Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Bình “Đào lê mỹ tửu” của Thạch Lam

Bình “Đào lê mỹ tửu” 
của Thạch Lam
Nếu bây giờ Thạch Lam còn sống, tôi không ngần ngại gì mà không nói thẳng rằng tôi hối hận vì một cử chỉ của tôi đối với anh. Tôi biết nói thẳng như thế thì Thạch Lam vừa ý. Là vì tôi nhớ lúc sinh thời, anh có giữ ở báo Ngày Nay một mục ghi những ý kiến về văn nghệ, trong đó có nhiều lần anh nhắc đi nhắc lại rằng điều cần thiết nhất của một nhà văn là phải thành thực, có thành thực thì văn mới cảm hóa được người xem. Tôi cũng nghĩ như anh vậy. Bởi thế hôm nay, viết một bài tưởng niệm anh, tôi thành thực nói ra một sự việc mà hồi còn mồ ma báo Phong Hóa, Ngày Nay cho tới khi anh mất, tôi vẫn giữ kín ở trong lòng, không viết mà cũng chẳng nói với ai. Đây là một dịp để cho tôi cởi mở nỗi thầm kín đó. Tôi nói thẳng: tôi đã hối hận trong nhiều năm chỉ vì Thạch Lam đã có một cử chỉ đẹp quá đối với tôi, mà tôi thì có một lúc lại coi anh như kẻ thù.
Nhớ lại cuộc cách mạng xã hội của nhóm Ngày Nay, Phong Hóa
Thực ra, đối với nhóm Phong Hóa, Ngày Nay nói chung và Thạch Lam nói riêng, tôi không có thân tình, tuy rằng chúng tôi cùng làm báo vào cùng một thời kỳ với nhau.
Lúc Phong Hóa ra số đầu tiên (tòa soạn lúc ấy ở đầu đường Takou), tôi làm báo Rạng Đông của Nghiêm Xuân Huyến, do Trúc Đỳnh Trương Công Đỉnh làm chủ bút. Không nhớ vì một trạng thái tâm lý đặc biệt gì lúc đó, kỳ nào tôi cũng đả kích báo Phong Hóa. Ai còn lạ gì cái tính hiếu thắng của tuổi trẻ lúc bấy giờ. Dù phải, dù trái, cũng cố cãi cho kỳ được để lấy phần thắng về mình. Cãi có khi đúng, có khi cù nhầy. Cãi có khi lịch sự, có lúc quấy. Riêng tôi thì tôi nhận ngay rằng lúc ấy tôi cãi quấy nhiều hơn lịch sự. Mối tranh chấp bắt đầu từ đó. Nguyễn Tường Tam không thèm tiếp Vũ Trọng Phụng. Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long cáu kỉnh chửi Lê Tràng Kiều: “Những người như anh chỉ đáng cho một cái tát”. Lưu Trọng Lư, lúc ấy làm thư ký tòa soạn Hà Nội Báo xông vào trận, bị Tứ Ly giáng cho nhiều bài xuyên tạc Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư là “mật thám mách bu”.
Thấy nhóm Phong Hóa giương đông kích tây như vậy, Phùng Bảo Thạch, Lưu Văn Phụng và tôi, với sự hợp tác của nhiều cố vấn lập một mặt trận liên minh các báo chống nhóm Phong Hóa. Lúc ấy báo Rạng Đông chết, tôi lấy tờ Việt Nữ làm cơ quan liên minh chống Phong Hóa. Nhưng tờ Việt Nữ yếu quá, chúng tôi bèn ra tờ Vịt Đực, tờ báo hoàn toàn trào phúng đầu tiên ở Bắc Việt. Kỳ nào chúng tôi cũng viết vài bài kèm mấy cái “pô tanh” đả kích Phong Hóa dữ dội. Đả kích theo chiến thuật chiến lược được ấn định rõ ràng: phàm chửi ai, phải chửi sa sả ra, chửi hàng tháng hàng năm, chửi cho địch thành ra một cái trò hề, chửi thành ca dao tục ngữ để phổ biến trong dân chúng, chửi để cho đối phương chỉ có mà lụn bại, không có cách gì có thể cất đầu lên được.
