Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Khói hoàng hôn

Khói hoàng hôn
Lão Thằn thò đầu qua ô cửa kính trên căn gác lửng để gió thổi u u qua mặt. Cơn gió cuối mùa lạnh buốt tận xương nhưng lại cho lão cảm giác dễ chịu. Mưa lây phây phủ một làn sương mỏng lên khuôn mặt choắt hóp, già nhăn nheo. Ô cửa kính bợn màu nâu đỏ, hắt lên bầu trời bàng bạc thân hình xương xẩu, dài thườn thượt của lão. Thân hình già nua vắt qua ô cửa như một thanh củi mục bị sóng quất bầm dập, rồi đánh dạt vào triền cát không dấu chân người, rỉ mắt cáu bẩn vón cục nặng như hai hạt đậu đỏ, choèn trên mảng da tím, thâm xì.
Trời chuyển mưa bụi. Lất phất. Mưa giăng giăng trên những nóc nhà cao tầng. Mưa phủ trắng mái đầu chỉ còn vài sợi tóc lơ phơ của lão. Những sợi tóc cố bám víu, sống chặp vìu trên mảng da đầu teo xám. Đôi mắt choèn gỉ của lão cố gượng nhìn thành phố với những mảng màu bợt bạt. Nó thẳng tắp, khô khan, như những món đồ ăn sáng, ăn trưa đậy kín trong lồng bàn. Lão cố nhìn ra xa, thật xa. Nơi ấy, những mảng màu bầm nâu trải dài tít mắt, ngỡ như chạm cả bầu trời. Đằng xa, rất xa là những chấm xanh nhỏ, rất nhỏ. Lão đoán già đoán non, đấy là một cánh đồng. Rồi lão tự nhủ, không, nó là một nông trại trồng rau củ, nông trại có những chú bê non ghếch mõm trên những đống khoai mới dỡ, mũi mềm ướt nước khịt khịt. Âm thanh trong chiều muộn ấy dát vàng cả khung trời xanh mướt. Rồi, lão lại lẩn thẩn nghĩ rằng, tít đằng xa, rất xa ấy là miền quê yêu dấu của lão. Rốt cuộc thì lão tin, một niềm tin mãnh liệt, rằng những chấm xanh nhỏ li ti ấy là hai hàng cây mãn hảo, là lối ngõ hút dài... Mỗi khi ý nghĩ bùng lên và biến thành một cú rùng mình chạy dọc sống lưng chỉ còn trơ xương và da, lão lại nghe trái tim mình nẩy từng nhịp. Cảm giác ấy thật rõ, như nỗi nhớ khắc khoải, đau rát trong lồng ngực
Vậy nên, chiều nào lão Thằn cũng trốn lên căn gác. Nó là khoảng trống duy nhất, mảng xanh duy nhất trong thành phố sầm uất này. Lão để mặc cho mưa kết thành những mảng nhỏ trên mái tóc bạc trắng, lơ phơ. Đôi mắt mệt mỏi già nua sáng bừng lên khi mảng xanh thu trọn trong tầm mắt.
Khi lão thức dậy, nhà cửa đã vắng trơn.
Mà, lão đâu có ngủ. Xương khớp trên cơ thể teo khô như củi mục, đau nhức suốt cả đêm. Hết ngồi lại đứng, hết xoa rồi nắn nhưng cái đau âm ỉ tận cùng của cơ thể vẫn hành hạ lão. Giấc ngủ không làm bạn cùng lão. Ấy nên, ngày cộng vào đêm dài đằng đẵng, chen chật trong cuộc đời u buồn của lão.
