Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

Quê nghèo - Phạm Duy

Quê nghèo - Phạm Duy
Tôi yêu dân ca và tình ca của Phạm Duy. Với tôi, không ai viết dân ca hay hơn Phạm Duy. Nhưng xin được mở dấu ngoặc, tôi không muốn đưa con người vào tác phẩm. Tôi xin được tách rời đời sống bình thuờng của một tác giả - nhất là một nhạc sĩ hay thi sĩ - ra ngoài tác phẩm của họ! Tôi có thể không thích một thi sĩ nào đó về tư cách hay đạo đức nhưng không vì thế mà tôi chối bỏ thơ của họ nếu đó là thơ hay.
Một trong những bản nhạc về quê hương hay nhất là Quê Nghèo. Có lẽ quê của chúng ta đa số là nghèo. Nhất là vào những thuở xa xưa. Khi chiến tranh còn đang tiếp diễn. Khi nô lệ còn đang ngự trị. Nếu tả quê nghèo thì hẳn là môt em bé nào đó chỉ viết được: quê tôi nghèo lắm toàn nhà tranh vách đất, quanh năm thiếu ăn. v.v…
Nhưng với tác giả, qua nhạc thì đã lột tả được quê nghèo bằng những ngôn ngữ thần kỳ, những ca từ bình dị mà thấm đẫm vào lòng người nghe.
Đoạn mở đầu là những giòng nhạc trầm buồn, tha thiết:
Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có nhưng cánh đồng cát dài
Có luỹ tre còm tả tơi
Ruộng khô có nhưng ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có nguời bừa thay trâu cày
Từ lời giới thiệu, làng tôi không xa kinh kỳ lắm. Đến đặc tả hình ảnh tượng trưng nhất cho vùng quê: cánh đồng, lũy tre, trâu… Thế nhưng để là quê nghèo thì lũy tre đã còm tả tơi! Rồi những ông già, thay vì chống gậy trên đường làng quanh co thì là áo rách vai đang cuốc đất. Cuốc đất bên ai? bên đàn trẻ gầy! Không một ai có thể vẽ lên hình ảnh một quê nghèo tuyệt vời đến vậy. Và câu cuối của đoạn một là một tiếng kêu thống thiết. Có nguời bừa thay trâu cày! Còn gì nghèo hơn khi con người đã thay trâu để cày?
Đoạn 2:
Bình minh khi sương rơi mờ trên rẫy
Thấp thoáng bóng người bên ngòi
Tát nước với giọt mồ hôi
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầy...
Sau lời giới thiệu tổng quát về quê nghèo, nhạc sĩ đã đưa người nghe vào hình ảnh một ngày ở quê nghèo. Khi bình minh lên, sương rơi mờ trên rẫy? Tôi dám cá khi tả cảnh quê vào buổi sáng thì ai đó chỉ viết: Khi bình minh vừa ló dạng trên cánh đồng hay… gì gì đó. Chứ không thể nào tìm ra từ sương rơi mờ trên rẫy được cả? Rồi tát nước với giọt mồ hôi?
Tát nước dưới đêm trăng là một hình ảnh đẹp đã đi vào thi ca:
Hỡi cô tát nuớc bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
Nhưng ở đây, chúng ta đã đuợc ”xem” hình ảnh tát nuớc mà mồ hôi nhỏ giọt!
Rồi sao? Buổi chiều, thường chúng ta được “nghe" nào chiều tà, hoàng hôn buông rủ, nắng quái chiều hôm... Nhưng ở đây, đến nắng chiều ở quê nghèo cũng... thoi thóp!.
Thoi thóp trên vài luống khoai!... không phải thoi thóp trên giàn hoa thiên lý! Mà là luống khoai. Để rồi, hình ảnh đau thuơng, bi thảm mà nhói buốt trong lòng người nghe là vui vì nồi cơm ngô đầy! Không phải vui vì lúa trĩu đầy đồng. Mà mẹ cười chỉ vì nồi cơm độn ngô được đầy cho con cháu! Quả là nghèo quá?!. Vui chỉ với nồi cơm độn ngô!
Vào điệp khúc 1:
Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi
Để cho cô con gái không buồn vì gió Đông
Bao giờ cho lúa về đầy sân, hỡi em (lúa ơi)
Để cho anh trai tráng được gần người gái quê.
Từ những âm thanh buồn vì quê nghèo, ta vào điệp khúc rộn rã vui tươi với những ước mơ thật bình dị của người quê: xin cho lúa được mùa luôn. Và ở đây, nhạc sĩ đã bắt đầu cho vào tác phẩm chút tình lứa đôi: xin cho lúa được mùa để anh trai tráng được gần người gái quê. Không phải được mùa để hội hè, để “tháng giêng là tháng ăn chơi“ mà chỉ rất tầm thường nhưng đầy nhân bản: cho em gái không buồn vì gió đông!.
Đoạn 3:
Làng tôi luôn luôn vương vài đám khói
Những mái tranh buồn nhớ người
Xơ xác điêu tàn vì ai
Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
Có tiếng o nghèo thở dài
Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi.
Lại trở lại với âm thanh cũ. Bây giờ là nỗi buồn nhè nhẹ. Nhưng mái tranh buồn nhớ người và xơ xác điêu tàn vì ai?. Nhạc sĩ lại đưa một từ rất chân quê vào đây là từ o nghèo = tiếng o nghèo vỗ về con trẻ. Đoạn 2 là tả buổi chiều. Đến đoạn 3 là vào đêm. Đêm không nghe tiếng tre xào xạc, không nghe chó sủa trăng, không có bóng thôn nữ tát nước mà... không một bóng trai (những người trai đã ra đi vì chinh chiến!), để rồi giữa đêm khuya khoắt chỉ là tiếng o nghèo vỗ về trẻ thơ!.
Đoạn 4:
Từ khi đau thương lan tràn sông núi
Quê cũ đã nghèo lắm rồi
Thêm đói thêm sầu mà thôi
Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi
Mơ thấy bên lề cuộc đời
Áo dài đùa trong nắng (tiếng) cười...
Đến đây nhạc sĩ mới đưa người nghe vào thăm quê hơn nữa. Kể lể khúc nhôi. Từ khi chinh chiến, quê nghèo chỉ thêm đói thêm sầu! Nhưng... với khát vọng sống của con người chân quê, nhưng ước mơ đơn giản, người quê trong lúc đói khổ chỉ biết mơ! Mơ gì? Nhạc sĩ vẽ lên những hình ảnh thực tế - trăm họ tốt tươi - rồi bỗng vút thành mơ mộng, quá đỗi mơ mộng - mơ thấy áo dài đùa trong tiếng cười!.
Ở vùng quê chỉ mặc áo dài khi sung túc, hội hè. Áo dài đùa trong tiếng cười phải chăng lại là một hình ảnh mơ trai tráng được gần gái quê? Tôi rất thích câu cuối xuống dịu dàng “áo dài đùa trong tiếng cười“. Vâng, nếu cho tôi ao ước điều gì cho quê nghèo thì cũng chỉ xin áo dài đùa trong tiếng cười!. Áo dài không chỉ đùa trong nắng vàng mà phải đùa trong tiếng cười. Môt câu có đầy đủ cả hình ảnh và âm thanh để diễn tả niềm mơ bình dị.
Tôi chỉ không hiểu lắm ở danh từ tốt tươi? Trăm họ tốt tươi? Tốt tươi là ám chỉ cây trái, vườn tược. Trăm họ tốt tươi là gì?. 
Vào điệp khúc 2:
Bao giờ em trở lại vườn dâu, hỡi em
Để cho anh bắc gỗ, xây nhịp cầu (anh) bước sang
Bao giờ cho nối lại tình thương, hỡi ai
Để em ra bến vắng, đón người người (chàng chàng) chiến binh.
Nhạc sĩ lại để cho nhạc reo với tình tự trai gái. Chỉ đơn giản thôi. Bao giờ em trở lại cho anh bắc gỗ xây nhịp cầu? Rồi bao giờ chiến binh lại trở về cho em ra đón?
Chỉ là một bản nhạc nói về quê nghèo. Nhưng nhạc dịu dàng, ca từ đẫm lệ (còm tả tơi, rách vai, o nghèo, hiu hắt, thoi thóp) đến thơ mộng (không buồn vì gió đông, áo dài đùa trong tiếng cười, xây nhịp cầu bước sang...) đã làm cho người nghe phải bồi hồi, rung cảm đến tận tâm can.
Qua bản Quê Nghèo, chúng ta lại thấy một lần nữa, ngôn ngữ tiếng nước ta (tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi!) quả là phong phú. Vẫn đủ để diễn cảm. Không cần đến những gì cao siêu bí hiểm. Không cần đến những cỏ bồng, phiêu lãng, non cao, thác đổ... Chỉ là o nghèo bùi ngùi, chỉ là áo dài đùa trong tiếng cười mà đã vẽ lên đầy đủ một quê nghèo. Qua Quê Nghèo, một tác phẩm viết từ thời tiền chiến, tôi chỉ muốn được xin phép nói với các nhạc sĩ thời nay: Ngôn ngữ Việt không thiếu. Xin các vị hãy xem nhiều hơn, đọc nhiều hơn, đi nhiều hơn, sống thực hơn để cống hiến cho đời, những bản nhạc sống mãi hay ít ra cũng sống được mười năm!.
Xin đừng tra tấn chúng tôi bằng những ca từ không thật như: Chảy đi sông ơi? (Sông thì phải chảy? không chảy thì làm sao là sông?). Rồi sau đó lại rống lên: ‘‘Ơi con sông ngàn năm vẫn chảy?!!!”
hay thô thiển vụng về như:
Đường phố ơi hãy im lặng cho hai người hôn nhau?!!!!!
Nghĩ đến nhạc bây giờ thì tôi thấy nhiều bài ca từ rất sống sượng vô hồn đôi khi còn lặp đi lặp lại những từ nhạt nhẽo phản cảm, nhạc và lời chả ăn nhập gì với nhau cả.
(Hoàng Lan Chi)
Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre còm tả tơi
Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cầy
Bình minh khi sương rơi mờ trên rẫy
Thấp thoáng bóng người bên ngòi
Tát nước với giọt mồ hôi
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười

Vui vì nồi cơm ngô đầy...
Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi
Để cho cô con gái không buồn vì gió Đông
Bao giờ cho lúa về đầy sân, lúa ơi

Để cho anh trai tráng được gần người gái quê.
Làng tôi luôn luôn vương vài đám khói
Những mái tranh buồn nhớ người
Xơ xác điêu tàn vì ai
Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
Có tiếng o nghèo thở dài
Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi
Từ khi đau thương lan tràn sông núi
Quê cũ đã nghèo lắm rồi
Thêm đói thêm sầu mà thôi
Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi
Mơ thấy bên lề cuộc đời
Áo dài đùa trong tiếng cười...
Bao giờ em trở lại vườn dâu, hỡi em
Để cho anh bắc gỗ, xây nhịp cầu bước sang
Bao giờ cho nối lại tình thương, hỡi ai
Để em ra bến vắng, đón chàng người người chiến binh.

https://www.youtube.com/watch?v=fG8lKgjs3Bg
https://www.youtube.com/watch?v=zAOa3RTeidw
https://www.youtube.com/watch?v=FOr1_BajKJU
https://www.youtube.com/watch?v=wZWiXLreViA
 
Hoàng Lan Chi
Theo https://www.facebook.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xã hội đương thời trong tác phẩm tâm huyết nhất của Nhất Linh

Xã hội đương thời trong tác phẩm tâm huyết nhất của Nhất Linh Có thể nói, tham vọng về một cuốn tiểu thuyết đào sâu vào đời sống xã hội đạ...