Báo Phong Hóa bị đánh tứ phía - vì các báo của liên minh cùng lên tiếng họa theo một lượt - lấy thế làm phiền. Mà đau nhất là giữa khi đó thì Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long và Khái Hưng cùng các anh em khác như Thế Lữ, Trọng Lang (Trần Tán Cửu), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) lại phát động một cuộc cách mạng xã hội nhằm quét tàn dư phong kiến, xây nhà “ánh sáng” cho dân nghèo. Thế là chúng tôi lại có thêm đề tài để chửi. Các bạn còn lạ gì tuổi trẻ: chửi mà đã có đà thì ngày một ngày hai đâm ra hỗn láo, ba que, mất dạy. Tội nghiệp nhất là Thạch Lam. Từ lúc bắt đầu câu chuyện này, thực quả tôi không thấy anh dính líu vào nội vụ, mà tôi cũng không hề thấy anh viết một bài nào ký tên anh để trả lời chúng tôi. Phải nói thực, anh có một thái độ chiết trung, nếu không muốn nói là anh không muốn lôi thôi. Nhưng lúc bấy giờ chúng tôi đâu có chịu để yên cho Thạch Lam đứng khách quan như vậy. Tôi y như là con chó sói trong ngụ ngôn của La Phông Ten: anh không có lỗi, nhưng họ hàng nhà anh có lỗi, thì anh phải chịu lỗi luôn. Chúng tôi đả Thạch Lam tàn tệ như đã đả Hoàng Đạo, Nhất Linh, Khái Hưng. Nói có vong linh Nguyễn Tường Tam chứng giám: thấy cuộc bút chiến mỗi ngày một kém lịch sự đi, anh em cứ vạch áo cho người xem lưng mãi cũng chẳng hay ho gì, Nguyễn Tường Tam viết một thư “riêng và mật” cho chúng tôi yêu cầu nên chấm dứt vụ “chửi lộn dơ dáy” đó.
Nói cho đúng, bức thư viết rất nhã nhặn, nhưng chúng tôi có bao giờ lại chịu nhận thức như thế. “Chửi lộn dơ dáy”! Bốn chữ này hàm một ý nghĩa xỏ xiên: không được! Phải chửi nữa! Và lần này, không còn biết lôi ai ra chửi nữa, chúng tôi bèn chửi Thạch Lam. Chúng tôi chửi một cách rất hèn hạ, bẩn thỉu, không những lôi một vài chuyện cá nhân ra chửi để bôi nhọ Thạch Lam, hơn thế, có khi còn bịa ra những chuyện không hề có để nói xưng xưng lên như chuyện thật.
Cho đến bây giờ, tôi không biết phản ứng của Thạch Lam với những lời càn rỡ, xỏ xiên ấy ra thế nào, nhưng mấy số báo đó ra được vài ngày thì có một ông bạn đem “tưới dầu vào lửa”. Ông bạn đó nói: “Các anh đã biết gì chưa? Bọn Phong hóa Ngày nay nhất định cho các anh một mẻ. Riêng Thạch Lam công khai nói ở khắp mọi nơi rằng nó mà gặp “Tây Tím” (1) ở đâu nó phải đánh cho kỳ chết”.
Về sau này, bỏ cái nghề viết báo chửi càn, ngồi uống trà suy nghĩ, tôi ngờ rằng người đem câu chuyện ấy làm quà cho chúng tôi hoặc là đùa dai, hoặc làm mật thám cho Tây, phao tin ấy để chia rẽ anh em viết văn làm báo. Nhưng ngay hồi ấy thì tôi đâu có nghĩ như thế. Tôi yên trí Thạch Lam có nói thế thật, định làm nhục tôi thật. Thế là mối thù vô căn cứ, không có lý do gì hết, mối thù của tôi đối với Thạch Lam bắt đầu: trên Hà Nội Báo, trên Vịt Đực và một hai tờ báo “ma trơi” khác, tôi cứ lải nhải đả kích Thạch Lam không thiếu chuyện gì, không thiếu khía cạnh nào, bất kể đời công hay đời tư; ngoài ra, tôi lại còn làm vè đem xuống xóm, phổ biến để chửi Tự Lực văn đoàn: Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, nhất là Nguyễn Tường Lân. Tôi còn cố ý làm cho người ta lầm Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam) với một nghệ sĩ cũng tên là Nguyễn Tường Lân khác, lúc đó bị dính líu vào một vụ lường gạt mang tai mang tiếng.
Gặp nhau lần đầu trong một tiệm hút
Thế rồi chuyện ấy qua đi. Nhóm Phong Hóa quên chúng tôi và chúng tôi cũng không nhắc lại chuyện cũ làm gì nữa. Không phải là chúng tôi cao thượng gì đâu. Chúng tôi không nói tới nhóm đó nữa chỉ vì một lẽ rất giản dị là tờ Ngày Nay không chạy, mặc dù đã xoay xở đủ cách để cho tờ báo sống động, có một nội dung vui và mới. Thời kỳ này là thời kỳ Thạch Lam quản trị tờ báo. Chính trong thời kỳ này tôi đã gặp Thạch Lam, không gặp ở nhà báo, nhưng gặp ở một tiệm hút mà Thế Lữ, Thạch Lam và Nguyễn Kim Hoàn (một người anh rể của Thạch Lam) thường hay ra vào.