Lão Thằn chậm chạp di chuyển về cuối hành lang. Nó dài hun hút và tối lù mù. Nhưng, lão không có khái niệm thắp đèn. Những bước chân trơn trượt, bồng bềnh không trọng lượng trên nền gạch đưa lão vào nhà vệ sinh. Ở đó, lão tỉ mẫn lau bộ răng giả màu nâu đục bằng chiếc khăn bông màu xám. Sau khi lắp gọn ghẽ vào chỗ cũ, lão xoa tay bằng dầu nóng, vỗ vỗ lên khuôn mặt đã nhăn nheo. Mọi việc lão cố tình làm thật chậm, thật chậm. Khi rời khỏi nhà vệ sinh, giở lồng bàn đậy bữa ăn sáng đặt trước sân nhà, đồng hồ mới chỉ con số bảy. Ôi trời, lão phải làm sao với quỹ thời gian dài đẵng đẵng trong một ngày? Vị chi lão phải chờ, phải ngồi không gần mười lăm giờ đồng hồ mới có người mở cửa. Trong góc phòng, trên chiếc ghế mây đã mòn vẹt, lão ngồi thu lu như một khúc gỗ đã mục ruỗng. Bây giờ mọi bộ phận trên cơ thể đều chống lại lão. Lão không còn sức để làm những việc vặt vãnh trong nhà. Mắt kèm nhem, tay chân run lẩy bẩy. Ngày qua ngày, lão cứ ngồi như thế, để mặc cho dòng cảm xúc chế ngự, xâm chiếm.
Vắng trơn, không cả một tiếng động nhỏ trong ngôi nhà ống dài hun hút, không cả bóng dáng của những con vật đáng ghét. Nhiều khi lão lẩn thẩn chờ một con muỗi chích vào chân, rồi mặc cho nó đốt. Chờ đàn ruồi vo ve trên bát cơm có thịt, hay chú chuột chù sượt qua phòng khách làm niềm vui. Những khi ấy, đôi mắt đùng đục chạy đầy những tia dưới cặp mắt đỏ, sưng húp, đầy ghèn rỉ lại hơi nhướng lên, bàng bạc chút ánh sáng. Đôi mắt luôn bứt rứt, hấp háy trên khuôn mặt nhăn nheo đờ đẫn nỗi muộn phiền da diết.
Con trai và con dâu lão làm việc trong công ti may mặc xa gần bốn mươi cây số, đi và về bằng xe buýt. Chúng không có ngày chủ nhật. Một năm nghỉ đúng mười ngày cả tết âm và tết dương. Sáng, năm giờ đã có mặt trên xe, chiều tám giờ tối mới ở nhà. Đồ ăn uống cả ngày của lão được cô con dâu chuẩn bị và đậy sẵn trong lồng bàn
Con dâu lão là đứa tử tế. Không được ăn học đến nơi đến chốn nhưng mọi phép tắc lễ nghĩa trong nhà nó xử sự không chê vào đâu được. Thằng con trai lão cục tính. Mỗi khi thấy chồng xấm xắng, cô con dâu lại nhẹ nhàng xoa xoa cục u nổi trên vai lão, nói:
- Nội gánh phân gánh mạ nuôi anh, nổi u nổi ụ đầy vai đây này!
Lão cười. Lão không giận được chúng nó. Cũng như mười ba năm về trước, lão không thể từ chối con trai, con dâu một chuyện động trời.
Chuyện đó, cái chuyện động trời ghê gớm đó, lão chưa từng nghĩ đến! Đấy là việc lão buông bỏ, phó mặc vì nghĩ đến con, đến cháu.
Lão Thằn chẹp chẹp miệng, buông tiếng thở dài nặng như đá đeo. Lão đưa mắt nhìn ra xa mường tượng có một ngọn khói mỏng đang ngoằn nghèo bay lên. Mười bảy năm về trước, lão còn vậm vạp, chân tay săn bóng. Thân hình rám mùi bùn đất, dẻo dai như cây chìu cây chác. Nhớ những mùa lũ lụt, nước dâng cao mà mưa thì không ngớt, lão phải ngâm mình giữa dòng nước bạc suốt cả ngày để neo lại các vật dụng trong nhà. Đến bữa trưa, lão ghếch đầu lên đụn rơm ăn hết cả hai lon gạo.
Ngày thường, đám trai làng làm ruộng theo lão đứt đuôi. Vợ mất, lão dằn bụng ở vậy nuôi con. Thằng con trai hết nghĩa vụ quân sự, vào Nam làm công nhân. Nó có gia đình và một con vợ người Nam. Ngày con dâu gần ở cữ, hai đứa về quê, nhất quyết mời lão vào trong đó, như chúng nói, để tiện phụng dưỡng, báo hiếu. Lão kiên quyết từ chối. Mà, đã bao giờ lão có ý nghĩ bỏ nơi đây? Ngoài triền núi là nơi cha, mẹ nằm, là nơi vợ lão đã chờ lão bao nhiêu năm. Lối ngõ có hai hàng cây mãn hảo in dấu chân tuổi thơ của lão. Những đứa bạn chân trần ngày ấy giờ không còn ai, nhưng, mỗi lần khua lá xào xạc, chúng lại về trong kí ức… Thằng Thành thấp lũn đũn, da bóng sạm nhưng chơi đánh đáo rất cừ. Mỗi lần vung “cái chì”, thế nào cũng ấp trúng những đồng xu bóng nước. Cái Mơ, cái Gái khéo tay. Chúng cứ chụm ba hòn gạch và một chiếc nồi vỡ trên lối ngõ rợp bóng lá nhà lão là thế nào cũng có cái để ăn. Khi thì lạc rang, ngô rang, khi khoai luộc, sắn nướng. Có bận, cả hội bọc đất nướng cá, nướng ễnh ương… Lão chẹp nhẹp, nước miếng tứa ra đầy miệng. Mùi vị ấy đến bây giờ lão vẫn không quên nổi. Rồi những trưa hè gió lào trắng đất, chàng trai mới lớn tên Thằn là lão hẹn hò cô gái làng bên dưới cây ngô đồng ở giữa làng để rồi không nói được câu nào, chạy về nhà, rúc vào đống rơm đấm ngực tức tưởi tự mắng mình…
Lão khục khặc ho. Tiếng ho húng hắng như cố nín nhịn. Tiếng ho khao đục và khản đặc trong cổ họng. Tiếng ho tức tối và ngột ngạt làm cho khuôn mặt choắt hóp, già nua của lão teo tái như quả chanh bị vắt kiệt nước rồi ném lên mặt đường khô khốc. Lão nhớm người trên ô cửa kính. Thân hình lão bị cơn ho kéo gập xuống, co quắp như chú tôm vênh cong trên lò than đỏ rực. Khi lão ngẩng lên, bầu trời xám ngắt tối sầm lại. Từ đôi mắt ghèn gỉ của lão chuồi ra hai giọt nước lớn. Hai giọt nước màu tro lạnh rớt xuống nền xi măng rồi tan biến trong đống lổn nhổn của bụi bặm và nhớt nhát. Ấy thế nhưng, lão vẫn cố rướn người lên ô cửa kính ngóng mắt tới những chấm nhỏ li ti. Những chấm xanh tít tắp ấy là nơi đằm đượm cuộc đời của lão. Ở đó, mỗi ngày lão gom lá không biết đến bao nhiêu lần. Lão thấy bà Thằn đội nón có chiếc quai màu hồng phấn. Đôi gò má bà ửng đỏ, mồ hôi rịn lấm tấm sau lần áo mỏng. Rồi bà cười khanh khách như trẻ nít. Mỗi lần đi chợ về, thể nào bà Thằn cũng ngồi xuống nơi bậc tam cấp. Hai cha con lão sà xuống, xuýt xoa nhìn những món đồ mà bà từ từ giở ra. “Eo ôi, hôm nay tôi mua được mớ tép vừa tươi vừa rẻ mình à. Mà mình này, chị bán cá vui miệng đáo để! Chị ấy nói hình như có quen mình. Tiền chưa có nhưng tôi đánh liều mua cho mình và thằng cu mỗi người một chiếc áo mới. Mà áo mình cũng rách hết rồi còn gì? À, còn đây là bánh ấp gạo đỏ, mình và cu con ăn đi cho nóng. Mua của bà Sương xóm bên đây. Bà ấy đổ bánh đến là khéo…”. Hai cha con lão ngẩn người ngồi nghe. Lời sánh như mật. Riết rồi quen. Quen rồi ghiền, ghiền nặng cái khung cảnh dịu dàng của những buổi sáng mai, bà Thằn vận đồ bà ba màu gụ nhuộm bằng nước củ nâu, đội nón lá có chiếc quai màu hồng phấn, vung vẩy hai tay với chiếc mủng trên đầu. Nụ cười sáng trắng dưới vành nón chênh chao, nụ cười chung chiêng dưới hai hàng cây mãn hảo, nụ cười dừng lại, xiết đỗi yêu thương nơi thềm nhà đầy nắng. Nụ cười sà xuống, mãn nguyện nơi những món đồ lần lượt được xếp ra, nơi lồng ngực để trần rắn đanh của chồng.
