bụng cá không cân đối, lúc nổi lúc chìm làm con vật lạ một tí nữa thì túm được Bút chì. Bút chì lội bì bõm lao tới con chim. Chim lao vút lên làm Bút chì khoái trá cười ha hả. Từ trên cao, Bút chì đưa tay lên mũi vẫy vẫy chế nhạo sự bất lực của con vật kỳ lạ. Nhưng nó bỗng thấy mình cùng chim vun vút cắm đầu xuống đất. Con chim cánh to cánh nhỏ đã không cứu được nó. Con vật kỳ lạ lao bổ đến, dùng hai sừng nhọn hoắt hất tung Bút chì lên. Bút chì nhắm nghiền mắt lại khi trông thấy đôi sừng đáng sợ đang giương lên chờ đón mình. Bút chì kêu thất thanh:
- Chị Tẩy ơi! Cứu em với, chị Tẩy ơi!
Chị Tẩy từ nãy vẫn cố hết sức lôi cánh cửa để chạy vào cứu Bút chì mà không được. Cuối cùng chị trèo qua cửa sổ, nhảy ào vào. Chị đuổi theo con vật, túm lấy cổ nó giữa lúc nó đang gầm ghè đè ngửa Bút chì ra định cắn xé. Chị Tẩy quên hết mọi nguy hiểm, lăn xả vào cứu Bút chì. Hai bên đôi co kịch liệt. Chị Tẩy cố hết sức dồn con vật về phía chiếc khung tranh, chốt con vật lại, không cho nó lồng chạy khắp phòng nữa. Lúc bấy giờ chị Tẩy mới tiếp tục xóa. Con vật quằn quại chống cự, chị vẫn ra sức tẩy xóa. Bàn tay chị vuốt tới đâu, những nét vẽ bôi bác mất đi tới đó và tính tình con vật cũng hiền dịu dần trở lại. Khi những vết đen cuối cùng vừa được xóa xong, bộ lông trắng muốt lộ ra, con cừu hiền lành liền quỳ xuống như cảm ơn chị Tẩy đã giải thoát cho nó khỏi kiếp con vật kỳ quái.
Bút chì từ nãy vẫn nằm chết giấc, thấy yên tĩnh, mới hé mắt nhìn quanh. Nó trông thấy con cừu hiền lành đang quỳ hai chân trước, nét mặt thật xúc động như đang hối lỗi điều gì. Vùng dậy, nhìn kỹ nó mới nhận ra trước mặt cừu là chị Tẩy của nó đang nằm sóng xoài. Sau trận kịch chiến với con vật kỳ lạ, chị Tẩy đã kiệt sức. Sau khi xóa hết những vết bẩn do nó bôi lem, chị Tẩy đã kiệt lực. Lúc này trông chị teo tóp đến tội nghiệp.
Bút chì bỗng trào nước mắt. Vì nó mà chị Tẩy đến nông nỗi này. Nó chồm dậy, lao đến ôm chầm lấy chị Tẩy. Nó vực chị ngồi dậy. Chị Tẩy gầy guộc từ từ mở mắt, thều thào nói: “Em… Bút chì của chị…” rồi mắt lại nhắm nghiền. Bút chì cuống quít lay vai chị:
- Chị Tẩy ơi! Em biết lỗi rồi! Hãy tha thứ cho em! Hãy ở lại mãi mãi với em!
Chị Tẩy bắt đầu mở mắt, đau đáu nhìn Bút chì. Thấy em hối hận, chị khẽ mỉm cười. Bút chì mừng rỡ, cười nhưng nước mắt vẫn trào ra.
Chú cừu trắng muốt hiền lành cố dướn người ra khỏi bức tranh, đưa chiếc mõm hồng xinh xinh ve vuốt hai chị em…
CHUYỆN VUI VỀ CHÚ ẾCH CỐM
Mặt đầm bập bềnh những lá sen lá súng. Nước trong veo, trông rõ những thân rong tóc tiên, rong đuôi mèo mềm mại đung đưa uốn lượn. Từng đàn cá rô ron, cá đuôi cờ tung tăng đuổi theo nhau. “Bõm! Bõm! Bõm!” - mấy chú ếch thi nhau lao từ trên bờ xuống đầm. Các chú xoải chân bơi trong nước rồi nhô lên, giương những đôi mắt to thô lố nghịch ngợm.
Chợt vang lên tiếng hát, giọng rất nhộn:
“Tớ là Ếch cốm
Giỏi nhất trần đời...”
Mấy chú ếch đưa mắt nhìn nhau, rồi hình như đã nhận ra tiếng hát của ai rồi, các chú nháy nhau, ngoác những chiếc miệng rộng ra cười.
Trong khi đó Ếch cốm đang ngồi trên giường, ôm chiếc cặp to che kín ngực và bụng, đôi chân vung vẩy, vừa vung tay rút trong cặp ra nào sách, nào bút vứt tứ tung, Ếch cốm vừa nghêu ngao hát:
“Tớ là Ếch cốm
Giỏi nhất trần đời
Tớ chỉ thích chơi
Mà không thích học.
Tớ ngồi trong hốc,
Rõ chuyện bốn phương
Sách vứt gậm giường
Học chi cho mệt!”
Ếch đang phởn chí hát to, chợt đầu một chú Chẫu chàng ló vào:
- Ếch ơi, đi học!
Ếch giật mình định chui vội vào gậm giường. Nhưng khi nhận ra Chẫu chàng, Ếch đứng thẳng dậy, ưỡn ngực, nói giọng thản nhiên:
- Tớ không đi đâu! Học chán lắm!
Rồi Ếch lại vung vẩy chân, vỗ bụng hát tiếp:
“Tớ là chú Ếch
Giỏi chẳng ai bì
Học hành làm chi,
Vui chơi thỏa thích
Khích - khích - khích -khích…”
Lại một chiếc đầu Ễnh ương ló vào:
- Ếch ơi, đi học!
Ếch không quay lại, trả lời giọng tỉnh khô:
- Tớ chẳng thèm học! Học đủ rồi!
Và Ếch lại vừa nhảy vừa hát tiếp:
“Tớ là chú Ếch
Rong chơi tối ngày
Thử hỏi xưa nay,
Ai giỏi bằng tớ!
Khớ - khớ - khớ -khớ…”
Ếch đang cười khoái chí vì những lời hát ngộ nghĩnh của mình thì đầu Nhái bén lại ló vào:
- Ếch ơi, đi học!
Ếch nổi cáu, nhảy phắt xuống, tay chống đùi, cúi gập người hướng ra phía cửa, giọng gằn lên:
- Để cho người ta yên nhá! Học với chẳng hành! Tớ cóc thèm!
Ếch chạy vào góc nhà, nhặt viên phấn, viết lên tấm bảng dòng chữ thật đậm:
“Tớ cóc thèm đi học!”
Ếch khệ nệ vác ra chắn ngoài cửa hang rồi quay vào nhảy tót lên giường, vắt chân chữ ngũ nằm ngủ. Vừa đặt mình xuống, Ếch đã ngáy như kéo gỗ. Chiếc bụng phập phồng lên xuống, lúc dẹp lép lúc trương phềnh chạm sát tới trần nhà. Vẻ mặt Ếch lúc ngủ vẫn giương giương tự đắc.
Thầy giáo Cóc đeo kính trắng, tay xách chiếc cặp to đang rảo bước. Phía sau, hai bác Cóc đang khiêng một chiếc vỏ ốc biển rất to màu hồng lòng tôm có nhiều gai tua tủa chĩa ra bốn phía. Bọn Chẫu chàng, Ễnh ương, Nhái bén xúm quanh chiếc vỏ ốc biển, bàn tán rôm rả:
- Cái gì mà đẹp thế nhỉ?
- Cái lọ hoa!
- Không phải! Cái hũ đựng rượu!
- Hũ đâu mà hũ! Cái tổ con Bò cạp!
- Thưa thầy có phải cái tổ con Bò cạp không ạ?
- Không, đó là con Ốc biển các em ạ.
Nhái bén chạy lên trước, nhanh nhảu:
- Thưa, con Ốc biển nó sống ở đâu ạ?
- Ờ, các em chưa biết nhỉ. Nó sống ở ngoài biển…
- Thưa thầy, biển là cái gì ạ? - Nhái bén hỏi tiếp.
Thầy giáo Cóc dừng lại, lục trong cặp, lấy ra một tập ảnh. Thầy chọn một bức giơ lên, giọng xúc động:
- Đây, biển nó là thế này đây, có thể hình dung biển giống như một cái ao, nhưng là một cái ao vô cùng rộng…
Tấm ảnh chụp cảnh biển rộng, có một cánh buồm và một con hải âu nghiêng cánh. Cùng với giọng thầy giáo Cóc nói, tấm ảnh bất động bỗng dưng cồn cào nổi sóng. Tấm ảnh chìm đi, biển bỗng xao động, cánh buồm lướt nhanh và chim hải âu vẫy vùng trong sóng gió. Tiếp theo là những cảnh đẹp lạ lùng dưới đáy biển, những hòn đảo san hô long lanh màu hồng ngọc, những đàn cá trăm nghìn màu sắc, dáng vẻ đan nhau loang loáng… Những con ốc to, ốc nhỏ đang chầm chậm chuyển động dưới đáy nước, trong các rạn đá, bên những tầng rong rêu rậm rạp như rừng…
Học xong, Nhái bén liền đội vỏ ốc biển tới nhà Ếch cốm. Không trông thấy Nhái đâu, chỉ thấy một chiếc vỏ ốc cao lênh khênh nhảy tâng tâng trên đường. Dưới vỏ Ốc, ló ra hai chân nhái gầy nhom.
Ếch đang nằm ngủ trong hang, vắt chân chữ ngũ, chiếc bụng phềnh lên dẹp xuống dồn dập. Nhái bén đội vỏ ốc biển đứng ngoài cửa hang hét vào:
- Tên Ếch cốm kia! Dậy nghe ta bảo!
Tiếng Nhái trong vỏ ốc nghe ồm ồm rất lạ:
Ếch vẫn ngủ say, giọng Nhái lại oang oang:
- Tên Ếch cốm kia! Dậy nghe ta bảo!
Nghe tiếng nói lạ, Ếch vùng dậy, mắt nhắm mắt mở chạy ra. Ngó trân trân vào Ốc biển, lần đầu tiên nó được thấy. Nhái đội vỏ ốc nhảy chồm lên, giọng hách dịch:
- Thấy ta sao không chào, lại giương mắt ếch lên thế hở tên hỗn láo kia?
- Ông là ai mà bắt tôi phải chào? - Ếch tay chống nạnh, trợn mắt hỏi lại.
Ốc biển nhảy chồm chồm, giận dữ:
- A! Gớm thật! Tên này gớm thật! Ta là đại vương Ốc biển đây, ngươi không biết sao? Lai lịch ngươi thế nào, ta biết tỏng tòng tong, muốn nghe ta nói cho mà nghe?
Ếch giậm chân, phùng mồm thách:
- Cứ nói nghe thử!
Vỏ ốc đi đi lại lại, giọng Nhái bén khủng khỉnh:
- Ngươi là tên Ếch cốm, biệt hiệu là Ếch khoác lác chứ gì? Ngươi là con ông Ếch vằn và bà Ếch hoa chứ gì? Nhà ngươi ở cạnh nhà thằng Nhái bén, đúng không? Ngươi vẫn nợ thằng Nhái bén một chiếc hoa mướp từ mùa hè năm trước cho tới nay vẫn chưa chịu trả, có đúng không?
Ếch cốm bắt đầu sợ, giọng run run:
- Ông là ma xó hay sao mà biết tôi rõ thế?
- Khà, khà… Cái gì mà ta chẳng biết!
Ếch lùi dần, lùi dần vào sâu trong hang. Được thể vỏ ốc biển càng chồm tới. Giọng Nhái bén càng lên nước:
- Đã chịu tài ta chưa? Ta còn biết rất nhiều điều lý thú khác nữa, muốn nghe không, ta truyền cho?
- Vậy ông là ai? Ở đâu đến đây? - Giọng Ếch đã run run.
Nhái chắp tay sau vỏ Ốc, bước những bước dài khoan thai, giọng đĩnh đạc:
- Đã bảo ta là Đại vương Ốc biển. Ta ở ngoài biển khơi. Ngươi đã thấy biển bao giờ chưa?
- Dạ chưa!
- Vậy hãy đi hái một chiếc hoa mướp về đây cho ta tráng miệng, ta sẽ nói cho mà nghe. - Vỏ Ốc xoay nghiêng. Nhái ló đầu ra ngoác miệng cười, nháy mắt tinh nghịch rồi lại chui tọt vào, giọng trở lại nghiêm trang: - Loài Ốc bọn ta rất thích ăn hoa mướp!
Ếch đưa tay gãi gãi đầu, nhăn nhó:
- Mùa này hoa mướp rất hiếm…
Vỏ Ốc chồm lên, quát:
- Lại lười phỏng? Đi ngay!
Ếch lùi lũi ra khỏi hang, tuồn xuống nước, xoải chân bơi. Ếch vừa đi khỏi, Nhái chui ra khỏi vỏ Ốc vung chân vung tay tập thể dục, cười khoái chí. Nhái leo lên một mô đất cao, khum khum tay che ngang mày láu lỉnh quan sát. Ếch làm gì, Nhái biết hết.
Thấy Ếch định lủi vào một chiếc hang. Nhái hắng giọng rõ to:
- Hừm!
Ếch giật thót, nhảy vọt ra, bơi tiếp. Thấy một chiếc hoa mướp rụng trôi lềnh bềnh. Ếch vồ nhai ngấu nghiến, Nhái cảnh báo:
- Hừm! Hừm!
Ếch trố mắt sợ quá, nhả vội chiếc hoa mướp, quay về phía Ốc biển kêu thất thanh:
- Ông đi theo tôi đấy à?
Nhái cố gằn giọng cho tiếng nói khác lạ hẳn:
- Việc gì ta phải đi theo nhà ngươi? Ta có phép, tuy ngồi một chỗ nhưng cái gì ta cũng biết. Không tin, ngươi cứ quay lại mà xem!
Nhanh như chớp, Nhái nhảy phóc xuống, chui tọt vào vỏ ốc, nhảy nghiêng ngả, vừa nhảy vừa lên giọng ồm ồm dọa dẫm: “Hừm! Hừm! Biết tài ta chưa? Biết tài ta chưa?”.
Ếch quay lại, thấy vậy, người rúm ró, run rẩy. Nó lại lủi thủi quay đi.
Tha được chiếc hoa mướp về, Ếch định liều đến xem Ốc biển mặt ngang mũi dọc ra sao, nhưng vừa lò dò tiến được mấy bước, Nhái bén bỗng giậm chân la lên:
- Ấy! Ấy! Tránh xa ta ra không điện giật chết bây giờ! Loài ốc biển bọn ta luôn phóng ra một luồng điện cực mạnh, không một kẻ nào đến gần được!
- Thế còn chiếc hoa mướp? - Vẻ mặt Ếch khổ sở.
- Hãy lấy cọng cỏ lau kia đẩy chiếc hoa mướp về phía ta!
Ếch lóng ngóng dùng chiếc cọng cỏ lau đẩy chiếc hoa mướp về phía miệng ốc. Vỏ ốc lại xoay nghiêng, Nhái bén ló đầu ra, cười hết cỡ miệng rồi lại chui ngay vào, lia chiếc lưỡi dài ra quơ lấy cánh hoa ăn ngon lành. Vừa ăn, Nhái vừa rúc rích cười nhạo chàng Ếch ngốc nghếch. Ăn xong, Nhái đưa tay chùi mép rồi dõng dạc:
- Nào! Hãy dỏng tai lên mà nghe ta giảng về biển!
Ếch nhảy lên chiếc lá sen, ngồi chầu hẫu chăm chú lắng nghe. Chiếc lá sen đung đa đung đưa trong lúc giọng Nhái vang lên:
“Biển là một khu rừng có rất nhiều gỗ quý. Trên biển có nhiều hươu, nai, nhưng đặc biệt là có rất ít nước. Nước biển ngọt như đường…”.
Ếch đang mơ màng lắng nghe thì giọng Nhái lại hách dịch:
- Thôi, về phải học thuộc lòng, mai đọc ta nghe lại, rõ chưa?
- Nhưng… Nhưng…
- Không nhưng… nhưng gì cả, về học thuộc lòng ngay, không ta sai bọn Cá voi quân hầu của ta cắn chết bây giờ!
Ếch khật khưỡng ra về. Ếch vừa đi khuất, Nhái lại nhảy ra, leo lên mô đất quan sát.
Ếch vừa chui vào hang, định leo lên giường ngủ thì giọng Nhái lại xoe xóe:
- Lại lười rồi! Hừm! Hừm!
Ếch giật bắn, nhảy vọt lên, đầu va vào trần nhà đau buốt óc. Vừa ôm đầu, Ếch vừa tập tễnh đến ngồi bên bàn ra rả đọc:
“Biển là một khu rừng… a… a…
Biển là một khu rừng…”
Trong vỏ ốc, Nhái ôm bụng cười lăn lộn. Vừa cười, Nhái vừa cố bụm miệng cho tiếng khỏi bật ra ngoài nhưng không được. Ếch vẫn vừa ngáp vừa ê a: “Biển là một khu rừng…”.
Nghe Ếch ra rả những lời kỳ quặc, hàng xóm láng giềng kéo nhau đến xem chật cửa hang. Trên bờ thì Ễnh ương, Chẫu chàng, Cóc tía giương những đôi mắt đen láy, tròn xoe; dưới nước thì Cá rô, Cá mại xúm đông xúm đỏ vờn quanh.
Thấy bạn bè vây kín, Ếch càng ra vẻ hãnh diện, tưởng mọi người đang thán phục tài mình, mặt Ếch vênh lên, càng lên giọng:
- Biển là một khu rừng… a…a… Biển là một khu rừng …
Đám đông ôm nhau cười nghiêng ngả. Nhiều tiếng xôn xao:
- Nó điên rồi! Thằng Ếch cốm nó điên rồi!
- Đi mời thầy giáo Cóc lại ngay, mau!
Thầy giáo Cóc đến, thầy đứng ngoài cửa hang, nghiêng tai lắng nghe. Ếch vẫn đang gào toáng những lời vô nghĩa. Thầy Cóc lắc đầu, hắng giọng bảo Ếch:
- Ếch cốm! Em nói gì mà kỳ quặc thế?
Ếch quay ra:
- Dạ, em học bài.
- Bài nào?
- Dạ, bài của đại vương Ốc biển ạ.
Thầy Cóc mở to mắt ngạc nhiên:
- Đại vương Ốc biển nào?
- Dạ… dạ kia ạ!
Ếch lắp bắp run run chỉ về phía chiếc vỏ ốc nằm bên bờ đầm.
Thầy giáo Cóc cùng mọi người đến bên Ốc biển, Ếch cốm la thất thanh:
- Ấy chớ, thầy chớ lại gần, nó phóng điện ra giật chết tươi bây giờ!
Thầy giáo Cóc cười hiền từ rồi chắp tay sau lưng ung dung tới bên Ốc biển. Thầy cúi xuống, ngó vào trong vỏ ốc. Thằng Nhái bén tinh nghịch, sau khi ăn no căng bụng đang đánh một giấc thoải mái trong đó, nó nằm vắt chân chữ ngũ trông rất oai vệ.
Thầy giáo Cóc khẽ nhón tay túm lấy gáy Nhái bén giơ lên cao:
- Đây, Đại vương Ốc biển của em đây, phải không Ếch cốm?
Nhái ngái ngủ, hai chân giãy giãy lia lịa. Khi nhận ra mọi người, Nhái cũng ngoác miệng cười giữa tiếng hò hét cười nói của cả đám đông.
Thả Nhái bén xuống đất, thầy giáo Cóc điềm đạm hỏi:
- Sao em tinh nghịch thế hở Nhái bén? Em dọa bạn như vậy để làm gì?
Nhái lém lỉnh:
- Dạ, để bạn ấy chừa cái thói kiêu căng đi ạ. Nếu bạn ấy chịu đi học thì đâu có bị mắc lỡm như vậy?
Thầy giáo Cóc nhìn sang Ếch cốm đang xấu hổ kéo chiếc lá sen che mặt. Thầy mỉm cười độ lượng:
- Đúng! Ếch cốm ạ! Nhái bén nói đúng đấy! Nếu em chịu khó đi học thì em đã hiểu biển và con ốc biển là thế nào. Không học thì sẽ dốt, mà khi dốt con ngiười ta trở nên hèn kém.
Thầy giáo Cóc đến bên, nắm lấy tay Ếch cốm đưa lại đặt vào tay Nhái bén:
- Chốc nữa, Nhái bén giúp bạn Ếch học lại bài về biển và loài ốc biển nhé.
Thầy ngước nhìn lên trời. Bầu trời xanh ngắt, bồng bềnh những cụm mây lông ngỗng. Giọng thầy vui vẻ:
- Chúng ta sẽ học tiếp về bầu trời.Thế Ếch cốm có muốn đi học lại không nào?
Rất hồn nhiên, Ếch nhảy lên hét rõ to:
- Có ạ! Có ạ! Em rất thích nghe nói về bầu trời!
Thầy giáo Cóc cùng các bạn trìu mến nhìn Ếch cốm. Giọng thầy sang sảng:
- Nào, chúng ta đi tới lớp nào!
Thầy đi trước, lũ học trò trên bộ, dưới nước ríu rít theo sau. Ếch cốm nắm tay Nhái bén, vui vẻ chạy lên hàng đầu. Tay nắm tay, chúng vừa đi vừa hát. Tiếng hát của lũ học trò vang lên:
Dung dăng dung dẻ
Chúng ta vui vẻ
Đến lớp học hành
Cùng chị cùng anh
Tiến lên phía trước
Ta đi đều bước
Một hai, một hai…
CON ĐƯỜNG NHỎ
Yêu sao con đường nhỏ
Nguồn của mọi con đường.
Hãy giữ cho đường đó
Không bao giờ rác vương
I.
Một ngôi nhà tranh có mảnh sân nhỏ. Trước nhà là một hàng xoan mới lớn, cành mảnh dẻ, lá thưa thoáng. Liền đó là bờ giậu có dây bìm bìm leo. Bên trái nhà, ở góc vườn có một túp lều nhỏ khẳng khiu mấy cọc tre.
Chú gà trống tía đang rún mình lựa sức rồi nhảy phóc lên bờ giậu. Mất đà, chú chúi đầu về phía trước, cánh đập đập lấy lại thăng bằng rồi cất tiếng gáy: “ Ò… ó… o… o…”. Tiếng gáy to, dõng dạc. Trời sáng dần.
Từ các ngõ, rầm rập tiếng chân người, tiếng chân trâu bò. Đầu và lưng bò nhấp nhô sau bờ giậu. Hai ba chú bé nghễu nghện trên lưng bò, cành tre cầm trên tay rung rinh lướt qua.
Trong túp lều nhỏ kia có một ụ rơm rối im lìm. Gà trống cất tiếng gáy, đôi mắt hấp háy tinh nghịch vẫn không rời ụ rơm. Hình như chú cố ý gáy chỉ riêng cho ai đó núp sau cụm rơm nghe. Ụ rơm vẫn im lìm.
Gà trống gáy ba hồi nữa. Ụ rơm khẽ động đậy, rồi đầu một chú bê khoang ló ra, đôi mắt còn ngái ngủ, ngơ ngác. Bị chói mắt, đầu bê rụt lại, rúc sâu vào ụ rơm. Ụ rơm lại im lìm.
Ông lão từ trong vườn đi ra, mặc áo quần nâu đã cũ, râu tóc bạc xoá. Một tay chống mạng sườn, một tay ông vịn vào cột tre, hiền hậu nhìn ụ rơm. Giọng ông trầm đục, nói khẽ nhưng vang:
- Dậy đi, Bê ơi! Dậy đi chứ, muộn rồi!
Gà trống gáy dồn dập. Bê chồm lên, rơm vàng tung toé. Chú lồng chạy, ngã dúi dụi vào bờ giậu, vào mấy cây chuối, cây đu đủ non ven đường. Mồm Bê vẫn nhồm nhoàm một túm rơm. Bê chạy, rơm vương đầy đường. Ông lão nhìn theo Bê, lắc lắc đầu, vẻ mặt không vui. Con đường nhỏ vắng vẻ, bờ giậu hai bên xiêu vẹo, cây chuối non đổ, rơm rải cùng đường.
Mưa xuống. Những chân người, chân trâu bò đi lại. Bùn nhão, lép nhép. Một bàn chân vừa nhấc lên, một đàn muỗi nhỏ vờn bay lên rồi lại lượn vòng bâu lại.
II.
Trên cánh đồng cỏ non đẫm sương, một đàn bò đang nhẩn nha ăn. Một chú bé áo gụ bạc, tay cầm cành tre nhỏ phơ phất chùm lá non. Chú bé chạy lại bên đàn bò. Đàn bò thấy chú thì mừng cuống, chen lấn nhau đến gần, miệng vẫn bỏm bẻm nhai, những lá cỏ ướt còn dính trên mõm đen loáng nước.
Chú bé xốc lại quần, đưa cánh tay quệt ngang mặt nói:
- Nào, nào, khoan đã nào! Hôm nay chúng ta sẽ đi thăm nông trường chăn nuôi bên kia núi Voi. Ở đó, các anh chị bò bê của chúng ta sống rất vui vẻ. Ở đó, có những cánh đồng cỏ được gieo trồng tươi tốt, toàn những giống cỏ ngọt mềm và thơm nức.
Đàn bò bê hớn hở nghe chú bé nói.
Chợt Bê khoang lao đến. Chú lách vào giữa bầy. Khắp mình Bê khoang lấm bùn. Chú lách đến đâu, những bê bò khác tránh ra đến đấy. Chú bé nhìn Bê khoang, nhấp nháy mắt tinh nghịch:
- Vì hôm nay là một ngày vui nên chúng ta phải thật sạch sẽ.Chỉ những ai sạch sẽ, khoẻ mạnh mới được đi xa!
Những đôi mắt to đen lấp lánh chờ đợi.
Chú bé xốc lại quần, chạy từ đầu này sang đầu kia. Chú nhanh nhẹn cúi xuống, vừa đập tay vào chân trước từng con bò vừa vui vẻ hát, thong thả, giọng ê a:
Xỉa cá mè
Đè cá chép
Chân ai đẹp
Được đi xa
Phải ở nhà
Ai chân xấu!
Những chân bò tranh nhau giơ ra phía trước. Những chân sạch sẽ, lông mượt, chỉ dính vài ngọn cỏ nát ở kẽ móng. Cũng có một hai đôi chân rụt lại, chúi sâu vào phía trong. Đó là những chú bò gầy, chân lấm bùn. Chú bé vẫn nhẩn nha hát. Đột nhiên chú dừng lại, ngạc nhiên nhìn lên. Chân Bê khoang bê bết bùn. Bùn bắn lên cẳng chân, lên đùi, lên bụng. Tay chú bé đập đập vào chân Bê, vẻ không vui. Chú hát tiếp: “Phải ở nhà, Ai chân xấu!”. Tiếng cuối cùng chú hát giật giọng, nghe đanh, dứt khoát.
Cả đàn bò lồng chạy, trừ Bê khoang và vài ba con bò gầy lấm bùn. Những chú bê nhỏ bé chúi đầu về phía trước, đuôi cong vồng lên, văng mình đi. Những cô bò to lớn vừa chạy vừa quay lại gọi con. Chú bé chạy, chiếc mê nón căng phồng. Cành tre non cầm trên tay uốn cong như bông lau.
Bê khoang lững thững trở về. Những bước đi xiêu vẹo, chậm chạp. Con đường nhỏ trước ngõ ngập ngụa bùn. Tiếng chân Bê bước lép nhép. Bê về túp lều, nặng nề ngã phịch xuống đống rơm rối. Mẹ con đàn gà đang bới rơm tan tác gọi nhau.
III.
Bê khoang nằm trong lùm rơm, đôi mắt to ươn ướt. Hình như Bê vừa mới khóc. Me con đàn gà “túc tục… túc tục…” ăn quanh đó. Một chú gà con bắt được con giun, quắp ngang mỏ. Giun vùng vẫy, ngùng ngoằng. Gà con cuống quýt chạy quanh sân, không biết chú ta mừng hay sợ. Cả đàn gà con nháo nhác, xôn xao. Gà mẹ nhớn nhác “cục tác… cục tác...” ầm ĩ. Riêng Bê khoang vẫn lãnh đạm, uể oải nhìn.
Ông lão mủm mỉm cười, nhìn đàn gà. Tay ông cầm con dao rựa và một nắm lạt đang chẻ dở. Ông đến ngồi cạnh Bê khoang, chẻ tiếp. Đột nhiên ông dừng lại, nhè nhẹ xoa đầu Bê bằng bàn tay to, thô ráp. Tiếng ông khàn khàn, âu yếm:
- Sao thế, Bê con? Bê ốm hử? Ông nấu cháo gạo nếp cho Bê ăn nhá! Cháo gạo nếp vừa sánh, vừa thơm…
Bê lắc lắc đầu, chúi sâu vào đống rơm, đôi mắt buồn rười rượi. Những giọt nước mắt to, trong, từ từ chảy lặng lẽ.
Gà trống tía nghênh nghênh đầu nhìn Bê rồi lại nhìn ông. Nó nhanh nhảu trả lời thay:
- Chú ấy buồn vì không được đi chơi xa đấy ông ạ. Mấy lần trước đã không được đi chơi rồi. Nghe nói sắp tới lại đến đồng cỏ Hoa vàng. Ở đó có thứ cỏ mật ngọt lịm và thơm hàng mấy ngày không hết mùi thơm…
Ông gật gù, cười rung chòm râu, nói chậm rãi:
- Ừ, đồng cỏ Hoa vàng thì thích thật, đã có lần ông xuống đấy rồi. Đồng cỏ rộng lắm các cháu ạ, nhìn hút tầm mắt, cỏ non xanh rờn. Ở đó có loài cỏ hoa vàng rất quý. Đâu đâu cũng thấy hoa vàng. Hoa vàng rải rác như bướm bay…
Cặp mắt ông xa xôi, rồi ông rủ rỉ hỏi Bê khoang:
- Thế vì sao Bê không được đi chơi xa?
Bê nức nở:
- Vì… vì…
Gà trống tía tranh lời:
- Vì chân chú ấy bẩn ông ạ. “Phải ở nhà, Ai chân xấu” mà!
- Thế sao chân Bê xấu?
Bê vùng vằng, giọng đầy nước mắt:
- Tại vì con đường! Con đường đáng ghét kia kìa! Nó làm cháu bẩn chân!
Bê lại tấm tức khóc. Ông lão cười. Tiếng cười trầm, ấm áp và độ lượng. Ông xoa nhẹ đầu Bê nói nhỏ, gần như thủ thỉ:
- Thế ông hỏi Bê nhá! Vì sao con đường kia bẩn nào? Có phải vì Bê không yêu nó. Bê húc rào đổ, Bê làm vương rơm ra đó không?
Bê thút thít khóc, dụi đầu vào đống rơm. Những cọng rơm vàng sáng phủ lên đầu Bê. Ông gạt những cọng rơm ra, vỗ nhẹ lên mình Bê.
- Chốc nữa, ông cháu ta dọn con đường trước ngõ cho sạch, Bê nhá! Dù có đi đông, đi tây, đi đến tận cùng trời cuối đất đi chăng nữa, bao giờ cũng phải bắt đầu từ con đường nhỏ trước ngõ nhà mình, cháu ạ.Vì thế, ta phải giữ con đường cho sạch.
IV.
Chú gà trống vừa nhảy lên bờ giậu, đang vỗ cánh chưa kịp gáy thì Bê khoang đã cong người, chống hai chân trước nhỏm dậy.
Tiếng “ò… ó… o…” lảnh lói. Những tiếng gáy gần, gáy xa. Khắp thôn xóm rậm rịch tiếng chân người, tiếng bò bê ậm ò gọi nhau.
Bê cong đuôi chồm chân, rún mình nhảy vòng quanh đống rơm mấy vòng, khe khẽ kêu lên những tiếng nũng nịu rồi bước những bước khoan thai trên con đường nhỏ rải đầy sỏi. Những chùm hoa tím và xanh nhạt trên giậu rập rình đung đưa. Bê nhập vào đàn bò bê đang nhấp nhô sau bờ giậu.
Trò chơi “xỉa cá mè” lại bắt đầu. Bê đứng trong hàng, vẻ cảm động và hơi e thẹn. Những đôi mắt bò hiền hậu trìu mến nhìn Bê. Gió mơn man những túm lông trắng nõn và vàng thắm của Bê. Chân Bê run run chờ đợi. Hôm nay sẽ đi thăm cánh đồng cỏ Hoa vàng.
Chú bé thong thả hát đến câu: “Chân ai đẹp, Được đi xa!” thì vừa đúng lúc vỗ vào chân Bê giơ ra. Nhìn chân Bê sạch sẽ, chú ngửng lên nhoẻn cười.
Cả đàn bò bê lồng chạy trên đồng cỏ. Chú bé chạy, cành tre giơ cao, gió uốn cong như bông lau. Bê khoang chạy bên cạnh hớn hở, chân lắm lúc như ríu lại, chiếc mõm đen xinh xinh ướt át còn dính cỏ.
V.
Những bò vàng, bò đen, bò nâu san sát bên nhau, đầu con nọ ghếch lên lưng con kia, nhấp nhô sau bờ giậu. Ra khỏi ngõ, chúng chia làm nhiều tốp, mỗi tốp dăm bẩy con đi về các ngả. Những con đường tua tủa tỏa ra nhiều phía nhỏ dần.
Con đường nhỏ rải sỏi sạch bong đậm nhạt những bóng cây xoan, cây đu đủ, cây chuối, cây tre lá non lưa thưa đang uốn câu. Bê khoang bước từng bước khoan thai, thận trọng. Lưng chú thấp thoáng bóng lá. Thấy Bê sắp được đi xa, những chùm hoa, những chùm lá cũng như muốn gửi bóng mình cùng đi xa với chú. Cỏ cây đung đưa như mời mọc, như chào đón. Những cành la vươn tới khẽ chạm vào lưng Bê trìu mến. Những cành bổng thì cố lả xuống nhưng Bê thấp quá nên không tới, chỉ còn cách là gửi bóng mát của mình xuống ôm trùm lấy Bê.
Sau bờ giậu, thấp thoáng nhiều lưng bò. Tiếng bò mẹ ậm ò gọi con. Tiếng bê con nũng nịu đáp lại.
Tiếng nhiều em bé gái chừng sáu, bảy tuổi cùng hát thong thả, hơi ê a một cách rất dễ thương:
Yêu sao con đường nhỏ
Nguồn của mọi con đường
Hãy giữ cho đường đó
Không bao giờ rác vương…
BÉ RƠM (1)
Cô bé tung tăng trên đường, vừa nhảy chân sáo vừa hát. Đường trải đầy rơm vàng. Một cô bé khác đang đi tới, bế trên tay một cô búp bê tóc đen. Cô bé đầu tiên nhìn búp bê thèm thuồng. Cô bé kia đi xa rồi, cô còn tần ngần nhìn theo mãi.
Chợt mặt cô bé vui hẳn lên. Cô cúi xuống nhặt những sợi rơm thoăn thoắt.
Cô xếp những sợi rơm lại, bẻ gập rồi vuốt thành một trái mướp thon dài. Cô lấy chiếc khăn tay màu xanh nước biển bọc lại, chỉ để hở một đoạn đầu. Thế là cô đã có một em búp bê- cô bé Rơm dễ thương. Cô bé ôm bé Rơm vào lòng, lắc lư người, rung rinh vỗ nựng và khe khẽ hát. Lời cô hát đầy tình cảm.
Có chú bé đi ngang qua, thấy cô bé ôm bó rơm trên tay mà ru một cách rất thật lòng, chú mỉm cười. Lại gần, chú hỏi:
- Thế chân tay của bé Rơm đâu?
Cô bé như sực tỉnh, giở chiếc khăn. Ừ nhỉ, bé Rơm mới chỉ có đầu mà không có chân tay. Chú bé liền rút trong túi ra một dải băng kim tuyến. Cả hai loay hoay lấy dải băng cuốn vòng quanh bó rơm, thắt từng khúc cho bó rơm có hình thù một con người thực thụ.
Thấy hai cô bé, cậu bé vừa lúi húi thắt thắt buộc buộc, vừa cười rúc rích, một chú bé đeo cặp sách đi ngang qua, đến gần xem. Thấy bé Rơm hay hay, chú bảo:
- Còn thiếu mắt, mũi, mồm, phải thêm vào chứ?
Không đợi hai bạn trả lời, chú mở cặp lấy ra một chiếc bút dạ to. Chú bé ngoẹo đầu ngoẹo cổ, dùng hết tài hoa vẽ cho bé Rơm một đôi mắt tròn xoe, cái miệng cười mủm mỉm và chiếc mũi hếch rất ngộ nghĩnh.
Cô bé quấn chiếc khăn mùi soa quanh mình bé Rơm rồi giơ lên. Cả ba cùng nghiêng ngó, gật gù vẻ hài lòng.
Cô bé bế búp bê ban nãy quay lại, thấy bé Rơm chưa có áo, liền cởi áo ngoài của búp bê mặc cho bé Rơm.
Một cô bé khác cũng chạy tới, lấy chiếc khăn đỏ nhỏ xíu trùm lên đầu bé Rơm.
Chú bé đứng bên cạnh cũng lập tức bứt một trái vải trong chùm quả trên tay. Khéo léo bóc vỏ thành hai nửa đều đặn, chú khép hai mảnh vỏ vào chân bé Rơm. Tất cả cùng cười phá lên vui vẻ vì không ngờ bé Rơm lại có đôi giày da sần đẹp đến thế! Bé Rơm bỗng trở nên một cô bé xinh xắn: khăn đỏ, áo vàng, váy xanh, giày da sần và vẻ mặt tươi vui hóm hỉnh.
Giữa tiếng cười vui của bạn bè, cô bé đầu tiên đặt bé Rơm xuống đất. Cô cúi xuống, đưa hai tay nắm lấy tay bé Rơm dắt đi, giống như chị gái dìu đứa em tập đi bước một.
Bạn bè xúm quanh cười nói rộn rã. Tất cả cùng lom khom cho ngang tầm bé Rơm, vừa cười, vừa dõi theo từng bước đi chập chững của bé Rơm đang được cô bé dìu đi.
Cô bé càng lúc càng đi nhanh, bé Rơm cũng càng lúc càng bước những bước dài vững chắc. Các cậu bé, cô bé cũng càng lúc càng hớn hở chạy theo bé Rơm cười nói rôm rả.
Và lạ chưa! Bé Rơm bỗng thoát khỏi tay cô bé, tự mình xoải chân bước đi. Ban đầu bé còn bước chuệnh choạng, sau vững dần. Hai tay cô bé dang ra, miệng cười rạng rỡ, đôi mắt long lanh sinh động. Bé bước mỗi lúc một nhanh.
Bọn trẻ hò reo vang trời. Chúng chạy đuổi theo bé Rơm, chỉ trỏ, cười nói ríu rít. Bé Rơm càng chạy nhanh, bọn chúng càng vui sướng hò la.
Phố xá nhộn nhịp hẳn lên. Mọi người cùng túa ra đường trông theo đám trẻ mỗi lúc một đông đảo, một huyên náo. Ai nấy đều trầm trồ ngạc nhiên vì hiện tượng lạ lùng lần đầu tiên được thấy.
Đằng kia, bé Rơm vẫn vừa chạy vừa nhìn xung quanh với nụ cười tươi rói. Thỉnh thoảng bé quay lại ngoắc ngoắc bàn tay bé xíu gọi bạn bè. Bọn trẻ thấy thế càng thích thú, đua nhau đuổi theo.
Có một chú bé mặc chiếc áo màu xám vừa nhập bọn, quay sang hỏi:
- Cô bé Rơm ấy của ai mà xinh thế?
Mấy cậu bé, cô bé ban đầu hớn hở:
- Của chúng tớ đấy! Của chúng tớ đấy!
- Của chung mấy cậu à?
- Ừ, của chung!
- Nhưng ai nghĩ ra đầu tiên chứ?
- Tớ, tớ nghĩ ra đầu tiên!
- Đâu phải! Tớ mới là người nghĩ ra đầu tiên!
Đang chạy, mấy cậu bé, cô bé bỗng dừng cả lại. Mặt ai cũng bừng bừng giận dữ. Chú có dải băng kim tuyến gân cổ:
- Không có dải băng của tớ, có mà làm được khối!
- Tớ mà không nghĩ ra, làm gì có bé Rơm!
- Chiếc áo len vàng của tớ làm cho bé Rơm nổi hẳn!
- Chiếc khăn choàng của tớ nổi hơn!
- Đôi giày da sần của tớ mới quan trọng! Không có nó, làm sao mà chạy nhanh thế được!
- Không nhờ tớ vẽ cho, đừng hòng ra vẻ con người!
Ban đầu còn đấu khẩu, sau căng quá, không ai chịu ai, liền xông vào giằng giật, co kéo. Loang loáng những vẻ mặt cau có. Loạn xạ những lời nói thô lỗ.
Trong khi đó, phía xa kia, cô bé Rơm vẫn đang vui vẻ đùa giỡn. Cô ngó bên này, nhìn bên kia, mỉm cười hớn hở với tất cả mọi người. Càng ngày cô càng sinh động, lộng lẫy hẳn lên. Các cậu bé, cô bé xúm quanh cô, công kênh cô lên thật cao. Cô gật đầu chào mọi người giữa tiếng reo vui náo nức của các bạn trẻ.
Mặt bé Rơm bỗng nhăn lại. Cô rướn người lên nhìn về phía mấy bạn nhỏ đang cãi vã nhau. Thấy vậy, tất cả cùng hướng về phía ấy, vẻ mặt đầy lo lắng.
Đám đông bỗng xôn xao hẳn lên vì mấy bạn nhỏ kia đang hùng hổ lao đến. Vẻ mặt ai cũng bừng bừng phẫn nộ, vừa chạy, vừa chìa những đôi tay lem luốc về phía bé Rơm:
- Trả tớ chiếc khăn quàng!
- Trả tớ chiếc áo len!
- Trả tớ sợi dây kim tuyến!
- Trả tớ đôi giày da sần!
Đám đông đang công kênh bé Rơm xôn xao, xô đẩy nhau. Tất cả đều ken xít lại, vây chặt lấy bé Rơm, bảo vệ bé. Mấy cậu bé, cô bé kia vẫn sấn sổ la hét.
Bé Rơm nhìn lũ trẻ ích kỷ, lắc đầu. Bé bỗng lớn bổng lên, đẹp rực rỡ chưa bao giờ từng thấy. Giống như một ngọn lửa bùng lên một lần cuối trước khi lụi tắt hẳn. Mọi người cùng reo lên trầm trồ trước vẻ đẹp kỳ lạ của bé Rơm.
Những tiếng reo vui ấy bỗng xẹp xuống thành một tiếng thở dài. Bé Rơm gật gật đầu, quay bốn phía từ biệt mọi người rồi bắt đầu cởi bỏ dần những vật trang sức trên mình bé, trả lại mấy cậu bé cô bé kia.
Bé tung chiếc khăn về phía cô bé cho mượn khăn.
Bé tung chiếc áo len vàng.
Bé tung chiếc khăn tay màu xanh nước biển.
Bé tung đôi giày da sần.
Bé từ tốn cởi bỏ sợi dây kim tuyến.
Bé làm mọi việc trên một cách bình thản, từ tốn giữa những tiếng xuýt xoa tiếc nuối của đám đông đang buồn bã nhìn bé.
Đám trẻ, sau phút sửng sốt ngỡ ngàng, bắt đầu xôn xao, càng lúc càng xôn xao.
Cô bé Rơm xinh xắn cứ mất dần vẻ đẹp, mỗi lúc một sơ sài. Cuối cùng, chỉ còn lại một nắm rơm khô xác, không thể nào còn nhận ra đã có lúc nắm rơm đó có hình hài một cô bé duyên dáng.