Nhưng trước khi nói về cuộc gặp gỡ này, tôi phải kể lại một sự việc làm cho tôi thắc mắc và không hiểu ra thế nào. Nguyên trước khi báo Ngày Nay ra đời mấy năm, tôi có viết một cuốn truyện dài nhan đề là Một mình trong đêm tối do Trung Bắc Tân Văn xuất bản. Tình cờ một hôm xem báo Ngày Nay, tôi thấy có một bài phê bình sách nói về cuốn Một mình trong đêm tối (1). Tôi vội nhìn xuống cuối bài để xem tác giả bài phê bình là ai thì thấy ký là Thạch Lam và Khái Hưng. Chưa đọc, tôi đã yên trí hai ông này thể nào cũng tiết sự thù hận, chửi rủa tôi tàn tệ… và tôi không đọc. Nhưng hôm sau, Vũ Trọng Phụng, sau khi hút một hơi thuốc lào, lấy xe điếu đập vào đầu tôi một cái, bảo: “Này, Bằng! Cái bài chúng nó viết về cuốn sách của toa đứng đắn lắm, tớ cho là được đấy. Đọc xem!”.
Tôi đọc. Phải nói ngay rằng đọc xong, tôi ngạc nhiên hết sức. Về phần Khái Hưng, tôi không nói làm gì. Tôi ngạc nhiên nhất là về Thạch Lam. Vì lúc đó Thạch Lam làm quản nhiệm tờ Ngày Nay, toàn quyền trong tay anh, anh muốn hạ tôi thế nào mà chẳng được, vậy mà trái lại, Thạch Lam lại viết một bài rất lịch sự, khen cuốn tiểu thuyết của tôi với những luận cứ làm cho tôi cảm động và đôi chỗ cũng chê, nhưng chê một cách nhẹ nhàng, thân mến và xây dựng. Phải đặt vào cá nhân tôi lúc đó mới có thể biết được sự xúc cảm của tôi thế nào: tôi không hiểu! Tôi không hiểu Thạch Lam định chơi trò gì đây, vì cái óc tồi tệ của tôi lúc đó tin rằng một người bị tôi đả kích dữ dội hàng nửa năm trời như thế, đả kích một cách nhơ bẩn như thế, không thể nào viết một bài khen kẻ địch của mình như Thạch Lam đã làm. Tôi sợ…, sợ trong vụ này có một âm mưu gì nguy hiểm, nhất là tôi biết rằng Thạch Lam là một người lạnh lẽo, ít nói ít cười, mà đối với nhỡn quan của tôi lúc bấy giờ, một người như thế là một người thâm hiểm.
Hóa ra tôi lầm. Lầm một cách khốn nạn.
Biết là Thạch Lam, Thế Lữ, Nguyễn Kim Hoàn hay ra vào tiệm Q.X.N., một hôm, tôi tìm đến để cảm ơn Thạch Lam về việc anh đã phê bình cuốn truyện dài của tôi và cũng nhân đó “anh em trò chuyện một đôi câu” hầu đánh tan những gay cấn có thể có giữa hai người.
Đêm ấy, Thạch Lam nằm một mình, không có bạn. Trò chuyện với anh chừng năm phút, tôi lại gặp sự ngạc nhiên nữa: Thạch Lam mời tôi hút (anh nói: “Chúng ta chưa trò chuyện với nhau bao giờ nhưng tôi biết anh lâu rồi, từ hồi còn học ở Lycée”) và anh nói chuyện bình thản, tự nhiên y như là từ trước giữa chúng tôi không hề xảy ra chuyện gì tàn tệ.
Thạch Lam, một nhà văn lịch sự, yêu người như yêu mình
Thấy giọng nói và cử chỉ của Thạch Lam như thế, tôi không tin liền. Mãi sau đi hút đêm với nhau về, ngồi trên những cái ghế ở thấp trước cửa chợ Đồng Xuân, uống nước chè tươi với kẹo vừng, nói chuyện về những người buôn gánh bán bưng, về những đứa trẻ ngủ đường ngủ sá dưới trời đông rét mướt, về những cô gái nhà nghèo ở phố huyện xa xôi, tôi mới dần dần nhận thấy anh quả thực là một người quân tử, không có một ý tưởng gì thấp kém, quý trọng sự sống hơn cả tròng con mắt mình, hơn thế lại thương yêu mọi người một cách chân thành, tuyệt nhiên không biết nói xấu ai, không biết thù hận ai, không biết ghét ghen hay ganh tỵ với ai.