Nụ cười ấy khắc dấu vào cuộc đời của lão.
Khôn nguôi nuối tiếc và ăm ắp nhớ nhung, ấy nên, bảo làm sao mà lão đi cho được? Ngôi nhà này, lối ngõ này, bầu không khí này gắn chặt với cuộc đời gian truân, khó nhọc của lão. Bà Thằn mất khi lão mới ba mươi ba tuổi. Cái tuổi ăn xiêu vò, xiêu máng. Cái tuổi ngùn ngụt lửa. Vậy mà, lão phải dằn nó xuống. Dằn xuống để nuôi con. Làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Treo hái là bỏ trúm, bỏ câu đày. Phải đi bộ rạc cả chân, đi bộ từ khi gà lên chuồng đến khi gà sắp gáy sáng mới bỏ xong ống trúm. Ngày mưa gió thì đan rổ rá. Bao nhiêu năm làm công việc ấy, ngồi đúng chỗ ấy nên cột nhà hằn nguyên cả tấm lưng có cục u to như bắp chuối. Lão khẽ mỉm cười khi nhớ lại, những hôm chợ phiên, chợ chiều, anh chàng Thằn ngồi chuầy choà trên tấm lá chuối lót vội, miệng bậm lại chạng chân đong từng bát ô tô gạo. Ngày ấy gạo không cân như bây giờ. Chợ quê bán đủ mọi thứ, trong đó có gạo. Mỗi phiên chợ chính, để có tiền tiêu vặt, người ta lại xớt ra một vài bát gạo để bán. Gạo được đong bằng bát sắt to, thường được gọi là bát ô tô. Do vậy, tuỳ theo cách đong của từng người mà số gạo có sự chênh lệch. Miếng cơm manh áo của hai cha con buộc anh chàng Thằn phải học đong gạo. Đong làm sao ngoạm được cả phần trên của bát. Mỗi lần đi chợ, nhìn thấy anh chàng Thằn với chiếc bát ô tô, gái làng lại xúm vào trêu. Có người nhờ đong hộ. Những khi ấy, chàng ta cười hiền lành, chạng chân hai bên thúng gạo đong sớt một cách thuần thục…
Ôi chao là kỷ niệm! Càng cơ hàn càng nhớ, càng không thể dứt ra. Có thể một ngày không uống ngụm rượu nào, nhưng anh chàng Thằn không thể không vòng qua cái chợ có đủ thứ quà quê, đủ câu chuyện quê và vô vàn mảnh đời cơ cực. Người ta mời mua, người ta biếu một miếng trầu có quệt vôi tôi trắng đục. Người ta khen dạo này da dẻ hồng hào. Có chị chép chép miệng, nói như là cố ý để tới tai: “Người đâu mà thích thế không biết! Chẳng bù cho lão chồng nhà này…”.