Khi sợi kim tuyến tở ra hết, một trận gió bỗng nổi lên, thổi tung nắm rơm. Những sợi rơm bay tản mát, mỗi lúc một xơ xác.
Lũ trẻ, trong đó nổi lên những cậu bé cô bé ban đầu, ngơ ngác ngước nhìn theo những đốm vàng cứ mỗi lúc một nhỏ dần, cuối cùng tan lẫn vào nền trời xanh thẳm cao vời. Chúng cứ đăm đăm nhìn vào khoảng không trống rỗng rồi lại quay nhìn nhau ngơ ngẩn. Những vẻ mặt buồn thiu, ân hận vì đã để bay mất niềm hạnh phúc lớn lao không dễ gì có được…
TIẾNG MÙA XUÂN
Cánh rừng mùa đông trơ trụi. Những thân cây khẳng khiu vươn nhánh cành khô xác lên nền trời xám xịt. Dưới gốc, lá mục rụng đầy. Vài ba chú Nhím dò dẫm bò đi kiếm mồi. Trong hốc cây, mấy gia đình nhà chim Họa Mi, Gõ Kiến, Mai Hoa ẩn náu. Con nào con nấy gầy xơ xác, ló đầu ra nhìn trời bằng những cặp mắt ngơ ngác buồn. Bác Gấu Đen nằm co quắp trong hang. Hồi cuối thu, bác ta béo núng nính, lông mượt, da căng tròn như một trái sim chín, vậy mà bây giờ teo tóp, lông lởm chởm trông thật tội nghiệp.
Gió lạnh vẫn ù ù thổi, dứt nốt những chiếc lá héo úa cuối cùng còn sót lại trên cành. Mọi vật im lìm, không có một tiếng động gì khác ngoài tiếng gió rít và tiếng lá khô xao xác.
Chợt có tiếng chim kêu rộn rã. Từ xa, một bóng chim đang xoải cánh bay tới. Đó là cô Chim Khách. Cô lượn một vòng trên cánh rừng, cánh chấp chới, miệng rối rít:
- Có khách! Có khách! Bà con ơi, có khách!
Họ hàng Họa Mi, Gõ Kiến, Mai Hoa xô nhau ra chen chúc trước cửa tổ, nháo nhác nhìn cô Chim Khách. Mấy chú Nhím ngừng dũi đất, ngẩng lên nghe ngóng. Bác Gấu Đen thò đầu ra cửa hang, ngáp dài. Những bác Nai, cô Hươu Sao, chú Thỏ Xám… đều dõi theo bóng Chim Khách chờ đợi.
Cô Chim Khách thu hẹp vòng bay, đậu trên cây chò nâu, nơi đầu cành trơ trụi. Tiếng cô vẫn rối rít đầy phấn khích:
- Có khách! Có khách! Có khách quý sắp đến khu rừng chúng ta!
- Khách là ai thế? - Bầy Họa Mi, Gõ Kiến, Mai Hoa nôn nóng hỏi dồn.
- Có khách! Có khách quý! - Cô Chim Khách vẫn chưa chịu nói ra ngay điều bí mật cuối cùng.
- Biết có khách rồi! Nhưng là ai? Cứ úp úp mở mở, sốt cả ruột! - Bác Gấu Đen đã bắt đầu bực mình.
Thấy vậy cô Chim Khách thôi không dám kéo dài phút chờ đợi của mọi người nữa. Cô nói như reo lên:
- Mùa Xuân! Mùa Xuân đã về! Cô Mùa Xuân đang trên đường đi tới đây!
Tất cả cùng ùa ra vây quanh gốc cây chò nâu, nơi Chim Khách đang đậu. Nhiều tiếng tranh nhau hỏi:
- Có thật không? Có thật Mùa Xuân đang tới không?
- Không nói sai chứ, Chim Khách?
- Mùa Xuân đang về tới đâu rồi?
- Về gần đây lắm rồi!
Chim Khách bay lên. Đàn Họa Mi, Mai Hoa, Gõ Kiến, Chèo Bẻo, Ác Là cùng bay lên, hót ríu ran. Chúng đậu trên đỉnh ngọn cây chò nâu, ngó nghiêng quan sát. Tiếng chúng reo lên lảnh lót:
- Đúng rồi! Đúng là Mùa Xuân đang về rồi! Cô ấy đang ở bên kia sông, trên cánh đồng dưới chân dãy núi xanh!
Tiếng hò reo vang lên. Ai cũng vui sướng khi được tin Mùa Xuân về. Cả khu rừng như sống lại. Hươu, Nai chạy nhảy tứ tung, những cặp vó như bay lên. Những bác Gấu nặng nề chui ra khỏi hang, vươn vai, ngáp dài ngáp ngắn ầm ĩ.
Bác Gấu Đen vung tay, vặn mình, nói với bác gái giọng ồm ồm:
- Thảo nào, đêm qua tôi cứ trằn trọc mãi, mình mẩy đau nhừ khắp cả. Thời tiết thay đổi có khác!
Bác gái cười khục khục, lườm yêu chồng:
- Trằn trọc gì mà đêm qua thằng Sói đến phá cửa, tôi gọi năm lần bảy lượt vẫn thấy ông ngáy pho pho, có nhúc nhích tí nào đâu!
Bác Gấu Đen cười phá lên, không cãi lại nửa lời. Mùa Xuân về rồi, mùa mật ong sắp tới rồi, cãi vã nhau mà làm gì!
Chú Họa Mi bé nhất trong bầy chợt tách đám đông, lao vút đi. Mẹ chú kêu thảng thốt:
- Đi đâu thế, Út?
- Con đi có việc, một chút về ngay thôi!
- Không đi đâu cả, Út!
- Con về ngay mà!
- Trời ơi! Con với cái! Giờ này còn đi đâu nữa!
Bầy chim trên cao vẫn tiếp tục theo dõi những bước đi của cô Mùa Xuân để tường thuật lại cho mọi người cùng biết:
- Đó! Đó! Cô ấy đã đến bên bờ sông rồi đó!
- Cỏ bên sông đang xanh lại!
- Hoa trên cánh đồng đang ào ạt nở!
- Đẹp quá! Đẹp quá! Cả đất trời đều hồng rực lên sắc hoa đào, hoa tường vi…
Cô Mùa Xuân xinh tươi đang lướt nhẹ trên cánh đồng. Đó là một cô gái dịu dàng, tươi tắn, ăn mặc giống y như cô Tấm trong đêm hội thử hài thuở nào. Cô mặc yếm thắm, một bộ áo mớ ba màu hoàng yến, màu quan lục, màu hoa đào, chiếc quần màu nhiễu điều, thắt lưng màu hoa hiên, khăn nhiễu tam giang. Tay cô ngoắc một chiếc lẵng đầy màu sắc rực rỡ. Cô lướt đi trên cánh đồng, người nhẹ bỗng nghiêng nghiêng về phía trước. Vừa lướt bay, cô vừa rắc nhẹ những nắm màu sắc lấy trong lẵng ra. Cả không gian rực rỡ lên vì triệu triệu đốm màu lơ lửng bay. Những bụi phấn màu ấy bay đến đâu, bầu trời sáng ra đến đấy, xua tan những đám mây xám xịt, xua tan cả cái giá rét của mùa đông cằn cỗi. Bụi phấn rơi xuống đất, lập tức mặt đất bừng bừng sức sống. Những hạt phấn đỏ biến thành những bông hoa hồng, hoa dâm bụt, hoa giấy đỏ thắm. Những hạt phấn vàng biến thành hoa mai, hoa cúc vàng tươi. Những hạt phấn hồng biến thành hoa đào, hoa tường vi. Những hạt phấn xanh biến thành cỏ non, lá non… Trong phút chốc, mặt đất chan hòa màu sắc, thấm đẫm hương thơm.
Cô Mùa Xuân về tới cửa rừng. Tất cả muôn loài đều ùa đến vây quanh cô, chờ cô ban phát phép mầu. Cô Mùa Xuân tươi cười nhìn những người bạn của rừng. Giọng cô vui vẻ:
- Chào các em! Các em có khỏe không? Có vui không?
Tất cả cùng nhao nhao:
- Chào cô! Chào cô Mùa Xuân!
- Chúng em mong cô mỏi cả mắt, bây giờ cô mới đến!
- Sao cô đi lâu thế hở cô?
- Suốt cả mùa đông lạnh giá, chúng em đói, chúng em rét, chúng em mong chờ cô…
Cô Mùa Xuân nhìn bao quát khắp lượt. Giọng cô run run cảm động:
- Quả thật là mùa đông khắc nghiệt quá! Cây cối trơ trụi, muôn loài đều gầy trông thật tội nghiệp. Nhưng thôi, hãy vui lên nào, các em!
Cô vốc từng nắm phấn màu vung lên cao. Bầu trời hồng lên, lấp lánh những màu kỳ diệu. Những hạt phấn màu ấy rơi xuống, phủ lên muôn vật. Lập tức rừng rào rào nảy lộc, lá non xanh mướt run rẩy vẫy gió, suối tung bọt trắng xóa, cỏ cựa mình sột soạt, hoa đào, hoa mai, hoa tường vi, hoa tầm xuân, hoa mận, hoa lê… đua nhau nở, phô sắc phô hương rực rỡ ngào ngạt cả đất trời. Những con vật cũng reo hò vui sướng tắm trong trận mưa màu sắc. Những bộ lông vốn màu gì, nay lại được những hạt của chính màu sắc ấy đậu vào, tô điểm lại cho tươi tắn hơn, lộng lẫy hơn. Trong phút chốc cả khu rừng hoàn toàn biến đổi. Tất cả đều được khoác những bộ quần áo mới, quà tặng của Mùa Xuân.
Cô Mùa Xuân vẫn vui vẻ tung lên những hạt vàng hạt bạc. Các loài vật sống rải rác khắp rừng vẫn đua nhau tìm đến cô, xin cô ban cho niềm vui. Đâu đâu cũng loang loáng những bóng hươu, nai, thỏ, hoẵng… xoải chân chạy gấp. Vừa chạy, họ vừa kêu lên những tiếng mừng rỡ.
Nhưng kìa! Xa tít nơi cuối rừng có tiếng ai đang thút thít. Tiếng khóc ấm ức, đứt đoạn bị chìm lấp trong tiếng chạy, tiếng reo hò. Tiếng ai thế nhỉ?
Thì ra là một chú Ốc Sên đang lặng lẽ bước trên đường. Bên cạnh chú, Họa Mi Út đang bối rối tìm đủ mọi cách an ủi người bạn chậm chạp của mình. Thấy muôn loài đua nhau tìm đến cô Mùa Xuân. Ốc Sên cũng khăn gói lên đường. Bò đã chậm, Ốc Sên lại luôn luôn phải canh chừng, né tránh, sợ những loài vật khác dẫm phải. Ai cũng hối hả chạy, không ngờ có Ốc Sên lẽo đẽo lẫn trong cỏ. Càng thấy mọi người chạy nhanh, Ốc Sên càng sốt ruột. Biết đến bao giờ mới gặp được cô Mùa Xuân? Vừa chậm chạp trườn mình, Ốc Sên vừa khóc tấm tức. May sao Họa Mi cũng vừa tới. Ban nãy Họa Mi rời đám đông để đi gọi Ốc Sên. Hai đứa thân nhau từ lâu, vào dịp Họa Mi đi kiếm mồi, gặp Ốc Sên bên bờ suối lởm chởm đá. Có việc gì Họa Mi cũng nhớ tới Ốc Sên. Biết Ốc Sên chậm chạp, Họa Mi đến giúp bạn kịp gặp cô Mùa Xuân. Họa Mi dìu Ốc Sên từng chặng, từng chặng ngắn một. Thật là vất vả, vì cả hai đứa cứ ngã lên ngã xuống hoài. Ốc Sên tuy bé tý, nhưng Họa Mi cũng có to gì cho cam! Ốc Sên mếu máo:
- Thôi, cứ mặc mình, cậu đi trước đi!
- Sao lại thế được? Sao mình nỡ bỏ cậu giữa đường được?
- Nhưng muộn mất rồi còn gì?
- Dù muộn, mình cũng dứt khoát không bỏ cậu giữa đường. Thôi này, trèo lên đi!
Hai người bạn bé nhỏ lại dìu nhau đi. Họa Mi cõng bạn bay xập xòe trên cỏ. Chú bé gắng hết sức, nhưng cũng chỉ được một đoạn lại nghỉ. Ban đầu chú còn hạ cánh một cách chủ động, từ từ. Càng về sau, sức càng đuối, vừa bay lên cả hai đã lại chúi đầu vào bụi rậm. Đường đã vắng hoe. Nhìn trước nhìn sau không còn ai. Chỉ nghe tiếng hò reo mãi xa.
Họa Mi lại vùng dậy. Lại chấp chới đôi cánh bé tý xíu. Lại ngã lên ngã xuống. Lại xập xè chới với trên những bụi gai rậm…
Khi hai chú bé tới được bìa rừng thì tiếng hò reo vẫn đang náo nhiệt, mọi người vẫn đang vây quanh cô Mùa Xuân, tưng bừng nhảy múa.
Họa Mi mẹ suốt buổi bồn chồn chờ đợi con nên trông thấy hai đứa trước tiên. Tiếng mẹ vỡ ra:
- Út! Út! Trời ơi! Thằng Út! Đi đâu mà mãi giờ này mới tới? Lại cả Ốc Sên nữa này?
Ốc Sên òa khóc. Mọi người chạy đến vây quanh hai bạn nhỏ. Không cần hỏi thêm, tất cả đều biết lý do vì sao Ốc Sên đến muộn. Lúc này mọi người mới ân hận vì mải vui mà quên bẵng mất người bạn bé nhỏ, chậm chạp của mình. Nhưng còn Họa Mi Út? Đi đâu mà mãi bây giờ mới thấy mặt? Trước những cặp mắt dò hỏi của mọi người, Họa Mi Út vẫn lặng yên không nói. Chú cứ run lên vì thấy ai cũng nhìn mình bằng đôi mắt không hài lòng. Giọng bác Gấu Đen nghiêm khắc:
- Chắc lại rong chơi đâu đó, phải không Họa Mi Út?
- Không phải vậy đâu! - Ốc Sên bật lên thành tiếng.- Tại cháu cả thôi! Bạn Họa Mi rất tốt. Bạn ấy đã đến gọi cháu và dìu cháu đi suốt dọc đường.
Mọi người cùng đổ dồn nhìn về phía Họa Mi Út, xúc động. Chú bé vẫn đang đứng nép bên Họa Mi mẹ, mở to đôi mắt trong veo nhìn mọi người, vẻ vẫn chưa hết sợ sệt.
Cô Mùa Xuân nhìn vào chiếc lẵng của mình. Hết tất cả màu sắc mất rồi. Cánh rừng heo hút này là chặng cuối chuyến đi dài của cô. Cô vỗ vỗ chiếc lẵng. Một ít phấn màu cuối cùng còn sót lại dưới đáy. Cô lắc đầu:
- Còn chút xíu thế này, biết làm sao bây giờ?
- Cô cứ rắc cho mỗi đứa vài hạt lấy thơm thảo cô ạ! - Nhiều tiếng cùng reo lên.
- Thôi, cô rắc cho Ốc Sên đi! Ngôi nhà của bạn ấy cũ quá rồi, lại xây sát vì ngã lên ngã xuống!- Họa Mi Út bạo dạn hẳn lên, nói nhanh như sợ ai nói tranh mất.
- Họa Mi nhường cho bạn vậy nhé. Cô sẽ lo cho em sau.
Cô Mùa Xuân cúi xuống, rắc nhẹ những hạt phấn màu cuối cùng lên nhà của Ốc Sên. Lập tức Ốc Sên đẹp hẳn ra. Ngôi nhà xoáy trôn ốc lóng lánh những hạt màu nâu, màu đen, màu đỏ, màu vàng…
Tiếng hò reo lại rộ lên. Họa Mi mừng rỡ hót ríu ran, bay vút lên, chú lượn vòng trên đám đông, cánh vẫy vẫy nhịp nhàng, miệng không ngừng hót. Tiếng hót của Họa Mi lúc ấy chưa được hay như bây giờ, chỉ “chíp chiu… chíp chiu…” nhưng chú vẫn nhiệt tình hót với tất cả tấm lòng mình. Chú vừa nhìn Ốc Sên vừa hót. Rồi chú nhìn rộng ra chung quanh, bao quát cả đám đông, cả khu rừng bao la. Tiếng chú hót càng lúc càng xúc động.
Nghe tiếng Họa Mi Út ngân vang, cô Mùa Xuân vui lắm nhưng cô không khỏi nghĩ ngợi. Cô vẫn chưa thôi day dứt vì đã không có chút quà gì cho Họa Mi. Cô nói với Họa Mi Út, giọng thoáng buồn:
- Có gì mà em vui thế, Họa Mi Út? Cô đã quên không dành quà cho em, tấm áo em mặc vẫn là tấm áo cũ kỹ…
Giọng Họa Mi Út lảnh lót vọng xuống:
- Cô đừng nghĩ ngợi gì về chuyện đó cô ạ. Như thế này em cũng đã thấy vui lắm rồi. Đâu cứ phải được tấm áo mới em mới vui?
- Vậy có điều gì làm cho em vui đến thế?
- Cô ơi, cô không thấy sao?- Họa Mi Út chấp chới xòe đôi cánh chỉ bao quát khắp vùng- Đó! Các bạn em đều đang vui sướng. Ai cũng đẹp ra. Ai cũng trẻ lại. Tất cả đều mang những màu sắc mới. Cả khu rừng đều xanh tươi, không còn xơ xác như hồi mùa đông. Vui quá đi chứ, cô!
Giọng Họa Mi Út như vỡ ra, lạc đi vì xúc động. Chú bé vẫn bay lượn, càng lúc càng xa hơn, cao hơn…
- Trời! Bé Họa Mi Út của tôi! - Cô Mùa Xuân thốt kêu lên. Cô lặng đi vì những ý nghĩ giản dị và cao thượng của Họa Mi. Cô cảm thấy trước tâm hồn thánh thiện của Họa Mi, mình mới nhỏ bé làm sao, tâm hồn mình mới cằn cỗi làm sao! Mùa Xuân vẫn thường được mệnh danh là tươi non, là mới mẻ, là những xúc động run rẩy trinh trắng, ấy vậy mà cô tự cảm thấy mình già nua xiết bao trước sự thơ ngây trong trẻo của tâm hồn chú bé mảnh mai kia…
“Thôi được! Cô đã nghĩ ra rồi! Cô sẽ dành cho em món quà bất ngờ này, Họa Mi ạ!” - Cô Mùa Xuân nhủ thầm khi dõi theo bóng Họa Mi vẫn đang vờn trong nắng xuân.
Cô rướn người lên nhìn bao quát khắp vùng, mắt cô sáng lên ngời ngợi. Giọng cô ngân vang:
- Hỡi những thảm rừng đại ngàn, những núi cao vực sâu, những đồng bằng, những thảo nguyên bát ngát! Hỡi những biển lớn, những sông dài, những lạch suối âm thầm trong lau lách! Các người hãy gửi về cho ta những âm thanh kỳ diệu của các người. Tiếng cây xào xạc, tiếng sóng biển gầm thét, tiếng dòng sông rì rào, tiếng suối chảy róc rách, tiếng rì rầm của mưa rơi, tiếng cựa mình của lộc non chồi biếc, tiếng lá reo, tiếng chim hót… Xin hãy gửi về cho ta những âm thanh của trái đất và bầu trời. Ta muốn lọc từ những âm thanh ấy những gì tinh tuý nhất để tặng cho chú bé Họa Mi đáng yêu của ta. Chú bé đã chịu thiệt thòi không có được những màu sắc rực rỡ như nhiều loài chim bạn bè. Ta muốn chú bé sẽ có giọng hót tuyệt hay không dễ ai có được!
Ngay tức khắc, cả đất trời ngập tràn trong muôn vàn âm thanh kỳ lạ. Chưa bao giờ trái đất được đắm mình trong tiếng nhạc thần tiên đến thế. Cô Mùa Xuân gọi Họa Mi Út:
- Họa Mi! Họa Mi! Lại đây với cô, Họa Mi!
Họa Mi là là bay xuống, đậu trên bàn tay đang mở ra đón của cô Mùa Xuân. Bạn bè vây quanh, ai nấy đều hớn hở. Một tay cô Mùa Xuân nâng Họa Mi. Tay kia, cô vờn nhẹ trong không trung như vớt lấy những âm thanh đang lơ lửng bay, rồi thả xuống cho Họa Mi. Họa Mi ngửa cổ, ngây ngất hớp lấy từng “giọt” âm thanh từ bàn tay dịu dàng của cô Mùa Xuân. Chú bỗng thấy toàn thân run rẩy. Một sức sống mới kỳ lạ tràn ngập cơ thể Họa Mi, làm cho Họa Mi cảm thấy rõ rệt là mình đang thay da đổi thịt. Âm thanh thấm đẫm tâm hồn chú, chú bỗng thấy khao khát muốn cất tiếng hót.
Và thế là Họa Mi dang cánh ra, nâng mình lên, bắt đầu lượn bay và cất tiếng hót. Những tiếng hót hoàn toàn khác lạ. Khác lạ tới mức không chỉ làm mọi người ngẩn ngơ kinh ngạc mà ngay cả Họa Mi cũng không dám nghĩ đó lại là tiếng hót của mình. Cả bầu trời xao xuyến vì những tiếng vàng tiếng bạc ngân nga. Tưởng như có muôn ngàn chiếc chuông nhỏ cùng rung lên thánh thót. Muôn loài lặng đi, lắng nghe những âm thanh kỳ diệu chưa từng thấy bao giờ.
Cô Mùa Xuân xúc động nhìn theo bóng Họa Mi. Nước mắt cô lặng lẽ lăn dài. Cô thì thầm:
- Hót đi! Hót nữa đi, Họa Mi nhé! Từ nay em sẽ là sứ giả của Mùa Xuân. Tiếng em là tiếng của Mùa Xuân. Mong sao em giữ mãi tâm hồn trong trắng ấy, giữ mãi tiếng hót vàng ngọc ấy để ngợi ca mặt đất này, bầu trời này, ngợi ca Niềm Vui và Lòng Yêu Thương - bầu sữa nuôi dưỡng cho tất cả chúng ta sống mãi…
ĐIỀU MONG ƯỚC GIẢN DỊ
Đầu làng có một gò đất cao, cỏ mướt xanh, rải rác nhiều bụi cây dại quanh năm thay nhau nở những bông hoa ngát hương. Bọn trẻ trong làng thường kéo nhau ra đó chơi rất đông. Con trai chơi trận giả, chui lủi quanh các bờ bụi, lăn lê bò toài đủ kiểu. Con gái chơi nhảy dây, chơi “bịt mắt bắt dê” hoặc nắm tay nhau múa hát. Khi đã mệt, chúng thường nằm lên cỏ, ngửa mặt nhìn những cánh diều bé xíu do chúng tự làm lấy nhún nhẩy chao liệng trên bầu trời. Những đàn chim sẻ, chim sáo đá bay ngang qua thấy vui cũng sà xuống gò đất, tha thẩn tìm nhặt trái chín, những hạt bông cỏ li ti lăn tăn rải vàng khắp chốn. Mỗi khi có một đợt gió thổi qua, các bụi cây ngả nghiêng, thả những cánh hoa vàng hoa tím bay phấp phới. Những cánh hoa lướt nhẹ trên mặt, trên mình lũ trẻ khiến chúng cười vang và nhổm dậy đua nhau đuổi bắt. Tiếng chúng cười tan lẫn vào tiếng chim lảnh lót và tiếng rì rào thì thầm của những bụi cây.
- Trời! Được sống như những đứa trẻ, được làm người như chúng thật là thích! - Những cây que, những trái bòng trái bưởi, những mo cau bị bọn trẻ bỏ lại sau một ngày chơi đùa, bỗng cùng thốt lên như thế. Thấy bọn trẻ thật đáng yêu, chúng cũng thèm muốn được đáng yêu như thế. Ước muốn của chúng mới dễ thương và đáng trân trọng làm sao! Suốt đêm, chúng rì rầm tâm sự, chúng mơ tưởng, chúng ao ước… Trái bưởi héo buột thốt lên thành tiếng:
- Ước gì có một phép lạ nào biến chúng ta thành người…
Đúng lúc đó, cô Gió bay ngang qua, nghe thấy lời nói lạ, cô bay vòng trở lại. Hiểu rõ ngọn ngành, cô Gió rưng rưng cảm động. Cô bảo những cây que và trái bưởi héo:
- Các em sáp lại gần nhau đi, cô sẽ giúp các em một tay.
Trái bưởi héo lăn lại gần tấm mo cau, mấy cây que nhích từng chút từng chút một cách khó khăn. Cô Gió xoay qua xoay lại, thổi từ hướng này qua hướng khác, cố gắng gắn mấy thứ lại với nhau nhưng mãi vẫn chưa thành hình người. Mãi một lúc sau mới thoáng hiện trên bãi cỏ một dáng người sơ sài. May sao, vừa lúc đó có một ông lão đi ngang qua. Mỏi chân, ông ngồi xuống nghỉ. Trăng sáng vằng vặc, gió mát rượi. Khi đã thấy người khỏe khoắn trở lại, nhìn ra xung quanh, ông chợt nhận ra bóng dáng chú “bù nhìn rơm” đang hình thành dang dở. Nụ cười hóm hỉnh nở hé trên môi ông. Vốn là một ông già yêu trẻ, tiện tay ông ghép cây này vào cây kia, túm buộc chúng lại với nhau, cuối cùng thành một con người bằng cây que khá ngộ nghĩnh: đầu chú ta là trái bưởi héo, tay chân là que ghép lại. Mấy tấm mo cau, mấy túm rơm khô, mấy chùm lá cây là áo là quần của chú. Chú đứng vững vàng trên gò, hai chân dang ra trông không kém phần kiêu hãnh.
Ông lão nghiêng đầu ngắm nghía, gật gù mỉm cười rồi lẳng lặng ra đi.
Đêm ấy, chú bé đầu trái bưởi thao thức không ngủ được, nóng lòng chờ sáng. Chú tưởng tượng tới cảnh sáng mai bọn trẻ trong làng sẽ ùa tới bên chú tay bắt mặt mừng. Chú sẽ được hòa nhập vào thế giới trẻ con của chúng. Sáng mai, một buổi sáng thần tiên với biết bao điều lạ lùng đang tới gần…
Trời sáng rõ thì có một chú bé vui nhộn vung thanh kiếm gỗ xông lên gò. Đó là một trinh sát viên đi thăm dò trận địa cho một trận đánh lớn vào giờ G ngày hôm nay. Chú sửng sốt kêu lên vì đã có một người lạ mặt đến đó trước chú. Chú hoảng hốt ba chân bốn cẳng chạy về làng báo tin cho đồng đội. Một lát sau, đội quân tí hon chạy tới. Chúng ôm bụng cười lăn vì người lính trinh sát nhát gan đã nhìn gà hóa cuốc. Bọn trẻ xúm quanh chú bé đầu trái bưởi, xôn xao bàn tán. Một vài chú tinh nghịch, tiện tay lấy than vẽ thêm râu ria xồm xoàm lên trái bưởi héo. Chúng vẽ đôi mắt xếch ngược lên, đôi hàm răng nhe ra dọa nạt.
Chú bé làm bằng trái bưởi và cây que đang hiền lành là thế, bỗng trở nên xấu xí và dữ tợn. Bọn trẻ đùa dai đâm ra sợ hình vẽ của chính mình. Chúng hù dọa lẫn nhau và ù té bỏ chạy, miệng la hét: “Trên gò có một thằng người quái dị! Sợ lắm! Sợ lắm! “ Từ trong làng, nhiều đám trẻ nghe lời đồn thổi, túa ra xem. Chúng không dám tới gần, chỉ đứng từ xa bàn tán, chỉ trỏ.
Từ hôm đó, không đứa trẻ nào dám bén mảng đến gò đất trước đây suốt ngày đầy ắp tiếng cười.
Những đàn chim sẻ, chim sáo nâu, sáo đá bay ngang qua, thấy một thằng “bù nhìn” đáng sợ đứng dang tay dang chân giữa gò, cũng không dám sà xuống kiếm ăn như trước. Gò đất trở nên hoang vắng, buồn thiu…
Chú bé đầu trái bưởi buồn lắm. Chú không ngờ mọi việc lại xoay chuyển theo hướng quá xấu như thế. Chú ủ rũ đứng run rẩy giữa gò hoang, thở dài thườn thượt.
Đúng lúc đó, cô Gió lại bay ngang qua. Chú bé khẩn khoản nói với cô:
- Cô Gió ơi! Em ao ước được trở thành người, nhưng phải là một người ai ai cũng yêu mến, chứ trở thành người mà ai cũng sợ, cũng xa lánh thì em đâu có mong! Hãy giúp em thoát khỏi nỗi buồn khổ này đi, cô Gió!
Gió thổi lồng lên mỗi lúc một mạnh. Chú bé làm bằng cây que bị bứt tung lên khỏi mặt đất, trở lại là những vật dụng thường ngày: trái bưởi, cây que, tấm mo nang, những túm rơm khô…
Những cây que và trái bưởi héo lại nằm bình thản trên mặt đất, hít thở hương đồng cỏ nội, lòng thảnh thơi không một chút buồn lo. Chúng tin một cách chắc chắn rằng, chỉ một lát nữa thôi, bọn trẻ sẽ lại ào lên gò đất vui chơi với chúng; chim chóc từ bốn phương sẽ lại lượn vòng ríu ran hót suốt ngày cho chúng nghe. Được sống giữa yêu thương như thế, dù có phải làm một trái bưởi héo, một cành củi khô, chúng cũng yên lòng.
NHỮNG TRÁI BƯỞI MÙA THU
Trời mưa tầm tã. Chốc chốc một cơn gió giật lại ào đến lay lắc cây cối trong vườn một cách dữ dội làm chúng sấp ngửa, nghiêng ngả. Tiếng cây vặn mình răng rắc lẫn trong tiếng gió rú rít. Cả khu vườn mờ mịt hơi nước.
Ở góc vườn, cây bưởi chĩu chịt quả đang phải vất vả gồng mình chống đỡ với gió bão. Đây là lần đầu tiên nó được chứng kiến một cơn bão lớn đến như thế. Gió lồng lộn quay cuồng. Vòm cây bị gió dằn xuống, chưa kịp ngã rạp mặt đất đã bị gió quật phắt trở lại, cứ như thế mà quăng quật, mà giày vò. Những chiếc lá giập nát bị bứt khỏi cành, rụng lả tả. Thỉnh thoảng, “lộp bộp”, mấy trái bưởi non bị văng ra xa, chúi sâu vào giữa những lùm cỏ ướt ngập nước.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Trung Thu, vậy mà bất ngờ cơn bão tai ác ập đến. Cây bưởi thấy xót xa quá. Biết bao nhiêu công phu, qua nắng qua mưa, mới có được những trái bưởi no tròn, trăm trái như cả trăm, y hệt những vầng trăng xanh treo lơ lửng khắp các nhánh cành như hôm nay. Chúng như một bầy con đang vui vẻ sống, trong lòng náo nức chờ đón Tết Trung Thu đang tới gần. Ngày đó chúng sẽ chia đi khắp ngả, được các cậu, các cô bé nâng niu bồng bế trên tay, được bày một cách trang trọng trên các mâm ngũ quả. Mùi bưởi thơm lừng sẽ thấm đẫm những giấc mơ, ru các em nhỏ dần thiếp đi trong đêm trăng Trung Thu kỳ ảo.
Vậy mà bây giờ cơn bão bất ngờ ập đến. Gió lồng lộn rú rít như muốn giằng xé, muốn bứt tung những trái bưởi khỏi thân cây mẹ. Những trái bưởi da xanh mát, đôi ba trái đã ửng vàng. Quyết không để bầy con bị cướp đi sự sống, nhất định phải cho chúng được hưởng đêm Trung Thu thần tiên, cây bưởi mẹ ra sức vật lộn với gió bão. Lúc thì nó gan góc bám thật chắc vào mặt đất đang rung chuyển dưới chân mình. Lúc nó lại tỏ ra vô cùng mềm mại uyển chuyển nương theo những luồng gió xoáy đang ra sức quần đảo chỉ chực nhổ tung cả gốc rễ của nó mà quăng ra xa. Mặc mưa to, mặc gió lớn, cây bưởi bền bỉ chống chọi, quyết bảo vệ bằng được lũ con mình.
Nhưng trận bão này lớn quá. Cả tiếng đồng hồ trôi qua rồi mà mưa vẫn mỗi lúc một to, gió vẫn mỗi lúc một lớn. Nước ở đâu mà nhiều đến thế! Tưởng như mưa và gió ở khắp thế gian cùng đổ về đây để hành hạ cây bưởi đơn độc này. Cây bưởi đã thấm mệt, lá cành xơ xác phờ phạc. Trong khi đó, gió và mưa vẫn chưa hề có một biểu hiện gì là mệt mỏi. Tiếng chúng gào rú càng lúc càng điên cuồng còn hơn cả lúc ban đầu.
Thấy cây bưởi mẹ đã quá mỏi mệt, những trái bưởi con thương lắm. Thân mình mẹ bị bầm giập hết cả. Mấy lần, toàn thân mẹ bị lay lắc dữ dội, những tiếng răng rắc tưởng như các thớ gỗ sắp bị nứt toác làm bầy bưởi con xót xa. Chúng kêu lên át cả tiếng gió mưa:
- Mẹ ơi! Chúng con thương mẹ lắm mẹ ơi!
- Mẹ đừng chết mẹ nhé!
- Mẹ cố đừng để bị bật gốc, bị gẫy đổ mẹ ạ!
- Mẹ đừng bỏ chúng con!
- Hãy ở lại mãi mãi với chúng con!
Vừa gồng mình lên chống chọi với mưa gió, cây bưởi vừa xòa cành lá đã xơ xác vỗ nựng bầy con:
- Đừng sợ! Các con đừng sợ! Có mẹ đây, các con cứ yên lòng! Không đời nào mẹ rời bỏ các con!
Như bị chọc tức, mưa gió càng gào thét, cố chứng tỏ uy lực khủng khiếp của mình. Cây bưởi chống trả một cách gan góc, nhưng quả thực sức của nó đã bị yếu đi nhiều lắm rồi. Có lúc nó cảm thấy toàn thân rời rã, chỉ một chút xíu nữa là buông xuôi, để mặc cho gió mưa quần đảo. Nhưng nghĩ đến mấy chục đứa con đang đeo trên mình, nó vùng ngay dậy quyết không chịu gục ngã. Các con nó phải được sống trọn vẹn, phải được hưởng đêm Trung Thu mơ ước của cả một đời hoa trái. Nghĩ thế, cây bưởi thấy khỏe hẳn lên và lại ngạo nghễ đương đầu với gió bão.
Tất cả những cố gắng phi thường của cây bưởi mẹ, bầy con được chứng kiến hết. Chúng yêu mẹ gấp nghìn lần hơn lên.
- Mẹ vất vả quá. Chúng mình phải làm gì để gánh đỡ nỗi gian nan cho mẹ chứ?
- Đúng rồi! Chúng mình phải làm một điều gì chứ? Chẳng lẽ cứ ngồi nhìn mẹ mình vật vã đơn độc chống chọi với gió bão?
- Cả mấy chục đứa mình bám vào thân cây mẹ thế này, gió quăng quật, làm sao mẹ chịu nổi?
- Ban nãy, một chút nữa là mẹ bị gãy ngang thân đấy! Chúng mình đeo bám nặng quá mà!
Tiếng bầy bưởi con bàn luận với nhau bị chìm lẫn trong tiếng mưa gió, câu được câu mất. Mặc dù không nghe rõ, nhưng tất cả chúng đều hiểu rõ tấm lòng nhau. Tất cả đều rất mực thương mẹ.
Lại một trận gió xoáy ào đến. Lá bưởi giập nát bị bứt hàng loạt, cuốn bay lên rồi rơi lả tả phủ kín mặt đất. Thân cây bưởi vặn mình kẽo kẹt, rồi răng rắc như sắp sửa nứt toác.
- Nguy rồi! Lần này thì nguy rồi!
Bầy bưởi con cùng thất thanh kêu lên đến xé ruột. Có nguy cơ cây bưởi bị gãy gập; nếu không, cành lớn nhất cũng bị xẻ đôi. Những trái bưởi xôn xao bàn kế. Kẻ đưa ra ý này, đứa đưa ra ý nọ, rất nhiều ý kiến nhưng chưa có ý kiến nào hay hơn cả. Mà gió mưa thì vẫn gầm gào. Hình như chúng cũng nhận thấy cây bưởi gần kiệt sức, không chống cự thêm được bao lâu nữa nên chúng càng tỏ ra hung hãn hơn. Một đợt gió giật ập tới. Tiếng một trái bưởi vang lên như thét:
- Các anh chị ở lại nhé, em đi đây!
Tiếng thét chưa dứt thì đã nghe tiếng “bịch!” nặng nề rơi xuống cỏ. Thì ra là trái bưởi ấy đã tự buông mình rời khỏi cành. Nhiều tiếng xôn xao:
- Sao em lại tự hành hạ mình như vậy?
- Em không chịu được gió mưa quăng quật hay sao?
- Em nản chí, chịu khuất phục rồi hay sao?
Từ trong lùm cỏ đẫm nước, trái bưởi vừa rụng thoi thóp nói trong nước mắt:
- Đến nông nỗi này mà các anh chị còn hiểu lầm em đến thế sao? Không phải em không chịu đựng được mưa gió quăng quật mà vì em nghĩ đến mẹ! Trông kia kìa! Cánh tay mẹ đang oằn xuống trĩu nặng vì phải bồng bế quá đông anh em chúng ta. Mẹ gần như kiệt sức rồi. Không khéo mẹ không qua được trận này. Em tự buông rơi cho cánh tay mẹ nhẹ được một phần …
- Ôi, Bưởi Út! Tha thứ cho các anh chị nhé, Bưởi Út!
- Tội nghiệp em quá, Bưởi Út! Vậy là em không còn được hưởng ánh trăng Trung Thu …
Tiếng Bưởi Út đã yếu lắm, gần như thều thào:
- Em cũng tiếc lắm. Nhưng đành vậy… Chúc các anh chị ở lại bình an. Cho em gửi lời chào tới cô Trăng đêm Trung Thu. Mẹ ơi, con yêu mẹ! Thôi, con đi đây!...
Mưa gió vẫn không hề động lòng, càng lúc càng gầm gào dọa nạt. Cây bưởi mẹ vặn mình nghiêng ngả, mấy cành lớn quờ quạng một cách bất lực. Lần này thì không chỉ vì gió. Cây bưởi đang quằn quại thương khóc đứa con hiếu thảo của mình. Đúng lúc đó, mấy đợt gió giật lại bồi tiếp, hy vọng quật đổ ngay cây bưởi. Không còn cách gì hơn, một loạt trái bưởi noi gương Bưởi Út, lần lượt buông mình rời cành. Năm, sáu, bảy, tám… mười bốn, mười lăm, mười sáu… Những trái bưởi đang độ mỡ màng, tự nguyện buông mình cho cánh tay bưởi mẹ nhẹ bớt, dễ bề chống trả với mưa gió. Và quả nhiên, sự hy sinh của họ không uổng phí. Cây bưởi nhẹ hẳn mình. Sự hy sinh của bầy con vừa làm cho cây bưởi mẹ đau xé lòng nhưng đồng thời cũng thôi thúc cây gắng sống để giữ cho bằng được bầy con còn lại, khỏi uổng phí sự ra đi của lũ con đang thiêm thiếp dưới cỏ kia. Như được truyền thêm sức mạnh thần kỳ, cây bưởi hồi sức lại, ngẩng cao lá cành, kiên gan thách thức với gió bão…
Rồi cuối cùng, gió bão đành tháo lui. Cả một vùng cỏ cây xơ xác. Ở góc vườn, cây bưởi mẹ đứng thừ ra, lá cành rũ rượi. Rải rác khắp vườn, những trái bưởi còn xanh nằm lăn lóc tội nghiệp. Cây bưởi mẹ nhìn bầy con bất hạnh bằng những đôi mắt lá giập nát, lòng tê tái. Tội nghiệp các con quá! Trung Thu có còn bao xa nữa đâu! Nhưng thôi, hãy ngủ yên, các con yêu của mẹ! Sự hy sinh của các con không uổng phí chút nào!- Cây bưởi mẹ nhìn khắp lượt bầy con còn lại, những trái bưởi tròn căng xanh mát lúc lỉu đeo la liệt trên cành cao nhánh thấp. Tiếng mẹ tiếp tục vỗ về - Những trái bưởi còn lại sẽ chín vàng trên cánh tay của mẹ và sẽ đi khắp ngả mang niềm vui chia đều cho các em nhỏ. Trong gió mát đêm Trung Thu, mẹ sẽ thì thầm kể cho lũ trẻ nghe về tấm lòng cao thượng của các con. Ngủ yên, hãy ngủ yên, những trái bưởi non thương yêu của mẹ…
PHÁO ĐÀI KỲ LẠ
Ông lão mới đem vùi ở giữa vườn nhà một vật gì rất lạ. Bọn châu chấu, cào cào, dế mèn, dế trũi, cánh cam, bọ rùa cứ xôn xao cả lên. Chúng không dám đến gần cái vật kỳ lạ đó, chỉ đứng từ xa quan sát. Đầu tiên là anh chàng châu chấu láu lỉnh:
- Các cậu ơi! Trông khiếp chưa kìa! Vật gì mà cứ tua tủa những chiếc gươm nhọn hoắt chĩa thẳng lên trời!
Cào cào tả chi tiết hơn:
- Viền quanh lưỡi gươm lại chi chít những gai là gai nữa chứ?
Đã mấy lần bọn chúng định đánh liều đến bên vật lạ, nhưng cứ đùn đẩy nhau mãi, cuối cùng chẳng đứa nào dám bén mảng đến. Vật lạ cứ lẳng lặng tiếp tục lớn lên từng ngày trước những đôi mắt tò mò của đám bạn nhỏ trong vườn.
Hễ có bất cứ một nét gì mới lạ của vật thể lạ lùng kia là lập tức cả khu vườn xáo xác lên ngay. Không đứa này thì đứa kia nhanh nhảu thông báo cho tất cả cùng được biết. Nhanh nhạy nhất là chú cánh cam, vì chú luôn đậu trên cây bưởi cao nhất vườn. Chú lại là một phi công tài ba, mỗi ngày ít nhất cũng phải đảo qua đảo lại trên bầu trời hàng chục lần. Có lần chú còn lượn sát mặt đất, chỉ chút xíu nữa là đâm bổ vào cái vật kỳ lạ. Liên tục những tin tức mới mẻ liên quan tới vật thể lạ được thông báo tới các cư dân trong vườn:
- Vật lạ đó đã lớn quá rồi! Những thanh gươm đã dài hơn nửa thước, lưỡi răng cưa đỏ tía trông hung hãn quá!
- Nếu không kịp thời ngăn chặn, những lưỡi gươm sẽ dài mãi ra, có thể đến hàng chục thước, chiếm hết cả đất vườn!
- Các lưỡi gươm tua tủa ra xung quanh. Giờ lại trồi lên một cột trụ ở chính giữa nữa kìa! Trụ mỗi ngày một cao…
- Trên đỉnh trụ lại phình to ra…
- Hình như nó xây một cái pháo đài!
- Đúng là cái pháo đài rồi! Có hàng chục lỗ châu mai mở ra bốn phía!
- Trên đỉnh pháo đài lại tua tủa những thanh gươm nhọn hoắt…
- Trời ơi! Gay go quá rồi! Pháo đài mỗi ngày một lớn. Các lỗ châu mai mỗi ngày một to, chẳng khác gì hàng trăm con mắt dữ tợn trừng trừng nhìn ra bốn phía…
Đám cánh cam, chuồn chuồn, châu chấu, cào cào, dế mèn, dế trũi lo sợ cuống cuồng. Phen này thì chết cả nút! Chỉ còn mỗi cách là mau mau tìm đường mà đi nơi khác. Ôi chao! Khu vườn! Khu vườn đang yên lành với biết bao kỷ niệm đẹp đẽ, vậy mà nay sắp phải tan đàn sẻ nghé…
Bọn côn trùng nhỏ bé mỗi ngày một thêm sợ hãi. Chúng không dám nói to, không dám cười đùa, chỉ len lén quan sát từ xa cái pháo đài cứ mỗi ngày một lớn thêm, những con mắt xoi mói nhìn ra xung quanh cứ mỗi ngày một mở trừng trừng to thêm và đặc biệt là cái pháo đài cứ thay đổi màu sắc từng ngày. Ban đầu thì hung đỏ, sau chuyển sang biếc tím, rồi lục đậm, lục nhạt, rồi nâu vàng…
Bọn cánh cam, dế mèn, dế trũi thì thào bàn tán. Chúng thấp thỏm chờ đợi. Có thể cái pháo đài cuối cùng sẽ trở thành đỏ rực và từ hàng trăm lỗ châu mai kia sẽ phun ra những luồng lửa cháy bỏng thiêu rụi hết cả khu vườn…
Ai nấy đều nơm nớp lo sợ, chờ đợi một tai họa khủng khiếp đang tới gần…
Một đêm trăng sáng rười rượi lại đến. Khu vườn đầm đìa ánh trăng. Đêm dịu dàng quá. Nhưng đám dế mèn, dế trũi… im thin thít, không một tiếng cười nói, dù là rất nhỏ. Tất cả đang buồn rầu ngước nhìn lên vầng trăng, như muốn lặng lẽ từ biệt người bạn hiền lành cô đơn trên bầu trời. Bởi vì rồi đây sẽ chẳng bao giờ có được một đêm yên tĩnh như thế này. Chỉ ngày một ngày hai cái pháo đài dữ tợn kia sẽ phun lửa thiêu rụi tất cả…
Bỗng dưng, gió xào xạc nổi lên. Một mùi hương lạ chưa ai từng được thấy lan tỏa khắp khu vườn. Hương thơm mùi mật ong, ngây ngất như men rượu, lúc nồng nàn đậm đặc, lúc phảng phất thoảng qua, nương theo những làn gió lúc mạnh lúc yếu. Mùi hương gì mà lạ lùng thế nhỉ?
Tiếng chú sóc nâu gọi ơi ới vang vọng khắp vườn:
- Lại đây! Lại đây mau các bạn ơi! Trái dứa chín thơm lừng thế này mà không ai biết!
Tất cả lũ côn trùng nhỏ bé suốt đời không ra khỏi khu vườn nhà bỗng cùng ùa ra vây quanh lấy chú sóc nâu. Chú ta đi biền biệt cả tháng trời, nay mới lại mò về.
Xôn xao nhiều câu hỏi:
- Chú sóc nâu bảo sao? Cái vật lạ lùng kia có tên là cây dứa à?
- Trái nó có ăn được không, chú sóc nâu?
Chú sóc nâu hỉnh mũi lên, giọng tự hào:
- Ăn được quá đi chứ! Trái dứa là ngon tuyệt! Các chú mày nếm thử mà xem!
- Vậy mà chúng em cứ tưởng một cái pháo đài với hàng trăm con mắt xoi mói dữ tợn.
- Chúng em cứ tưởng một vật độc ác…
Sóc nâu càng hỉnh mũi, lên giọng từng trải:
- Giờ thì các chú đã thấy mình sai lầm chưa nào? Chưa gì đã nghĩ không hay về người khác. Đó, các chú có thấy không? Cây dứa này trông gai góc thế mà hiền khô à! Mùi hương của nó đang tỏa lan khắp khu vườn đấy. Thôi nào, tất cả chúng ta hãy vây quanh cây dứa mà nhảy múa, đón chào một người bạn quý đã đến chung sống với chúng ta đi! Trăng đêm nay sáng ngời ngời…
Cây dứa vẫn chẳng nói một lời nào. Nó nghĩ chú sóc nâu nói vậy là quá đủ rồi. Nó lẳng lặng tỏa hương dịu ngọt đầy quyến rũ vào không gian. Hương thơm của nó bao bọc lấy toàn bộ khu vườn, thấm vào từng lá cây ngọn cỏ, ôm ấp đến từng con cánh cam, con châu chấu, con dế mèn…
CON THIÊN NGA BÉ BỎNG
Ở vùng núi heo hút kia có vợ chồng ông lão nghèo sống cô độc, không có lấy một mụn con. Ngày ngày ông bà vào rừng đốn củi mang ra chợ bán. Gần nhà, dưới chân núi có một hồ nước trong xanh, những ngày đẹp trời thường có một đàn thiên nga đông đến vài chục con từ xa bay về bơi lặn thỏa thuê, rộn rã cả một vùng.
Lần ấy, đàn thiên nga đang giỡn sóng, chợt có một đám thợ săn đến rình bắt. Ông lão đang ngồi câu, chợt nghe tiếng kêu hỗn loạn của đàn chim và tiếng vỗ cánh rào rào. Đàn thiên nga hốt hoảng bay tan tác.
Chợt có tiếng đập cánh lạch phạch và nước bắn tung tóe. Ông lão giật mình nhận ra một con thiên nga trắng phau bị gãy cánh đang cố trườn mình tấp vào bờ. Sợ đám thợ săn bắt được nó, ông lão lội ào xuống nước, bế thốc nó lên rồi vội vàng giấu nhẹm vào giữa đám lau sậy rậm rạp. Ông khỏa nước ào ào làm tan biến mất vết máu loang, che mắt đám thợ săn. Vừa xong mọi việc, người ngựa rầm rập kéo đến. Đám thợ săn cật vấn ông già một hồi, săm soi khắp xung quanh, không thấy gì đành bỏ đi.
Chờ đoàn người ngựa đi đã xa, ông lão mới vạch đám lau sậy tìm con chim bị thương. Ông ôm nó, lật đật chạy về nhà, quên cả thu dọn đồ nghề. Vừa đến đầu ngõ, ông đã cuống quýt gọi: “Bà nó ơi! Mau ra mà đón con này! Trời đã ban cho chúng ta một mụn con!...” Bà lão trào nước mắt đón lấy con chim bé bỏng từ tay ông lão, cả hai vội vã chạy vào nhà, lo rửa ráy vết thương và chạy chữa cho nó.
Từ ngày đó, con thiên nga ở với vợ chồng ông lão. Ông bà đi đâu nó cũng lạch bạch lẽo đẽo đi theo. Ngôi nhà nhỏ ấm cúng hẳn lên. Đặc biệt, từ ngày có thiên nga, nhà cửa bỗng dưng sạch sẽ hẳn, vườn tược tốt tươi, mọi việc trong nhà đâu vào đấy cứ như có một bàn tay đảm đang chăm chỉ lo liệu tất cả. Thậm chí có hôm đi đốn củi mệt nhọc trở về, vợ chồng ông lão đã thấy một mâm cơm thịnh soạn bày sẵn trên chiếc chõng tre giữa nhà. Thắc mắc quá, họ cố rình xem.
Ngày nào cũng vậy, chờ cho hai vợ chồng ông bà ra khỏi nhà một lúc lâu, con thiên nga bé nhỏ lại trút bỏ lốt chim, biến thành một cô bé má đỏ au, da trắng ngần xinh xắn. Cô quét dọn nhà cửa, nấu cơm đun nước… Thì ra, đó không phải là đàn thiên nga bình thường mà là những nàng tiên trên trời thỉnh thoảng rủ nhau biến thành những con thiên nga xuống chơi trần thế. Thiên nga bé bỏng chính là nàng tiên út.
Trong lúc cô bé đang lúi húi nấu cơm, cả hai ông bà cùng ùa chạy vào ôm chầm lấy khiến cô quá bất ngờ, không kịp hoàn lại lốt chim. Từ đó, cô bé ở với vợ chồng ông lão, được yêu chiều hết mực, còn hơn cả con đẻ. Họ sống với nhau tuy nghèo túng nhưng vô cùng đầm ấm hạnh phúc.
Mọi việc tưởng cứ bình yên như thế mãi, không ngờ ít lâu sau, đàn thiên nga bỗng quay trở lại. Chờ lúc ông bà lão vắng nhà, bầy chim sà xuống, biến thành những nàng tiên kiều diễm vây quanh cô bé. Họ thúc giục cô mau trở về thượng giới để được hưởng lại cuộc sống thần tiên sung sướng gấp trăm ngàn lần cuộc sống gian khó nơi trần thế. Các nàng tiên vừa khuyên nhủ, vừa răn đe không biết bao nhiêu lần khiến đã có lúc cô em út phải mủi lòng định theo các chị về trời. Nhưng rồi vừa khóc, cô vừa năn nỉ các chị cho cô được ở lại với bố mẹ nuôi của cô. Cô không nỡ bỏ họ. Suốt bao ngày nay, họ đã cưu mang cô, chăm bẵm yêu thương cô hết lòng. Họ đã già yếu lắm rồi. Suốt đời họ khao khát được một mụn con.
Đang nài nỉ, giằng co, thấy bóng bà lão còng lưng vác một bó củi to xuất hiện lưng chừng đồi, bầy tiên vội vàng biến thành đàn thiên nga ào ào vỗ cánh bay đi. Hôm sau, hôm sau nữa, chúng lại bay đến rủ rê cô bé.
Chuyện ấy, cuối cùng vợ chồng ông lão cũng biết. Họ thương yêu cô con gái nuôi lắm. Không bao giờ họ muốn rời xa cô bé, nhưng cũng đành phải trả cô bé về lại thế giới thần tiên của cô thôi. Cô bé không đáng phải chịu cực khổ. Ngày trước, da dẻ nó trắng hồng nõn nà. Giờ, tay chân nó đen đủi, tóc tai khét lẹt mùi nắng gió… Cả hai ông bà vừa lau nước mắt vừa ngậm ngùi khuyên cô bé nên trở về cùng với các chị. Cô bé vẫn nhất quyết xin ở lại.
Nhưng đàn thiên nga vẫn không chịu mất em gái út. Ngày nào chúng cũng đến nài nỉ, van vỉ không phải một hai lần mà cả chục lần. Thấy vậy, vợ chồng ông lão càng hết lời khuyên nhủ cô con gái nuôi nên trở về trời.
Mọi người thúc ép quá, cuối cùng cô bé đành gạt nước mắt nghe theo. Cô ôm chặt lấy bố mẹ nuôi, khóc nức nở, người rung lên bần bật, không nói được một lời nào. Nàng tiên cả lấy bộ áo lông thiên nga lộng lẫy choàng lên người cô. Cô trở lại thành thiên nga, cất cánh bay lên theo các chị.
Đàn chim bay mỗi lúc một cao, một xa. Riêng con thiên nga bé bỏng bay thấp nhất, chậm nhất. Nó vẫn quyến luyến không muốn rời. Khi bất chợt quay đầu nhìn lại, nó thấy lòng nhói đau, đôi cánh như muốn khựng lại. Thiên nga út loạng choạng chao đảo trên không. Mắt nó nhòa đi khi thấy xa xa phía dưới, bố mẹ nuôi của nó đang gục đầu trên vai nhau, đổ sụm xuống. Thiên nga út như cũng muốn đổ sụm theo. Nó lập tức tách đàn, quay trở lại, tầm bay hạ thấp dần, hướng về phía ông bà lão. Lòng nó thổn thức: “Các chị ơi, hãy tha lỗi cho em. Em không muốn một cuộc sống nào khác. Em muốn ở lại mãi mãi với bố mẹ nuôi già yếu và nghèo khó của em. Em chấp nhận một cuộc sống trần thế lam lũ nhưng có biết bao tình thương…”
NỤ TẦM XUÂN
Ngày xưa, cách đây đã lâu lắm, ở làng kia có một cô bé rất ngoan hiền. Bố mẹ mất sớm, cô ở với ông bà ngoại. Nhà nghèo, chỉ có một mảnh vườn nhỏ. Ngày ngày hai ông cháu chăm chỉ vun xới luống rau, luống hoa để cho bà mang ra chợ bán, đổi lấy đấu gạo, lon muối. Cuộc sống đạm bạc nhưng đầy tình thương và niềm vui. Cô bé rất thích hoa hồng. Chiều cháu, ông lão trồng trước hiên nhà mấy chục bụi hồng, hương thơm ngào ngạt, ai thấy cũng trầm trồ đòi mua nhưng ông nhất định không chịu bán. “Để cho cháu nó vui. Trong các loài hoa, nó thích nhất giống hoa này!” - Ông lão mỉm cười, âu yếm nhìn đứa cháu yêu.
Năm ấy, mùa đông kéo dài, trời rét cắt da cắt thịt. Cây cối trơ trụi, héo úa. Cả con người, hoa lá và muông thú đều khắc khoải chờ mùa xuân mau trở về. Chờ mãi, nhưng chẳng mảy may thấy bóng dáng của mùa xuân đâu. Hằng ngày nhìn cảnh vườn nhà xơ xác, làng xóm tiêu điều, cô bé buồn lắm. Cô ao ước có cách gì tìm được cô Mùa Xuân trở về.
Một đêm nọ, có đàn chim di cư bay ngang qua. Trời tối, chúng ngủ đỗ lại trên mấy vòm cây cao quanh nhà. Qua câu chuyện chúng kể cho nhau nghe, cô bé biết cô Mùa Xuân đang bị lão phù thủy Mùa Đông phương Bắc giam giữ. Lão nhốt cô trong một nhà ngục băng tuyết cực kỳ lạnh lẽo. Chính vì thế, mãi đến bây giờ cô Mùa Xuân vẫn chưa trở về.
Suốt đêm cô bé trằn trọc không ngủ. Khó khăn cô không sợ. Điều cô sợ nhất là ông bà ngoại sẽ không cho cô đi. Ông bà rất thương cô, đời nào chịu để mình cô đi vào những nơi nguy hiểm! Nhưng ông bà ơi, hãy tha thứ cho cháu. Cháu biết trốn nhà đi là có lỗi với ông bà. Cháu mong ông bà bỏ qua cho cháu. Cô Mùa Xuân đang bị giam trong ngục băng giá. Cháu phải đi tìm cô, giải thoát cho cô…
Không kể sao cho xiết những khó khăn gian khổ mà cô bé đã phải chịu đựng. Phải băng qua nhiều núi cao vực sâu. Phải lầm lũi đi trong nắng lửa, mưa dầm. Phải ăn đói mặc rét… Cuối cùng thì cô bé cũng đã tìm được tới nơi. Nhìn cô Mùa Xuân đứng bất động giữa một khối băng trong suốt đặt giữa nhà ngục tuyết giá buốt, cô bé thấy thương quá. Bị bao bọc bởi một khối băng khổng lồ thế kia, làm sao cô Mùa Xuân thoát ra được? Hèn gì suốt bao ngày nay không thấy bóng dáng cô…
Cô bé đi quanh nhà ngục hàng trăm lần, nghĩ mãi cũng không có cách gì cứu được cô Mùa Xuân. Xung quanh không một bóng người. Chỉ có tuyết và gió lạnh lồng lộn rú rít. Đang nghĩ miên man, chợt cô bé vấp phải một cành khô vừa bị gió cuốn tới. Ngước nhìn lên, xa xa thấp thoáng bóng cây rừng chìm trong bão tuyết. Một ý nghĩ lóe sáng trong đầu cô bé.