Nếu sống đến bây giờ, anh hơn tôi hai tuổi. Anh mất lúc hãy còn quá trẻ. Chẳng biết đó có phải là thiên mệnh hay không, nhưng nhớ lại những lời anh nói trong những lúc đi chơi la cà ban ở ngoài đường với nhau, tôi thấy anh hay nói một câu đại khái như thế này: “Xét cho cùng, ở đời ai cũng khổ, người khổ cách này, người khổ cách khác. Bí quyết là tìm lấy cái vui trong cái khổ, vì sống, chỉ sống thôi cũng đã quý lắm rồi. Người ta không bao giờ nên phí phạm cái sống, coi thường sự sống”.
Ngay lúc đó, nghe anh nói, tôi không mấy lưu ý, và tôi nghĩ rằng Dostoievsky đã nhiều lần nói lên cái tư tưởng đó rồi. Nhưng sau này, khi anh mất đi, ngồi nghĩ ngợi thấm thía về câu nói đó, tôi thấy quả Thạch Lam là người yêu sự sống hơn cả ai ai. Anh quý từ chén nước chè tươi nóng, trang trọng đưa lên miệng uống một cách gần như thành kính, tiếc từ một cái kẹo vừng rơi xuống đất, nhặt lên phủi bụi rồi cầm lấy ăn một cách chậm rãi như thể vừa ăn vừa suy nghĩ, cảm ơn Trời đã cho mình sống để thưởng thức một món ăn ngon lành như vậy, anh cẩn thận từng câu nói với cô bán hàng vì sợ lỡ lời có câu nào không chu đáo có thể làm cho người ta tủi thân mà buồn…
Không. Trong nhóm Phong Hóa Ngày Nay, Hoàng Đạo là người lý thuyết, Nhất Linh là người thực hành, Khái Hưng là người đả phá nếp sống cũ để tiến tới một đời sống mới, tựu trung đều là thương người, yêu người cả. Nhưng muốn nói đến một người tôn thờ nhân bản thực sự, một người thương yêu xót xa đồng bào từ tâm can tì phế thương ra thì người ấy chính là Thạch Lam. Vì mất sớm, tác phẩm của anh không có nhiều, nhưng tác phẩm đầu của anh Gió đầu mùa là bằng chứng cụ thể chứng tỏ điều tôi vừa nói. Anh là một thứ Panait Istrati, lấy nhân vật toàn ở trong đám bình dân nghèo khổ không ai buồn lưu ý, như công chức nghèo, cô gái bán tạp hóa ở phố huyện, người đàn bà góa có hơn chục đứa con, người chồng đói giận vợ giục đồ ăn đi xong rồi lại nhặt lấy để ăn mà ăn ngon lành là khác… Đặc trưng của Thạch Lam là viết những cảnh đời đen tối, u sầu như thế mà văn không đen tối u buồn như Gorki của Nga hay như Nguyên Hồng của ta, làm cho ta nản sống; trái lại, văn anh vẫn tươi sáng, nhẹ nhàng, mà đẹp, làm cho người đọc cảm thấy buồn dìu dịu nhưng triền miên, buồn chung cho kiếp người, chớ không buồn đến uất ức, sinh ra phẫn uất vì chế độ. Thạch Lam cao hơn nhiều người khác về điểm đó. Nhưng cái cao đó sẽ không đi đến kết quả như ý muốn nếu không có một kỹ thuật đặc biệt giúp tay: những sự việc, những tình tiết, những trạng thái tâm lý rất bình thường, đối với những cây bút tầm thường sẽ bị rậm lời mà nói lên không hết ý. Với Thạch Lam, khác hẳn: Anh đã nói lên được cảm tính của các nhân vật của anh một cách đơn thuần, giản dị và trong sáng.
Một nhà tư tưởng, chớ không phải là một người hành động
Sống trong đám người đi lại bình thường, hồn nhiên nhưng quằn quại trong nhục nhằn, đau khổ, Thạch Lam yêu họ như yêu mình. Một người như thế không thể là một nhà lý thuyết, cũng không thể là một người hành động, mà chỉ có thể là một nhà tư tưởng, như chim đường nga kia đêm tăm bay mỏi, lấy mỏ rút ruột mình để nuôi một đàn con đói.