Trời đã về chiều. Gió nhớt nhát trườn qua những ngôi nhà cao tầng. Những mảng vôi khê vàng thở phì phọt trong bầu không khí ảm đạm, rét mướt. Trên khung cửa sổ của căn gác xép, lão Thằn lại ôm ngực ho khùng khục. Tiếng ho tắc nghẽn, rít sền sệt, âm thanh khê nồng, thum thủm như mùi lông ngựa cháy. Lão há miệng ngáp ngáp. Lão thở một cách khó nhọc, lão nuốt không khí bằng hố miệng đen ngòm chỉ còn vài ba chiếc răng lổn nhổn. Khung cửa kính hắt hằn lên gương mặt lão những vệt sáng sẫm màu. Những vệt sáng cuối cùng trước khi bóng tối sập xuống. Vệt sáng ấy đang đưa lão đi… xa mãi về ngôi nhà thân thương của mình. Lão thấy một gã đàn ông góa vợ đang vun lá và châm lửa đốt. Mùi lá ấm, cay nồng. Khói từng bụm loang tan trên những tán cây trước ngõ. Đó là khoảnh khắc nhiều tâm trạng nhất trong ngày, là giây phút duy nhất gã đàn ông đó dành cho mình. Gã ngồi xuống bậc tam cấp, nơi vợ gã thường ngồi mỗi sáng đi chợ về. Gã quờ tay, nghe hơi thở đằm đượm và nụ cười sáng trắng của vợ. Thấy bàn chân khoẻ khoắn của cậu con trai nơi đất khách, xứ người. Giây phút ấy, gã cho phép mình thôi cứng cỏi. Gã yếu mềm để cho những giọt nước mắt chuồi ra, yếu mềm hít hà mùi khói len lên chậm rãi trên rặng cây của lối ngõ hút dài. Giây phút ấy luôn là cảm giác cô đơn và buồn tẻ. Gã vừa thích, vừa sợ nó. Rồi gã vội vã đi vào nhà. Vội vã châm đèn. Vội vã cho lợn ăn, đóng chuồng gà. Vội vã dọn cơm ra chiếc mâm đã bóng nước.
Bóng tối đã sập xuống nhưng lão Thằn không có ý định rời khỏi khung cửa sổ của căn gác xép để xuống nhà. Lão đăm đăm nhìn vào khoảng không tối om và chợt nghĩ, nếu như bây giờ được quyết định lại thì lão có vào đây với chúng không?
Sau bận lão không đi, thằng con lão không còn nói gì về chuyện bán nhà cửa theo chúng vào Nam. Đùng một cái, thằng cháu hai tuổi bị thương hàn không cứu được. Là vì chúng nghèo. Nhà trọ mười sáu mét vuông thấp đũn, nắng thì nóng chảy mỡ, đông thì lạnh thấu da. Thằng cháu đích tôn của lão lên cơn sốt hầm hập, miệng lưỡi tưa trắng, đưa đến bệnh viện hai ngày rồi mất. Năm sau, thằng con lão đổ bệnh buộc lão phải khăn gói lộn vào Nam. Thằng con lão không kêu lão bán nhà, bán đất nhưng trong đôi mắt đã tắt lửa, đôi mắt trống hoác, lão đọc được lời kết tội. Ánh mắt ấy như dao, cứa vào tim lão rịn máu! Lão đã cố kìm giữ cảm xúc, cố quên tất cả để vì con mà sống! Ngần ấy năm lão đã làm được. Bây giờ, lão đã gần đất xa trời, còn gì nữa đâu mà tiếc nuối.
Vậy là lão xuôi. Lão buông bỏ!
Năm ngày sau khi kêu bán vườn, bán nhà, người ta chồng tiền không thiếu một xu. Lão như người không trọng lượng, hoang hoải lên chuyến tàu thống nhất lúc mười hai giờ đêm.
Năm đó lão tròn sáu mươi hai tuổi.