Bắt đầu những ngày cơ cực nhất. Cô bé đi đến khu rừng, gom nhặt tất cả những cành gai góc, những búi cỏ, rễ cây… Cô lặng lẽ, lúc ôm, lúc vác, lúc kéo rê trên tuyết, mang về chất quanh nhà ngục tuyết. Vừa đói, vừa rét, vừa làm việc cật lực, người cô bé trông thật tiều tụy đáng thương. Chỉ có đôi mắt của cô là vẫn ngời sáng. Cứ lầm lũi như thế cả tháng trời, cho đến khi cô bé gần như kiệt sức, phải lết mình trên tuyết thì cũng là lúc hiện lên cả một bức thành củi khô bao bọc quanh nhà ngục. Cô bé khóc nấc lên vì vui sướng.
Cô muốn đốt cháy bức thành củi khô cho ngục băng giá tan ra. Nhưng đến lúc này, cô mới chợt nhận thấy: bốn bề đều tuyết trắng, tìm đâu cho ra lửa? Duy nhất chỉ có một nơi ấm nóng, đó là trái tim trong lồng ngực nhỏ bé của cô. Trái tim đang đập một cách nặng nhọc sau bao ngày cơ cực…
Cô bé mệt bã bời, bước đi không vững. Một cơn lốc tuyết hất cô ngã sấp xuống đống củi đầy. Hai tay cô dang ra như muốn ôm choàng lấy cả tòa nhà băng giá. Toàn thân cô bé rung lên không phải vì giá buốt mà vì một nỗi khát khao cháy bỏng: Ước gì trái tim nóng ấm của cô cứ nóng lên mãi, nóng lên mãi để rồi cuối cùng bốc cháy lên thành ngọn lửa… Cô lầm rầm cầu nguyện, lặp lại mãi không thôi lời khẩn cầu tha thiết: “Cháy lên đi! Trái tim bé bỏng của ta, cháy lên đi!”.
Toàn thân cô bé rung lên, vật vã. Tiếng khẩn cầu mỗi lúc một dồn dập, một tha thiết. Cô bé dồn hết tâm trí mình vào đó cho đến lúc kiệt sức, giọng cô không còn nghe rõ nữa, chỉ còn lào thào như gió thoảng. Đúng vào lúc đó, thật lạ kỳ, một ngọn lửa chói ngời bỗng bùng lên. Lửa rừng rực lan tỏa, thiêu cháy hết cả bức thành củi khô cô bé gom nhặt suốt bao ngày. Nhà ngục tuyết tan ra thành nước và cô Mùa Xuân bay lên, bay lên…
Cô Mùa Xuân lượn vòng rồi nhẹ nhàng đến ngồi bên ụ tro thẫm đen, nơi cô bé ngã xuống. Cô đặt bàn tay đầy phép lạ của mình ve vuốt ụ tro thân thương, lòng quặn đau. Một mầm cây chợt mọc lên, lớn nhanh vùn vụt. Lá cây rất giống lá hồng. Hoa cũng rất giống hoa hồng. Chỉ có hơi khác là lá và hoa đều nhỏ hơn và thân cây leo mềm mại hơn. Cô Mùa Xuân nâng bông hoa nhỏ xinh như một trái tim đỏ thắm lên môi hôn. Cô không cầm được nước mắt. Từng giọt nước mắt cứ rơi mãi, rơi mãi lên bông hoa, nhiều đến nỗi sắc hoa cứ phai dần, phai dần cho đến lúc bông hoa trở nên trắng muốt cực kỳ thanh khiết. Giọng cô Mùa Xuân nghẹn ngào: “Từ nay, em sẽ mang tên hoa Tầm Xuân, để mọi người không bao giờ quên chuyến đi tìm Mùa Xuân đầy gian nan của em…”
CUỘC PHIÊU LƯU CỦA NHỮNG CON CHỮ(1)
1. NHÂN VẬT CHÍNH TỰ GIỚI THIỆU
Tôi là một con chữ chì ở nhà in. Tên tôi là A. Từ lâu tôi đã nổi tiếng, hễ nhắc đến tên, ai cũng biết. Khi vui sướng quá, người ta thường reo lên tên tôi trước tiên: “A-a-a!” Khi ngạc nhiên, sửng sốt, người ta cũng gọi tên tôi, mong tìm được một người bạn che chở: “A-a-á!” Hàng năm, cứ đến ngày khai trường, hàng triệu trẻ em ở khắp nơi bao giờ cũng phải làm quen với tôi trước tiên. Tôi đứng đầu bảng chữ cái nước ta. Trong bảng chữ cái của nhiều nước trên thế giới, tôi cũng là chữ được người ta trân trọng xếp ở hàng đầu… Còn nhiều ví dụ tương tự, không thể kể hết được.
2. CUNG ĐIỆN ÁNH SÁNG VÀ CUỐN SÁCH ƯỚC
Một hôm, có câu chuyện tình cờ nhưng thật thú vị. Cô thợ xếp chữ để quên quyển sách giáo khoa bên hộp chữ chúng tôi. Sự việc ngẫu nhiên ấy không ngờ lại mở đầu cho hàng loạt những thay đổi lớn trong đời tôi. Cô Sách Giáo Khoa vốn là một người hiểu biết. Cô kể cho chúng tôi nghe về một xứ sở kỳ lạ. Ở đấy mọi người đều sống rất sung sướng và điều làm chúng tôi mê nhất là có Cung điện Ánh sáng, nơi dành riêng cho trẻ em ngày ngày đến vui chơi. Trong cung điện, có đủ các phòng dạy nhạc, phòng dạy múa hát, phòng dạy vẽ, dạy nặn tượng, phòng chơi bóng bàn, phòng nghe kể chuyện cổ tích; có bãi chơi bóng chuyền, bóng rổ, có bể bơi, có đài thiên văn với những ống kính viễn vọng quan sát bầu trời… Đặc biệt, ở đấy có một thư viện rất lớn, đủ các loại sách quý. Đối với các bạn, đó chỉ là những quyển sách, nhưng đối với họ nhà chữ chúng tôi thì đó là những tòa lâu đài thật sự. Từ thời xa xưa, khi tổ tiên loài chữ chúng tôi còn phải sống trên những tấm da cừu, những thanh tre, các cụ đã từng mơ ước sau này con cháu được ở trong những tòa lâu đài đồ sộ. Đó là những cuốn sách giấy tốt, bìa bằng da thuộc màu nâu bóng, gáy in chữ mạ vàng…
Khi cô Sách Giáo Khoa nói đến những cuốn sách như thế, cả hộp chữ chúng tôi xôn xao hẳn lên, tất cả reo nhẩy mừng rỡ. Chúng nó tranh nhau hỏi hết câu này đến câu khác làm cho cô không còn biết trả lời thế nào. Tôi và mấy thằng bạn quay ra bàn riêng với nhau. Không biết trong thư viện ấy có cuốn sách ước không? Đã nhiều lần chúng tôi nghe về cuốn sách lạ ấy. Nó chỉ nhỏ bằng bao diêm, nhưng những trang sách đều làm bằng một chất gì đó sáng lóng lánh và thơm ngào ngạt. (Nghe đâu nó được chế biến từ những cánh hoa của một vạn loài hoa thơm trên trái đất). Cuốn sách được giấu trong một bông sen bằng vàng. Khi muốn ước, chỉ cần nói: “Sách ơi, mở ra! Ước gì được…” là bông sen từ từ nở, một ánh sáng kỳ ảo, một làn hương lạ lùng bắt đầu tỏa ra và cuốn sách lấp lánh hiện trước mắt cho mình tha hồ ước, muốn gì được nấy. Chẳng hạn nói: “Ước gì tôi biến thành một con chữ đúc bằng vàng, còn bạn bè tôi mãi mãi chỉ là những con chữ chì”. Thế là trong nháy mắt, tôi bỗng sáng lóng lánh như ngôi sao mai, còn tụi bạn tôi thì khóc dở mếu dở vì cho đến hết đời chúng cũng chỉ là những con chữ chì đen xỉn.
Đấy, cuốn sách ước là như thế. Liệu trong Cung điện Ánh Sáng có không? Đứa bảo không, đứa bảo có. Riêng tôi, tôi tin có quá đi ấy chứ! Đã là một cung điện tuyệt vời như thế thì cuốn sách ước nào có thấm tháp gì!
Chúng tôi tranh nhau hỏi cô Sách Giáo Khoa, đứa nào cũng muốn phần đúng thuộc về mình. Cô Sách Giáo Khoa đang nhíu lông mày, cố gắng lắng nghe câu chúng tôi hỏi, chưa rõ đầu cua tai nheo ra sao, thì cô thợ xếp chữ đã chạy vào, reo lên sung sướng: “Đây rồi! Cuốn sách đây rồi! Thế mà tìm cuống lên, khắp nơi không thấy!” Cô Sách Giáo Khoa ra đi đột ngột, làm bao nhiêu câu hỏi không được ai trả lời. Bọn chúng tôi càng tranh cãi hăng hơn. Từ hôm ấy, Cung điện Ánh Sáng với cuốn Sách Ước luôn luôn ám ảnh tôi.
3. TÔI CẢM THẤY KHÔNG AI HIỂU NỔI MÌNH - NGƯỜI TA ĐÁNH GIÁ KHÔNG ĐÚNG VAI TRÒ, VỊ TRÍ CỦA TÔI - Ý NGHĨ LÀM MỘT CUỘC PHIÊU LƯU ĐÃ NẢY SINH NHƯ THẾ NÀO?
Tôi quyết định ra đi. Sống quanh quẩn ở nhà mãi, chán lắm. Khổ nhất là bị gò bó, lúc nào cũng phải sống trong một trật tự, mất hết thoải mái. Bạn bè chẳng ai hiểu tôi. Họ không đánh giá hết vai trò quan trọng loại A của tôi. Chữ A thì bao giờ cũng phải được ưu tiên đứng ở hàng đầu. Họ không hiểu điều đơn giản ấy, nhiều lúc cứ nhét tôi vào giữa, thậm chí vào cuối hàng chữ. Đã thế, cô thợ xếp chữ lại đứng về phe họ, hễ tôi vừa trồi lên đứng đầu hàng, là cô lại gắp tôi, nhét trở lại chỗ cũ. Ức không chịu được. Phải bỏ đi thôi! Tôi sẽ tìm được Cung điện Ánh Sáng và cuốn Sách Ước. Tôi sẽ ước sao được sống một mình, muốn làm gì, muốn ở đâu là tùy theo ý mình. Tôi sẽ bí mật lẻn đi. Tìm được Cung điện Ánh Sáng và cuốn Sách Ước rồi, tôi sẽ mời các nhà báo đến họp để công bố kết quả cuộc thám hiểm. Tôi sẽ kể lại thật tỉ mỉ quá trình đầy gian khổ để tìm Cung điện. Tôi cũng sẽ cho mọi người xem tất cả tranh ảnh, tài liệu nói về Cung điện. Duy chỉ có cuốn Sách Ước là tôi sẽ giấu kín. Bí mật! Phải tuyệt đối bí mật! Cuốn sách đó thuộc quyền sở hữu của riêng tôi. Nhưng như thế liệu có giảm bớt tiếng tăm không nhỉ? Không, chỉ riêng việc tìm ra Cung điện Ánh Sáng cũng đã nổi tiếng lắm rồi. Các báo sẽ ra những số đặc biệt nói về cuộc phiêu lưu của tôi. Người ta sẽ ca ngợi tôi hết lời. Nào là: “Một thành tích kỳ diệu: Ông A một mình tìm ra Cung điện Ánh Sáng”. Nào là “Một mình ông A đã lập được chiến công lừng lẫy!” Một mình! Một mình! Cái gì cũng một mình tôi, thật thú vị! Và càng thú vị hơn nữa là mình tôi chiếm được cuốn Sách Ước!
Càng nghĩ, lòng tôi càng náo nức hẳn lên. Viễn cảnh tươi sáng làm tôi ngây ngất. Không tài nào giữ được ý định thầm kín một mình, tôi buộc phải nói bung ra cho lũ bạn đều biết. Không phải vì tính tôi thích khoe, mà vì những ý nghĩ sôi sục quá làm người tôi nóng rừng rực, nếu không giải thoát chúng ra thì cái bụng chì của tôi đến chảy ra thành nước mất. Nghe tôi nói xong, khắp hộp chữ lại được một phen náo nhiệt. Lúc ấy tôi mới giật mình sực nghĩ đến nguy cơ, nếu không nhanh chân sẽ bị những đứa khác tranh đi mất. Nên thừa lúc mọi người còn đang nhốn nháo, “toách” một cái, tôi phóng đi.
Đã tự nhủ lần này rút kinh nghiệm không “bô lô ba la” nữa, phải tuyệt đối bí mật, nhưng không hiểu sao tôi không thể tự chủ được. Không biết sau này, khi đã tìm ra Cung điện Ánh Sáng, tôi sẽ được mọi người hoan hô nhiệt liệt thế nào, chứ bây giờ mới chỉ hé ra cái ý định ấy tôi cũng đã cảm thấy mình được ngưỡng mộ lắm rồi. Tôi đã qua một số nơi có anh em nhà chữ sinh sống, như qua lớp học, qua bưu điện, qua thư viện… đâu đâu người ta cũng hồ hởi đón tiếp tôi, chăm chú nghe tôi nói. Thấy mọi người nhiệt tình đối với mình, tôi càng thêm hứng khởi, quyết định thôi không la cà đây đó nhiều nữa, phải gấp rút đi ngày đi đêm, mong sao mau tới đích.
Ghi chú:
(1) Kịch bản được giải Nhất về phim cho thiếu nhi tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983.
(2) Tác phẩm được giải thưởng chính thức trong cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật cho thiếu nhi do Hội nhà văn Việt Nam và Ủy ban Thiếu niên và Nhi đồng Trung ương tổ chức năm 1968.
10-10-2008
Trần Hoài Dương
Nguồn: Trần Hoài Dương - Truyện chọn lọc. 
Nhà văn Triệu Xuân sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu. 
NXB Văn học, 2006.
Theo https://trieuxuan.info/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chúng ta đã tìm bình yên ở những đâu Khi đối mặt đại dịch Covid-19, càng hiểu thêm giá trị của cuộc giằng co giữa sự thật và giả dối tro...