Tôi còn nhớ có một đêm anh cùng tôi đi thơ thẩn ở đường Hàng Bông, Thợ Nhuộm trông sang nhà pha Hỏa Lò. Xa xa, có một tiếng khóc tỉ tê vọng lại. Chúng tôi đi đến chỗ có tiếng khóc đó xem sao thì thấy một đứa bé đeo một cái hộp thiếc ngồi co ro ở trong xó tối. Hỏi tại sao, thằng bé nói: “Cháu đi bán phá sa (đậu phộng rang), được hơn hai hào cả thảy, vừa định về nhà thì có đứa nó đến đánh cháu và cướp hết cả tiền của cháu”. - “Nhà mày ở đâu?”. - “Nhà cháu xa lắm, ở tận đường Hàng Bột. Nhưng dù gần, cháu cũng không dám về, vì cha cháu mất sớm, mẹ cháu đi lấy chồng, bố ghẻ cháu ác lắm, cháu mà về thì ông ấy giết cháu chết!”. Móc trong túi còn hơn hai hào, Thạch Lam đưa cả cho thằng bé và ân cần bảo nó về ngay kẻo ở nhà mẹ đợi. Đi một quãng đến Hội Chợ, tôi nói với Thạch Lam: “Tôi ngờ thằng bé này nói láo. Hình như đã có một đêm đi hát ở Khâm Thiên về, tôi cũng thấy nó khóc và nói y như thế… và người bạn cùng đi với tôi bị lừa…”. - “Vậy ư? Nhưng bị lừa hay không, theo tôi, cái đó không quan hệ lắm. Điều cần là mình làm một việc xét ra là phải làm, theo ý của mình, còn người thụ hưởng việc phải  đó muốn thực thi việc phải đó ra thế nào, mặc họ. Nghĩa là khi nào mình thấy việc gì phải làm thì cứ làm, kết quả ra sao không cần lắm. Tôi xin kể anh một thí dụ: Có một người đến nhờ tôi giúp một số tiền nhỏ. Tôi biết là người ấy xin tiền để hút. Nhưng tôi không cần biết điều ấy làm gì. Tôi chỉ thấy rằng anh ta đau đớn khổ sở vì thuốc phiện hành hạ, nếu có tiền để anh ta đi hút thì anh ta sung sướng lắm. Tôi có tiền, tôi cứ giúp đỡ anh ta mà không cần hỏi tại sao anh ta cần tiền, mà tôi cũng chẳng cần khuyên anh ta nên cai thuốc phiện. Giúp được anh như thế, tôi nghĩ rằng tôi đã đem lại cho anh ta một phút vui sướng trong kiếp sống; nếu tôi nói một câu gì khác, tôi nghĩ rằng cái cử chỉ của tôi mất hết cả vẻ đẹp đi. Rất có thể có người thấy tôi hành động như thế cho là tôi “nối giáo cho giặc”, nói một cách khác là lòng tốt, ở vào trường hợp đó, không ích gì, mà hành động của tôi không giải quyết được vấn đề gì dứt khoát. Có thể quan niệm như thế là phải, nhưng tôi có quan niệm về sự sống của tôi; đúng hay sai, tôi không biết, nhưng óc tôi nghĩ như thế, lòng tôi cảm thấy như thế tôi cứ nói thực với anh như thế”.
Nghe Thạch Lam nói, tôi không trả lời. Nhưng vừa bước chậm rãi trong đêm khuya vừa suy nghĩ, tôi chợt nhớ có một lần một bạn văn đã nói cho tôi biết tại sao Thạch Lam lại thất bại trong việc quản trị báo Ngày Nay lúc đầu. Anh bạn nói:
“Thạch Lam có nhiều sáng kiến trong ngành báo. Có thể bảo rằng anh mới chính là bộ óc của Tự Lực văn đoàn, nhưng quản trị tờ Ngày Nay mà thất bại, ấy chính vì anh là một nhà văn, một ký giả thượng thặng nhưng lại nuôi một tâm hồn nghệ sĩ theo đúng nghĩa của hai chữ đó, không cần giới ý đến sự thành bại về khía cạnh thương mại và tài chánh”.
Nhớ lại câu nói đó của anh bạn, tôi dần dần nhớ lại rằng có một lần trước đó, một nhà thơ đã nói công khai trước anh em bên một bàn rượu ở chợ Tân Định:
“Tôi nợ Thạch Lam rất nhiều về tinh thần. Đối với tôi, anh tốt quá, tốt không thể nào tưởng được: bao nhiêu lần tôi ký bông vay tiền của báo Ngày Nay, Thạnh Lam đều chuẩn nhận hết, không từ chối một lần nào. Mà phải nói thực rằng, mười lần tôi nhận trước tiền bài như thế thì họa hoằn có hai ba lần tôi viết bài cho báo Ngày Nay, còn những lần khác thì tôi cứ tiêu đại đi rồi quên mất, không viết trừ…”.
