Gió kéo đến từng đợt. Cát bụi cũng từng đợt vung lên, rơi lào
xào trên ghế, trên bàn và quất vào da thịt. Bãi biển nhộn nhạo. Đàn ông, đàn bà
và bọn trẻ chạy tìm những mẩu đá góc cạnh lèn chặt vào chân dù. Nhiều chiếc giữ
được thăng bằng, nhiều chiếc lảo đảo.
Ngồi dưới một chiếc dù to đủ che cho bốn chỗ ngồi, Thúy không
rời mắt khỏi mấy người bạn còn nghịch sóng. Những lượn sóng lớn như chiếc ghe
lườn chồm lên và trong chớp mắt như nhấn chìm tất cả, cuốn đi tất cả. Thúy biết,
biển thường nguy hiểm đối với những cặp mắt ngắm nhìn, xa lạ. Biển còn ấm áp và
mơn man dịu dàng trước cơn thịnh nộ. Tuy vậy, nhìn những đợt sóng ầm ào trắng
xóa, Thúy thấy lo. Cô muốn chạy xuống biển, gọi mọi người. Nhưng đống đồ lù lù
trước mặt, biết gởi ai?
Thúy đưa mắt nhìn quanh. Bên trái cô, một đôi tình nhân. Họ
chẳng để ý gì đến vẻ bồn chồn của người đàn bà bị kẹp dính vào mấy chiếc túi to
kềnh nhét đầy quần áo, xà bông, khăn khíu, thức ăn, nước uống; cũng chẳng biết
những đợt gió vừa kéo tới và bãi tắm đã thấp thoáng những lá cờ đen. Áp người
vào bộ ngực vạm vỡ của chàng trai, mềm như một con rắn, cô gái uốn tấm thân mảnh
dẻ và xoắn lấy cánh tay khỏe mạnh của người yêu. Bên phải cô là một gia đình, một
gia đình hòa thuận, Thúy đoán thế. Type gia đình thường thấy trên các bãi biển
và các khu du lịch vào ngày nghỉ. Họ vứt bỏ vướng bận vào ngăn tủ nơi bàn làm
việc hay dồn hết nhọc nhằn vào một xó nhà. Con họ, hai bé trai, cách nhau chừng
vài tuổi đang nghịch cát.
Điệu nhạc quen thuộc chợt vang lên. Thúy mở túi xách tay của
Liên, cầm chiếc Nokia nhỏ xíu vào áp vào tai. Giọng ồm ồm của một gã đàn ông:
- Em không mặc áo hai mảnh đó chớ? - anh ta không để người
nghe trả lời - nói luôn - nhớ đừng bẹo da bẹo thịt trước thiên hạ!
Thúy tắt máy. Chắc ông chồng Liên đang nổi giận. Anh ta hẳn
ghen với tất cả những ánh mắt ngắm nhìn vợ mình, ghen với chiếc dù, với con
sóng và với cả cái bóng của quá khứ. Thúy không hiểu sao Liên, từng là một cô
gái xinh đẹp, bướng bỉnh có tiếng lại tự nguyện biến thành vật sở hữu đáng
thương như thế.
Gió rượt đuổi từng hồi tuy không còn riết róng như khi nãy.
Thúy gỡ kính ra khỏi sống mũi. Cô thấy chói. Vẻ hỗn tạp màu sắc của quần áo tắm,
của nắng ngả chiều, của vô số người và bóng, ồn ào, lặng lẽ và chuyển dịch. Mặt
biển, chân trời, bãi cát như nhích lại, như đẩy ra xa.
Chuông lại reo. Lần này là điện thoại của Quỳnh. Móc được cái
Samsung cồm cộm từ trong túi vải có dây gút, vừa áp vào tai, Thúy
nghe:
- Em làm gì lâu vậy?
- Xin lỗi anh, Quỳnh nó đang tắm!
- Xin lỗi, xin lỗi... cô là Thúy phải không? - anh ta không
chờ câu xác nhận - Lát nữa về, cô bảo Quỳnh tìm mua một ít mực phơi sương, một
ít ghẹ, nhớ lựa loại thật ngon; à có ghé Cora mua mấy lạng phômai Pháp...
Khi ừ hử nghe dặn dò, Thúy hình dung ra khá rõ chân dung của
một kẻ thụ hưởng.
Lúc tắt máy, Thúy thở ra: "thật may cho mình!".
Thúy thấy mi mắt moi mỏi. Cô muốn nhắm mắt và hít thở gió biển.
Thúy vừa khép mắt mơ mơ, chuông điện thoại kéo cô bừng tỉnh.
Di động loại gì mà réo to hơn máy để bàn, Thúy làu bàu. Vừa áp máy vào tai,
Thúy nghe tiếng nói của một đứa trẻ:
- Con nhớ mẹ lắm!