Mười mấy năm theo con vào Nam, không biết mấy trăm lần lão thò đầu qua ô cửa sổ, để gió nắng mơn trớn gương mặt già nua, khắc khổ. Trong sâu thẳm lòng mình, lão chờ đợi, lão khát khao một làn khói mỏng len lên trong bóng hoàng hôn. Len lên từ những chấm xanh nhỏ li ti. Những chấm xanh mà lão tin, nơi ấy là miền quê lão hằng nhung nhớ. Trong đôi mắt ghèn gỉ, mờ đục lão nhìn thấy hàng mãn hảo thẳng tắp, xanh ngợp.
Hàng trăm lần ông lão Thằn thò đầu qua ô cửa sổ, hướng mắt tới những chấm xanh nhỏ li ti trong bóng chiều buông muộn để mong chờ một phép nhiệm màu.
Gió cuối mùa chấp chưởi trườn qua những góc nhà cao tầng. Gió quất vào mặt lão Thằn rát buốt. Gió u u thổi sượt qua mặt, gió làm tóc lão bết dính vào da đầu bạc phếch, nhăn nheo. Hơi gió mặn và nồng cho lão biết, năm lại sắp qua đi. Đã là ngày hai mươi hai tết rồi còn gì! Ngày này ở quê, nhà nhà đều rậm rịch. Ngày này ở quê, lão thường xuyên gom lá rụng, ngày gom đến mấy lần và châm lửa đốt khi chiều về. Lão ngồi nơi bậu cửa, nghe tiếng lửa reo tí tách. Trong làn khói mỏng loang tan, lão thấy bà Thằn đầu đội mủng có bánh đúc gạo đỏ, có thẻ hương trầm, có bơ cốm xanh nõn… Bà cười với cha con lão, bà ngồi nơi bậu cửa, giở từng thứ, từng thứ một.
Giây phút ấy, lão cho phép mình sống chậm, duy nhất khoảnh khắc ấy. Khoảnh khắc ngày sắp qua. Người lão đẫm hương khói, da thịt lão được ướp bởi cái vị nồng ấm thân thương ấy. Mọi muộn phiền, bươn chải của cuộc sống thường nhật bị cuốn theo làn khói ấm, nồng cay.
Lão nhớ! Nhớ phiên chợ với bánh đúc gạo đỏ nóng hổi ăn kèm viên đậu chao hành mỡ to bằng quả trứng. Lão nhớ, bà Thằn làm vỡ viên đậu trong bát nước mắm cay tạo thành một thứ nước sền sệt. Bánh đúc gạo đỏ chấm thứ nước sền sệt ấy thì ngon không tưởng nỗi. Lão nhớ! Nhưng, không bao giờ lão về được nơi đó, chẳng bao giờ lão về được nữa rồi!
Chỉ có khi lão chết đi.
Mà, khi lão chết, các con lão cũng không thể đưa lão về! Đưa lão về sao được khi mỗi tháng, dù chúng đã vắt kiệt sức mình, chi tiêu dè xẻn cũng chỉ dư được dăm trăm ngàn đồng! Về làm sao được khi hàng trăm thứ bà rằn cần đến tiền khi lão ngã sự. Mà, lão thì không thể tự mình vượt trăm núi nghìn sông để về Nơi ấy!
Về Nơi ấy! Nơi ấy bây giờ ở đâu trong khoảng không gian ngồn ngột, san sát nhà cửa? Nơi ấy bây giờ ở đâu khi vuông trời trên đầu lão là mảng màu xám tối của căn nhà ống dài hun hút? Lão không xác định được phương hướng. Và mình lão, nếu chết đi rồi, lão sợ cũng khó tìm về được Nơi ấy.
Ông lão Thằn thò đầu qua ô cửa trên căn gác lửng. Gió lạnh hun hút giúp lão biết mình vẫn còn sống. Lão rên lên khe khẽ, mắt nhắm lại để cảm nhận mùi nắng, mùi gió, mùi ngai ngái như là mùi bùn đất mà đêm ngày lão nhung nhớ. Suốt ngày lão bị nhốt trong căn nhà ống đục lờ nhờ, ăn đúng món ăn ấy, ngồi đúng góc cửa ấy. Cả năm trời, lão không cần dùng đến ngôn ngữ. Lưỡi trong miệng lão có cảm giác như bị co lại. Khi lão chưa thức giấc, vợ chồng con trai lão đã vội vã lên xe để đi làm. Chúng không ăn trưa, không ăn tối tại nhà. Đến khuya lơ khuya lắc, vợ chồng con cái mới kéo nhau về. Khi ấy, lão đã leo lên giường, gân cốt mỏi nhừ và không muốn động chân động tay. Rồi lão thiếp đi. Trong giấc ngủ nặng nhọc, lão cố ru mình chìm vào thế giới cổ tích, thế giới mà ở đó, có bà Tiên tóc bạc trắng như cước. Đôi cánh của bà Tiên dìu lão đi qua những làn sương mỏng, qua bao nhiêu núi, qua bấy nhiêu đèo. Để rồi, đôi cánh thần tiên ấy giúp lão trở về, đứng vững chãi giữa hai hàng cây mãn hảo, hít hà mùi khói loang tan trong chiều muộn. Nhưng, hàng đêm lão đều không thể chợp mắt. Tiếng rậm rịch từ phòng vợ chồng anh con trai, tiếng bực bội dấm dắng của cô con dâu. Chúng cũng đến là khổ, cũng có sung sướng gì hơn lão đâu. Vậy nên, hằng đêm lão cố gắng nằm im, cố gắng thở thật khỏe khoắn. Để chúng không phải lo nghĩ, không phải vướng bận vì lão.
Ngôi nhà ống dài hun hút, không cửa sổ đóng kín cả ngày lẫn đêm. Nó được xây bằng tiền bán đất, bán nhà cộng với số tiền tiết kiệm của lão và vợ chồng thằng con trai. Ngôi nhà không có sân, chỉ chừa khoảng hai mét để làm nơi phơi quần áo. Ngày lão mới vào, cổng sắt còn có những ô nhỏ bằng hai bàn tay. Khi buồn quá, lão thường áp mặt vào song cửa, nhìn những tấm lưng đẫm mồ hôi, hối hả để kịp chuyến xe đò, hối hả về nhà sau một ngày mệt nhọc. Đôi mắt lão ghèn rỉ, vón cục, khô hoảnh nước mắt. Ước chi lão khóc được. Khóc một trận cho buồn tủi, muộn sầu chất chứa chảy hết ra ngoài.
Ông lão Thằn chậm chạp lần mò trong bóng tối. Có cảm giác, con người khổ đau ấy đang nếm thật chậm rãi nỗi cô đơn. Tự nhiên lão rùng mình. Một cơn lạnh chạy từ đỉnh đầu, chạy dọc xương sống tới gan bàn chân. Cơn lạnh làm mắt lão như díp lại, hai bàn tay không còn cảm giác. Trước mắt lão là những đốm lửa nhỏ li ti. Những đốm lửa nhảy múa, chờn vờn. Những đốm lửa đưa lão lên tít xa. Lão cố gắng mở to mắt, cố thu vào trong ấy những chấm xanh nhỏ phía xa tít kia! Đã hai hai tết rồi còn gì, đã là ngày người quê lão ngúm lửa từ chập chiều. Đã là ngày trẻ con, người già xúng xính áo quần xanh đỏ, đứng chật đường những phiên chợ!
Đã là ngày lối ngõ ấy mướt mát hai hàng cây mãn hảo, là ngày lão gom lá để đốt khi ngày sắp qua.
Đôi mắt choèn gỉ của lão chuồi ra hai giọt nước màu gió lạnh.
20-9-2018
Tống Phù Sa
Nguồn: vannghequandoi
Theo https://trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chúng ta đã tìm bình yên ở những đâu Khi đối mặt đại dịch Covid-19, càng hiểu thêm giá trị của cuộc giằng co giữa sự thật và giả dối tro...