Không hiểu có phải vì lề lối làm việc “thơ mộng” của Thạch Lam mà về sau Nguyễn Tường Tam thay đổi người quản trị báo Ngày Nay không, nhưng, theo Nguyễn Kim Hoàn, một người trong gia đình Nguyễn Tường, nói với tôi hồi đó thì Thạch Lam rất ngạc nhiên về hành động của Nguyễn Tường Tam và nghĩ rằng sao lại có người có thể cho hành động của anh đối với các bạn văn có cái thói quen “mượn trước tiền để tiêu” là “thiếu khoa học”, “không thực tế”…
Thì ra Thạch Lam, trong văn chương cũng như ngoài đời, lúc nào cũng thuần nhất trong ý niệm về cái sống: đời người khổ cực đủ trăm đường, nếu không tự tạo cho mình hay tạo cho những người ở chung quanh một phút vui thì chẳng còn gì đáng kể. Trong tập Gió đầu mùa, mẹ Lê góa chồng sống với một đàn con lúc nhúc trên mười đứa, đã có lần tìm ra cái vui đó trong một bữa cơm có đông đủ con cái ngồi ăn, cãi nhau chí chóe trước một cái mâm có muối, dưa và rau muống sống, thì Thạch Lam, ở ngoài đời, cũng đi tìm một giây phút thú vui bằng cách giúp cho bạn giải quyết giai đoạn một vấn đề tài chánh, hay rủ mấy người bạn khác thiếu ăn đi chén một bữa cơm xoàng, chan chứa một niềm thân ái.
Bình “đào lê mỹ tửu” của Thạch Lam
Vừa ăn vừa tâm sự nhỏ nhẻ, thỉnh thoảng lại cười khúc khích với nhau, tôi thấy rằng trong phạm vi bè bạn, Thạch Lam cho đó là một cái thú giản dị nhưng lại thanh cao nhất. Tiếc rằng nhiều bạn hữu của anh bây giờ đã khuất bóng hay không có mặt ở đây nên không có ai nhắc lại sự sành ăn sành uống cũng như cái tài làm bếp khéo của Thạch Lam, nhưng mồ ma Đinh Hùng, tôi thấy anh hay kể lại câu chuyện này giữa hai ngụm rượu mạnh hoặc ở bên khay đèn:
“Quê Thạch Lam ở Cẩm Giàng (Hải Dương). Mùa xuân năm đó (1942), mồng ba Tết, chúng tôi rủ nhau về họp mặt tại quê anh. Trong một ngôi nhà gạch kiểu ánh sáng, quang đãng mà ấm cúng, giữa một vườn cây nhiều hoa trắng, chúng tôi quây quần thù tạc. Ngày Tết ở miền quê, không khí gia đình hòa lẫn vào không khí thân hữu, tự nhiên đượm một phong vị vừa thân mật, vừa sảng khoái.
Bọn chúng tôi gồm có: cặp vợ chồng kịch sĩ và thi sĩ Song Kim - Thế Lữ, cố văn sĩ Khái Hưng, cố văn sĩ Trần Tiêu, ông Hoàn, quản lý nhà xuất bản Đời Nay, anh bạn thơ Huyền Kiêu, bác sĩ kiêm nghệ sĩ Nguyễn Tường Bách, Thạch Lam và tôi. Trong bọn tôi thì tôi ít tuổi nhất, nên những người kia gọi tôi là tiểu tử (benjamin) để rồi lại gọi trệch đi là… tửu tử.
Bữa rượu đầu xuân năm ấy, phải nói rằng chúng tôi đã uống với tất cả chất men say ngây ngất bốc lên từ chính tấm lòng xuân phơi phới của mình, hòa với cái say của hương khói trong nhà, của mưa bụi ngoài trời, của lá hoa xuân hiền dịu, của mùi thơm cây cỏ ngoài vườn…
Câu chuyện “văn nghệ” điển hình nhất của chúng tôi tất nhiên khởi sự chung quanh… mâm cỗ Tết, có đủ các trân vị đặc biệt của cái Tết Việt Nam thuần túy: bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành, cá kho, giò thủ, thịt đông, cùng các món đồ nấu cổ điển trình bầy rất hòa điệu. Bởi vì đây là cỗ Tết của gia đình tác giả “Hà Nội băm sáu phố phường”, nhà văn đã nâng cao vấn đề ẩm thực lên thành một nghệ thuật tinh vi.
Chúng tôi đều biết cái khiếu thưởng thức món ăn của Thạch Lam rất tế nhị, và chúng tôi thường nói đùa rằng: “Thạch Lam ăn có nguyên tắc, uống có lập trường, và phê bình vấn đề ăn uống với một quan niệm siêu đẳng…”.
Tôi không bao giờ quên cái dáng điệu ngồi rất đẹp của anh, khi anh nâng chén: cái đầu nghiêng nghiêng, cặp mắt lim dim, anh rung đùi nhắc lại một câu mà anh đã viết trong “Hà Nội băm sáu phố phường”: “Hãy bảo cho tôi biết bạn ăn uống ra sao, tôi sẽ nói cho bạn rõ là bạn là hạng người nào”.
Chúng tôi đồng thanh lấy giọng ê a như ngâm thơ, và cùng gõ nhịp đũa xuống mâm, đọc to câu đó lên trước khi cạn chén, để rồi gật gù kết luận rằng đó là một câu “danh ngôn” đắc ý nhất của “danh sĩ” Thạch Lam.
Tôi cũng không quên được cái chất men rượu xuân năm ấy, sánh quyện đầu lưỡi ngọt lừ mà tê lịm, có thể cứ uống mềm môi mà say ngất lúc nào không biết. Rượu đựng trong những nậm sứ cổ, rót vào chén nhỏ men trắng như ngọc, càng tôn thêm phẩm chất và hương vị. Trong đời tôi, có lẽ chưa bao giờ được uống thứ rượu ngon như thế. Phải chăng vì rượu có thấm đượm cả cái men xuân kỳ diệu? Nhưng không phải tôi tự huyễn hoặc. Tất cả những người khác cũng đều công nhận là rượu ngon lắm: thuần chất hơn Mai Quế Lộ, say hơn Thanh Mai, thanh khiết hơn hết các thứ rượu cúc, rượu cẩm, và cố nhiên không nên so sánh với rượu Tây, vì đây là chất men hợp với huyết thống con người Đông phương trầm mặc.
Uống rượu ngon thì biết là rượu ngon, duy không ai đoán biết là rượu gì! Thạch Lam cười bí mật, gọi người nhà bưng cả vò rượu lớn ra, chỉ vào mảnh giấy hồng điều dán làm nhãn hiệu có viết bốn chữ Nho “Đào Lê Mỹ Tửu”. Anh nghiêm trang giải thích: “Đào Lê Mỹ Tửu” là rượu ngon, đành rồi! Còn Đào Lê không phải là quả đào với quả lê, mà còn nói lái lại, chỉ là Đề Lao: Đề Lao là nhà tù, ai mà không biết? Thứ rượu này dẫn người ta đến nhà tù dễ như bỡn; vậy chỉ là rượu ngang, rượu lậu thuế!”.
Chúng tôi cùng cười phá lên, và hô lớn:
“Đào Lê Mỹ Tửu Vạn Tuế!”
“Đả đảo Tây Đoan!”
Nói đến Tây Đoan, lập tức mọi người nhớ ngay đến anh chàng thi sĩ tác giả “Thơ thơ” là Xuân Diệu, mà kịch sĩ Đoàn Phú Tứ gọi là Xuân Rượu, vì hồi đó Diệu vừa thi đậu làm cò mi Đoan và Diệu đã được làng văn tặng cho hai câu thơ:
Đương làm thi sĩ hóa Tây Đoan
Nửa mặt nhà thơ, nửa mặt quan…
Nói đến Tây Đoan, người ta còn truyền tụng với nhau câu chuyện sau đây: “Đêm giao thừa, Xuân Diệu và Huy Cận đã rủ nhau về ăn tất niên ở Cẩm Giàng, quê nhà Thạch Lam, nghĩa là cũng ở gian nhà mà chúng tôi đang họp mặt. Hai anh chàng Xuân và Huy đã cùng thức trắng đêm bên cạnh nồi bánh chưng, để rồi, khi bánh chưng vừa luộc chín, một mình nhà thơ Xuân Diệu đã ăn sốt sột hết đúng… bốn cái bánh chưng còn nóng hổi, bốn tấm bánh chưng lớn vừa bằng bốn viên gạch lá nem vuông vắn, mỗi chiều xấp xỉ hai mươi phân Tây, bề dầy ít nhất cũng ba, bốn phân Tây! Thành tích “ăn” đó có thể coi là kỷ lục xuất chúng ở vào cái thời kỳ đã khuất bóng cụ Lê Như Hổ.
Người ta kinh dị mà kể với nhau câu chuyện “Thi sĩ Xuân Diệu (họ Ngô) một mình ăn hết bốn tấm bánh chưng cỡ lớn, và ăn liền một mạch như voi cuốn, ăn thẳng thừng không ngẫm nghĩ, không suy tư, tất nhiên là không cần “ăn có lập trường” như Thạch Lam!”.
Câu chuyện rất thực, không phóng đại mảy may. Chính Thạch Lam, xưa nay vẫn được tiếng là không nói phiếm bao giờ, cũng phải xác nhận là đúng. Anh chép miệng phê bình bằng một nửa câu danh ngôn bất hủ: “Hãy cho tôi biết bạn ăn uống ra sao…”, và anh bỏ lửng câu nói để thay thế bằng một nụ cười đầy ý nghĩa…”.(1)
Từ cái cười đến cái chết của Thạch Lam
Ấy đấy, cái cười của Thạch Lam nhẹ nhàng, hồn nhiên như thế đấy. Nghĩ lại thì trong suốt cuộc đời anh, cái gì cũng nhẹ nhàng: nhẹ nhàng từ cử chỉ, từ tiếng nói, nhẹ nhàng từ câu nói, từ bước đi. Cũng như các nhân vật trong các truyện của anh, Thạch Lam sống nhẹ nhàng, lặng lẽ: bây giờ ai còn nhớ anh, hẳn phải nhận với tôi rằng anh đi nhẹ nhàng, lặng lẽ không tưởng được, dường như nếu bước mạnh thì sợ đất nó đau. Có người lại cho rằng anh lặng lẽ âm thầm như vậy chính là vì anh là một người rất mực khiêm nhường, lúc nào cũng tự coi mình là bé nhỏ, không muốn để cho ai thấy sự hiện diện của mình, không muốn để cho ai phải lưu ý tới mình.
Không. Về phương diện văn chương cũng như về tác phong đạo đức, ta phải nhận là trong làng văn, Thạch Lam quả là một con người độc đáo. Có tài mà lại khiêm nhường, người nhỏ mà lòng nhân ái lại lớn. Thạch Lam mất đi đã để lại một sự tiếc nhớ khôn nguôi cho nhiều bè bạn. Người ta tiếc Thạch Lam mất sớm quá, thành ra tác phẩm anh để lại chẳng được bao nhiêu. Nhưng nghĩ cho cùng thì trong cái nghiệp văn chương cũng như thiên hạ sự nói chung, giai nhân danh tướng không để cho ai trông thấy bạc đầu, sự đó không có gì là lạ.
Tôi nhớ các anh em cũ: Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Trọng Phụng, Phạm Hầu, Hàn Mặc Tử, Vũ Lang, Vũ Trọng Can, Khổng Dương… hầu hết đều như vậy. Riêng về mấy người tôi biết rõ thì Vũ Trọng Phụng để lại một người vợ trẻ và một cháu gái, vợ anh thắt lưng buộc bụng nuôi con; Nguyễn Nhược Pháp có một người yêu hiện ở đây lúc nào cũng mặc quần áo đen để tưởng nhớ người đã khuất; còn Thạch Lam cũng để lại một người vợ chắt chiu đi làm nhân viên bưu điện, một nắng hai sương để nuôi một đàn con dại cho nên người khá giả.
Đấy là cả một sự đền bù mà bây giờ, mỗi khi gió sớm mây chiều, các anh em trong làng văn nhắc nhở đến người quá cố, vẫn kể lại cho nhau nghe như kể chuyện truyền kỳ và đều lấy thế làm một niềm an ủi.
Ghi chú:
(1) “Tây Tím” là xước danh của nhà văn Vũ Bằng do các bạn thân của ông đặt ra - (NBS).
(1) Theo chỗ biết riêng của tôi, truyện này đã được Hà Nội tái bản vào khoảng 1957-1958.
(1) Trích Tìm về những mùa xuân dĩ vãng: Men xuân quê nhà Thạch Lam của Đinh Hùng, trong tạp chí Sáng dội miền Nam, số 21, năm 1961.
Giao điểm, Sài Gòn, 12-1971
Vũ Bằng
Nguồn: Vũ Bằng Toàn Tập, tập IV. Nhà văn 
Triệu Xuân sưu tầm, biên soạn, giới thiệu. 
NXB Văn học, 2006.
Theo https://trieuxuan.info/



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chúng ta đã tìm bình yên ở những đâu Khi đối mặt đại dịch Covid-19, càng hiểu thêm giá trị của cuộc giằng co giữa sự thật và giả dối tro...