- Su ơi, dì Thúy đây, mẹ con đang tắm!
- Biển có sóng hôn dì?
- Có.
- Sóng lớn cỡ chiếc gối ôm hôn dì?
- Lớn hơn chớ con, biển mà!
- Dì bảo mẹ con tắm in ít thôi, nghen dì?
Con gái nhỏ của Nhã nói như nài nỉ. Chính Thúy là quân sư
trong việc vẽ vời, khích bác để cả bọn thực hiện được trót lọt cuộc chạy trốn -
trốn con, trốn chồng, dù chỉ một ngày, một ngày cho riêng mình. Thúy nói
to:
- Mẹ con sắp lên bờ, Su đừng lo! Ở nhà ngoan chiều mẹ và dì
mua nhiều quà cho Su.
Thúy tắt máy. Lát sau, cô lại bấm đúng cái số vừa gọi đến.
Chuông vừa reo đã nghe tiếng líu lo:
- Mẹ ơi, con đây!
Thúy nghe được nhịp tim con bé.
- Mẹ con tắm một tí nữa thôi!
- Dì bảo mẹ lẹ lẹ, đi dì!
Con bé đã lo lắng. Thúy tìm cách trấn an con bé. Cô bảo gió
đã không còn thổi mạnh, sóng lăn hết vào bờ, mặt biển đã trở lại trong xanh, hải
âu tung cánh từng đàn và thấp thoáng những cánh buồm, có những cánh buồm đỏ thắm
hệt như truyện mẹ Su hay kể. Nhưng con bé không thèm nghe. Nó òa khóc:
Thúy hoảng hồn tắt máy. Cô giữ chiếc điện thoại di động trong
lòng tay, có cảm giác những giọt nước mắt nóng hổi chảy qua kẽ tay, rơi xuống
cát.
Những giọt nước mắt trong veo ấy ấm thật lâu. Lúc bên nhau,
có lần Thúy nói với Trí: "Em muốn có một đứa con!". Trí không ngỡ
ngàng. Anh nghĩ ngợi rồi nói: "Làm cha làm mẹ đâu có dễ. Với lại anh không
muốn bị ràng buộc!". Thúy nhìn theo những ngọn sóng trước mặt. Trí đó. Anh
là con sóng lười nhác. Cứ thỏa sức đùa giỡn, rong chơi, quên hải âu sẽ mỏi
cánh, quên cánh buồm sẽ tả tơi, quên tóc trên đầu rồi sẽ ngả màu
sương.
Điện thoại Thúy có tín hiệu. Cô lật đật mở xem. Một tin nhắn:
"Tặng em triệu đóa hoa hồng!". Thúy thấy dấu than ở cuối dòng chữ sao
giống dấu hỏi đến thế. Dấu hỏi cứ to dần như cái bong bóng đang được bơm hơi và
đột ngột vuột khỏi tay. Tiếc nuối nhìn theo cái dấu hỏi vô hình ấy, Thúy chỉ thấy
trời xanh, mây trắng và những chấm đen nhỏ như đầu đũa lặng lẽ di động dưới bầu
trời mùa xuân vời vợi.
Một triệu bông hồng, em đâu cần nhiều đến thế! -
Thúy thầm thì đủ cho Trí nghe. Lúc này cô chỉ muốn được nghe mỗi một câu:
"Anh nhớ em, anh cần em!", giản dị thế thôi, Thúy cũng đã đủ hạnh phúc
và có thể mãn nguyện mà... lao xuống biển bất kể bão tố hay cá mập.
Thúy muốn cho Trí biết điều ấy. Cô bấm số máy của Trí. Nghe
chuông đổ, Thúy vội tắt máy. Cô sợ nghe cái giọng hờ hững của Trí. Người ta có
thể nhắn hàng triệu lời yêu không có trong tim. Thúy sợ chút hy vọng sẽ tan như
khói. Cô ấn nhẹ vào máy những con chữ: "Gọi cho em đi!". Thúy nhận được
dòng chữ thật ngọt ngào: "Một triệu đóa hồng dành hết cho em!". Lòng
cô cồn lên những con sóng. "Em chỉ cần một bông hồng, một bông hồng cho suốt
cuộc đời!".
Liên, Quỳnh, Nhã chạy lên bãi cát cùng một lúc. Việc đầu tiên
bọn chúng cùng làm khi ngồi xuống ghế là móc điện thoại ra và rối rít gọi cho
con, cho chồng. Thúy cởi bỏ áo khoác, xăm xăm đi xuống bãi tắm.
Thúy đi như chạy. Cô hơi ngượng ngịu phơi làn da trắng ngần của
mình trước nắng, gió và những đôi mắt xa lạ.
Khi đắm mình trong nước, cô thấy được vuốt ve dịu dàng dù mặt
biển cuồn cuộn những đợt sóng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét